Giấc mơ Trung Quốc - Chương 06 - Phần 03

III. Nước Mỹ đã kiềm chế Nhật vươn lên như thế nào?

Sau Thế chiến II, nước Mỹ nhảy lên địa vị quốc gia quán quân thế giới. Trong nửa cuối thế kỷ XX Mỹ đã thành công tiến hành hai cuộc chiến bảo vệ vương miện quán quân: lần thứ nhất là trong nội bộ phe tư bản phương Tây, Mỹ đã ngăn chặn thành công sự vươn lên của Nhật Bản, một quốc gia có cùng hình thái ý thức với Mỹ. Lần thứ hai là ngăn chặn thành công sự cạnh tranh của Liên Xô, một nước có hình thái ý thức khác với Mỹ. Tiến sang thế kỷ XXI, Mỹ bắt đầu cuộc chiến bảo vệ vương miện quốc gia quán quân lần thứ ba, tức đối phó toàn diện với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ba cuộc chiến nói trên là ba chiến dịch lớn giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại, ba chiến dịch có tính chiến lược tiến hành xoay quanh quyền chủ đạo thế giới và quyền lãnh đạo thế giới; ba chiến dịch này thuộc ba loại khác nhau. Trong ba chiến dịch lớn kể trên, Mỹ đã thắng hai - áp chế thành công Nhật Bản, ngăn chặn thắng lợi Liên Xô. Nhưng trong chiến dịch thứ ba đối phó với Trung Quốc, liệu Mỹ còn có thể thắng được hay không?

Sự phung phí tài nguyên chiến lược của Mỹ làm cho ngày “Nhật Bản số Một” đến sớm hơn

Chủ nghĩa bá quyền là một loại lợi ích bá quyền. Chủ nghĩa bá quyền cũng phải trả giá cho bá quyền. Nhưng chủ nghĩa bá quyền không có tiết chế sẽ gây ra sự lãng phí tài nguyên chiến lược, qua đó làm suy yếu địa vị bá quyền của nó.

Nước Mỹ sau chiến tranh đã lên tới đỉnh cao của bá quyền. Nhưng chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam làm cho Mỹ phải trả giá chiến lược đau đớn, gây nên sự phung phí lớn tài nguyên chiến lược và sự sa sút sức mạnh bá quyền của Mỹ, tạo ra cho Nhật và các nước lớn công nghiệp châu Âu những cơ hội và điều kiện trỗi dậy về kinh tế.

Warren Cohen từng viết: “Sau thất bại trong Thế chiến II, Nhật dùng 99% ngân sách nghiên cứu triển khai vào sản xuất dân dụng, nhờ đó dễ dàng chiếm được thị trường Mỹ, còn Mỹ thì dùng 50% ngân sách nghiên cứu triển khai vào chế tạo vũ khí và trang bị quân sự... Sự nổi lên của các quốc gia thương mại như Nhật và Đức cho dù không xuất phát từ tự nguyện, các quốc gia này lựa chọn thương mại chứ không dùng biện pháp quân sự để tạo ra của cải và sức mạnh... Do cuộc chiến tranh không lý trí ở Việt Nam, ít nhất nước Mỹ đã làm cho cái ngày “Nhật Bản số Một” đến sớm hơn. Cơ hội tạo dựng một phong cách lãnh đạo hậu bá quyền hoàn toàn mới cùng với của cải và sức mạnh của nước Mỹ thế là đã bị phung phí mất”.

Trong thập niên 80 thế kỷ XX, mấy lực lượng chính trị như Nhật, châu Âu, Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, cạnh tranh gay gắt với Mỹ trên các mặt năng lượng, thị trường, thương mại; cùng với những điều đó, tiếng hò hét “châu Âu tự chủ”, “Nhật Bản số Một” làm cho hệ thống đồng minh của Mỹ bị thách thức. Đặc biệt là thành tựu kinh tế của Nhật đã gây ra tác động gần như lật đổ đối với kinh tế Mỹ. Địa vị kinh tế “nước Mỹ số Một” trở nên hết sức nguy cấp.

Thành tích kinh tế của Nhật Bản dẫn đầu thế giới, làm rung chuyển nước Mỹ

Cùng với đà phát triển kinh tế Nhật sau chiến tranh, từ cuối thập niên 50 thế kỷ XX giữa Mỹ và Nhật xuất hiện sự cọ xát về thương mại, đến thập niên 80 đã phát triển tới mức “cọ xát có tính tổng hợp”.

