Đánh Thắng B-52 - Chương 5

NĂM

HỘI NGHỊ THÁNG 10

Đòn tiến công mạnh liệt của ta ở Trị - Thiên đầu năm 1972 cùng với làn sóng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam đã đặt tập đoàn Ních-xơn trước nguy cớ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Không còn cách nào khác, những kẻ từng say sưa với "Việt Nam hóa" buộc phải "Mỹ hóa" trở lại cuộc chiến tranh, trước hết là không quân.

Ngày 6 tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ chính thức gây lại cuộc chiến tranh phá hoại thứ hai đối với miền Bắc nước ta. Khác với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Giôn-xơn là leo thang dần dần, vừa leo thang vừa thăm dò, lần này Ních-xơn đã leo một cách hộc tốc, vội vã, với tất cả sức mạnh được tích lũy sau bốn năm "mài nanh, giũa vuốt". Ngày 6 tháng 4 năm 1972 mở lại cuộc chiến tranh thì ngày 6 tháng 4, nghĩa là chỉ mười ngày sau, chúng đã leo đến nấc thang cao nhất, đánh thắng vào Hà Nội, Hải Phòng. Điều mà Giôn-xơn phải mất hai năm thì Ních-xơn chỉ cần trong mười ngày.

Các lực lượng phòng không và nhân dân miền Bắc thực sự phải đương đầu với một thử thách mới hết sức nghiêm trọng trước một kẻ thù tàn bạo và xảo quyệt. Những vũ khí mới, những thủ đoạn mới về chiến thuật, kĩ thuật của không quân Mỹ lần này đã gây những khó khăn lớn về mặt tác chiến đối với các binh chủng Tên lửa, Cao xạ, Không quân và Ra-dar ta. Các mục tiêu bảo vệ lần lượt bị đánh hỏng nhanh chóng. Cầu Hàm Rồng từng hiên ngang đứng vững trong bốn năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, bị gãy gục chỉ sau một trận đánh bằng bom la-de. Hiệu suất chiến đấu của bộ đội tên lửa giảm sút rõ rệt, hiện tượng đạn rơi xuống đất trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ trong tháng 4 và tháng 5 đã có đến bảy mươi quả đạn mất điều khiển, trong đó có ba mươi bảy quả rơi xuống đất. Tình hình chiến đấu của bộ đội ra-dar thật đáng lo ngại, những công trình nghiên cứu về "bắt B-52" trước đây, nay tỏ ra ít hiệu quả. Ngày 16 tháng 4 năm 1972, khi B-52 thật vào Hải Phòng thì không được thông báo rõ ràng, nhưng khi B-52 giả vào thì đường bay trên bảng tiêu đồ lại y như thật. Ngày hôm đó, bộ đội tên lửa Hải Phòng đã phóng lên hơn chín mươi quả đạn mà chỉ được công nhận bắn rơi 1 B-52. Cũng trong ngày 16 tháng 4 năm 1972, bộ đội tên lửa được lệnh đánh "mãnh liệt" vào các "tốp B-52", những chiếc MIG-21 cũng cất cánh để chặn đánh các "tốp B-52" nhưng chỉ gặp mây và gió. Ngày hôm đó B-52 không vào Hà Nội!

Trong cuộc chạy đua kĩ thuật với bọn Mỹ, chúng ta tạm thua một hiệp. Theo tôi, nói ra điều này chẳng có gì phải xấu hổ. Chúng ta phải nhận rằng, về mặt nào đó, chúng ta chưa theo kịp sự phát triển của tình hình. Trong lúc kẻ địch luôn tìm cách cải tiến trang bị kĩ thuật thì chúng ta có lúc hầu như dừng lại, thỏa mãn, tự bằng lòng với những cái mà chúng ta đã đạt được cách đây ba, bốn năm.

