Đánh Thắng B-52 - Chương 6 - Phần 1

SÁU

TRẬN THEN CHỐT

26 THÁNG 12 NĂM 1972

Tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, Ních-xơn làm ra vẻ có thiện chí, cho đó là "một bước tạo điều kiện thuận lợi đi đến giải pháp hòa bình về vấn đề Việt Nam", nhưng trên thực tế, Ních-xơn đã cho không quân, hải quân đánh phá với quy mô lớn, có tính chất hủy diệt chưa từng thấy nhiều vùng đông dân cư trên một phần lãnh thổ của miền Bắc Việt Nam. Trong tháng 10 năm 1972, cường độ xuất kích của máy bay Mỹ có ngày lên tới 408 lần chiếc, mặc dầu phạm vi đánh phá chỉ bằng một phần tư diện tích toàn miền Bắc. Riêng B-52 đã có ngày lên tới 45 lần chiếc. Hãng thông tin Mỹ AP ngày 13 tháng 11 năm 1972 nhật xét: "Các trận ném bom của máy bay Mỹ được Bộ chỉ huy Mỹ đưa tin ngày 12 tháng 11 năm 1972 là các trận ném bom mạnh nhất chưa từng có ở vùng "cán xoong" Bắc Việt Nam..."

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những hoạt động của B-52 trên chiến trường Quân khu 4. Số lượng xuất kích B-52 tăng vọt lên sau ngày 23 tháng 10, nâng tổng số xuất kích trong tháng 10 năm 1972 lên tới 408 lần chiếc, so với 305 lần chiếc hồi tháng 9. Sang tháng 11, nhất là sau khi Ních-xơn đã yên vị trên chiếc ghế tổng thống nhiệm kỳ hai, địch càng sử dụng B-52 đánh phá điên cuồng hơn, trung bình mỗi ngày 27 lần chiếc, bằng 25 phần trăm tổng số lần xuất kích trên toàn chiến trường Đông Dương. Tổng số lần B-52 đánh phá từ Thanh Hóa trở vào trong tháng 11 năm 1972 đã lên tới 786 lần chiếc.

Trong những ngày này, không khí trong Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Quân chủng khá căng thẳng. Nhìn trên bảng tiêu đồ, thấy những đường bay B-52 gần như đan kín khu vực Nghệ An, Thanh Hóa, rồi liên tiếp nhận được báo cáo hàng trăm điểm dân cư bị bom N-52 dải thảm, chúng tôi đều cảm thấy không yên lòng. Các đơn vị tên lửa ở Nghệ An, Thanh hóa chưa bắn rơi được B-52. Cũng chính vì thế mà kẻ thù lại càng hoành hành dữ dội. Nhưng bè lũ Ních-xơn có âm mưu gì trong việc dùng B-52 đánh phá điên cuồng, ồ ạt phần đất phía dưới vĩ tuyến 20 này?

Đầu tháng 11 năm 1972, trung đoàn 267 được lệnh hành quân vào Thanh Hóa. Như vậy là lực lượng dự định bố trí làm lực lượng dự bị cho Hà Nội theo phương án tháng 7 không còn nữa. Lúc này, khi B-52 đang ngày đêm đánh phá có tính chất hủy diệt đồng bào Khu 4 thì sự điều động này có thể xem là hợp lý, đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Còn chúng tôi, một số đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân chủng, một phần cũng thấy đưa lực lượng vào để đánh B-52 là cần thiết, nhưng không khỏi phân vân. Nếu Ních-xơn bất ngờ trở mặt, đưa B-52 ra tập kích Hà Nội thì lực lượng tên lửa ở đây quá mỏng.

Trước tình hình chiến sự sôi động ở các tỉnh Khu 4, cuối tháng 11 năm 1972, tôi được lệnh lên đường vào Nghệ An cùng với Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng có nhiệm vụ chủ yếu đánh B-52.

