Yêu thương và tự do - Chương 22 - Phần 2

Nhiều đồ chơi có tuổi thọ vô cùng ngắn. Tôi thường nghĩ, cả quá trình thao tác đồ dùng dạy học Montessori là có quy luật. Con trẻ sinh ra đã thích các quy tắc, vui mừng khi phát hiện ra những quy tắc, niềm vui ấy thúc đẩy trẻ tiến hành những hoạt động trí lực tự chủ tự giác, cao hơn. Thông qua sự phát triển tâm trí của mình, con trẻ không ngừng thay đổi phương pháp thao tác đồ dùng dạy học, sau đó căn cứ vào độ thành thục của thao tác mà phát hiện ra những bí mật bên trong. Nhưng tất cả những điều này phải được tiến hành trong trạng thái tự do, tự nguyện, trẻ có thể làm việc, cũng có thể ra ngoài chơi. Nếu không làm được điều này, trẻ không thể phát triển. Nhưng người lớn lại hay suy đoán trẻ. Montessori nói: “Mặc dù con trẻ nhanh chóng chán ngấy đồ chơi của mình, và làm hỏng chúng, nhưng niềm tin này của người lớn không bao giờ thay đổi”. Tất cả những người lớn vẫn đang tiếp tục mua đồ chơi cho trẻ con, cho trẻ con chơi, tưởng rằng đồ chơi là thứ duy nhất trên thế giới này có thể phát triển trí tuệ của trẻ. Montessori nói: “Đồ chơi là sự tự do duy nhất của con trẻ trên thế giới, nhưng trong khoảng thời gian quý báu này, con trẻ càng nên xây dựng một nền móng cơ bản để hoàn thiện cuộc sống của mình”. Nền móng ấy hoàn thiện nhờ vào sự phát triển tâm lý và trí tuệ của bản thân con trẻ. Đồ chơi trong mắt người lớn chỉ có tác dụng khi con trẻ không coi đó là đồ chơi. Nhưng người lớn không biết điều này. Vì thế, tại rất nhiều trường học và trong mắt rất nhiều người làm cha làm mẹ, sự “phân liệt” của trẻ lại được cho là sức sáng tạo và sức tưởng tượng. Khi chúng ta nhìn thấy con trẻ chơi đồ chơi, nghe thấy con trẻ tự tạo một câu chuyện, chúng ta tưởng rằng trẻ có óc tưởng tượng.

Một đứa trẻ bình thường sẽ không làm thế. Trẻ vừa được sinh ra vài năm, tất cả sinh lực của trẻ và tất cả yêu cầu của bản thân trẻ liên tục nói với trẻ rằng: “Đi nhận biết thế giới để tự phát triển”. Mỗi phút của trẻ cần hoạt động và hoạt động, nhưng đứa trẻ lại ngồi đó để nghĩ ra những câu chuyện, đây có vẻ giống hoạt động của một người già hơn.

Một hôm có một cô giáo nói với tôi: “Lớp em mới có một bé chuyển đến, em cảm thấy bé chẳng có hứng thú với bất cứ thứ gì, bé ngồi trên xe, ngồi rất nghiêm chỉnh, không muốn gì cả, cứ ngồi bất động như thế”. Tôi nói: “Có thể đứa trẻ này lớn lên cùng ông bà”. Cô ấy nói: “Đúng thế”. Một đứa trẻ thì không thể ngồi yên một chỗ, đó là trạng thái của người già. Một bên là mặt trời mới mọc, một bên là mặt trời sắp khuất núi, đây là hai kiểu người có cảm nhận hoàn toàn khác nhau về thế giới, nhưng lại bị ép gắn kết với nhau. Một người vừa bắt đầu cuộc sống của mình, tràn đầy hào hứng với thế giới này, người kia thì đã sắp đi đến cuối cuộc đời, dựa vào hồi ức để sống qua ngày, nhưng chúng ta lại ép hai người họ ở với nhau. Rõ ràng không thể nói là dạy cái gì, mà tâm thái ấy sẽ ảnh hưởng đến con trẻ, khiến trẻ không còn cảm hứng với thế giới. Ở trường chúng tôi cũng có những trẻ như vậy, lúc mới đến trẻ không hứng thú với việc gì, không thích cái gì. Bạn muốn bảo trẻ làm gì trẻ cũng không tham gia, trẻ không tập thể dục, không thích đi công viên, cứ ngồi ở đấy nhìn ông già phía đối diện, một, hai giờ không biết chán. Các cô đùa với nhau rằng: “Không hiểu điều gì có thể khiến một đứa trẻ hiếu động lại thành ra thế kia?”.

