Yêu thương và tự do - Phụ Lục 3 (Kết)

Ngay từ khi trẻ chào đời, trẻ phải được người khác chăm sóc, nếu không trẻ không thể sống nổi. Vì trẻ cần sự chăm sóc của người khác nên nảy sinh quan hệ giữa trẻ và những người đó. Kiểu quan hệ này chỉ có hai tình huống: Một là tự do bình đẳng, hai là cưỡng chế, không thể có tình huống thứ ba.

Tự do bao hàm cả sự tôn trọng sinh mệnh, tôn trọng quy tắc trưởng thành của sinh mệnh, tôn trọng người khác. Còn trong quan hệ cưỡng chế, gần như tất cả quyền lực đều tập trung về phe cưỡng chế. Chúng ta đều biết một câu chuyện ngụ ngôn: Một con sói và một con dê uống nước bên bờ sông, sói nói với dê: “Tao sẽ ăn thịt mày”. Dê hỏi: “Tại sao?”. Sói nói: “Tại vì mày uống nước làm bẩn nguồn nước của tao”. Dê nói: “Anh ở thượng nguồn, em ở hạ nguồn, sao em có thể làm bẩn nước của anh?”. Nhưng sói vẫn ăn thịt dê. Sói muốn ăn thịt dê có cần đến lý do không? Không cần! Một người cưỡng chế, một người không có năng lực tự phản tỉnh, vô hình trung sẽ trở thành con sói, thậm chí từ trong tiềm thức, bởi vì họ thuộc về trạng thái của kẻ mạnh. Khi một người mẹ muốn đánh con mình sẽ không cần đến lý do, bởi vì tất cả chân lý đương nhiên đang nằm trong tay người mẹ: “Mẹ đánh con vì mẹ yêu con, con đã biết lỗi của mình chưa?”. Nguyên nhân chỉ có một, vì mẹ là mẹ của con! Điều bất hạnh là, việc này đã hình thành một thói quen.

Đối với con trẻ, tự do chính là khi trẻ được hoạt động theo nguyện vọng của bản thân, trẻ phải được học dựa trên cảm giác.

Ngôn ngữ của người lớn chúng ta đã trừu tượng hóa rất nhiều khái niệm, ví dụ khái niệm “cửa”. Tại sao chúng ta lại gọi đó là cái “cửa”? Tại vì trong quá trình tiến hóa, chúng ta dần dần phát hiện ra, nếu chúng ta có thể giao tiếp tốt với nhau, chúng ta có thể hiểu được đối phương đang nói gì, nên chúng ta phải trừu tượng hóa khái niệm ấy, để mọi người đều được biết. Khi nói đến cửa, mọi người đều hiểu ngay đó là cái gì, vô cùng đơn giản.

Nhưng khi con trẻ chào đời, trẻ không hề biết những thứ này. Trẻ không biết, nên trẻ phải cảm giác cửa, sử dụng cửa, bạn không cho trẻ hoạt động có nghĩa là bạn không cho trẻ học tập và suy nghĩ.

Trong trường mầm non, một số trẻ mới đến khá hiếu động và lộn xộn, chắc chắn vì ở nhà trẻ không được tự do hoạt động. Cho trẻ tự do hoạt động, mấy tháng sau trẻ sẽ được thỏa mãn, sau khi thỏa mãn trẻ sẽ bình tĩnh, sau khi bình tĩnh trẻ sẽ xuất hiện khuynh hướng và sự dẫn dắt của bản thân. Cũng giống như bản thân bạn sau khi được thỏa mãn, bạn sẽ thả lỏng hơn. Bạn sẽ nghĩ: “Mình cần phải làm gì cho cuộc sống của mình?”. Khi bạn không thể tự do lèo lái ý chí của mình, bạn sẽ tập trung để làm thế nào đột phá những hạn chế. Vì thế, mối lo lắng của trưởng thành khởi nguồn từ việc bị hạn chế chứ không vì bất cứ điều gì khác.

