Giấc mơ Trung Quốc - Chương 02 - Phần 01

Chương II: ĐỌ SỨC THẾ KỶ: CUỘC CHIẾN GIÀNH GIẬT “QUỐC GIA QUÁN QUÂN” GIỮA TRUNG QUỐC VỚI MỸ

Quốc gia quán quân là quốc gia giàu mạnh nhất xuất hiện trong quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu kể từ sau khi hình thành hệ thống thế giới cận đại, là quốc gia dẫn đầu thế giới trong một thời gian, là quốc gia in dấu ấn sâu đậm trên toàn thế giới, là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

I. Đổi ngôi Quán quân: 100 năm quay một vòng

Sự xuất hiện và thay thế quốc gia quán quân có đặc điểm và quy luật của nó. Quốc gia quán quân khác loại hình thì có những bộ mặt khác nhau. Địa vị và tác dụng của quốc gia quán quân thể hiện ở giá trị của nó đối với thế giới. Đại diện điển hình các quốc gia quán quân xuất hiện trên thế giới cận đại trong 500 năm qua là Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI, Hà Lan ở thế kỷ XVII, Anh Quốc ở thế kỷ XVIII và XIX, nước Mỹ thế kỷ XX. Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia quán quân ở thế kỷ XXI.

Động lực của nước lớn trỗi dậy

Động lực chủ yếu làm cho thế giới phát triển tiến lên là sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Nếu nói rằng động lực phát triển trong nội bộ một nước là sự cạnh tranh giữa các giai cấp, tập đoàn, tầng lớp, thì sau khi hình thành hệ thống quốc tế, sự cạnh tranh giữa các quốc gia chính là động lực phát triển thế giới, là động lực nước lớn trỗi dậy.

Giáo sư Joseph Nye ở Học viện chính trị Kennedy thuộc Đại học Harvard từng nói: “Một số sử gia cho rằng giữa các quốc gia châu Âu có sự cạnh tranh, đúng là điều này đã làm cho các quốc gia đó luôn luôn tự phát triển. Tại châu Á, Trung Quốc có địa vị chủ đạo, không nước nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc, vả lại trên vấn đề đối phó với sự xâm lược của các quốc gia phương Bắc, Trung Quốc chỉ giải quyết nội bộ, vì thế họ không có động lực bành trướng lãnh thổ”. “Không nghi ngờ gì nữa, cách đây 1.500 năm Trung Quốc là nước siêu lớn ở Đông Á. Hồi đó người châu Âu bắt đầu thám hiểm hàng hải, còn người Trung Quốc thì giảm hoạt động này. Bởi vậy bạn sẽ thấy đa số các nước lớn bành trướng sức mạnh tới mấy châu lục đều bắt nguồn từ châu Âu”.

Theo quan điểm của Nye, sở dĩ thế giới phương Tây phát triển nhanh đó là do giữa các quốc gia phương Tây có sự cạnh tranh kịch liệt. Sự cạnh tranh gay gắt ấy giữa các quốc gia đem lại động lực và sức sống cho thế giới phương Tây. Nhưng trong thời kỳ cận đại sở dĩ phương Đông phát triển chậm, thậm chí trì trệ không tiến lên, đó là do chưa hình thành sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Trên thế giới ngày nay, số lượng quốc gia tham gia cạnh tranh tăng lên rất nhiều so với ngày trước. Trong thế kỷ XX, số lượng quốc gia có chủ quyền hợp pháp và giành được sự độc lập chính trị tăng lên một cách ổn định: thập niên 30 thế kỷ XX chỉ có khoảng 60 nước, đến cuối thế kỷ XX có chừng 190 nước. Đến tháng 9 năm 2002 số nước thành viên Liên Hợp Quốc lên tới 191 nước. Theo các tài liệu liên quan, tính đến năm 2008 trên thế giới tổng cộng có 225 quốc gia và lãnh thổ, gồm 194 quốc gia và 31 lãnh thổ. Thế giới đang phát triển và tiến bộ trong sự cạnh tranh và ganh đua giữa các quốc gia. Sức sống, động lực, sức sáng tạo của cộng đồng quốc tế bắt nguồn từ động lực thúc đẩy của sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Cạnh tranh giữa các quốc gia, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, là động lực lớn nhất làm cho thế giới tiến lên.

