Giấc mơ Trung Quốc - Chương 01 - Phần 03

III. Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn “Giấu mình chờ thời”

Trong thời kỳ mới cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình dẫn dắt nhân dân Trung Quốc xông tới nhất thế giới. Đó là hòa nhập vào thế giới để dẫn đầu thế giới, là làm nên công chuyện lớn trong “Giấu mình chờ thời”[3]. Việc xây dựng trật tự chính trị quốc tế mới và trật tự kinh tế quốc tế mới do Đặng Tiểu Bình đề ra đã thể hiện đầy đủ khí phách chiến lược của ông theo đuổi làm ăn lớn có tính thế giới.

[3] Giấu mình chờ thời: nguyên văn tiếng Trung Quốc “Thao quang dưỡng hối”, nghĩa là giấu thực lực, vờ ngu giả dại, chờ thời cơ.

Tiểu Bình, đại chí: Bản thiết kế tổng thể để Trung Quốc tiến lên nhất thế giới

Tuy rằng trong các bài nói và bài viết công khai của mình, Đặng Tiểu Bình chưa nhắc tới những từ ngữ như “Trung Quốc nhất thế giới”, “đuổi và vượt Mỹ”, song nguyện vọng của ông dẫn dắt nhân dân Trung Quốc xông tới nhất thế giới lại vô cùng mạnh mẽ. Sức mạnh xông tới nhất thế giới của ông trong cải cách mở cửa có cường độ lớn nhất, tốc độ nhanh nhất, khiến cho Trung Quốc ngày càng tiến gần tới nhất thế giới.

Là tổng kiến trúc sư của công cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc, bản thiết kế tổng thể Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đề xuất được tiến hành thiết kế xoanh quanh mục tiêu xây dựng một cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa làm cho Trung Quốc trở thành nhất thế giới. Bản thiết kế tổng thể của ông là cả một hệ thống có nội dung phong phú, bao gồm: một mục tiêu phấn đấu - xây dựng một cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, khiến Trung Quốc trở thành nhất thế giới; một lộ trình cơ bản - coi xây dựng kinh tế là trung tâm, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, kiên trì cải cách mở cửa; ba giai đoạn phấn đấu - ba bước đi, từ no ấm, khá giả đến 50 năm đầu thế kỷ XXI thực hiện giấc mơ nước giàu mạnh; một đại chiến lược phát triển hòa bình - giấu mình chờ thời, có sự thành đạt.

“Cải cách mở cửa của Trung Quốc phải làm tốt hơn Duy tân Minh Trị của Nhật Bản”

Công cuộc Duy tân Minh Trị là một kiểu mẫu về cải cách chấn hưng đất nước. Ngay từ ngày 24 tháng 5 năm 1975 Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra: Duy tân Minh Trị là công cuộc hiện đại hóa do giai cấp tư sản mới nổi lên tiến hành; chúng ta là giai cấp vô sản, ta nên và có thể làm tốt hơn họ. Ngày 15 tháng 4 năm 1985, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Việc chúng ta hiện nay đang làm là việc Trung Quốc mấy nghìn năm nay chưa từng làm. Cuộc cải cách này chẳng những ảnh hưởng tới Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới thế giới”. Mục tiêu của Đặng Tiểu Bình là tiến hành một sự nghiệp vĩ đại “ảnh hưởng tới thế giới”. Ông cho rằng: Công cuộc cải cách của chúng ta là một loại thử nghiệm chẳng những ở Trung Quốc mà cũng là thử nghiệm trong phạm vi quốc tế; chúng ta tin là cuộc cải cách này sẽ thành công. Nếu thành công thì có thể cung cấp một số kinh nghiệm nào đó cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa trên thế giới và sự phát triển của các nước chưa phát triển. Dĩ nhiên không phải là bê nguyên xi cho nước khác.