Hoạt động vô cùng quan trọng với con trẻ. Không cho con trẻ hoạt động cũng đồng nghĩa với việc không cho chúng suy nghĩ. Sự trưởng thành của con trẻ dựa trên những hoạt động. Khi được tự do hoạt động, trạng thái trí lực của trẻ sẽ phát triển rất cao, trạng thái tâm lý cũng rất tốt, tình cảm cũng trưởng thành.

Tự làm chủ bản thân, điều này không giống như quan niệm muốn làm gì thì làm trong quá khứ, mà là bạn làm theo ý chí của bản thân, chấp hành kế hoạch của bản thân, và không có ai được phá hoại kế hoạch của chính bạn.

Chúng ta không thích để người khác làm chủ bản thân mình. Người da đen đã phải trải qua hàng trăm năm nỗ lực đấu tranh để giành được tự do, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình. Ngày hôm nay, chúng ta cũng cố gắng để giành lại sự tự do cho con trẻ. Chúng ta phải làm chủ bản thân mình, bắt đầu ngay từ lúc mới sinh ra.

Tự do là chỉ hành vi, tâm lý, ý chí, tình cảm, tinh thần của con trẻ không bị ngoại lực chi phối và tác động. Làm thế nào để đảm bảo tự do của bạn không bị xâm hại? Đây chính là vấn đề “quy tắc” mà chúng ta đã nói ở trên, dùng một chế độ để đảm bảo sự tự do chứ không phải là đặt quyền lợi tự do vào tay người lớn.

Chúng tôi có một trường mầm non ở Bắc Kinh, ở đó có trẻ Ai Cập, trẻ Đức, trẻ Pháp, trẻ Thụy Sĩ, trẻ Canada, trẻ Mỹ… Tiêu chuẩn chọn trường mầm non của bố mẹ trẻ là gì? Họ sẽ hỏi bạn là: “Ở đây có được tự do không?”. Chúng tôi nói: “Tự do!”. Họ nói: “Chúng tôi phải quan sát, xem trẻ có thực sự được tự do hay không”. Sau khi quan sát họ phát hiện ra, chính xác là con trẻ được tự do. Tự do quan trọng với họ như vậy sao? Còn tiêu chuẩn đánh giá của đa phần những phụ huynh của chúng ta là: Xem điều kiện ăn ở của trường có tốt không.

Tôi còn nhớ vào một buổi sớm, hai người mẹ ngoại quốc ngồi dựa vào tường nói chuyện: “Vẫn nơi này, vẫn những con người ấy, nhưng phương pháp giáo dục đã hoàn toàn thay đổi”.

Khi trẻ ngã, người mẹ sẽ nói: “Sao cô không trông cháu cho cẩn thận? Cháu ngã cô cũng không bế cháu lên, đấy là trách nhiệm của cô mà”. Còn khi người mẹ Đức nhìn thấy con mình ngã sẽ ra hiệu cho cô đừng bế cháu lên. Khi cô bế cháu lên rồi, người mẹ còn nói một cách tiếc nuối: “Đừng, cô đừng bế cháu!”. Hai nền văn hóa, hai kiểu tâm thái và hai quan niệm giá trị hoàn toàn khác nhau.

Một thời đại mới đang đến, một thời đại mới phát hiện những bí mật của con trẻ, ngay từ lúc này, những thay đổi đang diễn ra ngay xung quanh chúng ta.

Chúng ta phải giải quyết những nỗi sợ hãi sâu thẳm của con trẻ. Chúng ta cho trẻ tình yêu thương để trẻ cảm thấy an toàn, không còn sợ hãi môi trường xung quanh. Chúng ta cũng phải giải quyết đặc trưng cuộc sống làm người, sáng tạo ra bản ngã.

Có tự do và không có tự do hoàn toàn khác nhau. Có bản ngã và không có bản ngã còn khác nhau nhiều hơn.

