Giấc mơ Trung Quốc - Chương 03 - Phần 01

Chương III: “THỜI ĐẠI TRUNG QUỐC” là “THỜI ĐẠI PHÚC DA VÀNG” CỦA THẾ GIỚI

Sự xuất hiện mỗi quốc gia quán quân đều sẽ mở ra một thời đại. Mở ra thời đại Trung Quốc là trách nhiệm lịch sử của Trung Quốc, là tiêu chí thành công của sự trỗi dậy và phục hưng Trung Quốc, cũng là xu thế tất nhiên của tiến bộ lịch sử.

Về bản chất, thời đại Trung Quốc là “Thời đại Phúc da vàng”. Khi phê phán “Thuyết Họa da vàng” của phương Tây, Tôn Trung Sơn vạch rõ: Thời đại Trung Quốc trong tương lai không phải là thời đại “Họa da vàng” mà là thời đại “Ơn huệ da vàng”, thời đại “Lợi ích da vàng”, thời đại “Phúc da vàng”. Thời đại Trung Quốc không phải là thời đại Trung Quốc đe dọa thế giới mà là thời đại Trung Quốc tạo phúc cho thế giới.

I. Thời đại Trung Quốc là thời đại “Địa vị lãnh tụ của Trung Quốc” xác lập thế giới

Tiêu chí thứ nhất của thời đại Trung Quốc là xác lập địa vị lãnh tụ trên thế giới, phát huy tác dụng dẫn dắt cộng đồng quốc tế.

Ngày 3 tháng 7 năm 2009 trong “Hội nghị think tank toàn cầu” họp ở Bắc Kinh, phóng viên “Tuần báo Thời đại” đã đối thoại với cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi về một số vấn đề nóng hổi. Phóng viên hỏi: “Phải chăng tình hình bố cục thế giới đang có thay đổi mạnh, Trung Quốc ở vào địa vị nào trong quá trình đó?”. Prodi trả lời: “Thế vận hội Olympic Bắc Kinh thể hiện với thế giới một “Trung Quốc mỉm cười”, có ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng quốc tế. Cách đấy không lâu, nhà lãnh đạo Trung Quốc lại tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, sức ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc lên cao chưa từng thấy; không có Trung Quốc thì G20 không họp được. Điều đó thể hiện Trung Quốc đang từng bước đi lên hàng ngũ nhà lãnh đạo thế giới”.

Câu nói của Prodi về vấn đề “Trung Quốc đang từng bước đi lên hàng ngũ nhà lãnh đạo thế giới” chứng tỏ một sự thực ai cũng thấy trong cộng đồng quốc tế. Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị bài xích ra ngoài hàng ngũ các nhà lãnh đạo thế giới, nhưng hiện nay đang từng bước tiến vào hàng ngũ này. Trung Quốc nên tiến vào hàng ngũ ấy, Trung Quốc ắt phải và cũng tất nhiên tiến vào hàng ngũ ấy.

Trung Quốc không có “Tội tổ tông”

Cho tới nay tất cả các nước lớn trỗi dậy trong lịch sử cận đại đều có lý lịch không tốt, đều có tiền sử phạm tội. Họ từng cạnh tranh xâm lược, thực dân, cướp đoạt, hai tay dính đầy máu. Nhưng Trung Quốc trỗi dậy là sự trỗi dậy văn minh, “sạch sẽ”. Trung Quốc không “khám phá” thế giới “mới”, không chiếm thuộc địa, không buôn bán nô lệ, không buôn bán thuốc phiện, không xâm lược nước ngoài. Trong số các nước lớn trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia duy nhất không có “tội tổ tông”, xuất thân trong sạch, lịch sử trong trắng, đạo đức cao thượng. Đây là điều kiện đạo đức quan trọng để Trung Quốc đảm đương nhiệm vụ lớn làm lãnh đạo.