Ngày 7 tháng 4 năm 1990, trong bài phát biểu quan trọng “Chấn hưng dân tộc Trung Hoa”, Đặng Tiểu Bình nói: “Sau Hội nghị toàn thể Trung ương lần III khóa XI, chúng ta tập trung lực lượng làm bốn hiện đại hóa, hướng tới việc chấn hưng dân tộc Trung Hoa. Trong một thời gian không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ trở thành một nước lớn về kinh tế, hiện nay đã là một nước lớn về chính trị rồi. Chiếc ghế tại Liên Hợp Quốc là của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Người Trung Quốc cần phấn chấn lên. Đại lục Trung Quốc đã có cơ sở khá tốt. Chúng ta còn có mấy chục triệu đồng bào yêu nước ở hải ngoại, họ mong mỏi Trung Quốc hưng thịnh phát triển, điều này trên thế giới không đâu có. Chúng ta cần lợi dụng cơ hội để phát triển Trung Quốc. Trong thế kỷ sau, Trung Quốc sẽ rất có triển vọng”.

Năm nào Tôn Trung Sơn thành lập “Hưng Trung Hội”, đề xuất “Chấn hưng Trung Hoa” tức là muốn “vượt trên Âu Mỹ”, lấy lại ngôi vị nhất thế giới. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh chấn hưng dân tộc Trung Hoa cũng là muốn giành được địa vị nhất thế giới cho Trung Quốc. Hàm nghĩa của chấn hưng Trung Hoa là nhất thế giới; thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại tức là Trung Quốc phải một lần nữa trở thành nhất thế giới.

Chiến lược “Ba bước đi”: Xông tới nhất thế giới

Quá trình Trung Quốc đi lên nhất thế giới sẽ là một quá trình như thế nào? Thập niên 80 thế kỷ XX Đặng Tiểu Bình từng đề xuất dùng thời gian 70 năm để thực hiện “Ba bước đi”, tới khi kỷ niệm 100 năm dựng nước sẽ thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Bước thứ nhất dùng 10 năm để đạt được mức no ấm, bước thứ hai lại dùng 10 năm nữa để đạt được mức sống khá giả, bước thứ ba là trong thế kỷ XXI lại dùng thời gian 50 năm để thực hiện mục tiêu vĩ đại phục hưng dân tộc Trung Hoa. Đặng Tiểu Bình là người theo chủ nghĩa hiện thực, cũng là người theo chủ nghĩa lý tưởng. Lời căn dặn cuối cùng của ông cũng là lời khích lệ người Trung Quốc: “Từ nay cho tới giữa thế kỷ sau sẽ là quãng thời gian rất quan trọng; chúng ta phải miệt mài làm việc vất vả. Gánh trên vai chúng ta rất nặng, trách nhiệm lớn lắm đấy!”. Tại sao thời kỳ giữa thế kỷ XXI mà Đặng Tiểu Bình nói lại là thời kỳ rất quan trọng? Vì đó chính là thời kỳ Trung Quốc đi lên nhất thế giới.

IV. Thế giới dự đoán về Trung Quốc

Sự phát triển của Trung Quốc có ảnh hưởng tới tương lai thế giới. Các nhà chính trị, chuyên gia thậm chí dân chúng một số nước lớn đều nhiệt tình dự đoán tương lai của Trung Quốc, hơn nữa đã hình thành một số nhận thức chung cơ bản.

Người Nhật: “Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc”

“Chung sống như thế nào với Trung Quốc, người láng giềng khổng lồ không bá quyền?” - đây là vấn đề các giới dân chúng Nhật Bản bàn luận rộng rãi mấy năm nay. Nhật Bản nên tạo dựng một “quan điểm về Trung Quốc” như thế nào? Học giả Ohmae Kenichi(4), người được gọi là “Cha đẻ chiến lược của Nhật Bản” có những quan điểm đại diện cho người Nhật.

[4] Ohmae Kenichi (sinh năm 1943), tiến sĩ vật lý hạt nhân, nhà quản lý học, nhà bình luận kinh tế nổi tiếng, từng phụ trách công ty Mekinsey company... Tác phẩm tiêu biểu có: “Thế giới không biên giới”, “Tương lai lớn của sân khấu toàn cầu”...

