Mật mã tâm linh - Chương 2 - Phần 5

Chắc bạn đã từng nghe hiểu tiếng kêu của bản thân mình

Bảng biểu mà Louise Sea lập ra tôi cũng không biết là có hoàn toàn phù hợp với thể chất của người Trung Quốc hay không. Ví dụ như cô ấy nói bệnh áp xe là do “cảm thấy bị tổn thương, bị coi thường, muốn báo thù nên mới sinh ra những xung động tư tưởng”. Ví dụ như cô ấy nói bệnh viêm Amidan là do “gia đình xảy ra xung đột, cãi nhau, trẻ con phát hiện thấy mình không được chào đón, là một gánh nặng”. Nói đến vấn đề mà phụ nữ hay gặp là liên quan đến tuyến sữa, Louise Sea nói là do “bầu vú đại diện cho mẫu tính, dưỡng dục và dinh dưỡng, nếu như bầu vú có vấn đề phần lớn là do họ từ chối bồi dưỡng cho mình mà coi người khác còn quan trọng hơn mình. Quá mức yêu quý người khác, quá mức bảo vệ người khác, quá mức nhẫn chịu”…

Còn có rất nhiều vấn đề khác nữa, bạn xem rồi sẽ phải toát mồ hôi. Chúng tôi cứ nghĩ rằng những điều ở trong tim cứ lóe lên rồi qua, rất nhiều thứ chỉ như một trò chơi, thì lại bị một người bạn chân thành – chính là cơ thể ghi nhớ lại từng chút một. Chúng nghĩ rằng những lời chúng ta nói đều là những mệnh lệnh sâu sắc, chúng sẵn sàng chịu khổ, chịu tội, sẵn sàng dùng trăm phương nghìn kế để chấp hành mệnh lệnh của bạn.

Nói đến đây tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện đã qua của mình.

Cuối năm 80 của thế kỷ trước, tôi làm cục trưởng cục y tế ở một công xưởng ở Bắc Kinh. Đó là một xưởng công nghiệp nặng. Có hàng nghìn công nhân, các lò luyện đồng ngày đêm đỏ lửa, một dây chuyền ba dãy nên cũng yêu cầu các bác sĩ cũng đứng theo ba dãy. Phòng khám lúc nào cũng sáng đèn. Phòng khám có mười mấy bác sĩ, hóa nghiệm, X quang, khoa nội ngoại, phòng thuốc, phòng trị liệu đều có đầy đủ, thật là khổng tước tuy nhỏ nhưng bộ phận nào cũng phải đầy đủ. Lúc đó còn chữa bệnh miễn phí, công nhân bệnh lớn bệnh nhỏ đều được chẩn trị ở phòng khám, mỗi ngày đơn thuốc bay khắp trời, còn có họp định kỳ hàng tuần, kiểm tra các công việc trên, cuối năm làm báo cáo tổng kết. Nếu như có người bị bệnh nặng thì phải liên hệ với bệnh viện. Nếu như có người chết thì phải chịu trách nhiệm hỏa táng… Tôi không cảm thấy chán khi viết nhiều như thế này mà tôi chỉ muốn nói rằng chức mà tôi làm làm chắc là chức vụ nhỏ nhất trong cả Trung Quốc, thế nhưng vô cùng phức tạp.Đúng lúc đó, tôi thi đỗ vào lớp nghiên cứu sinh văn học của trường Đại học Bắc Kinh và Học viện văn học Lỗ Tấn cùng tổ chức, bạn cùng lớp của tôi có Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Dư Hoa, Trì Tử Kiện… Đây đúng là một cơ hội học tập tốt thế nhưng nếu như mặc áo trắng của cục trưởng cục y tế đi học lớp nghiên cứu sinh văn học dường như không phù hợp lắm.

Ngày đăng ký cũng đến, tôi đến cổng Học viện văn học Lỗ Tấn nhưng cuối cùng lại không vào, tôi nói với một người bạn gặp ở đó và nhờ bạn ấy chuyển lời đến hiệu trưởng là, tôi không có cách nào cân bằng mâu thuẫn giữa việc đi học và công việc đang làm, nên chỉ có cách không học, mong thầy tha lỗi cho tôi không chào mà đã đi. Sau khi nói xong mấy lời này tôi thực sự phải kiềm chế dòng nước mắt để rời khỏi đó. Đến hôm nay tôi vẫn muốn cảm ơn thư ký đảng ủy và giám đốc, sau khi biết chuyện này họ đã tổ chức một cuộc họp nhỏ, tập thể đều quyết định cổ vũ cho tôi đi học, vẫn phát cho tôi lương bổng, điều kiện duy nhất đó là tôi vẫn phải làm công việc ở phòng khám. Khi nào có buổi thì đi học, sau khi tan học lại về công xưởng làm việc, tôi vô cùng cảm ơn bọn họ.

