Giấc mơ Trung Quốc - Chương 02 - Phần 03

II. Tái định vị mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ

Khi tiến sang thế kỷ XXI, cần tái định vị mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ.

Mỹ hiện nay là quốc gia quán quân thế giới, Trung Quốc là quốc gia quán quân tiềm tại của thế giới. Mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc trong giai đoạn mới là một kiểu quan hệ giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại. Mối quan hệ này vừa là quan hệ hợp tác chiến lược tất phải tiến hành nhằm giải quyết các vấn đề lớn toàn cầu, lại càng là mối quan hệ cạnh tranh chiến lược cần tiến hành xoay quanh việc tranh giành địa vị quốc gia quán quân.

Mối quan hệ giữa “quốc gia quán quân” với “quốc gia quán quân tiềm tại”: điểm cao khống chế mối quan hệ quốc tế

Trong toàn bộ mối quan hệ quốc tế của một thời đại, mối quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn chủ đạo toàn bộ mối quan hệ quốc tế. Mà vấn đề nòng cốt trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn là cạnh tranh địa vị quốc gia quán quân. Cho nên trong toàn bộ hệ thống lớn quan hệ quốc tế thì mối quan hệ giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại là mối quan hệ có ý nghĩa quyết định, là điểm cao khống chế toàn bộ mối quan hệ quốc tế, là tuyến chính, là phần chính trong toàn bộ mối quan hệ quốc tế. Đứng trên điểm cao khống chế đó, nắm lấy tuyến chính này, nắm bắt được cái giềng mối này thì có thể nhìn xa trông rộng, kéo giềng lên thì mắt lưới sẽ căng ra,... ở thế chủ động chiến lược. Nghiên cứu đặc điểm và quy luật mối quan hệ giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại là một công việc có ý nghĩa chiến lược.

Mâu thuẫn giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại là mâu thuẫn cơ bản của cộng đồng quốc tế

Với tư cách là mâu thuẫn cơ bản của cộng đồng quốc tế, mâu thuẫn giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại sẽ không biến chuyển theo ý chí của quốc gia quán quân. Vì quốc gia quán quân và quốc gia quán quân tiềm tại đều là các quốc gia có sức ảnh hưởng, quốc lực tổng hợp và tiềm lực phát triển lớn nhất, cho nên sự cạnh tranh giữa các quốc gia đó chẳng những quyết định địa vị quốc gia của họ mà còn sẽ quyết định bố cục chiến lược của toàn thế giới. Bởi vậy mâu thuẫn giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại là loại mâu thuẫn ảnh hưởng và chế ngự các mâu thuẫn quốc tế khác, là mâu thuẫn cơ bản của cộng đồng quốc tế.

Hai cuộc đại chiến thế giới là kết quả của việc các mâu thuẫn quốc tế trở nên gay gắt. Mâu thuẫn quốc tế nào đã châm ngòi cho hai cuộc chiến tranh thế giới này? Đó là mâu thuẫn giữa quốc gia quán quân với các quốc gia quán quân tiềm tại. Mấy quốc gia tranh giành bá quyền thế giới với Anh Quốc đều là các quốc gia quán quân tiềm tại, kể cả nước Mỹ. Khác nhau là ở chỗ do không chỉ có một quốc gia muốn tranh bá thế giới với nước Anh, bởi thế đã xuất hiện mâu thuẫn giữa một quốc gia quán quân với mấy quốc gia quán quân tiềm tại, điều đó làm cho mâu thuẫn trở nên càng phức tạp, đấu tranh càng gay gắt. Các quốc gia quán quân tiềm tại, chẳng hạn nước Đức áp dụng cách tiến hành “tranh giành đối kháng” với quốc gia quán quân già lão là nước Anh. Nước Đức “cưỡng đoạt”, “cưỡng chiếm”, nước Mỹ thì “khéo đoạt”, “khéo chiếm”. Nhưng điều đó đều không thể thay đổi thực chất hai cuộc đại chiến thế giới, tức là việc giải quyết mâu thuẫn giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại, cuối cùng thực hiện sự giao tiếp và hoán đổi địa vị quốc gia quán quân. Tuyến chính trong mối quan hệ quốc tế trong thời gian hai cuộc đại chiến thế giới là mối quan hệ mâu thuẫn, đấu tranh và đối kháng giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại. Mối quan hệ đó ảnh hưởng và quyết định tính chất và xu thế của toàn bộ mối quan hệ quốc tế. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ cũng là sản phẩm của các mâu thuẫn quốc tế cơ bản hình thành bởi mâu thuẫn giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mâu thuẫn cơ bản của cộng đồng quốc tế không phải là mâu thuẫn về hình thái ý thức, không phải là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, không phải là mâu thuẫn giữa nước đang phát triển với nước phát triển, mà là mâu thuẫn giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại. Nước Mỹ là quốc gia quán quân thời đại đó; Liên Xô là quốc gia quán quân tiềm tại cùng thời đại ấy. Thắng lợi của Mỹ trong chiến tranh lạnh là thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ địa vị quán quân; thất bại của Liên Xô trong chiến tranh lạnh là thất bại của sự chạm trán giữa một quốc gia quán quân tiềm tại với quốc gia quán quân.