Lịch sử trỗi dậy của các nước phương Tây là lịch sử phạm tội tổ tông. Tội tổ tông của các nước phương Tây là dùng cách tạo ra một châu Phi lạc hậu để dựng nên một châu Âu phát triển. Quá trình phát triển và hậu quả của việc buôn nô lệ vượt Đại Tây Dương thể hiện rõ ràng sự nghiêm trọng của tội tổ tông mà phương Tây phạm phải. Ngay từ thời kỳ “khám phá lớn về địa lý”, châu Phi đã trở thành nguồn “tích lũy nguyên thuỷ” cho tư bản châu Âu, trở thành “bãi săn bắt có tính thương mại người da đen”. Năm 1492, Columbus phát hiện đại lục mới châu Mỹ, “đặt nền móng cho tệ nạn buôn bán nô lệ da đen”. Theo ước tính, đầu thế kỷ XVII, hàng năm châu Phi xuất đi hơn 10 nghìn người nô lệ. Quá trình buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương diễn ra điên cuồng ở châu Phi lâu tới bốn thế kỷ. Thời gian thế kỷ XVII-XVIII là giai đoạn buôn nô lệ châu Phi diễn ra điên cuồng nhất. Trong giai đoạn đó, ngoài người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ra còn có người Anh, Hà Lan và người Pháp tiến hành hoạt động buôn nô lệ ở hai bờ Đại Tây Dương. Năm 1714, sau khi chiến tranh giành ngôi vua ở Tây Ban Nha chấm dứt, căn cứ theo “Hiệp ước Utrecht”, nước Anh giành được từ tay Tây Ban Nha đặc quyền buôn nô lệ châu Phi tại các thuộc địa của Tây Ban Nha trong thời gian 30 năm. Do kinh tế nông trại ở Mỹ phát triển nhanh cần nhiều nhân công lao động nô lệ, số lượng tàu thuyền buôn nô lệ tăng mạnh. Lấy nước Anh làm thí dụ, năm 1709 Liverpool chỉ có một chiếc tàu buôn nô lệ, năm 1730 tăng tới 15 chiếc, năm 1771 tăng lên 105 chiếc, năm 1792 lên tới 132 chiếc. Marx vạch rõ: “Liverpool phát triển dựa vào buôn nô lệ”. Thời gian 1709 - 1787, tổng trọng tải thương thuyền Anh dùng trong ngoại thương tăng 14 lần, trong đó tăng nhiều nhất là các tàu buôn nô lệ. Các nước khác ở châu Âu cũng kiếm lời lớn từ việc buôn nô lệ châu Phi. Nantes và Bordeaux ở Pháp, Amsterdam ở Hà Lan, New York, Boston và Philadelphia ở Mỹ trên mức độ khác nhau đều là các đô thị thương mại phát triển lên nhờ buôn nô lệ. Trong thế kỷ XVIII, kiểu “buôn bán tam giác” phát triển cực thịnh.

“Buôn bán tam giác” gồm ba hành trình đi biển: một là người châu Âu trước tiên đáp thuyền từ cảng nước mình sang bờ Tây châu Phi, dùng các sản phẩm rẻ tiền như rượu mạnh, hàng dệt may, đồ trang sức, súng đạn để đổi lấy hoặc cướp lấy nô lệ; hai là đưa nô lệ lên tàu thuyền, chở đến thuộc địa ở châu Mỹ đổi lấy khoáng sản và nông sản; ba là cuối cùng chở nguyên vật liệu và sản phẩm từ châu Mỹ về châu Âu, đem bán trên các thương trường. Kiểu buôn bán tam giác này làm cho những kẻ buôn nô lệ mỗi chuyến đi có thể kiếm được lợi nhuận từ 100% đến 300%. Một nô lệ khi rời bờ biển châu Phi có giá 50 USD, đến châu Mỹ bán được 400 USD.

Các nhà lịch sử châu Phi chia lịch sử buôn nô lệ châu Phi trong thời cận đại làm ba giai đoạn: giai đoạn một từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, là giai đoạn bắt đầu tổ chức buôn nô lệ vượt Đại Tây Dương, phạm vi chủ yếu tập trung tại hai bờ Đông Tây Đại Tây Dương. Giai đoạn hai từ giữa thế kỷ XVII đến nửa cuối thế kỷ XVIII, là giai đoạn việc buôn nô lệ châu Phi nhộn nhịp nhất. Giai đoạn ba từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa cuối thế kỷ XIX, việc buôn nô lệ (nhất là buôn nô lệ qua Đại Tây Dương) suy tàn dần.

