Giấc mơ Trung Quốc - Chương 02 - Phần 05

Thời đại “tư duy chiến tranh lạnh” đã kết thúc

Chiến tranh lạnh là một giai đoạn lịch sử trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, tính văn minh của nó so với thời kỳ trước chiến tranh lạnh hoàn toàn không thể cung cấp tính hợp lý của việc nó tiếp tục tồn tại sau chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh có tính đối kháng, tính mạo hiểm cực lớn. Nó làm cho cả thế giới sống nơm nớp dưới lưỡi gươm sắc Damocles[10], biến cả trái đất thành một trái bom lớn, loài người luôn luôn sinh tồn và sống trong thứ hòa bình lạnh giá. Nhân loại không thể nào chịu đựng nổi cái giá cao của chiến tranh lạnh.

[10] Thanh gươm sắc Damocles: Theo truyền thuyết Hy Lạp cổ, Damocles là một bề tôi nhưng lại muốn làm vua; biết vậy, nhà vua bèn mở tiệc mời Damocles ngồi vào ngai vàng, phía trên có một thanh gươm sắc treo bằng sợi lông bờm ngựa (là loại sợi rất dễ đứt), nhằm để Damocles hiểu hoàn cảnh nghuy hiểm của kẻ làm vua. Điển tích này dùng để nói tai họa sắp giáng xuống.

Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài ngót nửa thế kỷ giữa Mỹ với Liên Xô về thực chất là cuộc Đại chiến thế giới lần thứ III dưới hình thái đặc biệt. Chiến tranh lạnh không phải là cuộc “thi đấu chung kết” giữa các nước lớn mà là một “đấu quyền Anh” giữa những người khổng lồ. Trong hai cuộc đại chiến thế giới lần trước, các nước lớn đua tài tranh bá quyền thế giới lấy thế giới làm chiến trường để tiến hành một cuộc “quyết đấu” tàn khốc mi chết ta sống. Nhưng hai kẻ tham gia chiến tranh lạnh lại là hai đấu thủ quyền Anh đẳng cấp thế giới, họ lấy thế giới làm sân đấu quyền Anh của mình để cạnh tranh một cuộc đấu quyết thắng bại, tuy không phải là quyết sống chết, bên này nhất định phải đánh bại, đánh ngã bên kia. Ngày nay khi hòa bình, phát triển và hợp tác đã trở thành yêu cầu của thế giới và trào lưu thời đại thì mô hình cạnh tranh “kiểu đấu quyền Anh” tuy không là cuộc quyết đấu phải lấy tính mạng của đối thủ, song cũng như mô hình cạnh tranh “kiểu quyết đấu”, nó tất nhiên sẽ bị thời đại đào thải, không còn được văn minh nhân loại nhắc tới nữa.

Thi đấu “điền kinh”: mô hình mới của cuộc cạnh tranh văn minh Trung Quốc - Mỹ

Cuộc chơi Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI không thể là “kiểu quyết đấu”, cũng không thể áp dụng “kiểu đấu quyền Anh”, mà chỉ là “kiểu thi đấu điền kinh”.

Hàm nghĩa của “thi đấu điền kinh” Trung Quốc - Mỹ

Cuộc “thi đấu điền kinh” Trung Quốc - Mỹ có hai tầng hàm nghĩa.

Thứ nhất, đây là cuộc cạnh tranh của hai nước Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI xoay quanh chuyện giành giật quốc gia quán quân, nó sẽ là cuộc cạnh tranh nước lớn văn minh nhất trong lịch sử của loài người. Nó không phải là sự cạnh tranh đại chiến “kiểu quyết đấu”, cũng không phải là cạnh tranh chiến tranh lạnh “kiểu đấu quyền Anh”, mà là cạnh tranh đua tài “kiểu thi đấu điền kinh”. Thứ hai, đây là cuộc cạnh tranh có tính thế kỷ, là cuộc thi đấu điền kinh giữa hai nước Trung Quốc - Mỹ. Nó không phải là cuộc thi chạy 100 mét, cũng chẳng phải là cuộc thi chạy 10 nghìn mét, mà là một cuộc “thi đấu lớn kiểu marathon”, là một cuộc đua đọ tài quả cảm, so nghị lực, đọ sức chịu đựng.