Trỗi dậy và ức chế là hình thái cơ bản trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại

Các quốc gia quán quân đã giành được địa vị bá quyền đều có một kiểu tự tư bá chủ, bao giờ cũng coi việc giữ địa vị quán quân của mình là lợi ích nòng cốt, họ lo lắng nhất là việc bị quốc gia quán quân tiềm tại thay chỗ của mình. Ức chế và áp chế quốc gia quán quân tiềm tại là “thiên tính” của quốc gia quán quân, là sự “tự tư quốc gia” mà các quốc gia quán quân không thể nào khắc phục được. Nhưng quốc gia quán quân tiềm tại thì bao giờ cũng muốn trỗi dậy, muốn phá vòng vây, muốn tiến lên mục tiêu nhất thế giới. Bởi thế sự trỗi dậy của quốc gia quán quân tiềm tại và sự ức chế của quốc gia quán quân đương nhiệm sẽ trở thành hình thức biểu hiện chủ yếu của cuộc đấu tranh mâu thuẫn giữa hai bên.

Lợi ích chiến lược cơ bản, rủi ro chiến lược và số phận tiền đồ của quốc gia quán quân và quốc gia quán quân tiềm tại được tập trung thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa trỗi dậy với ức chế. Chính sách cân bằng đại lục châu Âu do nước Anh thi hành lâu nay nhằm mục đích không cho phép trên đại lục châu Âu xuất hiện một quốc gia quán quân tiềm tại có thể cạnh tranh với nước Anh - quốc gia quán quân hiện nay. Do áp dụng chiến lược lớn chiến tranh lạnh, cuối cùng nước Mỹ đã ngăn chặn được việc Liên Xô từ quốc gia quán quân tiềm tại tiến lên quốc gia quán quân, đây là một thí dụ điển hình của sự ngăn chặn thành công.

Trong cuộc đấu tranh giữa ngăn chặn với trỗi dậy, phải chăng trỗi dậy là tiến bộ và trong sáng, ngăn chặn là bảo thủ và phản động? Vấn đề này cần được phân tích cụ thể. Thí dụ sự trỗi dậy của các quốc gia phát xít trên thế giới là phản động; sự ngăn chặn các quốc gia phát xít thì có ý nghĩa tích cực. Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ tiến hành đấu tranh giữa trỗi dậy với ngăn chặn, xét trên ý nghĩa tranh giành bá quyền thế giới, cuộc đấu tranh đó đi ngược lại tinh thần thời đại và trào lưu lịch sử của hòa bình và phát triển. Bởi vậy cần phân biệt tính chất khác nhau của trỗi dậy, cũng cần phân biệt tính chất khác nhau của ngăn chặn, không phải là bất cứ sự trỗi dậy nào đều là việc tốt, cũng không phải bất cứ sự ngăn chặn nào cũng là việc xấu.