Sách “Nạn buôn nô lệ châu Phi thế kỷ XV - XIX” có viết: tổng số nô lệ xuất đi từ châu Phi trong thời gian thế kỷ XVI - XIX vào khoảng 15 - 30 triệu người; nếu kể cả số người chết trong quá trình đi trên đường vận chuyển, thì tổng cộng là 210 triệu người. Lãnh tụ phong trào người da đen Mỹ ông Du Bois cho rằng trong thời gian nói trên, số nô lệ xuất từ châu Phi sang châu Mỹ ít nhất là 10 triệu người, nếu kể cả số người chết dọc đường đi thì vào khoảng 60 triệu người. Sử gia Mỹ giáo sư Curtin đưa ra ước tính mới dựa trên số liệu các hồ sơ lưu trữ, cho rằng từ giữa thế kỷ XV đến thế kỷ XIX có khoảng 11 triệu nô lệ xuất đi từ châu Phi trong thời gian từ giữa thế kỷ XV tới thế kỷ XIX (không kể số chết khi bị bắt và khi chuyên chở họ). Nạn buôn nô lệ đã gây ra tai họa xã hội cho châu Phi, làm cho xã hội châu Phi suy thoái toàn bộ. Các nước phương Tây nên thành lập “Quỹ chuộc tội” với châu Phi.

Tây Ban Nha đã phạm tội tổ tông hãm hại tôn giáo. Thí dụ năm 1526, vua Tây Ban Nha Charles V hạ lệnh mỗi đội tàu thuyền phải đem theo một nhà truyền giáo, nếu không sẽ không được rời cảng. Năm 1532, Charles V yêu cầu Giáo hoàng phái 200 nhà truyền giáo đến châu Mỹ La tinh. Theo ghi chép của nhà truyền giáo nổi tiếng Las Casas, những người Tây Ban Nha xâm lược mỗi khi chinh phục được địa phương nào họ đều ra lệnh dùng hình thức tử hình tàn khốc nhất và dùng vũ lực buộc dân chúng địa phương phải theo Ki Tô giáo và chấp nhận sự thống trị của vua Tây Ban Nha. Ai không tuân lệnh sẽ lập tức bị giết. Đảo Andrés ban đầu có 3 triệu người Indian, năm 1514 còn 14.000 người, cuối cùng còn lại có 200 người.

Marx nói: “Để chiếm Malacca, người Hà Lan đã hối lộ Tổng đốc Bồ Đào Nha. Năm 1641, Tổng đốc cho phép họ vào thành. Để “tiết kiệm” khoản chi 21.875 Bảng, họ đến ngay nhà riêng viên Tổng đốc và giết ông ta. Họ đi đến đâu thì nơi ấy biến thành đất hoang vu, người thưa thớt. Tỉnh Papaichton ở Guiana năm 1750 có hơn 80 nghìn dân, năm 1811 chỉ còn có 8.000 người. Điều đó được gọi là thương nghiệp ôn hòa đấy!”.

Nhật Bản, được gọi là “kẻ cướp của kẻ cướp” từng có tội tổ tông dã man tàn sát loài người. Sự tàn ác của Nhật nổi tiếng trong các nước phương Tây. Tháng 11 năm 1894, quân Nhật chiếm Đại Liên, Lữ Thuận, tới đâu chúng cũng đốt sạch, cướp sạch. Trong vụ thảm sát tại Lữ Thuận có 20 nghìn người Trung Quốc bị giết, chỉ còn lại 36 người thuộc đội thu lượm xác chết được miễn bị sát hại. Báo chí châu Âu và Mỹ đã đưa tin về hành vi tàn ác của quân Nhật. Báo “Thế giới New York” lên án: “Nhật Bản là con quái thú đội lớp da văn minh mà có xương cốt dã man”. Trong 15 năm Nhật tiến hành chiến tranh xâm lược Trung Quốc, quân dân Trung Quốc thương vong 35 triệu người, trong đó chết 20 triệu người, thiệt hại tài sản trực tiếp 100 tỷ USD, thiệt hại kinh tế gián tiếp 500 tỷ USD. Trong thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, có hơn 1,11 triệu dân Phillippines hy sinh trong chiến đấu và bị tàn sát; nhân dân Việt Nam chỉ trong hai năm 1944 - 1945 bị chết đói 2 triệu người. Lao công người Indonesia bị bắt đi lao động chết khoảng 2 triệu người. Tại Malaysia, có hơn 100 nghìn người bị lính Nhật giết hại. Tại Thái Lan và Myama, riêng vụ cưỡng chế lao công đi làm đường sắt Thái - Myanma (còn gọi là con đường sắt chết chóc) đã có 12 nghìn tù binh và 250 nghìn lao công bị chết.

