Giấc mơ Trung Quốc - Chương 01 - Phần 04

V. Cường quốc số Một, người Trung Quốc đã chuẩn bị xong chưa?

Trung Quốc trỗi dậy với tốc độ quá nhanh, quy mô quá lớn, hoàn cảnh trỗi dậy quá phức tạp, mô thức trỗi dậy quá đơn độc, ảnh hưởng của sự trỗi dậy quá sâu sắc, chẳng những thế giới bên ngoài cảm thấy đột ngột và ngỡ ngàng, ngay cả người Trung Quốc chính mình cũng chưa chuẩn bị xong. Làm tốt việc chuẩn bị xông lên “Nhất thế giới” tỏ ra càng bức thiết khi tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật.

Năm tiêu chí có ý nghĩa thế giới của “Trung Quốc thứ nhất”: Sự chuẩn bị về “nhận thức”

Giá trị của “Nhất thế giới” là gì? Ý nghĩa của việc Trung Quốc trở thành nhất thế giới là ở đâu? Người Trung Quốc đương đại có đáng phấn đấu vì cái “Nhất thế giới” này hay không? Mọi người chưa nhất trí trong nhận thức đối với các vấn đề này. Nhưng để hình thành nhận thức chung trên các vấn đề đó, trước hết cần làm tốt việc “Chuẩn bị về nhận thức”. Có người cho rằng hiện nay Trung Quốc còn lắm vấn đề hiện thực chưa giải quyết thì sao mà đi tranh nhất thế giới được. Có người cho rằng đi tranh ngôi nhất thế giới là ham hố việc lớn công to, là chuyện quá xa vời quần chúng nhân dân. Có người nói hãy giải quyết tốt những vấn đề Trung Quốc nhất thế giới tính từ dưới lên thì càng thực tế hơn. Nghe ra những ý kiến đó đều rất có lý, nhưng then chốt của nhận thức thống nhất là ở chỗ Trung Quốc trở thành nhất thế giới lại đúng là tạo ra môi trường và điều kiện chiến lược để Trung Quốc có thể từ khởi điểm và tầng nấc cao hơn giải quyết nhiều vấn đề cụ thể.

Là kết cục của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ, việc Trung Quốc nhất thế giới sẽ có năm ý nghĩa có tính tiêu chí như sau:

1. Trung Quốc trở thành nhất thế giới là kết quả cạnh tranh lâu dài giữa quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới với quốc gia phát triển lớn nhất thế giới, nó nói lên quốc gia đang phát triển có thể trở thành quốc gia phát triển, thậm chí vượt quốc gia phát triển.

2. Trung Quốc trở thành nhất thế giới là kết quả cạnh tranh lâu dài giữa quốc gia xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới với quốc gia tư bản chủ nghĩa lớn nhất thế giới, nó nói lên tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một nước xã hội chủ nghĩa vượt một nước tư bản chủ nghĩa về tổng lượng sức sản xuất, lần đầu tiên ưu thế chính trị của chủ nghĩa xã hội xây dựng trên cơ sở ưu thế kinh tế xã hội chủ nghĩa. Mô hình xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc do sáng tạo nên kỳ tích “Nhất thế giới” cũng sẽ trở thành mô hình nhất thế giới, qua đó tỏa sáng rực rỡ.

Trong thế giới cận đại, những nước tạo ra và chiếm hữu của cải nhiều nhất đều là các nước phương Tây. Sự trỗi dậy của Liên Xô sau Thế chiến II thể hiện xu thế mạnh mẽ đuổi vượt Mỹ. Nhưng Liên Xô dù là ở thời kỳ đỉnh cao cũng chỉ có sức mạnh kinh tế bằng 60% tổng giá trị sản xuất của Mỹ. Trong 100 năm trước khi nước Mỹ xưng bá chủ, các cường quốc châu Âu từng thay nhau chiếm ngôi nhất thế giới. Hai thế kỷ sau khi các nước phương Tây dẫn đầu thế giới về tổng lượng của cải, đã xuất hiện bước ngoặt có tính lịch sử là xét về quy mô kinh tế, phương Tây đang dần dần bị các nước đang phát triển đuổi và vượt. Đến khoảng năm 2030, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Năm 2050, ba nền kinh tế lớn xếp hạng đầu trên thế giới sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ. Các nước phương Tây già lão sẽ bái phục chịu thua.

