Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XII - Chương 226 - 227 - 228 - 229 - 230 - 231 - 232 - 233
226. Nhốt rắn[1]
[1] Khoán xà.
Trong núi ở huyện Tứ Thủy (tỉnh Sơn Đông) vốn có ngôi chùa, bốn bề không có thôn xóm, ít người lui tới, chỉ có đạo sĩ trú ngụ. Có người nói rằng trong núi có nhiều rắn lớn, nên những kẻ du ngoạn càng lánh xa. Có một thiếu niên vào núi bắt chim ưng, vào sâu quá không có chỗ nào ngủ đêm, nhìn thấy phía xa có chùa chiền bèn rảo bước tới gõ cửa. Đạo sĩ hoảng sợ nói: “Sao cư sĩ lại tới đây? May mà không gặp phải đám trẻ,” rồi vội bảo ngồi, dọn cháo cho ăn. Thiếu niên ăn thưa xong thì có một con rắn lớn bò vào, to hơn mười ôm, ngóc đầu nhìn khách, mắt long lên giận dữ. Khách cả sợ, đạo sĩ đánh vào đầu rắn quát: “Ra ngoài!” con rắn mới mọp đầu bò vào gian phòng phía đông, ngoằn ngoèo mãi một lúc mới lọt hẳn vào trong, nằm khoanh tròn chật cả phòng, khách cả sợ run lẩy bẩy. Đạo sĩ nói: “Trước nay ta vẫn nuôi nó, nên nếu có ta thì không sao, chỉ sợ có ai một mình gặp nó mà thôi.” Khách vừa ngồi yên, lại có một con rắn khác bò vào, hơi nhỏ hơn con trước, to độ năm sáu ôm, thấy khách thì dừng lại, trợn mắt thè lưỡi giống như con trước. Đạo sĩ lại quát, nó cũng bò vào phòng. Trong phòng không còn chỗ nằm, nó vắt nửa thân lên khoanh vào xà nhà, đất trên vách tường cứ rơi đồm độp. Khách càng sợ hãi, cả đêm không dám ngủ, sáng ra dậy sớm xin về. Đạo sĩ đưa ra cổng chùa, thì thấy trên tường dưới thềm lúc nhúc những rắn to bằng cái vò cái chậu, thấy người lạ đều toan cắn. Khách sợ, cứ nép vào sát người đạo sĩ mà đi, đạo sĩ đưa khách tới cửa núi mới trở về.
Quê ta có mấy người làm khách ở Trung Châu (tỉnh Phúc Kiến), tới ngủ nhờ trong một ngôi chùa nhốt rắn. Sư trong chùa làm cơm tối mời, có món canh thịt rất ngon nhưng cứ tròn tròn từng khúc từng khúc như cổ gà. Khách lấy làm lạ, hỏi sư giết bao nhiêu gà mà có lắm cổ thế. Sư đáp: “Đây là rắn chặt ra đấy!” Khách phát hoảng, có người ra ngoài nôn mửa. Đến lúc nằm ngủ, chợt thấy trên bụng có vật gì mềm mềm động đậy, sờ thử thì là rắn, sợ hãi vùng dậy la ầm lên. Sư tỉnh dậy nói: “Đó là chuyện thường, có gì lạ đâu mà!” Nhân đánh lửa soi lên vách cho xem, thì rắn lớn rắn nhỏ đầy trên tường, trên giường dưới sàn cũng toàn là rắn. Hôm sau sư dẫn khách vào điện Phật, dưới tòa Phật có cái giếng lớn, trong có con rắn to như cái chum lớn nghểnh đầu lên miệng giếng nhưng không bò lên. Soi đuốc xuống nhìn thì bên dưới lúc nhúc rắn con rắn cháu, tính ra có tới hàng trăm vạn con, cả một bầy bên dưới. Sư nói: “Trước đây rắn lên khỏi giếng gây hại dữ lắm, từ khi xây tòa Phật bên trên để trấn yểm thì mới yên ổn.”
