Giấc mơ Trung Quốc - Chương 03 - Phần 04

III. Thời đại Trung Quốc là thời đại “Giá trị quan Trung Quốc” dẫn dắt thế giới

Có quan điểm cho rằng quốc gia hạng nhất xuất khẩu văn hóa và giá trị, quốc gia hạng hai xuất khẩu kỹ thuật và quy tắc, quốc gia hạng ba xuất khẩu sản phẩm và sức lao động. Thời đại Trung Quốc chẳng những là thời đại tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc nhất thế giới, chẳng những là thời đại năng lực sản xuất vật chất của Trung Quốc nhất thế giới, mà còn là thời đại tinh thần Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc đi ra thế giới, trở thành giai điệu văn hóa chính của thế giới.

“Tây hóa” biến thành “Đông hóa”

Khi nói tới chuyện các nước phương Tây đẩy mạnh chiến lược Tây hóa, phân hóa Trung Quốc, ai nấy đều căm phẫn bừng bừng. Có người nói: thời xưa bọn địa chủ tư bản sợ đảng Cộng sản đỏ hóa, sau này chúng ta liệu có thể làm cho “Tây hóa” biến thành “ Đông hóa”, làm cho “Mỹ hóa” trong toàn cầu hóa biến ra thành “Trung Quốc hóa” có tính thế giới được chăng? Chả lẽ đấy không phải là một mục tiêu phấn đấu của người Trung Quốc mấy thế hệ sau đây ư? Chẳng phải là một chỉ số tiến bộ của người Trung Quốc mấy chục năm sau đó ư? Chẳng phải là tiêu chí văn hóa của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia lãnh tụ đấy sao?

Văn hóa Trung Quốc vốn dĩ là nền văn hóa có sức sống nhất trên thế giới, nó không những là nền văn hóa duy nhất không bị ngắt quãng trong các nền văn hóa cổ đại của thế giới, mà còn có năng lực chinh phục kẻ chinh phục. Trong lịch sử dân tộc Trung Hoa từng có các ghi chép “thất bại về quân sự”, nhưng không có ghi chép “thất bại về văn hóa”. Cho dù về quân sự, dân tộc Trung Hoa nhất thời bị chinh phục, nhưng sau một thời gian lại có thể, về văn hóa, đồng hóa và chinh phục kẻ chinh phục. Như nhà văn Mỹ Montero từng viết: “Chinh phục Trung Quốc dường như là quăng gươm xuống biển, sức chống đỡ tựa hồ rất nhỏ, nhưng sau đó ít lâu thép sẽ rỉ sét, hơn nữa bị thôn tính. Quá trình thôn tính rất triệt để, sau vài thế hệ chỉ có các triết gia mới biết ai là kẻ chinh phục, ai là kẻ bị chinh phục”.

Nền văn hóa Trung Quốc là nền văn hóa khó bị đồng hóa nhất trên thế giới, nó có sức ngưng tụ lớn mạnh. Mỹ là một nước lớn của dân di cư, được gọi là “cái nồi hầm nhừ” các loại văn hóa khác nhau. Nhưng cái nồi to hầm nhừ văn hóa ấy của nước Mỹ đau đầu nhất với văn hóa Trung Quốc, bởi lẽ văn hóa Mỹ khó đồng hóa văn hóa Trung Quốc; thậm chí điều ấy đã trở thành nguyên nhân quan trọng nảy sinh làn sóng bài Hoa ở Mỹ cuối thế kỷ XIX.

Sau nội chiến, nước Mỹ ra sức xây dựng đường sắt, rất nhiều công nhân người Hoa bắt đầu di cư sang Mỹ. Năm 1882, sức ép bài xích người Hoa từ các nơi như bang California khởi xướng tăng mạnh, dẫn đến kết quả nước Mỹ ban hành “Luật bài xích người Hoa”, quy định ngừng nhận người Hoa nhập cư trong mười năm, sau đó kéo dài vô thời hạn. Năm 1889, Toà án Tối cao Mỹ phán quyết “bài Hoa” là hợp Hiến pháp, lý do: người Hoa thuộc vào một loại nhân chủng khác, “Họ không thể đồng hóa được”, quan hệ giữa họ với dân chúng địa phương là “hoàn toàn xa lạ, sống riêng một khu, cố giữ tập quán sinh hoạt của nước họ”. Nếu không hạn chế nạn “xâm nhập của người phương Đông” này thì sẽ gây nên mối “đe dọa nền văn minh của chúng ta”.

