Giấc mơ Trung Quốc - Chương 02 - Phần 04

III. Mô hình mới của cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ

Cuộc cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI sẽ áp dụng một” mô hình cạnh tranh” như thế nào - đây là sự lựa chọn chiến lược quan trọng mà hai nước đều đứng trước. Lựa chọn mô hình cạnh tranh tức là định vị “con đường cạnh tranh”, “tính chất cạnh tranh” và “quy tắc cạnh tranh”. Việc Trung Quốc công khai tuyên bố “phát triển hòa bình, trỗi dậy hòa bình” trên thực tế là lựa chọn một mô hình “cạnh tranh hòa bình”. Tức là phải đưa cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ vào quỹ đạo “cạnh tranh hòa bình”, “đối đầu phi chiến tranh”, từ đó làm cho cuộc cạnh tranh này có thể xúc tiến Trung Quốc - Mỹ cùng phát triển, đem lại điều tốt lành cho thế giới. “Mô hình cạnh tranh” trong thế kỷ XXI của cuộc đối đầu Trung Quốc - Mỹ có quan hệ tới số phận hai nước Trung Quốc - Mỹ và tới tiền đồ của thế giới, nó cũng đánh dấu và thể hiện trình độ tiến hóa văn minh của cuộc chơi chiến lược nước lớn. Phân tích tiến trình lịch sử cuộc chiến giành giật quốc gia quán quân trong thế giới cận đại, so sánh các mô hình khác nhau của cuộc cạnh tranh chiến lược nước lớn là điều có ý nghĩa quan trọng đối với việc lựa chọn và sáng tạo mô hình chiến lược của cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ.

Ba loại mô hình và ba giai đoạn của cuộc chiến giành giật “Quốc gia quán quân”

Sự cạnh tranh giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại biểu hiện thành “cuộc chiến giữ mũ” của quốc gia quán quân và “cuộc chiến giành mũ” của quốc gia quán quân tiềm tại. Cuộc chiến giành giật xung quanh địa vị quốc gia quán quân ấy chủ yếu gồm ba mô hình đặc biệt xác định, thể hiện ở ba giai đoạn lịch sử:

Ba loại mô hình của cuộc chiến giành giật quán quân

Loại mô hình thứ nhất lấy chiến tranh làm hình thức cạnh tranh cao nhất, thông qua chiến tranh quy mô lớn tiến hành “quyết đấu”. Loại cạnh tranh kiểu quyết đấu này bắt đầu từ sau khi hình thành hệ thống thế giới cho đến ngày kết thúc đại chiến thế giới lần thứ hai.

Loại mô hình thứ hai không dùng hình thức “đại chiến” để tiến hành “quyết đấu” mà dùng hình thức “chiến tranh lạnh” để tiến hành một cuộc “đối kháng” toàn diện. Cuộc cạnh tranh có tính đối kháng này kéo dài gần nửa thế kỷ.

Loại mô hình thứ ba là cuộc cạnh tranh chiến lược trong thế kỷ XXI giữa Trung Quốc với Mỹ, chẳng những đã thể hiện các đặc điểm mới, xu thế mới khác hẳn về cơ bản với hai loại mô hình cạnh tranh thứ nhất và thứ hai, hơn nữa còn sử dụng cách sáng tạo và văn minh chưa từng có trong lịch sử để tạo phúc cho hai nước, cho thế giới.

Ba giai đoạn của cuộc chiến giành giật quán quân

Thế kỷ XX của nhân loại là thế kỷ của chiến tranh và đối kháng. Thế kỷ XXI của loài người sẽ là thế kỷ của cạnh tranh và hợp tác. Thời gian từ đầu thế kỷ XX đến giữa thế kỷ XXI có thể chia làm ba cái 50 năm, trở thành ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong nửa đầu thế kỷ XX, đó là cuộc cạnh tranh dã man, cuộc cạnh tranh “rừng rú”. Hai cuộc chiến tranh thế giới là những cuộc “giác đấu (tỷ thí sống mái)”, kẻ thắng phải giết chết đối thủ. Kết cục “mi thua ta thắng” lấy tiền đề là “mi chết ta sống”.

