Yêu thương và tự do - Phụ Lục 2

Bạn có quan tâm đến sự trưởng thành của con mình không? Thế nào gọi là quan tâm đến sự trưởng thành của con người? Tôi từng xem một bộ phim: Một em gái khoảng 13, 14 tuổi, một hôm em đưa bạn trai về nhà. Hai người ngồi trên ghế sofa nói chuyện, nói chuyện mãi, bạn trai muốn hôn em. Em gái không đồng ý, hai người giằng co qua lại. Trong lúc giằng co đã làm đổ đèn và mấy thứ trên bàn. Người bạn trai đứng phắt dậy, chỉ vào em gái nói: “Mẹ mày bị bệnh thần kinh, mày cũng bị thần kinh. Mày là đứa thần kinh”. (Mẹ em gái có tiền sử bệnh thần kinh, thường xuyên phải vào điều trị ở bệnh viện tâm thần, bệnh dứt lại về nhà). Người bạn trai mắng xong thì đẩy cửa bước đi. Nghe những lời này, em bé gái cũng hết sức chịu đựng, cũng chạy ra khỏi nhà.

Người mẹ trở về nhà, nhìn thấy trong phòng bừa bộn, suy nghĩ một lát thì lái xe đi tìm con.

Em gái ngồi co ro ở một nơi, cảm thấy rất tuyệt vọng. Buổi tối mẹ tìm thấy em, hai người lặng lẽ lên xe. Im lặng một lát, mẹ em vừa lái xe vừa hỏi: “Con đưa bạn về nhà à?”.

Em gái không nói gì.

Mẹ hỏi: “Bạn con nói con phải không?”.

Em gái vẫn không nói gì.

Mẹ nói: “Bạn nói mẹ con bị bệnh, con cũng bị bệnh, con cũng bị thần kinh phải không?”.

Em gái kinh ngạc ngẩng lên nói: “Sao mẹ biết?”

Mẹ nói: “Có những lúc, chúng ta gặp được một người tốt, nhưng cũng có những lúc, chúng ta gặp một người xấu”.

Chỉ câu nói này đã giải quyết được những khúc mắc trong lòng cô con gái. Đó chính là giúp con trưởng thành. Người mẹ này biết rằng, giúp con trưởng thành là điều quan trọng nhất, và chị ấy biết cách giúp con mình.

Còn vấn đề của chúng ta ở đâu? Chúng ta thường xuyên đối xử với con mình là: “Con đừng có làm phiền mẹ!”, “Con đừng có làm như vậy, tại sao con làm thế?”. Chúng ta chưa từng chú trọng vấn đề trưởng thành của con.

Một người mẹ biết con mình đi gặp bạn gái sắp đi học xa, mẹ nói: “Mẹ mong là con có thể chỉnh tề đi gặp bạn mình”. Người con nói: “Vâng ạ”. Sau đó người con tắm rửa, ăn mặc sạch sẽ.

Người mẹ nói: “Con cầm tiền đi, cũng có thể con sẽ mời bạn ấy ăn cơm”. Người con chuẩn bị xong thì đi. Sau khi con về, hai mẹ con nói chuyện rất tự nhiên. Con gặp bạn thế nào? Hai đứa có ăn cơm không?... Con trả lời rất vui vẻ, con sẽ coi đấy là một hoạt động xã giao hết sức bình thường. Bởi vì cuộc đời tương lai của con, con phải giao tiếp với nhiều người khác nữa. Trong quá trình ấy con sẽ xử sự với những người khác như thế nào, điều ấy có liên quan đến định hướng tinh thần đầu tiên này. Con yêu quý người khác là vì định hướng tinh thần của con, chứ không vì bất cứ điều gì khác. Trong quá trình này, bạn đã nói với con mình như thế nào, đã giúp đỡ con mình như thế nào, điều ấy sẽ đặt nền móng cho việc sau này con bạn sẽ đối diện với thế giới này ra sao. Chúng tôi nói, đây chính là giúp con trưởng thành, chứ không phải chúng ta cứ luôn luôn thẩm vấn con rằng tại sao con không làm việc theo những tiêu chuẩn của xã hội, tại sao con không làm việc theo sự kỳ vọng của mẹ. Chúng ta cần phải nói với con của chúng ta rằng, con làm sai là hoàn toàn bình thường. Tất cả những người bắt đầu làm công việc này cũng thất bại nhiều hơn thành công. Chúng ta phải nói với con của chúng ta rằng, đây là một hiện tượng hoàn toàn phổ biến.