Văn hóa Trung Quốc có lịch sử 5.000 năm, nguồn gốc xa xưa, rộng lớn sâu sắc, sao có thể bị nền văn hóa sinh sau đẻ muộn mới có mấy trăm năm của Mỹ đồng hóa được. Dĩ nhiên trong thời kỳ cận đại, văn hóa Trung Quốc cũng chịu sự thách thức của văn hóa phương Tây, chịu sự xâm thực của “Gió Âu mưa Mỹ”. Cho tới nay thế giới phương Tây vẫn còn thi hành chiến lược Tây hóa và phân hóa Trung Quốc. Cái mà người Trung Quốc thời kỳ cận đại gọi là “Gió Tây”, “Tây hóa” tức là nói sự tấn công và ảnh hưởng đến từ thế giới phương Tây. Cái gọi là “phương Tây” và “Thế giới phương Tây” vừa có phạm vi địa lý lại vừa có hàm nghĩa chính trị.

Văn minh phương Tây hoặc lịch sử phương Tây có thể chia làm ba giai đoạn: một là giai đoạn Địa Trung Hải, hai là giai đoạn Tây Âu, ba là giai đoạn Bắc Đại Tây Dương. Trong giai đoạn Địa Trung Hải và giai đoạn Tây Âu, tức từ cổ đại tới cận đại, cái gọi là “thế giới phương Tây” đại để là nói về vùng phía Tây châu Âu. Sau thế kỷ XV, người châu Âu bắt đầu vượt đại dương phát triển ra ngoài nước. Xét theo quan điểm địa lý, thế giới phương Tây là một thế giới biển. Vùng phía Tây châu Âu vốn là một bán đảo lớn, mà trên bán đảo lớn ấy lại nhô ra một số bán đảo nhỏ. Người Trung Quốc mở cửa là thấy núi, người phương Tây thì mở cửa là thấy biển. “Phương Tây” hiện nay là nói châu Âu và Mỹ; về hàm nghĩa chính trị là nói nền văn minh tư bản.

Trong mấy trăm năm nay luôn luôn là văn minh phương Tây “hóa” thế giới; thế giới đang trong quá trình “Tây hóa”. Trung Quốc cũng nảy sinh biến đổi trong sự tấn công và ảnh hưởng của “Gió Âu mưa Mỹ”. Vì trên mặt vật chất và văn hóa, phương Tây đều ở vào địa vị có thế mạnh. Giờ đây Trung Quốc vẫn cứ phải cảnh giác và tẩy chay chiến lược Tây hóa và phân hóa của thế giới phương Tây. Điều đó phản ánh về văn hóa Trung Quốc vẫn ở vào địa vị “lấy yếu thắng mạnh”. Khi khai mở thời đại Trung Quốc, Trung Quốc chẳng những phải sáng tạo nên sức mạnh kinh tế và của cải vật chất có thể vượt Mỹ mà còn phải sáng tạo được một nền văn hóa càng có sức ảnh hưởng, càng có sức thu hút trên thế giới hơn so với văn hóa Mỹ, và một nền văn hóa không thể bị Mỹ diễn biến hòa bình mà ngược lại có thể diễn biến hòa bình nước Mỹ. Bao giờ văn hóa Trung Quốc có năng lực diễn biến hòa bình nước Mỹ, có năng lực “Đông hóa” thế giới phương Tây, khiến nước Mỹ cũng phải tẩy chay sự diễn biến hòa bình do văn hóa Trung Quốc gây ra đối với Mỹ, khiến phương Tây kinh ngạc kêu lên “phương Tây sẽ bị Đông hóa”, “toàn cầu hóa tức là Trung Quốc hóa”, khi ấy mới đích thực là “thời đại Trung Quốc” về mặt tinh thần và văn hóa.

Dĩ nhiên, trong thời đại Trung Quốc, khi Trung Quốc có nền văn minh vật chất và văn minh tinh thần lớn mạnh, thì Trung Quốc sẽ không tiến hành chiến lược “Đông hóa” đối với thế giới phương Tây, đặc biệt với nước Mỹ - đây lại là chỗ Trung Quốc văn minh hơn Mỹ. Nhưng thứ gì càng tự nhiên, càng văn minh thì lại càng có thể thịnh hành trên thế giới. Cho nên trong thế giới sau này “Đông hóa” và “Trung Quốc hóa” chẳng cần phải thi hành thì cũng sẽ thịnh hành; khi ấy nước Mỹ sẽ khó tránh khỏi bị “diễn biến hòa bình”, sẽ diễn biến trở nên văn minh hơn ngày nay.

Quốc gia không có “ngọn cờ văn hóa” không thể làm quốc gia lãnh tụ của thế giới

Quốc gia lãnh tụ là ngọn cờ văn hóa của thế giới. Dẫn dắt thế giới trước hết là dẫn dắt văn hóa. Quốc gia nào có những giá trị quan lớn ảnh hưởng tới thế giới, có thể cắm vững chắc ngọn cờ văn hóa của mình lên đỉnh cao của văn hóa thế giới thì mới có thể trở thành quốc gia lãnh tụ thế giới.