Bởi vậy, cuộc “thi đấu điền kinh” cạnh tranh giữa hai nước Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI sẽ có hai đặc điểm cơ bản nhất, đó là sự văn minh hóa cạnh tranh và tính lâu dài của cạnh tranh.

Khỏi phải giấu diếm “thách thức” và “đối thủ”

Bất cứ hoạt động cạnh tranh nào đều không thể không có thách thức, cũng không thể không có đối thủ. Thực chất của cạnh tranh và thi đấu là thách thức, tức lấy sự tồn tại của đối thủ làm tiền đề. Cạnh tranh giữa các quốc gia cũng sẽ có thách thức. Hơn nữa, giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại lại càng về khách quan hình thành một kiểu quan hệ đối thủ có sự thách thức và nghênh chiến giữa một bên giữ ngôi quán quân với một bên tranh ngôi quán quân. Bởi vậy, khỏi phải giấu diếm thách thức, khỏi phải e ngại thách thức.

Ở đây, vấn đề căn bản không ở chỗ có thách thức hay không mà ở chỗ tính chất và phương thức thách thức. Thách thức có tính “quyết đấu” là một tai nạn lớn “mi chết ta sống”; thách thức có tính “đấu quyền Anh” là sự trả giá nặng nề “ta thắng mi thua”. Nhưng thách thức có tính “điền kinh” thì nâng cao được thành tích thi đấu của cả hai bên; kiểu thách thức này vừa là hình thái tất nhiên của cuộc thi đấu bình thường mà cũng là sự khích lệ và thôi thúc đối với hai bên tham gia cạnh tranh. Không cho phép thách thức là điều vừa không thể được lại cũng bất lợi cho việc tăng động lực và sức sống phát triển thế giới.

Thách thức nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại là thách thức giữa các đối thủ quyết đấu và đấu thủ quyền Anh; quốc gia bá quyền mới nổi lên thông qua thách thức quốc gia bá quyền cũ để xác lập địa vị bá quyền của mình. Nhưng trải qua một giai đoạn, thực lực và quyền lực suy yếu, xuất hiện một hoặc nhiều quốc gia thách thức khác, lại thách thức quốc gia bá quyền vốn có. Thí dụ Tây Ban Nha thách thức Bồ Đào Nha, Pháp thách thức Hà Lan; Pháp và Đức lần lượt thách thức Anh; Mỹ giúp Anh đối phó với sự thách thức năm 1914 - 1918; sau đó nước Mỹ bộc lộ toàn bộ tài năng trong cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, trở thành quốc gia bá quyền rồi Mỹ lại đứng trước thách thức của Liên Xô. Rõ ràng các thách thức này đã đem lại tai nạn cho hai bên đối kháng nhau, thậm chí cho cả thế giới, đi ngược với trào lưu thế giới ngày nay. Cộng đồng quốc tế đã loại bỏ sự thách thức có tính “quyết đấu” và thách thức có tính “đấu quyền Anh” song lại không thể loại bỏ sự thách thức có tính chất “thi đấu điền kinh”. Cộng đồng quốc tế là một “sân khấu quốc tế”, mỗi một quốc gia đều muốn diễn thật tốt vai trò của mình trên sân khấu đó. Sân khấu quốc tế cũng là “sân thi đấu quốc tế” mà mỗi quốc gia đều là một vận động viên; tuy rằng quốc gia làm vận động viên và cá nhân làm vận động viên thì khác nhau rất nhiều song họ đều có nguyện vọng chung là lập được thành tích thi đấu tốt. Trong quá khứ, sân thi đấu quốc tế thực ra là một “sân giác đấu quốc tế”; về sau dần dần văn minh hóa trở thành “sân đấu quyền Anh”; hiện nay thì ngày càng trở thành “sân thi đấu điền kinh quốc tế”. Cuộc cạnh tranh Thế vận hội về quốc lực tổng hợp của cộng đồng quốc tế diễn ra thường xuyên. Cái gọi là thách thức trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ là sự cạnh tranh và thách thức trong các cuộc “thi chạy”, “thi nhảy cao”, thi thố tinh thần Olympic xem ai “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”. Bởi vậy, cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ sẽ mang lại sức sống và sức thúc đẩy to lớn cho sự tiến bộ của nhân loại chứ không phải là đem lại tai họa cho thế giới.