Cứ như thế, sau khi tôi và các bạn hoàn thành khóa học ôn chúng tôi trực tiếp tham gia kì thi nhập học, bắt đầu chính thức đi học. Lúc đó, mỗi tuần bốn buổi học ở trường trong đó có hai ngày là phải học cả ngày, còn hai ngày học nửa buổi. Mỗi buổi sau khi học xong tôi lại vội vàng quay về công xưởng thực hiện công việc của mình. Lúc đó điện lực Bắc Kinh rất hạn hẹp, công xưởng của chúng tôi lại là hộ tiêu thụ lớn, chủ nhật là ngày dùng điện thấp, chúng tôi thì vẫn phải đi làm như thường. Ngày nghỉ của công xưởng là thứ ba, đúng lúc hôm đó là ngày tôi phải đi học cả ngày. Kết quả là hơn một năm như thế tôi hầu như không được nghỉ ngơi ngày nào. Mỗi tuần bảy ngày, bốn ngày ở trường, trong đó có hai buổi chiều phải về công xưởng làm việc. ở công xưởng là làm chẵn ba ngày và lẻ hai buổi chiều.

Mỗi ngày phải đi là gần bốn tiếng đi đường. Tôi và đồng nghiệp, bạn học nói đùa rằng, cứ một năm chạy đi chạy lại như thế tôi đã hoàn thành một vòng quanh Bắc Kinh rồi. Khi vừa bắt đầu còn đỡ, nhưng lâu dần tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đêm nằm mơ thấy ác mộng liên miên. Nếu như không phải mơ thấy đi học muộn thì lại mơ thấy mình chẩn đoán sai bệnh, làm bệnh nhân chết. Lần đầu tiên tôi cảm thấy thời gian như một chiếc khăn phơi dưới ánh mặt trời tháng ba, có cố gắng cũng không thể vắt được một giọt nước nào. Tôi sẽ kê nhầm tiền thuốc trên cương vị bác sĩ ở công xưởng, tôi cũng sẽ cảm thấy bồn chồn khi học ở trường, nghĩ đến người công nhân già sắp chết ở bệnh viện, tôi nhất định phải đi thăm ông ấy. Giống như người bệnh nhân trước, ông ấy cứ lẩm bẩm tên tôi, cứ nói tại sao bác sĩ Tất không đến thăm tôi? Nghe nói cô ấy là người tốt mà…

Con người giống như một quả bóng bay đã bị nổ thành trăm mảnh, chỗ nào cũng là những miếng vỡ không theo quy tắc. Tôi cảm thấy bản thân mình hết sức rồi, có lúc trong đầu nảy ra một suy nghĩ - tôi ốm nặng một trận cho xong. Như vậy thì không cần phải chiến đấu trên hai mặt trận nữa. Chỉ là bệnh gì mới được chứ? Tôi cười đau đớn. Nếu như là đau đầu đau bụng, bị cảm thì cho dù lúc đó bạn sốt cao đến mấy, có ho nhiều đến mấy thì mọi người ai cũng biết chỉ vài hôm là khỏi. Bệnh này nhẹ quá không đạt được mục đích. Hay là mắc bệnh tim nhỉ? Không được, bệnh tim không nhìn thấy được chỉ có dùng điện tâm đồ mới kiểm tra ra được, nói với người bình thường thì không rõ ràng được. Cho dù có in thành chữ to thì mọi người lại nói bản thân tôi là bác sĩ không chừng do tôi tự làm thế. Sau khi bệnh tim bị phủ định, tôi nghĩ hay là mắc viêm gan nhỉ? Nếu mắt cũng vàng rồi thì ai còn dám nói là giả nữa chứ. Suy nghĩ này vừa mới lóe lên thì ngay lập tức đã bị tôi bắn hạ. Không được, không được. Bệnh này nghiêm trọng quá, nếu mà chuyển thành mãn tính thì sẽ dẫn đến gan cứng lại, ung thư gan… Hơn nữa, bệnh này lại còn có thể truyền nhiễm, sẽ mang lại rất nhiều phiền phức cho mọi người và bạn học, không được không được. Như thế này cũng không được, như thế kia cũng không được. Hay là bị viêm cột sống? Bệnh này cũng là bệnh mãn tính, mọi người đều biết là phải nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Nghĩ đi nghĩ lại cũng không được. Nếu như mà bị bệnh thật, phải nằm cả ngày không được ngồi dậy, không phải đi làm nữa thế nhưng đi học làm sao được?