Cuộc đấu tranh giữa ngăn chặn với trỗi dậy xảy ra trong lịch sử thế giới từ thế kỷ XX trở đi chủ yếu trải qua hai giai đoạn: một là hai nước Anh, Mỹ nhằm vào hai nước Đức, Nhật và hai là Mỹ nhằm vào Liên Xô. Có người nói mấy chục năm tới, nước Mỹ sẽ bao vây và ngăn chặn Trung Quốc, đây sẽ là giai đoạn thứ ba. Mâu thuẫn trong các giai đoạn một và hai đều có tính đối kháng, thủ đoạn giải quyết mâu thuẫn là chiến tranh và chiến tranh lạnh. Trong giai đoạn thứ ba, mâu thuẫn có tính chất cạnh tranh văn minh, cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại là văn minh nhất.

Nước Mỹ mắc “Hội chứng tổng hợp quán quân”

Sau khi giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh lạnh, nước Mỹ chưa vui mừng được mấy năm thì đã phát sinh “Hội chứng tổng hợp quán quân”, rơi vào tình trạng thần kinh quá nhạy cảm đan xen nhiều tâm trạng phức tạp như sợ hãi, tự phụ, lo lắng, mâu thuẫn, khó có thể tự thoát ra khỏi hội chứng này.

Nỗi lo sợ của “nước Mỹ quán quân”

Sau chiến tranh lạnh, Mỹ xác lập mục tiêu chiến lược quốc gia và lợi ích chiến lược của họ vào việc xây dựng một trật tự quốc tế mới do Mỹ lãnh đạo, bảo đảm địa vị đặc biệt quốc gia quán quân của Mỹ không bị đe dọa và thách thức. Mỹ cho rằng sự thách thức lớn nhất là đến từ đại lục châu Á, cho rằng quốc gia quán quân tiềm tại thách thức Mỹ thì ở trên đại lục này.

Năm 1997, chiến lược gia người Mỹ là Brzezinski từng nói: sau chiến tranh lạnh, “nước Mỹ đã vọt lên trở thành nước lớn siêu cường duy nhất trên thế giới; điều này khiến cho Mỹ cần vạch ra một chiến lược đại lục Âu - Á hoàn chỉnh, toàn diện”. Bởi lẽ “phần lớn các quốc gia tương đối tự phụ, tương đối năng nổ về chính trị đều phân bố trên đại lục Âu - Á; trong lịch sử tất cả các quốc gia có ý định trở thành cường quốc đều là ở đại lục Âu - Á; các quốc gia đông dân nhất và có dã tâm làm bá quyền khu vực, như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đều ở đại lục này. Các quốc gia hình thành sự thách thức tiềm tàng đối với địa vị bá chủ của Mỹ về chính trị và kinh tế cũng đều ở đại lục Âu - Á; sáu đại cường quốc kinh tế xếp hạng ngay sau Mỹ và các quốc gia có chi phí quân sự lớn nhất cũng đều ở đại lục Âu - Á; trong số các quốc gia hạt nhân lớn công khai, chỉ có một nước ở đại lục Âu - Á. Đại lục này chiếm 75% số dân toàn thế giới, hơn 60% GDP toàn thế giới và 75% dự trữ năng lượng của thế giới. Sức mạnh của các quốc gia trên đại lục Âu - Á cộng lại thậm chí còn vượt cả nước Mỹ”. Vì “đại lục Âu - Á nằm trên đường trục của thế giới nên quốc gia nào kiểm soát được đại lục Âu - Á thì có thể có ảnh hưởng quyết định đối với hai trong số ba khu vực lớn có năng lực kinh tế mạnh nhất thế giới - Tây Âu và Đông Á. Xem bản đồ thế giới là đủ hiểu, quốc gia nào kiểm soát được đại lục Âu - Á thì hầu như sẽ tự động kiểm soát được Trung Đông và châu Phi. Vì đại lục Âu - Á hiện nay đóng vai trò bàn cờ địa chính trị có ý nghĩa quyết định, việc sức mạnh của đại lục Âu - Á được phân phối như thế nào sẽ có ý nghĩa quan trọng quyết định đối với địa vị và di sản lịch sử của nước lớn nhất thế giới là Mỹ“.

