Giấc mơ Trung Quốc - Chương 04 - Phần 04

V. Thiên hạ vô địch, “Trung Quốc và Mỹ có khác nhau”

Trong một thế giới có quan hệ cạnh tranh, đối kháng và đối địch thì một quốc gia hùng mạnh, một dân tộc vĩ đại có thể theo đuổi trình độ lý tưởng như thế nào?

Hai loại mức độ: sự mô tả của “Binh pháp Tôn Tử”

“Binh pháp Tôn Tử” cho rằng: “Chưa thể coi bách chiến bách thắng là tài giỏi nhất; không cần giao chiến mà có thể hàng phục được toàn bộ kẻ địch mới là tài giỏi nhất”[16]. “Binh pháp Tôn Tử” chỉ ra hai trình độ chiến lược khác nhau: một là trình độ “không cần giao chiến mà có thể hàng phục được toàn bộ kẻ địch”, đây là trình độ cao nhất, là trình độ lý tưởng, là trình độ “tài giỏi nhất”; còn trình độ “Bách chiến bách thắng” thì là trình độ dưới một bậc, thấp một bậc, là trình độ “chưa thể coi là tài giỏi nhất”. Trên thế giới ngày nay, tuy Trung Quốc và Mỹ đều là các quốc gia theo đuổi “Thiên hạ vô địch”, nhưng lại ở hai trình độ khác nhau. Cái thiên hạ vô địch của họ khác nhau về bản chất.

[16] Nguyên văn chữ Hán: Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã. Nghĩa là: Chưa thể coi bách chiến bách thắng là tài giỏi nhất; không cần giao chiến mà có thể hàng phục được toàn bộ kẻ địch mới là tài giỏi nhất.

Cái thiên hạ vô địch của Mỹ là đánh bại bất kỳ kẻ địch nào, đây là một loại sức mạnh; còn thiên hạ vô địch của Trung Quốc là không gây ra bất kỳ thù địch nào – đây là một loại trình độ. Tính cách quốc gia Mỹ có thể khái quát bằng một chữ “bá”, còn tính cách quốc gia Trung Quốc thì có thể khái quát bằng một chữ “nhân”. Nước Mỹ muốn duy trì trên thế giới một tình trạng “Kẻ xưng bá thì vô địch”, còn lý tưởng Trung Quốc tìm kiếm trên thế giới là “Kẻ nhân từ vô địch”.

“Vô địch thiên hạ” của Trung Quốc: vô địch của kẻ Nhân

Vô địch thiên hạ của Trung Quốc là không gây bất kỳ sự thù địch nào. Trên thế giới, Trung Quốc không định vị bất cứ quốc gia nào là kẻ địch của mình. Với ý nghĩa ấy Trung Quốc là quốc gia không có kẻ địch, Trung Quốc đúng là vô địch thế giới - trên thế giới này không có quốc gia nào là kẻ địch của mình.

Mục tiêu “Vô địch thiên hạ” của Trung Quốc có ba hàm nghĩa cụ thể:

1. Không vì tìm kiếm bá quyền thế giới mà làm kẻ địch của thiên hạ. Quốc gia tìm kiếm bá quyền thế giới bao giờ cũng coi các quốc gia khác là đối tượng bá quyền của mình, loại quốc gia như thế tất nhiên sẽ đắc tội với thiên hạ, trở thành quốc gia đối địch với thiên hạ. Trung Quốc không tìm kiếm bá quyền thế giới, cho nên mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia khác không phải là quan hệ giữa bá quyền với bị bá quyền, Trung Quốc sẽ không đối địch với thiên hạ.

2. Không vì theo đuổi hiệu ứng “địch thủ” mà cố tình gây thù địch. Nước Mỹ xưa nay có truyền thống cố tình gây thù địch, đây là một đặc trưng và nội dung quan trọng của tư duy chiến lược Mỹ. Người Mỹ cảm thấy không có kẻ địch và địch thủ thì bản thân mình không tỉnh táo được, quốc gia không có lực ngưng tụ và động lực, vì thế họ bao giờ cũng phải tìm kiếm và xác định kẻ địch, đây là một kiểu nhu cầu chiến lược của Mỹ. Nhưng Trung Quốc thì theo đuổi “Muôn nghìn quốc gia sống hòa hợp với nhau”[17], tạo dựng hoàn cảnh không có kẻ địch và địch thủ. Trung Quốc coi “Khắp nơi không có kẻ địch”[18] là lý tưởng của mình, coi “Bạn bè khắp 5 châu” là tiêu chí thành công của mình. Trên thế giới ngày nay, Trung Quốc không định vị bất kỳ quốc gia nào là “kẻ địch” của mình.

