Giấc mơ Trung Quốc - Chương 04 - Phần 01

Chương IV: DÙNG TÍNH CÁCH TRUNG HOA XÂY DỰNG “VƯƠNG ĐẠO TRUNG QUỐC”

Ngày 28 tháng 11 năm 1924, khi dự buổi mít tinh hoan nghênh của 5 đoàn thể Hội nghị Thương nghiệp Kobe ở Nhật Bản, Tôn Trung Sơn đọc “Diễn văn trước các đoàn thể Hội nghị Thương nghiệp Kobe”, trong đó ông nói: “Văn hóa phương Đông là Vương đạo[1], văn hóa phương Tây là Bá đạo; nói vương đạo là chủ trương nhân nghĩa đạo đức, nói bá đạo là chủ trương công lợi cường quyền. Nói nhân nghĩa đạo đức là dùng chính nghĩa công lý để cảm hóa người; nói công lợi cường quyền là dùng súng ống phương Tây để áp bức con người”.

Bản chất văn hóa của “Vương đạo” là nhân nghĩa đạo đức. Tức là theo nguyên tắc “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân [Điều mình không muốn thì chớ đem lại cho người khác]”, kiên trì thái độ bình đẳng, công bằng, thành tín, rộng lượng, vận dụng sức mạnh nhân nghĩa đạo đức để cảm hóa người ta, chứ không phải là áp bức người; yêu cầu mọi người có đạo đức chứ không phải yêu cầu mọi người sợ uy quyền, là dùng lý để thuyết phục người ta chứ không phải dùng sức mạnh trị người ta. Trong thế kỷ XXI, cái “Trung Quốc vương đạo” chúng ta cần xây dựng là một nước Trung Quốc lớn mạnh không làm bá quyền, không áp bức người khác, đạo đức cao thượng, đáng thân mật đáng kính nể.

[1] Vương đạo: “đạo của người làm vua” trong triết học chính trị phong kiến Trung Quốc, ý nói chính sách dùng nhân nghĩa trị thiên hạ của vua chúa phong kiến Trung Quốc. Ngược lại là Bá đạo: chính sách dùng vũ lực, cường quyền để trị thiên hạ; bá đạo còn có nghĩa là ngang ngược xấc láo.

I. Sức thu hút của “Tính cách Trung Hoa”

Mỗi quốc gia đều có tính cách của mình; nó thể hiện tính chất quốc gia. Trung Quốc có tính cách của mình, thể hiện tính chất quốc gia Trung Quốc.

Yêu hòa bình mà không lạm dụng vũ lực: Nỗi kinh ngạc của các học giả Anh, Mỹ

Nhà triết học Anh Bertrand Russell từng nói: “Ham muốn thống trị kẻ khác (của người Trung Quốc) rõ ràng yếu hơn nhiều so với người da trắng. Nếu trên thế giới có một dân tộc “kiêu hãnh tới mức không chịu đánh nhau”, thì dân tộc đó là Trung Quốc. Thái độ bẩm sinh của người Trung Quốc là khoan dung và hữu hảo, dùng lễ đối xử với người khác và mong muốn được đền đáp”. Russell cho rằng tính cách của người Trung Quốc bất lợi cho chiến tranh, là kiểu tính cách hướng về hòa bình. Ông rất ngạc nhiên về tinh thần khoan dung và nhẫn nại mãnh liệt trong tính cách của người Trung Quốc.

Học giả Mỹ cận đại Brzezinski nói: “Khi đế quốc Trung Hoa tới lúc cực thịnh, nó có thể kiêu ngạo liếc nhìn toàn cầu, không cường quốc nào có khả năng thách thức địa vị đế quốc của nó; giả thử Trung Quốc có dã tâm bành trướng thì cũng chẳng có quốc gia nào đủ sức chống lại. Đế quốc Trung Hoa không quá ư cưỡng chế quyền uy trung ương lên đầu các dị tộc hoặc các thuộc quốc ở xung quanh nó về địa lý”.