Suy nghĩ linh tinh một hồi đầu óc tôi cũng mụ mị cả đi rồi, tự nhiên ngủ dần đi. Nếu như có một loại bệnh, có vẻ nghiêm trọng thế nhưng không có tổn hại nhiều đến các cơ quan quan trọng khác, người khác cũng nhìn thấy bệnh của bạn, thế là được rồi…

Dường như mỗi ngày đều trôi qua trong khó khăn và mệt mỏi, có điều chỉ cần mặt trời lên cao là tôi lại lấy lại tinh thần lên đường đi học. Có một hôm tôi dậy sớm cùng lúc với mặt trời, khi tôi đang đánh răng thì phát hiện mình không thể nào súc miệng được, nước men theo khóe miệng chảy xuống từng giọt, rồi men theo dọc cổ rơi xuống tay áo. Tôi còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đứa con mười tuổi của tôi chạy vào nói: “Mẹ, mẹ đừng làm mặt quỷ dọa con”. Tôi thấy chuyện này có gì đó không đúng nên vội vàng vào soi gương, lúc này chồng tôi nói, một nửa mặt bên trái của tôi bị lệch hẳn xuống dưới…

Tôi đến trước gương nhìn, gương mặt tôi bị méo xệch, mắt bị lệch xuống dưới, mũi hếch lên, miệng rộng ngoác ra, một dòng dãi còn đang nhỏ xuống… Đây là tôi sao? Mệt mỏi thì tôi sớm đã biết, sắc mặt không tốt tôi cũng đã sớm chuẩn bị tâm lý rồi, thế nhưng dung nhan xấu xí như thế này thực sự khiến tôi phát hoảng…

Tôi là một bác sĩ được huấn luyện bài bản hẳn hoi nên ngay lập tức tự chẩn đoán cho mình, tôi bị chứng tê liệt thần kinh mặt. Tôi không lo lắng gì mà vẫn ăn cơm như bình thường. Những động tác ngày bình thường rất đơn giản bây giờ lại vô cùng khó khăn. Cháo mà tôi ăn đều bị tràn ra ngoài, làm bẩn cả quần áo. Tôi ăn một cọng rau cải, cũng không biết là tại sao mà lại không nghe theo sự chỉ huy của tôi, nó kẹp vào trong má trái, kết quả là không có cách nào nuốt được mà cũng không thể nào nhổ ra được.

Một bên cơ mặt bị tê liệt, dường như chúng đang phản binh không nghe theo lời chỉ đạo của tôi. Sau một hồi vất vả không làm thế nào được tôi chỉ còn cách rửa sạch tay rồi cho vào miệng lấy cọng rau đó ra. Một bên mặt hoàn toàn mất cảm giác, không thể nháy mắt được. Mắt mở lâu quá cho nên đều cay xè, tôi chỉ còn cách dùng tay khép nó lại, không khác gì vuốt mắt cho người chết không nhắm được mắt. Khác một điều là mắt người chết sau khi vuốt rồi không có cách nào mở ra được thế nhưng tôi vẫn có thể nhìn thế giới này. Sau khi con ngươi được nghỉ ngơi thì mí mắt vẫn không thể nào tự động mở ra được, tôi chỉ còn cách tiếp tục dùng tay nhấc mí mắt lên, có như thế tôi mới thấy đường được.

Tuy có nhiều động tác ngoài lề phải làm thế nhưng tôi vẫn kịp hoàn thành việc nhà, đưa con đi học trước khi đạp xe đạp đến công xưởng làm việc. Điều duy nhất không giống đó là lúc đó là mùa đông, một nửa mặt do tê liệt cho nên không che được. Gió lạnh thổi vào tôi phải đeo khẩu trang, các cơ bãi công không đóng mở mắt bình thường được, ánh mắt của tôi cứ phải mở to để nhìn về phía trước, cát bụi thổi đầy vào mắt. Khi đến được phòng khám thì mặt tôi đã đầy nước mắt.

Đồng nghiệp ngạc nhiên hỏi tôi có chuyện gì, đầu tiên họ chỉ chú ý đến mắt của tôi khi tôi bỏ khẩu trang ra, không nói một lời nào. Tôi muốn xem xem sự chẩn đoán của mình có đúng không, các bác sĩ sau khi xem bệnh đều nhất loạt kêu lên, cô bị trúng gió à?