Tám sự khác biệt lớn giữa cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ với cạnh tranh Mỹ - Liên Xô

Cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ và cạnh tranh Mỹ - Liên Xô là hai loại cạnh tranh có tính chất khác nhau, chủ yếu gồm 8[11] đặc điểm chiến lược khác nhau, các đặc điểm đó quyết định cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ sẽ không trở thành một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai.

[11] Bản gốc tiếng Trung Quốc viết nhầm là 9, người dịch sửa là 8.

1. Hoàn cảnh cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh Mỹ-Liên Xô là cạnh tranh giữa hai xã hội, là một thế giới hai xã hội, một trái đất hai thế giới. Liên Xô tổ chức được một xã hội xã hội chủ nghĩa với phe xã hội chủ nghĩa là một thể thống nhất, còn Mỹ thì tổ chức được một cái gọi là xã hội tự do, là một xã hội chủ nghĩa tư bản. Cộng đồng quốc tế chia rẽ làm hai xã hội không thể chung sống, thế giới chia rẽ làm hai thế giới đối kháng và đối địch - “thế giới tự do” và “thế giới cực quyền”. Nhưng cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI không phải là cạnh tranh giữa hai xã hội và hai thế giới, mà là cùng nhau xây dựng một thế giới mở, thế giới hòa hợp hòa bình và phát triển. Trung Quốc không tổ chức một thế giới khác đối kháng và đối lập với Mỹ, mà là hòa nhập với thế giới, hòa nhập quỹ đạo thế giới.

2. Mục tiêu cạnh tranh khác nhau: Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Liên Xô là cạnh tranh bá quyền thế giới. Nhưng đặc điểm quốc gia của Trung Quốc là không xưng bá. Trung Quốc cần “tranh thứ nhất” nhưng “không tranh bá”. Trung Quốc muốn đi qua con đường không tranh bá để trở thành nhất thế giới, Trung Quốc muốn xây dựng một quốc gia không xưng bá lớn mạnh số Một thế giới. Trung Quốc không phải là quốc gia “loại hình cách mạng thế giới” theo kiểu Liên Xô, cũng không phải là quốc gia “loại hình xuất khẩu dân chủ” kiểu Mỹ. Trung Quốc là quốc gia loại hình hòa bình, hữu hảo, đặc sắc, phòng ngự. Cho nên Trung Quốc không cần vận dụng vũ khí chiến tranh lạnh để đối phó và xử lý mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ.

3. Nội dung cạnh tranh khác nhau: Cuộc cạnh tranh Mỹ-Liên Xô có sắc thái ý thức hệ mãnh liệt. Sự tấn công trên mặt hình thái ý thức giữa hai bên trên thực tế là tái bản của cuộc chiến “Thập tự quân”. Nhưng cuộc cạnh tranh chiến lược trong thế kỷ XXI giữa Trung Quốc với Mỹ chủ yếu không phải là sự tranh đấu về hình thái ý thức. Trung Quốc trở thành một nước tư bản cũng chẳng có lợi ích chiến lược gì lớn đối với Mỹ; Trung Quốc làm một nước xã hội chủ nghĩa cũng không có tổn hại chiến lược gì đối với Mỹ. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội “vô hại” với Mỹ. Cuộc cạnh tranh giữa Liên Xô và Mỹ là cuộc thi thố hơn kém giữa chủ nghĩa tư bản mô hình Mỹ với chủ nghĩa xã hội mô hình Liên Xô. Cuộc cạnh tranh Mỹ với Trung Quốc là sự làm quen với chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội không tranh bá, không xưng bá, chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội kinh tế thị trường, là chủ nghĩa xã hội hòa nhập quỹ đạo với thế giới phương Tây, là chủ nghĩa xã hội cùng chung lợi ích với phương Tây. Cho nên tất nhiên Trung Quốc và Mỹ sẽ có sự thống nhất giữa cạnh tranh văn minh và hợp tác khăng khít.

