Giới hạn

Giới hạn

Dù tuổi tác có làm vị bác sĩ kính mến của chúng ta suy nghĩ chậm chạp đi đôi chút, đầu óc kém minh mẫn đi đôi chút, vẫn có những chuyện ông còn nhớ rất rõ. Nhớ như in vào đầu. Nhớ mọi sự kiện, tình tiết. Ðơn giản vì mớ ký ức ấy không thể nào tàn phai, không thể nào xóa nhòa, không thể nào biến mất.

Bộ óc dẫu đang dần già nua này sẽ chẳng bao giờ cho phép ông quên. Liệu ông có được phép quên?

Lần giở một lần nữa quyển sổ ghi chép đã cũ, tất cả hiển hiện rõ rệt như đang ở ngay trước mắt ông.

Ðó là một đêm mưa gió bão bùng, sấm chớp liên hồi.

“Ðoàng!”.

Ánh sáng lóe lên rồi tắt lịm.

“Ðoàng! Ðoàng!”.

Chớp tắt, chớp tắt. Trong nháy mắt.

“Ðoàng! Ðoàng! Ðùng!”.

Cái gì vậy? Bác sĩ giật mình. Âm thanh cuối cùng của đợt sấm giật nghe khác hẳn thứ tiếng động bình thường ông vẫn nghe vào những đêm mưa gió thế này. Như thể có thứ gì đó vừa tàn bạo chọc thủng màn đêm, xé toạc nó ra không thương tiếc.

“Anh không ngủ được à?”, vợ bác sĩ nằm bên thì thầm.

“Ừ, thời tiết xấu thật…”.

Không biết đây là lần thứ mấy trong đêm ông trở mình. Làm sao có thể yên giấc được khi luôn có tiếng búa tạ nện dồn dập vào màng nhĩ thế này. Nhất là thứ âm thanh vừa nãy. Thứ âm thanh ma quỷ khiến ông rợn rùng suốt dọc sống lưng.

Thời gian đó, bác sĩ và vợ chỉ mới bước vào độ tuổi trung niên. Tính ra, họ hạnh phúc trong mái ấm này với nhau cũng tròn trịa ba năm rồi. Tất nhiên, những dấu hiệu của tuổi già cứ thầm lặng thầm lặng đến. Còn nhớ lần đầu gặp gỡ, bác sĩ đã thấy vợ của ông rất xinh đẹp. Bây giờ vẫn rất đẹp. Dù năm tháng sau này những nếp nhăn có đậm dày hơn chăng nữa, vợ ông vẫn đẹp. Ðẹp nhất!

Chỉ cần ông thấy đẹp là được rồi.

Nghĩ thế, cảm xúc trào dâng, ông choàng tay qua ôm vợ.

“Ngủ không được rồi… quậy em hả…”.

Ông thích nghe tiếng vợ cười khúc khích. Khi chìm trong cơn đam mê từ một miền ân ái bí mật chỉ của riêng đôi lứa, tiếng cười của vợ như một liều thuốc kích thích cực độ. Ông thấy mình trẻ ra vài tuổi. Có khi là thanh niên. Có khi là thiếu niên. Có khi vụt cái là một thằng nhóc con. Vụt cái nữa. Oe oe oe, một em bé khóc nhè. Vừa kịp lúc ông nhận ra tấm lưng mình ướt đẫm. Cả thân người phủ phục xuống. Mệt nhoài trong vòng tay êm ái dịu dàng của vợ.

“Rầm... Rầm... Rầm!”.

Cái quái gì nữa vậy? Quả thật, đây không phải một đêm yên bình.

“Rầm... Rầm... Rầm!”.

Ai? Giờ này? Vào cái khoảnh khắc này?

“Rầm... Rầm... Rầm!”.

Tất nhiên, tiếng giộng cửa sẽ chẳng chịu buông tha nếu bác sĩ vẫn còn nằm đây, cố tận hưởng từng giây phút bàn tay vợ dịu dàng xoa lên mớ tóc rối đã lấm tấm chuyển màu muối tiêu.

“Ra đi anh… Chắc là có chuyện gì gấp lắm họ mới thế…”.

Thôi được. Ðành vậy.

