Giấc mơ Trung Quốc - Chương 01 - Phần 02

II. Mao Trạch Đông: “Đại Nhảy Vọt” vượt Anh đuổi Mỹ

Mao Trạch Đông cũng là một người theo chủ nghĩa “Nhất thế giới”, tư tưởng chiến lược và thực tiễn “Nhất thế giới” của ông có tính khám phá, sáng tạo, dĩ nhiên cũng có tính hạn chế của lịch sử. Những vẻ vang và trục trặc, thành công và sai sót của ông đều có sắc thái truyền kỳ.

“Khai trừ hộ tịch của anh trên trái đất”

Mao Trạch Đông cho rằng đuổi kịp và vượt Mỹ là chức trách của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại cuộc tọa đàm về vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ngày 29 tháng 10 năm 1955, Mao Trạch Đông nói: “Mục tiêu của chúng ta là đuổi kịp Mỹ, hơn nữa phải vượt Mỹ. Nước Mỹ chỉ có hơn 100 triệu dân, nước ta có hơn 600 triệu dân, chúng ta nên đuổi kịp Mỹ. Rốt cuộc cần mấy chục năm, cái đó tuỳ vào sự cố gắng của mọi người; ít nhất là 50 năm đi, có lẽ là 75 năm; 75 năm tức là 15 kế hoạch 5 năm. Ngày nào đuổi kịp Mỹ, chúng ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ chúng ta chưa ra sao cả, cho nên bị người ta bắt nạt. Một quốc gia lớn như chúng ta, có nói khoác thì cũng ghê gớm lắm, lịch sử những mấy nghìn năm, đất rộng, sản vật dồi dào, dân đông nhưng mỗi năm sản xuất mới được hai triệu mấy chục nghìn tấn thép, giờ đây mới bắt đầu chế tạo ô tô, sản lượng còn rất ít, thực là chẳng ra sao cả. Cho nên các giới trong toàn quốc, kể cả giới công thương, các đảng phái Dân chủ, đều phải cố gắng xây dựng nước ta thành một quốc gia giàu mạnh. Chúng ta nên gánh lấy chức trách ấy trên phạm vi toàn thế giới. Cứ bốn người trên thế giới này có một người của chúng ta, không vươn lên thì không được, chúng ta nhất định phải giành lấy khẩu khí đó”.

Mao Trạch Đông cho rằng Trung Quốc chỉ có vượt Mỹ thì mới có cống hiến lớn cho loài người. Năm 1956, Mao Trạch Đông viết trong bài “Kỷ niệm tiên sinh Tôn Trung Sơn” như sau: “Trung Quốc là quốc gia đất rộng 9,6 triệu kilômet vuông và có 600 triệu dân, Trung Quốc nên có cống hiến tương đối lớn cho nhân loại. Cống hiến ấy trong một thời kỳ dài trước đây còn quá ít ỏi. Điều đó làm chúng ta xấu hổ”. Mao Trạch Đông nhấn mạnh: “Không những ta có khả năng vượt Mỹ mà điều đó hoàn toàn là cần thiết, hoàn toàn nên. Nếu không như vậy thì dân tộc Trung Hoa chúng ta không xứng đáng với các dân tộc toàn thế giới, cống hiến của chúng ta đối với nhân loại còn nhỏ”.