Một hôm, hai bé trai đang bò dưới gầm bàn của cô hiệu trưởng thì một người mẹ dẫn con gái đến ghi tên. Bé trai đang bò dưới gầm bàn bỗng bò ra nói: “Cậu đi đi, tớ không thích cậu”. Người mẹ nói: “Tại sao cháu lại nói thế với bạn gái này?”. Bé trai nói: “Hai chúng cháu đang ngủ dưới này, bạn ấy dùng chân đá vào nền gỗ dưới bàn, nên bọn cháu không thích bạn ấy”. Người mẹ kinh ngạc nói: “Cháu còn nhỏ thế này mà có thể nói chuyện rõ ràng như thế?”. Nói chuyện rõ ràng như thế là vì con trẻ hiểu rõ hành vi của mình, hiểu rõ tâm lý của mình. Vì thế trong trạng thái tự do thoải mái, trạng thái của cả con người mới tốt được.

Thế nào là quyền uy?

Mượn cách nói của Fromm, quyền uy chia thành hai loại: Một là quyền uy rõ ràng, một là quyền uy nặc danh. Quyền uy rõ ràng trên phương diện sinh lý, trực tiếp và không cần che giấu. Quyền uy nặc danh trên phương diện tâm lý. Quyền uy rõ ràng là chỉ những người nắm giữ quyền uy, họ trực tiếp truyền đạt những mệnh lệnh mang tính xử phạt lên những người thuộc địa vị phụ thuộc. Ví dụ phải làm như thế nào! Bạn phải làm thế nào, nếu không sẽ bị phạt. Còn quyền uy nặc danh thì lại ẩn mình, những người nắm giữ quyền lực này sẽ giả vờ như mình không hề có quyền lực gì, khiến bạn cảm thấy hình như mình đang được làm theo nguyện vọng của cá nhân, nhưng thực tế là họ đang khống chế tâm lý của bạn.

Tuy quyền lực nặc danh bị che giấu, nhưng lại tồn tại khắp mọi nơi. Ví dụ: “Cô tin là em thích làm như vậy, đúng không?”.

“Đối với những trò không nghe lời, cô không bao giờ xử phạt, nhưng cô sẽ nói với con là ‘Con làm cô xấu hổ quá!’”.

“Cô biết là con rất nghe lời mà, con ra ngồi lên cái ghế kia đi”.

“Con có phải là một em bé ngoan không? Lại đây, con có muốn có cái này không? Con ngồi xuống đi”.

“Bông hoa to đẹp này để dành cho bạn nào làm tốt nhất, được không?”.

Sử dụng các cách dẫn dụ, dụ dỗ, khen thưởng… để xoay chuyển tư duy của người khác thay đổi theo công thức của chúng ta. Tiếp sau đó là điều khiển tâm lý của họ, đó cũng là một kiểu quyền uy nặc danh.

Trên thực tế, cách mà chúng ta điều khiển người khác cũng không nằm ngoài hai kiểu quyền uy trên. Chúng ta có phát hiện ra rằng, bố mẹ chúng ta cũng có hai kiểu quyền uy này? Nghiêm trọng thì đánh con một trận, chưa nghiêm trọng lắm thì nói những lời uy hiếp con cái. Về cơ bản, chúng ta đã lớn lên như thế, vì thế chúng ta không thể tưởng tượng con trẻ lớn lên trong tự do sẽ thế nào. Chúng ta dùng một bộ óc chưa từng được tự do để tưởng tượng về tự do thì sẽ khó khăn vô cùng. Việc này chẳng khác gì bắt chúng ta tưởng tượng về một người ở trên sao Hỏa, có tưởng tượng thế nào thì cũng lại quay về hình dáng của người trái đất mà thôi.

Nếu người làm cha mẹ tiếp tục duy trì thái độ cũ, không chịu tự phản tỉnh về quyền uy của mình đối với con trẻ, con trẻ sẽ không có tự do thực sự. Bởi vì bạn nắm giữ tiêu chuẩn đúng sai, con trẻ chỉ có một cách là phục tùng và phụ thuộc vào bạn, mà không được phục tùng động lực trưởng thành và mật mã tinh thần của bản thân trẻ.

