Đánh Thắng B-52 - Chương 2 - Phần 1
NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 1972
Mỗi chúng ta, trong cuộc đời chiến đấu của mình, đều có những ngày tháng đáng ghi nhớ. Chắc hẳn ngày và đêm 18 tháng 12 năm 1972 đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc đối với rất nhiều người, đặc biệt là đối với các chiến sĩ phòng không - không quân, đối với đồng bào Hà Nội và Hải Phòng.
Ngày 18 tháng 12 năm 1972 thực sự là một ngày đêm dữ dội và hào hùng, mở đầu một chiến công vĩ đại, đánh sập thần tượng siêu pháo đài bay B-52 của giặc Mỹ, đem lại niềm vinh quang bất diệt cho dân tộc ta, Tổ quốc ta.
Các chiến sĩ ra-đa đại đội 16 đoàn ra-đa Ba Bể được vinh dự là những người đầu tiên mở đầu cho trận đánh lịch sử đó. Mặc cho mười bảy chiếc máy gây nhiễu trên mỗi chiếc B-52 đã mở hết công suất, công với nhiễu của EB-66, của các tốp cường kích, các trắc thủ Tô Trọng Huy, Phạm Quốc Hùng với cặp mắt tinh tường đã được tôi luyện, với đôi bàn tay thao tác thuần thục một cách nghệ thuật đã chọc thủng màn nhiễu dày đặc của kẻ thù, báo về cho Bộ chỉ huy chiến lược một tin vô cùng quan trọng: "Nhiều tốp B-52 đang bay lên hướng Bắc." Chiến sĩ báo vụ kiêm đánh dấu đường bay Nguyễn Thị Khuê là người đầu tiên ở Sở chỉ huy Binh chủng Ra-đa ghi nhận được tin tình báo này. Lúc đó là 19 giờ 10 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, khi những tốp B-52 còn cách Hà Nội 300 km về phía Tây Nam. Tốp B-52 đầu tiên đó mang số hiệu 463.
Tiếp đó, các chiến sĩ ra-đa đại đội 45 (cũng thuộc đoàn Ba Bể) bố trí trên đất Nghệ An, với cánh sóng tạt sườn, đã nhìn rất rõ những tốp B-52 bay vượt qua vĩ tuyến 20. Đài trưởng Nghiêm Đình Tích, đài trưởng Phạm Duy Khánh, các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích hồi hộp báo cáo với đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần và chính trị viên Đỗ Mạnh Hiến
- Đề nghị báo cáo lên trên ý kiến của chúng tôi: B-52 có khả năng vào đánh Hà Nội.
Từ sở chỉ huy ở Nghệ An, Đỗ Năm, đoàn trưởng đoàn ra-đa Ba Bể sau khi nhận được báo cáo, hết sức tin tưởng ở cấp dưới của mình, không để chậm một giây, báo cáo lên tổng trạm ra-đa:
- B-52 đang vào Hà Nội!
Một giọng nói nghiêm trang từ Hà Nội hỏi vào, vang lên trong ống nghe:
- Có chắc không? Đồng chí có bảo đảm là B-52 sẽ vào Hà Nội không?
- Tôi xin bảo đảm!
Những đoạn đối thoại trên đây diễn ra qua tổng đài A-67 của Quân khu 4 vào khoảng thời gian 19 giờ 14 phút đến 19 giờ 20 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972. Chiến sĩ báo vụ kiêm đánh dấu đường bay Hồ Thị Sinh là người ghi những tốp B-52 đầu tiên vượt qua vĩ tuyến 20, vòng qua biên giới phía tây vào vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đó thực sự là những giây phút lịch sử. Và theo tôi, tên tuổi những con người bình thường đó, những trắc thủ ra-đa của đại đội 16, đại đội 45, những chiến sĩ gái báo vụ kiêm đánh dấu đường bay ở Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Ra-đa cần được nhắc đến. Chính họ là những người được vinh dự mở đầu một chiến dịch lịch sử.
Từ những đường bay được ghi một cách chững chạc, tự tin trên tấm mi-ca của Hồ Thị Sinh, những tín hiệu "tích tà" mang mật ngữ "333" (Tín hiệu báo động quy định khi có B.52) được phát đi liên tục vào không trung, chuyển đến các sở chỉ huy phòng không trên toàn miền Bắc thông báo khẩn cấp: "Báo động B.52."
Cuộc chiến đấu thực sự bắt đầu từ đó.
19 giờ 30 phút. Từ nóc hội trường Ba Đình, tiếng còi báo động từng hồi dõng dạc và nghiêm trang, xuyên qua màn đêm rét lạnh của mùa đông đến từng phố phường Hà Nội.