3. Không đề cao vũ lực mà thèm muốn dùng bạo lực thắng địch. Văn hóa quân sự Trung Quốc đề cao “Biến khiên mộc gươm đao thành ngọc ngà tơ lụa”[19]. Thí dụ “Chính sách hòa thân” trong lịch sử Trung Quốc tức là biến địch thủ thành thân thích, biến kẻ địch thành người thân. Trung Quốc dùng phương pháp hòa bình để hóa giải mâu thuẫn địch ta chứ không đề cao vũ lực, lấy chiến tranh đối phó chiến tranh, không mê tín vào việc dùng chiến tranh và vũ lực để giải quyết vấn đề. Lấy ngọc ngà tơ lụa hóa giải gươm đao thì mới có hòa bình. Nhưng lấy chiến tranh đối phó chiến tranh thì thắng lợi tạm thời ấy sẽ gieo hạt giống mãi mãi thù hận, thường là có thắng lợi nhưng không có hòa bình. Khi cái giá phải trả cho thắng lợi và di chứng về sau vượt quá thu hoạch của thắng lợi thì đó là một loại thắng lợi có tính tai nạn. Kiểu vô địch thiên hạ như vậy trên thực tế là gây ra sự đối địch càng lớn càng lâu dài. Trình độ cao nhất của văn hóa quân sự Trung Quốc không phải là “chiến thắng” - “đã đánh thì phải thắng” mà là “Không đánh mà thắng”. “Quan điểm thắng lợi” của Trung Quốc là “Thắng mà không gây oán thù”, “Thắng mà không gây đối địch”. Kiểu thắng lợi ấy sẽ không đem lại cừu hận và kẻ địch mới cho kẻ thắng.

Nói cho đến cùng, “Thiên hạ vô địch” của Trung Quốc là “Người nhân ái thì không có kẻ địch”[20].

[17] Nguyên văn chữ Hán: Hiệp hoà vạn bang.

[18] Nguyên văn chữ Hán: Tứ hải vô địch.

[19] Nguyên văn chữ Hán: Hoá can qua vi ngọc bạch. Ý nói thay chiến tranh bằng tình hữu nghị.

[20] Nguyên văn chữ Hán: Nhân giả vô địch

“Vô địch thiên hạ” của Mỹ: vô địch của kẻ xưng bá

Nếu nói “Vô địch thiên hạ” mà Trung Quốc theo đuổi là một lý tưởng, tức không gây thù địch trong thiên hạ, không dùng vũ lực để bắt các nước khác thần phục, thế thì “Vô địch thiên hạ” mà nước Mỹ theo đuổi là một sức mạnh, là dùng quả đấm để ra oai, xây dựng và dựa vào một sức mạnh vượt bậc ”Đánh khắp thiên hạ không có đối thủ”.

“Vô địch thiên hạ” kiểu Mỹ chỉ là dùng bạo lực chế ngự bạo lực, kết quả kẻ địch bị Mỹ đánh bại càng nhiều thì kẻ địch nước Mỹ cần đối phó cũng càng lắm.

Sau chiến tranh lạnh, Mỹ trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới, một siêu bá duy nhất. Nhưng đồng thời với đó, Mỹ lại trở thành quốc gia kém an toàn nhất thế giới, nguyên nhân là ở chỗ tuy Mỹ có sức mạnh quân sự thiên hạ vô địch nhưng lại không có sức mạnh đạo đức thiên hạ vô địch.

Mối nguy lớn nhất của việc đối địch với thế giới là trở thành kẻ địch của thế giới

Nước Mỹ “Kẻ xưng bá vô địch” gây ra đối địch khắp nơi, là nước Mỹ kém an toàn nhất.

Sau chiến tranh lạnh, nước Mỹ không ngừng tạo ra hàng loạt quốc gia đối địch với mình, gồm có mấy cái gọi là “quốc gia côn đồ”, mấy “quốc gia “Trục ác quỷ”, mấy nước phải tiến hành tấn công hạt nhân và hơn 40 nước phi dân chủ, hầu như Mỹ coi một nửa số quốc gia trên thế giới là đối thủ, kẻ địch của mình. Sau “Vụ 11 tháng 9”, trước tiên Mỹ xác định tính chất của Iran, Iraq và Triều Tiên là “Trục ác quỷ”. Về sau lại đưa Cuba, Libya và Syria vào danh sách ấy. Trong “Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân” do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra có liệt nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Iraq, Triều Tiên, Iran, Libya, Syria vào danh sách mục tiêu tấn công hạt nhân, đề xuất đánh phủ đầu trước. “Chiến lược tình báo quốc gia năm 2009” Mỹ mới công bố gần đây lại coi Trung Quốc và Nga là thách thức chủ yếu của Mỹ, đồng thời còn đưa ra một loạt kẻ thách thức thứ yếu.

