Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XII - Chương 224 - 225
224. Cẩm Sắt
Vương sinh ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông) mồ côi từ nhỏ, nhà nghèo nhưng phong tư đẹp đẽ, quần áo tươm tất hơn người. Có nhà giàu họ Lan gặp Vương thích lắm, gả con gái cho, hứa sẽ xây nhà mua ruộng cho làm sản nghiệp. Cưới không bao lâu thì ông Lan chết, anh em vợ đều khinh thường sinh, vợ thì càng lên mặt, coi chồng như đầy tớ. Thường một mình ăn uống ngon lành, sinh tới thì đem cơm hẩm rau già, đũa tre chén đất bày ra trước mặt, nhưng sinh đều nhịn nhục. Năm mười chín tuổi sinh đi thi khoa Đồng tử bị đánh rớt, từ quận về nhà gặp lúc vợ không có trong phòng, thấy trong nồi có miếng thăn dê ninh chín múc định ăn, vợ bước vào không nói câu nào, bưng luôn nồi thịt cất đi. Sinh xấu hổ quá vứt đũa xuống đất nói: “Thế này thì thà chết còn hơn.” Vợ tức tối hỏi chừng nào chết, rồi đưa cho sợi dây nói cầm lấy mà treo cổ. Sinh uất ức, đập tô canh vỡ trán vợ, căm hờn bỏ ra, tự nghĩ đúng là thà chết còn hơn bèn đem theo dây lưng vào chỗ khe sâu trong núi.
Tới dưới một gốc cây lớn, đang chọn cành thắt thòng lọng chợt thấy trên gò đất thấp thoáng bóng xiêm đàn bà. Chớp mắt có một người tỳ nữ bước ra, nhìn thấy sinh vội quay ngay lại như cái bóng mất hút, trên vách đất cũng không có dấu vết gì. Sinh biết là yêu quái nhưng đang muốn chết nên không hề sợ hãi, bèn bỏ sợi dây đấy ngồi rình xem. Giây lát lại có ra nửa khuôn mặt lộ ra, vừa thoáng thấy đã rút trở vào, sinh nghĩ là ma quỷ, theo nó ắt tìm được cái chết sung sướng, liền vớ hòn đá đập vào vách đất, kêu: “Ai dưới đất đấy, chỉ đường cho với, ta không cần vui mà muốn chết thôi.” Hồi lâu không nghe thấy gì, sinh lại kêu nữa thì nghe bên trong đáp: “Người muốn chết xin cứ tạm lui, tối hãy tới!” Âm thanh trong trẻo rõ ràng nhưng nhỏ như tiếng muỗi vo ve. Sinh nói: “Vâng,” rồi ngồi chờ tối.
Không bao lâu, sao mọc đầy trời, vách núi chợt biến thành tòa phủ đệ to lớn, hai cánh cổng khẽ mở ra, sinh theo bậc thềm bước vào. Vừa được vài bước thấy có dòng nước chảy ngang, khói bốc nghi ngút như suối nước nóng, nhúng tay xem thử thấy nóng như sôi, cũng không biết sâu bao nhiêu. Sinh ngờ đây là chỗ chết mà quỷ thần chỉ cho, liền nhảy ào xuống, nước nóng thấm qua mấy lần áo, da thịt rát bỏng nhưng may mà cứ nổi không chìm, ngoi ngóp một hồi thì quen dần với cái nóng, cố vùng vẫy mới lên được bờ bên kia, toàn thân cũng may không rộp lên. Lại đi tiếp, nhìn thấy dưới mái nhà xa xa có ánh đèn, rảo bước tới thì có con chó dữ xồ ra cắn áo xé vớ. Sinh nhặt đá ném, con chó hơi lùi, nhưng cả bầy chó lại đổ ra sủa ầm lên, con nào cũng to bằng con nghé.