Mặc áo vào, bác sĩ bước vội vã về phía cánh cửa vẫn đang bị đập liên hồi, tưởng chừng nếu ông tiếp tục im lặng thì chỉ một chốc nữa thôi nó sẽ phải bật tung ra.

“Rầm... Rầm... Rầm!”.

“Ðược rồi! Ðược rồi! Tôi tới rồi đây!”.

Khóa vừa mở, cánh cửa lập tức bị gió thổi đập mạnh vào tay ông.

“A!”, bác sĩ rụt tay và cả thân người lại.

Gió và mưa đột ngột ùa vào lạnh toát như chính vị khách không mời kia.

“Chào bác sĩ!”.

Chẳng phải một. Có những hai bóng đen. Chiếc bóng trò chuyện với bác sĩ đang dìu chiếc còn lại! Bác sĩ nghe rõ nhịp thở đã quá yếu ớt mệt nhọc.

“Có chuyện gì vậy? Ðêm hôm mưa gió thế này…”.

“Tất nhiên phải có chuyện mới cần nhờ đến bác sĩ rồi!”.

“Vậy thì mời vào…”.

Khi họ đã vào hẳn bên trong cũng là lúc ánh đèn rọi đến những gì cần hiển hiện hoặc không nên hiển hiện.

Súng. Và nó đang chĩa hẳn vào bác sĩ.

“Chuyện quái gì thế này?”, bác sĩ thốt lên.

“Cứ bình tĩnh, bác sĩ kính mến. Tôi cam đoan rằng sau tất cả những sự kiện sẽ xảy ra ở đây, bác sĩ vẫn không mảy may mất dù chỉ một sợi tóc… Ha ha, nghe khá giống truyện trinh thám nhỉ?”.

“Rốt cuộc thì anh muốn gì? Ông lão này làm sao vậy?”.

Họng súng vẫn ở y nguyên chỗ cũ. Dìu ông già ngồi xuống ghế, người thanh niên bảo:

“Hãy xem đây là ông nội tôi, ông ấy yếu lắm rồi...”.

“Vậy để tôi khám cho ông ấy…”.

“Nhanh lên!”.

Dù rất khó chịu với họng súng cứ lăm lăm chĩa về phía mình, bác sĩ vẫn tiến hành thăm khám cho ông lão.

“Nguy cấp lắm rồi đúng không?”.

“Ðúng. Tôi e ông ấy khó mà qua khỏi ngày mai…”.

“Tất cả các bác sĩ khác đều nói như vậy, sau đó thở dài tỏ vẻ bất lực rồi tuôn ra vài lời kiểu như: “Xin lỗi, tôi đã làm hết sức mình…” nhưng ông không phải là họ. Phải không, thưa bác sĩ kính mến?!”.

“Tôi ư? Tôi… làm được gì? Ông của anh đã gần chạm đến cái mốc cuối cùng của cuộc đời rồi. Nó là quy luật, không thể khác được…”.

“Ông phải làm cho nó khác. Ðó là nhiệm vụ của ông!”.

Gã rõ ràng là một kẻ bất thường, một thằng điên, bác sĩ nghĩ thầm.

“Tôi không điên đâu, không cần làm cái vẻ mặt như vậy. Mà chẳng phải trước đây ông đã gặp kha khá chuyện điên rồ quái dị rồi đấy ư?”.

Trước đây? Ðúng vậy. Cuộc đời bác sĩ luôn luôn gắn với những điều bất thường. Nhưng sao gã biết?

“Tôi rất nể trọng và ngưỡng mộ bác sĩ. Có thể nói tôi là một “fan” cuồng của ông. Chẳng phải nhờ bác sĩ mà vợ ông đã khỏi hẳn căn bệnh trong suốt vô phương đó sao? Hay cặp vợ chồng mắt và tai… Rồi hai viên thuốc NHỚ - QUÊN nữa… Bác sĩ, ông là người phi phàm! Tôi biết ông sẽ không bỏ rơi bệnh nhân của mình”.

Sao gã lại biết rõ về ta như vậy? Khoa học có giới hạn không? Và y đức nữa, có giới hạn không? Ai có thể đặt ra những giới hạn? Liệu có nên đặt ra giới hạn? – Trong đầu vị bác sĩ xuất hiện hàng loạt câu hỏi.

