Giấc mơ Trung Quốc - Chương 02 - Phần 06

IV. “Thế giới không bá quyền” là sứ mệnh và kết cục của cuộc chơi thế kỷ Trung Quốc - Mỹ

“Giấc mơ Trung Quốc” vừa là giấc mơ quốc gia của Trung Quốc lại vừa là giấc mơ thế giới của Trung Quốc. Mục tiêu lớn quốc gia của Trung Quốc thì gắn liền với mục tiêu lớn thế giới của Trung Quốc. Một nước lớn thế giới trước tiên cần nghĩ tới việc nên xây dựng một thế giới như thế nào, sau đó mới làm rõ việc nên xây dựng một quốc gia như thế nào. Bởi vậy, mục tiêu lớn của Trung Quốc không thể chỉ hạn chế ở Trung Quốc mà phải hướng tới thế giới.

Thế giới loài người trong thế kỷ XXI muốn trở thành một thế giới hòa bình, hòa hợp, hợp tác thì điều then chốt là phải trở thành một “thế giới không bá quyền”. Bá quyền là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới, là nguy hại lớn nhất với thế giới hòa hợp, là trở ngại lớn nhất cho sự hợp tác thế giới. Mục tiêu lớn thế giới trong thế kỷ XXI của Trung Quốc là xây dựng “thế giới không bá quyền”. Chấm dứt “thế giới bá quyền” là sứ mệnh lịch sử của cuộc chơi thế kỷ Trung Quốc - Mỹ; xây dựng “thế giới không bá quyền” là kết cục tất nhiên của cuộc đua chung kết trăm năm Trung Quốc - Mỹ.

“Nước lớn trỗi dậy” và “Cuộc chuyển đổi thế giới”

Thế giới đang không ngừng chuyển đổi. Nước lớn trỗi dậy vừa là động lực chuyển đổi thế giới lại vừa là tiêu chí đánh dấu sự chuyển đổi ấy. Thế giới cận đại đang vận động trong mâu thuẫn nước lớn trỗi dậy hết làn sóng này sang làn sóng khác, trước sau trải qua ba cuộc chuyển đổi.

Cuộc chuyển đổi thứ nhất là nước lớn phương Tây trỗi dậy: từ thế giới phong kiến sang thế giới tư bản

Lần chuyển đổi thứ nhất trong thế giới cận đại là chuyển đổi từ thế giới phong kiến sang thế giới tư bản. Động lực của cuộc chuyển đổi đó là sự trỗi dậy của một loạt quốc gia phương Tây, gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh Mỹ. Sự trỗi dậy của loạt quốc gia này về thực chất là sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản, là một thế giới tư bản đã trỗi dậy. Các nước lớn phương Tây dùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản để tuyên cáo sự suy tàn và diệt vong của chủ nghĩa phong kiến, bắt đầu thời đại chủ nghĩa tư bản thế giới hoàn toàn mới, khiến loài người chuyển đổi từ thế giới phong kiến thành thế giới tư bản.

Các nước lớn trỗi dậy thúc đẩy sự chuyển đổi lần thứ nhất của thế giới cận đại có một đặc điểm nổi bật là “trỗi dậy về quyền trên biển”, “trỗi dậy bành trướng”, “trỗi dậy thực dân”, và “trỗi dậy chiến tranh”. Kiểu trỗi dậy nguyên thuỷ, tàn khốc và dã man ấy là sự trỗi dậy phạm phải nhiều “tội tổ tông” bành trướng vũ lực và chinh phục thực dân. Nhưng rốt cuộc loài người đã thực hiện một cuộc chuyển đổi có tính lịch sử tương đối tiến bộ trong quá trình máu và lửa ấy.