3. Trung Quốc trở thành nhất thế giới mang lại ý nghĩa mới cho sự “so sánh văn minh” giữa văn minh phương Đông với văn minh phương Tây, cho thấy không những văn minh phương Tây có thể mang lại sự tốt lành cho thế giới mà văn minh phương Đông cũng có thể dẫn dắt thế giới, hơn nữa văn minh phương Đông càng có sức hút lớn hơn, sức sống và sức sáng tạo mạnh hơn. Trong lịch sử thế giới cận đại, chủ yếu là các dân tộc nói tiếng Anh dẫn đầu thế giới, nhưng khi Trung Quốc trở thành nhất thế giới sẽ mở ra giai đoạn dân tộc dùng Hán ngữ dẫn đầu thế giới.

4. Trung Quốc trở thành “Nhất thế giới” sẽ phá tan sự “kỳ thị nhân chủng”. Năm 1924, trong bài “Chủ nghĩa Tam Dân”, Tôn Trung Sơn từng nói: “Trong việc so sánh người châu Á với người châu Âu, trước đây người ta cho rằng trên thế giới chỉ có người da trắng là thông minh tài trí, bất cứ việc gì đều bị người da trắng lũng đoạn”. “Gần đây bỗng nhiên Nhật Bản nổi lên, qua đó có thể thấy việc người da trắng làm được thì người Nhật Bản cũng có thể làm được. Các chủng tộc trên thế giới tuy khác nhau về màu da nhưng khi nói về sự thông minh tài trí thì không thể nói có gì khác nhau”. Nhật Bản tuy là nước phát triển song xưa nay chưa từng trở thành quốc gia “nhất thế giới”. Cho tới nay những nước “nhất thế giới” đều là do người da trắng xây dựng nên. Trung Quốc trở thành “nhất thế giới” nói lên người da vàng cũng là chủng tộc ưu tú trên thế giới, không phải chỉ người da trắng mới là ưu tú. Những việc người da trắng làm được thì người da vàng cũng có thể làm được, hơn thế còn làm tốt hơn.

5. Trung Quốc trở thành nhất thế giới sẽ thay đổi cảm giác ưu việt về địa lý hình thành từ lâu ở phương Tây. Trong lịch sử thế giới cận đại, các quốc gia “nhất thế giới” đều nảy sinh ở vùng Âu - Mỹ. Châu Á là châu lục lớn nhất thế giới; nói về lý, châu Á nên xuất hiện một quốc gia “nhất thế giới”. Trung Quốc trở thành nhất thế giới là niềm vinh quang của châu Á. Có thể thấy Trung Quốc trở thành nhất thế giới là sự tiến hành một sự nghiệp vĩ đại. Sự nghiệp đó chẳng những có ý nghĩa kinh tế mà có ý nghĩa chính trị, văn hóa, sẽ đem lại cho Trung Quốc những tài nguyên to lớn về chính trị, về đạo nghĩa. Ý nghĩa chính trị của nó tất sẽ chuyển hóa thành lợi ích thiết thân của mỗi người Trung Quốc. Có thể nói “Thiên hạ hưng vong, mọi người có trách nhiệm; Trung Quốc nhất thế giới, mọi người có lợi”.

Nước lớn trỗi dậy phải có “chí lớn”: sự chuẩn bị về “chí hướng”

Chuẩn bị về chí hướng là một sự chuẩn bị quan trọng khác không thể thiếu được khi người Trung Quốc tiến lên nhất thế giới.

Nước lớn trỗi dậy tất phải có “chí lớn”, đây là một đặc điểm và quy luật quan trọng. Có “chí lớn” mới có thể trở thành “nước lớn”. Mọi “quốc gia trỗi dậy” đều là quốc gia có lý tưởng và chí hướng “nhất thế giới”, đều là quốc gia từng cạnh tranh giành nhất thế giới. Tiến lên nhất thế giới, đây là đặc trưng chung, tính cách chung của các nước lớn trên thế giới. Chính cái chí hướng, sự theo đuổi, tinh thần, tín ngưỡng và niềm tin “phải tạo dựng nước mình trở thành nhất thế giới” mới trở thành nguồn động lực làm cho dân tộc hưng vượng, quốc gia trỗi dậy. Một dân tộc thiếu ý chí hào hùng theo đuổi mục tiêu nhất thế giới thì rất khó trở thành một dân tộc ưu tú và quốc gia ưu tú trên thế giới. Các dân tộc ưu tú trên thế giới đều là dân tộc dám và biết cách giành lấy ngôi thứ nhất thế giới, đều là những dân tộc có thành tích xuất sắc và biểu hiện không tồi trong cuộc đua tranh giành lấy ngôi vị nhất thế giới.