Theo quan điểm của Brzezinski, địa vị nước lớn nhất thế giới của Mỹ là lợi ích quốc gia chủ yếu của Mỹ; thực chất chiến lược toàn cầu của Mỹ là không cho phép xuất hiện bất cứ cường quốc thế giới nào có thể đối chọi với Mỹ. Nếu đã khẳng định quốc gia quán quân tiềm tại sẽ xuất hiện tại đại lục Âu - Á, thế thì Mỹ tất phải tiến hành đề phòng về chiến lược. Brzezinski cho rằng Mỹ phải vạch ra chiến lược địa chính trị có thể tiếp tục thực thi tại đại lục Âu - Á, gồm cả chiến lược ngắn hạn khoảng 5 năm, chiến lược trung hạn khoảng 20 năm và chiến lược dài hạn trên 20 năm, “nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện một liên minh đối địch cuối cùng có thể thách thức địa vị quan trọng số một của nước Mỹ, càng chưa cần nói bất kỳ quốc gia nào có ý định thách thức Mỹ, cho dù khả năng ấy không có gì đáng kể”. Qua đây có thể thấy nước Mỹ đã mắc phải “Hội chứng sợ quán quân” - nỗi sợ hãi quốc gia quán quân tiềm tại xuất hiện ở vùng Âu - Á.

Sự tự phụ của “nước Mỹ quán quân”

Sự tự phụ của nước Mỹ bắt nguồn từ niềm tự tin vào sức mạnh to lớn của mình, cũng bắt nguồn từ nhận thức cho rằng thế giới sau đây sẽ khó có thể hình thành một liên minh chống Mỹ. Trong bài báo đăng trên tạp chí “Ngoại giao”, hai người Mỹ là Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth viết:

“Nhà bình luận chính trị người Đức Josef Joffe từng nói: “Lịch sử cho ta thấy những quốc gia bá quyền bao giờ cũng gây ra sự tự kết thúc bản thân. Các cường quốc thế giới xếp hạng thứ 2, 3, 4 sẽ thành lập liên minh đối kháng và trù tính âm mưu đánh bại quốc gia bá quyền. Điều đó đã được ứng nghiệm ở Napoleon, cũng như ở Louis XIV, Hitler và Stalin. Bá quyền dẫn tới lực lượng chống bá quyền càng lớn mạnh hơn, đây là quy luật già cỗi nhất trong chính trị quốc tế”. Thế nhưng luận điểm nói trên chưa nhận thức được một vấn đề là địa vị của Mỹ sau chiến tranh có thể hợp với trào lưu lịch sử. Vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi khiến cho nước Mỹ không dễ bị tấn công, sự đe dọa của Mỹ đối với các nước khác cũng nhỏ hơn nhiều so với các quốc gia bá quyền khác. Mấy nước có khả năng tiềm tàng thách thức Mỹ như Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức đều có tình hình trái ngược với nước Mỹ. Khi các nước đó tăng cường lực lượng quân sự của mình nhằm chế ngự Mỹ thì ngược lại họ khó tránh khỏi trở thành mối đe dọa sát sườn đối với các nước láng giềng. Sức mạnh của Mỹ tuy có thể thu hút nhiều sự chú ý trên phạm vi toàn cầu, nhưng thông thường các quốc gia càng quan tâm hơn tới sự bố trí lực lượng trong vùng lân cận của mình chứ không quan tâm mấy tới thế quân bình có tính toàn cầu; cho dù bất cứ quốc gia thách thức tiềm tại nói trên phát động cuộc tấn công trăm phương nghìn kế đối với nước Mỹ thì các quốc gia trong vùng của nó hầu như tất nhiên sẽ nỗ lực chế ngự ngăn chặn nó; năng lực tiềm tàng và to lớn của Mỹ về mặt chuyển vận sức mạnh cũng sẽ tiến hành ngăn nhặn nó, hoặc trong trường hợp cần thiết có thể trừ bỏ các mối đe dọa mới xuất hiện”.