Sự trỗi dậy nước lớn của Liên Xô là lần chuyển đổi thứ hai: từ thế giới tư bản sang “Một trái đất hai chế độ”

Lần chuyển đổi thứ hai của thế giới là sự trỗi dậy của Liên Xô và sự xuất hiện một loạt quốc gia xã hội chủ nghĩa, dẫn đến kết quả thế giới từ “thiên hạ nhất thống” của chủ nghĩa tư bản chuyển đổi thành “hai thế giới”, một trái đất hai thế giới, một thế giới hai chế độ. Với tư cách là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, sự trỗi dậy của Liên Xô là kiểu trỗi dậy nước lớn đối kháng và đối lập với thế giới chủ nghĩa tư bản. Sự trỗi dậy của Liên Xô mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới - thời đại “một trái đất hai thế giới”. Sự trỗi dậy đó đã chấm dứt một thời đại lịch sử thế giới - thời đại chủ nghĩa tư bản nhất thống thiên hạ. Sự trỗi dậy của Liên Xô đã thực hiện sự chuyển đổi từ một thế giới do chủ nghĩa tư bản chủ đạo sang hai thế giới đối chọi nhau ngang ngửa là thế giới chủ nghĩa tư bản và thế giới chủ nghĩa xã hội.

Điều đó vừa đem lại sự căng thẳng mới vừa đem lại văn minh mới cho thế giới. Sở dĩ chủ nghĩa tư bản nguyên thủy truyền thống có thể diễn biễn thành chủ nghĩa tư bản tương đối văn minh và nhân đạo sau này, đó là do có hai loại nước lớn khác tính chất cạnh tranh và vật lộn với nhau, nước lớn xã hội chủ nghĩa “ép” nước lớn tư bản trở nên văn minh. Lần chuyển đổi thứ hai của thế giới là bước tiến có tính lịch sử lần thứ hai của thế giới. Nhưng cuộc cạnh tranh giữa Liên Xô với các nước lớn phương Tây không đi ra khỏi vòng tuần hoàn cạnh tranh bá quyền. Liên Xô nổi lên bằng cuộc đấu tranh chống bá quyền cuối cùng lại suy vong vì tranh giành bá quyền.

Sự trỗi dậy nước lớn của Trung Quốc - lần chuyển đổi thứ ba của thế giới: từ “thế giới có bá quyền” sang “thế giới không bá quyền”

Sự trỗi dậy của Trung Quốc khác với sự trỗi dậy của các quốc gia phương Tây, cũng khác với sự trỗi dậy của Liên Xô, bởi lẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc là trỗi dậy kiểu mới. Nó có đặc trưng thời đại rõ ràng, chủ yếu nổi bật ở ba điểm:

1. Về mục tiêu trỗi dậy: Mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc không phải là để giành bá quyền thế giới. Trung Quốc trỗi dậy vừa không cần thách thức kẻ xưng bá cũng không đe dọa kẻ mạnh, lại càng không áp bức kẻ yếu, mà là tự chấn hưng mình, làm lợi cho thế giới. “Trung Quốc phản đối mọi hình thức chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, mãi mãi không xưng bá, mãi mãi không bành trướng”. Lời tuyên bố này trong Báo cáo Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa là lời cam kết trang nghiêm của Trung Quốc đối với thế giới, cũng là sự giới hạn rõ ràng của Trung Quốc đối với mục tiêu trỗi dậy của mình.

2. Về hoàn cảnh trỗi dậy: Trung Quốc trỗi dậy trong hoàn cảnh trỗi dậy của quần thể các nước đang phát triển. Trong quần thể các nước đang phát triển hiện nay không chỉ Trung Quốc có cơ sở và thực lực trỗi dậy mà một số quốc gia đang phát triển cũng tiến lên trình độ và tầng nấc trỗi dậy. Do việc Trung Quốc trỗi dậy được tiến hành trong trào lưu phát triển lớn của các quốc gia đang phát triển cho nên sự trỗi dậy đó có “cơ sở quần chúng” bền vững trên sân khấu quốc tế.

