Giấc mơ Trung Quốc - Chương 03 - Phần 03

II. Thời đại Trung Quốc là thời đại “mô hình phát triển Trung Quốc” ưu việt so với thế giới

Sự cạnh tranh giữa các quốc gia, nhất là cạnh tranh giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại, về bản chất là “cạnh tranh kiểu mô hình”, tức cạnh tranh về mô hình dựng nước, mô hình phát triển. Về bản chất, sức cạnh tranh quốc gia là sức cạnh tranh của mô hình; kết cục tốt thắng xấu thải trong sự so sánh và lựa chọn của các mô hình khác nhau trong lịch sử sẽ quyết định địa vị, tiền đồ và số phận của quốc gia. Nói cho tới cùng, “cạnh tranh mô hình” giữa các nước lớn là sự cạnh tranh về trình độ văn minh và chỉ số hạnh phúc, là sự cạnh tranh mà lòng người thế gian hướng đến, tức là xem xem mô hình nào có sức sống và sức sáng tạo hơn, có sức hút và sức ngưng tụ hơn.

Lôi kéo hoặc chia rẽ: cuộc đọ sức giữa ba loại mô hình

Kể từ thế kỷ XX trên sân khấu quốc tế đã lần lượt xuất hiện cuộc cạnh tranh và đọ sức kéo dài giữa ba loại mô hình có ảnh hưởng tới lịch sử thế giới và tiền đồ loài người, đó là “mô hình phương Tây”, “mô hình phương Bắc” và “mô hình phương Đông”. Mô hình phương Tây đại diện là Mỹ, mô hình phương Bắc đại diện là mô hình Liên Xô; mô hình phương Đông tức là mô hình chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc được sáng tạo ra trong 30 năm cải cách mở cửa, tức mô hình Trung Quốc.

Cuộc cạnh tranh giữa mô hình Liên Xô với mô hình Mỹ xuyên suốt thế kỷ XX. Còn cuộc cạnh tranh giữa mô hình Trung Quốc với mô hình Mỹ sẽ xuyên suốt thế kỷ XXI; độ sâu, độ rộng và độ dài (nói về thời gian) của cuộc cạnh tranh này sẽ có ảnh hưởng vượt xa hiệu ứng chiến lược của cuộc cạnh tranh mô hình Mỹ - Liên Xô.

Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, người phương Tây phổ biến tin vào “Thuyết hồi kết lịch sử”[5], cho rằng mô hình chính trị dân chủ kiểu phương Tây là mô hình chính trị cuối cùng và cũng là mô hình lý tưởng nhất trong lịch sử; dùng nền dân chủ phương Tây để cải tạo và xây dựng thế giới trở thành sứ mạng và trách nhiệm của thế giới phương Tây; dân chủ và tự do kiểu phương Tây cũng sẽ trở thành sức mạnh mềm lớn nhất của phương Tây để chinh phục thế giới. Nhưng thế giới phương Tây đã nhanh chóng nhìn thấy cái bị lịch sử chấm dứt chỉ là mô hình Liên Xô mà thôi, còn việc kết thúc mô hình Liên Xô và việc kết thúc mô hình xã hội chủ nghĩa căn bản là hai chuyện khác nhau. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước Mỹ - Liên Xô sau Thế chiến II là cạnh tranh mô hình quốc gia; thất bại của Liên Xô là thất bại của một kiểu mô hình quốc gia.

[5] Thuyết hồi kết lịch sử: The End of History, quan điểm do Francis Fukuyama đưa ra năm 1989, sau được phát triển trong cuốn The End of History and the Last Man xuất bản năm 1992. Fukuyama là học giả người Mỹ gốc Nhật.