Tại sao lại như vậy? Chúng ta biết là, khi một đứa trẻ sống với bà, việc bà thích làm nhất chính là “tự quyết định”. Khi đứa trẻ phát hiện bên kia đường có một con sâu nhỏ, trẻ hiếu kỳ bước về phía con sâu đang động đậy. Bà liền không do dự mà kéo trẻ đi, bà sợ phiền phức. Cách làm này khiến tinh thần trẻ phân liệt, phá vỡ quá trình thực thể hóa của con trẻ.

Nhưng khi chúng tôi tạo cho con trẻ một môi trường tốt ở trường học, khi con trẻ có thể ngay lập tức hòa mình vào môi trường thì sự kích động, hoang tưởng và hiếu động của trẻ sẽ không còn nữa. Tôi biết ở Bắc Kinh có một trường học chuyên trị liệu chứng tăng động cho trẻ, trường học cho trẻ chơi, sờ mó một số đồ vật, và còn làm ra một số thiết bị rồi thu tiền rất đắt. Nhưng chúng ta biết rằng, sự hiếu động ở trẻ là hậu quả của một thời gian dài. Vì thế muốn điều trị cũng cần phải có một thời gian dài, cho trẻ một môi trường tự do, để trẻ lắng nghe tiếng lòng của mình, để trẻ liên tục được hoạt động. Vì thế một tiết học sẽ chẳng thay đổi được điều gì. Tôi đã nói với người bạn giới thiệu trường học đó là: “Trường Montessori không có đứa trẻ nào hiếu động. Muốn cho trẻ phát triển bình thường thì hãy thử dùng phương pháp giáo dục này”.

Chỗ chúng tôi có một bé tên là Châu, ban đầu bé rất hiếu động. Cô giáo vừa quay đi, bé đã vứt toàn bộ cốc của lớp từ tầng hai xuống dưới. Động tác của bé cực nhanh, vừa cởi áo khoác của bé để cất lên mắc, cô quay ra cởi áo cho bạn khác thì bé đã kịp cho áo vào chậu. Bé nhìn thấy cô quay lại thì sẽ chạy biến đi, vì bé biết người lớn sẽ đuổi theo bé. Ở bé đã hình thành một tâm thái, nhìn thấy người lớn thì chạy càng nhanh hơn. Động tác của bé rất nhanh, nắm cái này bắt cái kia khiến cô giáo quay như con thoi. Tôi nói với mẹ của bé là: “Hai bên chúng ta cùng phối hợp, từ hôm nay trở đi, cháu có làm gì cũng không được nói, cho dù là cháu đang phá hoại cũng không được nói, cứ để cháu tự điều chỉnh bản thân mình”. Ba tháng sau, bé đã thay đổi. Một hôm khi mẹ bé chờ đón con, thấy con đang chơi ở bãi cát, cô ấy đã nói với tôi rằng: “Em rất cảm ơn nhà trường. Em quá mãn nguyện, mới ba tháng, con em đã có thể chơi trong bãi cát đến hai tiếng đồng hồ”. Vì thế tôi đã nói với rất nhiều người là: “Trường Montessori không có trẻ mắc chứng tăng động, không có đứa trẻ nào hiếu động. Bọn trẻ đều có thể ngồi rất lâu để nhìn ngắm, thao tác những thứ mình thích”.