3. Về con đường trỗi dậy: Sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự phát triển hòa bình, trỗi dậy hòa bình. Nó không phải là sự “trỗi dậy thực dân” thuở xưa mở đường bằng tàu chiến súng lớn, cũng chẳng phải là sự “trỗi dậy vũ lực”. Sau này cả nước chinh chiến, đánh thành chiếm đất, cũng không phải là “trỗi dậy chiến tranh lạnh” mi chết ta sống, mi suy yếu ta đi lên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là “trỗi dậy hòa bình” chưa từng có trong lịch sử, thực thi một kiểu trỗi dậy “vừa không đánh kẻ khác cũng không bị kẻ khác đánh”, là sự trỗi dậy phát triển hòa bình, hợp tác cùng thắng, cùng phồn vinh. Vì thế Trung Quốc trỗi dậy có ưu thế đạo nghĩa lớn mạnh.

“Thế giới không bá quyền” và “Thế giới không hạt nhân”

Tổng thống Mỹ Obama lên nắm chính quyền không lâu đã đề xuất muốn xây dựng “thế giới không hạt nhân”, muốn tạo dựng một “Số không hạt nhân toàn cầu[13]. Xây dựng “thế giới không hạt nhân” là một công trình hệ thống, cần có sự cố gắng toàn diện, nhưng vấn đề then chốt trong việc xây dựng “thế giới không hạt nhân” là xây dựng “thế giới không bá quyền”.

[13] “Số không hạt nhân toàn cầu”: tiếng Anh là Global Zero.

Nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới không phải là “vũ khí hạt nhân” mà là “vũ khí bá quyền”

Trước khi vũ khí hạt nhân ra đời, nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới là bá quyền, chứ không phải là một loại vũ khí lớn nào đó có trước vũ khí hạt nhân. Nguồn gốc của hai cuộc đại chiến thế giới là sự tranh giành bá quyền thế giới chứ không phải một hoặc nhiều loại vũ khí mới nào cả. Cuộc chiến tranh lạnh xuất hiện hồi thập niên 50 sau Thế chiến II cũng có nguồn gốc là bá quyền thế giới, nghĩa là chiến tranh lạnh là chiến tranh vì bá quyền thế giới. Hai nước Mỹ và Liên Xô vì bá quyền thế giới mà tranh nhau phát triển vũ khí hạt nhân và sở hữu rất nhiều loại vũ khí này. Vũ khí hạt nhân trở thành công cụ để họ tranh giành bá quyền thế giới. Chính mục tiêu chiến lược giành giật bá quyền thế giới quyết định nhu cầu chiến lược của hai nước này đối với vũ khí hạt nhân.

Trong thời gian chiến tranh lạnh, Trung Quốc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân là để chống lại bá quyền, để giữ gìn sự sống còn, an toàn và sự phát triển của mình trong bá quyền Mỹ - Liên Xô bị chèn ép và đe dọa chiến tranh. Nếu không có sự đe dọa của bá quyền Mỹ và Liên Xô thì Trung Quốc sẽ không quan tâm và bức thiết cần phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sau chiến tranh lạnh, thế giới trở thành thế giới đơn cực, Mỹ trở thành thành siêu cường duy nhất, trên thế giới xuất hiện tình thế nghiêm trọng là sự phổ biến vũ khí hạt nhân, một số nước ra sức nghiên cứu chế tạo và phát triển vũ khí hạt nhân của nước mình. Nguyên nhân của tình trạng này là do cả thế giới đều nhìn thấy một thực tế trong tình hình mất một đối thủ chiến lược lớn là Liên Xô, không còn lực lượng nào ngăn cản nữa nên tâm lý bá quyền của Mỹ đã bành trướng, dựa vào ưu thế quân sự tuyệt đối, trước sau Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo, chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq, tìm kiếm lợi ích bá quyền với mức độ lớn nhất. Đã có một loạt quốc gia “bị tấn công”, cũng có mấy nước “chờ bị tấn công”. Đứng trước sự đe dọa của bá quyền Mỹ, một số nước lại chưa được “tái bảo đảm chiến lược” không bị Mỹ xâm phạm hoặc tấn công, trong tình hình đó các nước này đã coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân là bùa hộ thân bảo vệ an ninh quốc gia cho bản thân, họ tìm mọi cách để sở hữu được vũ khí hạt nhân. Bởi vậy, bá quyền Mỹ là nguồn gốc chiến lược gây ra tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới. Sau chiến tranh lạnh, ngọn lửa chiến tranh liên tục cháy ở khắp nơi, nguồn gốc không phải là ở vũ khí mà là ở bá quyền. Xét về mặt chiến lược, nhiệm vụ đầu tiên gìn giữ hòa bình thế giới không phải là “từ bỏ vũ khí hạt nhân” mà là “từ bỏ bá quyền. Chỉ khi nào Mỹ “từ bỏ bá quyền” thì thế giới mới có thể “từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Trong thế giới có bá quyền thì không thể xây dựng nổi “thế giới không hạt nhân”