Từ ngày đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta, tiếng còi báo động đối với Hà Nội đã trở thành chuyện bình thường. Thế nhưng những người có mặt ở Hà Nội trong đêm 18 tháng 12 năm 1972 lịch sử ấy đều có chung một cảm giác tiếng còi báo động B.52 hôm đó có một cái gì thật khác lạ, thật đặc biệt, như báo trước với mọi người rằng một sự kiện lớn lao, dữ dội đang bắt đầu đến với dân tộc ta. Còn những người đã từng trải qua những ngày đêm cuối tháng 12 năm 1946 thì nói rằng không khí đêm 18 tháng 12 năm 1972 này gợi nhớ không khí đếm 19 tháng 12 của hai mươi sáu năm về trước.
Đó thực sự là những năm tháng không thể nào quên.
*
* *
Tôi vinh dự có mặt ở Thủ đô trong những ngày đêm cuối tháng 12 năm 1946 với cương vị Tham mưu trưởng Mặt trận Hà Nội, nhưng lại phải vắng mặt ở Hà Nội trong đêm lịch sử 18 tháng 12 năm 1972. Tôi không một chút ân hận về điều này. Bởi vì suốt cả ngày và đêm hôm ấy, trong căn hầm của Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng ở Nghệ An cách Hà Nội 300 km, Hà Nội luôn luôn ở trong tôi, Hà Nội luôn luôn ở trước mặt tôi. Tuy chỉ là một ngôi sao đỏ trên tấm bảng tiêu đồ bằng mi-ca với hai chữ Hà Nội đậm nét ghi bên cạnh, nhưng đối với anh em chúng tôi trong Sở chỉ huy tiền phương hôm đó là Ba Đình lịch sử, là nơi Bác ở, làm năm cửa ô với biết bao kỷ niệm, là nhà máy, trường học, là những khu phố đông dân.
Trong những ngày này, bộ đội tiền phương Quân chủng ở khu vực Nghệ An, Thanh Hóa có đến ba trung đoàn tên lửa 263, 267, 275 và năm trung đoàn cao xạ 228, 231, 223, 245, 262. Theo tôi, chiến dịch "Lai-nơ bếch-cơ 2" của Mỹ dùng B.52 đánh Hà Nội chỉ là bước tiếp theo của một âm mưu nham hiểm, hòng dùng con chủ bài B.52 để gây sức ép đối với ta vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Bước thứ nhất là dùng B.52 đánh mạnh ở phía bắc Quân khu 4 hòng đành một đòn cân não, nắn gân cốt chúng ta. Mặt khác kẻ địch còn nhằm mục đích kéo lực lượng ta ra xa Hà Nội để bất ngờ mở cuộc tập kích lớn, khiến ta không kịp trở tay.
Trong tình hình đó, Bộ Tổng tư lệnh một mặt chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị toàn diện đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội của kẻ thù, một mặt chỉ thị cho Quân chủng tổ chức lực lượng đánh B.52 ở Quân khu 4.
Cuối tháng 11, tôi lên đường vào Nghệ An cùng với Sở chỉ huy nhẹ của tiền phương Quân chủng, có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị ở tuyến trong đánh thắng địch, đặc biệt là B.52, bảo vệ chân hàng và tuyến giao thông chiến lược.
- Đánh B-52 và rút kinh nghiệm phổ biến kịp thời cho các đơn vị ở ngoài vĩ tuyến 20, đặc biệt là các đơn vị bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.
- Góp phần bảo vệ Hà Nội từ xa.
Vì vậy mà tuy ở xa Hà Nội, chúng tôi vẫn cảm thấy Hà Nội rát gần. Đặc biệt ngày 18 tháng 12 năm 1972, chúng tôi càng cảm thấy như đang có mặt ở Hà Nội, đang cùng Hà Nội chiến đấu.
Khoảng 9 giờ sáng, đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng từ Hà Nội trực tiếp gọi điện báo cho tôi biết những diễn biến mới nhất của tình hình: Hồi 5 giờ 25 phút địch thả thủy lôi ở cửa Nam Triệu. Tiếp đó, 8 giờ 35 phút chúng bắn tên lửa vào ngoại thành Hải Phòng. Cuối cùng anh Tri nhắc tôi:
- Đồng chí Tổng tham mưu trưởng nhắc Quân chủng sẵn sàng chiến đấu. Anh cho kiểm tra lại toàn bộ tình hình của các đơn vị ở trong đó. Từ giờ phút này, các cán bộ trực chỉ huy không được rời khỏi vị trí.