Yêu thương là điều kiện cơ bản nhất để chúng ta sinh tồn và trưởng thành. Con người cần tình yêu cũng giống như một chiếc xe cần xăng để chạy. Bạn làm thế nào để con bạn trưởng thành? Trước hết, bạn cần phải yêu con.

Đây là điều đầu tiên chúng tôi muốn nói. Tình yêu đánh thức những cảm thụ của bản thân trẻ, tình yêu giúp con chúng ta có sự tự tôn, có định hướng, có nguyện vọng gắn kết với người khác, và có những suy nghĩ mang tính xây dựng.

Tự do chính là làm chủ bản thân.

Sự trưởng thành của con người bắt buộc cần hai thứ, một là tình yêu, một là tự do.

Tự do là làm chủ bản thân. Tôi thường hỏi người khác rằng, khi nào thì bạn làm chủ bản thân? Rất nhiều người nói khi tôi tốt nghiệp đại học, khi tôi kết hôn, khi tôi về hưu. Có những người kết hôn chỉ vì muốn một lần làm chủ bản thân, kết quả là kết hôn xong, họ vẫn không thể làm chủ chính mình. Có người nói với tôi rằng, tôi kỳ vọng sau khi về hưu sẽ làm chủ bản thân. Bạn tưởng rằng cả đời làm nô lệ, đến lúc đó bạn sẽ làm chủ bản thân hay sao? Điều này nghe có vẻ tàn khốc, nhưng bạn không làm chủ bản thân mình, thì người khác sẽ làm chủ bản thân bạn. Trong nhà lúc nào chẳng có người.

Có một câu chuyện kể về một anh diễn viên ở đoàn xiếc thú, khi biểu diễn hay phải trói mình lại để thực hiện các động tác khó. Sau khi diễn xong, để bớt việc và tiết kiệm thời gian, anh ta dứt khoát không cởi dây ra mà cứ để nguyên thế mà sinh hoạt và đi ngủ. Một hôm, có con vật định ăn thịt anh ta, nên mọi người phải cởi dây trói ra. Nhưng mà, khi tay chân anh ta được tự do, anh ta bỗng không biết phải làm mọi thứ như thế nào…

Thế nên, bạn khó mà tưởng tượng một đứa trẻ được tự do sẽ ưu tú thế nào, bạn khó mà tưởng tượng một đứa trẻ tự do sẽ biết quản lý bản thân, giàu trí tuệ, có những nhận thức rõ ràng với thế giới ra sao. Những điều này cũng chính là hai phần quan trọng nhất trong quan niệm giáo dục của chúng tôi.

Vì thế chúng tôi nói, tự do là chỉ việc hành vi, tâm lý, ý chí, tình cảm của con trẻ không bị kìm nén và chi phối bởi ngoại lực. Tự do thể hiện ở tính độc lập và tính tự chủ của con trẻ trong môi trường và sự tôn nghiêm của nhân cách và cơ thể trẻ. Do vậy tự do trở thành tiêu chí để một con người được thực sự làm người.

Bạn làm thế nào mới có thể hình thành bản thân? Ai cũng biết công thức để hình thành bản thân, đó là tự nhiên ban cho chúng ta một mật mã của bản thân chúng ta, bạn làm thế nào để giải được những mật mã đó, làm thế nào để cuộc sống của bạn được là chính bạn, cách duy nhất là bạn phải có được tự do. Khi bạn có được tự do, bạn mới có thể trở thành chính mình, nếu không bạn sẽ là vật thay thế cho người khác. Bạn có thể sẽ là mẹ bạn, bố bạn, thầy giáo ngữ văn của bạn, thầy giáo đại học của bạn, sếp của bạn, tất cả những người xung quanh bạn, nhưng bạn không thể là mình.