4. Đội ngũ cạnh tranh khác nhau: Cuộc cạnh tranh chiến lược Liên Xô - Mỹ là cạnh tranh quần thể giữa hai liên minh, là cạnh tranh giữa hai phe, hai bên đều tổ chức một phe phái khổng lồ, cho dù là quốc gia không ở trong phe cũng phải có lập trường, phải tỏ rõ thái độ, phải phân chia chiến tuyến, phải đứng vào hàng ngũ. Nhưng cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ nhìn chung thì thuộc về cạnh tranh cá thể, hai bên đều không có liên minh quần thể và phe phái gì cả, khó có thể “phát động tấn công tập thể” với đối phương.

5. Tính chất cạnh tranh khác nhau: Mâu thuẫn và cạnh tranh giữa Liên Xô với Mỹ có tính đối kháng, vì Liên Xô muốn đánh đổ chế độ xã hội Mỹ mà Mỹ cũng muốn thay đổi chế độ xã hội của Liên Xô. Liên Xô muốn biến Cách mạng tháng Mười thành cách mạng thế giới. Mỹ thì muốn biến chế độ dân chủ Mỹ thành chế độ dân chủ của thế giới. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược Liên Xô - Mỹ, hai bên đều tấn công chiến lược, đều xuất khẩu mô hình. Liên Xô muốn xuất khẩu mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô. Mỹ thì muốn xuất khẩu mô hình tự do dân chủ kiểu Mỹ. Hai bên đều muốn dùng mô hình của mình để thay đổi và nhào nặn đối thủ, cải tạo và nhào nặn thế giới. Chủ nghĩa xã hội Liên Xô là chủ nghĩa xã hội kiểu tấn công, muốn cắm cờ đỏ khắp thế giới. Chủ nghĩa tư bản Mỹ cũng là chủ nghĩa tư bản kiểu tấn công và bành trướng, muốn biến toàn thế giới thành thế giới dân chủ, thế giới tự do. Nhưng cuộc cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ thì khác; Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, Trung Quốc kiên trì đặc sắc của mình, đồng thời hòa nhập mình vào thế giới đa nguyên hóa.

6. Rủi ro cạnh tranh khác nhau: Cuộc cạnh tranh Liên Xô-Mỹ là cạnh tranh luôn luôn sẵn sàng gây đại chiến thế giới và chiến tranh hạt nhân; mấy lần hai bên xảy ra nguy cơ chiến tranh đều suýt nữa biến thành đại chiến thế giới hủy diệt loài người. Nhưng có thể nói cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ trên mặt quân sự là sự cạnh tranh “Trung Quốc - Mỹ không có đại chiến”, “Trung Quốc - Mỹ không có chiến tranh hạt nhân”.

7. Nguyên tắc cạnh tranh khác nhau: Cuộc cạnh tranh chiến lược Liên Xô - Mỹ tuân theo nguyên tắc kết cục bằng số không “mi chết ta sống”, “mi yếu ta mạnh”, “mi thắng ta thua”. Nhưng cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ không có mục tiêu là “đánh gục”, “chiến thắng” đối phương, xét về tổng thể thì hợp tác, cùng có lợi, cùng thắng, cùng phồn vinh là các đặc điểm nổi bật. Thế giới này không thể không có nước Mỹ. Trái đất này cũng không thể không có Trung Quốc; nước Mỹ trong tương lai không thể tách rời một Trung Quốc phồn vinh, Trung Quốc trong tương lai cũng cần có một nước Mỹ phồn vinh.