Phạm vi cọ xát thương mại Nhật - Mỹ đã không còn giới hạn ở các sản phẩm cá biệt mà mở rộng đến sự va chạm trên các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, tài chính cho tới cơ cấu ngành nghề. Trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, bán dẫn thuộc về ngành sản xuất trung tâm; “cuộc chiến bán dẫn” là một thí dụ điển hình về chiến tranh công nghệ cao giữa Nhật với Mỹ. Vì Mỹ phát minh ra bán dẫn nên mới đầu Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối. Năm 1977, sản phẩm bán dẫn Mỹ chiếm 3% trên thị trường Nhật, tỷ lệ này của Nhật tại Mỹ chỉ có 1,6%. Nhưng tới thập niên 80 thế kỷ XX, Nhật đi sau về trước, vượt Mỹ. Kết quả là các bộ nhớ dùng trong siêu máy tính Mỹ đều là hàng Nhật; các trang bị quân sự và vũ khí cấp cao cũng dùng chi tiết bán dẫn Nhật chế tạo. Theo thống kê của “Hội công nghiệp bán dẫn Mỹ”, doanh số thị trường bán dẫn Mỹ năm 1984 là 11,6 tỷ USD, năm 1987 tăng lên 18,1 tỷ USD, trong đó tỷ lệ của Nhật từ 14% tăng lên 20%. Trong thời kỳ đó tỷ lệ của Nhật trên thị trường bán dẫn thế giới từ 38% tăng lên 43%. Xét về sản phẩm công nghệ mũi nhọn, tỷ lệ chiếm hữu của máy tính Nhật trên thị trường Mỹ từ 1% năm 1980 tăng lên 7,2% năm 1984; tỷ lệ máy móc thông tin từ 1,8% tăng lên 3,6%; các cấu kiện điện tử từ 3,2% tăng lên 7,2%; các thiết bị điện tử như ti vi và máy ghi âm từ 27,1% tăng lên 40,2%. Do hàng điện tử Nhật xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, tiếng nói phê phán Nhật trong dư luận Mỹ ngày một lên cao. Tháng 7 năm 1987 từng có người đập máy thu thanh do hãng Toshiba chế tạo ngay trước toà nhà Quốc hội Mỹ để tỏ ý phản đối, yêu cầu cấm toàn diện việc nhập sản phẩm Toshiba vào Mỹ.

Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, Nhật không ngừng xâm nhập nền công nghiệp quốc tế, và mua nhiều tài sản của Mỹ, trong đó có cả toà tháp Rockefeller “tượng trưng cho nước Mỹ” và công ty điện ảnh Columbia “linh hồn của nước Mỹ”. Vì Nhật ở vào địa vị chủ nợ của Mỹ, cho dù hối suất đồng dollar Mỹ và đồng Yen điều chỉnh lên xuống ra sao thì nhập siêu thương mại khổng lồ của Mỹ đối với Nhật trong một thời gian dài vẫn khó có thể cải thiện được. Giữa thập niên 80 thế kỷ XX, Nhật đã trở thành chủ nợ lớn nhất trên thế giới và Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới.