“Bản thân” là một hệ thống tự mình xây dựng duy nhất để gắn kết với thế giới này. “Bản thân” này biết cách quản lý tình cảm của bạn, quản lý cơ thể của bạn, quản lý trí tuệ của bạn, quản lý tâm lý của bạn, quản lý tinh thần của bạn. Không có bản ngã, thì bạn chẳng là gì cả. Có một câu là có xác không có hồn, sống cũng như chết, bởi vì nội tại của bạn không có bạn, cũng giống như một gian phòng, nếu nội tại của bạn không có bạn, có nghĩa là bạn đang để gian phòng đó trống rỗng sao? Thực tế không phải vậy. Nếu bạn không ở trong nội tại của bạn, thì sẽ có người khác ở đó. Và những người khác đó sẽ liên tục cãi nhau trong đầu óc bạn. Bởi vì người này nói thế này, người khác nói thế khác. Và bạn sẽ làm theo tín ngưỡng của người giành phần thắng trong những cuộc tranh giành quyền lực. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thường thấy rất nhiều người như thế này trong cuộc sống. Ví dụ khi bạn nói với một người về cách giáo dục này, cô ấy cảm thấy bạn nói rất có lý: “Quá đúng, chị nói quá đúng, em sẽ làm theo chị, em sẽ yêu con em”. Một thời gian sau có người nói: “Không có quy củ thì không thể làm nên trò trống gì. Con người phải được dạy, không dạy, không thành tài”. Cô ấy lại nói: “Có lý, không thể nuông chiều bọn trẻ và cho bọn chúng quá tự do”. Một hôm sau nữa lại có người nói với cô ấy rằng: “Chị biết không, có những người vì quá tự do mà làm bậy, rồi phải vào tù đấy”. Cô ấy lại nghĩ: “Cũng có lý”. Cả cuộc đời này của họ giống như những nhân vật trong tiểu thuyết của Chekhov(*), có trái tim như hạt đậu, hết lăn về bên này lại lăn sang bên kia. Đời người sao mà buồn đến vậy.

(*) Anton Pavlovich Chekhov (1860-1904) là nhà viết kịch người Nga nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên thế giới với thể loại truyện ngắn.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì cô ấy không có bản ngã. Bản ngã là hệ thống liên kết trong và ngoài, cô ấy sẽ biết tích hợp những thứ có ích, những chân lý trong cuộc đời cô ấy. Làm thế nào để tích hợp? Dựa vào những mật mã cuộc sống của bản thân con trẻ, một sự chỉ dẫn của bản thân. Bản ngã giống như một cái trục chính, chắc chắn như xương sống của một con người, đứng thẳng, để người ấy được thực sự làm người. Những điều ấy, nếu không có tự do thì không thể nào làm được.

Quy tắc

Chúng ta nói đến tình yêu thương và sự tự do, nhưng chúng ta lấy gì để đảm bảo con người này được lớn lên trong tình yêu thương và sự tự do? Chúng ta phải dựa vào quy tắc chứ không phải dựa vào quyền uy và sự quản chế.

Quy tắc để làm gì?

Chúng ta biết cuộc sống có những phép tắc riêng ngay từ khi mới sinh ra. Nhưng vì nền văn hóa hiện có của chúng ta, vì nền giáo dục hiện có của chúng ta vẫn thường cho rằng nhân định thắng thiên, chúng ta rất khó nắm bắt được quy luật trong phép tắc tự nhiên, vì thế mà phóng đại chức năng của con người. Phóng đại chức năng của con người, chúng ta sẽ bị văng ra khỏi con đường chân lý của phép tắc tự nhiên. Khi chúng ta bị văng khỏi con đường ấy, chúng ta sẽ xảy ra một vấn đề, đó là có người nắm bắt và khống chế tất cả mọi tiêu chuẩn. Quan hệ bất bình đẳng đã xuất hiện, quyền lực cũng xuất hiện mà không phải là quy tắc. Giáo dục không còn đề cao tố chất của con trẻ, giáo dục đã trở thành một đặc quyền của sự sàng lọc và đào thải. Tố chất của cả đất nước đã xuất hiện vấn đề như thế.

Vậy chúng ta làm thế nào để đảm bảo một đứa trẻ được trưởng thành trong tự do và tình yêu? Chính là tất cả chúng ta đều phải tuân theo quy tắc này, bởi vì chỉ có quy tắc và trật tự mới có thể đảm bảo sự bình đẳng của con người.

Chúng ta phải dựa vào quy tắc để đảm bảo mỗi người hoạt động trong phạm vi quy tắc đều phải tuân theo quy tắc, đây chính là bước khởi đầu của bình đẳng. Mỗi người chúng ta đều hiểu rõ ràng quy tắc là gì, không có bất kỳ ai được độc chiếm quy tắc, mà quyền lực và tiêu chuẩn phán đoán nằm trong tay tất cả những người ở trong phạm vi quy tắc ấy, đây cũng là một kiểu giám sát công khai. Chẳng hạn, chúng ta đang ở trong một rạp hát, bỗng nhiên tất cả những phần khác trong quả địa cầu này biến mất, chỉ còn lại mỗi cái rạp hát này, chúng ta phải sống cùng nhau, không ai được ra khỏi đó. Chúng ta phải cùng hưởng một cách công bằng tất cả tài nguyên của rạp hát này. Nếu không có quy tắc, thì những kẻ yếu hơn sẽ nhanh chóng trở thành đối tượng của bất bình đẳng và bạo lực, con người chúng ta sẽ quay sang trạng thái cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu của động vật. Vậy chúng ta phải làm thế nào để người lớn, trẻ con, người già, kẻ mạnh, kẻ yếu, đàn ông, đàn bà, người có quyền lực và người không có quyền lực trong rạp hát này được sống trong bình đẳng? Chỉ có thể dựa vào một thứ, đó là quy tắc. Chúng ta ai cũng biết, nếu bạn làm vậy, bạn sẽ vượt ra ngoài phạm vi, bạn sẽ vi phạm quy tắc, và tôi sẽ ngăn cản bạn. Ai cũng có quyền ngăn cản bạn. Nhưng nếu quyền lực nằm trong tay một người nào đó, để người đó phán đoán đúng và sai, thử nghĩ xem sẽ cái rạp hát ấy sẽ trở thành thế nào? Cũng giống như tiểu thuyết “Ruồi trâu”(*) đã viết, có đấu tranh là có tàn khốc. Đó cũng là đặc trưng của động vật có vú: Kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, kẻ khỏe ở lại, kẻ yếu bị đào thải.