Tuy nhiên, bom đạn của kẻ thù đã lên đến mức độ ác liệt nhất vẫn không ngăn được làn sóng tiến công như vũ bão của quân và dân ta trên chiến trường chính ở miền Nam. Hậu phương lớn vẫn cuồn cuộn chuyển sức người, sức của ra tiền tuyến. Quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác của đồng bào và chiến sĩ cả nước không gì lay chuyển nổi. Ních-xơn biết rõ điều đó và đã có một quyết định liều lĩnh nhằm cứu nguy thế cờ thua trông thấy: thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng, một "giấc mơ" mà những kẻ đi trước hắn chưa dám thực hiện.

Ngày 9 tháng 5 năm 1972 - ngày Mỹ thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng - đánh dấu sự mở đầu một chiến dịch mới, mang tên "Lai-nơ bếch-cơ" mà sau này ta quen gọi là "Lai-nơ bếch cơ 1". Lúc bấy giờ, cái tên này được các hãng thông tin phương Tây dịch nghĩa khá sát và hóm hỉnh là "cứu bóng trước khung thành". Đúng là khung thành "Việt Nam hóa" đang bị nghiêng ngả, cần có một hành động để cứu nguy.

Đầu tháng 6 năm 1972, tôi từ chiến trường Trị - Thiên về tới Hà Nội, được tham gia ngay cuộc họp của Bộ Tư lệnh Quân chủng bàn về nhiệm vụ tác chiến của các binh chủng trong tình hình mới. Không khí cuộc họp khá căng thẳng. Cuộc họp tập trung bàn cách khắc phục những thủ đoạn mới của địch và những biện pháp đẩy nhanh hiệu suất chiến đấu của các binh chủng lên một bước. Hội nghị nhất trí chủ trương mở đợt rút kinh nghiệm từ cơ sở lên ở từng binh chủng. Tôi được phân công chuyên sâu về tên lửa, rút kinh nghiệm đánh địch, đặc biệt là đánh B-52. Kết thúc cuộc họp anh Hoàng Phương, Chính ủy Quân chủng phát biểu:

- Cuộc sống không đặt ra vấn đề gì mà con người không giải quyết được. Từ trước tới nay, bọn Không quân Mỹ cũng đã thi thố nhiều âm mưu, thủ đoạn nham hiểm. Nhưng bộ đội phòng không - không quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tập thể của Quân chủng đã liên tiếp chiến thắng. Lần này, tuy bọn Mỹ có thêm những thủ đoạn kĩ thuật mới hết sức tinh vi, nhưng như chúng ta đã biết, không có loại vũ khí nào dù tinh vi đến đâu, không có âm mưu, thủ đoạn nào, dù xảo quyệt đến đâu, lại không có những chỗ yếu của nó. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra những mặt yếu của kẻ địch và khoét sâu vào đó.

Ngày 27 tháng 6 năm 1972, chỉ thị "Hướng dẫn tổ chức hội nghị sơ kết chiến đấu sáu tháng của bộ đội cao xạ, tên lửa, không quân, radar" được gửi xuống các đơn vị.

Có thể nói, trong Quân chủng chúng tôi, chưa bao giờ có đợt sơ kết chiến đấu nào được tiến hành khẩn trương, sôi nổi đến thế. Từ đại đội đến tiểu đoàn, ban ngày anh em vẫn trực ban sẵn sàng chiến đấu bên bệ phóng, trong buồng máy, ngoài trận địa, ban đêm lại ngồi lại với nhau nghiên cứu cách đánh địch hiệu quả nhất. Chỉ ở cấp trung đoàn, sư đoàn mới được dùng thêm một ngày để tiến hành hội nghị, còn tất cả chỉ được lấy thời gian ban đêm.

Bộ tư lệnh Quân chủng phân công nhau xuống dự đầy đủ các hội nghị ở các sư đoàn, các binh chủng. Các trợ lý của Bộ tham mưu, trừ những đồng chí phải trực ban, số còn lại được "tung" xuống các đơn vị để nắm tình hình.

Từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 7 năm 1972, hội nghị sơ kết chiến đấu của toàn Quân chủng được tiến hành ở khu Hòa Mục, ngoài thành Hà Nội. Các đồng chí ở Cục Tác chiến, Cục Quân huấn và các cơ quan khác trên Bộ đều xuống dự đầy đủ. Trước đó, các trung đoàn trưởng tên lửa đang chiến đấu ở phía bắc vĩ tuyến 20 cũng được Bộ Tổng tham mưu triệu tập về họp.

Đợt sơ kết chiến đấu sáu tháng đầu năm 1972 thực sự đã góp phần quan trọng nâng cao thêm một bước chất lượng chiến đấu của toàn Quân chủng. Đặc biệt nổi lên là bộ đội tên lửa Sư đoàn 363 bảo vệ Hải Phòng, đã liên tiếp tạo nên những trận đánh xuất sắc. Riêng tiểu đoàn 81 trung đoàn 238 từ ngày 6 tháng 8 đến ngày 6 tháng 9 đã bắn rơi tại chỗ ba chiếc.

*

* *

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất của chúng tôi lúc bầy giờ là B-52.

Trên cơ sở những kinh nghiệm nóng hổi của những trận đánh B-52 trong sáu tháng đầu năm, đặc biệt là các trận đánh ở Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng ngày 16 tháng 4 năm 1972, một phương án đánh B-52 tương đối hoàn chỉnh đã được hoàn thành trong tháng 7.

Bản phương án đánh B-52 lần này được ra đời trong bối cảnh cục diện trên chiến trường chính đang ở thế giằng co. Ta tiếp tục tiến công, còn địch thì điên cuồng phản kích hòng cứu vãn thế thất bại. Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Quân chủng phải hoàn thành thế trận đánh B-52 trước ngày 20 tháng 7 năm 1972. Sau đây là những điểm đáng chú ý của phương án:

- Sắp tới địch sẽ tiến hành một bước leo thang cao nhất, mục đích gây sức ép mạnh đối với ta, bằng một đợt đánh ồ ạt bằng B-52, kết hợp với máy bay chiến thuật của không quân và hải quân đánh ra ngoài vĩ tuyến 20, hướng là đường số 1 nam, 1 bắc, Thái Nguyên, Hải Phòng và Hà Nội, các vùng ngoại vi sát trung tâm. Nhất là Hà Nội, Hải Phòng, chủ yếu là Hà Nội. Đợt đánh kéo dài từ năm đến bảy ngày.

- B-52 sử dụng trên dưới năm mươi lần chiếc ngày, trong một khu vực mục tiêu trên dưới ba mươi chiếc. Máy bay của hải quân có thể dùng ba đến bốn tàu chở máy bay. Không quân sử dụng toàn bộ không quân ở Thái Lan, mỗi ngày sử dụng hai trăm năm mươi đến ba trăm lần chiếc. Cao nhất có thể ba trăm năm mươi chiếc.

B52 sẽ đánh kết hợp với cường kích.

B-52 đánh đêm là chủ yếu. Tăng cường cường kích và tiêm kích đi yểm hộ và hộ tống B-52, kết hợp đánh xen kẽ khu vực mục tiêu của B-52 cả đêm và đánh bổ sung ban ngày.

- Tăng cường nhiễu để che giấu đội hình, làm rối loạn thông tin, nghi binh tạo nên tốp B-52 giả xen kẽ với tốp B-52 thật.

- Tăng cường đối phó với lực lượng phòng không, sử dụng cường kích đánh phá tiêu hao tên lửa, đánh phá sân bay, đánh thành đợt trước và trong quá trình B-52 đánh phá.

Về ta, Quân chủng chủ động và phát huy sức mạnh tổng hợp đánh bại bước leo thang mới của địch. Kiên quyết bắn rơi tại chỗ máy bay B-52.

- Xác định lực lượng chủ yếu đánh B-52 là tên lửa và không quân, không quân chủ yếu là MIG-21. Dự kiến trung đoàn 267 là lực lượng dự bị của chiến dịch.