Trong cách nhìn của Mao Trạch Đông, nếu Trung Quốc không thể vượt Mỹ thì phải khai trừ hộ tịch của Trung Quốc trên trái đất này! Năm 1956, trong hội nghị trù bị Đại hội VIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi nói về vấn đề vượt Mỹ, Mao Trạch Đông chỉ ra: “Chúng ta đoàn kết tất cả mọi lực lượng có thể đoàn kết trong ngoài Đảng, trong ngoài nước, mục đích là để làm gì? Là để xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại. Một quốc gia như chúng ta có thể và nên dùng từ “vĩ đại”. Đảng của chúng ta là một Đảng vĩ đại, nhân dân chúng ta là nhân dân vĩ đại, cuộc cách mạng của chúng ta là cuộc cách mạng vĩ đại, sự nghiệp xây dựng của chúng ta là sự nghiệp xây dựng vĩ đại. Trên trái đất chỉ có một quốc gia 600 triệu dân, đó là chúng ta. Trước đây người ta coi thường chúng ta là có lý do của họ. Vì anh chưa có cống hiến gì, một năm chỉ có vài trăm nghìn tấn thép, lại còn phải lấy thép của người Nhật để dùng. Tưởng Giới Thạch Quốc Dân Đảng chuyên chính 22 năm, mỗi năm chỉ làm được vài chục nghìn tấn thép. Hiện nay, chúng ta cũng chưa làm được nhiều, nhưng đã làm được một chút rồi, năm nay sẽ được 4 triệu tấn, sang năm đột phá mức 5 triệu tấn, kế hoạch 5 năm lần thứ hai phải vượt 10 triệu tấn, kế hoạch 5 năm lần thứ ba có thể vượt 20 triệu tấn. Chúng ta phải cố gắng thực hiện mục tiêu này. Tuy rằng trên thế giới có khoảng 100 quốc gia, nhưng chỉ có vài quốc gia sản xuất được hơn 20 triệu tấn thép. Cho nên đất nước ta khi xây dựng nên sẽ là một nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại, sẽ họàn toàn thay đổi tình trạng lạc hậu 100 năm qua, thay đổi cái tình trạng bị người ta coi thường ấy, cái tình trạng không may ấy, hơn nữa sẽ đuổi kịp nước tư bản chủ nghĩa lớn mạnh nhất thế giới là nước Mỹ. Nước Mỹ chỉ có 170 triệu dân, dân số nước ta gấp mấy lần họ, tài nguyên ta cũng phong phú, điều kiện khí hậu không khác họ bao nhiêu, đuổi kịp là có thể được. Có nên đuổi kịp hay không đây? Hoàn toàn nên. Sáu trăm triệu người của anh đang làm cái gì thế? Đang ngủ ư? Nên ngủ hay là nên làm việc đây? Nếu nói nên làm việc, người ta 170 triệu dân có 100 triệu tấn thép, anh 600 triệu dân mà không làm ra 200 triệu, 300 triệu tấn thép ư? Anh đuổi không kịp người ta thì anh chẳng có lý do, thì anh chẳng vẻ vang thế được, cũng chẳng vĩ đại lắm. Nước Mỹ dựng nước mới có 180 năm, 60 năm trước đây họ cũng chỉ có 4 triệu tấn thép. Ta lạc hậu sau họ 60 năm. Nếu chúng ta có 50 năm, 60 năm nữa thì hoàn toàn nên đuổi kịp họ. Đây là một trách nhiệm. Anh có nhiều người như thế, anh có đất đai rộng như thế, tài nguyên phong phú thế, lại nghe nói anh làm chủ nghĩa xã hội, nghe đâu là có tính ưu việt, kết quả anh làm dăm sáu chục năm mà vẫn chưa thể đuổi kịp nước Mỹ, thế thì anh ra cái quái gì? Thế thì phải khai trừ hộ tịch của anh trên trái đất này thôi!”.

“Thời gian biểu” vượt Anh đuổi Mỹ

Đã mấy lần Mao Trạch Đông điều chỉnh “Thời gian biểu” đuổi và vượt Mỹ, qua đó có thể thấy được lịch trình tâm huyết đuổi Anh vượt Mỹ của ông.