(*) “Ruồi trâu” là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ethel Lilian Voynich, xuất bản năm 1897 tại Hoa Kỳ và Anh.

Nhưng ngày hôm nay mọi thứ đã khác đi, nhân loại chúng ta đang có một tinh thần tốt đẹp nhất, chúng ta có thể xây dựng sự bình đẳng trong trạng thái quy tắc, quan hệ giữa người với người dựa trên phương thức yêu thương và kết tụ, cho phép ai cũng được sống trong bình đẳng. Điều này được gọi là nhân quyền.

Chúng ta muốn xây dựng một xã hội bên ngoài và một môi trường sinh tồn như thế, bắt buộc phải bắt đầu từ giáo dục. Chúng ta cho con trẻ được sống trong yêu thương và bình đẳng, trong trạng thái tự do thì sau này con cái chúng ta sẽ đối xử với mọi người xung quanh như vậy. Người với người sống với nhau sẽ dễ chịu và vui vẻ hơn. Bởi vì tài nguyên trên thế giới này đủ cho chúng ta sinh tồn, chúng ta không thể để một người ăn một bữa vài chục triệu, khi người khác đang chết đói ngoài kia. Nhân loại chúng ta có một tiềm năng tiềm tàng để yêu thương người khác, chúng ta cũng có một nền tảng biết yêu thương, tôn trọng. Vì thế chúng ta phải tiến hóa từ trạng thái động vật có vú sang trạng thái người, mà chặng đường tiến hóa là vứt bỏ công thức đấu tranh vì quyền lực, vứt bỏ công thức kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, hướng tới công thức của tình yêu và sự gắn kết của tình yêu.

Chỉ đến khi ấy chúng ta mới trở nên vui vẻ, chúng ta mới có thể xóa bỏ chiến tranh của nhân loại, rời xa tật bệnh; giải quyết trở ngại của chúng ta; giải quyết nạn đói; giải quyết vấn đề thiếu thốn tài nguyên; giải quyết ô nhiễm không khí; chúng ta mới có thể xây dựng được những trường học tốt hơn, một môi trường giáo dục tốt đẹp hơn; chúng ta mới có thể sống trong một trạng thái dễ chịu, vui vẻ, hài hòa; chúng ta mới có thể xây dựng được một gia đình êm ấm, các thành viên luôn ủng hộ nhau; chúng ta mới có thể thực hiện được nguyện vọng xã hội hài hòa. Để thực hiện nguyện vọng ấy mỗi người làm cha làm mẹ phải bắt đầu từ việc yêu thương con cái mình, chỉ khi mỗi người chúng ta đều phải bắt tay vào làm, yêu thương con cái chúng ta. Làm được điều này, chúng ta sẽ thành công. Không phải là cả xã hội này sẽ làm thế nào, mà là mỗi người làm cha làm mẹ chúng ta phải học được cách ngồi xuống nói chuyện với con cái bạn; mỗi ngày khi con bạn đi học, thể hiện tình yêu của bố mẹ với con: “Bố mẹ yêu con”; mỗi buổi chiều về, cho con một cái ôm, nói với con rằng: “Mẹ yêu con”; khi con bạn gặp phiền phức, bạn phải học cách hỏi một câu: “Nói cho mẹ biết tại sao”, rồi lắng nghe con nói. Chỉ cần làm được như vậy cũng đủ để thay đổi thế hệ kế tiếp bạn. Vì vậy giáo dục là con đường nhanh nhất để thay đổi trạng thái con vật hướng tới trạng thái con người, mà tất cả những điều này điều phải dựa vào yêu thương, tự do, quy tắc và bình đẳng.