Có thể chia mục tiêu sự cạnh tranh giữa các quốc gia làm mục tiêu thấp nhất và mục tiêu cao nhất. Nhà lý luận quan hệ quốc tế nổi tiếng người Mỹ Kenneth Neal Waltz cho rằng quốc gia là “thể hành vi tương đồng coi sự tự bảo tồn mình là mục tiêu thấp nhất, coi tranh giành quyền dẫn dắt thế giới là mục tiêu cao nhất”. Mục tiêu thấp nhất của cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia là sự sinh tồn tự thân của quốc gia. Mục tiêu cao nhất của cuộc cạnh tranh này là trở thành quốc gia quán quân của thế giới, là giành lấy quyền dẫn dắt thế giới. Trở thành nhất thế giới, thành quốc gia quán quân là mục tiêu cao nhất và mức phấn đấu cao nhất của cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia.

Cuộc vật lộn, phấn đấu, cạnh tranh của quốc gia trên vũ đài thế giới gồm bốn tầng nấc:

1. An ninh: An ninh là mục tiêu chiến lược cơ bản nhất, cũng là quan trọng nhất. Lịch sử phát triển và thế giới tiến bộ đến như ngày nay, tuyệt đại đa số lợi ích an toàn của các quốc gia dân tộc có được sự bảo đảm. Hiện nay 194 quốc gia trên thế giới về cơ bản không tồn tại nguy hiểm bị chinh phục và tiêu vong, chủ quyền quốc gia của họ trên cơ bản là an toàn. Chỉ có mười mấy nước bị chiến tranh đe dọa và gây nhiễu.

2. Phát triển: Tuy thế giới tiến sang thời đại hòa bình và phát triển đã được nhiều năm nay, song số quốc gia thực sự có thể thực hiện phát triển tương đối lớn và nhanh thì chưa chiếm đa số. Cộng tất cả các nước phát triển và nước mới công nghiệp hóa cũng chẳng qua được 40 - 50 nước, chiếm chứng 1/4 tổng số quốc gia trên thế giới.

3. Trỗi dậy: Trong nhóm nước đang phát triển, các nước trỗi dậy là những nước có thể ảnh hưởng tới tình hình thế giới. Xưa nay không tồn tại và xuất hiện nhiều những nước như vậy. Trên thế giới 500 năm gần đây chỉ khoảng mười mấy nước có thể trỗi dậy. Hiện nay số nước có cơ hội, có điều kiện trỗi dậy trở thành cường quốc thế giới cũng chỉ là mấy nước đó.

4. Quốc gia quán quân: Đây là những quốc gia ở tầng cao tột cùng. Thông thường khoảng 100 năm mới xuất hiện một quốc gia quán quân. Tuy thế, trên thế giới cận đại 500 năm nay trước sau từng có 7 - 8 quốc gia tranh giành ngôi báu quốc gia quán quân, nhưng cũng chỉ mấy quốc gia đó thực sự tiến lên địa vị quốc gia quán quân. Một quốc gia muốn trở thành quốc gia quán quân trên thế giới tất phải là quốc gia trỗi dậy, nhưng quốc gia trỗi dậy không nhất định đều trở thành quốc gia quán quân. Từ một quốc gia sinh tồn, quốc gia đang phát triển, quốc gia đang trỗi dậy cho tới quốc gia quán quân là cả một quá trình phấn đấu thần kỳ.

Thay đổi quốc gia quán quân: sự thể hiện tập trung sức sống của thế giới

Khi các quốc gia cạnh tranh với nhau thì sẽ có quốc gia đào thải hoặc chiến thắng. Sự sa sút của quốc gia quán quân cũ, sự trỗi dậy của quốc gia quán quân mới và sự đổi vị trí giữa các nước đó thể hiện sức sống tiến bộ và phát triển của thế giới này. Sự ra đời của mỗi quốc gia quán quân mới cũng đánh dấu một lần nhảy vọt và tiến bộ có tính lịch sử của thế giới.