“Hơn nữa, trong lịch sử, sự chế ngự quyền lực thì xảy ra tại một loạt các nước muốn duy trì hiện trạng, tìm kiếm khả năng ngăn chặn một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại đang ở vào thời kỳ đi lên... Nhưng địa vị chúa tể của Mỹ hiện nay là nhằm duy trì tính chất hiện trạng. Vài chục năm nay, mấy nước lớn chủ yếu trong hệ thống quốc tế luôn luôn giữ quan hệ liên minh với Mỹ và họ đã thu được những cái lợi có tính thực chất trong mối quan hệ này. Giả thử họ chọn con đường chế ngự Mỹ thì chẳng những họ bỏ mất những cái lợi ấy, mà hơn nữa còn phải tốn công đi tìm kiếm một liên minh lâu dài, nhất trí với nhau dưới ánh mắt nhìn chòng chọc của Mỹ”.

Nước Mỹ tự cho rằng cho dù tổng sản lượng nền kinh tế Trung Quốc có vượt Mỹ đi nữa thì Trung Quốc cũng khó có thể tranh cao thấp với Mỹ.

Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth còn chỉ rõ: “Phần lớn các nhà phân tích nghiên cứu những quốc gia cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ trong tương lai đều tập trung ánh mắt nhìn vào Trung Quốc. Bởi lẽ Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong vài chục năm tới có tiềm lực đuổi kịp quy mô nền kinh tế của Mỹ. Nhưng cho dù GDP Trung Quốc cuối cùng đuổi kịp Mỹ đi nữa thì khoảng cách về năng lực kỹ thuật, quân sự và địa lý sẽ vẫn tiếp tục duy trì”.

“Từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX trở đi, trên mặt thu hẹp khoảng cách thua kém Mỹ về quốc lực tổng hợp, các chiến lược gia Trung Quốc đã trở nên ngày càng không tự tin, họ cho rằng trong thời kỳ cận kỳ sắp tới, Trung Quốc chưa có năng lực như vậy. Thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy đến năm 2020 Trung Quốc sẽ có quốc lực bằng từ một phần ba tới một nửa quốc lực của Mỹ. 50% lực lượng lao động Trung Quốc làm sản xuất nông nghiệp, chỉ một phần cực nhỏ của kinh tế Trung Quốc là thuộc vào ngành công nghệ cao. Hồi thập niên 90 thế kỷ XX, chi phí dành cho nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật của Mỹ bằng 20 lần của Trung Quốc. Hầu hết vũ khí Trung Quốc lạc hậu sau Mỹ vài chục năm. Trung Quốc cũng không thể thay đổi thế thua kém về vị trí địa lý, Trung Quốc bị bao vây bởi các quốc gia có năng lực và động cơ ngăn chặn họ”.

Bởi vậy, “Trong tương lai có thể dự kiến, nước Mỹ còn chưa thể đứng trước sự thách thức có tính toàn cầu. Không một quốc gia hoặc tập đoàn quốc gia nào mong muốn rơi vào tình trạng không thể không đối địch với Mỹ”. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, “nước Mỹ dành 5 - 14% GDP vào chi phí quốc phòng và duy trì năng lực răn đe hạt nhân khổng lồ. Để chứng tỏ quyết tâm và danh dự của nước Mỹ, 85.000 người Mỹ đã bỏ mạng trong hai cuộc chiến tranh ở châu Á. Đồng thời nhiều Tổng thống Mỹ đã áp dụng chính sách bên bờ miệng hố chiến tranh hạt nhân có thể nâng cấp xung đột thành sự hủy diệt hạt nhân có tính toàn cầu”. “Trong vài chục năm tới, chưa nước nào có thể kết hợp được toàn bộ các ưu thế về tài nguyên, vị trí địa lý, tốc độ tăng trưởng kinh tế để tỷ thí cao thấp với Mỹ”.

Sự bá đạo của “nước Mỹ quán quân”

Biểu hiện xấu nhất của sự bá đạo Mỹ là ở chỗ nước này độc quyền về địa vị quốc gia quán quân.