Các nhà tâm lý học đã nói, không xây dựng quy tắc là đồng nghĩa với bạo lực. Vì nếu không xây dựng quy tắc, thì quyền lực sẽ nằm trong tay người lớn. Bạn sẽ đối xử với con theo tình cảm, suy nghĩ của bạn. Khi bạn ở cơ quan, đồng nghiệp hỏi: “Con chị mấy tuổi rồi?”.

“Con chị 4 tuổi, thế con em mấy tuổi rồi?”.

“Con em cũng 4 tuổi, con em đã thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần rồi đấy, con chị biết đọc chưa?”.

“Con chị vẫn chưa biết chữ nào, trường mầm non nói là con chị vẫn chưa đến thời kỳ nhạy cảm học tập”.

“Chị ơi, chị đã thua ngay ở vạch xuất phát rồi, chị không thể để con mình cũng thua ở vạch xuất phát được. Con em còn đọc được rồi đấy”.

Hay rồi, bạn vừa về đến nhà, nhìn thấy con đang xem ti vi, biết ngay cha mẹ sẽ nói gì: “Con còn xem ti vi hả, con nhà người ta đã thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần, còn đọc được rồi kia kìa”. Bạn đã mang tình cảm của mình ra để đối đãi với con trẻ.

Nhưng, nếu bạn xây dựng được quy tắc, quy tắc đó là sáu đến bảy giờ có thể xem ti vi, vậy thì bạn phải tuân thủ quy tắc khi con đang xem ti vi, cho phép con làm vậy. Bạn phải dựa vào quy tắc để quản lý bản thân mình, dựa vào quy tắc để quản lý con của bạn, dựa vào quy tắc để quản lý gia đình bạn. Bạn phải có một quy ước với con của mình, vợ chồng bạn cũng phải có quy ước với nhau. Không ai được bước ra khỏi quy ước ấy.

Quy ước ấy là gì? Là phải tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, tôn trọng môi trường. Có thể bạn không hiểu thế nào là tôn trọng, vì rất nhiều người lớn chúng ta không hiểu thế nào là tôn trọng. Đó là khi hành vi của con trẻ không phương hại đến sức khỏe, không phương hại đến cuộc sống, không phương hại đến đạo đức. Trong phạm vi này, con trẻ có thể sử dụng mọi quyền lợi của mình. Đặc biệt là trẻ trước 6 tuổi, nếu hành vi của trẻ gây tổn hại đến người khác thì sao? Chúng ta không chỉ trích trẻ, không nói: “Con lại thế rồi!” mà bế trẻ đi chỗ khác. Mỗi lần chúng ta bế trẻ đi chỗ khác, bản thân trẻ sẽ tự đúc rút, trẻ sẽ nghĩ: “Mỗi lần mình làm thế, hình như không được, mẹ đều bế mình đi chỗ khác”. Thế là, lần sau trẻ sẽ biết mình nên làm thế nào.

Chúng ta còn biết quy tắc là nói cho trẻ biết cách làm chính xác.

Có một người mẹ nói với tôi rằng: “Tôi rất cảm kích con gái mình!”. Tôi hỏi tại sao? Cô ấy nói: “Chồng tôi tìm thịt bò khô cho con bé, con nói: ‘Bố ơi con cần gân bò, không cần thịt bò’. Bố đi lấy cho con gái một miếng thịt bò, con bé không nói gì. Đến hôm sau, con bé cầm ra hai cái túi giống hệt nhau nói: ‘Bố ơi, con muốn mời bố quan sát một chút, gân bò màu đỏ, thịt bò màu cam, bố phát hiện ra chưa?’. Bố nói: ‘Bố phát hiện ra rồi, hôm qua bố cầm nhầm cho con, đúng không?’. Con nói: ‘Vâng!’. Nói xong thì bình tĩnh đi ra chỗ khác”.

Cô ấy lại nói tiếp: “Tôi rất cảm kích con gái mình, con đã dùng một phương pháp hết sức chính xác để nói với chồng tôi, con biết dùng cơ hội tốt nhất để nói với bố mình. Còn tôi thì hôm trước đã làm ầm lên, tôi nói với bố con bé rằng: ‘Nhờ anh lấy đồ mà cũng lấy nhầm, lấy nhầm mà cũng không biết lấy nhầm!’”, trong khi con bé mới 4 tuổi.

Trường chúng tôi xây dựng bảy quy tắc, chỉ cần nghiêm chỉnh tuân thủ bảy quy tắc này, còn lại là tự do. Nhưng con trẻ đã học được cách giúp đỡ bố mẹ một cách chính xác nhất.