Đúng như nỗi lo của nhiều người, Ních-xơn trở mặt mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng với qua mô chưa từng thấy. Sau trận đánh B-52 đêm 18 tháng 12 năm 1972, bộ đội tiền phương Quân chủng ở Nghệ An, Thanh Hóa, nhất là các đơn vị đã trải qua một sự "khủng hoảng" về tinh thần và tình cảm. Mỗi lần phát sóng thấy rõ từng đàn, từng lũ B-52 bay vào hướng Hà Nội, Hải Phòng, các chiến sĩ đã cắn chặt môi đến ứa máu vì tức tối và căm thù.

Hầu như ngày nào Sở chỉ huy tiền phương chúng tôi cũng nhận được phản ánh của các đơn vị yêu cầu được hành quân ra Bắc tham gia bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Khi được tin B-52 Mỹ ném bom và rải thảm hủy diệt bệnh viện Bạch Mai, nhiều đơn vị đã tổ chức mít tinh phát động căm thù. Nhiều lá đơn tới tấp gửi lên xin được tham gia chiến đấu để trả thù cho Hà Nội.

Tôi báo cáo tình hình này ra Hà Nội. Không phải chỉ là nguyện vọng của anh em mà cũng là nguyện vọng của cả tôi nữa. Sang ngày thứ ba của chiến dịch, một số đơn vị pháo cao xạ được lệnh hành quân cấp tốc ra Hà Nội. Còn tôi thì mãi trưa ngày 23 tháng 12 mới được lệnh gọi ra. Không chờ trời tối, mới khoảng 14 giờ, chúng tôi đã cho xe nổ máy. Đến nông trường Đông Hiếu, vừa ra tới bìa rừng thì xe chúng tôi bị ngay một "thằng" F-4 săn đuổi. Tôi bảo đồng chí lái xe cứa chạy, vì hai bên không có đường tránh, dừng lại chỉ tổ làm mục tiêu chó nó. ấy lần tên giặc lao xuống chặn đánh chúng tôi nhưng đều không ăn thua. Chạy được một quãng, thấy "trò chơi" này có vẻ nguy hiểm, nên khi thấy có đường tránh là chúng tôi dừng xe lại ngay. Nguyễn Sinh Huy và tôi vừa xuống xe, và chiếc xe vừa chạy khuất vào trong rừng cây thì một quả bom đã nổ cách chúng tôi chừng mười lăm mét. Phải nói thằng giặc lái này thuộc loại nhà nghề. Bị bất ngờ, Nguyễn Sinh Huy đẩy tôi lăn xuống một chiếc hố nông choèn. Đất đá tung lên rơi rào rào quanh người. Tai chỉ hơi ù một tí, sờ khắp người chẳng thấy có sây sát gì. Nhưng khi chống tay định đứng dậy, tôi bỗng giật mình rịt tay lại. Một mảnh bom sắc còn nóng bỏng bằng cái nắp ống đồng nằm ngay bên cạnh. Thật hú vía!

Khuya hôm đó, chúng tôi về đến Hà Nội. Ngay khi đến Thường Tín, chúng tôi đã nhìn thấy một vầng sáng rực hồng phía trước mặt. Nguyễn Sinh Huy thốt lên vui sướng:

- Hà Nội của chúng ta vẫn sáng điện.

Đồng chí lái xe cũng hòa niềm vui với chúng tôi:

- Thằng Ních-xơn chịu thua Hà Nội của ta rồi.