Mỹ là quốc gia giỏi chiếm điểm cao khống chế đạo nghĩa quốc tế. Jefferson là nhân vật đại diện sớm nhất cho chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa tự do trong lịch sử Mỹ, sau đó tới Wilson, Franklin Roosevelt, Clinton. Họ không những coi hình thái ý thức là thủ đoạn chiến lược và nguyên tắc chiến lược, nội dung chiến lược, mà còn coi đó là mục tiêu chiến lược để theo đuổi. Jefferson gắn liền sự bành trướng ngoài nước của Mỹ với việc truyền bá dân chủ tự do Mỹ. Wilson liên hệ hòa bình thế giới với việc xây dựng nền dân chủ kiểu Mỹ. Roosevelt gắn liền việc sắp xếp bốn cường quốc với bốn tự do lớn. Clinton gắn liền trật tự quốc tế với dân chủ, nhân quyền. Tất cả những điều đó đều trở thành ngọn cờ văn hóa tư tưởng của nước Mỹ.

Tất cả các quốc gia lãnh tụ thế giới đều từng có những giá trị quan lớn có thể ngưng tụ bản thân nước mình, ảnh hưởng và vẫy gọi thế giới. Có quốc gia tuy chưa phải là nhất thế giới về của cải vật chất song lại có những sáng tạo văn hóa hàng đầu thế giới, có thể giương ngọn cờ văn hóa ảnh hưởng tới thế giới, qua đó có thể phát huy tác dụng dẫn dắt văn hóa đối với thế giới.

Thí dụ Liên Xô lần đầu tiên trên thế giới giương cao ngọn cờ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Ngay tối hôm sau ngày Cách mạng tháng Mười thắng lợi, Đại hội Đại biểu lần thứ II các Xô Viết công nhân binh sĩ toàn Nga đã nhất trí thông qua “Sắc lệnh hòa bình” có ý nghĩa cột mốc lịch sử do Lenin tự tay soạn thảo, trình bày rõ nguyên tắc cơ bản chính sách đối ngoại của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, thể hiện nguyện vọng mạnh mẽ chống chính sách chiến tranh và xâm lược của bè lũ đế quốc, thực hiện hòa bình, bình đẳng dân tộc, dân tộc tự quyết, xoá bỏ ngoại giao bí mật. Trong “Thư gửi công nhân Mỹ”, Lenin đã trình bày rõ chính sách đối ngoại của nước Nga Xô Viết: nước này đã “Thoát ra khỏi cuộc chiến tranh của bè lũ đế quốc, giương ngọn cờ hòa bình, ngọn cờ chủ nghĩa xã hội trước toàn thế giới”.

Chính sách ngoại giao hòa bình của chính phủ Xô Viết Nga đã làm rung chuyển thế giới, cũng làm rung chuyển Tổng thống Mỹ Wilson. Bước lên sân khấu thế giới trong điều kiện lịch sử mới, ông Wilson ra sức đem lại bộ mặt mới cho chính sách ngoại giao Mỹ. “Nguyên tắc 14 điểm” là “Hiến chương thế giới” của nền “ngoại giao mới” do ông thi hành sau Thế chiến I; ngoại giao công khai, dân chủ tự quyết, Hội Quốc Liên là những cột trụ và nền tảng của nền “ngoại giao mới” do Wilson thi hành, nhằm đối phó với nền ngoại giao cũ của bè lũ đế quốc, và cũng dùng để ngăn chặn chủ nghĩa Lenin.

Là hai nhà chính trị lớn của hai quốc gia Nga Xô Viết và Mỹ, Lenin và Wilson đại diện cho quốc gia mình đề ra các “thế giới quan”, “giá trị quan” có tính sáng tạo, đua nhau cắm ngọn cờ của mình lên điểm cao của văn hóa thế giới. Đó là những ngọn cờ dẫn dắt thế giới, là ngọn cờ thế giới của một quốc gia.

Dĩ nhiên, “sự giác ngộ của quốc gia” thường thường không đồng bộ với nhận thức của nhà chính trị. Khi một dân tộc còn thiếu sự chuẩn bị đầy đủ và giác ngộ cần thiết trên vấn đề làm lãnh tụ thế giới, khi ngọn cờ văn hóa dẫn dắt thế giới của một quốc gia nhất thời còn khó giương cao lên được, thì lý tưởng cao cả thường hay trở thành bi kịch. “Bi kịch Wilson” là một điển hình. Là nhà lý tưởng chủ nghĩa cao thượng, Wilson vốn dĩ muốn giương cao ngọn cờ văn hóa Mỹ cho thế giới này, muốn cắm ngọn cờ văn hóa dẫn dắt thế giới của Mỹ lên điểm cao văn hóa của thế giới, thế nhưng ông đã gặp trắc trở.

