Giấc mơ Trung Quốc - Chương 02 - Phần 02

Mở ra một thời đại lịch sử mới

Thế giới cận đại từng trải qua mấy thời đại kích động lòng người, như “thời đại hàng hải lớn”, “thời đại công nghiệp hóa”, “thời đại tin học hóa”. Sự khai mở các thời đại ấy đều gắn chặt với tên các quốc gia quán quân đó. Mỗi một quốc gia quán quân đều đã khai mở và cống hiến cho thế giới một “thời đại”.

Bồ Đào Nha và Hà Lan đều sáng tạo và cống hiến cho nhân loại một thời đại “hàng hải lớn”, một thời đại “phát hiện lớn về địa lý”. Nó làm cho lịch sử loài người thực sự trở thành lịch sử thế giới, mở rộng vũ đài hoạt động của nhân loại tới toàn bộ thế giới, cuộc cạnh tranh tiến hành giữa các quốc gia trên phạm vi thế giới đã mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình lịch sử nhân loại.

Thời đại công nghiệp hóa thế giới là do nước Anh mở ra. Ngày 1 tháng 5 năm 1851, Hội chợ quốc tế đầu tiên khai mạc tại nước Anh, Hội chợ này đã thể hiện trước thế giới sự phồn vinh và giàu có của nước Anh. Trước nước Anh, trên thế giới từng xuất hiện những cường quốc, nước lớn, nước giàu, nhưng chưa từng có một quốc gia như nước Anh, nhờ khai sáng một nền văn minh công nghiệp mà làm cho đất nước mình giàu mạnh tới trình độ như vậy, đến mức thực lực của nước Anh ngang bằng với thực lực của tất cả các quốc gia khác. Nước Anh thời đại công nghiệp hóa dẫn dắt trào lưu thế giới, khiến cho toàn thế giới đều đi lên con đường cách mạng công nghiệp. Trong lịch sử nhân loại, nước Anh đầu tiên chuyển biến từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. Đây là nước công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Sức mạnh công nghiệp của nước Anh tương đương với tổng sức mạnh công nghiệp của các nước khác trên thế giới. Năm 1860, số dân nước Anh chỉ chiếm 2% tổng số dân toàn thế giới, 10% tổng số dân châu Âu, thế mà sản phẩm công nghiệp do Anh sản xuất lại chiếm 40 - 50% tổng sản lượng toàn thế giới và 55 - 65% tổng sản lượng của châu Âu. Nước Anh thời đại công nghiệp hóa là nhà máy của thế giới; đó là cơ sở vật chất để nước Anh dẫn đầu thế giới, xưng bá thế giới và cống hiến cho thế giới.

Mỹ trở thành quốc gia quán quân cũng là do nước này có cống hiến mang tính khai sáng kỷ nguyên mới của thế giới. Marx từng hết lời ca ngợi nước Mỹ là “Nơi trước nhất sinh ra tư tưởng nước cộng hòa dân chủ vĩ đại”, ca ngợi bản “Tuyên ngôn Độc lập” do các thuộc địa ở Bắc Mỹ công bố năm 1776 là “Tuyên ngôn đầu tiên về quyền con người”. Marx còn đánh giá cao bản “Tuyên ngôn Giải phóng” của Mỹ năm 1863. Ông từng thay mặt Quốc tế I gửi lời chúc mừng chan chứa nhiệt tình: “Công nhân châu Âu tin chắc là, cũng như cuộc chiến tranh Độc lập của Mỹ đã mở ra kỷ nguyên mới giai cấp tư sản giành thắng lợi, cuộc chiến tranh chống chế độ nô lệ của Mỹ sẽ mở ra kỷ nguyên mới giai cấp công nhân giành thắng lợi. Họ tin rằng cuộc chiến đấu chưa từng có trong lịch sử do người con trung thành của giai cấp công nhân Abraham Lincoln[3] lãnh đạo đất nước mình tiến hành nhằm giải phóng các chủng tộc bị nô dịch và cải tạo chế độ xã hội là tiếng nói mở đầu của một thời đại sắp tới”.

[3] Abraham Lincoln: 1809-1865, Tổng thống Mỹ thứ 16 (1861-1865), người đảng Cộng hòa, từng làm luật sư, hạ nghị sĩ, sau khi nhậm chức Tổng thống thì nước Mỹ nổ ra nội chiến (1861), ông đã áp dụng các biện pháp cách mạng, như ra Tuyên ngôn Giải phóng, năm 1863 chính thức xóa bỏ ché độ nô lệ; sau nội chiến bị ám sát chết. Là một trong số các Tổng thống Mỹ được yêu thích nhất.