Chúng tôi mới rời Hà Nội cách đây vài tuần. Nghệ An với Hà Nội cũng chẳng xa xôi gì. Thế mà khi vừa đặt chân về tới cửa ngõ Hà Nội, chúng tôi đều cảm thấy hồi hộp như đi đâu xa lắm, lâu lắm mới trở về. Đối với riêng tôi, Hà Nội là máu thịt, là cả cuộc đời. Thời thanh niên sôi nổi tôi hoạt động bí mật ở Hà Nội. Đồng bào Hà Nội từng cưu mang, giúp đỡ, bảo vệ tôi nhiều lần thoát khỏi sự truy lùng của bọn mật thám. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, tôi đã cùng đồng bào Hà Nội chiến đấu, giữ từng góc phố, từng ngôi nhà. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại thời Giôn-xơn, tôi lại cùng đồng bào Hà Nội trải qua những chiến dịch đánh phá quyết liệt của không quân Mỹ. Giờ đây, tôi lại được trở về chiến đấu bảo vệ Hà Nội giữa lúc cuộc đọ sức cuối cùng đang ở thời điểm quyết liệt nhất. Và tại đây, tại mảnh đất nghìn năm văn hiến này, vận mệnh của dân tộc ta sẽ được quyết định. Đối với người lính, có hạnh phúc nào hơn là được tham gia vào những trận đánh như thế.

Trong những ngày qua, Hà Nội đã thay mặt cả nước đương đầu với những thử thách gay go nhất chưa từng có trong lịch sử của mình. Bằng sự hy sinh cao cả và những chiến công tuyệt vời, Hà Nội đã trở thành niềm tin, niềm kiêu hãnh của cả nước. Hơn thế, chiến thắng kỳ diệu đánh sập thần tượng "siêu pháo đài bay Hoa Kỳ" đã trở thành niềm tự hào của nhân dân cách mạng toàn thế giới. Và Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trở thành "Thủ đô của phẩm giá con người".

Sau này tôi được biết, ngay từ ngày 21 tháng 12 năm 1972, báo Pháp Thế giới đã viết: "Giới chức trách Mỹ, sau khi dấn mình vào cuộc leo thang tội ác này tưởng rằng tiếp đến là giai đoạn đối phương của họ sẽ đầu hàng. Nhưng đối phương của họ là những người khó bảo, bởi vì những người này có trí thông minh của lòng tự hào. Họ là những người có thể được coi là một dân tộc đứng đầu trong hàng ngũ nhưng dân tộc hy sinh vì lý tưởng của mình."

Xe qua bệnh viện Bạch Mai, tôi thấy hàng trăm người đang đào bới, thu dọn trên đống gạch đổ nát. 3 giờ 45 phút sáng hôm qua, kẻ địch đã cho B-52 rải thảm xuống bệnh viện, tàn phá hoàn toàn các cơ sở nghiên cứu và chữa bệnh. Từ khoa nội, khoa điện quang, huyết thanh, da liễu, tâm thần, khoa sinh hóa đến các khoa nhi, khoa sản đều bị đánh sập. Nhiều bác sĩ, nhân viên phục vụ, bệnh nhân, sản phụ và cả những em bé mới ra đời đã bị giết hại, bị thương hoặc mất tích.

Nguyễn Sinh Huy xuống xe ở trước cổng Trường đại học Bách Khoa:

- Báo cáo thủ trưởng, tôi xin phép ở nhà hết đêm nay, mai tôi sẽ vào sớm.

Tôi bảo:

- Lẽ ra tớ cho cậu nghỉ vài hôm, nhưng tình hình này sáng ngày mai cứ vào đơn vị tham gia chiến đấu là tốt hơn cả. Bọn Mỹ cũng chẳng còn mấy sức mà kéo dài nữa đâu.

Nhìn theo dáng cao cao của Nguyễn Sinh Huy khuất dần trong ngõ phố, tôi nghĩ đến sự hy sinh thật lớn lao của những người lính. Suốt mấy năm qua, anh cùng trung đoàn 238 bám trụ ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, sau đó đi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, rồi lại vòng về Quảng Trị. Đêm nay, chắc gì anh đã được gặp vợ con. Hơn ba mươi vạn dân Hà Nội, phần lớn là trẻ em, người già, phụ nữ, những người không trực tiếp tham gia chiến đấu đã ra đi trong đợt sơ tán lớn nhất đối với lịch sử của một thành phố. Những người ra đi đó cũng góp phần làm nên chiến thắng.