Sự ra đời của một sinh mệnh mới là niềm vui của cuộc sống, cuộc sống ấy là của bạn, bạn được trở thành chính mình chứ không phải trở thành bất cứ ai lớn mạnh hơn bạn. Nếu không được như vậy, thì cuộc sống ấy trở nên vô nghĩa. Đây chính là việc tàn nhẫn nhất.

Tự do giải phóng

Khái niệm này cũng của Montessori. Bà nói: “Tự do giải phóng là chỉ những phản ứng thể hiện ra khi cự tuyệt trạng thái bị điều khiển bởi quyền uy, cũng có nghĩa là sự giải phóng khỏi sự trói buộc áp bức hoặc sự phục tùng quyền uy. Kết quả của nó là sự vô trật tự, thô lỗ, xúc động. Đó không phải là tự do theo ý nghĩa thực sự”.

Một đứa trẻ lớn lên không có tự do, bị áp bức, bị điều khiển… bỗng được chuyển đến môi trường tự do, sẽ trở nên lộn xộn và không có trật tự, trở nên thô bạo và vô lễ… Trẻ được giải phóng, chúng ta không thể gọi trạng thái đó là tự do, chúng ta gọi trạng thái đó là giải phóng. Trẻ được giải phóng, kèm theo đó là một loạt các hành vi mang tính phá hoại. Nếu muốn trẻ quay lại quỹ đạo của phép tắc tự nhiên, nhất thiết phải cho trẻ được “giải phóng” một, hai tháng… và có thể lâu hơn. Đến khi nào trẻ giải phóng hết mọi áp lực, đạt đến một trình độ nào đấy, trẻ sẽ quay về quỹ đạo.

Chúng ta đều lớn lên không có tự do, nên chúng ta luôn tưởng tượng tự do là không có phép tắc. Đó chỉ là giải phóng, mục đích của giải phóng là tự do. Giải phóng không phải là trạng thái bình thường của con người, cũng không phải trạng thái tự do thực sự. Mục đích thực sự của tự do là để phát triển bản ngã và sáng tạo bản ngã, chứ không phải là phá hoại.

Bạn có tưởng tượng được những đứa trẻ được giải phóng không? Nhất là những trẻ lớn, chúng phá hoại, không tin tưởng người lớn, lạnh nhạt, đờ đẫn, phòng vệ, thù địch. Nhưng sau hai tháng, chúng bắt đầu thay đổi.

Bé Khai Khai vào trường lúc 5 tuổi, hai tháng sau, một hôm bé bò trên thành lan can trường, chân đá vào chậu hoa phía dưới. Cô giáo nhắc con: “Không được như vậy!”. Bé vẫn đá. Cô giáo nói: “Cây cũng giống con, cũng có sự sống. Mời con tôn trọng sự sống này”.

Bé Khai Khai nói: “Nếu con vẫn đá, cô sẽ làm gì con?”.

Cô giáo nói: “Cô không làm gì con cả, cô vẫn tôn trọng con. Nhưng cô sẽ bế con đi chỗ khác, ra khỏi chỗ này”.

Bé Khai Khai gật đầu, đi ra chỗ khác.

Đây là một thay đổi lớn trong sự trưởng thành của trẻ, bởi vì kinh nghiệm của trẻ nói với trẻ rằng, người lớn sẽ mắng mỏ và trừng phạt trẻ, nên trẻ mới hỏi cô giáo: “Cô sẽ làm gì con?”. Kết quả cô giáo trả lời là không làm gì cả, trẻ đã yên tâm. Điều này chỉ thay đổi kinh nghiệm vốn có của trẻ, thay đổi sự phá hoại của trẻ. Trẻ vẫn chưa trở nên mềm mại và nhạy cảm hơn, nhưng sự thay đổi trong yêu thương và tự do đã đang bắt đầu.