Đang lúc nguy cấp thì người tỳ nữ bước ra quát đuổi lũ chó rồi nói: “Anh chàng muốn chết tới đó phải không? Nương tử nhà ta thương chàng khốn đốn, sai thiếp đưa chàng tới “ổ yên vui”, từ đây không còn tai họa gì nữa.” Rồi khêu đèn dẫn đường, mở cổng sau im lặng đi, tới một căn nhà thì giơ đèn lên soi vào cửa sổ nói: “Chàng cứ vào nhé, thiếp đi đây!” Sinh vào nhìn quanh thì ra đã trở lại nhà mình, quay ngay ra thì gặp bà già vẫn hầu hạ vợ, bà ta nói: “Cả ngày tìm kiếm, lại còn đi đâu?” Rồi kéo sinh trở vào. Vợ buộc khăn chỗ bị thương xuống giường ra đón, cười nói: “Làm vợ chồng hơn năm, đùa giỡn mà không biết sao, thiếp biết lỗi rồi. Chàng bị trêu chơi mà thiếp bị thương thật, thôi cũng đủ hả giận rồi mà.” Rồi lấy ở đầu giường ra hai nén vàng lớn đặt vào lòng sinh nói: “Từ nay về sau cái ăn cái mặc xin theo ý chàng, vậy được chưa?” Sinh không đáp, ném vàng lại xô cửa bỏ đi, định vào khe núi tới gõ cửa tòa phủ đệ.
Ra tới ngoài đồng thì thấy người tỳ nữ đi chậm rãi, ánh đèn vẫn còn thấp thoáng xa xa. Sinh vội chạy theo gọi, ánh đèn bèn dừng lại, chạy tới thì người tỳ nữ nói: “Chàng lại tới đây thì thật phụ nỗi khổ tâm của nương tử.” Sinh đáp: “Ta muốn chết chứ không nhờ nàng giúp cho sống lại. Nương tử nhà cao cửa rộng, dưới đất chắc cũng cần người, ta xin theo phục dịch, chứ thật tình không còn thấy sống là vui nữa.” Người tỳ nữ nói: “Chết vui cũng không bằng sống khổ, sao chàng nghĩ trái như vậy. Nhà bọn ta không có việc gì khác, chỉ có đào sông hốt phân, nuôi chó chôn xác, mà làm sai thì bị khoét mũi cắt tai, chặt chân cắt gót, chàng làm được không?” Sinh đáp: “Làm được!” Kế lại vào qua cổng sau, sinh hỏi: “Ta phải làm việc gì? Nàng vừa nói chôn xác, ở đâu mà có nhiều người chết như thế?” Người tỳ nữ đáp: “Nương tử từ bi, lập ra vườn Cấp Cô[1], gom nuôi các hồn ma chết bất đắc kỳ tử không nhà dưới âm ty, kể có hàng ngàn, ngày nào có người chết là phải đi chôn xác, xin mời xem qua một lần.”
[1] Vườn Cấp Cô: Kinh Kim cương chép nước Xá Vệ có một trưởng giả tên Tu Đạt Noa thường bố thí cho kẻ nghèo khổ bệnh tật cô độc, về sau xây vườn mời đức Phật thuyết pháp, người ta gọi là vườn Cấp Cô. Đây chỉ nơi trường sở làm việc từ thiện.
Giây lát tới một cánh cổng đề chữ “Cấp Cô viên”, vào trong thấy nhà cửa ngang dọc chen lẫn, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Ma quỷ trong vườn thấy đèn xúm cả lại, đều đứt đầu cụt chân trông rất thê thảm. Quay ra định đi thì thấy có cái xác nằm ngang dưới tường, máu thịt bê bết, người tỳ nữ nói: “Mới nửa ngày chưa kịp chôn mà đã bị chó xé nát rồi,” rồi sai sinh chuyển đi. Sinh có vẻ ngần ngại, nàng nói: “Nếu chàng không làm được thì xin mời cứ về chỗ yên vui vậy!” Sinh bất đắc dĩ phải vác xác đưa vào chỗ kín, rồi nhờ người tỳ nữ cố xin cho mình may ra khỏi phải làm công việc nhơ bẩn ấy, nàng bằng lòng. Đi tới gần một căn nhà, nàng nói: “Cứ ngồi tạm ở đây để thiếp vào thưa, việc nuôi chó thì nhẹ nhàng hơn, có thể xin cho để chuộc lỗi vừa rồi.”