“… Thôi được. Tôi nghĩ… vẫn có một khả năng cứu được ông của anh…”.

“Tôi biết mà bác sĩ. Ðó là lý do tôi ở đây chứ không phải nơi nào khác. Nói đi nào bác sĩ, mạnh dạn lên dù ai cũng cho ý tưởng đó là điên rồ!”.

“Anh… có thể bỏ súng xuống được không?”.

“Ồ, tất nhiên! Nhưng tôi nghĩ có nó sẽ gây kích thích và làm ông phấn khích hơn nhiều. Ðiều đó tốt cho ông mà!”.

“Ðồ điên!”.

“Ha ha ha. Tôi điên hay ông điên? Hay chúng ta đều điên? Ai mà biết được.”

Có lẽ gã đúng. Những gì sắp được bác sĩ nói ra khó có thể cho là của một người tỉnh táo bình thường. Lời của kẻ mất trí… Chắc vậy.

“Chỉ còn một cách. Ðó là… thay thế tất cả các bộ phận trên cơ thể của ông anh… Toàn bộ…”.

“Tuyệt vời. Một cơ thể mới. Chỉ cần như vậy, phải không bác sĩ!”.

“Nhưng… kiếm ở đâu ra chứ. Ðó phải là cơ thể của một thanh niên khỏe mạnh, ở độ tuổi của anh.”.

“Bác sĩ yên tâm. Tôi hiểu rồi. Bây giờ tôi đi đây. Cho đến khi tôi quay về, hãy đảm bảo ông lão này còn thở.”.

Và gã bước ra cửa, biến mất trong màn đêm đen kịt mưa gió ấy nhanh như khi xuất hiện.

***

Những điều quái dị đã xuất hiện sẽ không bao giờ ngừng lại. Ðó hẳn là định mệnh của vị bác sĩ tài hoa.

“Anh à, chợp mắt một chút đi. Thức như thế là đủ rồi…”, vợ bác sĩ xoa nhẹ vai chồng từ sau lưng.

Làm sao có thể ngủ lại được khi đã bị đánh thức vào giữa đêm. Còn tình trạng của ông lão này nữa, dù có khá hơn đôi chút nhưng vẫn trong trạng thái nguy kịch. Vị bác sĩ toan khuyên vợ đi ngủ trước mặc kệ ông thì tiếng đập cửa dồn dập lại vang lên.

“Rầm... Rầm... Rầm…”.

Ðến lượt vợ ông ra mở cửa. Vừa tháo then, gió và mưa lại như muốn bật tung cánh cửa yếu ớt để chui vào nhà.

“Tôi đã về rồi đây!”, giọng nói của gã thanh niên ấy vang lên đầy ma quái.

Bác sĩ nhìn về phía cửa. Như lần đầu gã đến, không chỉ có một cái bóng. Ðiều bác sĩ lo sợ hẳn nhiên đã xảy đến.

“Bịch!”.

Gã ném cái thân người ấy xuống nền đất. Họng súng giương ra trước mặt lạnh lùng như lời nói của gã.

“Tôi đã có một cơ thể mới cho ông rồi đây!”, gã nói.

“Á! Trời ơi…”, tiếng thét thất thanh của vợ bác sĩ nhanh chóng bị đè bẹp bởi những tiếng sấm rền vang khô khốc.

“Tại sao… Tại sao anh có thể làm vậy? Ðó là giết người! Quân giết người!”, giọng bác sĩ run lên.

“Thì sao? Giết một người để cứu một người. Một mạng đổi một mạng. Cuộc sống vẫn công bằng mà.”, gã cười như một con ác quỷ đang cơn đắc ý.

“Giết người vẫn là giết người! Anh không thể vì lợi ích của mình mà làm tổn hại đến người khác. Sự sống của mỗi người đều đáng quý như nhau…”.

“Câm cái mớ triết lý sáo rỗng rẻ tiền đó ngay! Bác sĩ, nhìn này!”.

Chuyện đó xảy ra chỉ trong tích tắc, bác sĩ hiểu gã đã không hề chùn tay. Nhanh gọn và dứt khoát. Gã hẳn là tên sát nhân máu lạnh kinh khủng nhất bác sĩ từng biết đến.