Có rất nhiều đứa trẻ như vậy. Có trẻ yếu, có trẻ mạnh. Hai tuần đầu, những trẻ yếu hơn mất hút, những trẻ mạnh hơn chạy nhảy khắp nơi trong trường. Trẻ con thay đổi rất nhanh. Ba tháng sau, khi trẻ dần dần yên tĩnh, khuôn mặt trẻ cũng trở nên dịu dàng, bắt đầu có sự gắn kết, cuộc sống của trẻ cũng trở nên tinh tế và nhạy cảm.

Nếu con chúng ta lớn lên trong sự kiểm soát, người làm cha mẹ sẽ phải đối diện với những vấn đề này. Khi con trẻ được giải phóng, có thể trẻ sẽ trả lại cha mẹ những áp bức từ trước tới nay. Cha mẹ phải có sự chuẩn bị tâm lý từ trước, bạn phải trải qua thời kỳ này trước khi trẻ được tự do thực sự, trước khi trẻ tuân theo những quy tắc. Đây là một quá trình tất yếu, những giáo viên chúng tôi làm được, thì những người làm cha mẹ các bạn cũng nhất định sẽ làm được.

Tự do thực sự

Thế nào là tự do thực sự?

Con trẻ sinh ra đã có một công thức phát triển tinh thần hoàn hảo, điều đó chứa đựng trong những mật mã cuộc sống của chúng ta, và không phải ai cũng giải được hết những mật mã này. Có thể giải mã được nhiều hay ít là dựa vào tình yêu thương và tự do. Yêu thương và tự do không phải là mục tiêu cuối cùng của chúng ta, mà là điều kiện cần để chúng ta giải những mật mã của cuộc sống. Điều kiện này đảm bảo cho con trẻ có thể giải những mật mã của mình.

Mỗi con người đều là độc nhất vô nhị. Sự tự do thực sự là quyền tự do giải mật mã cuộc sống, tự khám phá bản thân mình. Bạn không thể biết được tư chất bẩm sinh của con người cao đến mức nào! Bạn có bao giờ thử nghĩ xem tại sao lại có những người vĩ đại, kiệt xuất đến như vậy? Điều này quyết định bởi những điều bản thân chúng ta đã thực hiện ở tuổi ấu thơ của mình. Đó chính là tư chất bẩm sinh của mỗi con người.

Thế nào là tự do? Montessori nói: “Tự do là một điều kiện để trợ giúp cho phương pháp giáo dục này, giúp cho những khả năng tiềm tàng được phát triển”. Dùng một câu đơn giản hơn để nói, là chúng ta giải mã phôi thai tinh thần, đây chính là toàn bộ nội hàm của sự tự do.

Sự trưởng thành của con trẻ cần có sự tự do như thế nào?

Thứ nhất, trẻ em được tự do lựa chọn những thứ thu hút trẻ. Trẻ được tự do lựa chọn những gì trẻ cảm thấy hứng thú.

Thứ hai, thể hiện ở sự tự do về hành động, tự do ra vào lớp học. Làm thế nào để biết được một trường học có tự do hay không? Trong lớp học, trẻ được hoạt động theo nguyện vọng của mình, trẻ cũng có thể làm việc ở bên ngoài lớp học; trẻ đã phá vỡ cách nghĩ từ trước đến nay của chúng ta cho rằng, phải ở trong lớp mới gọi là học tập, còn bên ngoài lớp học thì không gọi là học tập. Montessori nói: “Có trần nhà cũng là lớp học, không có trần nhà cũng là lớp học”. Điều này hoàn toàn quyết định bởi sự nắm bắt của trẻ với bản thân trẻ mà không hề liên quan gì đến giáo viên. Vì thế Montessori mới nói: “Tinh lực sinh mệnh sáu năm đầu đời của trẻ là một quá trình tự sáng tạo”. Quá trình tự sáng tạo, nên cần có tự do.