Bảy quy tắc đó là:

1. Không được có những hành vi thô lỗ, thô tục.

2. Không được lấy đồ của người khác, đồ đạc của con thuộc quyền quyết định của riêng con, con có quyền tự chi phối đồ đạc của mình (những thứ không phải của con thì đều là của người khác).

3. Đồ đạc lấy ở đâu phải trả về chỗ đó. (Mời trả về vị trí).

4. Ai lấy trước người đó được sử dụng, người đến sau nhất thiết phải chờ đợi. (Mời con chờ đợi).

5. Không được làm phiền người khác.

6. Làm sai phải xin lỗi và có quyền yêu cầu người khác xin lỗi. Con trẻ có quyền bảo vệ quyền lợi của mình, bất cứ ai cũng không có quyền làm tổn thương và xâm phạm người khác.

7. Học cách nói: “Không!”.

Xây dựng quy tắc có tính linh hoạt, và tiến hành trong từng hoàn cảnh riêng.

Quy tắc có thể giúp con trẻ có được sức mạnh tâm lý, giúp trẻ có cảm giác an toàn, giúp trẻ chung sống với môi trường và những người khác một cách có trật tự.

Tôi xin lấy một ví dụ, bé trai nọ sống trong một gia đình mà người ông rất có quyền uy, mẹ cậu bé nói với tôi: “Bố em rất gia trưởng, gia đình em là gia đình gia trưởng, bố em không sợ ai hết. Em đã lớn lên như thế, hơi một tí là bị mắng. Một hôm khi bố em mắng em, con trai em đã đứng dậy nói: ‘Ông ơi, ông không được mắng mẹ cháu như thế. Ông làm thế là tổn thương đến mẹ cháu, vì thế ông phải xin lỗi mẹ cháu’. Kết quả là bố em phát cáu: ‘Cái gì? Cháu muốn ông xin lỗi mẹ cháu hả…’. Con em im lặng đứng bên cạnh, đợi đến khi ông nổi nóng xong mới nói: ‘Mời ông xin lỗi mẹ cháu’. Bố em lại phát khùng lên, lại nói một trận. Bố nói xong, con em lại nói: ‘Mời ông xin lỗi mẹ cháu, ông phải xin lỗi mẹ cháu’. Bố em thật đã hết cách, đành phải xin lỗi. Từ đó trở đi, con em đã trị được chứng hay mắng của ông. Bố em đã bị choáng váng bởi sự công bằng, dũng khí và lòng kiên định của cháu mình. Bố em không sợ ai, nhưng đã phải sợ cháu. Đương nhiên em biết rằng, bố em rất yêu cháu”. Đứa trẻ ấy mới 5 tuổi, cho dù ông nổi nóng đến mức nào… Ông đã hết nóng giận chưa? Vâng, mời ông xin lỗi mẹ cháu! Ông lại tức giận, ông tức giận xong chưa? Cháu vẫn mời ông xin lỗi mẹ cháu! Tóm lại, hôm nay cháu đã nhìn thấy hành vi thô lỗ của ông, ông đã sai, ông phải xin lỗi mẹ cháu.

Mọi người đều có thể phát hiện một bí mật trong từng quy tắc, những quy tắc không hề ràng buộc con trẻ, mà đảm bảo cho con trẻ nhận được tình yêu thương và sự tự do, đạt được sự tôn trọng trong môi trường sinh tồn của mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo cho sự trưởng thành của mỗi con trẻ. Chúng ta không thể để cho sự trưởng thành của con trẻ mang tính ngẫu nhiên, mà phải làm cho sự trưởng thành ấy mang tính tất nhiên. Tính tất nhiên này được hình thành như thế nào? Dựa vào trật tự và quy tắc để nắm bắt, cả hiệu trưởng, cô giáo và con trẻ đều như vậy.

Đây chính là nguyên nhân tại sao cơ cấu giáo dục này lại đề cao tình yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng. Giáo dục là như vậy, quản lý cũng nhất thiết trở thành như vậy. Nếu không, bạn không thể thực hiện phương pháp giáo dục này, mà thay vào đó sẽ trở nên cứng nhắc bởi sự đấu tranh vì quyền uy và quyền lực.

Những con người đấu tranh vì quyền lực, không có ai không bị ức chế. Cô giáo bị ức chế vì hiệu trưởng, học sinh bị ức chế bởi cô giáo. Nói đơn giản là, hiệu trưởng trút giận lên cô giáo, vậy cô giáo trút giận lên chỗ nào? Có ai còn yếu ớt hơn? Chính là học sinh. Cũng có nghĩa là bản thân tôi đã gián tiếp trút giận lên ai? Lên chính bản thân các học sinh của tôi. Tôi gián tiếp làm việc này, bởi vì người dễ bị cướp đoạt nhất chính là con trẻ, con trẻ không có khả năng tự vệ, vì thế tôi đã giống như một dây dẫn điện, dẫn điện từ hiệu trưởng sang các cô, rồi sang học sinh. Tôi đã làm tổn thương con trẻ, con trẻ là những người dễ bị tổn thương nhất, trong khi rất khó khăn để con trẻ thể hiện ra và phản kháng lại. Ở đây làm gì có tình yêu? Làm gì có cảm giác của cuộc sống.