Năm 1998, trong báo cáo “Chiến lược an ninh quốc gia thế kỷ mới”. Mỹ tuyên bố mục tiêu của họ là phải “lãnh đạo toàn thế giới”, quyết không cho bất cứ nước lớn hoặc tập đoàn quốc gia nào thách thức địa vị lãnh đạo của Mỹ. Tháng 2 năm 1999, nhà lãnh đạo Mỹ lại tuyên bố: chỗ đứng của ngoại giao Mỹ trong thế kỷ XXI là thế giới “tất phải và chỉ có một kẻ lãnh đạo”, nước Mỹ “có năng lực nhất lãnh đạo thế giới này”, phải đưa tất cả các quốc gia vào “hệ thống thế giới tự do”.

Trong báo cáo “Chiến lược an ninh quốc gia” công bố hồi tháng 9 năm 2002, chính phủ Mỹ công khai tuyên bố “không cho phép bất kỳ một cường quốc quân sự đối địch nào trỗi dậy”, “không cho phép bất cứ thế lực nước ngoài nào thách thức sức mạnh Mỹ như trong thời kỳ chiến tranh lạnh”.

Cuộc chơi Trung Quốc - Mỹ chắc chắn là một cuộc đọ sức văn minh

Đâu là lối thoát cho nước Mỹ quán quân? Lối thoát là ở chỗ triệt để từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh, nhảy ra khỏi cái vòng ma quái bá quyền ngăn chặn, cùng quốc gia quán quân tiềm tại Trung Quốc xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược kiểu mới. Đây là nguồn gốc lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ, cũng là nhu cầu xác lập nền hòa bình thế giới.

Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất, Trung Quốc là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất

Trong lịch sử thế giới cận đại, Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất, mà Trung Quốc là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất. Nếu so sánh Trung Quốc với Mỹ thì Trung Quốc lại là quốc gia văn minh hơn nước Mỹ. Do đó cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ tiến hành xung quanh mục tiêu tranh giành quốc gia quán quân sẽ là cuộc cạnh tranh văn minh nhất kể từ khi loài người có lịch sử. Cuộc cạnh tranh giữa hai nền văn minh lớn là văn minh Trung Quốc và văn minh Mỹ tất sẽ hình thành và sáng tạo nên một kiểu “cạnh tranh văn minh” mới, mở ra cho thế giới một mô hình mới cạnh tranh giữa các nước lớn, làm cho sự cạnh tranh giữa các nền văn minh đi lên quỹ đạo văn minh thực sự, qua đó giảm bớt cái giá phải trả cho cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, hạ thấp giá thành tiến bộ của cộng đồng xã hội, nâng cao hiệu quả của cạnh tranh văn minh.

Là một quốc gia bá quyền văn minh, nước Mỹ có một khác biệt quan trọng với các quốc gia bá quyền khác ở chỗ nó không đe dọa sự sinh tồn của kẻ trỗi dậy, nhưng lại muốn hạn chế và khống chế sự phát triển của kẻ trỗi dậy. Trên ý nghĩa đó, bá quyền của Mỹ là bá quyền có mức độ, là ngăn chặn có mức độ, là bá quyền tương đối văn minh.

Trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - Mỹ thì nước Mỹ với tư cách là quốc gia bá quyền văn minh nhất vừa thể hiện tính cách cường quyền và bá quyền của mình lại vừa thể hiện đặc điểm tương đối văn minh. Đặt nước Mỹ vào trong hàng ngũ “đế quốc” để tiến hành so sánh, trong mắt người Trung Quốc thì “đế quốc Mỹ” là đế quốc có lương tâm, đem ra so kè còn có thể coi là đế quốc biết đạo lý, là đế quốc bị người Trung Quốc căm ghét ở mức nhẹ nhất.