Sử gia Mỹ nổi tiếng Warren Cohen phân tích như sau trong cuốn “Lịch sử quan hệ đối ngoại Mỹ - Cambridge”:

Vào thời điểm các quốc gia bá quyền châu Âu đi tới hồi kết, chủ nghĩa Wilson đưa ra một bộ khung xác định quan hệ đối ngoại cho nước Mỹ, kết hợp sức mạnh quân sự, tài nguyên kinh tế và sáng tạo văn hóa của nước Mỹ, muốn vượt qua những biện pháp giải quyết công việc quốc tế mà các quốc gia có chủ quyền tiến hành theo phương thức truyền thống chỉ vì lợi ích riêng của mình mà bỏ qua lợi ích của toàn thế giới: chiến tranh và chuẩn bị chiến tranh được coi là quy chế hành vi; thế quân bình trở thành nguyên tắc chỉ đạo đường lối ngoại giao. Wilson đưa ra thách thức đối với những lề thói và ý tưởng đó, ông mong muốn mỗi quốc gia không những chỉ phục vụ lợi ích của mình mà cũng phải phục vụ lợi ích chung của toàn thế giới. Ông nói, nước Mỹ nên sử dụng năng lực của mình để “phục vụ toàn nhân loại”, các quốc gia khác cũng nên làm như vậy. Kết quả cuối cùng là chủ nghĩa quốc gia hòa nhập với chủ nghĩa quốc tế, các quốc gia chủ quyền cũng chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ với toàn bộ thế giới.

Trong 10 năm tiếp sau, “các nhà hiện thực chủ nghĩa” lên án chủ nghĩa quốc tế của Wilson là chủ nghĩa lý tưởng ngây thơ ấu trĩ. Trên thực tế, chủ nghĩa quốc tế hình thành tư tưởng Wilson không hoàn toàn là chủ nghĩa lý tưởng mà là một loại chủ nghĩa quốc tế bén rễ sâu vào lợi ích chung của các nước và chí hướng chung của những người siêu việt biên giới quốc gia ở các nơi trên thế giới, trong đó có cả một số động lực văn hóa cơ bản. Trên mức độ nhất định, chủ nghĩa Wilson chủ trương đặt văn hóa vào địa vị trung tâm của các mối quan hệ quốc tế. Tính chất quan trọng trên sân khấu quốc tế của việc nước Mỹ trỗi dậy hồi đầu thế kỷ XX không những là do Mỹ đã trở thành cường quốc quân sự và kinh tế chủ yếu, mà càng là do nước Mỹ đã đưa yếu tố văn hóa vào các công việc của thế giới, do công cuộc toàn cầu hóa của Mỹ đã trở thành sự kiện chính của thế kỷ XX. Sự đối lập giữa Wilson với Thượng viện Mỹ xung quanh vấn đề Hòa ước là một bi kịch. Nhằm giành sự ủng hộ của nhân dân Mỹ, từ tháng 9 năm 1919, Wilson bắt đầu làm một cuộc du hành lớn trên chặng đường tổng cộng 8.000 dặm Anh trong thời gian 21 ngày. Nhưng trước khi có thể đánh giá kết quả của chuyến đi ấy, ông đã đột quỵ tại Colorado, đánh dấu chuyến đi đó trở thành một giấc mộng không thể thực hiện. Do Thượng viện và nhân dân Mỹ đều chưa sẵn sàng tiếp thu trật tự quốc tế do Wilson đề xuất, các nước khác thì lại càng xa cách với ý tưởng đó, vì thế nước Mỹ không tham gia Hội Quốc Liên, điều đó chứng tỏ nước Mỹ đã quyết định dừng lại ở trình độ như các quốc gia khác. Thất bại của Wilson không có nghĩa là chủ nghĩa Wilson bị tiêu vong. Tại châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới ngày càng có nhiều người đi theo chủ nghĩa Wilson lý tưởng; họ và sức mạnh truyền thống của họ đã có ảnh hưởng lớn trên mặt tạo dựng thế giới sau chiến tranh.

Wilson là nhà tiên phong trong lĩnh vực dùng văn hóa Mỹ dẫn dắt thế giới. Những nhà tiên phong thường gặp bi kịch, thậm chí phải hy sinh bản thân. Rốt cuộc tới sau Thế chiến II, ngọn cờ văn hóa Mỹ dẫn dắt thế giới mới cắm lên điểm cao văn hóa thế giới và nước Mỹ cũng bước lên địa vị quốc gia lãnh tụ thế giới.