227. Thư sinh ngông[1]
[1] Cuồng sinh.
Học sứ họ Lưu kể ở châu Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông) có thư sinh ngông, tính hay rượu. Nhà không có được hai thạch gạo, nhưng kiếm được tiền là mua rượu, không hề lo lắng tới chuyện cùng quẫn. Gặp lúc có quan Thứ sử mới đáo nhiệm, tửu lượng cao chưa gặp ai uống bằng, nghe tiếng sinh bèn mời tới cùng uống rượu, thích lắm, thường uống với nhau. Sinh cậy quen biết, nên cứ có ai kiện tụng chuyện nhỏ muốn được kiện biếu xén món tiền còm lại nói hộ, Thứ sử đều ưng thuận. Sinh quen lệ cứ thế làm mãi, Thứ sử đâm ghét. Một hôm, Thứ sử vừa ra công đường buổi sáng, sinh cầm thiếp bước lên trình. Thứ sử nhìn xong cười khẩy, sinh lớn tiếng nói: “Ông thấy được thì cho, không được thì thôi, chứ cười cái gì? Vẫn nghe kẻ sĩ có thể giết chết chứ không thể làm nhục, chuyện khác thì không thể báo hờn, chứ chẳng lẽ một cái cùm lại không báo được à?” Nói xong cười lớn một tràng vang dội cả công đường. Thứ sử nổi giận nói: “Ngươi dám vô lễ à? Không nghe tiếng quan Lệnh doãn làm tan nát nhà cửa sao?” Sinh phẩy tay áo bước xuống thềm, lớn tiếng đáp: “Thằng học trò này không có nhà cửa gì để tan nát cả.” Thứ sử càng tức giận, sai bắt trói lại. Rồi hỏi tới nhà cửa, thì sinh chẳng có nhà đất gì, chỉ dắt vợ tới ở trên tường thành. Thứ sử nghe thế bèn thả ra, nhưng ra lệnh đuổi không cho ở trên tường thành nữa. Bè bạn thương vì ngông, góp tiền mua cho vài thước đất, xây cho một cái lều trong thành. Sinh vào ở, than rằng: “Từ nay trở đi thì phải sợ quan Lệnh doãn rồi!”
Dị Sử thị nói: Kẻ sĩ quân tử theo pháp luật, giữ lễ nghi, không dám ăn cướp giữa chợ, thì dẫu là nhà vua đi chăng nữa cũng làm gì được mình? Nhưng nếu có kẻ thù oán mà ngày càng ghét thêm, thì đó là vì mình có nhà cửa mà thôi. Còn nếu như chẳng có nhà cửa gì để tan nát, thì kẻ căm ghét tới đâu cũng không có chỗ nào để hại cả. Ôi, người kia chắc như lời người ta nói, là cậy nghèo hèn để khinh người chăng! Song chỉ có bậc quân tử mới có thể tuy nghèo nhưng không khinh suất mà xúc phạm người, thế mà y vì miếng ăn để lụy thân, hò hét ở công đường, cũng mất phẩm giá lắm. Có điều ngông như thế thì không ai bằng được thật.
228. Tôn Tất Chấn
Tôn Tất Chấn qua sông, gặp lúc mưa to gió lớn, thuyền bè nghiêng ngả, người trong thuyền sợ lắm. Chợt thấy một vị thần mặc giáp vàng đứng trong mây cầm một cái bài vàng đưa xuống cho nhìn. Mọi người cùng ngẩng lên xem, thấy ở trên đề ba chữ “Tôn Tất Chấn” rất rõ ràng. Mọi người nói với Tôn Tất Chấn rằng: “Ngươi đã phạm tội bị trời phạt, xin mời qua một thuyền riêng, đừng làm lụy cho cả bọn ta.” Tôn còn chưa kịp nói gì, họ cũng không đợi là có ưng thuận hay không, thấy cạnh thuyền có chiếc xuồng con, liền xúm vào đẩy Tôn qua đó. Tôn vừa ngồi yên xong, quay nhìn thì chiếc thuyền lớn đã chìm rồi.