Tương phản lớn giữa kinh tế Nhật với kinh tế Mỹ thể hiện nổi bật trên bốn mặt sau đây: thứ nhất, địa vị của hai nước Nhật - Mỹ trong nền kinh tế thế giới xuất hiện thay đổi lớn, tỷ lệ của Nhật trong tổng GDP toàn thế giới từ 2,2% năm 1955 tăng lên 12% năm 1986, còn tỷ lệ của Mỹ trong cùng thời kỳ đó giảm từ 36,3% xuống còn 25,7%. Thứ hai, khoảng cách về khoa học kỹ thuật giữa hai nước rút ngắn lại. Trong lĩnh vực khoa học mũi nhọn, Nhật không ngừng thách thức Mỹ. Đến năm 1980, tỷ lệ của Nhật trong xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao toàn thế giới tăng gần gấp đôi còn Mỹ thì giảm 16,67%. Trong 83 lĩnh vực khoa học kỹ thuật được xét, Nhật đã đuổi kịp hoặc vượt Mỹ trên 35 lĩnh vực; trên 18 lĩnh vực khác, mỗi nước đều có sở trường riêng. Thứ ba, địa vị của Nhật trong hoạt động kinh tế đối ngoại nổi trội. Trong 16 năm thời gian 1970 - 1986, quy mô xuất khẩu của Nhật tăng 10 lần, còn Mỹ chỉ tăng gấp đôi. Thặng dư thương mại với Mỹ của Nhật năm 1980 là 9,9 tỷ USD, năm 1986 tăng lên tới 58,6 tỷ. Đầu tư nước ngoài của Nhật tăng thần tốc, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm thời gian 1980 - 1986 lên tới 19,45%, còn Mỹ chỉ là 3,2%. Thứ tư, địa vị tài chính quốc tế của Nhật và Mỹ phát sinh đảo ngược. Thập niên 80 thế kỷ XX, Nhật trở thành “nước chủ nợ ròng” số một thế giới, còn Mỹ trở thành “nước con nợ ròng” lớn nhất thế giới. Tài sản ròng đối ngoại của Nhật năm 1986 lên tới 180,4 tỷ USD, tổng nợ của Mỹ lên tới 263,6 tỷ USD.

Thập niên 80 thế kỷ XX trở thành những năm nước Nhật nổi đình đám. Cuối năm 1985, tài sản ròng của Nhật ở nước ngoài vượt Anh và CHLB Đức, trở thành nước chủ nợ lớn nhất thế giới. Đến năm 1988, Nhật trở thành nước lớn về đầu tư, nước lớn chủ nợ, nước lớn tài chính. Năm 1987, GDP của Nhật chiếm 15% tổng GDP toàn thế giới, bằng 56% GDP Mỹ. Năm 1988, GDP bình quân đầu người của Nhật vượt Thuỵ Điển, nhảy lên vị trí thứ nhất thế giới.

Kinh tế Nhật nhanh chóng trỗi dậy làm cho ảnh hưởng quốc tế của Nhật tăng mạnh. Đầu thập niên 80 thế kỷ XX, tại phương Tây dấy lên phong trào học tập Nhật. Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ Marshall đi thăm Nhật về nói: “Năng suất lao động của Nhật năm nào cũng tăng, về mặt quan hệ chủ - thợ và kinh doanh của các doanh nghiệp, người Nhật có những ưu điểm mà Mỹ không có, chúng ta cần phải học tập cách quản lý này của Nhật”. Đại sứ Anh tại Nhật, Will Ford viết trong báo cáo gửi chính phủ Anh như sau: “Nếu giới doanh nghiệp Anh không sáng tạo ra công nghệ riêng của mình, không nhập công nghệ mới của Nhật và các nước ngoài thì cuối thế kỷ này nước Anh sẽ tụt xuống thành một quốc gia nhỏ về công nghiệp”. Ông đề nghị chính phủ Anh cử đại diện thường trú tại Nhật để phụ trách vấn đề này nhằm học tập người Nhật tốt hơn. Liên minh châu Âu trước kia chế nhạo người Nhật là những “kẻ mắc chứng ngộ độc lao động sống trong hang thỏ”, nay thay đổi quan điểm. Một người phụ trách nói: “Giống như ngày xưa người Nhật học chúng ta, ngày nay chúng ta cũng nên cố gắng đuổi theo và học người Nhật trong các lĩnh vực tiên tiến”. Nước Pháp xưa nay nhấn mạnh tự chủ, nay cũng đề xuất “Nước mà chúng ta nên học tập không phải là châu Âu mà là Nhật”.

Hồi ấy, khắp nơi trên thế giới đua nhau mở các cuộc hội thảo học “bí quyết thành công” của Nhật. Các đoàn khảo sát lũ lượt kéo đến nước Nhật. Riêng một cơ quan phụ trách năng suất lao động Nhật trong thời gian tháng 4 đến tháng 8 năm 1980 đã tiếp hơn 20 đoàn đến thăm.

Năm 1988, hội phí do Nhật nộp cho Liên Hợp Quốc chiếm 10,84% tổng hội phí của tổ chức này, vượt Liên Xô, chiếm hàng thứ hai. Vào thập niên 80 thế kỷ XX, Nhật không những trở thành nước có xuất siêu lớn nhất thế giới và nước chủ nợ lớn nhất thế giới, mà trong nhiều ngành công nghệ cao Nhật đã thách thức ưu thế dẫn đầu của các doanh nghiệp Mỹ. Có một dạo khắp nơi bàn tán om sòm về việc Nhật sẽ thay Mỹ chiếm địa vị bá chủ nền kinh tế thế giới.