Ngày 18 tháng 11 năm 1957, trong bài phát biểu tại Hội nghị đại biểu các đảng Cộng sản và công nhân họp ở Moskva, Mao Trạch Đông từng nói: “Đồng chí Khrushchev [Khơ-rút-sốp] có nói với chúng tôi là 15 năm sau Liên Xô có thể vượt Mỹ. Tôi cũng có thể nói, 15 năm sau chúng tôi có thể đuổi kịp hoặc vượt Anh Quốc”. Không lâu sau khi từ Liên Xô trở về, Mao Trạch Đông bèn triệu tập những người phụ trách các đảng phái Dân chủ và người không đảng phái làm cuộc tọa đàm, thông báo họ biết ý tưởng chiến lược vượt Anh đuổi Mỹ. Bài xã luận nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1958 của “Nhân dân nhật báo” viết: Chuẩn bị dùng thêm thời gian từ 20 đến 30 năm để vượt Mỹ về kinh tế.

Ngày 15 tháng 4 năm 1958, Mao Trạch Đông tiến thêm một bước nhận định: 10 năm có thể đuổi kịp Anh, thêm 10 năm nữa có thể đuổi kịp Mỹ. Nói 25 năm hoặc thời gian nhiều hơn một chút đuổi kịp Anh, Mỹ là để dư ra 5 - 7 năm. Khẩu hiệu 15 năm đuổi kịp Anh vẫn không thay đổi.

Tháng 5 năm 1958, tại Hội nghị lần thứ hai Trung ương Đảng khóa VIII, Lý Phú Xuân đề xuất: 7 năm đuổi kịp Anh, 15 năm đuổi kịp Mỹ. Trong lời phê của mình, Mao Trạch Đông sửa lại là: 7 năm đuổi kịp Anh, thêm 8 hoặc 10 năm đuổi kịp Mỹ.

Ngày 22 tháng 6 năm 1958, Mao Trạch Đông lại viết lời phê trên một bản báo cáo của Bạc Nhất Ba như sau: “Vượt Anh không phải là 15 năm, cũng không phải là 7 năm, mà chỉ cần 2 - 3 năm; hai năm là có khả năng được”. Thậm chí Mao Trạch Đông chủ trương ngoài mấy mục đóng tàu, ô tô, điện lực ra, sang năm là có thể vượt Anh.

Ngày 2 tháng 9 năm 1958, Mao Trạch Đông ra lời kêu gọi: “Hãy phấn đấu vì mục tiêu 5 năm đuổi gần kịp nước Anh, 7 năm vượt Mỹ!”.

Nhằm thực thi chiến lược vượt Anh đuổi Mỹ, Mao Trạch Đông phát động phong trào “Đại Nhảy Vọt”. Trong hội nghị Nam Ninh hồi đầu năm 1958, ông nói: “Tôi không tin là xây dựng lại khó hơn đánh trận?”.

“Đại Nhảy Vọt” không thực hiện được mục tiêu vượt Anh đuổi Mỹ, ngược lại làm cho kinh tế Trung Quốc đình trệ và tụt lùi. Giấc mộng “Đại Nhảy Vọt” bị thất bại, nhiều người chết một cách không bình thường, tỷ trọng GDP của Trung Quốc trong tổng lượng GDP thế giới từ 5,46% năm 1957 tụt xuống 4,01% năm 1962, thấp hơn cả mức năm 1950 (4,59%). Do đó tình cảm xúc động của Mao Trạch Đông trong thực tiễn trở nên lý trí và bình tĩnh. Ngày 13 tháng 1 năm 1961, Mao Trạch Đông nói tại Hội nghị công tác Trung ương: “Bây giờ nhìn lại, thấy xây dựng chủ nghĩa xã hội không được vội quá như thế. Vội quá thì làm không được việc, càng vội thì càng làm không được, chẳng bằng chậm một chút, phát triển tiến lên theo kiểu làn sóng. Điều đó giống như người đi đường, đi một quãng phải nghỉ một lúc. Quân đội trong hành quân có nghỉ lớn, nghỉ nhỏ, kết hợp làm và nghỉ, có làm có nghỉ. Giữa hai chiến dịch cũng phải nghỉ để chỉnh đốn”.