Qua đó có thể thấy Trung Quốc là một quốc gia không xâm lược các nước nhược tiểu, lại cũng là một quốc gia không đe dọa các nước xung quanh. Không những không coi các nước nhược tiểu là kẻ địch, không động một tý là dùng chiến tranh đối xử với họ, hơn nữa còn dùng thái độ khiêm nhường để hòa giải mâu thuẫn, dùng đạo nghĩa và lợi ích để tiến hành vỗ về an ủi, thậm chí nhiều lần kết thân với đối thủ, biến kẻ địch thành thân thích. Thí dụ hoàng đế Khang Hy đời nhà Thanh gả con gái mình cho Cát Nhĩ Đan thủ lĩnh Mông Cổ từng gây ra phản loạn. Mãi cho tới khi Cát Nhĩ Đan lật lọng thất thường, cuối cùng Khang Hy bất đắc dĩ mới phải tiêu diệt hắn.

Dân tộc Trung Hoa dùng lòng yêu mình để yêu người, tuân theo nguyên tắc chiến lược người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người, là một dân tộc nhân ái, dân tộc lương thiện yêu hòa bình mà không lạm dụng vũ lực. Đúng như Tôn Trung Sơn từng nói: “Dân tộc Trung Hoa ta hòa bình, tôn trọng pháp luật, đó là bẩm tính, trừ phi bất đắc dĩ xuất phát từ nhu cầu tự vệ thì quyết không chịu dễ dàng gây chiến tranh”.

Quốc lực lớn mạnh mà không chinh phục: quan sát của Matteo Ricci

Người Trung Quốc khác hẳn người châu Âu, vì Trung Quốc là quốc gia tuy quốc lực lớn mạnh nhưng không có tham vọng chinh phục. Đây là kết luận của nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci[2] cách đây 400 năm, sau khi ông đã sinh sống khảo sát ở Trung Quốc trong 30 năm.

[2] Matteo Ricci: nhà truyền đạo Thiên Chúa, 1552-1610, tên chữ Hán là Lợi Mã Đậu (Li Ma-T’eou), 1582 đến Trung Quốc, 1601 tới Bắc Kinh, quen nhiều học giả ở đây, có công giới thiệu khoa học tự nhiên phương Tây cho Trung Quốc.

Thời xưa trong số những người châu Âu từng đến Trung Quốc có hai người nổi tiếng nhất, đó là Marco Polo đời nhà Nguyên và Matteo Ricci đời nhà Minh. Tháng 8 năm 1582 Matteo Ricci đến Macau, sau đó đến Triệu Khánh, Thiều Châu, Nam Xương, Nam Kinh, Bắc Kinh; tháng 5 năm 1610 tạ thế và an táng tại Bắc Kinh.

Theo quan điểm của Matteo Ricci thì Trung Quốc là một quốc gia kỳ lạ khác với châu Âu. Cương vực Trung Quốc rộng lớn vô biên, dân đông không đếm xuể, vật sản nhiều loại, cực kỳ phong phú. Tại vương quốc trung ương này cho dù họ có lục quân và hải quân trang bị tốt, có thể dễ dàng chinh phục các nước lân cận, nhưng bất kể quốc vương hay là nhân dân của ông lại đều chưa từng nghĩ tới việc tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược. Họ hoàn toàn thỏa mãn với những thứ họ có và hoàn toàn không hăng hái muốn chinh phục. Về mặt này họ khác hẳn người châu Âu. Người châu Âu thường bất mãn với chính phủ mình, thèm muốn có những thứ người nước khác được hưởng thụ. Các quốc gia phương Tây đã bị ý tưởng xưng bá thế giới hành hạ làm cho sức cùng lực kiệt, thậm chí họ chẳng thể được như người Trung Quốc đã làm trong thời gian dài lâu tới mấy nghìn năm là giữ gìn được di sản tổ tiên để lại. Matteo Ricci là một người châu Âu, thế mà ông thực thà vạch ra được “tính cách hòa bình” không tha thiết chinh phục của người Trung Quốc từ vua cho đến dân, điều đó thể hiện phẩm cách không kiêng dè người thân ở châu Âu của ông.