Sau hồi kết lịch sử của mô hình Liên Xô, lịch sử của mô hình Trung Quốc đã bắt đầu; nó thể hiện sức làm gương, sức thuyết phục, sức ảnh hưởng và sức cạnh tranh có tính thế giới, tỏ rõ triển vọng mới cho sự tiến bộ của xã hội loài người và sự phát triển của lịch sử thế giới, song đồng thời cũng thể hiện mặt non nớt trẻ trung của nó. Trên sân khấu thế giới thế kỷ XXI, sự cạnh tranh về mô hình dựng nước và mô hình phát triển tập trung thể hiện ở sự cạnh tranh giữa mô hình phương Tây và mô hình phương Đông, cũng tức là cạnh tranh giữa mô hình Mỹ và mô hình Trung Quốc. Sau khi đánh bại mô hình Liên Xô, mô hình Mỹ lên tới đỉnh điểm của nó. Tuy rằng trong cuộc cạnh tranh với mô hình Trung Quốc ở thế kỷ XXI, mô hình Mỹ ngạo mạn đã để lộ triệu chứng suy thoái - cuộc khủng hoảng tài chính có tính thế giới bắt đầu từ nước Mỹ đã lung lay nặng nề địa vị và ảnh hưởng của mô hình Mỹ. Nhưng trong thế giới hiện nay, mô hình Mỹ vẫn chiếm cao điểm nhất thế giới. Mô hình Trung Quốc tuy đã giành được những thành tựu cả thế giới đều biết nhưng còn ở trong giai đoạn bước đầu, với tư cách là một đề tài mới, nó còn nhiều việc phải làm. Muốn thắng trong cuộc cạnh tranh thế kỷ này, Trung Quốc phải làm cho mô hình quốc gia của mình trở nên tiên tiến và ưu việt hơn mô hình Mỹ.

Không tiến lên thì sẽ chết: Bài học của mô hình Liên Xô

Trong lịch sử thế giới cận đại, mô hình Liên Xô là một mô hình có công lao to lớn, có ba công trạng lịch sử lớn.

Công trạng thứ nhất, trong cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, Liên Xô đảm đương vai trò chủ lực chống phát xít, Liên Xô chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến tranh này. Theo thống kê, số thương vong của quân dân Liên Xô lên tới hơn 60 triệu người, trong đó chết 27 triệu người; hơn 1.700 thành phố và hơn 70 nghìn làng bị đánh phá cướp bóc, thiệt hại vật chất lên đến 679 tỷ Rúp. Riêng Liên Xô chiếm 41% tổng thiệt hại của các nước tham gia Đại chiến Thế giới lần thứ II. Khi chiến tranh chấm dứt, Liên Xô được công nhận là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Tổng thống Mỹ Roosevelt nói: “Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã buộc lực lượng vũ trang Hitler đi tới con đường hoàn toàn thất bại, qua đó họ được nhân dân Mỹ chân thành và mãi mãi khâm phục”. Công trạng thứ hai, trong việc xây dựng kinh tế, Liên Xô đã giành được thành tựu to lớn “Thứ nhì thế giới” về tổng sản lượng kinh tế.

Công trạng thứ ba, mô hình Liên Xô buộc chủ nghĩa tư bản đi tới văn minh. Chủ nghĩa tư bản nguyên thủy thời kỳ đầu là chủ nghĩa tư bản dã man đẫm máu; chủ nghĩa tư bản độc quyền là chủ nghĩa tư bản tàn khốc; còn chủ nghĩa phát xít càng là chủ nghĩa tư bản điên cuồng. Chủ nghĩa xã hội của mô hình Liên Xô trong cuộc đấu tranh đối lập, đối kháng với chủ nghĩa tư bản đã buộc chủ nghĩa tư bản truyền thống chuyển biến theo hướng trở thành chủ nghĩa tư bản hiện đại, đi tới văn minh, qua đó nâng cao được trình độ văn minh của toàn thế giới. Mô hình Liên Xô đã biến mất nhưng chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội đã giành được thắng lợi vĩ đại, bởi lẽ loại chủ nghĩa tư bản nguyên thủy dã man thời kỳ đầu mà chủ nghĩa Marx cần lật đổ ấy đã không còn tồn tại trên thế giới. Hơn nữa, cái chủ nghĩa tư bản gây đại chiến thế giới, xâu xé thế giới mà Lenin và Stalin muốn tiêu diệt ấy cũng đã không tồn tại nữa.

