Yêu thương và tự do - Chương 22 - Phần 3

Tình huống trí lực có thể phát triển bình thường hay không có liên quan đến vấn đề được yêu thương hay không. Trường chúng tôi có một bé là Viên Viên, khi bé 2 tuổi, mẹ bé sinh thêm một em trai nên không có thời gian chăm sóc bé, thường xuyên gửi bé sang nhà người khác. Sau đó, bố mẹ gửi bé học nội trú trong trường chúng tôi. Tâm lý và trí tuệ của bé chưa từng bình thường. Hôm đó, tôi mua cho con mình một đôi giày mới, con tôi rất vui, gặp ai cũng nói: “Mẹ mua giày mới cho con, mẹ mua giày mới cho con”. Viên Viên nhân lúc con tôi không để ý, đã giẫm lên đôi giày mới một cái. Con tôi khóc ầm lên, thế là Viên Viên nở một nụ cười sung sướng. Buổi chiều, khi tôi đến đón con, hoặc chồng tôi đến đón con, Viên Viên đều đòi bế hoặc là “Cho con đi xe với”, thế là chồng tôi cũng cho bé lên xe đi một vòng. Vì lúc đó Viên Viên ở nội trú, nên chúng tôi khá quan tâm đến con bé. Tôi cũng thường nói với chồng mình bế con bé để bù đắp sự thiếu thốn tình yêu của nó. Ngày nào cũng vậy, kết quả là con trai tôi đau khổ trong một thời gian dài, đến nỗi các cô còn phải nói với chồng tôi: “Sao anh lại như vậy? Anh có biết anh làm thế là không đúng không? Trạng thái tâm lý của con trai anh giờ cũng gần giống như Viên Viên”. Sau đó tôi phát hiện ra, khi chúng tôi không có ở đó, Viên Viên đã nói với con trai tôi: “Tớ sẽ không cho bố cậu làm bố của cậu nữa mà làm bố của tớ, tớ không cho bố cậu bế cậu, mà bế tớ”. Con tôi bị giày vò đến nỗi khóc ầm lên. Sau đó tôi phải nói với Viên Viên là: “Con không được như vậy. Mẹ hiệu trưởng yêu con, bố Tân Tân cũng yêu con, nhưng con không được làm thế với Tân Tân”.

Mỗi khi trường có khách, Viên Viên lại ra đón nói: “Chào dì, con dẫn dì đi tham quan nhé”. Sau đó, bé sẽ dẫn mọi người đi: “Thưa dì, đây là phòng âm nhạc của chúng con, đây là đàn piano”. “Thưa dì, đây là phòng nghệ thuật…”. Tất cả mọi người đều cho rằng bé thông minh. Còn những trẻ thật sự thông minh thì không hề quan tâm đến việc trường có khách, mà luôn chuyên tâm vào công việc của mình. Còn Viên Viên, vì tâm lý và cả trí tuệ của bé đều phát triển không bình thường, nhưng tất cả mọi người lại tưởng rằng bé thông minh. Tất cả khách đến trường, những người chưa hiểu về phương pháp giáo dục này đều nói con bé thật thông minh, vì bé biết quan sát sắc mặt của người khác, chỉ một thoáng qua cũng đủ để bé biết người đó có ý gì. Bé cũng thích khi người lớn tỏ ra thích thú bé. Sự chú ý của Viên Viên chỉ tập trung vào hai điểm: Một là tìm kiếm tình yêu ở khắp mọi nơi, hai là tìm cơ hội thể hiện. Viên Viên không còn chút sức lực nào để tập trung vào việc phát triển trí lực của bản thân!

Đặc điểm thứ hai của trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng là khiến cho con người ta xa rời con đường và mục tiêu phát triển của bản thân.