- Chuẩn bị hình thành thế bố trí kết hợp cao xạ và tên lửa. Cao xạ bảo vệ trực tiếp mục tiêu, bảo vệ tên lửa đánh cường kích. Pháo 100 mm tham gia đánh B-52. Tên lửa đánh cả cường kích và B-52, bố trí thành thế đánh kết hợp chính diện, đánh sườn và phía sau, lấy Hà Nội là hướng chủ yếu của đợt đánh. Tranh thủ phát hiện mục tiêu B-52 trong nhiễu, điều khiển đạn bằng phương pháp hiệu quả nhất. Chuẩn bị có những đơn vị phục kích từ xa (Mộc Châu, Bá Thước...).

- Không quân cất cánh đánh địch từ xa ngoài vòng hỏa lực của tên lửa.

- Radar rút kinh nghiệm xây dựng quy trình thao tác phát hiện B-52, nhất là phân biệt thật, giả, chống bất ngờ, kiên quyết không để lọt B-52.

Sau khi phương án tháng 7 được Bộ Tổng Tham mưu thông qua, Bộ tư lệnh Quân chủng tổ chức hội nghị phổ biến cho các binh chủng, các sư đoàn. Tiếp đó, các binh chủng, các sư đoàn, các cơ quan khẩn trương chuẩn bị phương án đánh B-52 của đơn vị mình.

Tôi được Bộ tư lệnh phân công xuống triển khai công tác chuẩn bị của sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội. Sở chỉ huy sư đoàn phòng không kín đáo nép mình trong xóm nhỏ một làng ngoại thành Hà Nội. Nếu không có những cần ăng-ten nhô lên sau lũy tre, không ai có thể ngờ nơi đây là trung tâm chỉ huy của một sư đoàn phòng không hiện đại, có nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu quan trong bậc nhất của cả nước.

Điểm nổi bật trong phương án tác chiến đánh B-52 của sư đoàn 361 là đã xác định được âm mưu, thủ đoạn của địch một cách dứt khoát và thể hiện được quyết tâm chiến đấu cao.

Vấn đề băn khoăn nhất của các đồng chí 361 là tên lửa bảo vệ Hà Nội quá ít, chỉ có hai trung đoàn, sẽ khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ. Tôi có nói với các đồng chí là vấn đề này, Bộ tư lệnh Quân chủng cũng đã nghĩ đến. Ngoài trung đoàn 267 hiện đang đứng chân ở Hà Nam, Ninh Bình, đã được ghi vào phương án tác chiến làm lực lượng dự bị cho Hà Nội, Bộ tư lệnh Quân chủng đã đề nghị lên trên điều gấp trung đoàn 274 từ tuyến trong ra, và sẽ nằm trong đội hình của Hà Nội.

Thực ra, những băn khoăn của các đồng chí 361 là hoàn toàn có căn cứ. Bản thân tôi cũng có băn khoăn về điều này nên rất thông cảm với nỗi lo lắng của các anh ở 361 và cố tìm cách làm các anh yên lòng:

- Sức mạnh của quân đội ta nói chung và của từng đơn vị nói riêng là sự tổng hợp giữa số lượng và chất lượng. Do đó chúng ta phải bằng mọi cách dốc sức nâng cao chất lượng bộ đội. Trên cơ sở đợt rút kinh nghiệm vừa qua, các đồng chí hãy đẩy mạnh công tác huấn luyện đội ngũ trắc thủ, nâng cao hiệu suất chiến đấu, thực hiện "một viên đạn một quân thù" thì hai trung đoàn của các đồng chí sẽ có giá trị bằng bốn trung đoàn.

*

* *

Trong đánh giặc, có phương án là điều vô cùng quan trọng, nhưng rõ ràng thắng lợi cuối cùng là do hành động của người lính trên chiến trường quyết định. Đối với bộ đội phòng không, đó là các đồng chí pháo thủ, trắc thủ, đặc biệt là các đồng chí trắc thủ tên lửa, trắc thủ ra-đa. ở đây, bên cạnh ý chí và quyết tâm, vấn đề kỹ năng chiến đấu là yếu tố hàng đầu để giành thắng lợi. Dù phương án tác chiến của Bộ chỉ huy có hay đến bao nhiêu, nhưng nếu như các trắc thủ lái đạn tên lửa lúng túng khi chọn dải nhiễu để bám sát, bàn tay bị giật cục trong lúc vê theo vòng quay làm cho cánh sóng bị lệch vài mi-li-mét thì viên đạn sẽ không bay trúng mục tiêu (Một mi-li-mét trên màn hiện sóng là hàng chục ki-lô-mét trong không gian), và sẽ không có chiến thắng. Chiến công của bộ đội tên lửa là chiến công tập thể, nhưng người "đại diện làm bàn" cuối cùng chính là các chiến sĩ trắc thủ.