Nhật là đồng minh quan trọng của Mỹ đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh hùng mạnh về kinh tế. Sự cọ sát giữa Nhật với Mỹ chẳng những xuyên suốt thập niên 80 mà còn liên tục chỉ có tăng không giảm. Năm 1982, nhập siêu thương mại của Mỹ với Nhật là 7 tỷ USD, năm 1983 lên tới 19 tỷ USD, 1984 bằng 37 tỷ USD; sau năm 1984 mỗi năm đều vào cỡ trên dưới 50 tỷ USD.

Mấy lần cọ xát thương mại Nhật - Mỹ phần lớn đều kết thúc bằng sự nhân nhượng của Nhật. Năm 1988, Quốc hội Mỹ thông qua “Luật thương mại tổng hợp”, yêu cầu trả đũa đối với các quốc gia không công bằng trong buôn bán. Tháng 5 năm 1989, căn cứ theo điều khoản 301 luật đó, Mỹ tuyên bố Nhật là “quốc gia buôn bán không công bằng”. Tiếp đó hai bên bắt đầu đàm phán. Cuối thập niên 80, cọ xát thương mại ngày càng gay gắt khiến cho tinh thần dân tộc của hai nước tăng lên. Thặng dư buôn bán Nhật tích lũy được rất lớn, vốn của Nhật “ào ào xâm nhập” nước Mỹ, thổi lên làn gió mua tài sản của Mỹ. Các doanh nghiệp và tài sản nhà đất đều trở thành đối tượng Nhật mua lại, xu thế mua rất mạnh mẽ gây ra sự lo lắng trong công chúng Mỹ. Nhất là năm 1989, công ty Sony và công ty bất động sản Mitsubishi Nhật mua công ty giải trí và làm phim Columbia và trung tâm Rockefeller New York. Công ty giải trí - làm phim Columbia là tượng trưng cho văn hóa nghe nhìn của nước Mỹ, trung tâm Rockefeller là kiến trúc tiêu biểu của nước Mỹ. Hai vụ mua bán lớn này đã kích thích mạnh tình cảm công chúng Mỹ.

Trên mặt kinh tế, Nhật hung hăng bức bách Mỹ, khiến cho “Thuyết Nhật Bản đe dọa” trở thành một trào lưu tư tưởng tại nước Mỹ. Bên trong bên ngoài Quốc hội Mỹ ầm ỹ tiếng la hét đòi “Trị cho Nhật Bản một trận”, “Trả đũa Nhật Bản”, “Ngăn chặn Nhật Bản”. Dư luận cho rằng “Sức mạnh kinh tế Nhật đe dọa Mỹ còn hơn cả sức mạnh quân sự của Liên Xô”, “Nếu không coi trọng sự xâm lược về kinh tế của Nhật Bản thì nước Mỹ sẽ khó mà làm chủ được số phận của mình”. Sự cọ sát kinh tế giữa Nhật với Mỹ đã vượt quá phạm vi kinh tế, về thực chất đã nâng lên đến mức là sự cọ sát tình cảm của dân chúng; sự đối kháng về tâm lý xã hội đã trở thành cuộc chiến giữa hai nước.

Nhật Bản có thể nói “Không”: nước Nhật muốn làm trụ cột của thế giới, muốn đóng vai chính trong lịch sử

Năm 1989, Akio Morita Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Sony và Shintaro Ishihara nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do cùng nhau viết cuốn sách “Nhật Bản có thể nói Không”. Cuốn sách này kịch liệt phê phán đả kích việc Mỹ thực hiện chính sách kinh tế thương mại “Bắt rễ từ thành kiến nhân chủng lệch lạc”, khuyến khích Nhật từ bỏ “ý thức nước nhỏ” hình thành sau Thế chiến II và ý thức khuất phục theo Mỹ, đi con đường độc lập tự chủ, “gánh vác trách nhiệm nặng nề là cột trụ trung lưu thời đại mới”, trở thành vai chính sáng tạo lịch sử thế giới mới. Việc xuất bản cuốn sách kể trên đã “làm rung chuyển mối quan hệ Mỹ - Nhật”. Dư luận Mỹ cho rằng, cuốn sách này đã “công bố trước thế giới sự phẫn nộ và kiêu ngạo của người Nhật”. Trong bối cảnh như vậy, mối quan hệ Mỹ - Nhật bước sang thập niên 90 thế kỷ XX.