Nếu nói rằng chủ nghĩa tư bản nguyên thủy do sự áp bức và bóc lột tàn khốc mà thúc ép dẫn tới sự ra đời chủ nghĩa xã hội của cuộc cách mạng vô sản, thế thì chủ nghĩa xã hội cách mạng lại thúc ép sự sản sinh một chủ nghĩa tư bản tương đối văn minh. Về sau do sự trì trệ, xơ cứng thậm chí rũa nát của mô hình Liên Xô, chủ nghĩa tư bản hiện đại tương đối văn minh một lần nữa trong sức ép của cuộc cạnh tranh và so sánh mô hình lại buộc mô hình Liên Xô đi tới tan rã. Nhưng số phận bất hạnh mô hình Liên Xô sụp đổ và ưu thế so sánh của mô hình Mỹ lại thúc ép sự ra đời tại Trung Quốc một chủ nghĩa xã hội cải cách mở cửa, xuất hiện một mô hình Trung Quốc căn bản khác với mô hình Liên Xô và lại có thể cạnh tranh với mô hình Mỹ. Có thể thấy là cuộc cạnh tranh giữa các mô hình khác nhau tuân theo quy luật tốt thắng xấu thua, hình thành trào lưu tiến bộ của thế giới, cung cấp động lực phát triển lịch sử. Một mô hình có ảnh hưởng thế giới, cho dù nó từng làm nên sự nghiệp vẻ vang đến đâu, chỉ cần nó xuất hiện sự “ngạo mạn của mô hình”, rơi vào tình trạng “xơ cứng”, thậm chí trở thành sự “biến chất mô hình”, “rũa nát mô hình”, thế thì tất nhiên nó sẽ bị vứt vào sọt rác của lịch sử. Muốn giữ được sức sống và sức cạnh tranh, mô hình Trung Quốc tất phải có sức sáng tạo lâu bền, phải có sức sáng tạo hơn mô hình Mỹ, như vậy mới có thể có tư cách và năng lực cạnh tranh làm quốc gia lãnh tụ.

Hấp thu kinh nghiệm của nhiều nước: bí quyết của “mô hình Singapore”

Lý Quang Diệu nói: “Không có một Vạn lý Trường thành giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội; họ có thể bổ khuyết cho nhau, hoàn thiện lẫn nhau”.

Một vị nguyên lão của Đảng Hành động nhân dân Singapore là ông Rajaratnam từng nói: cái gọi là con đường Singapore tức là chủ nghĩa xã hội về chính trị và chủ nghĩa tư bản về kinh tế. Nghĩa là sử dụng biện pháp chủ nghĩa tư bản để làm ra của cải, vận dụng phương pháp của chủ nghĩa xã hội để phân phối của cải.

Là một cường quốc kiểu mini, sự trỗi dậy của Singapore là một kỳ tích. Bí quyết của huyền thoại Singapore là ở đâu? Theo cách nói của Lý Quang Diệu và Rajaratnam, bí quyết là ở chỗ “chủ nghĩa hợp thành” trăm sông đổ về biển. Đặc điểm và quy luật mô hình Singapore là ở đó. Thành công của Singapore là kết quả sự bổ khuyết lẫn nhau, hoàn thiện lẫn nhau giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản.

Thế nào là chủ nghĩa Marx? Bản thân chủ nghĩa Marx là thứ chủ nghĩa hợp thành có tính phê phán, tính cách mạng, tính sáng tạo. Chủ nghĩa Marx là thành quả của văn minh nhân loại đem tất cả mọi thứ có giá trị sáng tạo bởi các xã hội nguyên thuỷ, xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, đặc biệt là xã hội chủ nghĩa tư bản gộp lại mà thành.

Thế nào là chủ nghĩa xã hội? Chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa hợp thành có tính phê phán, tính cách mạng, tính sáng tạo. Trong bản đề cương “Nhiệm vụ hiện nay của chính quyền Xô Viết” viết năm 1918, khi vạch rõ việc không sử dụng các thành tựu công nghệ và văn hóa mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được thì không thể thực hiện được chủ nghĩa xã hội, Lenin có nhấn mạnh nhà nước xã hội chủ nghĩa cần “vui vẻ hấp thu mọi cái tốt của nước ngoài”:

Chính quyền Xô Viết + trật từ đường sắt của nước Phổ + kỹ thuật và tổ chức Tơ rớt[6] của nước Mỹ + nền giáo dục quốc dân Mỹ v.v. = chủ nghĩa xã hội”.