Trong phần mở đầu sách “Ngoại giao lớn”, Kissinger viết: “Tựa như tồn tại một quy luật tự nhiên nào đó, mỗi thế kỷ đều có một nước lớn trỗi dậy, họ có sức mạnh, có ý chí, có sự khích lệ về trí thức và đạo đức, dựa vào giá trị của mình xây dựng lại toàn bộ hệ thống quốc tế”.

Thực ra từ hai nghìn năm trước, sử gia vĩ đại cổ Hy Lạp Herodotus căn cứ quá trình lịch sử thăng trầm của các thành bang Hy Lạp đã đưa ra một luận đoán nổi tiếng: sự suy vong của đô thị phồn hoa và sự trỗi dậy của đô thị nhược tiểu đã hùng hồn nói lên một kết luận: xưa nay tình hình tốt đẹp không bao giờ lâu dài. Điều này trên thực tế vạch ra quy luật phát triển không cân bằng trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, cũng là luật chu kỳ bá quyền: không thể nào bao giờ “phong cảnh bên này duy nhất tốt đẹp”. Quốc gia quán quân sẽ phải bị thay thế, không thể bị một quốc gia độc quyền lâu dài.

Hồi thập niên 80 thế kỷ XX, nhà chính trị học quốc tế nổi tiếng người Mỹ George Modelski từng đưa ra lý thuyết “chu kỳ trăm năm” thay thế quốc gia bá quyền, cũng có thể gọi đó là lý thuyết chu kỳ trăm năm về “quyền lãnh đạo thế giới”. Ông chia nền chính trị quốc tế 500 năm qua làm năm chu kỳ có tính thế kỷ (1495 - 2030), cứ cách khoảng 100 năm lại có một nước lớn trỗi dậy, lại xuất hiện một quốc gia bá quyền dẫn đầu hệ thống thế giới. Trong thời gian 500 năm ấy đã lần lượt xuất hiện các quốc gia bá quyền: Bồ Đào Nha thế kỷ XVI, Hà Lan thế kỷ XVII, Anh Quốc thế kỷ XVIII-XIX, Mỹ thế kỷ XX.

Dù là chu kỳ trăm năm “quốc gia bá quyền” hay là chu kỳ trăm năm “quyền lãnh đạo thế giới”, điều đó nói lên trong quá trình rượt đuổi nhau cạnh tranh giữa các quốc gia, chưa có quốc gia quán quân vĩnh viễn. Nhiệm kỳ của quốc gia quán quân, tức là “nhiệm kỳ thế kỷ”, “nhiệm kỳ trăm năm”. Người ta thường nói “thế kỷ Hà Lan”, “thế kỷ Anh Quốc”, “thế kỷ Mỹ”, nhiệm kỳ quán quân của các quốc gia quán quân này là một thế kỷ. Chế độ nhiệm kỳ hình thành tự nhiên của quốc gia quán quân là điều tốt đối với thế giới. Dù là muốn giữ vị trí quán quân hay là muốn tiến lên quán quân, họ đều mang lại cho thế giới sức sống và động lực phát triển. Sự thay thế quốc gia quán quân thể hiện trình độ vận động tổng thể của thế giới được nâng cao. Thí dụ sự xuất hiện nước Anh đem lại cho thế giới tin mừng công nghiệp hóa; nước Mỹ tiến lên vị trí quốc gia quán quân mang lại sự thay đổi mới cho thế giới; quốc gia quán quân mới xuất hiện sau Mỹ nhất định sẽ đem lại cho thế giới một cục diện mới.

Ba bộ mặt của “quốc gia quán quân”

Đại để có thể chia quốc gia quán quân thế giới ra làm ba kiểu loại.