Giương cao “Ngọn cờ Trung Quốc” dẫn dắt và vẫy gọi thế giới

Trong thời gian Thế chiến I, Tổng thống Mỹ Wilson dẫn đầu phất cao ngọn cờ “Phi thực dân hóa”, “Dân tộc tự quyết”, “An ninh tập thể”, giành được sự tán đồng rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với nước Mỹ đang trỗi dậy. Nước Mỹ hiện đại đang giương cao ngọn cờ “tự do, dân chủ, nhân quyền”, dùng các giá trị quan cốt lõi của nước Mỹ để ảnh hưởng tới thế giới.

Trong thời đại toàn cầu hóa, Trung Quốc đang trỗi dậy giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển, hợp tác, xây dựng thế giới hài hòa, làm cho các giá trị quan Trung Quốc đi ra thế giới.

Xây dựng “thế giới dân chủ” không có bá quyền là nội dung quan trọng của giá trị quan chủ yếu của Trung Quốc, là sức hấp dẫn lớn để Trung Quốc vẫy gọi và dẫn dắt thế giới. Cùng với sự đa cực hóa cục diện thế giới, dân chủ hóa quan hệ quốc tế, đa dạng hóa mô hình phát triển, “xây dựng thế giới dân chủ” đã trở thành nguyện vọng chung. Nếu nói rằng trong thời đại ngày nay, xây dựng quốc gia dân chủ là điều mọi người đều hướng tới, thế thì xây dựng “thế giới dân chủ” trong thế giới hiện nay cũng được các quốc gia đồng lòng hướng tới, là tiếng hò reo nhất trí của cộng đồng quốc tế. Đặc trưng quan trọng của thế giới dân chủ là không có bá quyền. Để thực hiện phi bá quyền hóa thế giới, cần thực hiện ba điều bình đẳng: bình đẳng chế độ xã hội, bình đẳng mô hình phát triển và bình đẳng văn hóa tôn giáo.

Xây dựng thế giới dân chủ là hành động quan trọng thúc đẩy thế giới tiến bộ, là nhiệm vụ khẩn cấp thời nay. Quyền lực không có giám sát và chế ước tất nhiên sẽ là quyền lực thối nát. Quyền lực quốc tế mất sự ngăn cản và chế ước cũng sẽ trở thành bá quyền. Vấn đề cơ bản cần giải quyết trong việc xây dựng thế giới dân chủ là vấn đề bá quyền thế giới. Bá quyền là vấn đề căn bản ảnh hưởng tới hòa bình và hài hòa thế giới. Có thế giới dân chủ mới có thế giới hòa bình; có thế giới dân chủ thì mới có thế giới hài hòa; trên cơ sở thế giới dân chủ mới có sự hợp tác thực sự bình đẳng giữa các quốc gia.

Trong xây dựng thế giới dân chủ, vấn đề quan trọng đầu tiên không phải là biến các quốc gia trên thế giới đều trở thành có chế độ dân chủ kiểu Mỹ, mà là không có bá quyền, không làm bá quyền trong cộng đồng quốc tế. Bá chủ thế giới là sự phá hoại lớn nhất đối với dân chủ thế giới, chủ nghĩa bá quyền là mối đe dọa lớn nhất với hòa bình thế giới. Mỹ đề xuất “Thuyết hòa bình của quốc gia dân chủ”, còn Trung Quốc thì nêu ra “Thuyết hòa bình của thế giới dân chủ”, “Thuyết hòa bình phi bá quyền”. Chủ nghĩa bá quyền là nguồn gốc của chiến tranh, thế giới dân chủ là sự bảo đảm cho hòa bình.

“Thế giới dân chủ” thực sự lý tưởng là một thế giới như thế nào? Loại “thế giới dân chủ” này gồm ba hàm nghĩa: một là mỗi quốc gia trên thế giới đều trở thành “quốc gia dân chủ”, dĩ nhiên là có các quốc gia dân chủ mang đặc sắc của các nước, là các quốc gia dân chủ đa dạng hóa, không thể chỉ là các quốc gia dân chủ kiểu phương Tây, lại càng không thể chỉ là các quốc gia dân chủ kiểu Mỹ. Tiêu chuẩn quốc gia dân chủ không thể do nước Mỹ ấn định; không thể để nước Mỹ làm trọng tài của quốc gia dân chủ. Hai là, mỗi quốc gia trên thế giới đều hưởng chủ quyền quốc gia với tư cách quốc gia chủ quyền, có thể giám sát, chế ước và chế tài quốc gia muốn làm bá quyền. Ba là, quốc gia lãnh tụ trên thế giới không thể chỉ do một quốc gia độc quyền chiếm giữ, quyền lãnh đạo thế giới cũng phải thực hành chế độ nhiệm kỳ. Nước nào suy yếu thì phải kín đáo rút lui. Đây là mặt quan trọng trong chế độ dân chủ thế giới, chế độ dân chủ quốc tế.

Có người nói: “Bảo vệ nhân quyền là vũ khí hạt nhân chính trị của Mỹ, nhưng chống bá quyền lại là vũ khí hạt nhân chính trị của Trung Quốc”.