Với việc mở ra thời đại tin học hóa, nước Mỹ cũng đi ở hàng đầu thế giới, có cống hiến hàng đầu. Năm 1992, sau khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông Clinton đã áp dụng chiến lược phát triển về sau được gọi là “kinh tế học Clinton”, trong đó có một biện pháp chiến lược quan trọng là đẩy mạnh chính sách sản nghiệp công nghệ, tận dụng ưu thế lực lượng mạnh về nhân tài và khoa học kỹ thuật của nước Mỹ, dẫn đầu trào lưu mới phát triển công nghệ điện tử, công nghệ tin học của thế giới. Điều đó chẳng những tăng được sức cạnh tranh toàn cầu cho các sản phẩm của Mỹ, khiến cho nước Mỹ phát huy được tác dụng dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử - tin học góp phần làm kinh tế thế giới tăng trưởng trong thế kỷ XXI, hơn nữa còn kéo cả thế giới tiến sang thời đại tin học hóa. Xây dựng trật tự mới cho thế giới

Quốc gia quán quân là nhà thiết kế thế giới. Công việc thiết kế ấy gồm có: hình thành một cục diện quốc tế mới, xác lập một bộ chuẩn tắc quốc tế mới, sáng lập một bộ quy chế quốc tế mới, xây dựng một trật tự quốc tế mới, cấu trúc một hệ thống quốc tế mới, v.v.

Chuyên gia lịch sử ngoại giao Mỹ Warren Cohen từng nói: Khi tham gia cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II, người Mỹ đã bắt đầu tiến hành thiết kế tổng thể thế giới sau chiến tranh. “Nếu nói bản thân Tổng thống quá quan tâm tới các vấn đề quân sự và chiến lược mà không có thời gian suy nghĩ nhiều về hình thế thế giới sau chiến thắng, thế thì những người khác lại càng có nhiều thời gian lao vào công việc thiết kế thế giới sau chiến tranh. Trong đó, đáng chú ý nhất là các cố gắng của chính phủ Mỹ. Hầu như là cùng với với việc chiến tranh sắp nổ ra, người ta đã bắt đầu tổ chức các nhóm nghiên cứu và tiểu ban tư vấn nhằm vào các công việc của thế giới trong tương lai, người ta triệu tập các quan chức và nghị sĩ, nhà báo, học giả, sĩ quan, tức mọi nhân viên liên quan trong ngành để tiến hành nghiên cứu và bàn thảo rộng rãi về mọi công việc sau chiến tranh, trong đó có việc chiếm đóng các nước thù địch, điều chỉnh lãnh thổ, an ninh quốc tế và tái xây dựng mối quan hệ thương mại, v.v. Cho dù hồi ấy sự thảo luận của các tiểu ban nói trên còn chưa vượt quá sự trao đổi tin tức và quan điểm, nhưng đã xuất hiện một số quan niệm đặc biệt xác định. Một khi Washington bắt đầu tìm kiếm sự chỉ đạo cụ thể sau chiến tranh, các quan niệm đó sẽ lập tức trở thành một phần trong chính sách chính thức của nước Mỹ. Rất rõ ràng, các quan niệm ấy thuộc kiểu Wilson[4], hầu hết thành viên tham gia các nhóm nghiên cứu đều đồng ý rằng sau khi đánh bại các nước khối Trục thì bộ khung chủ yếu về giữ gìn trật tự và an ninh thế giới sẽ là phải khôi phục nguyên tắc hợp tác quốc tế chứ không phải là thế quân bình lỗi thời”. Sau Đại chiến thế giới lần thứ II, nước Mỹ bắt đầu thi công theo bản thiết kế của mình, cực lực tạo dựng một thế giới phù hợp yêu cầu lợi ích của nước Mỹ.

[4] Wilson: tức Thomas Woodrow Wilson, 1856-1924, Tổng thống Mỹ thứ 28 (1913-1921), người đảng Dân chủ, lãnh đạo nước Mỹ tham gia Thế chiến I (1917), đưa ra sáng kiến lập Hội Quốc Liên và cương lĩnh hòa bình 14 điểm, giải Nobel Hòa bình 1919 (xem chú thích 3 và 4 Chương III). “Quan niệm kiểu Wilson” ở đây tức quan niệm Mỹ phải từ bỏ chủ nghĩa biệt lập (có từ đời Washington) chuyển sang chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa lý tưởng, đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Vì thế tác giả ca ngợi Wilson muốn “cắm ngọn cờ Mỹ lên đỉnh cao văn hóa thế giới” (xem phần III chương III).