Trong lúc thông qua phương án đánh B.52 tháng 7 năm 1972, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng hoàn toàn nhất trí rằng lực lượng chủ yếu đánh B.52 là bộ đội tên lửa. Muốn đánh được B.52, nhất định phải xây dựng bằng được một đội ngũ trắc thủ lái tên lửa giỏi. Mà muốn có một đội ngũ như vậy ít nhất phải có một thời gian từ hai đến ba năm. Với thời gian đó, đôi bàn tay của người chiến sĩ lái đạn mới có thể đạt đến mức điêu luyện như bàn tay của người nghệ sĩ chơi dương cầm. Đến lúc đó thì động tác điều khiển tay quay của người chiến sĩ không đơn thuần là một động tác chỉ có tính chất cơ học mà đã hòa vào đó cả tâm hồn và tình cảm của mình, tạo nên một loại cảm giác mới hết sức kỳ diệu, chỉ có những chiến sĩ chắc thủ mới cảm nhận được. Anh em gọi đó là "cảm giác tay quay". Chỉ cần mục tiêu mới bắt đầu có triệu chứng lượn vòng hoặc hạ thấp độ cao là lập tức bàn tay đó phải "vê" theo, "vê" một cách nhẹ nhàng, tinh tế, giống như người nghệ sĩ vuốt nhẹ trên phím đàn là có thể bật lên một âm thanh kỳ diệu làm xao xuyến lòng người. Cũng giống như người nghệ sĩ dương cầm, muốn chơi hay phải có bản nhạc thật hay, người chiến sĩ trắc thủ tên lửa muốn đánh giỏi trước hết phải có cách đánh giỏi. Tài liệu "Cách đánh máy bay chiến lược B-52" ra đời năm 1969 đã phát huy được vai trò lịch sử của nó. Nhưng trước những thủ đoạn kĩ thuật, chiến thuật mới, quỷ quyệt của kẻ thù, đòi hỏi phải có một tài liệu mới.

Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng giao cho tôi đặc trách công việc này. Đã là cuối tháng 7, đầu tháng 8. Tính hình rất khẩn trương. B-52 đã bắt đầu đánh phá có tính chất thường xuyên ở Hà Tĩnh, Quảng Binh. Một tổ biên soạn tài liệu được nhanh chóng thành lập do đồng chí Vũ Xuân Vinh, Tham mưu phó Quân chủng trực tiếp phụ trách. Thành phần của tổ gồm các đồng chí Nguyễn Sinh Huy, trưởng phòng tác huấn tên lửa, Vũ Lai Trường, trưởng phòng khoa học quân sự và các đồng chí Chu Thái, Tô Ngội, Lê Cổ, Nguyễn Xuân Minh... Tất cả các đồng chí trong tổ đều là những người đã qua chiến đấu với B-52.

Đối với chúng tôi, những trận đánh ngày 16 tháng 4 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng là một mối hận. Nhưng giá trị mà hai trận đánh đó mang lại cho những người nghiên cứ thì thật quý. Trận chạm trán với B-52 lần đầu tiên ngoài vĩ tuyến 20 đó đã giúp chúng tôi nhìn rõ kẻ thù hơn và cũng nhìn rõ bản thân mình hơn.