Người Ý Matteo Ricci ở xa tít tận chân trời đã thể nghiệm được tính cách Trung Quốc ngay trên đất Trung Quốc, ở gần Trung Quốc có cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thì từ tầm nhìn của “người hàng xóm” nói về lĩnh hội của mình: “Giao thương giữa Malaysia với Trung Quốc đã có lịch sử hơn 1.000 năm, ở Malaysia có rất nhiều người Trung Quốc, xưa nay chúng tôi chưa bao giờ bị Trung Quốc chinh phục. Thế nhưng người châu Âu từ ngoài xa 8.000 dặm Anh lại chinh phục chúng tôi. Cho nên thái độ của Trung Quốc khác châu Âu. Trung Quốc đến đây vì buôn bán, người châu Âu đến đây không vì buôn bán mà vì chiến tranh. Cuối cùng họ chinh phục bạn hàng của mình. Bởi vậy chúng tôi không e ngại Trung Quốc mà e ngại người châu Âu”.

Trung Quốc hùng mạnh mấy nghìn năm mà các quốc gia nhược tiểu ở xung quanh như An Nam[3], Miến Điện[4], Thái Lan vẫn có thể giữ được độc lập. Về sau gió Âu thổi tới phương Đông, An Nam bị Pháp tiêu diệt, Miến Điện bị Anh tiêu diệt, Cao Ly bị Nhật tiêu diệt. Chính sách “Giúp kẻ nhỏ yếu và kẻ gặp khó khăn”[5] của Trung Quốc hình thành sự tương phản rõ rệt với chính sách “cá lớn nuốt cá bé” của phương Tây.

Quốc lực lớn mạnh mà không chinh phục - theo sự khảo chứng của Tôn Trung Sơn tính cách này của Trung Quốc hình thành từ đời Hán. Thời nhà Hán nói chung các nhà ngôn luận lớn đều cực lực phản đối chủ nghĩa đế quốc, trong đó nổi tiếng nhất là “bàn luận việc bỏ quận Châu Nhai” [ tức sự kiện “Khí Châu Nhai Nghị”][6] phản đối Trung Quốc mở rộng lãnh thổ, chủ trương không thể cùng Man Di phía Nam tranh giành đất đai. Bởi vậy, vào thời nhà Hán Trung Quốc chủ trương không chiến tranh với người nước ngoài; tư tưởng hòa bình của Trung Quốc ở thời nhà Hán đã thể hiện rất đầy đủ. Đến đời Tống, Trung Quốc không những không xâm lược nước khác mà ngược lại bị người khác xâm lược, cuối cùng nhà Tống bị Mông Cổ tiêu diệt. Sau khi mất nhà Tống, tới triều Minh mới phục quốc. Sau khi triều Minh phục quốc thì không xâm lăng nước ngoài nữa.

[3] An Nam: tên cũ do triều đại nhà Đường Trung Quốc đặt cho Việt Nam.

[4] Miến Điện: tên cũ của Myanma.

[5] Nguyên văn chữ Hán: Tế nhược phù khuynh.

[6] Khí Châu Nhai Nghị: “Bàn việc bỏ quận Châu Nhai”. Năm 112 tr. CN. Hán Vũ Đế chinh phục nước Nam Việt (thuộc Quảng Đông, đảo Hải Nam), lập 9 quận trên đảo Hải Nam, trong đó có quận Châu Nhai. Nhưng quận này thường xuyên nổi lên chống nhà Hán; quân nhà Hán bất lực không đàn áp nổi. Năm 46 tr. CN, Hán Nguyên Đế trưng cầu ý kiến quần thần giải quyết vấn đề này. Quan Giả Quyên Chi đề nghị bỏ quận Châu Nhai, nhà vua chấp nhận và hạ chiếu chính thức bỏ quận Châu Nhai.