Cũng có người nói: “Xây dựng quốc gia dân chủ là một đột phá khẩu khi Mỹ công kích Trung Quốc, nhưng xây dựng thế giới dân chủ là một đột phá khẩu khi Trung Quốc công kích Mỹ”.

Thực ra bảo vệ nhân quyền, xây dựng quốc gia dân chủ cũng là một nội dung quan trọng của ngọn cờ văn hóa Trung Quốc, nhưng trên lá cờ văn hóa Mỹ không có nội dung chống bá quyền thế giới và xây dựng thế giới dân chủ phi bá quyền hóa. Cho nên ngọn cờ văn hóa Trung Quốc được cắm trên điểm cao văn hóa cao hơn ngọn cờ Mỹ. Ngọn cờ Trung Quốc có tác dụng dẫn dắt thế giới tốt hơn ngọn cờ Mỹ.

Ngọn cờ văn hóa của quốc gia lãnh tụ là ngọn cờ thế giới do quốc gia dân tộc giương cao, có thể gây nên sự cộng hưởng vượt biên giới. Đây là sức mạnh mềm lớn nhất của quốc gia lãnh tụ, là tiêu chí văn hóa và thương hiệu tinh thần của quốc gia lãnh tụ. Ngọn cờ văn hóa Trung Quốc trình bày tính cách và tấm lòng quốc tế của Trung Quốc, thể hiện lợi ích chung và mối quan tâm chung của thế giới. Bởi vậy, ngọn cờ Trung Quốc là ngọn cờ dựng ở Trung Quốc nhưng hướng ra thế giới, là ngọn cờ có thể ngưng tụ lòng dân nước mình và cũng có thể kích động thế giới.

Gây dựng “Tinh thần Trung Quốc” thích ứng với yêu cầu thời đại

Quốc gia lãnh tụ thế giới tất phải là lãnh tụ tinh thần của thế giới. Sở dĩ nước Mỹ có thể trở thành quốc gia lãnh tụ thế giới, điều đó không tách rời với “Tinh thần Mỹ”. Tinh thần Mỹ vừa dẫn dắt nước Mỹ trỗi dậy và cũng ảnh hưởng tới thế giới.

Muốn trở thành quốc gia lãnh tụ thế giới thì Trung Quốc cũng tất phải có “Tinh thần Trung Quốc”. Xưa nay Trung Quốc là một nước lớn tinh thần, có tinh thần truyền thống hình thành đã mấy nghìn năm, có tinh thần cách mạng hình thành trong các thời kỳ chiến tranh mấy chục năm, cũng có tinh thần cải cách mở cửa hình thành trong 30 năm gần đây. Sử gia người Anh Toynbee[7] từng coi “tinh thần thế giới” mà dân tộc Trung Hoa hình thành lâu đời là một di sản lịch sử có ảnh hưởng quan trọng tới thế giới tương lai. Song cũng chẳng cần phải giấu diếm một sự thực: thời kỳ 30 năm sau “Cách mạng văn hóa”, một số nơi, một số người coi đó là thời đại vật chất, là thời đại thiết thực hưởng lợi; một số người dùng đầu óc kinh tế dọn dẹp mất sân vườn tinh thần, một số người Trung Quốc về của cải vật chất trở thành đại phú hào, thành giai cấp “hữu sản”, nhưng ngược lại về của cải tinh thần và đời sống văn hóa lại rơi vào cảnh nghèo khó, họ cách rất xa mục tiêu “khá giả” về tinh thần.

Người phương Tây nói, kinh tế thị trường không có nhà thờ là nền kinh tế thị trường đáng sợ, sẽ trở thành nền kinh tế ma quỷ. Trong nền kinh tế thị trường ở thế giới phương Tây, thị trường cộng với nhà thờ dùng để hạn chế sự điên cuồng của tham vọng kiếm lợi; cho dù như vậy vẫn cứ khó có thể tránh xảy ra khủng hoảng. Nền kinh tế thị trường Trung Quốc không dựa vào nhà thờ song phải có tinh thần của mình. Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất thị trường với tinh thần. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, Trung Quốc có tinh thần mà không có thị trường, hiện nay thì có thị trường mà thiếu tinh thần. Bởi vậy, cần gây dựng “tinh thần Trung Quốc” thích ứng với yêu cầu của thời đại. Để trau dồi tinh thần đó, Trung Quốc cần một lần nữa có “thời đại tinh thần” rực lửa, “thời đại văn hóa” phồn vinh. Trước khi trở thành một nước lớn tinh thần, cường quốc tinh thần, Trung Quốc sẽ chưa thể trở thành quốc gia lãnh tụ thế giới.