Trung Quốc trỗi dậy, nước Mỹ hưởng lợi

Trung Quốc và Mỹ chẳng ai có thể thắng nổi ai, đây là kết luận của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc và Mỹ chẳng ai có thể thay đổi được ai: Trung Quốc từ sớm đã thay đổi được tư duy cách mạng thế giới nhưng công cuộc diễn biến hòa bình và Tây hóa, phân hóa mà Mỹ tiến hành đối với Trung Quốc cũng không thành công. Trung Quốc và Mỹ trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa ngày nay chẳng ai có thể xa rời được nhau, chẳng ai có thể thay thế được nhau, hai nước Trung Quốc - Mỹ chỉ có cạnh tranh cùng tồn tại, cạnh tranh hòa bình, cạnh tranh hợp tác, cạnh tranh cùng có lợi thì mới có thể cùng tồn tại, cùng phồn vinh, cùng thắng.

Không những thế, trong quá trình Trung Quốc hòa bình trỗi dậy còn xuất hiện hiện tượng “Trung Quốc đại phát triển, nước Mỹ được lợi lớn”. Mỹ là kẻ gặt hái được nhiều nhất các món lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong cuốn “Thế giới phẳng: câu chuyện tóm tắt của thế kỷ XXI”, một người Mỹ là Thomas Friedman viết: Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc có lẽ sẽ ảnh hưởng tới việc làm của công nhân ngành chế tạo ở một số nước, nhưng đối với những người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới thì các sản phẩm rẻ tiền của Trung Quốc đúng là tin mừng trời cho. Tạp chí “Fortune” số ra ngày 4 tháng 10 năm 2004 trích dẫn các số liệu nghiên cứu của Morgan Stanley cho biết, kể từ thập niên 90 thế kỷ XX, các sản phẩm rẻ tiền của Trung Quốc đã tiết kiệm cho người tiêu dùng Mỹ khoảng 600 tỷ USD; chi phí nhập khẩu các chi tiết máy mà các công ty ngành chế tạo Mỹ tiết kiệm được thì nhiều không kể xiết. Các khoản chi phí tiết kiệm được ấy đã giúp FED[5] có thể giữ mức lãi suất thấp lâu dài hơn, nhờ đó dân chúng Mỹ có khả năng mua nhà ở, các nhà buôn cũng có thể có nhiều vốn hơn để đổi mới việc kinh doanh. Hiện tượng “Trung Quốc phát triển, thế giới hưởng lợi”, “Trung Quốc đại phát triển, nước Mỹ hưởng lợi lớn” đúng là một kỳ quan trong lịch sử thế giới.

[5] FED: viết tắt từ Federal Reserve System, tức Cơ quan Dự trữ Liên bang, tức Ngân hàng Nhà nước Mỹ.

Không thể coi lợi ích bá quyền là lợi ích cốt lõi của quốc gia quán quân

Các quốc gia quán quân xuất hiện trong lịch sử thế giới cận đại đều coi địa vị bá quyền là lợi ích cốt lõi của quốc gia để bảo vệ và giữ gìn, nhưng các quốc gia quán quân tiềm tại thì lại luôn luôn coi việc giành lấy địa vị bá quyền là lợi ích cốt lõi của quốc gia để tìm kiếm, theo đuổi. Kết quả dẫn tới vòng tuần hoàn ác tính trỗi dậy và ngăn chặn. Trong bầu không khí của chủ nghĩa yêu nước “lợi ích quốc gia trên hết”, “lợi ích quốc gia là thiêng liêng nhất”, “lợi ích quốc gia muôn năm”, bất cứ thứ gì chỉ cần được dán nhãn mác “lợi ích quốc gia” thì là thứ thiêng liêng bất khả xâm phạm, thì phải “thề chết bảo vệ”. Hơn nữa, “lợi ích cốt lõi” trong lợi ích quốc gia lại càng là “vạch giới hạn thấp nhất không thể vượt qua”, là “vạch giới hạn tuyệt đối không thể giẫm lên”, nếu không thì tôi phải liều mạng với anh. Nhưng vấn đề là ở chỗ đối với quốc gia quán quân, cái gì là lợi ích quốc gia cốt lõi? Chả lẽ một quốc gia chỉ cần bước lên vị trí nhất thế giới thì phải có lợi ích bá quyền thế giới được sao?