Montessori nói, khi mới vào trường Montessori, dù ít dù nhiều trẻ đều có những trở ngại về tâm lý, những trở ngại ấy hình thành từ gia đình. Vì thế trên thế giới, sau khi vào trường Montessori, trẻ sẽ có hai tháng rưỡi để tự điều chỉnh. Hai tháng rưỡi sau, nếu trẻ chưa yên tĩnh, chưa có được trạng thái làm việc tập trung, thì cô giáo chính là người phải tự kiểm điểm lại: Có thể cô chưa cho trẻ đủ tình yêu và tự do. Tiếp tục chờ đợi, nếu sau ba tháng con trẻ vẫn chưa thể bước vào trạng thái, cô giáo phải tự kiểm tra lại mình: Cô có cho trẻ đủ tự do không? Cô chưa làm tốt ở điểm nào? Hay là cô chưa dành cho trẻ đủ tình yêu? Tình trạng của cha mẹ như thế nào? Tự kiểm tra như thế, cô sẽ tìm ra nguyên nhân.

Có những đứa trẻ trong vòng một tuần đã bước vào trạng thái, những trẻ chậm hơn chút thì một tháng. Trong những trạng thái bình thường, từ hai tháng rưỡi đến ba tháng là con trẻ sẽ bước vào trạng thái. Chỉ có những trẻ 5 tuổi trở lên, hoặc những trẻ đã học trong trường truyền thống quá lâu mới cần đến thời gian từ nửa năm đến một năm. Cô giáo phải liên tục điều chỉnh, vì trẻ đã bị đè nén quá lâu, lại cộng thêm tâm lý và trí tuệ mang tính hấp thu của trẻ đã sắp mất đi, nên các cô giáo rất vất vả, các cô rất sợ khi lớp nhận thêm những học sinh kiểu thế này.

Môi trường mà chúng tôi mang đến cho trẻ có thể giúp cho những hành vi không mục đích, những hành vi hiếu động của trẻ trở nên có phương hướng. Montessori nói: “Bàn tay và khối óc con trẻ trở thành công cụ của tâm hồn cho những khát vọng tìm hiểu và nhận thức chân thực hiện thực xung quanh. Sự nghiên cứu tri thức đã thay thế cho sự hiếu kỳ không mục đích”. Những thay đổi tâm lý bất thường ở trẻ lớn càng nghiêm trọng và phức tạp hơn, trong môi trường tự do, những đè nén trong quá khứ cũng cần đến một thời gian dài để dần dần giải tỏa. Bởi vì du ngoạn trong trí tưởng tượng là một kiểu trốn tránh, trốn trong những trò chơi hoặc trốn trong thế giới hoang tưởng để che giấu tâm lý và trí lực đã bị phân liệt. Trạng thái du ngoạn trong trí tưởng tượng cũng là một kiểu tự phòng vệ vô thức, một kiểu tự trốn tránh khỏi nguy cơ và hiểm nguy, ẩn mình sau lớp mặt nạ. Người lớn cũng vậy, khi chúng ta không có cách nào để giải quyết một vấn đề, chúng ta sẽ chìm đắm trong sự hoang tưởng, để tự an ủi và lẩn tránh mình. Nếu một người lớn trở thành như vậy, thì sự tự mâu thuẫn của anh ta lại càng trầm trọng, những vấn đề về tâm lý giống như một bức tường, anh ta không thể vượt qua bức tường ấy, nên cứ ở trong đó chơi trò chơi mà không biết thế giới bên ngoài như thế nào? Thế giới bên ngoài rất rộng lớn, anh ta muốn ra, nhưng không ra được, anh ta liên tục bị húc đầu vào tường, liên tục tự an ủi trong sự tự đấu tranh. Bởi vì con người thật khổ sở, những lúc không được ai an ủi, anh ta sẽ tự an ủi mình. Có những lúc chúng ta tự lừa dối bản thân, ví dụ như trong tình yêu, tôi phát hiện ra phần đông phái nữ có một đặc điểm: Cô ấy đã phát hiện ra người đàn ông có vấn đề, mà toàn là những vấn đề quan trọng, nhưng cô ấy vẫn tự nói với mình “không phải thế”. Sau đó cô ấy tự tìm một lý do để “rũ tội” cho anh ta. Để đến sau khi kết hôn mới phát hiện ra sự tưởng tượng đã tan biến, cô ấy đau khổ vô cùng, cô ấy sẽ nói rằng: “Anh là kẻ lừa đảo”.