Một số người châu Âu cũng hiểu rằng nếu Trung Quốc là một quốc gia hăng hái đi chinh phục nước khác thì lịch sử châu Âu đã phải viết lại. Paul Braken giáo sư đại học Yale (Mỹ) nói: “Mọi người đã quên mất là trước đây 500 năm Trung Quốc là siêu cường duy nhất trên thế giới. Khi nhiều người châu Âu còn ở nhà tường đất thì Trung Quốc đã là quốc gia kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất trên trái đất. 100 năm trước khi châu Âu bắt đầu thống trị châu Á và châu Mỹ, Trung Quốc đã có hải quân lớn mạnh và giỏi nhất thế giới. Nếu không phải là sự ngẫu nhiên của lịch sử thì có thể ngày nay châu Âu nói tiếng Trung Quốc”.

Tài nguyên thiếu mà không bành trướng: So sánh với Âu - Mỹ

Mọi người hay dùng từ “đất đai rộng lớn, sản vật phong phú” để hình dung Trung Quốc; trên thực tế vì đông dân nên Trung Quốc rất căng thẳng về tài nguyên. Điều đó dẫn tới cạnh tranh kịch liệt, mâu thuẫn gay gắt hơn. Phương Tây có thói quen chiến lược là xuất khẩu mâu thuẫn, qua xâm lược bành trướng ra bên ngoài để chuyển hóa mâu thuẫn nội bộ thành mâu thuẫn bên ngoài nhằm hòa hoãn khủng hoảng trong nước. Nhưng đặc điểm của Trung Quốc là dù tài nguyên căng thẳng đến đâu cũng thà chịu đấu tranh nội bộ dù trời long đất lở chứ không gây chiến tranh chiếm đất bên ngoài. Trung Quốc không có thuộc địa.

Do các nguyên nhân về khí hậu và địa mạo (lắm núi và sa mạc), xét theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ đất canh tác được so với tổng diện tích lãnh thổ của Trung Quốc là rất nhỏ. Trung Quốc là quốc gia loài người định cư từ rất xa xưa nhưng tới cuối thế kỷ XX diện tích đất trồng trọt chỉ chiếm có 10% tổng diện tích lãnh thổ, ở châu Âu tỷ lệ này là trên một phần tư. Bình quân diện tích đất canh tác của mỗi người lao động nông nghiệp Trung Quốc chỉ có một phần ba hec ta, còn ở Mỹ là 99 hec ta. Trong 1.000 năm qua số dân Trung Quốc từ 55 triệu tăng lên tới 1,3 tỷ người, tăng gần gấp 22 lần. So với châu Âu và Mỹ, Trung Quốc trước nay đều phải chịu một sức ép dân số đối với đất đai vô cùng nặng nề. Trong thiên niên kỷ trước đây, so với người châu Âu hồi trung thế kỷ hoặc hiện đại, người Trung Quốc ăn rất ít thực phẩm thịt, người lớn không ăn sữa, hầu như không tồn tại các sản phẩm chế biến từ sữa. Sự phụ thuộc vào tiêu dùng lương thực thì có liên quan với nạn thiếu đất, bởi lẽ protein và nhiệt lượng hấp thu từ lương thực (chứ không phải từ thực phẩm động vật), càng ít có nhu cầu đất đai. Nhưng trong tình hình đó người Trung Quốc vẫn không bành trướng ra khai thác ở nước ngoài. Tài nguyên dù căng thẳng tới đâu cũng không đi xâm lược và cướp đoạt đất đai và tài nguyên của người khác. Xưa nay Trung Quốc chưa từng xảy ra cái gọi là chiến tranh tài nguyên với các nước khác. Trung Quốc là anh chàng đàn ông khoẻ mạnh dù chết đói cũng không cướp thức ăn của kẻ khác.