Bản thiết kế tổng thể thế giới của quốc gia quán quân được thực hiện qua việc thi công cấu trúc “hệ thống thế giới”. Hệ thống thế giới này chủ yếu gồm bốn cái có tính trụ cột: một là hệ thống kinh tế có tính thế giới; hai là hệ thống tư tưởng có tính thế giới; ba là hệ thống quân sự có tính thế giới; bốn là hệ thống quy tắc chế độ có tính thế giới.

Dẫn dắt trào lưu mới toàn cầu

Quốc gia quán quân là quốc gia hình mẫu của thế giới, quốc gia gương mẫu, là quốc gia đứng đầu thế giới. Quốc gia quán quân có khả năng nêu gương mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng, sức lây nhiễm mạnh mẽ. Quốc gia quán quân vừa là “quốc gia đặc sắc” độc đáo, lại vừa là quốc gia có giá trị bắt chước quốc tế, bao giờ cũng được một nhóm đông đảo quốc gia khác học tập và bắt chước. Bởi vậy, quốc gia quán quân “hóa” thế giới là hiện tượng tất nhiên.

Khi nước Anh hát vang bài ca khải hoàn trong cao trào công nghiệp hóa, ánh mắt của toàn thế giới đều tập trung nhìn vào họ. Các nước trên thế giới đều theo đuổi ngôi sao Anh Quốc. Sự xuất hiện quốc gia quán quân Anh đã làm cho khắp năm châu xuất hiện làn sóng “Anh Quốc hóa thế giới”. Công cuộc công nghiệp hóa của nước Anh đã tạo nên một đợt “Anh Quốc hóa” thế giới. Nước Anh dùng văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần để làm lễ rửa tội cho thế giới, mà thế giới cũng bằng lòng tiếp nhận tắm mình trong văn minh Anh Quốc.

Khi xuất hiện tân quốc gia quán quân là nước Mỹ, trên thế giới bèn xuất hiện làn sóng “Mỹ Quốc hóa thế giới”, thể hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Cùng với sự trỗi dậy của nước Mỹ, thế giới đều nhanh chóng “Mỹ hóa” trên các mặt văn hóa vật chất và văn hóa đại chúng. “Giấc mơ Mỹ” trở thành thứ người ta hướng tới, lối sống Mỹ trở thành thứ người ta theo đuổi một cách phổ biến. Ngay từ buổi giao thời giữa thế kỷ XIX với thế kỷ XX, các nhà quan sát nước ngoài đã bàn về ảnh hưởng phổ biến của hàng hóa Mỹ và lối sống Mỹ đối với toàn thế giới. Người Mỹ hưởng thụ tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới là đối tượng hâm mộ của khắp nơi trên thế giới, dường như người Mỹ đại diện cho sự phồn vinh vật chất, sự thoải mái dễ chịu và một lối sống thoát khỏi sự rối loạn của thế giới cũ. Trước Đại chiến II, hầu hết các nước còn chưa có những sản phẩm hiện đại hóa như đồ điện, xe hơi, điện thoại - là những thứ vật phẩm đã trở thành cực kỳ phổ cập tại nước Mỹ. Điều đáng chú ý là hiện tượng đó trở nên nổi bật hơn từ sau năm 1919, hơn nữa do địa vị châu Âu bị suy thoái, tư tưởng “phương Tây suy thoái” trở nên phổ biến, do bị chiến tranh phá hoại và do một số nước châu Âu đuổi theo Mỹ về công nghiệp và thương mại, châu Âu cảm thấy mình ở vào thế phòng ngự, không còn là suối nguồn của trí tuệ và trung tâm văn minh nữa. Đứng trước sự tái tạo thế giới, châu Âu hầu như không còn có thể đưa ra thứ gì nữa. Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (không chỉ về mặt địa chính trị mà còn cả về mặt chính trị và văn hóa) không thể không nhờ cậy nước khác, trước hết là Mỹ. Nước Mỹ thực tế chưa bị chiến tranh gây ra tổn thương trở thành tượng trưng cho văn hóa vật chất và văn hóa đại chúng. Chẳng những trong nước Mỹ xảy ra sự đồng chất hóa mà toàn cầu cũng xảy ra sự đồng chất hóa văn hóa Mỹ. Ba phát minh xe hơi, điện ảnh và máy thu thanh kết nối người Mỹ ở khắp mọi nơi lại với nhau cũng phát huy tác dụng như vậy trên toàn thế giới, bởi lẽ về cơ bản chúng đều là sản phẩm của nền văn minh Mỹ, sau chiến tranh, chúng truyền bá tới khắp mọi xó xỉnh trên thế giới.