Kiểu thực dân

Quốc gia quán quân “kiểu thực dân” là quốc gia thực hành “chủ nghĩa đế quốc thực dân”; các nước này thông qua sự chiếm đóng quân sự mà tiến hành trực tiếp thống trị, biến các nước yếu thành thuộc địa của mình, xây dựng đại đế quốc thực dân. Mấy nước lớn trỗi dậy thời kỳ đầu đều thuộc loại quốc gia quán quân “kiểu thực dân”, gồm có Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh. Dựa vào logic kẻ cướp “phát hiện thì chiếm lĩnh”, họ thực hành sự xâm chiếm bằng vũ lực, xây dựng nên những đế quốc thực dân khổng lồ.

Năm 1549, các thuộc địa ở châu Mỹ của Tây Ban Nha chiều Bắc Nam dài tổng cộng tới hơn 10 nghìn kilômet, trải rộng trên 67 độ kinh, tổng diện tích lên tới 25 triệu kilômet vuông.

Hà Lan thế kỷ XVII không những là một nước lớn về thương mại mà còn là một cường quốc thực dân. Hoạt động thực dân của Hà Lan chủ yếu tiến hành thông qua hai công ty Đông và Tây Ấn Độ[1]. Phạm vi thực dân của công ty Đông Ấn chủ yếu ở châu Á. Phạm vi thực dân của công ty Tây Ấn là ở châu Phi và châu Mỹ. Diện tích các thuộc địa do hai công ty này xây dựng ở hải ngoại lớn gấp 60 lần chính quốc Hà Lan.

[1] Công ty Ấn Độ Đông và Tây: ở đây tác giả muốn nói về công ty Ấn Độ Đông và Tây của Hà Lan (xin chớ nhầm với công ty Ấn Độ của Anh). Công ty Ấn Độ Đông của Hà Lan, tên tiếng Anh Dutch East India Company (tên đầy đủ là Dutch United East India Com.), tiếng Hà Lan Vereenig de Oostindische Compagnie, viết tắt VOC, lập 1602, giải tán 1799, là công ty tư nhân lớn nhất thế giới đương thời, có tính chất một nhà nước. Công ty có quân đội riêng gồm 10 nghìn lính đánh thuê, đội thương thuyền vũ trang 150 tàu, đội chiến thuyền 40 tàu, có cả nhà máy đóng tàu; cổ tức của công ty cao tới 40%. Công ty này năm 1624 phát hiện và lập thương cảng tại Mỹ, đặt tên là New Amsterdam, 1664 Anh chiếm quyền kiểm soát cảng này và đặt tên là New York. Công ty Ấn Độ Tây của Hà Lan (Dutch West India Com. Lập 1621, là 1 chi nhánh của Công ty Ấn Độ Đông) là công ty tư nhân mạnh nhất, hiệu quả nhất thế giới xưa nay (hơn cả Microsoft, IBM, GM thời nay) lợi nhuận cao tới 200-300% (ngày nay công ty có lợi nhuận cao nhất là 20-30%).