Tôi cười, làm gì nghiêm trọng thế chứ?

Tất cả mọi người đều nhìn tôi. Sau này tôi mới biết, người bị tê liệt thần kinh mặt khi cười nhìn rất quái dị. Một nửa cơ mặt bình thường so với một bên hoàn toàn không có lực kia, sự thay đổi chênh lệch rất lớn. Làm cho một bên má hướng lên trên cao. Kết quả là một nửa bên má cứng như sắt, một nửa bên kia lại kéo về phía bên tai, giống như chiếc mặt nạ hình người bị vỡ.

Có người nói, cô Tất, xin cô đừng cười. Cô mau đi đến bệnh viện Thiên Đàn đi, đó là nơi có tiếng nhất trong nước về khoa não, cô cũng biết là có một số bệnh về má là biểu hiện của bệnh não mà. Tôi nói, hôm nay tôi còn có mấy việc phải làm, tôi xử lý xong sẽ đi.

Đầu tôi hơi đau, tay có cảm giác không có sức lực, tôi đeo khẩu trang và bắt đầu hoàn thành các công việc nên làm. Lúc này đồng nghiệp đã gọi xe cấp cứu cho tôi. Tôi nói, tôi có thể tự mình đến bệnh viên Thiên Đàn, tê liệt thần kinh mặt không phải là bệnh nguy cấp.

Mọi người nói: “Thế nhưng cô là trưởng phòng khám, ngay cả ưu tiên này mà chúng ta không có hay sao? Hơn nữa, còn chưa biết cô bị thế là do tê liệt thần kinh đơn thuần hay là do biến chứng của xương sọ và xương sống gây nên, đương nhiên cũng có thể coi là bệnh cấp tính rồi”.

Tôi nói: “Các đồng chí, trong công xưởng chỉ có một chiếc xe cứu thương, trong thời gian đó các lò lửa vẫn hồng. Ai biết được khi nào xảy ra chuyện. Nếu như thật sự khi tôi dùng xe cứu thương mà xảy ra chuyện gì đó, cần dùng xe để đưa bệnh nhân đi, thế nhưng lúc đó xe đã bị tôi dùng rồi, sau đó đi kiểm tra bệnh của tôi chỉ là bệnh nhỏ mà làm lỡ thời gian cứu chữa cho công nhân. Lòng tốt của các bạn biết đâu lại hủy hoại một đời “anh hùng” của tôi?”.

Các đồng nghiệp chỉ có cách không thúc ép tôi nữa. Sau khi giải quyết xong tất cả mọi chuyện tôi tự mình ngồi xe bus đến bệnh viện Thiên Đàn. Bác sĩ khoa thần kinh nói bọn họ có thể khẳng định có triệu chứng của bệnh tê liệt thần kinh mặt, thế nhưng vẫn phải kiểm tra đầy đủ nguyên nhân để loại trừ khả năng nguyên nhân là ung bướu sọ và nhiễm trùng.

Tôi bình tĩnh hoàn thành một loạt kiểm tra, não hoàn toàn bình thường, tôi biết cuối cùng tôi cũng được nghỉ ngơi rồi. Sau khi chụp xong CT của não bác sĩ dặn tôi về nhà nghỉ ngơi, nếu bệnh nặng thêm, xuất hiện tê liệt các cơ thì phải nhanh chóng đến chẩn đoán. Sau đó, bác sĩ kê cho tôi một loạt đơn thuốc và số ngày uống.

Tôi bước ra khỏi bệnh viện ngửa mặt nhìn trời xanh và thở phào nhẹ nhõm. Tôi cảm nhận được là do cơ thể tôi đã tìm cho tôi một lý do. Tôi bị bệnh, bệnh này mọi người đều có thể nhìn thấy mà không cần tôi phải nói nhiều. Đối với một người phụ nữ thì dung mạo vô cùng quan trọng, tôi đã bị bệnh làm biến dạng dung nhan, mọi người sẽ đồng cảm với tôi, không hề nghi ngờ tôi giả bệnh. Quan trọng là tôi có đơn xin nghỉ phép, có thể danh chính ngôn thuận không cần phải thực hiện công việc này nữa.