Về sau, hôm 30 tháng 1 năm 1962, trong Hội nghị công tác Trung ương mở rộng, Mao Trạch Đông phát biểu tổng kết bài học của “Đại Nhảy Vọt” như sau: “Nói về việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lớn mạnh tại Trung Quốc, 50 năm chưa được, có thể cần 100 năm hoặc thời gian nhiều hơn. Sự phát triển chủ nghĩa tư bản kể từ thế kỷ XVII tới nay đã hơn 360 năm. Muốn xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lớn mạnh ở Trung Quốc, tôi ước tính cần bỏ ra hơn 100 năm. Trung Quốc người đông, nền tảng mỏng, kinh tế lạc hậu, muốn phát triển mạnh sức sản xuất, muốn đuổi kịp và vượt các nước tư bản tiên tiến nhất trên thế giới, tôi thấy không có thời gian hơn 100 năm là không được. Có thể chỉ cần vài chục năm, thí dụ có người nghĩ là 50 năm là có thể làm được điều đó. Nếu quả nhiên như thế thì ơn trời ơn đất, không thể có gì tốt hơn. Nhưng tôi khuyên các đồng chí chịu khó nghĩ nhiều hơn về các khó khăn, vì vậy hãy thiết tưởng thời gian lâu dài hơn một chút. Ba trăm mấy chục năm xây dựng nên nền kinh tế tư bản lớn mạnh; ở nước ta, trong ngoài 50 năm tới, trong ngoài 100 năm là thời đại vĩ đại chế độ xã hội trên thế giới triệt để biến đổi, là một thời đại long trời lở đất, bất cứ thời đại lịch sử nào trong quá khứ đều không thể sánh được. Cần chuẩn bị rút kinh nghiệm từ các thất bại và trục trặc gây ra bởi tính mù quáng, qua đó giành lấy thắng lợi cuối cùng. Xuất phát từ điểm đó, giả định thời gian lâu dài hơn một chút là có nhiều cái lợi, ngược lại giả định thời gian ngắn hơn là có hại”.

Lộ trình vượt Anh đuổi Mỹ: “Đại Nhảy Vọt”

Trung Quốc muốn đuổi và vượt Mỹ tất phải “Đại Nhảy Vọt” - đây là ý tưởng kiên định của Mao Trạch Đông. Năm 1949, thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc bằng 27 USD, lúc ấy thu nhập bình quân đầu người của châu Á là 44 USD. Thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc năm 1952 chỉ tương đương 2,3% thu nhập bình quân đầu người của Mỹ. Có thể thấy muốn đuổi và vượt Mỹ, Trung Quốc tất phải “Đại Nhảy Vọt”.

Cuộc Đại Nhảy Vọt của Trung Quốc hồi cuối thập niên 50 thế kỷ XX để lại bài học đau xót. Thế nhưng sự thất bại của mô hình “Đại Nhảy Vọt” xác định trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt không có nghĩa là không thể tiến hành bất cứ hình thức “Đại Nhảy Vọt” nào.