Năm 2009, trong các lần diễn thuyết và trong các bài viết của mình, Ohmae Kenichi nhiều lần chỉ ra: “Trước năm 2055, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có quy mô gấp 10 lần Nhật Bản”, nước Nhật cần một lần nữa thích nghi với “Tình trạng quốc lực Nhật chỉ bằng 10% quốc lực Trung Quốc”, Nhật cần có “cảm giác quy mô” đánh giá đúng nước láng giềng Trung Quốc. Nhìn lại lịch sử hai nghìn năm trước đây, quy mô quốc lực Nhật luôn luôn bằng 10% Trung Quốc, từ sau Duy tân Minh Trị, tình trạng này mới có thay đổi, hiện nay chẳng qua là trở lại quan hệ tỷ lệ ngày xưa mà thôi. Nhật Bản tất phải tiếp nhận thực tế “Nhật nhỏ hơn Trung Quốc”, cần làm một quốc gia “nhỏ mà mạnh”. Thị trường Trung Quốc khổng lồ là cơ hội thương mại lớn của Nhật. Mấu chốt của việc các doanh nghiệp Nhật làm ăn thành công là ở chỗ họ có thể ôm lấy Trung Quốc hay không. Thí dụ việc xây dựng đường cao tốc, chiều dài tổng cộng của lưới đường cao tốc của Nhật vào khoảng 9.000 km, mà Trung Quốc mỗi năm cần xây dựng 8.000 km đường cao tốc.

Mười mấy năm nay Ohmae Kenichi nhiều lần đi lại giữa Nhật và Trung Quốc, hiện nay mỗi năm ông định kỳ đến Trung Quốc tám lần. Ông nói: “Ngày nay nghiên cứu thế giới không thể không nghiên cứu Trung Quốc”. Ông cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính lần này nước Mỹ đã rớt xuống thành một quốc gia hoàn toàn không còn phong độ và tư cách lãnh tụ thế giới nữa. Trong cuốn “Tạm biệt nước Mỹ?” ông kê ra ba đơn thuốc cho nước Mỹ: thứ nhất là xin lỗi toàn thế giới, thừa nhận mấy sai lầm lớn phạm phải trong tám năm qua như tấn công Afghanistan, chiếm Iraq, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; thứ hai là trở thành một phần của thế giới, bàn bạc làm mọi việc, không được làm bá quyền; thứ ba là từ bỏ chiến tranh.

Cái sáng suốt biết mình của Nhật Bản, khả năng thích ứng của Nhật Bản đối với sự thay đổi tình hình thế giới thể hiện ở chỗ nước Nhật sau hơn 100 năm “Thoát Á nhập Âu” nay lại cao giọng muốn “Thân Mỹ nhập Á”, “Thoát Âu nhập Á”. Thế hệ mới các nhà chính trị Nhật cho rằng thế giới đang phát triển theo hướng lưỡng cực hóa là Mỹ và Trung Quốc, Nhật phải trở thành một cây cầu trên Thái Bình Dương, phát huy tác dụng cầu nối giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhật cần thay đổi chính sách ngoại giao “Theo đuôi Mỹ”. Trong nửa đầu năm 2009, tỷ trọng buôn bán của Nhật với Trung Quốc là 20,4%, với Mỹ là 13,7%, nhưng năm 1990 tỷ trọng buôn bán của Nhật với Mỹ là 27,4%, với Trung Quốc chỉ có 3,5%. Đây cũng là lần đầu tiên sau chiến tranh tỷ trọng buôn bán của Nhật với Trung Quốc vượt quá mức 20% và với châu Á đã vượt quá 50%; Nhật đã hình thành sự ỷ lại vào buôn bán với châu Á, trong đó Trung Quốc là trung tâm.

Người Mỹ: “Phương án Bắc Kinh” sẽ thay cho “Đồng thuận Washington”