Tôi nhớ có một lần, một cô giáo tiếng Anh đến dạy ở trường chúng tôi. Cô giáo này đang thử nghiệm một phương pháp dạy, phương pháp này đang tiến hành ở khắp mọi nơi, gọi là làm động tác, cũng giống như biểu diễn, lúc ngồi xuống, lúc lại đứng lên, vừa làm động tác vừa nói tiếng Anh. Lần này, cô muốn thử nghiệm ở trường chúng tôi. Tôi nói: “Phương pháp này không phù hợp với học sinh trường chúng tôi”. Cô ấy nói: “Tôi đã thử nghiệm phương pháp này ở rất nhiều trường mầm non, tất cả trẻ đều rất thích, tại sao lại không thích hợp?”. Tôi nói: “Phương pháp giáo dục của chúng tôi không giống thế”. Cô ấy nói: “Thế thì chị cho phép tôi thử nghiệm một buổi chiều, nếu không thành công thì thôi”. Đầu tiên, cô gom bọn trẻ lại, đứng lên nói thế nào, ngồi xuống nói thế nào, xua tay nói thế nào, lắc đầu nói thế nào…, cô giáo vô cùng hưng phấn. Bạn đoán xem, lũ trẻ trường chúng tôi, nếu không ngơ ngác quan sát thì bụm miệng cười, có trẻ còn nói: “Cô giống con khỉ”. Sau đó cô giáo đó nói: “Em thất bại rồi, học sinh trường chị không chịu học theo em”.

Trò chơi là trò chơi, khi chúng ta có ý định lồng ghép tri thức vào trò chơi, lâu dần sẽ khiến trẻ có những trở ngại tâm lý khi phải học thực sự. Nhưng trường chúng tôi chỉ có một trẻ học theo được, đó chính là Viên Viên. Bé đứng dậy nói “up”, ngồi xuống nói “down”…, bé làm y hệt cô giáo kia, tất cả những trẻ còn lại đều bụm miệng cười, nói bé giống con khỉ. Lúc đó, tôi có một cảm nhận sâu sắc rằng: Phương pháp này thực sự phù hợp với những trẻ như Viên Viên. Hơn nữa, phương pháp ấy còn phù hợp với đa số trẻ ở trường mầm non truyền thống. Có thể thấy rằng, nếu chúng ta không hiểu giáo dục, chúng ta sẽ đẩy trẻ vào con đường sai.

Nếu bản thân giáo viên cũng là một người du ngoạn trong trí tưởng tượng, thì bản thân người đó cũng không có sức sáng tạo, khi người đó giảng bài, sẽ nói với con trẻ “1” là cây gậy, “2” là con vịt, “3” là cái tai… Tôi đoán là người soạn ra những nội dung này muốn dùng cách ghi nhớ bằng sự liên tưởng để giúp trẻ nhớ nhanh, nhưng trí nhớ của trẻ rất tốt, không phát sinh bất cứ trở ngại nào, nên cách làm này sẽ chỉ làm phân tán sự chú ý của trẻ, làm hỏng trí nhớ của trẻ.

Trạng thái tâm lý tốt mới có thể đón nhận thử thách, và để đón nhận thử thách còn cần cả dũng khí. Chúng ta biết trí lực và dũng khí đều vô cùng quan trọng với một con người. Nếu một con người mất đi trí lực hoặc dũng khí, thì cả cuộc đời của họ sẽ thất bại. Ngay từ đầu Montessori đã nói rằng, thông thường, trí lực của con trẻ là ngang nhau, không có gì khác biệt. Nhưng khi trạng thái tâm lý của trẻ gặp trở ngại, thì sự khác biệt của toàn bộ trạng thái là rất lớn. Montessori đã so sánh điều này tương đương với một người bị gãy xương và một người không bị gãy xương. Chúng ta hãy tưởng tượng mà xem, nếu một người gãy xương mà không được băng bó cố định lại, thì người đó không thể làm gì nữa, cả cuộc đời sẽ thành tàn phế.

Trạng thái tâm lý tốt còn có thể chịu đựng những áp lực và bất trắc. Trong công việc và trong cuộc sống, áp lực là việc hoàn toàn bình thường. Quá trình tự điều tiết nên như thế này: Áp lực càng lớn, sức chịu đựng của con người càng cao. Nhưng trong rất nhiều tình huống, mọi việc hoàn toàn ngược lạc, rất nhiều người không chịu nổi áp lực. Đó là vì tuổi thơ của những người đó không được phát triển bình thường, họ không có sức mạnh tâm lý, không có năng lực tự kiểm điểm bản thân. Montessori nói: “Một tâm hồn bị thay đổi bất thường thì không thể chịu những sức ép lớn”. Trong xã hội này, trong mọi công việc, trong cuộc sống tương lai, chúng ta không thể tránh khỏi áp lực, vì áp lực là một trạng thái hoàn toàn bình thường, cũng có nghĩa là con người đối diện với áp lực là một hiện tượng bình thường. Mỗi con người đều phải có khả năng chịu đựng áp lực, nhưng khi một người gặp phải trở ngại về tâm lý, sức chịu đựng của họ sẽ suy giảm rất nhiều.