Sáng tạo phát triển kỳ tích mới

Quốc gia quán quân là quốc gia sáng tạo kỳ tích cho nhân loại, và cũng chỉ có quốc gia sáng tạo kỳ tích thì mới trở thành quốc gia quán quân thế giới.

Thế kỷ XVII là thế kỷ của Hà Lan. Tiểu quốc Hà Lan diện tích chỉ tương đương 2,5 lần thành phố Bắc Kinh, số dân chưa đầy hai triệu, thế mà đã viết nên một kỳ tích nước lớn trỗi dậy. Ngày 26 tháng 7 năm 1581 bảy tỉnh miền Bắc Netherlands tuyên bố thành lập nước Cộng hòa liên tỉnh, độc lập, tách ra khỏi Tây Ban Nha. Vì tỉnh Hà Lan lớn nhất, kinh tế phát triển nhất, cho nên gọi là nước cộng hòa Hà Lan.

Nước Cộng hòa Hà Lan là nước cộng hòa tư sản đầu tiên trong lịch sử thế giới. Hà Lan còn sáng tạo được những cái nhất thế giới trên nhiều phương diện khác: nông nghiệp Hà Lan nhất thế giới. Hồi đó Hà Lan được gọi là “thánh địa Mecca nông nghiệp”, các sản phẩm từ sữa bò, rau củ hoa quả, nghề làm vườn của Hà Lan đều nổi tiếng châu Âu, nước này trở thành nơi người châu Âu nào muốn học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến tất phải đặt chân tới. Giao thông vận tải trên biển của Hà Lan cũng nhất thế giới, là “người đánh xe trên biển” của thế giới. Năm 1602, người Hà Lan thành lập công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới - Công ty Đông Ấn Độ liên hợp Hà Lan, thành lập Sở Giao dịch chứng khoán đầu tiên trên thế giới - Sở Giao dịch chứng khoán Amsterdam. Ngân hàng đầu tiên trên thế giới do Hà Lan sáng lập - Ngân hàng Amsterdam ra đời vào năm 1609, sớm khoảng 100 năm so với Ngân hàng Anh Quốc. Hà Lan là quốc gia đầu tiên kinh tế tăng trưởng liên tục. Một trong hai đồng chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 1993 là Douglass C. North từng đánh giá cao sự trỗi dậy của Hà Lan: “Trong thời kỳ đầu của lịch sử cận đại, Hà Lan đã trở thành lãnh tụ kinh tế của châu Âu”, “Trong thực tế, Hà Lan là quốc gia đầu tiên đạt được sự tăng trưởng kinh tế liên tục theo ý nghĩa chúng ta xác định”. Cho tới nay, người Hà Lan vẫn sống giàu có sung túc, các quy tắc buôn bán do người Hà Lan đặt ra vẫn ảnh hưởng tới thế giới.

Trong nửa sau thế kỷ XVII, Hà Lan có hơn 16.000 tàu buôn, chiếm ba phần tư tổng số vận chuyển của đội tàu buôn của cả châu Âu, tương đương bằng tổng số tàu buôn của bốn nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cộng lại. Nếu lấy quốc gia làm đơn vị so sánh thì Hà Lan bằng 4 - 5 lần nước Anh, 7 lần nước Pháp. Hà Lan hầu như độc quyền về vận tải biển toàn cầu. Có người bình luận: “Người Hà Lan khai thác mật từ các nước khác... Na Uy là khu rừng của họ, hai bờ sông Rhein là vườn nho của họ, Ireland là bãi chăn nuôi gia súc của họ, Phổ, Ba Lan là vựa thóc của họ, Ấn Độ và các nước Ả Rập là vườn trái cây của họ”. Amsterdam hồi thế kỷ XVII là trung tâm buôn bán của toàn châu Âu. Khi công thương nghiệp Hà Lan phát triển tới đỉnh cao, tích lũy tư bản của Hà Lan cao hơn tổng tích lũy tư bản của các nước châu Âu cộng lại, đầu tư ở ngoài nước nhiều hơn Anh Quốc 15 lần, trình độ công trường thủ công nghiệp của Hà Lan đứng đầu châu Âu.