Vào trong giây lát thì đi nhanh ra nói: “Vào đây vào đây nương tử ra đấy!” Sinh theo vào sảnh đường, thấy đèn lồng treo khắp bốn bên, có một cô gái ngồi gần phía trong cùng, khoảng hai mươi tuổi, phong thái như thiên tiên. Sinh lạy rạp dưới thềm, nàng lập tức sai kéo đứng lên, nói: “Đây là một người học trò, làm sao nuôi chó nổi, có thể cho ở nhà phía tây trông coi sổ sách.” Sinh mừng rỡ lạy tạ, cô gái nói: “Người có vẻ thành thật chất phác, hãy làm việc cẩn thận. Nếu có sai phạm thì tội không nhẹ đâu, sinh líu ríu vâng dạ. Người tỳ nữ dẫn sang nhà phía tây, sinh thấy phòng ốc sạch sẽ mừng rỡ tạ ơn rồi hỏi thăm gia thế nương tử. Người tỳ nữ đáp: “Nương tử tiểu tự là Cẩm Sắt, con gái Tiết hầu ở Đông Hải. Thiếp tên Xuân Yến, hàng ngày có cần gì, xin cứ gọi.”
Người tỳ nữ ra đem áo giày chăn nệm vào đặt lên giường, sinh mừng vì được chỗ yên thân. Sáng ra sinh dậy sớm ra làm việc, ghi chép danh sách ma quỷ. Tôi tớ trong nhà đều tới yết kiến, biếu rượu thịt rất nhiều nhưng sinh giữ ý đều từ chối, ngày hai bữa cơm đều từ nhà trong đưa ra. Nương tử xét thấy liêm khiết cẩn thận nên đặc cách ban cho mũ nhà nho và áo màu, phàm có ban thưởng gì đều sai Xuân Yến đem tới. Người tỳ nữ cũng rất phong vận, khi đã quen rồi thì nhiều phen liếc mắt đưa tình, nhưng sinh cẩn thận giữ mình không dám sơ suất, chỉ giả làm ra vẻ ngốc nghếch. Qua hơn hai năm tiền thưởng đã tăng gấp bội mà sinh vẫn cẩn thận chăm chỉ như cũ.
Một đêm đang ngủ, chợt nghe nhà trong có tiếng la thét ầm ĩ, vội vùng dậy cầm đao ra thì thấy lửa đỏ rực trời, lần vào xem thì bọn cướp lố nhố đầy sân, đám tôi tớ sợ hãi chạy trốn. Một người giục cùng chạy trốn, sinh không nghe mà bôi đen mặt, thắt dây lưng chen vào đám cướp kêu to: “Đừng làm Tiết nương tử sợ hãi, nhưng phải chia nhau tìm của cải đừng để sót?” Lúc ấy bọn cướp đang tìm kiếm Cẩm Sắt khắp các phòng mà chưa thấy, sinh biết nàng chưa bị bắt liền lén ra sau nhà tìm kiếm, gặp một bà già núp ở đó, mới biết nàng và Xuân Yến đã leo qua tường ra ngoài. Sinh cũng leo qua tường ra, thấy hai chủ tớ núp trong góc tối, liền nói: “Chỗ này làm sao núp được?” Cô gái đáp: “Ta không sao đi được nữa,” Vương liền bỏ đao cõng nàng, chạy khoảng hai ba dặm, mồ hôi nhễ nhại mới vào tới một hang núi sâu, đặt nàng xuống cho ngồi.
Chợt có một con cọp tới, sinh cả kinh định xông ra chặn thì nó đã ngoạm lấy cô gái. Sinh vội túm chặt tai cọp, hết sức đẩy cánh tay vào miệng nó để thay cho Cẩm Sắt. Con cọp tức giận nhả cô gái ra ngoạm vào tay sinh nghe răng rắc, cánh tay lìa ra rơi xuống đất, con cọp cũng bỏ đi. Cô gái khóc nói: “Khổ thân người, khổ thân ngươi!” Sinh đang hăng chưa biết đau, chỉ thấy máu chảy như suối bèn bảo người tỳ nữ xé vạt áo băng bó vết thương. Cô gái ngăn lại, cúi xuống nhặt cánh tay gãy rồi đích thân nối vào cho sinh, buộc chặt lại. Hừng sáng mới từ từ trở về, vào tới nhà thấy vắng tanh, trời sáng hẳn đám tôi tớ mới dần dần tụ tập lại. Cô gái đích thân tới thăm vết thương cho sinh, cởi vải buộc ra thì chỗ xương gãy đã liền lại, lại lấy thuốc ra rịt vào vết thương mới đi.