Giai đoạn thứ hai là cuộc cạnh tranh chiến lược hồi nửa cuối thế kỷ XX, tuy không đẫm máu và tàn khốc như nửa đầu thế kỷ này song cũng là cuộc cạnh tranh theo nguyên tắc “mi yếu đi, ta mạnh lên”, là trò chơi kết cục bằng số không[6]. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài ngót nửa thế kỷ là một trận “đấu quyền Anh”, kẻ thắng đánh ngã đối phương. Cái kết cục “mi thua ta thắng” ấy có tiền đề là “mi ngã ta đứng”, “mi yếu đi ta mạnh lên”.

Giai đoạn thứ ba tức vòng mới của cuộc thi đấu cạnh tranh giành ngôi vị quốc gia quán quân giữa Trung Quốc với Mỹ, mối quan hệ giữa hai bên không phải là quan hệ “mi chết ta sống”, “mi ngã ta đứng”, “mi thua ta thắng”, mà là mối quan hệ “anh vượt tôi đuổi”, “anh sau tôi trước”.

Cuộc cạnh tranh chiến lược trong thế kỷ XXI giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ nên từ “bãi giác đấu” và “sàn đấu quyền Anh” tiến sang “sân thi đấu điền kinh”; hai nước Trung Quốc và Mỹ nên sáng tạo văn minh cạnh tranh quốc tế mới, mô hình cạnh tranh chiến lược nước lớn mới và quy tắc cạnh tranh chiến lược nước lớn mới. Tựa như loài người nhất định phải rời bỏ “rừng rậm” đi lên xã hội văn minh, cộng đồng quốc tế cũng nhất định phải từ bỏ các kiểu “luật rừng” tiến lên thế giới văn minh.

Tỉ thí “quyết đấu”: “chiến tranh” là cuộc “cạnh tranh” tàn khốc nhất

Clausewitz[7] nói: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị”. Chiến tranh giữa các nước lớn là sự tiếp nối của chính trị nước lớn, đại chiến thế giới là sự tiếp tục của chính trị thế giới. Nhưng sự tiếp tục chính trị trong chiến tranh là quá ư tàn khốc; chính trị tiến hành bằng chiến tranh thì quá đẫm máu. Sự phát triển của văn minh nhân loại, sự tiến hóa của chính trị thế giới đòi hỏi phải có tư duy đổi mới đối với mối quan hệ giữa chiến tranh với chính trị.

Tư duy chiến lược của Bismarck đối với các cuộc “quyết đấu” nước lớn

Sau ngày nước Đức thống nhất, Bismarck[8] từng nhắc nhở dân Đức như sau: “Dân tộc Đức sau khi trải qua thời kỳ chia rẽ lâu dài cuối cùng đã được thống nhất, bởi vậy chúng ta càng phải quý trọng tình hình tốt đẹp không dễ có được này, cần dốc sức cho hòa bình và công bằng... Sau khi suy nghĩ kỹ về những cuộc tranh chấp quốc tế sử dụng vũ lực, tôi cho rằng không thể dùng phương thức quyết đấu đơn giản để giải quyết các mâu thuẫn này, dường như phương thức ấy quá không thỏa đáng”.

[6] Trò chơi kết cục bằng số không: tiếng Anh là zero-sum game: các bên tham gia trò chơi cạnh tranh gay gắt với nhau, được của bên này có nghĩa là mất của bên kia, được và mất của hai bên cộng lại thì mãi mãi bằng zero (số không); nói cách khác, không tồn tại khả năng hai bên cộng tác được với nhau.

[7] Clausewitz: Karl von Clausewitz, 1780-1831, người Đức, nhà lý luận quân sự và sử gia quân sự; tác phẩm chính Bàn về chiến tranh (On War), chủ trương chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị, đề xuất quan niệm chiến tranh tổng thể.