Trong thời kỳ “nước lớn trỗi dậy”, Bồ Đào Nha chỉ có một triệu dân; số dân một huyện lớn ở Trung Quốc hiện nay còn nhiều hơn họ. Ngày nay, Bồ Đào Nha vẫn là một nước nhỏ ở châu Âu, đất rộng có hơn 92 nghìn kilômet vuông, số dân vừa mới hơn 10 triệu. Thế nhưng vòng quanh khắp thế giới ngày nay, trừ châu Đại Dương ra, các đại lục khác trên trái đất đều có những quốc gia hoặc lãnh thổ dùng tiếng Bồ Đào Nha làm ngôn ngữ thứ nhất hoặc thứ hai. Đế quốc Bồ Đào Nha từng đứng trên trái đất như một người khổng lồ, chiều ngang trải qua 140 độ kinh, chiều dọc trải qua 70 độ vĩ; Ấn Độ dương, biển A Rập, một dải Nam Hải hầu như trở thành “ao nhà” của Bồ Đào Nha. Thời ấy một nhà thơ Bồ Đào Nha kiêu hãnh nói: “Ta là Bồ Đào Nha, ta lớn hơn cả thế giới này!”. Đó chính là khí phách “Ta lớn hơn cả thế giới”, làm cho Bồ Đào Nha trở thành “nhất thế giới” đầu tiên trên sân khấu quốc tế cận đại.

Người Hà Lan “nước nhỏ làm nên sự nghiệp lớn” có một bức họa “Nữ thần Amsterdam”. Trong bức họa này, nữ thần Amsterdam đặt tay lên mô hình quả địa cầu. Bức tranh ấy dự kiến nước nhỏ Hà Lan ôm cả thế giới vào trong lòng mình, coi trái đất như một thứ đồ chơi trong tay. Khi là một nước lớn trỗi dậy, cả nước Hà Lan chỉ có chừng 1,7 triệu dân, thế mà trên vũ đài thế giới thế kỷ XVII Hà Lan một mình nổi sóng gió sáng tạo nên một thời đại hoàng kim.

Nhà văn nổi tiếng người Nga Dostoevsky[7] từng nói: “Một dân tộc thực sự vĩ đại mãi mãi không thèm đóng vai trò thứ yếu trong nhân loại, thậm chí chẳng thèm làm vai trò hàng đầu mà nhất định đóng vai trò độc nhất vô nhị”.

De Gaulle[8] có một danh ngôn: “Nếu nước Pháp không vĩ đại thì không trở thành nước Pháp”. Ông cho rằng đặc điểm của nước Pháp là vĩ đại, tính cách của nước Pháp là vĩ đại, mục tiêu của nước Pháp cũng vĩ đại. Vĩ đại là “tín ngưỡng quốc gia” và “chí hướng quốc gia” của nước Pháp.

[7] Feodor Mikhailovich Dostoevsky, 1821-1881, nhà văn người Nga chuyên viết về sự bất bình đẳng trong xã hội; nổi tiếng với các tác phẩm “Thằng ngốc”, “Tội ác và trừng phạt”... ; từng bị đi đày do tham gia cách mạng

[8] De Gaulle tức Charles André Marie Joseph de Gaulle, 1890-1970, người lãnh đạo phong trào “Nước Pháp Tự do” chống phát xít Đức trong Thế chiến II; sau khi nước Pháp được giải phóng từng làm người đứng đầu chính phủ Pháp lâm thời, rồi Thủ tướng (1944-1946; 1958), Tổng thống Pháp (1959-1969), chủ trương ngoại giao độc lập tự chủ không lệ thuộc Mỹ.