Từ đó nàng càng quý trọng sinh, đồ ăn thức dùng đều cho hưởng ngang mình. Khi vết thương lành hẳn, cô gái đặt tiệc ở nhà trong để ủy lạo, bảo ngồi, sinh từ chối mấy lần mới ngồi ghé vào một góc. Cô gái nâng chén mời trân trọng như đối với khách, hồi lâu mới nói: “Thân thiếp đã kề cận chàng, muốn học em gái vua Sở theo Chung Kiến[2] nhưng hiềm không có ai mai mối, phải mặt dày tự nói ra.” Sinh hoảng sợ nói: “Ta chịu ơn nặng, có chết cũng không đủ đền đáp, nếu làm quá phận thì e trời phạt, thật không dám theo lệnh. Nếu thương ta không có vợ thì ban cho một người tỳ nữ cũng đã là quá rồi.”
[2] Chung Kiến: Tả truyện, Định công tứ niên chép quân Ngô đánh tới Sính Đô nước Sở, vua Sở và gia quyến phải tránh nạn, bề tôi của vua Sở là Chung Kiến ghé vai cõng em gái vua Ngô là Ngũ Thiên chạy. Về sau vua Sở định gả chồng cho em gái, Ngũ Thiên không chịu, nói đã kề cận với Chung Kiến lúc được ông ta cõng, vua Sở bèn gả nàng cho Chung Kiến.
Một hôm, chị lớn cô gái là Dao Đài tới, là một giai nhân khoảng bốn mươi tuổi. Đến tối gọi sinh vào, Dao Đài bảo ngồi rồi nói: “Ta từ ngàn dặm tới đây để làm chủ hôn cho cô em, đêm nay có thể cho thành hôn với bậc quân tử. Sinh lại đứng lên từ tạ, Dao Đài liền gọi rót rượu bảo hai người đổi chén, sinh cố từ chối, Dao Đài giật chén đổi cho nhau, sinh bèn lạy rạp xuống đất tạ tội rồi mới uống. Dao Đài đi ra, cô gái nói: “Nói thật với chàng, thiếp là tiên nữ có tội bị đày, tự xin cư ngụ ở cõi âm gom nuôi các oan hồn để chuộc tội. Vừa rồi gặp nạn Thiên ma nên có cái duyên kề cận thân thể với chàng, phải mời chị lớn từ xa tới làm chủ hôn và coi sóc việc nhà giùm để tiện theo chàng về trần.” Sinh đứng dậy cung nói: “Dưới đây vui lắm, chứ nhà ta có con vợ dữ, vả lại nhà cửa chật chội, không sao bàn cách vẹn tròn để sống với nhau.” Cô gái cười, chỉ nói không sao. Kế uống say cùng đi ngủ, vui vẻ yêu thương nhau rất mực.
Qua vài hôm nàng nói với sinh: “Cõi âm không thể chung sống lâu dài, xin chàng về ngay thu xếp việc nhà, xong rồi thiếp sẽ tự tới.” Rồi sai đem ngựa cho sinh, mở cửa bảo ra, vách núi đất lại liền như cũ. Sinh cưỡi ngựa về làng, người làng đều khiếp hãi, về tới cổng thì thấy nhà cao cửa rộng. Trước là khi sinh bỏ đi, vợ mời hai anh tới chuẩn bị roi gậy để đánh cho một trận trả thù, đến tối không thấy sinh về họ mới bỏ đi. Có người nhặt được chiếc giày của sinh trong khe nên ngờ rằng sinh đã chết, kế hơn năm vẫn không có tin tức gì. Có người lái buôn Mỗ ở Thiểm Tây hỏi cưới Lan thị, bèn tới ở luôn nhà sinh, trong vòng nửa năm xây cất thành tòa ngang dãy dọc. Người lái buôn đi xa buôn bán, lại mua một người thiếp về, từ đó trong nhà lục đục, y có khi cũng hàng mấy tháng không về. Sinh hỏi biết chuyện nổi giận, buộc ngựa bước vào thì gặp bà già hầu hạ vợ ngày trước. Bà già hoảng sợ lạy phục xuống đất, sinh mắng chửi hồi lâu, bắt dẫn tới phòng vợ tìm thì đã trốn đâu mất, kế tìm thấy ở sau nhà thì đã thắt cổ chết rồi. Sinh sai khiêng xác trả cho nhà họ Lan rồi cho gọi người thiếp của người lái buôn ra, thấy tuổi khoảng mười tám mười chín, cũng khá xinh đẹp bèn giữ lại trong phòng ngủ.