Anh Quốc là “đế quốc thực dân” với mục tiêu là chiếm lĩnh thế giới trong thời kỳ bành trướng tư bản. Các thuộc địa bị Đại Anh đế quốc xâm chiếm rộng tới hơn 30 triệu kilômet vuông, lớn gấp hơn 100 lần diện tích chính quốc, chiếm chừng 1/4 diện tích toàn bộ lục địa trên trái đất, số dân gần 400 triệu, gấp 9 lần số dân chính quốc. Trong 50 năm từ 1815 -1865, nước Anh đã tiến hành mở rộng và khai triển các thuộc địa của họ trên phạm vi thế giới với tốc độ bình quân mỗi năm 100 nghìn kilômet vuông, xây dựng nên một “đế quốc Mặt Trời không lặn”, cũng xây dựng một hệ thống thương mại quốc tế phục vụ lợi ích của “đế quốc Mặt Trời không lặn” này. Các thuộc địa đó một mặt cung cấp nhiều nguyên liệu quý cho nước Anh, mặt khác cũng cung cấp kênh tiêu thụ ở nước ngoài cho các sản phẩm do nước Anh chế tạo. Tại nước Anh dần dần hình thành một “tam giác lành tính” gồm thuộc địa hải ngoại, thương mại quốc tế, và lực lượng hải quân hùng mạnh. Nước Anh trở thành một thế giới thuộc địa, thế giới buôn bán. Anh Quốc dùng hạm đội để hộ tống tàu buôn và kiểm soát thế giới. Năm 1865 nhà kinh tế Anh W. Stanley Jevons mô tả: “Những đồng bằng ở Bắc Mỹ và nước Nga là nơi trồng ngô của chúng ta, Canada và biển Baltic là khu rừng của chúng ta, châu Úc có những bãi chăn gia súc của chúng ta; Peru cho chúng ta bạc trắng, vàng của Nam Phi và Australia chảy về London; người Ấn Độ và người Trung Quốc trồng trà cho chúng ta; cà phê, mía và hương liệu của chúng ta trồng khắp quần đảo Đông Ấn Độ. Bông của chúng ta lâu nay trồng tại miền Nam nước Mỹ, hiện nay đang mở rộng đến tất cả mọi vùng ấm áp trên trái đất”.

Kiểu bá quyền

Quốc gia quán quân “kiểu bá quyền” là quốc gia không coi chiếm đất và thôn tính đất đai nước khác là mục tiêu, mà thông qua sự dẫn dắt và kiểm soát thế giới để thực hiện lợi ích bá quyền của mình. Nếu nói quốc gia quán quân “kiểu thực dân” thuộc loại “kẻ cướp dã man” thế thì quốc gia quán quân “kiểu bá quyền” thuộc loại “kẻ cướp văn minh”. Hai kẻ cướp ấy tuy có khác nhau nhưng đều thuộc hàng kẻ cướp. Nước Mỹ là một tiêu bản của quốc gia quán quân “kiểu bá quyền”. Chuyên gia lịch sử ngoại giao Mỹ Khổng Hoa Nhuận[2] viết trong “Lịch sử mối quan hệ đối ngoại Mỹ Cambridge” như sau: “Từ năm 1776 trở đi người Mỹ luôn luôn xây dựng một bộ chế độ của mình nhằm thích ứng với nhu cầu tự thân không ngừng biến đổi của họ. Đúng thế, họ tranh giành quyền lực thế giới với người châu Âu. Chẳng khác gì người châu Âu, họ không thắng nổi tham vọng giành quyền lực thế giới, thậm chí cả sự thối nát của quyền lực đó. Đó cũng là sự thực. Người Philippines, người Cuba, người Trung Quốc và người Trung Mỹ có đầy đủ lý do để cho rằng Mỹ chẳng khác gì các nước đế quốc khác, đây cũng là sự thực.

[2] Khổng Hoa Nhuận: tên chữ Hán của Warren Cohen, người Mỹ, tác giả cuốn The Cambridge History of American Foreign Relations.