Khi xe vòng qua Bờ hồ, tôi bảo đồng chí lái xe đi chậm lại một chút. Niềm xúc động lớn tràn ngập trong lòng Hà Nội của chúng ta vẫn đàng hoàng và bình tĩnh như thế này ư? Những ngọn đèn ở đền Ngọc Sơn vẫn lung linh tỏa sáng. Những hàng cây xanh vẫn ung dung rủ xuống mặt hồ. Bên hè phố, tỉnh thoảng một tổ tuần tra đi làm nhiệm vụ, tư thế chững chạc, nghiêm trang. Giờ này, Hà Nội yên tĩnh. Sau những trận thua đậm, không chịu đựng nổi, B-52 đã phải giãn ra vòng ngoài.

Ở xa Hà Nội, chúng ta có phần lo lắng quá nhiều cho Hà Nội. Nhưng khi đứng giữa lòng Hà Nội, nhìn thấy tư thế của Hà Nội chiến đầu thì ta hoàn toàn tin chắc Hà Nội sẽ đứng vững, Hà Nội sẽ chiến thắng...

Khoảng ba giờ sáng, tôi về tới gian gác của mình ở phố Lý Nam Đế. Tôi nói với đồng chí lái xe và đồng chí công vụ:

- Các cậu đứng ở đây, tớ vào "trinh sát" trước xem tình hình ra sao.

Cả khu nhà vắng ngắt. Tôi đi men theo dãy hành lang tối om đến trước cửa nhà mình, trong lòng có hơi chút hồi hộp. Mặc dầu biết chắc vợ con đã đi sơ tán nhưng tôi vẫn cứ muốn hy vọng được gặp lại gia đình, dù chỉ là một vài phút thôi, để ngày mai lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới. Nhưng cái ổ khóa quen thuộc đã hiện ra trước mắt. Thế là hết hy vọng. Tôi lấy chìa khóa riêng ra mở cửa, rồi giơ tay bật công tắc đèn. Đồ vật trong nhà lặng lẽ nhìn tôi như muốn nói: "Anh đã về đấy ư? Cả nhà sơ tán hết rồi". Tôi miết ngón tay lên mặt bàn. Mặt bàn hằn lên một lớp bụi. Như thế là vợ con tôi rời khỏi căn phòng này ít nhất cũng đã hơn một tuần.

*

* *

Rạng sáng, tôi về đến Sở chỉ huy Quân chủng. Bước vào cửa hang, những "người" mà tôi gặp đầu tiên là các vị La Hán. Tất cả 18 vị "đội ngũ chỉnh tề" đứng một vòng quanh vách hang. Thực tình mà nói, đi đâu lâu ngày cũng có lúc tôi nhớ đến các vị này. Dưới ánh đèn nê-ông, gương mặt các vị hiện ra thật bình thản. Các vị có hay không, bên ngoài, cách không xa lắm cái nơi yên tĩnh mà các vị đang ngồi suy ngẫm về cuộc đời, cuộc chiến đấu giữa văn minh và bạo tàn đang diễn ra quyết liệt suốt ngày đêm. Trong số 18 vị, tôi nhớ nhất vị ngồi ngoài cùng, miệng có nụ cười hết cỡ. Bây giờ, lâu ngày gặp lại, vị La Hán đó vẫn đang nhìn tôi với nụ cười lạc quan.

Bước qua cửa ngách, căn hầm Sở chỉ huy đã hiện ra trước mắt. Anh Nguyễn Quang Bích đang trực chỉ huy. Đã gần suốt một tuần thức trắng đêm mà nét mặt anh trông vẫn tỉnh táo. Chẳng những thế mà hình như lại trẻ ra. Các nhân viên trong Sở chỉ huy cũng thế. Gương mặt nào cũng chan chứa niềm vui của chiến thắng. Không vui sao được, chiến thắng vang dội trong mấy ngày qua của Thủ đô Hà Nội, chính những con người thức suốt ngày đêm trong căn hầm này đã góp phần rất xứng đáng.