Người lái buôn nhờ người làng bắn tiếng xin trả lại người thiếp, nhưng nàng kêu khóc không chịu đi. Sinh bèn làm đơn định kiện y về tội chiếm nhà cướp vợ, người lái buôn không dám nói gì nữa, dọn hàng quay về Thiểm Tây. Sinh đang ngờ Cẩm Sắt phụ ước, một tối đang uống rượu với người thiếp thì có xe ngựa tới cổng, cô gái bước vào, chỉ giữ lại Xuân Yến còn cho tất cả tùy tùng trở về. Vào tới phòng, người thiếp ra lạy chào, nàng nói: “Người này có tướng sinh con trai, có thể chịu khổ thay thiếp,” rồi lập tức ban cho quần áo nữ trang. Người thiếp lạy tạ nhận lấy rồi đứng hầu, nàng kéo ngồi xuống cùng chuyện trò rất vui vẻ, hồi lâu nói: “Ta say rồi, muốn đi ngủ.” Sinh cũng cởi giày lên giường, người thiếp mới đi ra. Về tới phòng thấy sinh đã nằm trên giường, lấy làm lạ quay lại xem thì đèn trong phòng cô gái đã tắt. Sinh đêm nào cũng ngủ ở phòng người thiếp, nhưng một đêm người thiếp trở dậy tới nhìn trộm vào phòng cô gái thì thấy sinh đang chuyện trò nói cười với nàng, lấy làm lạ lùng vội quay về định nói với sinh thì chỉ thấy có giường không. Sáng ra lén kể cho sinh, sinh cũng không tự biết, chỉ thấy mình lúc thì trong phòng cô gái, lúc thì ngủ phòng người thiếp mà thôi, bèn dặn giấu kín chuyện lạ ấy.
Lâu sau Xuân Yến có mang, cô gái vẫn như không biết gì, khi người tỳ nữ lâm bồn sinh khó bèn gọi nương tử, nàng bước vào thì sinh được ngay, là con trai. Nàng cắt rốn xong đặt vào lòng người tỳ nữ rồi cười nói: “Con nhãi đừng thế nữa nhé, nhiều nghiệp chướng thì lắm tai nạn thôi?” Từ đó Xuân Yến không sinh đẻ nữa. Người thiếp thì sinh được năm trai hai gái. Ở đó ba mươi năm, thỉnh thoảng cô gái lại trở về nhà, đi về đều vào lúc ban đêm. Một hôm nàng dắt người tỳ nữ đi không trở lại nữa. Sinh sống đến tám mươi tuổi, chợt một đêm dắt người lão bộc ra đi, cũng không trở về.