Phòng ngự tự vệ mà không tấn công trước: Đánh giá của người Nhật

Làm một nước văn minh, làm người thầy đề cao nhân nghĩa; người không xâm phạm ta, ta không xâm phạm người, không tấn công trước; phản kích tự vệ có lý, có lợi, có kiềm chế; lấy ân báo oán, không trả thù. Trung Quốc chưa bao giờ tấn công trước, đây lại là một đặc điểm của tính cách Trung Quốc.

Daisaku Ikeda, một nhân sĩ tôn giáo, nhà văn hóa và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Nhật Bản từng nói: “Về bản chất, người Trung Quốc theo chủ nghĩa thận trọng, mong muốn nước mình được hòa bình yên ổn. Trên thực tế, chỉ cần không xâm phạm trước Trung Quốc thì người Trung Quốc không bao giờ tấn công kẻ khác trước. Trong lịch sử cận đại, các cuộc chiến tranh Thuốc phiện, chiến tranh Trung Quốc - Nhật Bản, chiến tranh Triều Tiên và các cuộc chiến tranh có liên quan đến Trung Quốc cho tới nay, dù là loại chiến tranh nào đều có thể gọi là chiến tranh tự vệ. Trong quan hệ quốc tế cận đại, Trung Quốc chưa có tiền lệ “tấn công trước””.

Katō Shūichi nhà sử học văn minh Nhật khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung ương từng nói: “Trong xử lý quan hệ với nước ngoài, Nhật Bản có tính công kích tương đối mạnh, khi cảm thấy có nguy cơ thì thường ra tay trước. Nhật luôn dựa vào sức mạnh quân sự, trong thời gian rất ngắn đột nhiên có hành động quân sự một cách bùng nổ, có tính cực đoan, tính giật cục. Trung Quốc tương đối bình tĩnh, khó thấy nơi nào Trung Quốc sử dụng vũ lực trước tiên.”

Văn minh quân sự Trung Quốc từng làm thế giới cảm động. Sau thắng lợi chiến tranh chống Nhật, Trung Quốc từ bỏ khoản bồi thường chiến tranh của Nhật; thi hành chính sách giáo dục, cải tạo và cuối cùng phóng thích các phạm nhân chiến tranh Nhật; nuôi dưỡng trẻ con mồ côi do quân Nhật xâm lược bỏ lại, thể hiện tấm lòng lấy ân trả oán. Trong chiến tranh chống Mỹ giúp Triều, Trung Quốc thực hành chính sách nhân đạo với tù binh chiến tranh. Tù binh Mỹ nói: “Trung Quốc là quốc gia văn minh nhất thế giới”. Thân nhân tù binh Mỹ viết thư ca ngợi chính sách ưu đãi tù binh của quân đội Trung Quốc “như người mẹ”. Trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ với Ấn Độ, trong tình hình thắng lớn, quân đội Trung Quốc không thừa thắng truy kích mà dứt khoát rút về tuyến kiểm soát thực tế vốn có để tỏ thành ý hòa bình. Không những thả toàn bộ tù binh mà Trung Quốc còn chủ động trả lại rất nhiều vũ khí trang bị cho phía Ấn Độ. Trong lịch sử chiến tranh thế giới chưa từng có tiền lệ như vậy.

Bao dung văn minh mà không xung đột: Cảm nhận của người Do Thái

Nền văn minh Trung Quốc có tấm lòng rộng mở, trong bầu không khí văn minh Trung Hoa không có sự đụng độ, đối kháng giữa các nền văn minh mà chỉ có cái bắt tay văn minh, cái ôm nhau văn minh, sự bao dung văn minh, sự hòa hợp văn minh, cứu trợ văn minh.

Thủ tướng Israel Ehud Olmert từng nói: “Chúng tôi có tình cảm yêu mến sâu sắc với nhân dân Trung Quốc và cảm ơn họ khôn xiết về việc người Do Thái ở Thượng Hải và Cáp Nhĩ Tân được đối xử ấm áp và hữu hảo trong thế kỷ XX và trong thời gian Thế chiến II”.