Giáo sư Lester Thurow, nhà kinh tế ở Học viện Công nghệ Massachusetts viết: “Đế quốc La Mã kéo dài được 1.000 năm, đế quốc Anh được 200 năm, tại sao chúng ta chỉ duy trì được chưa đến 50 năm mà đã bắt đầu đi xuống dốc?” Thử hỏi, một quốc gia coi mấy chục nước trên thế giới là đối thủ và kẻ địch của mình thì sao lại không đi tới suy tàn?

Tháng 3 năm 2007, trong “Cơ hội lần thứ hai: Ba nhiệm kỳ Tổng thống và nguy cơ của siêu cường Mỹ”, Brzezinski đã tổng kết bài học gây thù địch của 3 vị Tổng thống Mỹ trong 15 năm qua - Bush cha, Clinton, Bush con. Ông cho rằng sau chiến tranh lạnh, trên thực tế Tổng thống Mỹ đã trở thành vua của thế giới, nước Mỹ năm 1991 ở vào thế an toàn hơn năm 1945, khi ấy Mỹ không có đối thủ và kẻ địch trên thế giới, nước Mỹ đứng trước cơ hội nghìn năm khó gặp. Nhưng 15 năm sau, khi trở thành siêu cường duy nhất toàn cầu thì nước Mỹ lại phát hiện thấy mình đang ở trong một thế giới đầy rẫy thái độ thù địch về chính trị, trở thành một quốc gia dân chủ cô độc đáng sợ. Sự thù địch của thế giới Hồi giáo đối với Mỹ không ngừng tăng lên, Trung Đông bị làm rối tung lên, Iran ngày càng lớn mạnh ở vùng Vịnh Ba Tư, Nga đùng đùng giận dữ, Trung Quốc đang xúc tiến xây dựng Khối Cộng đồng Đông Á, Nhật ngày càng cô lập ở châu Á, làn sóng dân chủ hóa và làn sóng chống Mỹ ở châu Mỹ La tinh đồng thời dâng cao, các cơ chế không phổ biến hạt nhân đứng trước nguy cơ sụp đổ, uy tín và hình ảnh đạo đức của Mỹ trên toàn thế giới bị tổn hại nặng nề, ba Tổng thống Mỹ kéo nước Mỹ tới tình cảnh khó khăn rất nguy hiểm. Tổng thống Bush con dùng biện pháp đối phó với chủ nghĩa khủng bố là luôn kêu to “Sói đến rồi”, cố ý gây ra không khí căng thẳng trong cả nước, khuếch đại các hoạt động khủng bố quốc tế rời rạc lên tới độ cao khiến ông ta có thể tự mệnh danh mình là “Tổng thống thời chiến”, biến nước Mỹ thành một quốc gia cô lập tự mình đóng kín, mọi người tự cảm thấy nguy hiểm. Trong 15 năm sau chiến tranh lạnh ấy, “Ba Tổng thống Mỹ lãnh đạo siêu cường duy nhất trên thế giới đều có biểu hiện rất tồi tệ”, Bush con lại càng là “Tổng thống có tính tai nạn”. Bush cha đóng vai trò “Cảnh sát thế giới”; Clinton đóng vai “Người quảng cáo” phúc lợi xã hội; Bush con đóng vai trò “Đội trưởng đội bảo vệ”. Brzezinski cho rằng Bush cha chỉ đáng được điểm “B”, Clinton chỉ được điểm “C”, Bush con chỉ đáng được điểm “F”, bởi lẽ với tư cách là lãnh tụ toàn cầu, khi nước Mỹ có quốc lực mạnh nhất thế mà ba vị Tổng thống này lại làm cho nước Mỹ thần hồn nát thần tính, người người tự vệ, làm cho quốc gia lớn mạnh nhất thế giới trở thành quốc gia không có cảm giác an toàn nhất thế giới.

Rất rõ ràng, một quốc gia gây thù địch khắp nơi trên thế giới cho dù lớn mạnh vô song cũng sẽ không thể trở thành một quốc gia an toàn.