Tôi vì thế mà cũng phải trả giá, uống bao nhiêu là thuốc (vì ngăn chặn không cho các dây thần kinh ở mặt tiếp tục biến chứng, lúc đó biện pháp duy nhất để đối phó đó là uống một loạt thuốc), khiến cho thể trọng tăng nhanh. Để cho mắt miệng nhanh chóng phục hồi nên mỗi ngày tôi phải uống bao nhiêu thuốc, dùng kim châm cứu dài bốn phân để thông huyệt vị, một nửa má nổi đầy gân máu… nghĩ lại nhất định là gương mặt tôi lúc đó gớm ghiếc lắm.

Mỗi ngày tôi đều đeo khẩu trang đến lớp học, nhiều năm sau có bạn học còn nói, ấn tượng lớn nhất với Tất Thục Mẫn đó là luôn đeo khẩu trang đến lớp học, như kiểu sợ mọi người nhận ra mình là bác sĩ vậy. Bởi vì môi không khép kín được cho nên khi học tiếng Anh tôi thường phát âm không chuẩn, cô giáo thì nghĩ tôi không chuyên tâm. Sau đó tôi tìm cô giáo rồi bỏ khẩu trang ra cho cô xem tình hình mặt tôi. Cô nhắm mắt nói, được rồi, Tất Thục Mẫn, sau này trong giờ học cô sẽ không gọi tên tôi nữa.

Gương mặt tôi sau khi hoàn thành khóa học ở lớp nghiên cứu sinh mới cơ bản hồi phục. Tôi không biết đây có phải là một sự hồi báo của cơ thể với tôi không, nó khiến cho tôi có một cơ hội nghỉ ngơi để hoàn thành việc học hành của mình. Nếu không thì tôi rất có thể đã bỏ học giữa chừng rồi.

Viết linh tinh một hồi thì điều tôi muốn nói đó là: tôi tin rằng ý chí của chúng ta sẽ can thiệp nhiều đến cơ thể của chúng ta. Thực ra, cơ thể của chúng ta đáng yêu như thế, mức độ trí lực của nó hơi giống như trẻ con. Nó rất muốn thể hiện sự ngoan ngoãn của mình để ý chí và tư tưởng của chúng ta cảm thấy vừa ý. Thậm chí nó không nghe hiểu những lời phản đối, những lời tức giận, tất cả những lời đó chỉ là những lời nói nhất thời nên không cần thiết coi là thật. Nó không có khả năng phân biệt phức tạp, nó tương đối nguyên thủy, tương đương với thời kỳ đầu tiến hóa của con người. Nhiều lúc, nó nghĩ đang giúp chúng ta nhưng thực ra là nó đang tạo nên sự đau khổ và hậu di chứng rất lớn. Đương nhiên, chúng ta cũng thường thu lợi được từ trong đó.

Có điều, nếu như hôm nay tôi lại gặp phải sự mâu thuẫn giữa việc học hành và công việc thì tôi sẽ không để cơ thể trả giá nhiều như thế. Tôi sẽ trực tiếp tìm lãnh đạo để trình bày khó khăn, có thể từ bỏ học hành cũng chẳng có gì quá đáng, xét cho cùng thời gian còn dài, không cần thiết phải để cơ thể dùng cách phản ứng thê thảm này mới để cho cơ thể có cơ hội nghỉ ngơi.

Cơ thể vốn muốn lúc nào cũng nói cho chúng ta biết sự thay đổi và cảm nghĩ của nó, đáng tiếc là con người lại không lắng nghe, không coi trọng. Bởi vì cách biểu đạt của trẻ con thường bị coi nhẹ mà, thế là bọn họ cũng học được cách coi nhẹ cảm giác của bản thân mình. Nói ra thì về mặt nhạy bén của cảm xúc chúng ta sớm đã thụt lùi, còn thua với động vật. Một trong những bằng chứng đó là chúng ta chỉ có thể dựa vào thiết bị để dự đoán động đất, mà lại còn thường xuyên không chuẩn. Thế nhưng loài rắn, trăn, chuột lại sớm có dự đoán chính xác.

Các bạn yêu quý, xin bạn hãy hiểu rõ điều này, cơ thể của chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng nghe chúng ta dặn dò, chuẩn bị mọi thứ để giúp đỡ chúng ta. Tuy không phải lúc nào cũng giúp được. Thế nhưng đó không phải là do cơ thể bỏ qua mà đó là do cả hệ thống của chúng ta đã biết thế nhưng không có cách nào tìm ra phương pháp giải quyết có hiệu quả. Cơ thể giống như một cột điện trong cơn bão tuyết, từng lớp tuyết phủ lên, cuối cùng đến một thời khắc nào đó thì đổ xuống. Nếu như sớm phá băng thì kết quả có thể đã không như thế.