Trong lịch sử từng có một số người Do Thái đến Trung Quốc, lập phường hội của họ tại các nơi như Khai Phong. Các đoàn thể của người Do Thái trên thế giới đều rất có sức ngưng tụ, đó là do sự phân biệt đối xử và sức ép lớn đến từ bên ngoài khiến người Do Thái vì để sống còn và phát triển mà không thể không lập đoàn thể. Nhưng ở Trung Quốc thì lại xuất hiện ngoại lệ độc đáo, cũng chỉ ở Trung Quốc, do không phải chịu bất cứ sức ép từ bên ngoài và sự kỳ thị mà các đoàn thể người Do Thái thực hiện được việc hòa nhập với nền văn hóa Trung Quốc. Hồi thế kỷ XIX khi người phương Tây đến Trung Quốc thấy các đoàn thể Do Thái từ lâu đã thực hiện hòa nhập với văn hóa Trung Quốc, hai nền văn hóa này đã khó tách ra khỏi nhau, họ cảm thấy ngạc nhiên và khó tin. Tính cách văn minh phương Tây gây ra sự xung đột giữa các nền văn minh khác nhau, nhưng tính cách văn minh Trung Quốc thì thực hiện sự hòa nhập các nền văn minh.

Từ thời viễn cổ cho tới thời kỳ lập triều đại nhà Thanh, người Trung Quốc luôn luôn giữ quan hệ khăng khít với các nước xung quanh, không hề kỳ thị thương nhân và giáo sĩ nước ngoài. Tấm Bia Cảnh giáo ở Tây An nói lên việc các nhà truyền giáo nước ngoài hồi thế kỷ 7 sau công nguyên đã tiến hành truyền bá Phúc Âm tại vùng này. Phật giáo truyền vào Trung Quốc thời nhà Hán, nhân dân rất nhiệt tình hoan nghênh tôn giáo mới này. Sau đó Phật giáo ngày một phồn thịnh, nay đã là một trong ba tôn giáo lớn chủ yếu ở Trung Quốc. Không những giáo sĩ mà các thương nhân cũng được phép tự do du lịch dọc ngang trong nội bộ đế quốc Trung Hoa. Thậm chí mãi cho đến cuối đời nhà Minh, Trung Quốc còn chưa có chút dấu hiệu bài ngoại nào cả. Một trăm năm trước, Tôn Trung Sơn từng kêu gọi người Mỹ như sau: “người Trung Quốc về bản tính không phải là dân tộc bế quan tỏa cảng, không phải là dân tộc bài ngoại”.

Về sau vì sao lại xuất hiện hiện tượng “bài ngoại”. Đó là do phương Tây dùng tàu chiến súng lớn xâm lược và cướp bóc Trung Quốc, người Trung Quốc chỉ có thể vùng lên chống lại. Nói đúng ra đây không phải là “bài ngoại” mà là “kháng ngoại”.

Vương đạo lập quốc mà không bá đạo: khái quát của Tôn Trung Sơn

Tính cách của Trung Quốc là tính cách vương đạo chứ không phải bá đạo; Trung Quốc dựa vương đạo để dựng nước chứ không dựa bá đạo để dựng nước. Vương đạo là tôn chỉ quốc gia của Trung Quốc cũng là đạo đức quốc gia của Trung Quốc.