[8] Bismarck: Otto Eduard Bismarck, 1815-1898, Thủ tướng vương quốc Phổ (1862-1890), Tể tướng đế quốc Đức (1871-1890), lãnh đạo lực lượng quân đội đánh bại Pháp, Áo, thống nhất nước Đức, còn được gọi là “Tể tướng máu nóng”.

Bismarck đưa ra khái niệm “phương thức quyết đấu” rồi suy nghĩ và phủ định phương thức này. Thực ra Bismarck là một dũng sĩ dám “quyết đấu”, chẳng những trong đời sống riêng ông từng trải qua các cuộc quyết đấu với đối thủ, hơn nữa trong quá trình dùng phương thức quyết đấu thực hiện thống nhất nước Đức ông đã thi hành chính sách “Sắt và máu”; ông là người có năng lực, người hùng và người chiến thắng trong việc dùng phương thức quyết đấu để giải quyết mâu thuẫn quốc tế. Thế mà chính người khổng lồ dám và thạo tiến hành quyết đấu ấy sau khi suy ngẫm kỹ đã chân thành cho rằng không thể dùng phương thức quyết đấu để xử lý các mâu thuẫn quốc tế, vì phương thức ấy quá ư không thỏa đáng. Thế nhưng trong quá trình giành giật và thay thế quốc gia quán quân, dường như phương thức quyết đấu lại là phương thức duy nhất, bao giờ cũng vậy, nguyên tắc quyết đấu đều trở thành nguyên tắc chỉ đạo cuối cùng.

Tổng kết lịch sử của các chiến lược gia về “quyết đấu” nước lớn

Robert Gilpin, một học giả quan hệ quốc tế nổi tiếng phương Tây đương đại từng nói: Chưa có bất cứ thí dụ nào có thể chứng tỏ một quốc gia chiếm địa vị chi phối lại vì để tránh chiến tranh, mà đồng ý nhường quyền thống trị thế giới cho một cường quốc mới nổi.

Kết luận này của Gilpin phù hợp với thực tế cạnh tranh nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại. Có chuyên gia nói thế giới cận đại có ba quốc gia giành được địa vị bá quyền, đó là Hà Lan hồi thế kỷ XVII, Anh hồi thế kỷ XIX và Mỹ trong thế kỷ XX. Những cuộc chiến tranh toàn cầu sản sinh ra ba quốc gia bá quyền nói trên đều kéo dài trong khoảng 30 năm. Thời gian 1914 - 1945, từ trong đống đổ nát của hai cuộc đại chiến thế giới, nước Mỹ nhảy lên ngai vàng quốc gia quán quân thế giới. Các quốc gia quán quân trong lịch sử cận đại không một nước nào không có nguồn gốc là “chúa rừng”.

Theo lý luận “chu kỳ trăm năm” do nhà chính trị học quốc tế nổi tiếng người Mỹ George Modelski đề xuất vào thập niên 80 thế kỷ XX, sự thay đổi quốc gia quán quân và sự chuyển đổi quyền lãnh đạo thế giới đều được thực hiện qua chiến tranh bá quyền. Kể từ khi ra đời hệ thống quốc tế, các cuộc chiến tranh bá quyền đều xảy ra định kỳ, quốc gia thắng trong chiến tranh sẽ thống trị hệ thống thế giới trong thời gian bình quân khoảng trên dưới một thế kỷ. Ông cho rằng, tiếp sau Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI, Hà Lan ở thế kỷ XVII, Anh ở thế kỷ XVIII - XIX và Mỹ ở thế kỷ XX, trong thế kỷ XXI sẽ xuất hiện một quốc gia lãnh đạo mới, vào thập niên 20 - 30 thế kỷ XXI sẽ nổ ra một cuộc đại chiến thế giới mới. Logic của ông là: sự trỗi dậy của quốc gia quán quân mới tất phải thông qua cuộc đối đầu vũ lực, qua chiến tranh với quốc gia quán quân cũ để hoàn thành sự giao tiếp. Lý luận này không chỉ là tư duy chiến tranh lạnh mà là tư duy chiến tranh nóng, tư duy đại chiến. Không thể tán đồng dự báo “sẽ nổ ra cuộc đại chiến thế giới mới” của Modelski, nhưng kết luận của ông cho rằng các cuộc chiến giành giật quốc gia quán quân trong 500 năm trước thế kỷ XX đều tiến hành bằng phương thức “quyết đấu” đã vạch ra sự thực của lịch sử.