Phía cuối căn hầm, anh Nguyễn Xuân Mậu đang nằm ngủ trên ba chiếc ghế tựa ghép lại, chân thò ra ngoài, để nguyên cả đôi giày màu đỏ. Cùng với anh Nguyễn Quang Bích, anh Nguyễn Xuân Mậu tham gia trực chỉ huy trong suốt tuần qua.

Ngay chiều hôm đó, 24 tháng 12 năm 1972, tôi được dự buổi giao ban tuần của Bộ tư lệnh. Đúng một tháng trước đây, ngày 24 tháng 11 năm 1972, cũng vào một buổi chiều như chiều nay, cũng tại căn phòng này, đồng chí Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã xuống thông qua phương án tác chiến đánh B-52 lần cuối và giao nhiệm vụ cho Quân chủng. Những đồng chí có mặt hôm ấy, hầu hết hôm nay đều có mặt. Suốt một tuần chiến đấu hết sức căng thẳng chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của Quân chủng, nhưng không một ai tỏ ra mệt mỏi. Chiến thắng đang là chất men làm say lòng người. Tất nhiên đây không phải là một thứ say làm cho choáng váng, mà là thứ say của lòng tự hào chính đáng, của những người lính sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao cho, một nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề, mang tầm vóc lịch sử.

Tuy tất cả chúng tôi đều đã nắm được diễn biến chiến đấu từng ngày, từng trận, nhưng chiều nay, nghe đồng chí Tham mưu phó Nguyễn Hữu ích hệ thống lại tình hình chiến đấu của một tuần, chúng tôi vẫn cảm thấy như được sống lại những giây phút hào hùng của những trận thắng vang dội vừa qua. Đặc biệt, chúng tôi dừng lại trao đổi khá lâu ở trận đánh đêm 20 rạng ngày 21, trận đánh mang đầy đủ tính chất của một trận đánh tiêu diệt, một trận then chốt. Đêm 20, bọn địch vẫn chưa thay đổi quy luật về thủ đoạn đánh phá. Với tổng số chín mươi ba lần chiếc B-52, một trăm năm mươi mốt lần chiếc máy bay chiến thuật, địch tổ chức đánh ba trận vào Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng. Riêng Hà Nội địch dùng B-52 đánh hai trận, một trận lúc 19 giờ 30 phút và một trận lúc 4 giờ 33 phút. Phát hiện được địch từ xa và do rút kinh nghiệm của đêm trước, ngay từ đầu, hai MIG-21 đã được lệnh cất cánh đánh địch ở vòng ngoài. Tuy không gặp được B-52 nhưng máy bay ta đã làm cho bọn tiêm kích bao quanh B-52 phải tán loạn đội hình, tạo điều kiện thuận lợi cho tên lửa đánh địch. Ngay loạt đạn đầu tiên, hồi 20 giờ 30 phút, tiểu đoàn 93 ở trận địa Phú Thụy đã bắn rơi tại chỗ một B-52 ngay trên đất Yên Viên, mục tiêu mà bọn này được lệnh đánh phá. Bốn phút sau, tiểu đoàn 77, tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ một B-52 đêm 18 tháng 12, lại bắn rơi chiếc B-52 thứ hai trong đêm tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì. Đặc biệt, chỉ trong vòng năm phút, từ 5 giờ 9 phút đến 5 giờ 14 phút, các tiểu đoàn 57, 77, 79 từ các trận địa Đại Đồng, Chèm, Đông Mai, chỉ bằng bảy quả đạn đã bắn rơi liên tiếp bốn B-52, trong đó có ba chiếc rơi tại chỗ. Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử của bộ đội tên lửa. Tổng hợp chung trận thắng oanh liệt đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12, toàn miền Bắc đã bắn rơi tất cả 19 máy bay địch, trong đó có 3 F-4, 1 F-111 và 1 A-6 rơi tại chỗ. Riêng bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi 7 B-52, có năm chiếc rơi tại chỗ. Đặc biệt xuất sắc trong trận này là tiểu đoàn 77, chỉ còn sáu quả đạn đã đánh tất cả ba trận cho đến lúc "trắng bệ", bắn rơi tại chỗ hai B-52. Đáng chú ý là ở tiểu đoàn 57, do đạn thiếu, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt đã phải cân nhắc từng quả một, trong ba phút đánh hai trận, mỗi trận một quả, bắn rơi hai máy bay B-52, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ.