Hiển nhiên cái thời đại coi lợi ích bá quyền là lợi ích cốt lõi của quốc gia quán quân nên hoàn toàn kết thúc rồi. Thế giới hòa nhập trong tương lai cần có quốc gia quán quân kiểu mới, tức quốc gia quán quân không coi lợi ích bá quyền là lợi ích cốt lõi của quốc gia mình.

Hãy nói về đương kim quốc gia quán quân ngày nay -nước Mỹ tìm kiếm và bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi nào? Trên thực tế gồm hai phần: một là các lợi ích do sức mạnh kinh tế kỹ thuật và kinh tế tiên tiến của nước Mỹ dẫn đầu thế giới đem lại, đây là lợi ích quốc gia mà quốc gia quán quân tất nhiên phải có và nên được hưởng; hai là các lợi ích giành được do Mỹ thực hiện bá quyền dựa vào ưu thế quốc gia quán quân, đây là các lợi ích giành được bằng vốn liếng là sự bá quyền, là một loại thu nhập bá quyền và lợi ích bá quyền; phần lợi ích quốc gia này do Mỹ thực hiện bằng cách gây thiệt hại lợi ích của các quốc gia khác, không phải là lợi ích quốc gia chính đáng hợp lý; việc tìm kiếm và bảo vệ phần lợi ích đó chính là nguồn gốc gây ra sự rối loạn trên thế giới, phá hoại sự hòa nhập quốc tế. Mỹ sợ các quốc gia quán quân tiềm tại thách thức các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, trên thực tế là lo sợ để mất các lợi ích đen tối họ giành được nhờ bá quyền thế giới. Trung Quốc tiến lên nhất thế giới, tranh đấu làm quốc gia quán quân kiểu mới; hàm nghĩa và ý nghĩa của từ “kiểu mới” này là ở chỗ Trung Quốc vĩnh viễn không theo đuổi bá quyền thế giới, không tìm kiếm lợi ích bá quyền, mãi mãi không coi bá quyền thế giới là lợi ích cốt lõi của quốc gia mình.

Giúp thế giới ra khỏi “thời đại rừng rú” là trách nhiệm chung của hai nước Trung Quốc - Mỹ

Trong số tất cả các nước lớn xưng bá và tranh bá từ thời cận đại trở đi, Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất, bá quyền Mỹ là một loại bá quyền kiểu mới khác với các quốc gia khác; Trung Quốc là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất, là một quốc gia lập chí chấm dứt bá quyền thế giới. Nếu thế thì sự cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia quán quân tiềm tại là Trung Quốc với quốc gia quán quân già cỗi là nước Mỹ sẽ trở thành cơ hội tốt nhất để cộng đồng thế giới giành được tiến bộ lịch sử và có chuyển biến căn bản, có thể tạo ra một cục diện mới cho thế giới, xuất hiện một thành quả tiến bộ chưa từng có trong lịch sử. Đó tức là: Mỹ sẽ trở thành quốc gia bá quyền cuối cùng trong lịch sử nhân loại, lịch sử các quốc gia bá quyền sẽ chấm dứt tại Mỹ, đây là điều các chiến lược gia Mỹ cũng đã dự kiến thấy và từng trình bày. Đồng thời trong lịch sử thế giới lần đầu tiên sẽ xuất hiện một quốc gia quán quân không có tính bá quyền, đó là Trung Quốc. Sự xuất hiện và tồn tại quốc gia bá quyền thì tương ứng với “thời đại rừng rú” của cộng đồng quốc tế. Còn việc chấm dứt quốc gia bá quyền và xuất hiện quốc gia phi bá quyền tất sẽ đem lại cho nhân loại một “thế giới văn minh” mới mẻ, “thế giới pháp chế”, “thế giới dân chủ”, “thế giới hài hòa”, tất sẽ chấm dứt “thời đại rừng rú” của cộng đồng quốc tế. Sáng tạo một thế giới như vậy vừa là sứ mạng của Trung Quốc, vừa cũng là trách nhiệm của nước Mỹ.