Năm 1664, Thomas Mun, một người Anh nổi tiếng theo chủ nghĩa trọng thương từng nói: “Đây là một kỳ tích trên thế giới: một quốc gia nhỏ như vậy, to chưa bằng hai quận to nhất ở nước ta, tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm, nguyên liệu gỗ hoặc các loại vũ khí cần thiết cho thời kỳ chiến tranh hay hòa bình đều ít tới mức không đáng kể, thế mà rốt cuộc nước ấy có dư thừa tất cả mọi thứ”. Một đại gia sử học phái Niên giám người Pháp là Braudel từng diễn tả tâm trạng của người châu Âu đối với sự trỗi dậy của Hà Lan, ông viết: “Hồi ấy người ta chỉ nhìn thấy một số biểu hiện khiến thiên hạ hoa mắt. Như thường lệ, người ta không chú ý tới quá trình chuẩn bị lâu dài, cho đến khi Hà Lan đạt được những thành tựu sáng chói, họ mới chợt tỉnh ngộ. Trong khoảnh khắc, bất cứ ai cũng không thể hiểu nổi làm sao một nước nhỏ mới đầu còn non nớt nay bỗng dưng mọi cái đều thành công, phát triển thần tốc, giàu mạnh vô song. Mọi người hăng hái bàn thảo về “bí quyết”, “kỳ tích” và sự giàu có “kỳ lạ” của Hà Lan”.

Marx từng hết lời ca ngợi kỳ tích trỗi dậy của nước Mỹ. Trong cuốn “Hình thái ý thức của nước Đức”, Marx viết: “Thí dụ hoàn thiện nhất về quốc gia hiện đại là Bắc Mỹ”. Trong “Siêu hình học chính trị kinh tế học”, Marx gọi nước Mỹ là “quốc gia tiến bộ nhanh nhất tại Bắc Mỹ”.

Xây dựng mô hình mới ưu việt

Một quốc gia áp dụng mô hình như thế nào để tạo dựng kết cấu của mình, để vận hành và phát triển bản thân, điều đó quan hệ tới tính chất quốc gia, sức sống và tiền đồ của quốc gia đó, là sức cạnh tranh quan trọng của quốc gia. Quốc gia quán quân đều là quốc gia sáng tạo mô hình mới, cống hiến mô hình phát triển, là quốc gia có mô hình tiên tiến nhất trên thế giới. Mô hình chính trị của nước Anh là mô hình tiên tiến nhất trên thế giới hồi ấy. Nước Anh sớm nhất xác lập chế độ nhà nước hiện đại, gồm các chế độ chính trị như chế độ nội các, chế độ quân chủ lập hiến, chế độ hai đảng, chế độ chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội. Một hệ thống chế độ chính trị như thế đã bảo đảm nước Anh được yên ổn lâu dài và phát triển ổn định. Đóng góp của nước Anh về mô hình kinh tế cũng có tính vạch thời đại. Mô hình công nghiệp hóa của nước Anh có ảnh hưởng to lớn và lâu dài đối với thế giới.