8. Kết cục cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh chiến lược giữa Liên Xô với Mỹ làm cho thế giới vô cùng căng thẳng, phải trả giá cao. Nhưng cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ sẽ là một quá trình có tính sáng tạo, hai nước sẽ đều có sáng tạo mới trên các mặt cạnh tranh chính trị, cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh ngoại giao, cạnh tranh quân sự. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh văn minh nhất trong các cuộc cạnh tranh nước lớn kể từ ngày loài người có sử, đặc biệt là từ ngày hình thành Cộng đồng quốc tế cận đại, hơn nữa sẽ sáng tạo được một kiểu văn minh cạnh tranh, thúc đẩy cạnh tranh chiến lược nước lớn trên thế giới lên một giai đoạn văn minh mới, làm cho thế giới càng văn minh, càng hòa bình, càng dân chủ, càng phát triển. Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ sẽ dùng một kiểu khác với cạnh tranh “kiểu chinh chiến” trước hai cuộc Đại chiến Thế giới, khác với cạnh tranh “kiểu chiến tranh lạnh” sau cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, sẽ dùng cạnh tranh “kiểu đường chạy đua” trên sân thi đấu quốc tế để nâng cạnh tranh chiến lược quốc gia trong quan hệ quốc tế lên một giai đoạn mới - giai đoạn thứ ba. Cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia là một loại trật tự chiến lược, quy luật chiến lược, văn hóa chiến lược, văn minh chiến lược. Mỹ không thể dùng tư duy và mô thức cạnh tranh với Liên Xô để đối phó với thực tiễn cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Muốn nước Mỹ phồn vinh thì tất phải để Trung Quốc phồn vinh

Một nhân tố quan trọng quyết định hai nước Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể đi con đường cạnh tranh mới “thi đấu điền kinh” là mối lợi ích kinh tế càng ngày càng khăng khít giữa hai bên, là quy luật buôn bán chỉ có thể cùng nhau đi lên phồn vinh. Năm xưa giữa Anh và Mỹ có quan hệ buôn bán khăng khít, Anh phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu từ Mỹ, còn Mỹ là thị trường lớn nhất của hàng dệt Anh, đặc biệt Anh có đầu tư lớn tại nước Mỹ. Đến thập niên 50 thế kỷ XIX số chứng khoán chính phủ Mỹ do người Anh nắm giữ đã vượt quá tổng số chứng khoán Mỹ do các nước châu Âu khác nắm giữ. Năm 1857, tổng số chứng khoán của bảy công ty đường sắt Mỹ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London lên tới 80 triệu Bảng Anh. Thủ tướng Anh Liverpool từng nói: Bất cứ ai “muốn nước Anh phồn vinh thì phải để cho nước Mỹ phồn vinh”. Thử xem lại sự phát triển quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc với Mỹ trong 30 năm qua và quy mô hiện nay đã đạt được cũng như triển vọng trong tương lai, có thể thấy một sự thực: Bất cứ ai “muốn nước Mỹ phồn vinh thì đều phải để cho Trung Quốc phồn vinh”.

Trong cộng đồng mạng nước Pháp một dạo từng có người đề xướng “Tẩy chay hàng Trung Quốc”, song lập tức có cư dân mạng khác đáp lại: “Tẩy chay Trung Quốc có nghĩa là trước hết chúng ta phải cởi hết quần áo, vứt qua cửa sổ các thứ như điện thoại di động, chuột máy tính, bàn phím, màn hình máy tính, LCD, MP3, đồng hồ đeo tay, phụ tùng ô tô, xe máy v.v. Các bạn có thể làm được thế hay không?”. Ngày nay bình quân mỗi người trên thế giới hàng năm đi một đôi giày Trung Quốc sản xuất, mua hai mét vải Trung Quốc, ba chiếc quần hoặc áo Trung Quốc may. Cuộc sống của những người tiêu dùng phương Tây không thể rời khỏi hàng Trung Quốc chế tạo. Trái khoán dollar Mỹ do Trung Quốc mua bằng ngoại tệ kiếm được từ xuất khẩu đang giúp hệ thống tài chính thế giới được ổn định. Nếu kinh tế Trung Quốc sụp đổ thì đó sẽ là tai nạn của thế giới. Cho dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại thì cũng đem lại hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế thế giới. Một số người hiểu biết ở phương Tây đã thấy rõ nhân tố gây ra sự đe dọa không phải là sự phát triển của Trung Quốc mà là những trục trặc và thất bại có thể xảy ra tại Trung Quốc. Xét trên ý nghĩa đó, đúng là “Trung Quốc phát triển, nước Mỹ đắc lợi, thế giới có lợi”.