Vì thế, “Yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua cả hệ thống lý luận dạy học của trường chúng tôi, hệ thống phương pháp dạy học, hệ thống đào tạo giáo viên và hệ thống quản lý, xuyên suốt qua từng chi tiết. Như thế mới có thể đảm bảo phẩm chất của phương pháp giáo dục này. Đây chính là “Yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng”.

Tôi hy vọng trong mỗi người chúng ta đều sẵn sàng đi từ trạng thái kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu đặc trưng của loài động vật có vú sang tinh thần và văn minh của nhân loại tiến bộ. Đây chính là yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng.

TỰ DO TRONG QUÁ TRÌNH

TRƯỞNG THÀNH CỦA CON TRẺ

Nếu bạn muốn trẻ được trở thành chính mình, bạn phải cho trẻ một thứ, đó là tự do. Chỉ khi trẻ có tự do, trẻ mới có thể trở thành chính mình, nếu không trẻ sẽ bị tách rời khỏi “bản ngã” của mình. Đây cũng chính là một câu mà tâm lý học thường nói: “Việc duy nhất bạn có thể làm trong cả cuộc đời của bạn là trở thành chính mình”. Bạn phải trở thành chính bản thân mình, và con đường duy nhất để bạn trở thành bản thân mình, là bạn phải được tự do.

Nói đến tự do, nhất thiết phải gắn kết với một vấn đề, đó là phôi thai tinh thần.

Tại sao phải nói đến phôi thai tinh thần? Có thể nói thế này, nội dung chủ yếu nhất của phương pháp giáo dục này là phôi thai tinh thần, đây chính là khái niệm quan trọng nhất. Nếu không thể hoàn toàn lý giải và tiếp nhận khái niệm này, thì sẽ không có đoạn mở đầu triết học của phương pháp giáo dục Montessori.

Ý tưởng của phương pháp giáo dục cũ cho rằng con trẻ sinh ra không hề mang theo thứ gì, tất cả những gì trẻ có đều là do người lớn thêm vào cho trẻ. Sự thêm vào ấy đã xảy ra vấn đề.

Ví dụ bạn là con tôi, tôi cho rằng bạn không có bất cứ thứ gì, tất cả những gì bạn có đều là do tôi cho bạn. Bạn dựa vào tôi mới có cái ăn cái uống, kể cả những thứ trong đầu óc của bạn cũng là do tôi mà có. Khi một người hoàn toàn phụ thuộc vào một người, thì quan hệ giữa hai người sẽ là quan hệ phụ thuộc và bị phụ thuộc, quan hệ cưỡng chế và bị cưỡng chế. Vấn đề này cứ tự nhiên sinh ra, không phải vì bạn muốn thế, mà là tự nhiên đã có sẵn công thức này.

Trong ý tưởng của phương pháp giáo dục này, và trong phạm trù của tất cả những nhà tâm lý học hiện đại mà chúng ta từng biết đều nói với chúng ta rằng, tuy rằng khi trẻ ra đời, trẻ không biết gì về thế giới này, nhưng trẻ vẫn mang theo một thứ, một thứ không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người. Đó chính là tiềm lực của sự trưởng thành. Chỉ là mọi người gọi nó theo những cách khác nhau mà thôi. Montessori gọi nó là “phôi thai tinh thần”; Freud gọi nó là “năng lượng cuộc sống”; giáo dục Waldorf(*) gọi đó là “linh tính”; trong phần lớn lý luận tâm lý học, người ta gọi là “tồn tại”, “bản thể”; trong một số học thuyết nào đó, người ta gọi nó là “cao ngã”; cũng có người gọi nó là “sức sống”; và cả một số người khác gọi nó bằng những cái tên khác. Nhưng cho dù nó được gọi là gì, chúng ta đều biết vào thời khắc chúng ta chào đời, hoặc là vào thời khắc chúng ta hình thành trong bụng mẹ, tự nhiên đã ban tặng cho bản thân chúng ta một thứ.

(*) Giáo dục Waldorf là một phương thức giáo dục dựa vào lý thuyết nuôi dạy trẻ của triết gia người Áo Rudolf Steiner.