Cách đây không lâu tôi có đọc được một báo cáo nghiên cứu của người Mỹ, một đứa trẻ dù là trai hay gái, thì trong mắt trẻ, người đàn ông đầu tiên chính là bố mình, người phụ nữ đầu tiên chính là mẹ mình. Nếu bé gái không được bố mình công nhận, sau khi trưởng thành sẽ có một đặc điểm là, khi con tìm được người đàn ông của mình, cô ấy sẽ lưu luyến người này, nếu người này rời bỏ cô ấy, cô ấy sẽ vô cùng đau khổ, cô ấy phải tìm mọi cách để có được sự khẳng định của người này. Đã có rất nhiều người, khi đối phương nói là không yêu họ, vốn dĩ họ có thể từ bỏ và đi tìm một tình yêu và hạnh phúc mới, nhưng không, cô không yêu tôi, tôi sẽ giết cô, tôi sẽ tìm mọi cách để cô yêu tôi. Trên thực tế anh ta có yêu cô ấy không? Anh ta không yêu, mà chỉ quá lưu luyến mà thôi. Anh ta đang tìm kiếm điều gì? Anh ta đang tìm kiếm sự khẳng định của mẹ mình, tìm kiếm sự khẳng định của bố mình. Bi kịch của nhân loại chính là ở đây, những điều đó đã được hình thành từ thời thơ ấu của những người này.

Chúng ta biết, một đứa trẻ cho dù bị mẹ đánh đến thế nào vẫn sẽ yêu mẹ, muốn mẹ khẳng định mình. Nếu con trẻ cần tình yêu của bạn, tại sao bạn không thể cho con tình yêu? Con được thỏa mãn, bạn cũng thỏa mãn, đây chính là một việc tốt trúng cả hai mục đích, nhưng chúng ta lại không thể. Rất nhiều đứa trẻ nói: “Mẹ ơi bế con!”. Người mẹ nói: “Không bế được, con lớn rồi, con đã độc lập, con phải học cách tự đi đi”. Đứa bé chạy theo nói: “Mẹ ơi bế con, mẹ ơi con mệt lắm, con đau bụng”. Đứa con nghĩ ra mọi cách để được mẹ bế, người mẹ thì cho rằng không nên bế con, mà phải để con học cách độc lập.

Từ những đứa trẻ, tôi đã phát hiện ra rằng, trẻ trên 5 tuổi có một nỗi lo lắng, nỗi lo lắng ấy đến từ chính sự trưởng thành của trẻ. Trẻ 5 tuổi rưỡi, trẻ cảm nhận được sau 6 tuổi trẻ sẽ thay đổi, sự thay đổi ấy khiến trẻ sợ hãi, vì thế trẻ lại quay ra quấn mẹ. Giống như một đứa trẻ 12 tuổi, trẻ cảm nhận được cuộc sống của trẻ đang thay đổi, và sợ hãi sự thay đổi ấy. Trên thực tế, sự thay đổi ấy là sự thay đổi hướng tới độc lập, trẻ ngày càng cách xa mẹ, cách xa bến bờ an toàn của bản thân trẻ, trẻ phải tự bơi ở thế giới bên ngoài. Ý thức tiềm tàng ấy thật mãnh liệt. Bạn hãy quan sát xem, trẻ 7, 8 tuổi quấn mẹ nhất, hơi một tí là chạy ra bên cạnh mẹ. Đây gần như là sự lưu luyến trước lúc chia xa, từ 3 đến 6 tuổi, rồi đến 9 tuổi, trẻ phải liên tục vươn tới sự độc lập, nhưng có chút lo lắng và sợ hãi, trẻ cần có một sức mạnh để bước tiếp, trẻ muốn có tình yêu của mẹ.