Nhìn vào lịch sử giao tiếp thay đổi quốc gia quán quân trong thế giới cận đại, tuy quá trình giao tiếp thay đổi quốc gia quán quân cũ mới là một quá trình vật lộn có tính tổng hợp lâu dài, song kết cục cuối cùng đều được quyết định bằng sự đối đầu vũ lực, là sự thay đổi bằng chiến tranh, đây quả thực là một quy luật.

Cái giá nước Mỹ phải trả để đi lên ngai vàng quán quân

Khi nói về lịch sử cuộc chiến giành giật quốc gia quán quân trong thế giới cận đại, dường như nước Mỹ là một hình mẫu của sự “lên ngôi hòa bình”; sự thay thế quán quân giữa Mỹ và Anh được hoàn thành với hình thức “phi chiến tranh”. Thực ra cái giá để nước Mỹ đi lên quán quân là chưa từng có trong lịch sử, chẳng qua là “Mỹ được đội vương miện, thế giới trả tiền” mà thôi. Nước Mỹ nổi lên sau, trong quá trình thay thế bá chủ cũ là nước Anh, cái kiểu gọi là “thay thế hòa bình” đã thể hiện tường tận hết mức sự “xảo quyệt kiểu Mỹ” và sự “tinh khôn kiểu Mỹ”.

Sự thay thế bá quyền giữa hai nước Anh, Mỹ tuy không giải quyết bằng hình thức chiến tranh nhưng lại thông qua sự đối đầu của hai nước trong hai cuộc đại chiến thế giới, cuối cùng Mỹ được lợi. Nếu không phải là nước Đức xông lên tuyến thứ nhất trong cuộc quyết đấu giành giật bá quyền qua đó làm cho nước Anh suy yếu nhiều, thì giữa Mỹ và Anh cũng khó tránh khỏi sẽ thông qua chiến tranh để thực hiện giao tiếp. Trước Thế chiến II, Mỹ không ngừng hoàn thiện kế hoạch tác chiến với nước Anh, và nước Anh cũng có kế hoạch tác chiến chống Mỹ. Trên thực tế, cái gọi là sự chuyển giao hòa bình bá quyền thế giới giữa hai nước Mỹ và Anh là sự chuyển giao mà nước Mỹ trả giá ít nhất, nhưng đối với toàn thế giới lại là sự trả giá lớn nhất, đó là cái giá của hai cuộc đại chiến thế giới, loài người phải chịu đựng tai họa chưa từng có trong lịch sử. Chiến tranh, đặc biệt là đại chiến thế giới đã trở thành điểm cao khống chế cuộc cạnh tranh bá quyền và con đường tất phải đi qua khi thay thế bá quyền. Cho nên cái gọi là hình thái đặc thù của sự thay thế bá quyền thế giới giữa hai nước Anh, Mỹ hoàn toàn không thay đổi được quy luật sắt chiến tranh giữa các quốc gia quán quân.

Cuộc đấu “quyền Anh”: “chiến tranh lạnh” là cuộc “cạnh tranh” trả giá cao

Coi chiến tranh lạnh như một trận đấu “quyền Anh” để phân tích thì sẽ có thể thấy sự tàn khốc của chiến tranh lạnh là ở chỗ nhất định phải đánh bại đối phương, phải tỷ thí xem ai thắng bại. Mặt tiến bộ của chiến tranh lạnh là ở chỗ không cần lấy mạng của đối thủ, kẻ thua vẫn có thể giữ mạng sống.