229. Trương Bất Lượng
Nhà buôn nọ đi tới ranh giới tỉnh Trực Lệ chợt gặp mưa đá, bèn núp vào đám lúa. Nghe trên không có tiếng nói: “Đây là ruộng của Trương Bất Lượng, đừng làm hại lúa của y.” Nhà buôn nghĩ thầm không biết họ Trương là ai, mà “bất lương” tại sao còn được trời che chở. Trời tạnh bèn vào thôn hỏi thăm, quả có người tên như thế, liền thuật lại điều mình nghe, lại hỏi cái tên “Bất Lượng” có nghĩa là gì. Thì ra họ Trương giàu có, thóc lúa rất nhiều, cứ đến mùa xuân lại có nhiều người nghèo túng tới vay, lúc trả thường không đủ số, nhưng Trương vẫn nhận cả không hề đong lường tính toán chi ly nên người làng gọi là “Bất Lượng” (không đong). Mọi người ùa ra đồng xem, thấy lúa khắp nơi xơ xác, chỉ riêng ruộng của họ Trương là không tổn hại gì.
Phụ: Một truyện trong Khoáng Viên tạp chí của Ngô Bảo Nhai (Trần Diệm)[1]
[1] Phụ: Ngô Bảo Nhai Trần Diệm Khoáng Viên tạp chí nhất tắc.
Sư Tế Thủy ở Hoa Ổ kể vào năm Thuận Trị thứ 18 (1661) có một người ăn mày ở phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) là thần vâng sắc lệnh làm mưa đá. Có người tránh mưa đá nghe trên không có tiếng nói: “Đừng làm tổn hại ruộng của Trương Bất Lượng.” Tạnh mưa thì ruộng các nơi đều tan tác, chỉ riêng ruộng của Trương là không tổn hại gì. Thì ra họ Trương nhận thóc người khác trả nợ, bảo cứ tự đem đổ vào vựa, không hề đong lại, nên người ta ca ngợi là “Bất Lượng” (không đong). Chuyện này cũng giống chuyện Tưởng Tự Lượng thời Nam Tống.
Họ Tưởng người đất Hàng (tỉnh Chiết Giang), anh cả tên Sùng Nhân, kế tên Sùng Nghĩa, kế tên Sùng Tín, ba anh em đều nhân đức như nhau. Thường đặt các loại thưng đấu công ở kho, ai tới vay thóc cũng đều bảo tự đong lấy, năm mất mùa cũng thế. Người ta vì thế gọi là Tưởng “Tự Lượng” (tự đong). Năm Hàm Thuần thứ ba (1267) có chiếu phong ba anh em là Quảng Phúc hầu, nay vẫn còn miếu thờ trên Lam Kiều.
230. Tấm nệm Hồng Mao[1]
[1] Hồng Mao chiên.
Nước Hồng Mao trước có hẹn qua buôn bán ở Trung Quốc, chủ tướng ở biên cương thấy họ đông người không cho lên bờ. Người Hồng Mao cố nài, chỉ xin cho được đặt chân lên một khoảnh đất rộng bằng tấm nệm lông thôi. Viên chủ tướng nghĩ một tấm nệm lông thì có được bao nhiêu, bèn cho. Người Hồng Mao đặt tấm nệm lên bờ, thoạt tiên chỉ đủ chỗ cho hai người, kế nở ra đủ chỗ cho bốn năm người, trong chớp mắt tấm nệm nở rộng ra hơn một mẫu đất, đủ chỗ cho mấy trăm người. Họ cùng rút đoản đao ra, nhân lúc bất ngờ cướp phá cả mấy dặm rồi bỏ đi.