Thế nhưng khác với các nước lớn khác, nước Mỹ có một đại lục lớn để sinh sôi nẩy nở và khai thác, nó không vì thừa dân mà khát khao chiếm thuộc địa, cũng không vì thiếu nguyên vật liệu mà thèm khát có những lãnh địa bảo hộ rộng lớn, đồng thời cũng không cần (như nước Nga) khát khao chiếm lĩnh những vùng đất rộng để làm đường đi tới các cảng biển mới xây dựng nhằm tạo dựng một hệ thống vận chuyển quan trọng”. “Nước Mỹ không muốn tham gia hàng ngũ của người châu Âu và người Nhật Bản tìm kiếm lãnh thổ và trở thành đế quốc thực dân. Các quan chức Mỹ chỉ muốn giành được những mảnh đất phân tán, diện tích tương đối nhỏ để dùng làm cơ sở bành trướng thương mại cần thiết. Khi sáng tạo và đánh giá thành tích công nghiệp, người Mỹ cũng không muốn bắt chước người châu Âu, không muốn dùng tiêu chuẩn của người châu Âu hoặc người Nhật... Xét về mặt sáng tạo cái mới và xây dựng quy chế, những người lãnh đạo tổ hợp công ty kiểu Mỹ vượt xa các đối thủ nước ngoài. Mối quan hệ giữa các tổ hợp đó với chính quyền và các yêu cầu chính sách ngoại giao họ nêu ra với các quan chức nhà nước cũng khác hẳn các đối thủ của họ”. “Nghe nói nước Mỹ là quốc gia dân tộc đầu tiên của thế kỷ XX. Đổi mới khoa học, dây chuyền công nghiệp hợp lý hóa và toàn cầu hóa, công ty đa quốc gia, quyền lực chính trị tập quyền hóa với cơ sở là hệ thống thông tin hiện đại, chủ nghĩa can thiệp quân sự, chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt, chủ nghĩa chủng tộc cực đoan và cuộc cách mạng có ý nghĩa sâu xa - tất cả những cái đó đã cùng tạo dựng nên tiến trình phát triển của thế kỷ XX”. Đoạn viết nói trên đã trình bày các đặc điểm nước Mỹ không dùng thủ đoạn thực dân để tạo dựng bá quyền.

Cho dù trong thời đại chiến tranh và cách mạng hay là trong thời đại hòa bình và phát triển, nước Mỹ bao giờ cũng là một “đế quốc bá quyền” lấy việc kiểm soát thế giới làm mục tiêu. Bá quyền Mỹ thể hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa.

Sau Đại chiến thế giới lần II, nước Mỹ xuất hiện với tư cách lãnh tụ chống chiến tranh phát xít của thế giới, có cái vốn chính trị to lớn, chủ đạo việc cấu trúc và xây dựng cơ chế quốc tế: xây dựng cơ chế an ninh tập thể của Liên Hợp Quốc, xác lập địa vị chủ đạo trong nền chính trị quốc tế, xây dựng Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, xác lập hệ thống tài chính thế giới lấy đồng USD làm hạt nhân; xây dựng hệ thống thương mại tự do quốc tế lấy cơ sở là hiệp định thuế quan thương mại; thực hành chiến lược ngăn chặn, đề xuất chủ nghĩa Truman, kế hoạch Marshall, xây dựng Tổ chức Công ước Đại Tây Dương NATO.

Mỹ là nước đề xướng, kiến tạo Liên Hợp Quốc và là nhà tài trợ lớn nhất cho Liên Hợp Quốc, cũng là nước hưởng lợi lớn nhất từ Liên Hợp Quốc. Mỹ luôn luôn thông qua việc thực hành bá quyền chế độ và bá quyền quyền lực để thực hiện lợi ích quốc gia của họ. Mỹ từng gọi Liên Hợp Quốc là “chính trị bạo tàn của đa số” và dựa theo nguyên tắc nước lớn nhất trí để thiết kế, xây dựng, lãnh đạo và kiểm soát tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới này - Liên Hợp Quốc. Trong các hoạt động thời kỳ đầu của Liên Hợp Quốc, Mỹ kiểm soát và chi phối đa số ổn định trong Liên Hợp Quốc, thông qua cỗ máy biểu quyết này biến ý chí và nguyện vọng của họ thành hành động. Trong thời gian 1946 - 1953, đại hội Liên Hợp Quốc thông qua hơn 800 nghị quyết, tỷ lệ thành công của Mỹ là 97%, bất kỳ vấn đề an ninh quan trọng nào có liên quan tới Mỹ đều chưa bị thất bại. Mỹ còn là nước ủng hộ và lập nên nhiều tổ chức có tính khu vực. Cái gọi là nguyên tắc nước lớn nhất trí, thực chất là nguyên tắc nhất trí với Mỹ.

Tổng giá trị sản lượng công nghiệp của Mỹ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của toàn thế giới; Mỹ cho quân đội đến đóng tại 50 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Nước Mỹ dùng phương thức của họ để chủ đạo trật tự quốc tế. Mỹ và Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ với nội dung là tranh giành bá quyền thế giới. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, cuối cùng Mỹ xác lập được địa vị bá quyền của mình, hơn nữa còn thực hành chủ nghĩa đơn phương, liên tục nhiều lần phát động chiến tranh, khoe khoang vũ lực trước toàn thế giới.