Dựng nước hai trăm năm nay, nước Mỹ luôn tiến lên trong tiếng hô “hình mẫu của thế giới”, “quốc gia lãnh đạo”, “thế kỷ Mỹ”.

Cạnh tranh là thiên tính của loài người, sự cạnh tranh giữa các quốc gia là thiên tính của các quốc gia. Yếu tố cần nhất cho cạnh tranh là tự tin, có tự tin mới có thể tự cường. Quốc gia mạnh nhất phải có lòng tự tin, mà quốc gia thiếu sức mạnh lại càng cần có lòng tự tin. Trên thực tế những nước lớn trỗi dậy trong lịch sử chưa có nước nào lớn hơn Trung Quốc; về diện tích lãnh thổ, số dân, của cải, họ đều không thể nào sánh được với Trung Quốc. Trong lịch sử thế giới cận đại tuyệt đại đa số các nước trỗi dậy đều là nước nhỏ. Có nước nhỏ tí, lãnh thổ rộng chưa đầy 100 nghìn kilômet vuông, số dân chỉ vào cỡ một triệu, thế mà trỗi dậy trở thành nước lớn nhất thế giới.

Lịch sử trỗi dậy của một số nước lớn cho thấy: cái lớn của nước lớn không phải ở lãnh thổ rộng, không phải là ở chỗ dân đông, mà là ở chỗ có chí hướng lớn, mục tiêu xa rộng. Nước lớn không có chí lớn thì tất sẽ suy thoái; nước nhỏ có chí lớn cũng có thể trỗi dậy.

Nếu nói thế kỷ XX là thế kỷ của chiến tranh và đối kháng, thế thì thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của sự cạnh tranh và đào thải. Trên vũ đài quốc tế thế kỷ mới nhiều quốc gia đang tranh giành địa vị thống trị thế giới. Người Mỹ nói thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của Mỹ. Nhưng cựu Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee tuyên bố: “Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Ấn Độ”. Trên trường đua thế giới trong thế kỷ XXI đâu phải chỉ một vài nước có ý chí giành ngôi đầu! Trung Quốc trong thế kỷ XXI nếu không thể trở thành nhất thế giới, không thể trở thành cường quốc số một thế giới thì tất nhiên sẽ là một quốc gia tụt lại, một quốc gia bị đào thải.

Dựa vào “chiến lược” mà có được thời cơ chiến lược: “Sự chuẩn bị về chiến lược”

Cơ may chỉ ưa chuộng những đầu óc có chuẩn bị. Nó hậu đãi những quốc gia có sự chuẩn bị chiến lược. Trong quá trình phát triển và trỗi dậy, một quốc gia, một dân tộc sẽ may mắn gặp những thời kỳ cơ may chiến lược hiếm có. Gặt hái được gì trong thời kỳ ấy - điều này tùy thuộc vào chất lượng và trình độ sự chuẩn bị chiến lược của quốc gia đó.

Sau ngày thành lập, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từng hai lần đáng tiếc bỏ qua cơ hội phát triển quốc gia. Lần đáng tiếc đầu tiên là đầu thập niên 50 thế kỷ XX. Hồi ấy Trung Quốc tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ giúp Triều, Trung Quốc được thế giới công nhận là nước lớn về quân sự, môi trường an ninh quốc gia được cải thiện lớn, công cuộc xây dựng kinh tế có cơ hội phát triển tốt. Thế nhưng thời kỳ cơ may chiến lược quý báu ấy chỉ tận dụng được bốn năm thì bị các phong trào chỉnh phong chống phái hữu, và tiếp sau là Đại Nhảy Vọt, Công xã Nhân dân, Gió Cộng sản đặt dấu chấm hết và bị cắt đứt. Trong lúc ấy Nhật Bản đã lợi dụng được môi trường quốc tế thuận lợi, tận dụng có hiệu quả thời kỳ cơ may chiến lược, tiến hành phát triển bền vững, nhanh chóng thực hiện sự trỗi dậy về kinh tế.