231. Quảy xác chết[1]
[1] Phụ Thi.
Có người tiều phu ra chợ bán củi, vác đòn gánh trở về, chợt thấy đầu đòn gánh như có vật nặng máng vào, quay nhìn thấy một cái xác chết không đầu treo lủng lẳng, phát hoảng giãy đòn gánh ra đập túi bụi, chợt không thấy đâu nữa. Y sợ hãi chạy vào một thôn gần đó, lúc ấy trời đã sập tối, thấy có mấy người đốt đuốc soi trên mặt nước như tìm vật gì. Tới gần hỏi thăm thì ra bọn họ đang ngồi chơi, chợt có cái đầu trên không rơi xuống, râu tóc bờm xờm, trong phút chốc thì biến mất. Người tiều phu kể lại việc mình gặp, tính ra thì đủ một xác người, nhưng nghĩ mãi không biết từ đâu tới. Sau cũng có người quảy sọt muối đi trên đường, người ta thấy trong sọt muối có cái đầu người, lấy làm kỳ quái căn vặn. Y quay nhìn mới phát hoảng đổ ụp cái sọt ra đất, cái đầu người lăn tròn rồi biến mất.
232. Cúc Dược Như
Cúc Dược Như là người phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông), vợ chết, bỏ nhà đi mất. Mấy năm sau ăn mặc như lối đạo sĩ trở về ngủ lại một đêm rồi định đi. Họ hàng họ hàng ép ở lại, giữ riệt lấy quần áo pháp trượng. Cúc nói thác là đi dạo, ra tới ngoài thôn thì áo quần đồ vật từ trong nhà đều phấp phới bay ra, theo Cúc đi mất.
233. Hộ ăn cướp[1]
[1] Đạo hộ.
Trong niên hiệu Thuận Trị (1644-1661) ở vùng Đằng, Dịch (tỉnh Sơn Đông) cứ mười người thì có sáu bảy làm cướp, quan không dám nã bắt. Về sau bọn chúng quy thuận, quan huyện biên tên riêng làm “hộ ăn cướp”. Nếu chúng có tranh giành kiện tụng với dân thường, thì lại thiên vị xử cho chúng được, đại khái vì sợ chúng lại nổi dậy. Về sau những kẻ thưa kiện cứ nhận bừa là hộ ăn cướp, còn bên kia thì cứ ra sức cãi là mạo nhận. Bên nguyên bên bị ai cũng nhận mình là phải, còn quan thì chưa xét chuyện phải trái, trước hết cứ xét bên nào là hộ ăn cướp thật đã, thưa lên kiện xuống, đám nha lại lục lọi sổ sách hộ khẩu rất vất vả. Lúc ấy trong công thự có nhiều hồ, quan huyện có con gái bị hồ quấy phá, bèn đem lễ vật đón thuật sĩ tới, dùng bùa phép bắt được hồ bỏ vào vò, đặt lên lò lửa. Hồ ở trong vò kêu to: “Ta là hộ ăn cướp đây,” ai nghe chuyện cũng bật cười.
Dị Sử thị nói: Nay có kẻ đốt nhà cướp của, quan lại không cho là ăn cướp mà cho là kẻ gian, còn có kẻ trèo tường gian dâm lại không tự nhận là kẻ gian mà nhận là ăn cướp, thì thế sự đã thay đổi nhiều rồi. Giả như nay trong dinh quan có hồ, thì ắt cũng kêu to rằng ta đúng là ăn cướp đây.
Ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) từ thuế má giao dịch cho tới các khoản trưng thu thì dân thường phải chịu gấp mấy lần so với nhà thân hào. Cho nên những nhà có ruộng đều tranh nhau tới nhờ nhà thân hào đứng tên, tuy không hại gì tới thuế nước nhưng có chỗ tổn thất cho quan lại. Huyện lệnh Chung xin trừ mối tệ ấy, được quan trên ưng thuận. Lúc đầu sai tự thú, kế những dân gian trá lấy đó làm bậy, ruộng đất bán đi đã vài mươi năm cũng nói là nhờ đứng tên để kiện lại người mua. Huyện lệnh đều thiên vị họ, nên những dân lương thiện hiền lành nhiều người bị mất cơ nghiệp. Có Lý sinh bị Mỗ Giáp kiện, cùng lên đối chất, Giáp gọi Lý là Tú tài, Lý lớn tiếng tranh cãi nói mình không phải là Tú tài, ầm ĩ không ngớt. Huyện lệnh hỏi tả hữu, đều nói là Tú tài thật. Quan hỏi tại sao không nhận, Lý nói: “Tú tài thì cao quý, nhưng cứ chờ tranh giành đất đai xong sẽ làm cũng chưa muộn.” Ôi, danh hiệu ăn cướp thì tranh nhau mà nhận, danh hiệu Tú tài thì tranh nhau mà chối, chuyện đổi đời mới kỳ lạ làm sao. Có người dâng đơn nặc danh kiện về việc làm trái pháp luật thôn tính tài sản, nói: “Tuổi già không thể làm lụng đóng thuế, nên có năm mươi mẫu ruộng gần thành, vào năm Lỗ ân công thứ nhất (722 trước công nguyên) tạm nhờ thân hào gian ác là Nhan Uyên đứng tên. Nay lệnh quan nghiêm khắc, theo lẽ phải tự thú. Nhưng tên thân hào gian ác ấy không chịu trả, tới nói lý lẽ thì bị thầy y dắt đồng đảng bảy mươi hai người mang gậy gộc xúm vào đánh đập túi bụi, gãy cả tay chân, lại lôi vào nhốt trong căn nhà dột, mỗi ngày mang cho một giỏ cơm một bầu nước, suýt nữa thì chết đói, có làng xóm làm chứng. Vậy cúi xin nghiêm khắc tra xét, trả lại điền sản mồ hôi nước mắt cho. Nay tố cáo.” Quả thật có thể nói là theo Liễu Chích mà kiện Di Tề[2].
[2] Khổng tử gia ngữ nói Nhan Uyên, một học trò giỏi của Khổng tử có năm mươi mẫu ruộng gần thành, Luận ngữ nói Nhan Uyên là người hiền, ở nhà dột, một giỏ cơm một bầu nước vẫn vui với đạo. Lá đơn kiện nói trên là trào phúng để châm chọc, như nói thầy của Nhan Uyên dắt bảy mươi hai đồng đảng ra đánh mình là nhân chuyện “Khổng môn thất thập nhị hiền” mà bịa ra. Chuyện Liễu Chích kiện Di Tề cũng tương tự. Kiên biều tập chép đời Minh Mục tông Hải Đoan làm Tuần phủ Trực Lệ, có ý đè nén các nhà giàu nên phong khí dân gian điêu ngoa gian trá, có người dâng đơn kiện nặc danh tố cáo Liễu Hạ Huệ và Đạo Chích cậy thế cướp ruộng của dân, hai con vua Cô Trúc là Bá Di Thúc Tề cậy thế cha đào mộ của dân bị kiện, đút lót cho cận thần của vua là Lỗ Trọng Liên để ỉm chuyện đi, vân vân (Liễu Hạ Huệ là cao sĩ nước Tề thời Chiến quốc, Đạo Chích tương truyền là tên cướp nổi tiếng thời thượng cổ. Bá Di Thúc Tề người cuối thời Thương, lúc Vũ vương nhà Chu đánh vua Trụ nhà ân, hai người đón dường can ngăn không được bèn thề “không ăn thóc nhà Chu, lên núi Thú Dương hái rau vi ăn”, cuối cùng chết đói. Lỗ Trọng Liên là ẩn sĩ nước Tề thời Chiến quốc).