Trung Quốc và Mỹ cùng nhau sáng tạo “văn hóa mới cạnh tranh nước lớn”

Chuyển dịch cuộc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại từ sân đấu quyền Anh sang sân thi đấu điền kinh, đưa vào quỹ đạo “Thi đấu trên đường chạy”, đây là một cuộc cách mạng trong chính trị quốc tế, là sự đổi mới có tính lịch sử của văn hóa cạnh tranh nước lớn. Về mặt này, sự xuất hiện Liên minh châu Âu là một sáng tạo vĩ đại, có ý nghĩa gợi ý sâu sắc đối với Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ XXI.

Trong hơn 1.100 năm trước Đại chiến Thế giới lần thứ II, giữa hai nước Pháp và Đức đã xảy ra hơn 200 cuộc chiến tranh, bình quân cứ năm năm lại đánh nhau một trận. Trong cuộc đối kháng và chinh chiến cả nghìn năm ấy, kẻ thua là kẻ thua bi thảm, kẻ thắng cũng là thắng bi thảm. Bài học đau đớn cả hai bên đều tổn thất đã mở lối chỉ đường cho các trí tuệ chính trị của họ. Cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II đã làm cho cục diện châu Âu thay đổi to lớn, qua đó thúc đẩy trào lưu tư tưởng đã có từ lâu “Liên hợp châu Âu”, “Thống nhất châu Âu” một lần nữa trở nên thịnh hành. Ngay từ năm 1942, Churchill[12] đã xem xét vấn đề chấn hưng uy phong châu Âu sau chiến tranh, ông đề xuất ý tưởng xây dựng “Hợp Chủng Quốc châu Âu”. Tháng 3 năm 1943, đại hội toàn Âu [Pan-Europa] họp lần thứ năm tại New York, đại hội này do một nhân vật đã nhiều năm cổ xúy “chủ nghĩa liên bang châu Âu” là Richard Coudenhove-Kalergi đề xướng, đã chủ trương sau chiến tranh sẽ thành lập liên minh châu Âu. Tháng 9 năm 1946, Churchill đọc bài diễn văn “Bi kịch của châu Âu” tại trường đại học Zurich, kêu gọi “xây dựng một tổ chức giống như Hợp Chủng Quốc châu Âu”. “Đại hội châu Âu” họp tại Hague từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 7 năm 1948, có khoảng 800 đại biểu các nước tới dự, kể cả các nhân sĩ nổi tiếng như Winston Churchill, Édouard Herriot, Paul van Zeeland, Konrad Adenauer, v.v. Đại hội ra “Thư gửi nhân dân châu Âu”, tỏ ý hy vọng có thể lập được một châu Âu thống nhất, một hiến chương nhân quyền châu Âu và toà án chấp hành hiến chương. Chủ nghĩa liên bang yêu cầu xây dựng một chính phủ liên bang có quyền lực siêu quốc gia. Sau Thế chiến II, Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức là Konrad Adenauer và Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Pháp thứ V là De Gaulle đã thành công hóa giải được mối thù hận mấy trăm năm giữa hai quốc gia. Tổ chức “Liên minh châu Âu” được khởi động bằng “động cơ” Pháp và Đức, nhờ hình thành được một thị trường thống nhất, đồng tiền chung, thành lập Nghị viện chung thậm chí lực lượng quân sự chung mà sản sinh được một khối liên hợp siêu mạnh.

[12] tức Sir Winston Churchill, 1874-1965, nhà chính trị, nhà văn, Thủ tướng Anh Quốc 1940-1945, 1951-1955, người lãnh đạo nước Anh chống lại phát xít Đức trong Thế chiến II, ông đạt giải Nobel văn học năm 1953.