Những đứa trẻ gặp trở ngại về tâm lý sẽ không phát hiện ra những phép tắc của sự vật và bí mật của cuộc sống. Ví dụ như toán học, vốn dĩ toán học là một quá trình logic, chứa đựng bao nhiêu bí mật bên trong. Khi chúng ta thao tác gậy dài, chúng ta sẽ phát hiện ra cây gậy dài nhất dài hơn cây gậy tiếp theo đúng bằng một khoảng cách nhất định, và tương tự thế. Ở đây có logic và quy luật của toán học, khi trẻ phát hiện ra bí mật này, trẻ sẽ cảm thấy vui mừng. Sau đó, trẻ sẽ tự chủ tự giác thực hiện các hoạt động trí lực, ví dụ khi trẻ đếm liên tục từ 0 đến 99, trẻ sẽ phát hiện từ 0 đến 99 có 10 đến 19, 20 đến 29, 30 đến 39…, tất cả đều là 0 đến 9, tất cả đều là một quy luật. Nhưng những đứa trẻ đã gặp trở ngại về tâm lý, trẻ không phát hiện ra được bí mật này, trẻ không thể tìm hiểu sự thật, trẻ chỉ thích nghi với những gì cô giáo đã dạy, còn bản thân trẻ thì không phát hiện ra được điều gì.

Một người lớn như thế này sẽ bài trừ thế giới bên ngoài, trạng thái tình cảm thường thấy của người này là oán trách và cho rằng mọi việc thật bất công, phẩm chất ấu trĩ được thể hiện bởi trí lực chưa phát triển. Một vị phụ huynh tên là Đường Hà kể với tôi rằng, khi chị nói chuyện với một người bạn làm công an về trường Montessori, người đó đã nói: “Phi thực tế, sớm muộn gì họ cũng sẽ bị xóa sổ!”. Nói xong anh ta còn bổ sung thêm: “Theo tôi, trường này chuyên dạy ra những phần tử phạm tội, kết quả của tự do chính là tội phạm!”. Chị Đường Hà đã nói với anh ta là: “Khi tâm lý một người bị đè nén, bị trấn áp quá lâu, họ mới có thể bùng phát, có thể phạm tội. Còn một người tâm lý thoải mái thì họ phạm tội để làm gì?”. “Tôi không cần biết, nhưng chắc chắn chỗ đó sẽ giáo dục ra một loạt những tội phạm, rồi cũng bị xóa sổ mà thôi”. Đường Hà nói với tôi: “Anh ấy không hiểu và cũng không chịu hiểu. Anh ấy bài xích trường này. Đây chính là một người gặp trở ngại tâm lý nghiêm trọng. Nhưng anh ta cứ tưởng mình hiểu, cái này gọi là hiểu trong một phạm vi hạn hẹp. Kiểu người này chiếm số đông. Có những phụ huynh còn nói là: “Không đánh không thành tài”. Còn anh công an kia thì nói với Đường Hà là: “Tôi phải cảm ơn mẹ đã đánh tôi, đánh đến thừa sống thiếu chết. Chị xem, tôi được đánh mà trưởng thành, nhờ ăn đánh mà được làm việc trong ngành công an”. Anh ta còn nói: “Giáo dục mà không trừng phạt thì có mà loạn à!”.