Trong một “thế giới có bá quyền” các nước “không vũ khí hạt nhân” dễ bị các quốc gia bá quyền đe dọa nhất. Các quốc gia đó đứng trước sức ép lớn sinh tử tồn vong, trong tình hình không nhận được sự “tái bảo đảm chiến lược” không xâm lược, không tấn công từ các nước bá quyền, trong tình hình môi trường an ninh chiến lược của quốc gia mình chưa được bảo đảm cơ bản, vì để “có vũ khí hạt nhân tự bảo vệ”, các nước đó sẽ không từ bỏ chính sách phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.

Xây dựng “thế giới không bá quyền” là sự “bảo đảm chiến lược” cho việc xây dựng “thế giới không hạt nhân”. Trong một thế giới tồn tại đe dọa của bá quyền, dù là quốc gia bá quyền hoặc quốc gia không bá quyền, đều có nhu cầu chiến lược đối với vũ khí hạt nhân. Trong một thế giới không bá quyền thì vũ khí hạt nhân sẽ trở thành thứ lỗi thời. Rõ ràng tại vùng nào đêm ngủ không cần đóng cửa thì mọi thứ vũ khí đều là thừa. Bởi vậy, không có sự xuất hiện “thế giới phi bá quyền” thì sẽ không xuất hiện “thế giới phi hạt nhân”.

Bá quyền là căn nguyên thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân. Quá trình đi tới “thế giới không hạt nhân” tất nhiên là quá trình đi tới “thế giới không bá quyền”; việc tiến hành thuận lợi “bỏ hạt nhân” đối với một số quốc gia thì gắn liền với tiến trình “bỏ bá quyền” của một số quốc gia, phải lấy “bỏ bá quyền” để thúc đẩy “bỏ hạt nhân”.

Không thể cung cấp sự “tái bảo đảm chiến lược” cho bá quyền thế giới

Năm 2009, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ James Steinberg đưa ra một khẩu hiệu mới là “tái bảo đảm chiến lược”. Ông nói: “Như chúng ta và các đồng minh của chúng ta phải tỏ rõ, chúng ta đã sẵn sàng hoan nghênh sự có mặt của Trung Quốc như một nước lớn phồn vinh và thành công; Trung Quốc cũng phải bảo đảm với các quốc gia trên thế giới là sự phát triển và sự không ngừng tăng vai trò toàn cầu của họ sẽ không trả giá bằng an ninh và hạnh phúc của các quốc gia khác”.

Sự phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc không bắt các nước khác phải trả giá bằng an ninh và hạnh phúc của họ nhưng cũng không thể trao đổi bằng việc duy trì bá quyền thế giới của một quốc gia nào đó. Bá quyền là sản phẩm và sự thể hiện của nguyên tắc “luật rừng”; một thế giới dân chủ hòa bình và hòa hợp không phải là “cánh rừng” cho kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, không cần “chúa rừng”. Các nước lớn văn minh trong thế kỷ XXI có trách nhiệm dẫn đầu từ bỏ “tư duy bá quyền”, loại trừ “cạnh tranh bá quyền”, chấm dứt “tuần hoàn bá quyền”. Sự tái bảo đảm chiến lược đối với thế giới của Trung Quốc là không giành giật bá quyền, không xưng bá, là đóng góp vào việc xây dựng một thế giới phi bá quyền.