Thế là, trong khi cuộc chiến tranh phá hoại đang diễn ra quyết liệt trên khắp các địa bàn ở miền Bắc, thì trong một căn lán dã chiến cạnh Sở chỉ huy Quân chủng, tổ nghiên cứu biên soạn tài liệu "Cách đánh B-52" mải mê làm việc. Những tin tức mới nhất và những trận đánh B-52 ở chiến trường Khu 4 được điện về nhanh chóng. Anh em trong tổ biên soạn xác định lần này phải đúc kết cho được những kinh nghiệm quý báu từ trước tới nay, đặc biệt là nắm bắt cho được những thủ đoạn về kĩ thuật, chiến thuật mới nhất của không quân địch trong các trận đánh gần đây. Tuần nào tôi cũng đến làm việc với tổ vài ba lần.

Giữa tháng 9 năm 1972, tổ biên soạn hoàn thành xong tài liệu "Cách đánh B-52". Các đồng chí Vũ Xuân Vinh, Nguyễn Sinh Huy, Vũ Lai Trường trực tiếp báo cáo với tôi và đề nghị bố trí hẳn một tuần để thông qua. Tôi hỏi:

- Sao xin nhiều thời gian thế?

Đồng chí Vũ Xuân Vinh trình bày:

- Tài liệu gồm bốn phần chính, do bốn bộ phận biên soạn, có một số vấn đề chưa ngã ngũ cần phải trao đổi thêm mới đi đến thống nhất.

Trong khoa học, vấn đề tranh luận là điều đáng khuyến khích. Nhưng tình hình chiến đấu lúc này đang rất khẩn trương. Công tác chỉ đạo đánh B-52 ở tuyến trong đang hàng ngày thu hút tâm trí của chúng tôi. Suy cho cùng, công việc soạn thảo tài liệu đánh B-52 trong căn lán nhỏ yên tĩnh này và những trận đánh B-52 đang diễn ra quyết liệt ở phía nam cũng là một. Tôi báo cáo với Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng, được các anh chấp nhận tạm dứt công việc chiến đấu hàng ngày để dành toàn bộ thời gian cho tài liệu "Cách đánh B-52".

*

* *

Sau những trận đánh B-52 ở Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng và những trận đánh kế tiếp không thắng lợi ở chiến trường Khu 4, trong bộ đội tên lửa, ra-đa bắt đầu xuất hiện chiều hướng tư tưởng không lành mạnh. Ra-đa không tin là có thể phát hiện được B-52 từ xa và khó phân biệt được B-52 thật với giả. Tên lửa thì không tin là có thể bắn rơi được B-52. Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có những biện pháp kiên quyết và khẩn trương để khắc phục. Tôi thấy cần nhấn mạnh là các đồng chí ở Binh chủng Ra-đa đã có những chủ trương thiết thực và có hiệu quả, thể hiện được quyết tâm đánh địch cao và tác phong nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. ở đây, sự lãnh đạo của Đảng không còn là những nghị quyết chung chung mà đã thực sự đi thẳng vào những vấn đề kĩ thuật, chiến thuật. Trung đoàn 290 ở Quảng Bình, Vĩnh Linh là trung đoàn có nhiều kinh nghiệm bắt B-52. Bộ Tư lệnh Binh chủng quyết định tổ chức cho các đoàn trắc thủ của các đơn vị ở phía ngoài vào học tập kinh nghiệm tại chỗ. Một số trắc thủ giỏi của trung đoàn 290 được lệnh điều động bổ sung cho các đơn vị ở phía ngoài. Mặc dầu tình hình chiến đấu đang rất khẩn trương, các đồng chí ra-đa vẫn kiên quyết mở những hội nghị "đầu bờ" để kịp thời rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm nhanh nhất, như hội nghị thông tin, thông báo ở đại đội 25, hội nghị chống nhiễu bảo đảm dẫn đường ở đại đội 26... Đáng chú ý nhất là hội nghị xây dựng quy trình bắt B-52 được tổ chức tại đại đội 18 do đích thân Tư lệnh Binh chủng Bùi Đình Cường chủ trì. Các đồng chí Phó chính ủy Nguyễn Đăng Tuất, Tham mưu trưởng Nguyễn Tâm Trinh đều có mặt suốt từ đầu chí cuối trong ba ngày thảo luận sôi nổi. Các trắc thủ từ khắp các đơn vị ra-đa trên miền Bắc đã hăm hở kéo về một trận địa heo hút ở miền tây tỉnh Thanh Hóa với quyết tâm cháy bỏng là tìm mọi cách bắt cho bằng được B-52 nếu chúng dám liều lĩnh leo thang ra ngoài vĩ tuyến 20.