Liệu có phải chúng ta cũng giống như thế, không ít thì nhiều? Tư tưởng của chúng ta không dễ dàng tiếp nhận cái mới? Kỳ thực thế giới bên ngoài rất phong phú, nhưng chúng ta lại nhốt mình trong thế giới riêng. Đối với con trẻ, tư tưởng của chúng ta là gì? Cũng có thể chúng ta cho rằng, bao nhiêu những thứ mà Montessori đã nói chính là tư tưởng. Nhưng thời kỳ trẻ em thì không thế, rất nhiều điều được thể hiện trong từng việc nhỏ. Ví dụ tôi thường hay dẫn con trai đi mua đồ, có lúc không đủ tiền, tôi nói: “Mẹ chỉ có mười tệ, không đủ tiền để mua tất cả những thứ này, nên con chỉ được chọn hai thứ”. Con tôi nhanh chóng chọn ra được hai thứ, trả những thứ còn lại về chỗ cũ còn mình thì vui vẻ ra về. Nhưng một đứa trẻ khác thì không như vậy. Mỗi lần bé thấy Tân Tân nhà tôi được mua gì thì lại đòi: “Mẹ ơi, con cũng cần”. Mẹ bé bảo: “Thế thì con đi mua đi”. Nhưng mỗi khi đứng trước tủ hàng có bao nhiêu thứ, bé lại bị rối loạn. Bạn hỏi bé: “Con có cần thứ này không?”. Bé nói: “Không cần”, nhưng vẫn đứng mãi ở đó. Mỗi lần tôi dẫn bé đi, tôi đã đứng đó hàng tiếng đồng hồ, sau đó thì tôi cũng sốt ruột mà phát cáu: “Sao mãi mà con không chọn ra thứ mình thích thế. Thế con muốn mua cái gì?”. Nhưng bé vẫn không chọn được, bé vừa định cầm thứ này lên thì lại buông ra: “Con không lấy cái này nữa, con muốn đổi cái khác”. Bé đã không thể điều khiển được bản thân mình.

Sự việc này khiến tôi suy nghĩ mãi. Nếu là một lần, tôi còn có thể cảm thấy là một việc ngẫu nhiên, nhưng hai lần, ba lần... tôi phát hiện ra lần nào bé cũng vậy, hoảng loạn không biết phải làm gì, bé đã giống như Montessori từng nói, không thể “điều khiển tư tưởng của bản thân”. Một em bé như thế này chắc chắc không thể phát triển trí lực một cách bình thường.

Chúng ta biết rằng, con trẻ tuân theo sự chỉ dẫn của phôi thai tinh thần, thông qua các hoạt động của mình thực thể hóa phôi thai tinh thần, từ đó đạt tới sự phát triển bình thường. Nếu tâm lý và trí lực của trẻ vấp phải trở ngại, trẻ sẽ bắt đầu du ngoạn trong trí tưởng tượng, trẻ không thể phát triển trí lực của mình, trẻ sẽ đi chệch khỏi quỹ đạo phát triển bình thường.

Một lần con của hàng xóm nhà tôi bị đứt tay. Hôm đó là mùa đông, tôi đi làm về nhìn thấy, tôi nói: “Lê ơi, cháu bị đứt tay rồi, bây giờ đang là mùa đông, dễ bị nhiễm trùng lắm”. Lúc đó cháu bé 3 tuổi. Tôi bảo: “Cháu phải vào nhà nhờ mẹ băng tay cho”. Cô bé nói: “Không sao đâu, cháu không sao đâu”. Khả năng ngôn ngữ của cô bé rất tốt. Tôi nói: “Không được đâu, tay cháu sờ vào đất cát thế này, rất dễ nhiễm trùng, cháu phải về nhờ mẹ băng lại cho”. Tôi khuyên mãi, cô bé nói: “Vâng ạ, cháu với bác cùng đi”. Tôi đi theo sau cô bé, kết quả là cô bé vừa vào đến cửa thì khóc òa lên, vừa khóc vừa kêu: “Mẹ ơi con bị đứt tay”. Mẹ cô bé nói: “Đưa đây mẹ xem nào”. Rồi mẹ cô bé đi tìm một miếng vải, quấn tay cô bé một vòng, không cần sát trùng, cũng không buộc lại, nói: “Con thật là anh hùng”. Nói xong thì vội đi làm việc khác. Cô bé đó vội giơ ngón tay lên nói: “Anh hùng, mình là anh hùng!” rồi chạy mất.

Thật là! Lúc đó tôi cảm thấy con người thật là cẩu thả, cuộc sống là khổ nạn. Ai cũng nhìn thấy tâm thái trước và sau của cô bé. Tại sao cô bé không muốn đi tìm mẹ mình? Tại sao cô bé không cần ai cả? Tại sao cô bé vào gọi mẹ lại phải khóc òa lên? Tại sao cô bé cũng gọi mình là anh hùng? Con đường trưởng thành của con người thật là tàn khốc. Ứng phó với con trẻ là hành vi thường thấy của người lớn, cho dù trình độ của họ thấp hay cao.