Nói về đạo đức quốc gia Trung Quốc dùng vương đạo để dựng nước, trong bài “Chủ nghĩa Tam Dân” của Tôn Trung Sơn năm 1924 có trình bày cặn kẽ: “Nói tới đạo đức vốn có của Trung Quốc cho đến nay người Trung Quốc chưa thể quên, trước hết là trung hiếu, thứ hai là nhân ái, thứ ba là tín nghĩa, sau nữa là hòa bình. Rất nhiều người nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc thường hay ca ngợi người Trung Quốc, họ bảo người Trung Quốc nói một câu còn giữ chữ tín hơn cả bản hợp đồng người nước ngoài lập ra. Còn nói về chữ “nghĩa”, ở thời đại rất cường thịnh Trung Quốc cũng không đi tiêu diệt nước ngoài. Thí dụ Cao Ly thời xưa trên danh nghĩa là phiên thuộc của Trung Quốc, thực ra là một nước độc lập. Trung Quốc cường thịnh mấy nghìn năm mà Cao Ly vẫn tồn tại; Nhật Bản mới mạnh lên chưa đầy 20 năm đã diệt Cao Ly rồi. Trung Quốc mấy nghìn năm tha thiết yêu hòa bình đều xuất phát từ bẩm tính. Nói về cá nhân thì trọng khiêm nhường, nói về chính trị thì “kẻ nhân ái có thể thống nhất thiên hạ”[7], khác hẳn người nước ngoài. Vì thế đạo đức cổ xưa của Trung Quốc như trung hiếu, nhân ái, tín nghĩa cố nhiên là hơn hẳn người nước ngoài; nói tới đạo đức hòa bình thì lại càng cao hơn người nước ngoài. Loại đạo đức đặc biệt tốt ấy là tinh thần dân tộc ta. Sau này chúng ta không những phải gìn giữ mà còn phải phát huy tinh thần đó”.

[7] Nguyên văn chữ Hán: Bất thị sát nhân giả năng nhất chi, là một danh ngôn của Mạnh Tử

Con đường đúng đắn của loài người là Vương đạo: Tính cách Trung Hoa nhất định sẽ đi ra thế giới

Lịch sử thế giới cận đại là lịch sử của sự đối lập chiến lược văn hóa giữa các nước lớn, của sự cạnh tranh giữa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây, là lịch sử so sánh và xung đột giữa văn hóa vương đạo với văn hóa bá đạo.

Ngày 28 tháng 11 năm 1924, trong bài “Diễn thuyết trước các đoàn thể của hội nghị Thương nghiệp Kobe” tại Nhật Bản, Tôn Trung Sơn nêu ra một vấn đề như sau: Nếu so sánh văn hóa bá đạo với văn hóa vương đạo, rốt cuộc loại văn hóa nào có ích cho chính nghĩa và nhân đạo? Loại nào có lợi cho dân tộc và quốc gia? Câu trả lời của Tôn Trung Sơn trong bài nói trên là: Trào lưu văn hóa thế giới là văn hóa công lợi cường quyền của phương Tây sẽ phải phục tùng văn hóa nhân nghĩa đạo đức của phương Đông. Đó tức là bá đạo phải phục tùng vương đạo; văn hóa thế giới ngày càng hướng tới phía tươi sáng. Trong bài diễn thuyết đó Tôn Trung Sơn có nhắc nhở nước Nhật một câu: “Gần đây châu Á học văn hóa võ công của châu Âu, nước Nhật học hoàn hảo nhất. Dân tộc Nhật Bản các bạn đã học được văn hóa bá đạo của Âu - Mỹ, lại có bản chất của văn hóa vương đạo châu Á, từ nay trở đi đối với tiền đồ văn hóa thế giới, rốt cuộc là làm chó săn chim mồi cho bá đạo phương Tây hay là làm tướng sĩ bảo vệ vương đạo phương Đông, việc này quốc dân Nhật Bản các bạn nên thận trọng suy xét lựa chọn”.

Trong sách “Triển vọng thế kỷ XXI”, sử gia người Anh Toynbee dự báo: “Thống nhất thế giới là con đường tránh để loài người tự sát tập thể. Dự đoán sự thống nhất thế giới sẽ được thực hiện trong hòa bình. Về điểm này trong số các dân tộc hiện nay thì dân tộc có sự chuẩn bị đầy đủ nhất là dân tộc Trung Hoa; hai nghìn năm qua họ đã trau dồi được một phương pháp tư duy độc đáo”.