Người Mỹ rất nhạy cảm với việc Trung Quốc đi tới “Nhất thế giới”, trước đây 20 năm họ đã có dự kiến. Năm 1987, một người Mỹ là Paul Kennedy đưa ra ba dự đoán lớn về tình hình thế giới: thứ nhất, trong tương lai gần sẽ không có quốc gia nào có thể gia nhập nền “chính trị 5 đầu” gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật và Cộng đồng kinh tế châu Âu (Kissinger thì cho rằng rất có thể có thêm Ấn Độ, hình thành nền “chính trị 6 nước”), những quốc gia này sẽ là các nước lớn cuối cùng. Thứ hai, cán cân lực lượng sản xuất của thế giới trên một số mặt đã từ Liên Xô, Mỹ và Cộng đồng kinh tế châu Âu nghiêng về phía Nhật và Trung Quốc. Tuy Trung Quốc còn lạc hậu sau Nhật nhưng Trung Quốc phát triển rất nhanh. Thứ ba, Trung Quốc trải qua cuộc phấn đấu gian khổ lâu dài, người lãnh đạo nước này hiện nay xem ra đang thực hiện một chiến lược hùng vĩ, tư tưởng nhất quán và có tầm nhìn xa, về mặt này họ sẽ thắng Moskva, Washington và Tokyo, càng không cần nói Tây Âu. Cách đây mười mấy năm Brzezinski từng dự đoán: “Hơn hai chục năm sau Trung Quốc sẽ trở thành một nước lớn toàn cầu, thực lực của Trung Quốc đại để sẽ ngang với Mỹ và châu Âu”. Trong “Kế hoạch năm 2020” gửi Quốc hội, Uỷ ban Tình báo nhà nước Mỹ viết: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ như sự xuất hiện của nước Đức hồi thế kỷ XIX, nước Mỹ trong thế kỷ XX, là điều không thể tránh được”.

Công ty Gold Sachs dự đoán đến năm 2027 quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ; đến năm 2050 sẽ gấp đôi Mỹ.

Tạp chí “Chính sách thế giới” của Mỹ số ra mùa thu năm 2008 đăng bài “Sự trỗi dậy của Trung Quốc”, trong đó viết: “Không nghi ngờ gì nữa, đến năm 2033 Trung Quốc có thể chiếm vị trí thứ nhất trong trật tự kinh tế thế giới, Mỹ sẽ đứng thứ hai”. “Chúng tôi hy vọng chính phủ Mỹ và nhân dân Mỹ có thể bắt đầu suy nghĩ về hàm ý của bước ngoặt có ý nghĩa ranh giới ấy và suy nghĩ về cách thức đối phó”. “Cùng với sự chuyển dịch về thời gian và sự xuất hiện vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều hơn các Phương án Bắc Kinh chứ không phải là Đồng thuận Washington”.

Người Anh: “Trọng tâm thế giới chuyển về phía Đông”

Cuốn sách “Khi Trung Quốc thống trị thiên hạ: Sự trỗi dậy của Vương quốc trung ương và hồi kết của thế giới phương Tây”[5] đang làm chấn động phương Tây. Tác giả sách này là Martin Jacques viết: “Việc nước Mỹ dần dần trở thành một nước lớn không phải độc nhất vô nhị sẽ là một quá trình đau khổ đối với họ. Mỹ cần học cách nhìn thẳng, thích nghi với sự sa sút tương đối của mình... Lựa chọn xấu nhất của nước Mỹ là ngăn chặn, ức chế Trung Quốc, điều đó sẽ đưa thế giới trở lại rơi vào vũng lầy chiến tranh lạnh. Cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ chỉ tăng tốc quá trình tụt dốc địa vị của nước Mỹ. Đối với toàn bộ thế giới phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm sâu sắc thêm cảm giác hẫng hụt phổ biến của thế giới phương Tây. Phương Tây đang đi vào giai đoạn tự điều chỉnh để thích nghi lâu dài và đau khổ... Tôi sẵn lòng vỗ tay trước việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành lực lượng lãnh đạo thế giới. Việc Trung Quốc trỗi dậy chẳng những chỉ làm thay đổi tình hình kinh tế thế giới mà còn thay đổi phương thức sống và tư duy của chúng ta. Sự trỗi dậy của Trung Quốc dự báo một thời đại mới sắp đến... Tới nửa sau thế kỷ XXI rất có thể Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới; hệ thống quốc tế sẽ xảy ra biến đổi lớn. Bắc Kinh sẽ trở thành thủ đô của thế giới. Thượng Hải cũng sẽ thay thế New York trở thành trung tâm kinh tế tài chính quốc tế”.

[5] “Khi Trung Quốc thống trị thiên hạ: sự trỗi dậy của Vương quốc trung ương và hồi kết của thế giới phương Tây” tức sách When China Rules the World: The Rise of the Middle Kingdom and the End of the Western World, xuất bản 2009. Tác giả Martin Jacques, người Anh, sinh 1945, học giả và nhà báo, hiện là cây bút bình luận của báo The Times, The Sunday Times, giáo sư thỉnh giảng của ĐH Nhân dân Bắc Kinh.