Sự hợp tác và phát triển của châu Âu sau chiến tranh là một kỳ tích trong lịch sử nhân loại. Brzezinski nói: “Tôi cho rằng châu Âu đúng là một nhà tiên phong. Tại Mỹ có người coi thường châu Âu thậm chí dùng con mắt phê phán nhìn nhận sự liên minh của châu Âu. Đây là một quan niệm sai lầm... Trên cơ sở nhận thức chung, bình đẳng và tiếp thu, châu Âu đang thử sáng tạo một cơ cấu quốc gia siêu việt. Tôi cho rằng xét theo quan điểm lâu dài, thế giới cũng sẽ tổ chức như thế... Bởi vậy, sự thử nghiệm này của châu Âu là rất quan trọng; thử nghiệm đó thành công sẽ tốt cho lợi ích chung của chúng ta... châu Âu không phải là thứ trừu tượng, nó thể hiện sự giao lưu giữa các quốc gia và sự thay đổi đời sống nhân dân”.

Giáo sư Joseph Nye ở Học viện chính trị Kennedy thuộc đại học Harvard khi trả lời phỏng vấn có nói: “Liên minh châu Âu là một thử nghiệm độc đáo trong lịch sử thế giới. Trước đây, có một số quốc gia liên hợp lại xây dựng một liên bang, như nước Mỹ hồi thế kỷ XVIII. Nhưng châu Âu rất độc đáo, họ không xây dựng liên bang mà xây dựng một liên minh có quan hệ khăng khít hơn các tổ chức quốc tế khác, hơn nữa các nước không bỏ mất địa vị quốc tế của mình. Hình thức này rất hay vì nó loại bỏ được mối quan hệ cạnh tranh và đấu tranh lẫn nhau giữa các quốc gia châu Âu trong thế kỷ trước, nhờ đó tránh được các hậu quả có tính phá hoại. Ngày nay, không thể nào tưởng tượng giữa Đức và Pháp lại có thể có chiến tranh. Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục tồn tại, nó có lợi cho kinh tế và chính trị châu Âu, nó sẽ phát triển tiếp. Một số người cho rằng nó sẽ phát triển liên bang, nhất định sẽ có ngày châu Âu trở thành một quốc gia như nước Mỹ. Nhưng tôi nghi ngờ khả năng đó. Tôi đánh giá tốt sự phát triển của Liên minh châu Âu nhưng tôi không cho rằng nó sẽ phát triển thành một quốc gia liên bang”.

Tiến trình thống nhất Liên minh châu Âu còn lạc quan hơn dự kiến của các nhà chính trị. Ngày 3 tháng 11 năm 2009, Liên minh châu Âu thông qua “Hiệp ước Lisbon”. Sau đó không lâu họ lại bầu ra “Tổng thống” và “Bộ trưởng Ngoại giao”. Một “chuẩn quốc gia Liên minh châu Âu” đã xuất hiện trước mắt thế gian.

Nếu nói rằng mối quan hệ giữa các nước lớn châu Âu trải qua sự chuyển biến lịch sử từ cạnh tranh chiến tranh đến liên minh hợp tác, xây dựng một quốc gia thống nhất; nếu nói rằng Liên minh châu Âu là một sáng tạo vĩ đại đầu tiên của cuộc cạnh tranh nước lớn sau Thế chiến II, thế thì cuộc cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ trong 50 năm tới sẽ là sáng tạo thứ hai, tức sáng tạo mô hình văn minh mới của cuộc cạnh tranh nước lớn. Sự sáng tạo mô hình mới của cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ sẽ càng vĩ đại hơn sự sáng tạo Liên minh châu Âu. Bởi lẽ Liên minh châu Âu là một liên minh “đồng chất”, là sự sáng tạo mối quan hệ quốc gia có chế độ xã hội và hình thái ý thức tương đồng, là sáng tạo trong phạm vi khu vực châu Âu, có tính hạn chế của nó. Nhưng việc sáng tạo thành công mô hình mới cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ lại là hai quốc gia có chế độ xã hội và hình thái ý thức khác nhau về chất; hai nước tiến hành sự sáng tạo có ý nghĩa toàn cầu sâu xa trên vị trí chiến lược của quốc gia quán quân và quốc gia quán quân tiềm tại. Sáng tạo này tất sẽ là một cống hiến vĩ đại cho sự cấu trúc thế giới dân chủ, thế giới hợp tác, thế giới văn minh và thế giới hòa nhập.