Buổi chiều, khi tôi đang trực tiếp nghe đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn tên lửa 267 (Trung đoàn tên lửa 267 được lệnh hành quân từ Thanh Hóa vào Nghệ An đầu tháng 12) báo cáo tình hình qua máy điện thoại thì đồng chí Nguyễn Sinh Huy, trưởng phòng tác chiến tiền phương vào báo cáo:
- Có tin của Cục 2 (Cục quân báo Bộ Tổng Tham mưu), từ 19 giờ có đợt hoạt động lớn của B-52.
Tôi thông báo tin này luôn cho trung đoàn 267 và lệnh cho trung đoàn phải lập tức cho người xuống kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của các tiểu đoàn.
Sau đó, tôi cho gọi các đồng chí trợ lý chủ chốt vào phòng giao ban để nghiên cứu tình hình. Một số triệu chứng khả nghi về địch được nêu lên: Thả thủy lôi ở Nam Triệu, bắn tên lửa vào Hải Phòng, cho máy bay không người lái trinh sát cảng... Những hoạt động đó nhằm mục đích gì? Tại sao cương độ hoạt động của B-52 ngày hôm nay giảm hẳn. Từ sáng đến giờ mới có ba tốp hoạt động ở đường số 10 và đường số 12. Vậy tin Cục 2 báo có đợt hoạt động lớn của B-52 tối nay sẽ là vào khu vực nào? Bắc vĩ tuyến 20? Hà Nội? Hay vẫn là khu vực mà bộ đội tiền phương chúng tôi đang bảo vệ? Không ai muốn nghĩ rằng B-52 sẽ đánh vào Hà Nội đêm nay. Bởi vì điều đó hệ trọng quá, lớn lao quá, nó lay động đến tận nơi sâu kín nhất của trái tim mỗi người. Nhưng trong đánh giặc, những người chỉ huy quân sự không thể phán đoán tình hình dựa theo tình cảm được. Tôi đứng dậy kết luận:
- Cấp trên đã nhiều lần chỉ cho ta biết địch sẽ liều lĩnh dùng B-52 đánh thẳng vào Hà Nội để gây sức ép tối đa đối với chúng ta. Diễn biến trên bàn đàm phán, tình hình địch mấy ngày hôm nay cho phép chúng ta phán đoán tối nay địch có nhiều khả năng đưa B-52 vào đánh Hà Nội.
Ngay bây giờ chúng ta phải nhanh chóng quán triệt tình hình và quyết tâm cho các đơn vị:
1. Nếu địch đánh vào khu vực ta bảo vệ, các đơn vị phải kiên quyết đánh thắng, đánh rơi tại chỗ, kể cả B-52, bắt sống giặc lái.
2. Nếu địch đánh Hà Nội, các đơn vị phải mở máy theo dõi địch chặt chẽ. Nếu B-52 trên đường vào Hà Nội, qua phạm vi hỏa lực của đơn vị nào, đơn vị đó phải kiên quyết đánh rơi, đánh tiêu diệt.
3. Phải theo dõi cả lúc địch đánh Hà Nội xong bay ra, nếu qua phạm vi hỏa lực của đơn vị nào thì đơn vị đó phải kiên quyết bắn rơi, đánh tiêu diệt.
Mùa đông, trời tối nhanh. Mới hơn năm giờ chiều, màn sương dày đã phủ kín khắp vườn đồi của khu vực Sở chỉ huy. Trong căn hầm được đào sâu dưới lòng đất, những chiếc đèn bão được thắp sáng. Dưới ánh đèn, hai tấm bản đồ bằng mi-ca hiện lên càng làm nổi bật ngôi sao đỏ Hà Nội.
Chưa đến mười tám giờ, các nhân viên thuộc kíp trực ban đã có mặt đông đủ trong Sở chỉ huy. Mọi cặp mắt đều hướng về ngôi sao đỏ. Không khí hồi hộp của sự chờ đợi bao trùm lên căn hầm. Sau bữa cơm chiều nay, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Vũ Xuân Vinh, Tham mưu phó Quân chủng cho biết: Bộ Tổng Tham mưu nhận địch đêm nay B-52 sẽ vào đánh Hà Nội.
Hình như cùng một lúc, hai chiếc máy điện thoại, một liên lạc với Quân khu, một liên lạc với Hà Nội réo lên một hồi dài. Không hẹn mà gặp, cả Quân chủng và Quân khu đều thông báo một tin giống nhau: B-52 đã cất cánh.
Tôi bảo đồng chí sĩ quan phương hướng cho tôi nói chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Giáo, Tư lệnh sư đoàn 365. Vừa nhấc ống nghe lên đã nghe tiếng đồng chí Giáo bên kia đầu dây. Tôi thông báo tình hình địch, nhắc lại một số vấn đề trong phương án tác chiến rồi dặn:
- Các đơn vị phải chấp hành phương án đánh B-52 một cách nghiêm chỉnh và sáng tạo. - Tôi nhắc lại. - Chỉ được sáng tạo trên cơ sở chấp hành nghiêm những kết luận đã được hội nghị tháng 10 thống nhất.
Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này vì các đơn vị tên lửa của bộ đội tiền phương đều đã kinh qua việc đánh B-52 trên những chiến trường khác nhau nên có những kinh nghiệm khác nhau. Hiện tượng bảo thủ đã bắt đầu xuất hiện.
18 giờ 30 phút, trên bảng tiêu đồ xuất hiện tốp máy bay đầu tiên phía trên biên giới Việt - Lào. Đó là tốp F-111. Đường bay của tốp F-111 nhanh chóng vượt qua biên giới vào vùng đông - bắc Bắc Bộ. Sau đó, chúng tôi được Hà Nội thông báo: các sân bay Nội Bài, Yên Bái, Gia Lâm... bị các tốp F-111 đánh phá dữ dội.
Tôi trao đổi với đồng chí Nguyễn Sinh Huy lúc đó đang ngồi bên cạnh:
- Chúng nó cho không quân ta là đối tượng chủ yếu của B-52 nên tìm cách diệt trước.
Trong ánh đèn mờ, tôi thấy Nguyễn Sinh Huy mỉm cười. Nụ cười của anh như muốn nói: "Hãy chờ xem, ai sẽ là đối thủ chủ yếu của chúng mày!"
Trên bảng tiêu đồ, những tốp B-52 đầu tiên đang hướng về ngôi sao đỏ Thủ đô Hà Nội. Tôi cảm thấy trái tim mình như đau thắt mỗi khi đường chì nhích dần vào. Các đồng chí trong Sở chỉ huy lúc đó đều im lặng, như nín thở. Chắc anh em cũng cùng một tâm trạng như tôi. Không khí căn hầm như bị nén lại. Đồng chí chiến sĩ tiêu đồ còn rất trẻ, như vô tình, cứ chăm chú kéo những tốp B-52 đi vào Hà Nội. Chỉ riêng cái đường chì kia thôi cũng đủ tin rằng chúng ta sẽ thắng. Nào đâu là APK-20, APK-25, nào đâu là ALT-28, 31, 32 (Tên các loại máy gây nhiễu đặt trên B-52)... Chúng định làm tê liệt các hệ thống ra-đa của ta, bịt mắt chúng ta. Thế mà bây giờ chúng ta đã nhìn thấy rõ chúng từ cách xa 300 km, theo dõi nó một cách chặt chẽ, cho đến tận lúc này. Nếu chúng ta biết rằng mới cách đây tám tháng, ngày 10 tháng 4 năm 1972, khi B-52 vào ném bom ở Vinh, chúng ta vẫn còn phân vân không biết có đúng là B-52 không, thì rõ ràng chúng ta đã có một bước tiến vượt bậc. Vượt qua biết bao gian khổ, từ chỗ chưa nhìn thấy được kẻ thù, bây giờ chúng ta đã nhìn rõ chúng, nhìn thấy ngay từ đầu. Đó là một nhân tố bảo đảm thắng lợi.
Lại có điện thoại từ Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Sinh Huy cầm ống nghe. Một lát sau, đồng chí báo cáo, nghe giọng như lạc hẳn đi:
- B-52 đã ném bom hà Nội.
Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ: 19 giờ 42 phút. Như vậy là khoảng 19 giờ 40 phút, hàng đàn máy bay chiến lược B-52 của giặc Mỹ đã ném bom xuống Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cách đây tám tháng, hồi 1 giờ 26 phút ngày 16 tháng 4 năm 1972, Hải Phòng là thành phố đông dân đầu tiên trên thế giới bị máy bay B-52 giặc Mỹ ném bom rải thảm. Còn bây giờ, Hà Nội là Thủ đô đầu tiên trên thế giới bị chìm ngập dưới những đợt bom rải thảm của B-52.
Mặc dầu đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng tin B-52 ném bom Hà Nội vẫn gây cho chúng tôi một sự xúc động đặc biệt.
Thế là trận quyết chiến chiến lược của cuộc đụng đầu lịch sử đã bắt đầu.
Ngày 25 tháng 11 năm 1972, đồng chí Văn Tiến Dũng, ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng đến Sở chỉ huy Quân chủng duyệt phương án đánh B-52 đã truyền đạt cho chúng tôi quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là bất luận trong hoàn cảnh nào, quân và dân ta cũng phải đánh thắng trận này và giao nhiệm vụ nặng nề cho Quân chủng Phòng không - Không quân.