Phấn khởi thì phấn khởi thật, nhưng vấn đề đặt ra đối với chúng tôi trong buổi giao ban chiều ngày 24 tháng 12 cũng rất căng thẳng. Nổi lên là vấn đề sử dụng lực lượng và vấn đề đạn tên lửa. Một lần nữa tôi lại nêu vấn đề điều trung đoàn 267 ra bảo vệ Hà Nội. Bởi vì, địch giãn B-52 ra vòng ngoài chỉ là để trấn an bọn phi công sau những trận thua thiệt quá nặng. Chúng vẫn còn tiềm lực và nhất định sẽ còn đánh trở lại Hà Nội để tiếp tục gây sức ép tối đa với ta, hòng đạt được ý đố đàm phán trên thế mạnh. Việc B-52 giãn ra vòng ngoài còn nhằm kéo lực lượng ta ra để bất ngờ đánh trở lại khu vực chủ chốt. Đồng chí Nguyễn Quang Bích cũng nhất trí với kiến nghị này và đề nghị "Nếu không đồng ý đưa 267 ra thì đưa bớt hai tiểu đoàn của 275 ra Nam Hà và dịch 267 lùi ra."

Tuy nhiên cũng có ý kiến nhân lúc địch giãn ra, đưa một phần lực lượng tên lửa của Hà Nội ra vùng ngoài để đánh B-52, cụ thể là điều tiểu đoàn 71, 72 ra khu vực Kép, điều trung đoàn 257 lên hướng Việt Trì, Thái Nguyên, còn ở Hải Phòng thì điều hai tiểu đoàn ra khu vực Bãi Cháy.

Tất cả những ý kiến này đều được báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu và sẽ đưa ra bàn bạc thêm trong cuộc họp rút kinh nghiệm chiến đấu ngày hôm sau của cán bộ quân chính toàn Quân chủng.

Đêm 24 tháng 12, từ 19 giờ 50 phút đến 20 giờ 30 phút, địch dùng ba mươi ba lần chiếc B-52 từ căn cứ U-ta-pao, có ba mươi tư lần chiếc không quân chiến thuật yểm hộ, tổ chức đánh một trận vào khu gang thép Thái Nguyên. Pháo cao xạ 100 của trung đoàn 256 thuộc Quân khu Việt Bắc đánh trả mãnh liệt, bắn rơi một B-52.

24 giờ, địch tạm ngừng đánh phá để nghỉ lễ Nô-en, kết thúc giai đoạn một của chiến dịch và chờ "tín hiệu" trả lời của ta.

Cần nhắc lại rằng, sau công hàm có tính chất tối hậu thư gửi cho ta cùng một lúc với "công hàm B-52" ngày 18 tháng 12 năm 1972, ngày 22 tháng 12 năm 1972, Mỹ lại gửi tiếp cho ta một công hàm nữa đề nghị nối lại Hội nghị Pa-ri. Nhận rõ tim đen của kẻ thù và để đáp lại cái thói "găng-xtơ" kiểu Mỹ, chúng ta im lặng và trả lời chúng bằng cách đánh mạnh hơn, tiêu diệt nhiều B-52 hơn. Và chúng đã bắt đầu ngấm đòn. Tuy nhiên, kế hoạch nghỉ Nô-en của Ních-xơn chỉ là kế hoãn binh hòng xoa dịu dư luận trong nước và thế giới đang như một làn sóng lên án mạnh mẽ tội ác của chúng đối với nhân dân Việt Nam.