[6] Tơ-rớt: Trust, hình thức liên minh nhiều doanh nghiệp để giảm cạnh tranh, nắm thị trường, định giá cả.

Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc dĩ nhiên khác với “chủ nghĩa hợp thành” của Singapore. Nhưng công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc cũng là quá trình học tập thế giới, hợp thành trăm sông đổ vào biển và sáng tạo. Chủ nghĩa hợp thành là một tư tưởng chiến lược của chủ nghĩa Marx, cũng là cái đem lại ưu thế sức mạnh cho chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là sự tổng hòa những thứ tốt của Trung Quốc và những thứ tốt của nước ngoài, đặc biệt là sự tổng hòa những thứ tốt của các nước tư bản trên thế giới.

Dùng sáng tạo cái mới để dẫn dắt thế giới là sứ mạng của “mô hình Trung Quốc”

Tất cả các quốc gia quán quân, quốc gia lãnh tụ trên thế giới không nước nào không là quốc gia sáng tạo mô hình mới, đều dùng đặc sắc để dựng nước, dùng sáng tạo để chấn hưng đất nước, chứ không phải là quốc gia có tính sao chép, phục chế, copy. Đặc sắc của Mỹ khác với của Anh, đặc sắc của Trung Quốc cũng khác với của Mỹ. Muốn trở thành quốc gia lãnh tụ thế giới, Trung Quốc phải sáng tạo và cống hiến một mô hình mới cho thế giới này. Trung Quốc không thể sao chép, kể cả Trung Quốc không thể sao chép kẻ khác, kẻ khác cũng không thể sao chép Trung Quốc. Là quốc gia hình mẫu và nêu gương cho thế giới, quốc gia quán quân, quốc gia lãnh tụ chỉ có thể được tham khảo chứ không thể sao chép. Nói theo ý nghĩa đó, bản chất của “đặc sắc Trung Quốc” tức là sáng tạo cái mới, sứ mạng của “mô hình Trung Quốc” là sáng tạo.

Tính sáng tạo, tính đổi mới của Trung Quốc chủ yếu thể hiện trên ba mặt:

1. Xét từ ý nghĩa và góc độ chủ nghĩa xã hội, mô hình Trung Quốc phải giải quyết những vấn đề mô hình Liên Xô chưa giải quyết. Về mặt này, mô hình Trung Quốc đã thành công lớn.

2. Xét từ góc độ phát triển văn minh nhân loại, cần giải quyết những vấn đề mà mô hình phương Tây, đặc biệt là mô hình Mỹ chưa giải quyết, thí dụ các vấn đề nghiêm trọng xuất hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính có tính thế giới năm 2008, vấn đề chủ nghĩa bá quyền trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Về mặt này, Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường liên hợp lãnh đạo và quản lý thế giới, hợp tác giải quyết các vấn đề nóng hổi và khó khăn, đạt được những thành tích rõ ràng, con đường hợp tác đang mở rộng.

3. Cần giải quyết những vấn đề thắt cổ chai ảnh hưởng tới sự phát triển một cách khoa học của Trung Quốc. Thí dụ vấn đề chênh lệch thu nhập quá lớn, vấn đề chống tham nhũng. Mô hình của quốc gia lãnh tụ vừa phải là mô hình phát triển quốc gia một cách khoa học và lành mạnh, cũng phải là mô hình giải quyết các vấn đề và mâu thuẫn của thế giới, là mô hình hữu hiệu trong việc giải quyết các mâu thuẫn có tính thế giới và các khó khăn có tính toàn cầu. Sức sống, sức cạnh tranh, sức ảnh hưởng của mô hình Trung Quốc phụ thuộc vào năng lực và tiềm lực của mô hình này trong việc giải quyết hữu hiệu các vấn đề Trung Quốc và các vấn đề thế giới. Năng lực và tiềm lực đó về cơ bản là một loại sức sáng tạo, sức đổi mới.