Lúc con tôi 5 tuổi, ngày nào cũng bắt mẹ bế lên bế xuống cầu thang, lên xe không chịu ngồi sau mẹ mà ôm hẳn lấy mẹ, hai tay ôm cổ mẹ. Tôi bế con xuống xe, rất nhiều người bảo: “Chiều con thế, chiều lắm con sinh hư”. Tôi nghĩ, con thích cảm giác nào thì cho con cảm giác ấy, tôi cảm thấy điều này không thể làm hư một đứa trẻ. Yêu thương sao có thể làm hư một đứa trẻ? Giúp con trẻ trưởng thành, vì con thiếu thốn sự giúp đỡ, bởi vì chúng ta là tất cả những gì con trẻ có. Nếu người làm mẹ mà không thể bảo vệ quá trình trưởng thành của con mình, bạn thử suy nghĩ xem, thế gian còn có ai có thể làm được việc này?

Chúng ta hãy cùng đọc một câu chuyện trên “Reader’s Digest” (tạp chí chuyên về gia đình của Mỹ): Một thợ săn đang săn đuổi một đàn hươu, đuổi đến một ngọn núi, bên dưới là một vách đá, vách đá này cách vách đá đối diện một khoảng khá xa. Khi người thợ săn đuổi đến đây, đàn hươu bỗng trở nên yên lặng, hình như chúng đang mở một cuộc họp. Sau khi cuộc họp kết thúc, một con hươu già nhảy về phía vách đá bên kia, khoảnh khắc ấy, một con hươu già khác cũng nhảy theo. Bởi vì không con hươu nào có khả năng nhảy sang vách bên kia, chỉ khi con hươu đằng trước đang cố sức vượt qua, con hươu đằng sau cũng cất bước, giẫm móng sau của mình lên thân con hươu đằng trước, mới có thể nhảy được sang bờ bên kia. Hai con hươu già đầu tiên là hai con hươu đang thử nghiệm, những con hươu tiếp theo bắt đầu xếp thành hai hàng, con hươu đầu tiên nhảy, rồi các con khác nhảy theo, một con hươu già một con hươu non, cho đến khi tất cả các con hươu non sang được bờ bên kia, những con hươu con được cứu, những con hươu già đã hy sinh. Con hươu cuối cùng là con hươu đầu đàn, nó kiên quyết nhảy qua bờ bên kia, rồi rơi xuống vực. Tôi nghĩ, không ai đọc xong câu chuyện này mà không cảm động, nếu câu chuyện này là thật, chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy xấu hổ khi làm người sao?

Cho nên, trong cuốn sách “Nghệ thuật yêu” (The art of loving), Erich Fomm đã nói rõ với chúng ta rằng: Tình yêu đích thực mà cha mẹ dành cho con chính là quan tâm đến sự trưởng thành của con. Đây là điều mà chỉ có bạn mới có thể làm tốt nhất. Bởi vì quan tâm đến sự trưởng thành của người khác là một quá trình vô cùng phức tạp, vô cùng gian nan. Nếu một người mẹ quan tâm đến sự trưởng thành của con mình, điều đó không chỉ có nghĩa là quan tâm đến niềm hy vọng của gia đình, mà còn là quan tâm đến sự hưng thịnh của cả một xã hội, cả một dân tộc.

Chúng ta đã nói về du ngoạn trong trí tưởng tượng, tôi có cảm giác rằng, chúng ta đều là thành viên trong tập thể du ngoạn ấy. Sau đây tôi xin nói đến những phiền phức mà trạng thái du ngoạn này mang đến cho người lớn chúng ta. Montessori nói, trong nhà trường truyền thống, những trẻ giàu tưởng tượng, cũng chính là những trẻ đang du ngoạn trong thế giới tưởng tượng đều được coi là những trẻ có trạng thái tốt, có óc tưởng tượng, nhưng những trẻ đó đều không có kết quả học tập tốt, cũng có nghĩa là trẻ không có một thành tích lý tưởng. Nhưng những người lớn không thấy được một điều, đó là những trẻ có vấn đề. Montessori nói: “Người ta vẫn cho rằng trí tuệ giàu sức sáng tạo khiến người ta không thể tập trung vào thực tế”. Phần đông người lớn cho rằng một người hay tưởng tượng chính là một người có “sức sáng tạo”, vì quá giàu sức tưởng tượng mà không thể làm tốt những việc hiện thực trong cuộc sống.