225. Phòng Văn Thục
Đặng Thành Đức người phủ Khai Phong (tỉnh thành Hà Nam) du học tới Duyện Châu (tỉnh Sơn Đông), ngụ trong ngôi chùa nát, chép thuê cho người coi việc làm sổ sách hộ tịch ở đó. Cuối năm đám nha dịch đều về nhà, riêng Đặng ở lại nấu cơm ăn một mình trong chùa. Sáng tinh mơ có người thiếu phụ gõ cửa vào, nhan sắc tuyệt đẹp, tới trước bàn thờ Phật thắp hương quỳ lạy rồi ra, hôm sau cũng thế. Đến khuya Đặng trở dậy thắp đèn, đang làm việc thì nàng tới sớm hơn. Đặng hỏi: “Sao tới sớm thế?” Nàng đáp: “Sáng ra thì đông người lộn xộn, chẳng bằng cứ tới sớm, nhưng sớm quá lại sợ quấy rầy giấc ngủ của chàng, vừa rồi nhìn thấy ánh đèn, biết chàng đã dậy nên mới tới thôi.” Sinh đùa nói: “Trong chùa không có người, tới ở luôn cho khỏi mất công đi lại.” Nàng mỉm cười đáp: “Trong chùa không có người, thì chàng là ma à?” Đặng thấy có thể tán tỉnh, bèn chờ nàng làm lễ xong kéo ngồi lại đòi giao hoan. Nàng nói: “Trước bàn thờ Phật làm thế sao được? Đã không có nhà cửa gì mà còn mong muốn bậy bạ.” Đặng nài nỉ mãi không thôi, nàng nói: “Cách đây ba mươi dặm, trong làng nọ có sáu bảy đứa nhỏ mời thầy dạy học chưa được. Chàng hãy tới đó hỏi Lý Tiền Xuyên, có thể được nhận, rồi nói là có mang vợ đi cùng, bảo họ xếp cho một gian nhà riêng, thiếp sẽ lo cơm nước cho, như thế mới là kế lâu dài.” Đặng sợ việc lộ ra sẽ bị tội, nàng nói: “Không sao đâu, thiếp họ Phòng tên Văn Thục, không có ai thân thuộc, quanh năm ở nhờ nhà ông cậu, ai mà biết được!” Đặng mừng rỡ từ biệt nàng, tới ngay làng nọ yết kiến Lý Tiền Xuyên, quả nhiên như đã bàn tính, hẹn sẽ mang gia quyến tới trước Tết.
Trở về, sáng ra nói cho cô gái biết, nàng hẹn sẽ chờ dọc đường. Đặng từ biệt bè bạn, thuê ngựa đi, được nửa đường quả nhiên gặp cô gái đứng chờ, bèn xuống ngựa trao dây cương cho nàng dắt rồi cùng đi. Tới nơi dạy học chung sống với nhau rất tương đắc, suốt sáu bảy năm như vợ chồng mà cũng không có ai tìm bắt người đi trốn. Cô gái chợt sinh được một đứa con trai, Đặng vì vợ ở nhà không sinh đẻ nên có con mừng lắm, đặt tên là Duyện Sinh. Cô gái nói: “Vợ chồng giả rốt lại cũng khó thành chuyện thật, thiếp đang định từ giã chàng đi, lại sinh ra của nợ này không biết để làm gì?” Đặng nói: “Đang tính nếu may mắn để dành được ít tiền sẽ cùng nàng trốn về quê, sao lại nói thế?” Nàng đáp: “Cảm ơn! Cảm ơn! Ta không thể nhăn nhở mơn trớn lấy lòng để mong chị cả bao dung, mà làm vú em cho người, trẻ con oe oe khó chịu lắm.” Đặng thanh minh rằng vợ mình không ghen, cô gái cũng không nói gì. Hơn một tháng sau, Đặng thôi dạy học, định đi buôn chung với con trai Tiền Xuyên, nói với cô gái: “Ta nghĩ làm thầy mở lớp thì không bao giờ giàu được, nay học đi buôn ngõ hầu còn có ngày về được quê,” nàng cũng không đáp. Đến tối, bỗng nàng bế con dậy, Đặng hỏi làm gì, nàng đáp: “Thiếp muốn đi.” Đặng vội trở dậy đuổi theo hỏi han, nhưng cổng còn chưa mở mà cô gái đã biến mất, sợ quá mới biết nàng không phải là người. Đặng vì thấy lai lịch nàng đáng ngờ nên không dám kể cho ai, chỉ nói thác là vợ về thăm cha mẹ ruột.