Hiệu quả của những cuộc họp rút kinh nghiệm, những hội nghị "đầu bờ", hội nghị chuyên đề mà các đồng chí ra-đa tiến hành trong năm 1972 đã phát huy tác dụng to lớn trong trận đánh bại cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của B-52 Mỹ vào Hà Nội. Sau này, trong tổng kết chiến tranh, những biện pháp này của các đồng chí ra-đa đã được đánh giá rất cao. Nó giải thích vì sao ngay ngày đầu tiên 18 tháng 12 năm 1972, mở màn chiến dịch, các đồng chí ra-đa đã phát hiện được B-52 ngay từ đầu và suốt trong chiến dịch đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Quân công và sau đó, được tặng danh hiệu vẻ vang Binh chủng Anh hùng. Rõ ràng chiến thắng không từ trên trời rơi xuống, mà là một quá trình tích lũy với tinh thần cách mạng tiến công liên tục, với ý thức trách nhiệm cao trước cuộc đọ sức lịch sử có liên quan đến vận mệnh của dân tộc.

Ngoài những hội nghị mang tính chất kĩ thuật, chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng, các đồng chí ra-đa còn tiến hành một công tác hết sức quan trọng là điều chỉnh lại đội hình chiến thuật của các đơn vị, có tuyến trước, tuyến sau, có cánh sóng tạt sườn, nhằm giảm đến mức cao nhất cường độ nhiễu của địch và bất kỳ địch vào từ hướng nào cũng có những đơn vị phát hiện được B-52.

*

* *

Đầu tháng 10 năm 1972, tài liệu "Cách đánh B-52" của bộ đội tên lửa được thông qua lần cuối cùng và cho phổ biến xuống các đơn vị. Đêm 7 tháng 10 trong lúc trực chiến ở Sở chỉ huy, tôi nhận được báo cáo B-52 bắt đầu đánh ra bắc Hà Tĩnh. Sáng 8 tháng 10, thay mặt Bộ tư lệnh Quân chủng, tôi gửi một bức điện khẩn xuống các đơn vị: "Đêm 7 tháng 10, B-52 đã ba đợt đánh ra bắc Hà Tĩnh, tới ngã ba Vọt. Như Quân chủng đã nhận định, địch đang có âm mưu dùng B-52 đánh ra miền Bắc. Các đơn vị cần nghiên cứu điều chỉnh lại đội hình, kiểm tra và bổ sung phương án tác chiến, tổ chức luyện tập theo phương án, chấn chỉnh tổ chức chỉ huy, bảo đảm chuyển cấp kịp thời. Các đơn vị báo cáo mọi mặt chuẩn bị lên Quân chủng trong ngày 8 tháng 10.

Sau này tôi được biết rằng, cũng chính trong ngày 8 tháng 10 năm 1972, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán ở Pa-ri chính thức chuyển cho phái đoàn Mỹ văn bản dự thảo hiệp định của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đang trong thế bị động, lúng túng trên chiến trường, lại đang cần tìm kiếm vốn chính trị chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Ních-xơn hăm hở vồ lấy bản dự thảo hiệp định của ta. Ta biết tình thế buộc kẻ địch phải chấp nhận chứ không phải do thiện chí. Ngược lại, tay cầm bản dự thảo hiệp định hòa bình nhưng trong đầu chúng đã hiện lên bao mưu ma chước quỷ.

Ngày 20 tháng 10 năm 1972, hai bên hoàn thành văn bản hiệp định và thống nhất ngày 31 tháng 10 năm 1972 sẽ chính thức kỹ kết.