“Tư duy chiến tranh lạnh” văn minh hơn “tư duy quyết đấu”

Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, cả thế giới đều phê phán “tư duy chiến tranh lạnh”, coi nó là “ma quỷ” trong cạnh tranh giữa các nước lớn. Thực ra nếu nhìn lại diễn biến lịch sử của hình thái tranh giành trong quá trình cuộc chiến giành giật quốc gia quán quân, thì “chiến tranh lạnh” thực sự là một tiến hóa so với “chiến tranh nóng”; “tư duy chiến tranh lạnh” quả thực là một tiến bộ so với “tư duy chiến tranh”; dùng phương thức chiến tranh lạnh để tiến hành cuộc đua tài giữa các nước lớn cũng là một kiểu tương đối văn minh. “Chiến tranh lạnh” văn minh hơn đại chiến. Tuy rằng kiểu văn minh này bị buộc phải có, nó có nguyên nhân là lực lượng hai bên tương đối cân tài cân sức, và do tác dụng ngăn chặn đại chiến thế giới của vũ khí uy lực lớn trong thời đại nguyên tử.

Ý nghĩa lịch sử của chiến tranh lạnh là ở chỗ nó là một mô thức cạnh tranh chiến lược, là một giai đoạn cạnh tranh chiến lược nước lớn. Chiến tranh lạnh có một đóng góp cho nền văn minh nhân loại và tiến trình quan hệ quốc tế: đó là nó không dùng hình thức đại chiến thế giới để tiến hành cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Việc Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh chấm dứt, hệ thống quốc tế chuyển đổi đã đem lại một số vấn đề lý luận: Tại sao chiến tranh lạnh không chấm dứt bởi việc Liên Xô bị thua trong xung đột quân sự? Vì sao cuộc chạy đua vũ trang lại không dẫn tới đại chiến thế giới lần thứ III? Người ta có thể phê phán chiến tranh lạnh nhưng thời kỳ chiến tranh lạnh rốt cuộc là thời kỳ có bom nguyên tử mà không xảy ra chiến tranh nguyên tử; là một thời kỳ có chạy đua vũ trang cực kỳ lớn mà lại không xảy ra chiến tranh quân sự quy mô lớn; là một thời kỳ có mâu thuẫn thế giới mà không nổ ra chiến tranh thế giới; là một thời kỳ có đe dọa hạt nhân mà chưa xảy ra tấn công hạt nhân; bất kể so sánh với 50 năm trước chiến tranh lạnh và so sánh với 20 năm sau chiến tranh lạnh hay là so sánh với bất kỳ giai đoạn 50 năm nào kể từ năm 1500 trở lại đây, nó vẫn là thời kỳ xung đột quân sự nhỏ nhất và quy mô chiến tranh tương đối nhỏ. Thời kỳ chiến tranh lạnh là thời kỳ siêu cường dùng cái giá tương đối nhỏ để quyết định thắng thua trong cạnh tranh chiến lược, là thời kỳ dùng phương thức chiến tranh lạnh để kết thúc chiến tranh lạnh. Lẽ nào đây chẳng phải là một thời kỳ đáng được gọi là “kỳ tích chiến tranh lạnh” hay sao? Chúng ta cần nghiên cứu trí tuệ chính trị và sự huyền diệu “trong chiến tranh lạnh không có đại chiến” của thời kỳ chiến tranh lạnh này.

Sự tỉnh táo và lý trí của “tư duy chiến tranh lạnh”

“Chiến tranh lạnh” là một sáng kiến chiến lược của Mỹ dùng để đối phó với Liên Xô, một phát minh chiến lược của đế quốc văn minh đối phó với chủ nghĩa bá quyền Liên Xô.