Trước kia, lúc Đặng ra đi có hẹn với vợ là Lâu thị rằng cuối năm sẽ về, nhưng suốt mấy năm không có tin tức gì, người ta đồn là đã chết. Anh trai thấy không có con, muốn nàng lấy chồng khác, Lâu xin đợi ba năm nữa, hàng ngày chỉ lủi thủi ở một mình một nhà, kéo sợi sinh nhai. Một hôm trời vừa tối, nàng ra đóng cổng ngoài thì có một cô gái bước vào, bế theo một đứa bé còn quấn tã, nói: “Ta từ nhà mẹ đẻ trở về, tới đây thì vừa tối, biết chị ở có một mình nên xin ngủ nhờ.” Lâu mời vào, tới trong phòng nhìn kỹ thì là một người đẹp khoảng hơn hai mươi tuổi, vui vẻ cho nằm chung giường. Nhân đùa giỡn với đứa nhỏ, thấy nó trắng như quả bầu, than rằng: “Mụ góa ta lại không có được một đứa con thế này.” Cô gái nói: “Ta đang ngại vì nuôi nó phiền quá, nếu cho chị làm con nuôi để nối dõi thì chị thấy sao?” Lâu nói: “Chưa nói tới chuyện nương tử không nỡ dứt tình, cho dù có nỡ thiếp cũng không có sữa, làm sao nuôi được?” Cô gái nói: “Chuyện đó có gì khó, lúc sinh cháu, ta cũng lo không có sữa, chỉ uống nửa tễ thuốc là có ngay. Nay thuốc thừa vẫn còn đây, xin biếu cho chị,” rồi lấy gói thuốc ra đặt trước cửa sổ. Lâu thị ậm ừ, chưa thấy có gì khác lạ. Kế ngủ đi, khi tỉnh dậy gọi thì đứa nhỏ còn đó mà cô gái đã mở cửa đi rồi, vô cùng khiếp sợ. Rạng sáng đứa nhỏ khát sữa khóc đòi bú, Lâu bất đắc dĩ phải uống thuốc, giây lát sữa chảy ròng ròng bèn cho nó bú.
Hơn một năm, đứa nhỏ ngày càng bụ bẫm, bắt đầu học nói, nàng thương yêu chẳng khác gì con mình đẻ ra, vì vậy bỏ luôn ý định cải giá. Nhưng sáng ra đã phải bế con, không làm gì được nên ngày càng túng thiếu. Một hôm cô gái chợt tới, Lâu sợ đòi lại con, trước tiên trách ngay về việc lẳng lặng bỏ đi không nói, kế kể tới nỗi khó nhọc nuôi nấng đứa nhỏ. Cô gái cười nói: “Chị kêu ca khó nhọc thì ta không đòi con lại sao?” Rồi vẫy gọi con. Đứa nhỏ khóc sà vào lòng Lâu thị, cô gái nói: “Con nghé con không nhận mẹ nó nữa rồi! Của này dẫu trăm lượng vàng cũng khó đổi được, cứ chồng tiền ra để làm giấy tờ.” Lâu tưởng nói thật giận tím mặt, cô gái cười nói: “Chị đừng sợ, thiếp tới chính vì con mà! Sau khi ra đi, lo chị không có tiền nuôi cháu, nên tìm đủ cách kiếm được hơn mười lượng vàng,” rồi lấy vàng ra đưa Lâu. Lâu sợ nhận vàng xong cô gái sẽ có cớ đòi con nên nhất quyết từ chối, cô gái bèn đặt vàng lên giường rồi ra cửa đi thẳng. Lâu bế con đuổi theo ra thì nàng đã đi xa, gọi cũng không ngoái lại, còn ngờ là có ý ác, nhưng được vàng đem cho vay lấy lời, trong nhà cũng no đủ.
Ba năm sau Đặng buôn bán có tiền sắm sữa hành trang trở về nhà. Đang cùng hỏi han an ủi nhau, thấy có đứa nhỏ hỏi con nhà ai, vợ kể lại duyên do. Đặng hỏi tên, Lâu đáp: “Mẹ nó gọi là Duyện Sinh, thiếp cũng giữ nguyên như cũ. Đặng ngạc nhiên nói: “Thế thì đúng là con ta đấy.” Hỏi lại ngày giờ thì đúng đêm cô gái bế con đi. Đặng bèn kể lại hết chuyện hợp tan với Phòng Văn Thục, hai vợ chồng càng thêm vui mừng khuây khỏa, vẫn mong cô gái trở lại nhưng rốt cuộc vẫn biệt tăm.