“Ðoàng!”, tiếng nổ đanh gọn thoát ra từ họng súng trong nỗi bàng hoàng của bác sĩ.

“Em… Không!”.

Bác sĩ lao đến chỗ người vợ thân yêu của mình đang gục xuống. Máu me bê bết. Mồ hôi ông túa ra, tất cả cảm xúc dồn nén từ bấy đến giờ tuôn ào bùng nổ.

“Khốn nạn!”, bác sĩ rên rỉ.

“Bình tĩnh nào. Ðó mới chỉ là cái chân của bà ta thôi, nhưng tôi sẵn sàng làm hơn thế”.

Cút! Cút khỏi đây ngay!

Bác sĩ định thốt ra hết những câu rủa xả có thể nghĩ đến nhưng nhanh chóng bị nghẹn lại trong cổ họng khi nghe giọng rên rỉ của vợ:

“Em... em không sao…”.

Có thật là không sao? Gương mặt người vợ dần nhòa đi trước mắt ông. Tại sao? Tại sao?

“Cảnh ủy mị này dừng ở đây được rồi. Bác sĩ, tiến hành ngay đi, nếu ông không muốn chuyện này đi xa hơn nữa. Khi xong xuôi tôi bảo đảm với ông đến sáng ngày mai khi thức giấc mọi thứ sẽ quay trở lại như cũ, được chứ?!”.

***

“Ồ, ông tỉnh rồi à…”.

“Chào bác sĩ…”.

Bệnh nhân đã tỉnh lại. Nghĩa là sau cùng ca phẫu thuật đã thành công. Ca phẫu thuật thần kỳ không tưởng mà chỉ có bác sĩ mới thực hiện được.

“Ông… Ông có nhớ gì không? Ông biết mình là ai không?”.

“Có, tôi nhớ. Tên của tôi là Lập”.

“Vậy còn cháu của ông? Anh ta đã biến mất rồi, ngay sau khi tôi phẫu thuật cho ông xong…”.

“Cháu của tôi ư? Tôi làm gì có người cháu nào…”.

Thoáng bối rối hiện lên trên gương mặt bác sĩ. Kết cục thì gã thanh niên kia là ai? Và người này – kẻ đang nằm đối diện với bác sĩ, ông ta là ai?

“Tôi sẽ trả lời hết những thắc mắc của bác sĩ. Bác sĩ, ông có thể ghi chép lại những gì tôi sắp kể ra đây. Ông có thể tin hoặc không. Kết luận tôi điên hay tỉnh là tùy ý ông. Nhưng chắc chắn, đây là câu chuyện của tôi. Một câu chuyện có thật…”.

Và bệnh nhân kỳ lạ ấy bắt đầu kể, cũng là lúc bác sĩ đặt những dòng chữ đầu tiên lên quyển sổ ghi chép của mình.

***

Bác sĩ kính mến, như đã nói, tên của tôi là Lập. Tôi là một nhà soạn nhạc, vâng, một nhạc sĩ. Nói thế nào nhỉ... Ngày còn trẻ, vào độ hai mươi lăm tuổi, tôi đã trở nên nổi tiếng với những sáng tác đầu tay. Công chúng đón nhận những gì tôi viết ra một cách nồng nhiệt. Tôi có rất nhiều người hâm mộ, hay như cách nói bây giờ thì tôi có rất nhiều “fan” cuồng. Ðể trở thành nghệ sĩ là cả một quá trình gian khổ, ngoài năng khiếu thiên bẩm còn phải rèn luyện không ngừng. Nhưng để trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, ta cần phải gặp may mắn. May mắn thì không phải ai cũng nắm bắt được – có khi dù chỉ một lần trong đời.

Vâng, thưa bác sĩ. Tôi từng là một kẻ may mắn như thế đấy.

Và khi ở đỉnh cao - nhất là đạt được nó một cách quá sớm, người ta khó mà không trở nên kiêu căng tự mãn. Ôi khốn khổ thay, tôi đã không thể thoát khỏi cái bóng hào nhoáng của sự nổi tiếng và nhanh chóng tự nhấn chìm mình trong những ảo tưởng khôn lường, thứ ảo tưởng không bao giờ nên có ở một nghệ sĩ. Nói theo cách bây giờ thì tôi là một kẻ mắc “bệnh ngôi sao”.