Một người bạn của tôi khi học lên đại học, thành tích học tập toàn là 88 hoặc 89 điểm(*), nhưng cô ấy không hiểu tại sao. Một lần cô ấy ngồi cùng một bạn học khác của tôi là Dương Bình, cô ấy nói: “Lần nào cậu thi cũng được trên 90 điểm, còn tớ thì chưa bao giờ được 90 điểm cả. Rõ ràng là khi cô giáo chấm điểm, cô đã quy định một số người được trên 90 điểm và một số người phải dưới 90 điểm”. Tôi ở cùng cô ấy một năm, tôi phát hiện thấy cô ấy và Dương Bình hoàn toàn khác nhau. Đặc điểm của cô ấy là học cái gì cũng chỉ học một lần, nên chỉ mơ hồ, không rõ ràng. Vì thế, khi hỏi đến những chi tiết nhỏ, cô ấy sẽ không hiểu. Còn Dương Bình thì không như vậy, Dương Bình có một cảm giác sắc sảo, có thể phân biệt đến từng chi tiết của sự việc. Dương Bình nắm bắt những vấn đề lớn một cách gọn gàng, chắc chắn, và khi được hỏi đến những chi tiết nhỏ, cũng trả lời một cách rành mạch. Rõ ràng là cô ấy nắm bắt tri thức một cách rất có hệ thống.

(*) Trung Quốc tính thang điểm 100.

Còn người bạn kia, cô ấy học dựa vào trí nhớ. Hãy nhìn thành tích của cô ấy, chưa bao giờ vượt quá 90 điểm. Hỏi đến chi tiết thì cô ấy không biết, vừa nghe câu hỏi cô ấy đã thấy sợ, tại sao mình không nghĩ đến vấn đề này nhỉ? Trên thực tế, thực chất của vấn đề lại phát sinh từ quá trình phát triển trí lực của những năm đầu đời, đây là vấn đề về tư duy. Từ tư duy chi tiết đến toàn bộ cục diện, rồi lại phải quay về từng chi tiết; từ cảm giác đến khái niệm, rồi lại phải quay về cảm giác. Nhưng rất nhiều người chúng ta dừng ở giữa chừng. Chúng ta có thể tiến hành khảo sát, những đứa trẻ có kết quả học tập không tốt đa phần là những đứa trẻ có cha mẹ độc đoán, việc gì cũng phải nghe theo bố mẹ. Còn những trẻ có thành tích tốt hơn, đa phần sống trong một gia đình dân chủ, tư duy của chúng cũng hoàn chỉnh hơn.

Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ tuổi ấu thơ, cả trạng thái của con trẻ không được phát triển tốt. Con của em họ tôi hay bị bố mắng mỏ, mỗi lần trẻ đọc “Bách khoa toàn thư”, cháu cũng nắm bắt nhanh hơn Tân Tân. Nhưng đó chỉ là những kiến thức chung. Tri thức rải rác ở khắp mọi nơi, cháu không thể sắp xếp, liên tưởng và phân loại tri thức. Nguyên nhân của trạng thái trí lực này là vì tâm hồn cháu đã lạc đến một thế giới khác, cũng có thể nói là cháu đã du ngoạn đến một thế giới tưởng tượng, nên vừa gặp khó khăn đã mất lòng tin. Trạng thái của một người bình thường là tiếp tục tiến lên khi gặp khó khăn: “Có khó khăn rồi, đây là lúc thể hiện khả năng của mình”. Nhưng cũng nhiều người lùi bước khi gặp phải khó khăn, họ cúi đầu đau khổ: “Biết làm thế nào bây giờ?”.