Ngày 23 tháng 10 năm 1972, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra nhằm xoa dịu dư luận trong nước và thế giới. Những cũng chính ngày hôm đó, chính phủ Mỹ gửi công hàm cho ta nêu lên những khó khăn giả tạo do phía Sài Gòn gây ra và đòi kéo dài thời gian ký kết. Trước sự lật lọng của Mỹ, Chính phủ ta đã ra bản tuyên bố ngày 26 tháng 10 năm 1972 vạch trần thái độ xấu xa, thiếu nghiêm chỉnh của phía Mỹ.

Trong bối cảnh đó, cuộc hội nghị Đảng ủy Quân chủng bất thường ngày 27 tháng 10 năm 1972 chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Mậu, Phó chính ủy Quân chủng trực tiếp lên nhận chỉ thị của Quân ủy Trung ương về tình hình và nhiệm vụ mới đã quán triệt cho hội nghị tinh thần cơ bản là: Tình hình diễn biến sẽ có hai khả năng. Khả năng nào cũng hết sức phức tạp và quyết liệt. Khả năng nào bộ đội phòng không - không quân cũng phải sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Tôi còn nhớ, hồi đó bộ đội thường được nhắc đi nhắc lại câu nói như một châm ngôn: "Quân đội ta chức năng là chiến đấu, nhiệm vụ là ở chiến trường, trách nhiệm là đánh thắng."

Sau hội nghị đảng ủy, hội nghị công tác tư tưởng cấp tốc triệu tập. Tiếp đó, hội nghị tên lửa toàn Quân chủng bàn cách đánh máy bay B-52 cũng được triệu tập. Tôi được Bộ Tư lệnh phân công trực tiếp chủ trì hội nghị. Cùng làm việc có đồng chí Vũ Xuân Vinh, Tham mưu phó Quân chủng phụ trách tên lửa, người có nhiều cống hiến trong việc nghiên cứu biên soạn tài liệu cách đánh B-52.

Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm về cuộc hội nghị tên lửa bàn cách đánh B-52 này vẫn còn đậm nét trong ký ức của mỗi chúng tôi.

Thành phần đông nhất trong hội nghị vẫn là các trắc thủ, những chàng trai mà trình độ văn hóa mới hết cấp hai, cấp ba phổ thông, những người đã từng đánh rơi B-52 và cả những người chưa từng được thấy B-52 trên màn hiện sóng. Tất cả đều còn rất trẻ, cặp mắt sáng ngời, vầng trán thông minh, phơi phới lòng tin và quyết tâm đánh sập "thần tượng pháo đài bay Hoa Kỳ".

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân chủng, hội nghị vừa mang tính chất chỉ đạo, vừa mang tính chất một cuộc tập huấn, tập trung chủ yếu vào chuyên đề cách đánh B-52. Không khí chung của hội nghị là phấn khởi, tin tưởng có thể bắn rơi được B-52 nếu chúng dám liều lĩnh mở cuộc tập kích ra miền Bắc. Sau khi thảo luận kỹ những vấn đề về tổ chức chỉ huy, bảo đảm chiến đấu, cách vận dụng quy tắc bắn máy bay B-52 của tiểu đoàn tên lửa, ngay cả những cán bộ chưa từng đánh B-52 cũng tin chắc chắn là hoàn toàn có thể bắn rơi được B-52 nếu tổ chức huấn luyện tốt cho bộ đội đúng như những kết luận mà tài liệu "Cách đánh B-52" đã đúc kết. Về sau, chính các đơn vị này là những đơn vị bắn rơi nhiều B-52 nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.

Hội nghị tháng 10 là cái mốc quan trọng trên bước đường nghiên cứu tìm cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa Việt Nam. Nó chứng minh sự tiến bộ trong công tác nghiên cứu địch và xác định cụ thể cách đánh của ta. Nó thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, huấn luyện của Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng đối với một quân chủng kĩ thuật.

Hội nghị tháng 10 là tiền đề của thắng lợi đánh gục B-52 Mỹ trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội những ngày cuối tháng 12 năm 1972.