Một bình luận viên của báo Anh “Người bảo vệ” dự đoán: “Sự chuyển biến của Trung Quốc sẽ làm cho trọng tâm của thế giới chuyển dịch về phía Đông; thế kỷ XXI sẽ hoàn toàn không như hai thế kỷ trước đó, quyền lực sẽ không còn nắm trong tay Âu Mỹ nữa”.

Trong cuốn “Biểu hiện lâu dài của kinh tế Trung Quốc”, nhà kinh tế nổi tiếng người Anh, giáo sư Madison có phân tích và cho rằng Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2015.

Tháng 5 năm 2008, think tank Anh Quốc “Trung tâm cải cách châu Âu” đưa ra báo cáo nhận định trung tâm quyền lực thế giới đang chuyển về phía Đông. Đến năm 2020 quy mô kinh tế của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc sẽ tương đương nhau, GDP mỗi nền kinh tế này sẽ chiếm 20% tổng lượng kinh tế toàn cầu.

Tạp chí Anh “Nhà kinh tế” trong một báo cáo có tên “Triển vọng thế giới năm 2008“ có viết: Năm 2008 là năm đầu tiên mà nền chính trị và kinh tế thế giới sẽ “Thoát Mỹ nhập Trung Quốc”, nghĩa là năm đầu tiên từ “Trật tự thế giới do Mỹ chủ đạo” chuyển thành “Trật tự thế giới do Trung Quốc chủ đạo”.

Các nhà kinh tế toàn cầu: “Chắc chắn sẽ vượt qua, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”

Từ tháng 6 năm 2009 trở đi, tờ “Thời báo Hoàn cầu”[6] dùng thời gian hai tháng tiến hành một cuộc điều tra hỏi ý kiến 85 nhà kinh tế trên toàn cầu, 80 trong số đó đã tham gia cuộc điều tra này. Nội dung điều tra chủ yếu đề cập ba vấn đề: Thứ nhất, cần mấy năm để kinh tế thế giới phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng? Thứ hai, nền kinh tế hoặc quốc gia nào sẽ đầu tiên phục hồi từ khủng hoảng? Thứ ba, cần bao nhiêu năm để tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc đuổi kịp Mỹ?

[6] Thời báo Hoàn cầu: một phụ trương của Nhật báo Nhân dân, cơ quan của trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy số người cho rằng để kinh tế thế giới phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng cần thời gian 3 - 5 năm chiếm đa số, lên tới 51 người; chỉ có 19 người cho rằng cần 1 - 2 năm và 9 người nói cần ít nhất 5 năm.

Có 66 học giả cho rằng Trung Quốc sẽ dẫn đầu phục hồi từ khủng hoảng; có 10 người nói Mỹ sẽ dẫn đầu phục hồi từ khủng hoảng; có 3 và 1 người cho rằng các nền kinh tế mới nổi lên khác hoặc quốc gia khác sẽ dẫn đầu phục hồi từ khủng hoảng.

Vấn đề cuối cùng, cho rằng tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ cần 10 năm có 18 người, chiếm 23%; cho rằng cần 20 năm có 37 người, chiếm 46%; cho rằng cần 30 năm có 14 người, chiếm 17%; cho rằng cần thời gian lâu hơn và không có khả năng vượt Mỹ có 6 người và 2 người.

Số học giả Mỹ tham gia điều tra phỏng vấn là 17 người, là nước có nhiều người nhất. Các nhà kinh tế Mỹ phản ứng kịch liệt nhất về vấn đề tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ; đa số họ cho rằng tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ cần thời gian 30 năm trở lên.

Kết quả điều tra nói lên ba điều có tính xu hướng: thứ nhất, tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, đây là nhận thức chung của các chuyên gia, 78 trong số 80 chuyên gia đồng ý như vậy; thứ hai, có 37 người cho rằng Trung Quốc vượt Mỹ cần khoảng trên dưới 20 năm, là quan điểm chủ yếu; thứ ba, cho rằng tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ sẽ tạo ra cục diện mới của thế giới.