Tháng 2 năm 1946, chuyên gia về vấn đề Liên Xô Kennan[9] lúc ấy đang làm Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô đã dầy công dự thảo một bức điện báo dài hơn 8.000 từ. Ngày 22 tháng 2, bức điện này được gửi về Mỹ, chia năm lần gửi. Trong bức điện ấy Kennan trình bày toàn diện sự phân tích và kiến nghị của mình về các vấn đề như “lý thuyết, ý đồ, chính sách và biện pháp thực hiện” của Liên Xô thời gian sau chiến tranh và đối sách chiến lược Mỹ nên áp dụng. Kennan cho rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô “không cần thiết giải quyết bằng một cuộc xung đột quân sự toàn diện”, bởi lẽ “chính quyền Xô Viết không như nước Đức Hitler, họ không có một quy hoạch hề thống, cũng không tiến hành các hoạt động mạo hiểm. Họ không làm việc theo một kế hoạch cố định, không liều lĩnh làm những chuyện rủi ro không cần thiết. Họ không hề động lòng trước các logic lý trí nhưng lại rất nhạy cảm với logic vũ lực. Vì nguyên cớ đó, khi gặp phải các trở lực mạnh mẽ ở bất kỳ một nơi nào đó, họ có thể dễ dàng rút lui, hơn nữa họ thường xuyên làm như vậy. Cho nên nếu đối phương có một lực lượng vũ trang đủ mạnh và tỏ rõ ý đồ sẵn sàng dùng vũ lực, thì trên thực tế hầu như không cần dùng vũ lực”. Đồng thời chính phủ Mỹ “cần cố gắng giáo dục” người Mỹ “đi tìm hiểu tình hình và sự thật về nước Nga”; phải không ngừng hoàn thiện xã hội Mỹ, tăng cường lòng tự tin, kỷ luật, sĩ khí và tinh thần tập thể; “Cần phải lên kế hoạch giúp các nước khác và và đưa ra một bức tranh thế giới tích cực hơn, giàu tính xây dựng hơn, cũng là bức tranh chúng ta muốn nhìn thấy”, “Phải có dũng khí và lòng tự tin, kiên trì phương pháp của chúng ta và quan điểm đối với cộng đồng nhân loại”.

[9] Georrge Frost Kennan (1904-2005), nhà chiến lược Mỹ, người sáng lập học thuyết ngăn chặn Liên Xô, cha đẻ của chiến lược chiến tranh lạnh.

“Bức điện báo dài” của Kennan đưa ra tư tưởng thi hành “ngăn chặn” Liên Xô, tư tưởng này đã được tầng lớp quyết sách Mỹ tán thưởng. Kennan lập tức được chính phủ điều về Mỹ, về sau được đề bạt làm giám đốc Cơ quan Hoạch định chính sách của chính phủ Mỹ. Bộ trưởng Bộ Hải quân James Forrestal ra lệnh sao lại mấy trăm bản bức điện dài ấy dùng làm văn kiện phải đọc của các sĩ quan hải quân cao cấp. Sau này Kennan chỉnh lý bức điện ấy thành văn bản, lấy đầu đề là “Căn nguyên hành vi của Liên Xô” gửi đăng trong tạp chí “Chính sách đối ngoại” (Mỹ) số tháng 7 năm 1947, trong đó ông tiến thêm một bước trình bày nội dung bức điện, đề xuất một bộ lý luận và chính sách ngăn chặn Liên Xô hoàn chỉnh. Có thể thấy là dưới điều kiện lịch sử hồi ấy, tư duy chiến tranh lạnh trong thực tế là một tư duy tương đối tỉnh táo của giới tinh anh hai nước Mỹ và Liên Xô, là một tư tưởng tương đối lý trí, nó cũng thể hiện tập trung trí tuệ chiến lược của đôi bên. Chiến tranh lạnh là sự ngăn chặn Liên Xô, cũng là sự ngăn chặn chiến tranh thế giới mới.