Thứ ba, trẻ em có quyền tự do không bị can thiệp khi yên tĩnh. Trẻ em có quyền tự do được ở một mình, tự do lựa chọn không gian của mình. Trong những kinh nghiệm trước đây, chúng ta cho rằng, chúng ta phải dõi theo trẻ từng giây từng phút, trẻ không có không gian riêng của mình, vì như vậy là nguy hiểm. Nhưng trên thực tế, chúng tôi nói rằng, trẻ đến một độ tuổi nào đó, nếu được ở một mình, đó sẽ là một quá trình tự sáng tạo của riêng trẻ, vì thế khoảng thời gian trẻ được ở một mình là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng nhất trong cuộc sống của trẻ.

Thứ tư, trẻ em được tự phát hiện vấn đề, nghĩ ra cách giải quyết và kế sách, được tự do lựa chọn câu trả lời.

Câu nói này hàm nghĩa điều gì? Theo kinh nghiệm và công thức dạy học trong quá khứ, cô giáo sẽ nói với học sinh cả quá trình, nói với học sinh cả những đáp án đã có. Đây là một quá trình nhồi nhét. Chúng ta không có được niềm vui sướng khi phát hiện ra vấn đề, không có được sự vui thích khi tìm kiếm, không có được cảm giác thành tựu khi tìm ra câu trả lời. Trẻ em phải có những quyền đó. “Lúc này trẻ chưa biết, nhưng sớm muộn gì trẻ sẽ biết”. Trẻ đi trái giày, nhưng sẽ có một ngày trẻ vui sướng phát hiện ra rằng, bí mật nằm ở ngay đây. Khi phát hiện ra, trẻ sẽ có được niềm vui của sự trưởng thành. Nếu bạn nói với trẻ là: “Con đi trái giày rồi”. Bạn sẽ mãi mãi đi theo trẻ để nói trẻ chưa đúng, trẻ ngốc nghếch. Trẻ con ai cũng ngốc, chỉ có người lớn thông minh mà thôi.

Trả lại cho con trẻ quyền lợi và niềm yêu thích được phát hiện. Bởi vì chắc chắn trẻ sẽ phát hiện ra! Sự phát hiện của trẻ là tất nhiên chứ không phải ngẫu nhiên, đây chỉ là một quá trình. Vì thế hãy để trẻ tự phát hiện, tự nghĩ cách và tự giải quyết.

Thứ năm, trẻ em có quyền tự do ý chí của mình để trao đổi và chia sẻ những phát hiện của mình với người khác.

Sự tự do cuối cùng, tự do cao nhất của mỗi con người chính là điều này. Chúng ta có phát hiện ra rằng, dù đau khổ hay hạnh phúc, chúng ta đều có một nguyện vọng, đó là chia sẻ với người khác. Ví dụ điển hình nhất là những người yêu nhau, nếu thực sự yêu, họ sẽ chia sẻ cùng người ấy. Khi chúng ta đau khổ, chúng ta càng muốn chia sẻ, chia sẻ để vợi bớt nỗi đau.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tạiwww.gacsach.com- gác nhỏ cho người yêu sách.]

Chia sẻ cùng người khác, chứ không phải để trút giận, để oán thán. Chúng ta phải học cách chia sẻ, biết chia sẻ sẽ không trút giận và oán thán.

Mấy hôm trước, một đứa trẻ mang theo sôcôla, nhưng không cho những bạn khác ăn, chỉ để khoe là: “Bố tớ mua cho tớ đấy”. Mục đích là gì? Mục đích chính là câu sau mà con chưa nói ra: Các cậu nhìn xem, bố tớ có yêu tớ không. Đây là cách thể hiện tình yêu.