Con trẻ cũng vậy, ví dụ như ngày quốc tế thiếu nhi 1 tháng 6, trường mầm non tổ chức trình diễn thời trang. Có những cháu nghe thấy biểu diễn thời trang là vui vẻ lên sân khấu, nhưng có những cháu bình thường luyện tập rất tốt, nhưng đến lúc lên sân khấu thì bị “ngợp” trước khán giả. Điều này là biểu hiện của một đặc điểm điển hình nhất: Gặp phải khó khăn là lùi bước, sự tự tin bị dao động. Tôi xin đưa ra một ví dụ, trường chúng tôi có bé Cửu Cửu, bé và mẹ đến nhà dì chơi. Dì của bé có một bé gái tên là Hàng Hàng. Hàng Hàng lớn hơn Cửu Cửu. Trước đây, mẹ của Hàng Hàng kiêu lắm, lúc nào cũng cảm thấy con của mình xuất sắc hơn. Họ sống chung với nhau ba tháng, trong ba tháng này, Hàng Hàng hay biểu diễn tiết mục cho người lớn xem như đọc thơ, múa hát… rất vui vẻ. Bé Cửu Cửu vào học trường chúng tôi một năm, hai đứa trẻ lại gặp nhau. Có một lần, hai bé chơi với nhau rồi nảy sinh mâu thuẫn, Hàng Hàng đánh Cửu Cửu một cái, Cửu Cửu mặc kệ, Hàng Hàng lại đánh cái nữa. Lúc này, Cửu Cửu quay lại đánh cho Hàng Hàng một cái mạnh hơn. Hàng Hàng ngồi khóc, Cửu Cửu không đi tìm mẹ mình mà đi tìm mẹ Hàng Hàng nói: “Lần thứ nhất Hàng Hàng đánh cháu, cháu không phản ứng. Lần thứ hai Hàng Hàng đánh cháu, cháu mới đánh trả”. Cửu Cửu sử dụng từ “đánh trả” vừa có lý, vừa có sức mạnh. Cửu Cửu đã có đủ dũng khí để tự bảo vệ mình.

Một người bạn của tôi có con không được xinh, người lớn thường hay nói: “Đứa trẻ này xấu quá!”. Bé Cửu Cửu đứng dậy nói: “Cô không được nói người khác như thế!”. Người lớn đó nói: “Cô đâu có nói con”. “Cô không được nói ai cả”. Người bạn tôi thấy thế rất kinh ngạc, bởi vì chưa có ai nói rõ ràng về việc này như thế. Tôi cảm thấy đây chính là khả năng phân biệt đúng sai, cũng là biểu hiện của khái niệm rõ ràng và tràn đầy dũng khí. Nếu tâm hồn của một đứa trẻ được phát triển bình thường, trẻ sẽ nhìn nhận được thực chất của vấn đề. Khi trẻ nhìn được thực chất của vấn đề, trẻ sẽ nói ra được cách nhìn nhận của mình, vì trẻ có đủ dũng khí. Nếu trẻ không nói, thì đó không phải vì vấn đề dũng khí mà đó là sách lược của trẻ. Đó là những đứa trẻ phát triển bình thường. Còn với những đứa trẻ thiếu dũng khí, có thể trẻ cũng có suy nghĩ như vậy, nhưng trẻ không nói ra. Nhưng phần đông trẻ em không có được suy nghĩ này. Suy nghĩ là trí lực, dám làm là dũng khí, cách làm là sách lược.

Có một lần, cả nhà tôi tranh luận về một việc. Nói qua nói lại mãi, con tôi đứng dậy nói: “Cả nhà không nói nữa, mẹ có lý, nghe mẹ đi!”. Vốn dĩ sự việc này cũng chẳng có gì, nhưng tôi cảm giác được, cả quá trình con nghe bao lời phức tạp như thế, nhưng vẫn giữ được chủ kiến của mình. Một đứa trẻ muốn ăn thịt dê xiên, bé bảo: “Bố ơi, đúng ra là chiều nay con đã ăn cơm rồi, nhưng con vẫn đói. Giờ con đang thấy đói, không về được đâu”. Bố bé nói: “Thế thì chúng ta về nhà ăn nhé”. Cậu bé ngồi sau khóc ấm ức. Bố hỏi: “Con khóc cái gì?”. Bé bảo: “Con muốn ăn thịt dê xiên”. Sau đó bố bé hỏi tôi: “Sao nó không nói thẳng ra?”. Tôi nói: “Vì cậu bé sợ anh!” Trên thực tế, trẻ hoàn toàn có thể nói thẳng với bạn, tại sao lại không chứ? Nhưng mỗi lần bé làm vậy, mỗi lần bé nói vậy, mỗi lần bé tuân theo sự phát triển của bản thân bé, thế nào cũng xảy ra vấn đề. Nhưng nếu mỗi lần bé đã lấy hết dũng khí ra mà vẫn phải nói vòng nói vo, lâu dần cũng xảy ra vấn đề. Nhưng cuộc sống thì lâu dài và tinh tế, tâm lý và thói quen của chúng ta cũng phát huy tác dụng lâu dài và tinh tế như thế.