Lần đáng tiếc thứ hai của nước Trung Quốc Mới là trong cuộc đấu tam giác ba nước Trung Quốc - Mỹ - Liên Xô đầu thập niên 70 thế kỷ XX, dưới sự đe dọa chiến lược của Liên Xô, mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ vào năm 1971 đang tiến theo hướng bình thường hóa khiến cho hoàn cảnh chiến lược của Trung Quốc được cải thiện rất nhiều. Trong 6 năm 1971-1976, số nước lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc lên tới 51 nước (trong 22 năm 1949 - 1970 tổng cộng chỉ có 54 nước lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc). Do tiến hành lâu dài cuộc Đại Cách mạng Văn hóa mà cơ may chiến lược tốt như vậy đã không được tận dụng hữu hiệu.

Thế nhưng sau cải cách mở cửa, do Trung Quốc có sự chỉ đạo chiến lược chính xác, sự chuẩn bị chiến lược đầy đủ nên mới có thể đối phó đúng đắn, nắm vững cơ hội phát triển, nhanh chóng tiến lên địa vị nước lớn kinh tế thế giới trong tình hình Liên Xô tan rã, kinh tế Nhật Bản đình trệ, Đông Nam Á khủng hoảng tài chính, Mỹ lún sâu trong vũng lầy chiến tranh Iraq và năm 2008 thế giới xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Thực tiễn của Trung Quốc cho thấy giá trị của cơ may chiến lược phụ thuộc vào chất lượng sự chuẩn bị chiến lược. Trung Quốc hiện nay đang ở vào thời kỳ không những là “thời kỳ cơ hội chiến lược” nói chung các nước lớn trỗi dậy, mà còn là “thời kỳ xông tới về chiến lược” giành lấy ngôi vị nhất thế giới, cần phải làm đầy đủ hơn sự chuẩn bị chiến lược, có sự sáng tạo chiến lược, thiết kế chiến lược và chỉ đạo chiến lược chất lượng tốt.

Trung Quốc bay lên cần dự trữ đủ thái độ “tỉnh táo”: “Sự chuẩn bị về tâm lý”

Trở thành nhất thế giới, thành cường quốc số một - đó là mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Để phấn đấu vì mục tiêu ấy, cần có tinh thần hăng hái dạt dào. Nhất thế giới vốn là truyền thống của Trung Quốc; cường quốc số một vốn là lịch sử của Trung Quốc. Thế nhưng truyền thống tốt đẹp ấy của quốc gia và dân tộc này từng một thời bị bỏ mất. Sự mất mát ấy có nguyên nhân là người Trung Quốc “tập thể ngủ quên”. Chính như Tôn Trung Sơn năm 1924 từng nói, trong lịch sử cận đại, địa vị của Trung Quốc “tụt xuống ngàn trượng”, “trong đó “nguyên nhân lớn nhất” là trước kia đánh mất tinh thần dân tộc chẳng khác gì ngủ quên; hiện nay cần khôi phục tinh thần dân tộc thì phải đánh thức để tỉnh dậy”. Để con rồng lớn Trung Quốc thức tỉnh, cần tái lập chí hướng Trung Quốc thứ nhất, cần một lần nữa làm được Trung Quốc cống hiến thứ nhất, lần nữa làm hết trách nhiệm của Trung Quốc thứ nhất, lần nữa làm tròn giấc mơ Trung Quốc thứ nhất.

Một khi dân tộc Trung Quốc vĩ đại được “đánh thức dậy”, đồng thời với nhiệt tình tràn trề, chúng ta còn phải giữ được thái độ bình tĩnh và tỉnh táo. Dù trong cách mạng hoặc trong xây dựng, Trung Quốc chúng ta đều từng mắc “bệnh nhiệt tình” cấp tính, từng gặp trục trặc, từng bị thất bại lớn. Ngày nay, trong tình hình cả nước sục sôi, toàn dân nông nổi, thì việc giữ thái độ bĩnh tĩnh, dự trữ một ít tỉnh táo là điều đặc biệt bức thiết và quan trọng. Năm 2007 GDP Trung Quốc đã vượt nước Đức, chiếm vị trí thứ ba thế giới. Nhưng Trung Quốc có 1,3 tỷ dân, nước Đức có 80 triệu, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 2.604 đô-la Mỹ, của Đức là 40.162, bằng 15,4 lần Trung Quốc. Cách biệt còn lớn lắm. Trung Quốc cần có tinh thần hưng phấn đuổi và vượt, cũng vậy, cần có lý trí và tỉnh táo cao độ.