Tinh thần Trung Quốc là một hệ thống; niềm tin lý tưởng là hạt nhân của tinh thần Trung Quốc. Trong sách “Nhớ Trương Học Lương” có viết: “Năm xưa quân Bắc phạt đánh đâu thắng đấy, đánh cho quân đội Trực hệ và Phụng hệ tan tác. Một hôm Trương đại soái[8] gọi Trương thiếu soái[9] đến nghiên cứu vấn đề này. Đại soái nói: “Tiểu Lục Tử, ta nghĩ chưa ra chuyện này, chúng ta cần súng có súng, cần trọng pháo có trọng pháo, còn có một trung đoàn sơn pháo Đức độc nhất vô nhị, mang ra mà bắn địch quân chẳng phải là được đấy ư... tại sao lại không thắng nổi thế nhỉ?”. Thiếu soái nói: “Thưa cha, ta có súng có pháo, lại có trung đoàn sơn pháo Đức, người ta thì không có, nhưng cha chưa nghĩ đến chuyện này ư? Người ta có Chủ nghĩa Tam Dân, ta thì không có!”. Đại soái không phục: “Chủ nghĩa Tam Dân” cái trò ấy là cái quái gì, ta còn có “Chủ nghĩa Ngũ Dân” kia. Hai hôm sau, đại soái lại gọi thiếu soái đến: “Tiểu Lục Tử, con nói đúng đấy! Ta còn thiếu cái “chủ nghĩa Tam Dân” kia. Ta tuy còn chưa ăn no cao lương vùng Đông Bắc này nhưng ta rút lui thôi”. “Chủ nghĩa Tam Dân” là lý tưởng và niềm tin; có nó thì có sức mạnh, có lòng dân, có chí hướng, những nhà quân phiệt kia không chịu phục cũng chẳng được. Về quân sự là như thế, về các mặt khác sao lại không như vậy; trong nước là thế, trên thế giới sao lại không như thế”.

[7] Toynbee: có 2 sử gia cùng tên này, nhưng trong sách không viết đầy đủ tên đệm. Theo người dịch, ở đây là Arnold Joseph Toynbee, 1889-1975, người Anh, tác giả bộ sách 12 tập A Study of History, còn gọi là History of the World rất nổi tiếng, viết về sự thăng trầm của các nền văn minh, xuất bản 1934-1961. Ông còn là cố vấn chính về vấn đề Trung Đông của Bộ Ngoại giao Anh thời gian 1918-1950.

[8] Trương đại soái: tức Trương Tác Lâm 1875-1928, trùm quân phiệt Phụng hệ (1 phái hệ trong quân phiệt Bắc Dương), từ 1916 làm Đốc quân Phụng Thiên, theo phát xít Nhật, thống trị vùng Đông Bắc Trung Quốc, 1920 liên kết với quân phiệt Trực hệ trong chiến tranh giữa Trực hệ với Vãn hệ, thắng Vãn hệ, đứng đầu chính phủ quân phiệt Bắc Dương (đóng đô Bắc Kinh). 1922 bị Trực hệ đánh bại, rút lên Đông Bắc. 1924 đánh bại Trực hệ, lại đứng đầu chính phủ Bắc Dương. 1928 bị quân đội Quốc dân của Tưởng Giới Thạch đánh bại, rút về Đông Bắc, dọc đường bị chết vì bom Nhật.

[9] Trương thiếu soái tức Trương Học Lương, 1901-2001, nhũ danh Tiểu Lục Tử, con trai Trương Tác Lâm. Từ 1917 theo cha làm việc trong quân đội Phụng hệ, Năm 1928 Lâm chết. Lương lên thay cha làm Tổng tư lệnh 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, và tuyên bố theo chính phủ Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống; nhờ đó thực hiện được việc thống nhất quân đội Trung Quốc. Lương được Tưởng cử làm Tư lệnh biên phòng Đông Bắc. Năm 1936, Lương chủ trương đoàn kết với Hồng quân của Đảng CSTQ chống Nhật, nhưng Tưởng phản đối. Ngày 12/12/1936 khi Tưởng Giới Thạch đến Tây An thị sát, Lương cùng tướng Dương Hổ Thành bắt giữ Tưởng, yêu cầu thực hiện đoàn kết chống Nhật. Sau khi Tưởng chấp nhận yêu cầu này, Lương đưa Tưởng về Nam Kinh. Tưởng giam lỏng Lương cho tới năm 1946 khi Tưởng chạy ra Đài Loan có mang theo Lương. Đảng CSTQ đánh giá cao tinh thần yêu nước chống Nhật của Lương.