Đợi đến lúc chúng ta trưởng thành, chúng ta sẽ không chia sẻ nữa, chúng ta sẽ phát hiện ra mình ngày càng trở nên cô độc, ngày càng lãnh đạm với người khác, khoảng cách giữa người với người cũng ngày một xa, và ngày càng không thể tin ai. Nhưng trên thực tế, mỗi người chúng ta đều cần phải gắn kết, có sự gắn kết chúng ta mới không cô độc. Chúng ta và những người xung quanh ta hòa làm một, đấy mới là trạng thái cao nhất. Nếu chúng ta mới chỉ hòa làm một khi yêu, thì đó chỉ là cách nguyên thủy. Nhưng bằng cách chia sẻ, chúng ta hoàn toàn có thể có được sự liên kết về tâm lý và tâm linh, đạt được sự hòa vào làm một. Có như vậy, quan hệ giữa người với người mới trở nên dễ chịu, vui vẻ.

Quá trình giáo dục cũng vậy, chúng ta phải cho trẻ thời gian, cho trẻ được chia sẻ. Thế nên chúng ta mới hay nhìn thấy con trẻ cầm đồ ăn ngon, đồ chơi hoặc những thứ được bố mẹ mua cho, liên tục ngắm nghía và khoe với mọi người...

Đây là trạng thái tự do mà trường mầm non tạo ra cho trẻ. Một lớp học lý tưởng cho trẻ tự do vận động. Mỗi đứa trẻ được hành động một cách có hiệu quả, lý tính, tự động tự phát, trẻ không có những hành vi thô bạo, dã man. Trẻ hoạt động độc lập, không tụ tập, mà thường là chỉ có một hai trẻ ngồi với nhau. Cảnh tượng của cả trường là như vậy. Đây chính là tự do mà chúng tôi đã nói ở trên.

HẾT

Danh sách một số trường mầm non áp dụng phương pháp giáo dục Montessori ở Việt Nam

Hà Nội:

1. Trường mầm non Sunrisekidz

Địa chỉ: 16 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: (84-4) 3927 3443

Website: http://www.sunrisekidz.edu.vn/

Email: kidzcare@sunrisekidz.edu.vn

2. Sakura Montessori Kindergarten

Địa chỉ: Lô C6/D6 KĐT mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 6684 8558

Hotline: 0975 985 235

Website: http://www.sakuramontessori.edu.vn

Email: contact@sakuramontessori.edu.vn

3. Trường mầm non KIC Montessori Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 1 & 2, Đơn nguyên I, CT4 - SUDICO, Khu đô thị Sông Đà, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội

Điện thoại: (84-4) 3 7878 356 - 3 7878 355

Hotline: 090-3421-011; 091-5402-903

Website: http://kicmontessori.edu.vn/

Email: info@kicmontessori.edu.vn

4. Trường mầm non Thần đồng Bright School

Địa chỉ: Lô NT1 Khu Đô Thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại: (04) 3312 0617 hoặc (04) 3354 0942

Website: http://brightschool.edu.vn/

Email: brightschool.edu.vn@gmail.com; vanphong@brightschool.edu.vn

Thành phố Hồ Chí Minh:

1. Trường Mầm Non Quốc tế Worldkids

Địa chỉ: 10/3 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đakao, Q.1, TP. Hồ Chí Minh

Tel: (84-8)39 10 36 46

Hotline: 0909 164 160

Website: www.worldkids.edu.vn

Email: info@worldkids.edu.vn

2. Trường mầm non Việt Mỹ

Địa chỉ: 120-122 Hoa Lan, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (84-8) 3517 4089 / (84-8) 3517 4090

Địa chỉ: 143 Nguyễn Văn Trỗi, P11, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (84-8) 3845 9111

Website: http://vass.edu.vn/vi-vn/2249/Trang-chu

3. Montessori International School of Vietnam

Địa chỉ: 42/1 Ngô Quang Huy, phường Thảo Điền, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: +(84-8)3744 2639 / (84-8)3519 4562

Website: http://www.montessori.edu.vn

Email: montessorivn@gmail.com;info@montessori.edu.vn

HẾT.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách

Sienna - Nhocmuavn

(Duyệt – Đăng)