Một biểu hiện quan trọng của bá quyền Mỹ là muốn dùng mô hình Mỹ để cải tạo thế giới, muốn mở rộng dân chủ kiểu Mỹ trên toàn thế giới, muốn tiến hành Mỹ hóa toàn thế giới. Đây là sự mất dân chủ lớn nhất của bá quyền Mỹ trong mối quan hệ quốc tế, là sự chuyên chế và độc tài của bá quyền Mỹ.

Kiểu dẫn dắt

Quốc gia quán quân “kiểu dẫn dắt” là loại quốc gia quán quân không dùng thủ đoạn chinh phục để xây dựng nền văn minh, không thông qua bá quyền thế giới và phương pháp chinh phục để thực hiện lợi ích quốc gia của mình. Hiện nay Trung Quốc còn chưa phải là quốc gia quán quân, song Trung Quốc - quốc gia quán quân tương lai này khẳng định sẽ là một quốc gia quán quân “kiểu dẫn dắt”.

Sử gia nổi tiếng người Mỹ Brooks Adams cho rằng các nền văn minh vĩ đại đều được xây dựng bằng phương pháp chinh phục, trung tâm cổ xúy văn minh thế giới chính là Mỹ chứ không phải ai khác, Mỹ nên nắm cơ hội để bành trướng ra bên ngoài, nhất là bành trướng về phía châu Á và vùng Thái Bình Dương, thực hiện ưu thế kinh tế của Mỹ trong phạm vi thế giới. Trên thực tế đây là một “Thuyết bành trướng có lý”, “Thuyết chinh phục có lý”, “Thuyết bá quyền có lý”. Trước hết, nền văn minh chủ nghĩa tư bản phương Tây được tạo dựng bằng phương pháp chinh phục, nhưng điều này không thể chứng minh tất cả mọi nền văn minh vĩ đại xưa nay đều được xây dựng bằng phương pháp chinh phục. Nền văn minh Trung Hoa được xây dựng không phải bằng phương pháp chinh phục. Thứ hai, nếu nói các nền văn minh vĩ đại đều được xây dựng bằng phương pháp chinh phục, thế thì phương pháp chinh phục cũng trở thành thứ cùng tồn vong với nền văn minh, không có chinh phục thì không có văn minh, không cần chinh phục là không cần văn minh, chinh phục cũng trở thành một phần của văn minh. Điều này rất rõ ràng là thứ logic của kẻ cướp. Thứ ba, một số nền văn minh vĩ đại trong quá khứ được xây dựng bằng phương pháp chinh phục, điều đó không có nghĩa là các nền văn minh sau này cũng đều phải được xây dựng bằng phương pháp chinh phục. Nền văn minh trong tương lai sẽ là nền văn minh không cần dùng phương pháp chinh phục để tạo dựng. Trung Quốc sẽ sáng tạo một kiểu nền văn minh có tính phi chinh phục. Chừng nào nền văn minh của nhân loại còn cần thông qua chinh phục để tạo dựng nên thì loại văn minh ấy là nền văn minh làm bạn với dã man, không phải là nền văn minh thực sự cao cấp. Dùng phương pháp phi chinh phục để sáng tạo một loại văn minh phi chinh phục - đó là trách nhiệm của Trung Quốc, là yêu cầu mà tiến trình phát triển văn minh thế giới và những người yêu chuộng hòa bình, phát triển và văn minh trên thế giới đặt ra với Trung Quốc, là cống hiến mà người Trung Quốc cần đóng góp cho văn minh thế giới. Cũng chỉ có truyền thống văn minh Trung Quốc và nền tảng văn minh Trung Quốc mới có thể gánh vác nổi nhiệm vụ nặng nề nâng cấp đổi đời văn minh thế giới như vậy.