Quốc gia lãnh tụ thế giới là quốc gia sản xuất tinh thần, là quốc gia xuất khẩu văn hóa. Trung Quốc hiện nay là nước lớn chế tạo sản phẩm vật chất nhưng còn chưa là nước lớn chế tạo văn hóa tinh thần. Trung Quốc phải trở thành “nhà máy thế giới” về văn hóa tư tưởng, làm cho văn hóa Trung Quốc đi ra thế giới, trở thành nước lớn xuất khẩu văn hóa lớn nhất thế giới. Thống kê cho thấy, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu hơn chục nghìn đầu sách, chiếm 10 - 15% lượng giao dịch thị trường sách quốc nội, nhưng số lượng sách hàng năm Trung Quốc xuất đi thì chỉ có hơn nghìn loại, thật đáng buồn. Cho dù xuất siêu thương mại vật chất bằng bao nhiêu cũng không thể nào bù lại được loại “nhập siêu thương mại văn hóa” này. Hiện nay các nơi trên thế giới đang dùng những sản phẩm vật chất do Trung Quốc chế tạo; bao giờ các nơi trên thế giới sử dụng nhiều sản phẩm văn hóa tinh thần của Trung Quốc, bao giờ các sản phẩm trên thị trường văn hóa năm châu chủ yếu là thứ “chế tạo tại Trung Quốc” thì thế giới sẽ chuyển sang thời đại tinh thần Trung Quốc, thời đại văn hóa Trung Quốc.

Thế kỷ XXI: văn hóa Trung Quốc lãnh đạo thế giới

Tháng 11 năm 2007, “Diễn đàn văn hóa chiến lược Trung Hoa lần thứ nhất” diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Siêu sao học giả Trung Quốc Quý Tiễn Lâm gửi thư chúc mừng Diễn đàn, trong đó có đoạn như sau: Trong bài “Thế kỷ XXI: thời đại của văn hóa phương Đông” tôi có viết: “Nhìn toàn bộ thế kỷ này có thể thấy văn hóa Trung Quốc chiếm địa vị lãnh đạo trên thế giới, đó là 30 năm nước chảy bên Đông. Từ cuối triều nhà Minh, khi văn hóa phương Tây qua đạo Thiên Chúa truyền vào Trung Quốc, tới nay đã mấy trăm năm. Văn minh vật chất của chủ nghĩa tư bản phương Tây đem lại phúc lợi rất lớn cho loài người, nhưng mặt khác cũng đem lại tai nạn, bệnh ung thư, bệnh AIDS, nạn thiếu nguồn nước ngọt, môi trường bị ô nhiễm, cân bằng sinh thái bị phá hoại, vân vân. Làm thế nào bây giờ? Loài người cho tới ngày nay muốn đi qua giai đoạn 30 năm nước chảy bên Tây, chúng ta phải như khi chạy tiếp sức, trên cơ sở văn hóa phương Tây, đón lấy cây gậy tiếp sức ấy, dùng phương thức tư duy tổng hợp của văn hóa phương Đông để loại bỏ những tệ nạn nói trên”. Tôi còn viết: “Tôi cho rằng tư duy phân tích siêu hình của phương Tây đã đi tới đầu cuối đoạn đường, còn tư duy tổng hợp tìm kiếm cái tổng thể của phương Đông tất sẽ thay thế nó. Văn hóa phương Tây lấy cơ sở là phân tích cũng sẽ theo đó mà suy vi; dĩ nhiên văn hóa phương Đông lấy tổng hợp làm cơ sở sẽ nổi lên thay thế nó. “Thay thế” không phải là “tiêu diệt”, mà là trên cơ sở trình độ văn hóa phương Tây đã đạt được trong mấy trăm năm qua, dùng phương thức tư duy tổng hợp của phương Đông nhìn bằng con mắt tổng thể và liên hệ phổ biến, lấy văn hóa phương Đông làm chủ đạo, hấp thu tinh hoa trong văn hóa phương Tây, phát triển nền văn hóa của loài người lên tới một giai đoạn cao hơn. Trong thế kỷ XXI sẽ có thể thấy rõ sự thế chỗ ấy. Thế kỷ XXI là thời đại của văn hóa phương Đông, đây là một quy luật khách quan không thể chuyển dịch bởi nguyện vọng chủ quan của mọi người”. Tôi muốn dùng những lời trên để chúc mừng “Diễn đàn văn hóa chiến lược Trung Hoa lần thứ nhất”.

Giấc mộng văn hóa, niềm tin văn hóa và lời dự đoán văn hóa của Quý Tiễn Lâm như sau: thế kỷ XXI là thời đại của văn hóa phương Đông, thời đại văn hóa Trung Quốc chiếm địa vị lãnh đạo trên thế giới; đây là một quy luật khách quan không thể chuyển dịch bởi nguyện vọng chủ quan của con người. Cũng như khi chạy tiếp sức, người Trung Quốc cần phải dựa trên cơ sở văn hóa phương Tây, đón lấy cây gậy tiếp sức đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3