Ðã là kẻ mắc bệnh, chẳng chóng thì chầy, tai ương sẽ ập đến từ đủ mọi nẻo đường, tàn phá không chỉ thể xác mà cả tâm hồn ta. Cờ bạc, rượu chè, trai gái… Chẳng một món nào tôi vắng bóng. Tôi những tưởng có thể tiếp tục mãi mãi những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, chừng nào người ta còn nghe nhạc của mình. Nhưng than ôi, cảm hứng sáng tạo không đến với những kẻ chây lười. Những thứ sau này tôi viết ra thực ra chỉ toàn rác rưởi.

Tôi dần bị quên lãng. Dù có cố gắng níu kéo đến mấy thì nó cũng trôi tuột đi cho đến lúc chẳng còn ai nhớ đến. Cái gì không có giá trị thực sự thì dù có tô vẽ cũng không thể bền vững được. Công chúng chạy theo cái nhất thời này thì rồi họ tiếp tục chạy theo cái khác. Tôi hiểu rằng, mình đã hết thời.

Suốt năm mươi năm sau đó, ngày nào tôi cũng dằn vặt với câu hỏi: mình đã làm gì để phí hoài cuộc đời mình vậy? Trở thành một lão già hom hem ốm yếu cũng vì những ngày tháng đốt đời lúc tuổi trẻ. Bác sĩ, tôi đã nhận ra rằng sau tất cả, thời gian chính là kẻ thù vĩ đại nhất của chúng ta. Không phải cái chết mà chính là thời gian!

Thời gian không chờ ai cả. Nó sẵn sàng lấy đi của ta những người thương yêu nhất, tàn phá không chỉ thể xác, mà cả tâm hồn ta đến xác xơ. Tôi thấm thía hơn tất cả vì đến cái tuổi gần đất xa trời mà chẳng còn ai bên cạnh. Không vợ. Không con. Không bạn bè. Không người thân thuộc. Thời gian cười vào mặt tôi. Còn gì đợi tôi đâu nữa ngoài một nấm mộ xanh?

Tôi phải chiến thắng nó. Chống lại thời gian. Nó là mục tiêu cuối đời của tôi.

Và kính thưa bác sĩ, quả thực, tôi đã làm được điều đó. Tôi đã phát hiện ra một kẽ hở của nó. Một kẽ hở của thời gian. Ấy là khi tôi hiểu ra rằng mọi sự kiện trên đời đều có liên quan mật thiết với nhau. Tất cả tạo nên những mắt xích nối kết vào nhau không thể tách rời. Ðó là luật nhân quả. Sự việc này là nguyên nhân của sự việc tiếp theo. Không có cái này thì sẽ chẳng có cái kia.

Ở cái tuổi gần đất xa trời tôi đã làm nên kỳ tích: chế tạo thành công cái người ta thường gọi lả cỗ máy thời gian.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì tôi sẽ không đạt được mục đích lớn nhất của mình. Cái tôi cần là thiết lập được một vòng lặp thời gian. Và bác sĩ biết không, ngay khi đọc được thông tin về bác sĩ trên tờ báo cũ kĩ ngày hôm ấy, tôi nhận ra cuối cùng mình đã tìm thấy mắt xích còn thiếu. Mắt xích ấy chính là bác sĩ. Không, chính là khả năng thiên tài vô hạn của bác sĩ. Bác sĩ, như tôi đã nói, ông là một người phi phàm! Bởi vì tôi có mặt ở đây đã là một minh chứng rành rành cho điều ấy.

***

“Cạch!”.

Bác sĩ đánh rơi chiếc bút xuống nền đất lạnh. Tay ông run lẩy bẩy sau khi viết đến đoạn này.

“Bác sĩ, ông làm sao vậy. Ông nhận ra giọng nói của tôi rồi sao?”.

“Chẳng lẽ, chẳng lẽ chính là anh…”.

“Phải. Ông tháo băng cho tôi đi!”.