Mô hình Mỹ chẳng những tạo dựng sự trỗi dậy và bá quyền của nước Mỹ, hơn nữa đối với thế giới nó còn phát huy được ảnh hưởng không quốc gia nào có thể sánh nổi. Mỹ là nước lớn có thời gian dựng nước ngắn nhất thế giới, mà lại là nước lớn có lịch sử chế độ cộng hòa lâu dài nhất. Trong thời gian hơn 200 năm sau khi nước Mỹ dựng nước, trên thế giới bình quân cứ hai nước thì có một nước chính phủ bị các thế lực khác lật đổ. Thế nhưng chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngược lại vẫn luôn luôn tiếp tục ổn định cho tới ngày nay. Từ ngày lập quốc cho đến nay nước Mỹ chưa hề có đảo chính. Sau khi độc lập, nước Mỹ đã xây dựng được một thể chế chính trị có đặc sắc riêng không giống các quốc gia khác trên thế giới. “Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” xác lập năm 1787 là bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Bộ hiến pháp này dựa trên cơ sở lý luận là tư tưởng dân chủ và nguyên tắc dân chủ của giai cấp tư sản, nó đã đầu tiên sáng tạo nên một hệ thống chế độ quốc gia và chế độ chính trị của giai cấp tư sản lấy đặc trưng là chế độ cộng hòa dân chủ, bao gồm chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ Tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân bầu, chế độ nhiệm kỳ của người lãnh đạo v.v. Chính quyền Mỹ được cấu tạo bởi ba bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội phụ trách việc lập pháp, nhưng các nghị quyết của Quốc hội chỉ có hiệu lực sau khi được Tổng thống phê chuẩn. Tổng thống chủ trì công việc chính trị, nhưng các quan chức quan trọng do Tổng thống bổ nhiệm và các hiệp ước do Tổng thống ký kết thì phải được Thượng viện Quốc hội phê chuẩn; Quốc hội còn có quyền phế truất và bãi miễn Tổng thống; Tòa án Tối cao là cơ quan tư pháp chịu trách nhiệm xử lý mọi vấn đề pháp luật và hiến pháp. Cơ chế phân quyền của nước Mỹ bảo đảm sự dân chủ hóa trình tự ra quyết sách, tránh được sự lạm dụng chức quyền. Trong quá trình so sánh với các mô hình khác trên thế giới, nhất là với “mô hình Liên Xô” trong cuộc đua chiến tranh lạnh kéo dài, “mô hình Mỹ” đã thể hiện tính kéo dài và ngoan cường của nó, là cơ sở và vốn liếng quan trọng để nước Mỹ trước sau duy trì được ưu thế tự thân và ảnh hưởng rộng rãi tới thế giới.

Của cải tăng lên nhất thiên hạ

Quốc gia quán quân là nhà quán quân làm giàu trên thế giới, quán quân về mặt của cải. Nước Anh lên ngôi bá chủ công nghiệp thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp. Năm 1850 họ sản xuất một nửa sản phẩm kim loại, các sản phẩm từ bông và sắt thép của toàn thế giới, cũng như hai phần ba sản lượng than; họ đứng đầu thế giới trong ngành đóng tàu và xây dựng đường sắt. Năm 1860, nước Anh sản xuất 40 - 50% sản phẩm công nghiệp của thế giới, 55 - 60% sản phẩm công nghiệp của châu Âu. Ngoại thương của nước Anh năm 1850 chiếm 20% tổng lượng buôn bán của thế giới; mười năm sau tăng lên 40%. Đồng Bảng Anh trở thành đồng tiền quốc tế. Trong tình hình nước Anh chỉ chiếm 0,2% diện tích lục địa thế giới, số dân hồi ấy chỉ có hơn 10 triệu, chiếm 2% số dân toàn thế giới hoặc 10% số dân châu Âu, thế mà nước này sở hữu năng lực công nghiệp hiện đại tương đương với 40 - 50% tiềm lực công nghiệp toàn cầu; đồng Bảng Anh có uy quyền vô địch thế giới. Nước Mỹ sau Đại chiến thế giới lần thứ II có thực lực siêu cường. Giáo sư Lưu Kim Chất, học giả ngành lịch sử quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh viết trong cuốn “Chiến tranh lạnh” như sau: Mỹ đứng thứ nhất trong thương mại quốc tế, các sản phẩm của Mỹ, trò giải trí tiêu khiển và lối sống Mỹ tràn ngập khắp thế giới. Tuy rằng trong chiến tranh có 410 nghìn người Mỹ bỏ mạng, song Mỹ là nước lớn duy nhất không bị chiến tranh trực tiếp phá hoại, hơn thế nữa, nền kinh tế quốc dân Mỹ mở rộng gấp đôi. Thời gian 1940 - 1945, lợi nhuận sau thuế của các công ty Mỹ lên tới 124,95 tỷ USD bằng 3,5 lần mức sáu năm trước chiến tranh. Sau chiến tranh, nước Mỹ tập trung ba phần tư tổng số vốn của toàn thế giới và hai phần ba năng lực sản xuất công nghiệp, chiếm gần 59% trữ lượng vàng của thế giới tư bản, sở hữu trên một nửa tổng trọng tải lực lượng tàu buôn toàn thế giới. Xuất khẩu của Mỹ chiếm một phần ba tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới. Mỹ trở thành nước xuất khẩu tư bản và chủ nợ lớn nhất thế giới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3