Chính điều này sẽ dẫn dắt con trẻ. Theo phép tắc tự nhiên trong sự trưởng thành của cuộc sống mà nói, bạn phải tuân theo sự dẫn dắt của điều này để khám phá thế giới, giải những mật mã trưởng thành mà nó chứa đựng bên trong. Chỉ cần tuân theo sự dẫn dắt này, bạn sẽ có thể xây dựng và sáng tạo bản ngã của mình, bạn sẽ dần dần có được cảm giác lớn mạnh, vui vẻ và chân thực.

Bạn có phát hiện ra rằng, bản thân chúng ta có rất nhiều suy nghĩ. Những suy nghĩ ấy sinh ra những mâu thuẫn và đấu tranh trong bản thân chúng ta, nguyên nhân là vì sao? Bởi vì những suy nghĩ ấy không phải là của bạn, mà là người khác nhồi nhét vào đầu óc bạn trong quá trình sau này. Khi bạn được làm theo những gì mà bản tính bạn mách bảo, bạn sẽ phát hiện ra mình rất vui vẻ.

Một đứa trẻ lúc mới sinh ra, trẻ tồn tại cùng phôi thai tinh thần của mình. Khi con trẻ chào đời, trẻ không biết mình phải làm gì, vậy tại sao trẻ có thể biết hôm nay trẻ sẽ chọn thứ gì khiến trẻ cảm thấy vui mừng, khiến trẻ cảm thấy phù hợp. Ở đây phôi thai tinh thần đang phát huy tác dụng, phôi thai tinh thần mách bảo trẻ rằng, trẻ hãy chọn những việc có lợi cho bản thân trẻ, và bài trừ những thứ khác. Khi người lớn nói với trẻ vô số những thứ “không được”, trong vô số lần “không thể” mà người lớn cưỡng chế trẻ, trẻ sẽ bị tách rời khỏi phôi thai tinh thần. Trẻ phải nghe theo người lớn, sự tách rời ấy càng lúc càng xa, trẻ càng ngày càng xa rời bản ngã của mình.

Vì thế, nếu bạn muốn một người được trở thành bản thân họ, để phôi thai tinh thần của họ ngày càng lớn mạnh, và thực thể hóa trong cuộc sống của họ, bạn phải cho họ một thứ, đó chính là tự do. Chỉ khi có tự do, họ mới có thể trở thành chính mình, nếu không họ sẽ bị tách rời khỏi “bản ngã” của mình. Đây cũng chính là một câu mà tâm lý học thường hay nhắc tới: “Việc duy nhất bạn có thể làm trong cả cuộc đời của bạn là trở thành chính mình”. Bạn phải trở thành bản thân bạn, và con đường duy nhất để trở thành chính bạn, là bạn phải có tự do.

Thế nào gọi là tự do?

Trích dẫn một khái niệm của các nhà tư tưởng, tự do là một người không bị chế ngự bởi người khác, hoặc không bị rơi vào trạng thái cưỡng chế do những ý chí đơn phương được gọi là một người tự do hoặc trạng thái nhân thân tự do. Tự do mà chúng tôi muốn nói ở đây chỉ đề cập đến quan hệ giữa người với người.

Một đứa trẻ trưởng thành có cần đến sự dạy dỗ của giáo viên hay không? Hay là cần có một thể chế giáo dục đứng ra đảm bảo, giáo viên phải đảm bảo cho mỗi trẻ được tự do phát triển tiềm năng của mình. Con trẻ có thể tự xây dựng bản ngã của mình. Chúng tôi kỳ vọng tất cả những người lớn đều phát hiện ra bí mật này. Chúng ta cũng phải phát hiện ra rằng, trưởng thành là một việc xảy ra trong bản thân mỗi sinh mệnh. Quá trình học tập là một quá trình dựa vào những lĩnh vực bên trong sinh mệnh của chúng ta. Việc dạy của giáo viên là một môi trường, nhưng môi trường ấy không đóng vai trò mấu chốt. Giáo viên không thể xây dựng quá trình trưởng thành của con trẻ, đặc biệt là trong sáu năm đầu. Giáo viên tạo cho trẻ một môi trường để trẻ tự xây dựng bản thân, mà điều này lại vô cùng quan trọng. Đây chính là nguyên nhân tại sao chúng ta phải cho con trẻ có tự do.

Bây giờ chúng ta sẽ nói đến nhận thức về tự do của chính bà Montessori. Bà cho rằng, tự do bao hàm hai nội dung: Nội dung thứ nhất là “tự do hoạt động”, nội dung thứ hai là “tự do làm chủ bản thân mình”.