Tái bảo đảm chiến lược: Trung Quốc không làm “kẻ thừa kế bá quyền thế giới”

Ngày 10 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Nhật Hatoyama viết bài dưới đầu đề “Triết học chính trị của tôi” đăng trên tạp chí “Voice” số tháng 9, trong đó có đoạn viết: “Nhật Bản nằm giữa nước Mỹ đang tiếp tục phấn đấu duy trì địa vị bá quyền và Trung Quốc đang mưu cầu trở thành quốc gia bá quyền, vì vậy giữ gìn sự độc lập chính trị và lợi ích quốc gia mình như thế nào là vấn đề làm đau đầu Nhật Bản cũng như các nước nhỏ và vừa ở châu Á”. Thực ra Hatoyama chỉ mới nói đúng một nửa. Đúng vậy, Mỹ là quốc gia đang phấn đấu tiếp tục duy trì địa vị bá quyền, nhưng mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc đâu phải trở thành quốc gia bá quyền, mà là trở thành quốc gia phi bá quyền lớn mạnh.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là sự trỗi dậy của bá quyền, mà là sự chấm dứt bá quyền thế giới. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ có mục tiêu không phải là thay đổi và thế chân địa vị bá chủ, không phải là bá quyền thế giới đổi bá chủ, mà là chấm dứt một thế giới bá quyền cũ, hình thành một thế giới mới không có bá quyền. Thế giới đang ở khúc ngoặt của lịch sử, của cải và quyền lực đang từ phương Tây chuyển sang phương Đông. Điểm ngoặt và chuyển đổi này là sự chuyển tiếp, chuyển đổi từ thế giới có bá quyền sang thế giới không bá quyền. Trung Quốc trỗi dậy đang kéo theo sự trỗi dậy của một thế giới mới, thúc đẩy sự hình thành một thế giới không bá quyền đa cực hóa.

Cuộc chơi chiến lược của hai nước Trung Quốc và Mỹ sẽ làm biến đổi sâu sắc bộ mặt thế giới và cũng thay đổi sâu sắc vận mạng hai nước. Trong cuộc chơi đại chiến lược này, nước Mỹ sẽ hoàn tất sự chuyển đổi từ quốc gia bá quyền sang quốc gia phi bá quyền, Mỹ sẽ trở thành quốc gia bá quyền “cuối cùng” trên hành tinh này. Còn Trung Quốc thì sẽ trở thành quốc gia quán quân thế giới phi bá quyền “đầu tiên” trong lịch sử nhân loại.

Mỹ không tìm kiếm sự liên tục giữ chức bá quyền thế giới, Trung Quốc thì không tìm kiếm sự kế nhiệm. Đây mới là sự “tái bảo đảm chiến lược“ mà hai nước Trung Quốc - Mỹ cần cam kết với nhau. “Cứu nước Mỹ”: bá quyền không phải là mạch sống của nước Mỹ

Nước Mỹ đã thực sự đến lúc cần được cứu rỗi. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary đề xuất muốn “cùng hội cùng thuyền” với Trung Quốc, trên mức độ nào đó đã thể hiện tâm trạng này. “Cứu nước Mỹ”, cứu ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, ủng hộ và giúp đỡ là cứu vớt cụ thể. Muốn thực hành cứu căn bản, cứu tổng thể thì phải giúp nước Mỹ khắc phục “bệnh bá quyền”, đây là một chứng bệnh chí mạng về chính trị đe dọa thế giới mà cũng hủy hoại “quốc vận” của nước Mỹ.

Mọi rắc rối gây khó cho nước Mỹ đều có một căn nguyên chung, trên thực tế là “rắc rối bá quyền”; mọi nguy cơ của Mỹ đều bắt nguồn từ “nguy cơ bá quyền”; sự suy thoái của nước Mỹ trên thực chất là “suy thoái bá quyền”. Bởi lẽ trên thế giới hiện nay dựa vào bá quyền để chấn hưng đất nước, dựa bá quyền để làm nước mình giàu mạnh là đi ngược trào lưu lịch sử, bất cứ nước nào kiên trì bá quyền thế giới đều tất nhiên sẽ đi tới sa sút, suy tàn. Chỉ có chuyển biến thành “quốc gia phi bá quyền”, tiến lên “thế giới không bá quyền” thì mới thoát ra khỏi sự bị động chiến lược một cách căn bản và lâu dài.