Những quốc gia quán quân trước nước Mỹ (kể cả Mỹ), không nước nào không có tính hai mang: một mặt thuộc vào quốc gia quán quân dẫn đầu ngọn trào phát triển thế giới và có quốc lực tổng hợp thứ nhất, mặt khác lại là quốc gia bá quyền sử dụng thủ đoạn chiếm lĩnh và chinh phục để thống trị hoặc kiểm soát người khác, xưng bá thế giới, áp chế những người bất đồng chính kiến. Nhưng quốc gia nhất thế giới mà Trung Quốc cần theo đuổi, quốc gia quán quân mà Trung Quốc cần tranh thủ trở thành lại là một loại quốc gia quán quân kiểu hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Brzezinski từng nói: “Xét về lâu dài, nền chính trị toàn cầu nhất định sẽ trở nên ngày càng không tương thích với tình trạng một quốc gia độc đoán nắm sức mạnh bá quyền. Cho nên nước Mỹ không những là siêu cường thực sự có tính toàn cầu đầu tiên và duy nhất, mà rất có thể cũng là siêu cường cuối cùng”. Nhìn từ xu thế phát triển của cộng đồng xã hội và thế giới loài người cũng thấy nước Mỹ sẽ là quốc gia bá quyền cuối cùng trên trái đất này, thế giới sau đây sẽ không thể xuất hiện một quốc gia bá quyền mới. Trong cuộc đua phát triển tiến bộ quốc gia hết vòng này đến vòng khác, bao giờ cũng sẽ xuất hiện tân quốc gia quán quân dẫn đầu thế giới, đã không thể không có quốc gia quán quân, cũng chẳng thể có tình trạng một quốc gia mãi mãi độc quyền chiếm ngôi quán quân. Cho nên sự chấm dứt quốc gia bá quyền không đồng nghĩa với sự chấm dứt quốc gia quán quân. Trung Quốc không làm quốc gia bá quyền, điều đó không có nghĩa là không làm quốc gia quán quân. Xét từ góc độ thế giới, quốc gia quán quân kiểu thực dân đã kết thúc từ lâu, quốc gia quán quân kiểu bá quyền cũng sẽ chấm dứt, nhưng quốc gia quán quân kiểu thứ ba, tức quốc gia quán quân kiểu dẫn dắt của Trung Quốc, là quốc gia quán quân kiểu mới, tính chất căn bản của nó không phải là tranh bá thế giới và xưng bá thế giới, mà là tranh thủ tiến lên phía trước và dẫn đầu thế giới.

Giá trị của “quốc gia quán quân”

Dù ở thời đại nào, dù là quốc gia quán quân kiểu loại nào, các quốc gia quán quân đều có những đóng góp trên nhiều mặt cho lịch sử. Quốc gia quán quân có bảy giá trị như sau: Thúc đẩy nền văn minh có bước tiến mới

Trong lịch sử thế giới cận đại, mỗi lần xuất hiện một tân quốc gia quán quân bao giờ cũng đem lại cho thế giới một làn gió mới, thúc đẩy xã hội loài người tiến sang một giai đoạn lịch sử mới, mang lại cho nền văn minh trái đất một đợt khai hóa và tiến hóa, đem lại tin tốt lành cho loài người. Tuy rằng quốc gia quán quân kiểu thực dân và quốc gia quán quân kiểu bá quyền cũng đem lại tai nạn và bất hạnh cho cộng đồng quốc tế, nhưng không thể vì thế mà phủ định công trạng mà các quốc gia đó đóng góp cho việc xây dựng cộng đồng quốc tế.

Khi đóng góp của một quốc gia đối với thế giới không thể tiếp tục xếp hạng thứ nhất thế giới thì quốc gia đó cũng không thể tiếp tục duy trì vị trí quốc gia quán quân thế giới, nó phải nhường chiếc mũ quốc gia quán quân cho nước khác, tuy rằng có khi sự chuyển tiếp quốc gia quán quân cũ mới phải thực hiện bằng chiến tranh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3