“Nhật Bản muốn bắt đầu chuyến đi biển xa lần thứ ba”, “Nhật Bản muốn trở thành một đám mây ngũ sắc dẫn dắt thế giới” - đây là lời tuyên bố của Thủ tướng Nhật Zenko Suzuki năm 1981 tại buổi chiêu đãi trọng thể do Hội Nhật Bản tổ chức tại New York, về sau được người ta gọi là “Lần khai quốc [mở nước] thứ ba” hoặc “Khởi điểm mới thứ ba”.

Lần khai quốc thứ nhất của Nhật là nói năm 1853 hạm đội Mỹ buộc Mạc Phủ Tokugawa khai quốc; sau đó qua cuộc Duy tân Minh Trị khiến Nhật trở thành một trong các cường quốc thế giới. Lần khai quốc thứ hai là nói sau Thế chiến II, nước Nhật trải qua sự phục hưng nhanh chóng trở thành nước lớn kinh tế thứ hai thế giới phương Tây, hoàn thành sứ mạng đuổi kịp các nước phát triển Âu Mỹ. Lần khai quốc thứ ba bắt đầu từ thập niên 80 thế kỷ XX, Nhật muốn từ một nước hưởng lợi bị động biến thành nước sáng tạo tích cực, với mục tiêu phấn đấu là từ “nước lớn kinh tế” đi lên “nước lớn chính trị”.

Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura của Nhật Bản xuất bản cuốn “Xã hội kiểu chín muồi Nhật Bản”, trong đó có nói rõ: “Nước Nhật đứng trước thời cơ chuyển đổi quan trọng trong lịch sử”, “Hơn 100 năm nay, Nhật luôn luôn lấy các quốc gia tiên tiến Âu - Mỹ làm mục tiêu, lấy phát triển kinh tế làm trục chính, toàn tâm toàn ý đi theo con đường muốn trở thành quốc gia tiên tiến”, “Hiện nay mục tiêu Nhật Bản cần giành được đã biến mất trên đường kéo dài của trục phát triển kinh tế”, “Trọng tâm phát triển từ nay về sau của Nhật Bản không còn ở trên trục phát triển kinh tế nữa mà sẽ là phát triển nhiều mặt hoặc phát triển kiểu nhiều trục”, “Trong quá trình chuyển sang thế kỷ XXI từ nay trở đi Nhật sẽ nâng cao trình độ chín muồi để làm quốc gia tiên tiến”. Trong “Sách Trắng kinh tế ” đưa ra hồi đầu thập niên 80 thế kỷ XX chính phủ Nhật chính thức tuyên bố “Nhật Bản đã hoàn thành sứ mạng đuổi và vượt các quốc gia phát triển ở Âu, Mỹ”, và trong “Triển vọng dài hạn về chính sách công nghiệp thập niên 80” có đề ra từ nay trở đi sẽ từ “thời đại mô phỏng và theo đuổi khai hóa văn minh” tiến sang “thời đại khai phá văn minh sáng tạo và dẫn đầu”.

Năm 1981, Thủ tướng Zenko Suzuki khi sang thăm Mỹ đã nói rõ hơn: “Phải thay đổi tư thế bị động trước đây áp dụng”, “thi hành tinh thần chủ động của mình”, “dùng phương thức tương xứng nhất với tài cán và năng lực của Nhật để phát huy tác dụng tương xứng với lực lượng và địa vị của Nhật”. Năm 1982, vài ngày trước hôm nhậm chức Thủ tướng Nhật, ông Yasuhiro Nakasone nói với nguyệt san “Chính luận”: “Cho tới nay chúng ta luôn cố gắng đuổi theo một đám mây trên đỉnh đèo mà hiện nay đám mây đó đã biến mất, chúng ta cần sáng tạo một đám mây mới”. Nước Nhật cần từ quốc gia kiểu bám đuổi, quốc gia kiểu bắt chước chuyển sang quốc gia kiểu sáng tạo, quốc gia kiểu khai phá, quốc gia kiểu dẫn dắt, thể hiện chí khí lớn của nước Nhật.