Bá quyền thế giới là khối u của cường quốc thế giới. Nước lớn sẽ mất mạng vì bá quyền. Logic lịch sử là bá quyền làm mất nước, làm đất nước lầm đường lạc lối, làm đất nước suy sụp. Đối với nước Mỹ, bá quyền thế giới là con đường sa sút, suy tàn. Nó cũng là cái bẫy chiến lược đe dọa thế giới và đe dọa nước Mỹ. Cần phải kéo nước Mỹ ra khỏi cái bẫy chiến lược ấy. Nói cho đúng hơn, nước Mỹ phải tự cứu mình, phải tự giác nhảy ra khỏi cái bẫy bá quyền thế giới. Vấn đề cơ bản về chiến lược của Mỹ không phải là cảnh giác và e sợ kẻ khác thách thức địa vị bá chủ của họ, mà là tự cứu mình nhanh chóng thoát ra khỏi cái bẫy bá quyền.

Tiền đồ và lối thoát của nước Mỹ trong tương lai là ở chỗ triệt để thay đổi tư duy chiến lược dựa bá quyền để chấn hưng đất nước, dựa bá quyền để làm cho nước mình giàu mạnh; giải cứu nước Mỹ từ tư duy bá quyền, chiến lược bá quyền, mục tiêu bá quyền, thực hiện sự chuyển đổi căn bản quốc gia này, tức là từ quốc gia bá quyền chuyển đổi thành quốc gia không bá quyền, trở thành quốc gia bình thường trên thế giới. Đấy sẽ là một cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Để thế giới “vĩnh biệt bá quyền” là sứ mạng và cống hiến của cuộc chơi Trung Quốc - Mỹ

Thực chất mâu thuẫn Trung Quốc - Mỹ là ở chỗ Mỹ theo đuổi chiến lược duy trì thế giới một cực, tiếp tục giữ địa vị bá chủ thế giới. Nhưng trong trào lưu lớn đa cực hóa thế giới thì Trung Quốc đứng ở đầu ngọn trào và nhanh chóng trỗi dậy. Hạt nhân mâu thuẫn Trung Quốc - Mỹ là ở chỗ tương lai trật tự thế giới là một cực hay đa cực, là xây dựng một thế giới dân chủ đa cực hóa hay xây dựng một thế giới bá chủ đơn cực hóa; là tiếp tục “thế giới có bá quyền” hay chấm dứt bá quyền thế giới, sáng tạo một “thế giới không bá quyền”.

Trong lịch sử cận đại, các cuộc chơi nước lớn đều xoay quanh sự thay đổi bá quyền thế giới. Kết quả của mỗi cuộc chơi đó đều là bá quyền cũ kết thúc, bá quyền mới bắt đầu; điều này trở thành số phận của nước lớn trỗi dậy, thành vòng tuần hoàn của cuộc chơi nước lớn.

Cuộc chơi nước lớn Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI là một cuộc chơi nước lớn kiểu mới chưa từng có trong lịch sử. Cái mới của nó là ở chỗ: cuộc chơi ấy không xoay quanh sự “thay đổi bá quyền thế giới” mà triển khai xoay quanh sự “chấm dứt bá quyền thế giới”. Sứ mạng lịch sử và kết cục lịch sử cuộc chơi chiến lược Trung Quốc - Mỹ là thực hiện sự chấm dứt lịch sử bá quyền thế giới. Trung Quốc và Mỹ cần có sự “bảo đảm chiến lược”, sự “cam kết chiến lược” đối với thế giới; đó là: coi “chấm dứt bá quyền thế giới, sáng tạo thế giới không bá quyền” làm sứ mạng của mình, từ đó thực hiện: Mỹ không làm bá chủ thế giới, Trung Quốc không tranh giành bá quyền thế giới, như Obama đề xuất xây dựng “Số không hạt nhân toàn cầu”, đề xuất xây dựng “thế giới zero bá quyền”; như đề xuất xây dựng “thế giới không hạt nhân” đề xuất xây dựng “thế giới phi bá quyền”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3