Mỹ là quốc gia phạm tội tổ tông chồng chất. Ngày 16 tháng 9 năm 1620, 102 tín đồ Thanh giáo Anh lên chiếc thuyền “Hoa tháng Năm” qua 66 ngày đêm vượt biển đến đại lục Bắc Mỹ; năm sau chỉ còn lại 50 người. Nhưng năm 1621 họ gặt hái được một vụ mùa màng bội thu bèn làm lễ tạ ơn Thượng Đế. Năm 1863, Tổng thống Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm tuần thứ 4 tháng 11 hàng năm là “Lễ Tạ Ơn”, là ngày lễ hội quốc gia, được nghỉ 4 ngày. “Lễ Tạ Ơn” là ngày lễ đặc sắc nhất của nước Mỹ. Trong lòng người Mỹ, trên mức độ nào đó ngày lễ này còn quan trọng hơn Lễ Giáng Sinh. Muốn nói cảm ơn, thì người Indian là ân nhân lớn nhất của những người da trắng đổ bộ lên đại lục châu Mỹ, nhưng người da trắng lại lấy oán trả ơn. Năm 1703, trong hội nghị lập pháp, những người thực dân quyết định thưởng 40 Bảng cho bất cứ ai lột được da đầu một người Indian và bắt được một người da đỏ. Mức thưởng này nâng lên 100 Bảng năm 1720. Năm 1744, giá một miếng da đầu đàn ông Indian trên 12 tuổi là 100 đồng Bảng mới, một tù binh nam giới giá 105 Bảng, một phụ nữ hoặc trẻ em giá 50 Bảng, da đầu phụ nữ hoặc trẻ em giá 50 Bảng. Tại đại lục Bắc Mỹ, do sự hãm hại của người da trắng mà cuộc sống khổ cực của người Indian kéo dài tới bốn thế kỷ; dân tộc này hồi đầu thế kỷ XVI có gần 3 triệu người, tới năm 1860 chỉ còn 340 nghìn; năm 1890 còn 270 nghìn, 1910 còn 220 nghìn. Đầu thế kỷ XX, tuy người Indian được hưởng tư cách công dân Mỹ nhưng chưa được hưởng các quyền lợi liên quan, tuy họ vẫn phải nộp thuế theo luật vẫn phải chấp hành phục dịch, ngược lại họ phải sống trong vùng đất cằn cỗi được khoanh vùng dành riêng cho họ. Cho nên nước Mỹ càng nên có “Lễ Chuộc Tội”.

Là quốc gia không có tội tổ tông, Trung Quốc có tư cách nhất đảm nhiệm vai trò quốc gia lãnh tụ thế giới.

Trung Quốc có gene văn hóa ưu tú nhất

Ưu thế văn hóa, nội dung văn hóa của một dân tộc là điều kiện văn hóa đảm nhiệm quốc gia lãnh tụ thế giới. Người Mỹ chỉ có một loại văn hóa - văn hóa chủ nghĩa tư bản. Trung Quốc là viện bảo tàng, nơi tụ hội các loại văn hóa và truyền thống văn minh của nhân loại. Người Trung Quốc có nền văn hóa cổ đại lâu đời nhất trên thế giới; đây là nền văn hóa truyền thống duy nhất chưa từng bị gián đoạn trong các hệ thống văn hóa cổ điển trên thế giới. Người Trung Quốc tập trung được nền văn hóa xã hội chủ nghĩa do chủ nghĩa Marx chỉ đạo, đây là nền văn hóa cách mạng không bị lật đổ trong tình trạng chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào hoàn cảnh khó khăn và thoái trào. Trong cải cách mở cửa, Trung Quốc lại là quốc gia học tập và hấp thụ văn hóa chủ nghĩa tư bản với quy mô lớn nhất và thành công nhất, qua đó hình thành nền văn hóa mở có đặc sắc rõ rệt. Văn hóa Trung Quốc ngày nay là nền đại văn hóa trăm biển nghìn sông, Trung Quốc có gene văn hóa ưu tú và tố chất văn hóa làm kẻ lãnh đạo thế giới.

Trung Quốc có lý lịch và kinh nghiệm thành công lâu dài đảm nhiệm vai trò quốc gia lãnh tụ

Có một quan điểm cho rằng “Trung Quốc cần làm cường quốc chứ không cần làm lãnh tụ” - điều này đáng để bàn thảo. Giới hạn mục tiêu Trung Quốc trỗi dậy, Trung Quốc phát triển và mục tiêu phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong phạm vi “làm cường quốc” mà không làm “lãnh tụ” - luận điệu này tuy người Mỹ nghe thấy thì dễ chịu, song tiến hành sự hạn chế như vậy đối với việc Trung Quốc trỗi dậy và phục hưng rõ ràng là sự tự mình ngăn chặn mình. Mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thế kỷ XXI quyết không thể chỉ hạn chế ở làm “cường quốc”.