Ðằng sau lớp băng kia là một khuôn mặt. Không phải là khuôn mặt của ông lão khi mới đến. Ðó là gương mặt của một thanh niên.

“Tôi sẽ tự làm điều đó vậy. Ha ha ha!”.

Giọng cười không lẫn vào đâu được. Chính là gã thanh niên ấy. Kẻ tâm thần điên loạn đập cửa xông vào nhà ông đêm qua.

“Tôi đã bảo mình không điên mà, phải không bác sĩ kính mến?!”.

Và lớp băng ấy được gã tháo ra hoàn toàn. Gã đã ở ngay đó, trên giường bệnh, mặt đối mặt với bác sĩ.

“Thật kinh khủng… Tôi đã làm gì thế này…”.

“Ông đã làm một điều phi thường. Ông giúp tôi chiến thắng thời gian. Nhờ có ông mà cuộc đời của tôi không bao giờ kết thúc. Nó mãi mãi là một vòng tuần hoàn, hết kiếp này lại tiếp một kiếp khác”.

“ Ông điên rồi…”.

“Ðể tôi nói cho bác sĩ hiểu. Giữa già với trẻ, ông thích chọn điều gì? Già nua xấu xí chờ ngày vĩnh viễn trở về với cát bụi hay là được sống lại tuổi thanh xuân vĩnh viễn và tự do làm chủ cuộc đời mình? Nếu ai khác tìm ra kẽ hở này của thời gian thì họ chắc chắn đã thực hiện như tôi rồi!”.

“Chúng ta phải già đi. Ðó là quy luật. Ðó cũng là cách mà tạo hóa buộc con người phải biết quý giá từng khoảnh khắc sống của mình, yêu thương những người quanh mình khi còn có thể…”.

“Ðủ rồi. Tôi chán ngấy mớ triết lý nhảm nhí ấy của bác sĩ lắm rồi. Lần nào cũng như lần nào…”.

“Ông… ông nói sao…”.

“Bác sĩ không nhận ra sao? Tôi đã gặp ông vô số lần rồi. Lần này chỉ là một trong chuỗi những vòng tuần hoàn vô hạn ấy thôi… Ha ha ha! Ông mãi mãi là một mắt xích trong vòng tuần hoàn vĩ đại của tôi”.

“Trời ơi…”, bác sĩ ôm đầu, đất trời như chao đảo.

“Thôi được, để cảm ơn những gì mà bác sĩ đã làm cho tôi, tôi sẽ nói cho bác sĩ biết diễn biến tiếp theo. Cái gã tôi đã biến mất sáng nay ấy, gã sẽ sống tiếp lại cuộc đời tôi như bao nhiêu lâu nay, hưởng thụ những gì tuyệt vời nhất của tuổi trẻ cho đến năm mươi năm sau khi đã trở thành một lão già. Và tôi ngay bây giờ đây sẽ đáp một chuyến du hành thời gian đến gặp lão, đưa lão trở về thời gian của đêm hôm qua giao cho bác sĩ. Cuối cùng thì chính tôi sẽ biến mất vào sáng hôm sau và sống trọn vẹn lại cuộc đời mình, rồi chờ đợi ngày tôi gặp gã thanh niên đến đưa tôi trở về gặp bác sĩ. Dễ hiểu thôi phải không bác sĩ!”.

“Ra khỏi nhà tôi ngay!”, vị bác sĩ hét lên.

“Tôi đã biết bác sĩ sẽ nói như vậy rồi. Tạm biệt bác sĩ. Chỉ là tạm biệt thôi. Tôi sẽ trở lại… vào ngày hôm qua. Ha ha ha!”.

***

Nhiều năm trôi qua. Câu chuyện ấy vẫn thường xuyên quay lại ám ảnh bác sĩ. Những điều gã nói không hẳn phi lí. Nó khiến bác sĩ phải suy nghĩ rất nhiều. Cũng vì sự kiện ấy mà người vợ thân yêu của ông không bao giờ có thể đi lại bình thường được nữa. Ông đã dồn hết khả năng để cứu chữa cho bà nhưng kết quả vẫn chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định.

Còn nữa, thỉnh thoảng trong đêm ông lại rùng mình nghe thấy một giọng cười ma quái ấy từ hư vô vọng về.

9/2013