Ngày 13 tháng 2 năm 1964, khi duyệt bản thảo Báo cáo công tác của chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III của Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông có viết thêm một đoạn như sau: “Chúng ta không thể đi con đường cũ phát triển kỹ thuật của các nước trên thế giới, lết từng bước ở phía sau người ta. Chúng ta phải phá bỏ thói thường, tận sức áp dụng kỹ thuật tiên tiến, trong một thời kỳ lịch sử không quá dài xây dựng nước ta thành một cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. “Đại Nhảy Vọt” mà ta nói chính là ý nghĩa ấy. Lẽ nào đó là việc không thể làm nổi ư? Là khoác lác, nổ súng lớn chăng? Không phải, có thể làm được. Đã không phải là khoác lác, cũng không phải là nổ súng lớn. Chỉ cần xem lại lịch sử của chúng ta là có thể biết. Chẳng phải là chúng ta đã về cơ bản đánh đổ bọn đế quốc, phong kiến, tư bản bề ngoài có vẻ lớn mạnh đấy ư? Chẳng phải là từ trên mảnh đất một nghèo hai trắng, qua 15 năm cố gắng chúng ta đã đạt được trình độ khả quan về các mặt cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đó sao? Không phải là chúng ta đã cho nổ được một quả bom nguyên tử đấy ư? Cái tên “Con bệnh phương Đông” mà trước kia người phương Tây gán cho chúng ta, bây giờ chẳng đã bị vứt bỏ rồi đấy ư? Vì sao những việc giai cấp tư sản phương Tây làm được thì giai cấp vô sản phương Đông lại không làm được nhỉ? Tiên sinh Tôn Trung Sơn, nhà đại cách mạng Trung Quốc, bậc tiền bối của chúng ta hồi đầu thế kỷ này từng nói Trung Quốc sẽ xuất hiện một cuộc Đại Nhảy Vọt. Dự kiến ấy của tiên sinh tất sẽ được thực hiện trong thời gian vài chục năm. Đây là một xu thế tất nhiên, bất cứ thế lực phản cách mạng nào cũng không thể ngăn chặn nổi”.

Quan điểm “Đại Nhảy Vọt” của Mao Trạch Đông là phải đả phá thói thường, đi con đường mới. Cuộc “Đại Nhảy Vọt” ba năm bắt đầu từ năm 1958 đã thất bại, nhưng cuộc “Đại Nhảy Vọt” 30 năm bắt đầu từ năm 1978 chẳng đã thành công đó sao? Muốn nhanh chóng đuổi và vượt các nước phương Tây kinh tế phát triển, Trung Quốc kinh tế lạc hậu không có “Đại Nhảy Vọt” thì không được. “Kiến quốc phương lược” mà Tôn Trung Sơn viết, bản kế hoạch thực nghiệp tự tay ông dự thảo chính là phương lược và kế hoạch của cuộc “Đại Nhảy Vọt”. Cuộc “Đại Nhảy Vọt” của Mao Trạch Đông không chỉ là cuộc nhảy vọt thất bại năm 1958 ấy mà còn là thành tựu giành được do sự phấn đấu và đặt nền móng trong gần 30 năm ông nắm chính quyền. “Đại Nhảy Vọt” của Tôn Trung Sơn và Mao Trạch Đông tuy phát sinh trắc trở, bị trục trặc do hạn chế bởi điều kiện khách quan và chủ quan, nhưng những bài học kinh nghiệm các vị tiên phong thu được là di sản quý báu để lại cho chúng ta. Cuộc “Đại Nhảy Vọt” năm 1958 đem lại tai nạn cho Trung Quốc, nhưng 20 năm sau, bắt đầu từ năm 1978, Trung Quốc lại khởi đầu một cuộc “Đại Nhảy Vọt”. Trên cơ sở tổng kết và kế thừa người đi trước, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một cuộc “Đại Nhảy Vọt” thành công, bởi lẽ ông tìm ra quy luật “Đại Nhảy Vọt” trong xây dựng kinh tế ở Trung Quốc, lập nên kỳ tích 30 năm cải cách mở cửa. Công cuộc cải cách mở cửa 30 năm ấy là cuộc “Đại Nhảy Vọt” thành công kéo dài 30 năm. Trung Quốc ngày nay đi ra từ trong cuộc “Đại Nhảy Vọt” cải cách mở cửa, còn cần tiếp tục nhảy vọt trên con đường phát triển một cách khoa học, cần dựa theo yêu cầu của quan điểm phát triển một cách khoa học để tiến hành cuộc “Đại Nhảy Vọt” khoa học. Sau 30 năm thực hiện “Đại Nhảy Vọt” một cách khoa học, Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới.