Giấc mơ Trung Quốc - Chương 06 - Phần 04

Nhật Bản trở thành đối thủ số một của Mỹ

Nhật Bản - bạn đồng minh của Mỹ đã trở thành đối thủ chiến lược số một của Mỹ.

Nước Mỹ hồi thập niên 80 thế kỷ XX vừa phải đối kháng Liên Xô lại vừa phải ngăn chặn Nhật Bản, đồng thời đứng trước hai đối thủ chiến lược. Do xu thế Nhật tranh giành bá chủ kinh tế thế giới rất mạnh mẽ cho nên khắp nước Mỹ ai ai cũng cảm thấy nguy cơ Nhật Bản ngày một gay gắt. Cảm giác nguy cơ của người Mỹ đối với Nhật Bản thể hiện trên bốn mặt sau:

1. “Thuyết Nhật Bản đe dọa” lan tràn khắp nước Mỹ. Theo kết quả cuộc điều tra dư luận tiến hành hồi tháng 1 năm 1989 của công ty dư luận “Tập đoàn Nội tình Mỹ” tại Boston, 63% dân Mỹ cho rằng “So với lực lượng quân sự Liên Xô thì sức mạnh kinh tế Nhật tạo ra sự đe dọa lớn hơn đối với việc bảo đảm an ninh của nước Mỹ”. Báo chí đưa tin, một văn bản truyền đọc tại Quốc hội Mỹ viết: “Mỹ đang đứng trước hai loại chiến tranh thế giới, tức đấu tranh quân sự với Liên Xô và đấu tranh kinh tế, kỹ thuật với Nhật”, “Vũ khí hạt nhân của Mỹ đủ để ngăn chặn Liên Xô phát động tấn công quân sự nhưng Mỹ lại chưa có biện pháp kinh tế tương đương với vũ khí hạt nhân đủ để ngăn chặn cuộc tấn công của Nhật”, “Nếu Nhật thừa thắng xông lên thì cuối cùng Mỹ sẽ rơi vào cảnh trở thành thuộc địa kinh tế của Nhật”. Văn bản này cảnh báo: “Nhật Bản đã bắt đầu đe dọa sự tồn tại của nước Mỹ”. Như vậy Mỹ đã công nhiên xếp nước đồng minh của mình là Nhật Bản vào bên phía Liên Xô, coi là một trong các đối tượng Mỹ tiến hành “hai loại chiến tranh thế giới”. Qua đó có thể thấy cảm giác nguy cơ đối với Nhật của Mỹ nghiêm trọng tới mức nào.

2. Mỹ cực kỳ lo ngại trước dã tâm chiến lược của Nhật Bản. Về chính trị, Mỹ lo ngại Nhật lấy nước lớn kinh tế làm hậu thuẫn để chiếm địa vị lãnh đạo thế giới, áp đảo Mỹ. Sau khi Mỹ rơi xuống địa vị “nước con nợ” số một không ít người Mỹ cảm thấy rất lo ngại về sự thách thức mạnh mẽ của Nhật, cho rằng địa vị lãnh đạo và năng lực lãnh đạo có tính toàn cầu của Mỹ đang có nguy hiểm. Về kinh tế, Mỹ lo ngại bị Nhật khống chế. Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, đầu tư của Nhật tại Mỹ tăng mạnh, ngoài việc mua bất động sản ra, Nhật còn bắt đầu trực tiếp đầu tư vào các nhà máy, xí nghiệp Mỹ. Năm 1987, khoản đầu tư Nhật dùng vào lĩnh vực này lên tới 30,9 tỷ USD, tăng 1/3 so với năm 1986. Người Nhật còn mua các doanh nghiệp Mỹ, thí dụ công ty lốp xe và cao su Firestone Tire & Rubber nổi tiếng nước Mỹ bị người Nhật mua với giá 2,6 tỷ USD. Tính đến năm 1987, người Nhật đã nắm tới 110 tỷ USD các loại cổ phiếu, trái khoán và công trái Mỹ. Sự xâm nhập mạnh mẽ của tư bản Nhật làm cho không ít người Mỹ lo ngại nước Mỹ sẽ rơi vào cảnh ngộ trở thành thuộc địa kinh tế của Nhật Bản.

3. Về quân sự, Lầu Năm Góc lo ngại Nhật sẽ đe dọa an ninh của Mỹ. Ngày càng có nhiều người Mỹ cho rằng sự đe doạ quân sự của Liên Xô đối với Mỹ sẽ không còn là thách thức nghiêm trọng nhất nữa mà Nhật sẽ đe dọa an ninh của Mỹ hơn cả Liên Xô. Nước Nhật về thực lực kinh tế sẽ vượt Mỹ, nếu về quân sự lại lớn mạnh hơn thì sẽ vô cùng nguy hiểm đối với Mỹ. Nhân vật quan trọng phụ trách soạn thảo chính sách an ninh Mỹ là Brent Scowcroft từng viết bài trình bày ý: “Từ nay trở đi không nên yêu cầu Nhật Bản tăng tỷ lệ của ngân sách quốc phòng”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Lawrence Eagleburger viết bài chỉ rõ, việc tăng cường lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tổn hại lợi ích của Mỹ. Kissinger rung chuông báo động mọi người: “Nhật Bản có thể trở thành nước lớn về quân sự”.

4. Nhật Bản tăng mạnh niềm tin đòi chia sẻ quyền lực với Mỹ. Vào lúc cảm giác nguy cơ của Mỹ đối với Nhật không ngừng tăng lên thì phía Nhật cũng tăng tốc bước đi tiến tới trở thành nước lớn chính trị, ra sức đòi giành được quyền phát ngôn nhiều hơn trong việc tái phân phối quyền lực ở phương Tây. Trước tiên là ra sức thay đổi nền “ngoại giao theo đuôi” nghiêng một bên về phía Mỹ, thi hành ngoại giao tự chủ, công khai đề xuất đòi đóng vai trò “một trong các quốc gia chủ yếu giữ gìn trật tự quốc tế”. Tháng 9 năm 1989, Thủ tướng Nhật Kaifu Toshiki khi đến thăm Mỹ đã công khai tuyên bố “Nhật Bản không còn là anh học trò nhỏ ngoan ngoãn vâng lời ông thầy Mỹ nữa mà là hợp tác bình đẳng, có lúc là đối tác cạnh tranh”. Ông còn đề nghị Mỹ giảm bớt các nghĩa vụ gánh vác trên toàn cầu, để Nhật Bản có “đóng góp quốc tế” tương xứng với nước mình. Do sức mạnh kinh tế sa sút, Mỹ không thể không yêu cầu Nhật chia sẻ nghĩa vụ với mình. Nhật cũng tăng nhanh viện trợ ra nước ngoài, trở thành nước lớn số một trên thế giới về viện trợ đối ngoại. Hàm nghĩa thực sự của việc Thủ tướng Kaifu Toshiki nhấn mạnh yêu cầu chia sẻ nghĩa vụ với Mỹ là muốn chia sẻ quyền lực với Mỹ. Cố vấn đặc biệt của Bộ Công nghiệp Nhật Bản Kuroda nói: “Mỹ phải xem xét vấn đề chia sẻ quyền lực kèm theo chia sẻ nghĩa vụ.” Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Okita Saburo cũng nói: “Giờ đây Mỹ cần thay đổi tâm lý và phương pháp tư duy của họ”, “Nếu Mỹ muốn nước khác giúp họ xử lý vấn đề kinh tế thế giới thì họ ắt phải đồng ý để chúng tôi chia sẻ quyền quyết sách hoặc quyền chịu trách nhiệm”. Trước kia khi cọ xát giữa Nhật với Mỹ được giảm bớt, đa phần là phía Nhật nhân nhượng, giờ đây thì Nhật dám nói “Không” với Mỹ.

“Sự thăng trầm của các cường quốc” thôi thúc ý thức lo hoạn nạn của người Mỹ

Năm 1979, học giả Ezra Vogel ở đại học Harvard xuất bản cuốn “Nhật Bản số Một”, gây ra phản ứng lớn trên toàn thế giới, trở thành sách bán chạy nhất tại Mỹ và Nhật.

Năm 1987, giáo sư lịch sử Paul Kennedy tại Đại học Yale xuất bản sách “Sự thăng trầm của các cường quốc”[5]. Đây lại là một cuốn sách bán chạy phổ biến khắp thế giới.

[5] Sự thăng trầm của các cường quốc: tức The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict From 1500 to 2000, xuất bản lần đầu năm 1987.

Nếu nói “Nhật Bản số Một” là từ sự trỗi dậy của Nhật Bản nói lên sự tụt lại của Mỹ, thế thì “Sự thăng trầm của các cường quốc” đã trực tiếp vạch ra sự sa sút của Mỹ. Trong sách này, Paul Kennedy vạch ra toàn diện các triệu chứng suy thoái của Mỹ. Ông tuyên bố “Tốc độ sa sút tương đối của Mỹ thậm chí còn vượt cả Liên Xô”. Ông lớn tiếng kêu gọi: vấn đề nước Mỹ hiện nay đang đương đầu không phải là vấn đề có sa sút hay không mà là làm thế nào để sa sút một cách có thể diện như đế quốc Anh năm xưa. Có một dạo “Thuyết nước Mỹ suy thoái” trở thành đề tài bàn tán nóng hổi trên khắp nước Mỹ.

Hai cuốn sách “Nhật Bản số Một” và “Sự thăng trầm của các cường quốc” phản ánh nỗi lo lắng hoạn nạn của giới tinh anh Mỹ. “Thuyết nước Mỹ suy thoái” không chỉ là ý kiến của vài học giả mà là cả một quần thể lớn tiếng báo động dân chúng Mỹ. Nỗi lo lắng của quần thể tinh anh đã kéo theo và đẩy mạnh cả một trào lưu tư tưởng của toàn bộ xã hội Mỹ. Nhiều người Mỹ cho rằng, Mỹ có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh giữa phương Đông với phương Tây, nhưng trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Nhật và châu Âu thì Mỹ lại là kẻ thua, thậm chí đánh mất địa vị siêu cường. Ý thức nguy cơ mãnh liệt là động lực số một thúc đẩy nước Mỹ ứng phó với sự thách thức.

Phản công chiến lược: ném bom nguyên tử tài chính

Trong tình hình Nhật nhanh chóng trỗi dậy, chính phủ Mỹ đặt mục tiêu cơ bản trong chính sách đối với Nhật là bảo đảm địa vị lãnh đạo của Mỹ, buộc Nhật chia sẻ trách nhiệm. Nói cụ thể là: trên vấn đề thương mại song phương, bắt Nhật phải nhượng bộ Mỹ, giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại; về mặt kinh tế, yêu cầu Nhật đóng góp nhiều hơn nhưng đề phòng Nhật Bản lợi dụng viện trợ và đầu tư để ảnh hưởng tới môi trường chiến lược của Mỹ; về chính trị, cho phép Nhật phát huy tác dụng nhiều hơn nhưng không cho phép thay thế Mỹ; về quân sự, dưới tiền đề duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ, để Nhật nâng cao năng lực phòng vệ, cùng Mỹ chia sẻ chi phí bảo đảm an ninh. Chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thời gian chiến tranh lạnh có hai cột trụ quan trọng: một là Khối Bắc Đại Tây Dương NATO, hai là đồng minh Mỹ - Nhật.

Mối quan hệ Mỹ - Nhật xưa nay được coi là hòn đá tảng trong chính sách châu Á của Mỹ. Nhiều năm nay hai nước này luôn mâu thuẫn với nhau trên vấn đề phòng vệ an ninh. Mỹ oán trách Nhật Bản dốc toàn lực phát triển kinh tế mà không chịu chi tiền cho phòng vệ an ninh, là vị “khách đi tàu an ninh không mua vé”, ra sức ăn chạc kinh phí của Mỹ, yêu cầu Nhật chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm phòng vệ. Nhưng Nhật đã là một nước lớn kinh tế và đang theo đuổi địa vị nước lớn chính trị, không phải là quốc gia Mỹ có thể tuyệt đối khống chế được. Mỹ muốn Nhật chia sẻ gánh nặng chi phí và trách nhiệm, Nhật thì muốn chia sẻ quyền lợi với Mỹ.

Sự phản kích của Mỹ đối với Nhật về cơ bản đã giành lại quyền chủ động chiến lược của Nhật, chủ yếu dựa vào hai thủ đoạn: một là thi hành chiến tranh tài chính với Nhật, coi như dùng vũ khí hạt nhân tài chính tấn công Nhật; hai là sáng tạo “nền kinh tế Mới” với đặc trưng cơ bản là tin học hóa và toàn cầu hóa.

Nói về hậu quả chí mạng của việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân tài chính tấn công kinh tế Nhật, giáo sư Tề Thế Vinh ở khoa lịch sử Đại học Sư phạm Thủ đô cho biết: năm 1999, nước Mỹ chiếm 4,5% tổng số dân toàn thế giới mà sử dụng 85% vốn lưu động và 72% dự trữ của thế giới, điều đó cho thấy Mỹ vẫn chiếm địa vị bá chủ trong lĩnh vực tiền tệ thế giới. Do địa vị đặc biệt của đồng dollar Mỹ trong nền kinh tế thế giới khiến Mỹ có thể qua điều khiển tỷ giá hối đoái của đồng tiền này - chủ yếu là sụt giá biên độ lớn, để gán khó khăn kinh tế lên đầu các nước khác. Sau “Hiệp định Quảng trường”[6] ký kết giữa Mỹ với Đức và Nhật năm 1985, tỷ giá hối đoái của đồng Yen Nhật tăng gấp đôi trong hai năm, bong bóng kinh tế Nhật nổ vỡ dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 10 năm của nước này. Điều đó nói lên Mỹ có thể lợi dụng địa vị bá quyền của đồng dollar để đánh bại đối thủ mà giành lấy phần thắng.

[6] Hiệp định Quảng trường: tức Plaza Accord, là thỏa ước tài chính do Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp ký ngày 22/9/1985 tại khách sạn Plaza (Plaza nghĩa là quảng trường), thành phố New York; nội dung chính là hạ giá đồng đô-la Mỹ so với đồng Yên Nhật và đồng Mác CHLB Đức.

Cái gọi là “Hiệp định Quảng trường” là cuộc họp Bộ trưởng Tài chính năm nước Mỹ, Anh, CHLB Đức, Pháp và Nhật tại khách sạn Quảng trường, công bố “Hiệp định Quảng trường” bày tỏ hy vọng nâng cao một mức nhất định tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chính đối với đồng USD. Sau đó Nhật buộc phải nâng giá trị đồng Yen Nhật; trong một năm sau đó, hối suất của đồng Yen Nhật tăng 60%, dẫn tới hậu quả từ sau thập niên 90 thế kỷ XX, kinh tế Nhật xuất hiện tình trạng sa sút liền trong gần 10 năm, đến năm 2005 mới bắt đầu nhích lên từ từ. “Hiệp định Quảng trường” buộc Nhật Bản phải mở cửa chính sách tiền tệ, đồng Yen tăng giá chẳng khác gì chiếc diều đứt dây, nền kinh tế bong bóng sụp đổ, nước Nhật giống như con rùa bị lật ngửa mặt lên trời, trong một thời gian dài không trở mình được. Trong thời gian 1993-2000, nước này liên tục thay 7 Thủ tướng, nhiệm kỳ bình quân của mỗi Thủ tướng chưa đầy một năm.

Đồng thời với việc sử dụng vũ khí tiền tệ đánh cho Nhật thất điên bát đảo, Mỹ còn khởi động chuyến tàu nhanh Kinh tế Mới, bỏ Nhật xa tít đằng sau mình. Nhật giải quyết không hiệu quả nạn kinh tế bong bóng, tình trạng kinh tế đình trệ xuất hiện xu thế kéo dài. Đến giữa thập niên 90 thế kỷ XX, kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, hơn nữa lại nhờ cuộc cách mạng tin học mà có được sức cạnh tranh trội hơn các nước khác.

Từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX, nhiều người Mỹ lo lắng về việc sức cạnh tranh kinh tế của Mỹ suy yếu và sút kém, về sự suy sụp địa vị bá quyền của Mỹ. Nhưng khi thập niên 90 kết thúc, chẳng những không xuất hiện tình trạng suy sụp tuyệt đối của Mỹ họ từng lo ngại, mà xu thế sa sút tương đối thực lực nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh Việt Nam cũng được xoay chuyển.

Sau khi trải qua tình trạng suy thoái nhẹ cuối 1990 tới đầu 1991 (theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng kinh tế quý 4 năm 1990 là âm 1,6%; quý 1 năm 1991 là âm 2,8%), kinh tế Mỹ tiến sang thời kỳ phát triển nhanh chóng, kéo dài. Cho đến cuối năm 1999, kinh tế Mỹ thực hiện tăng trưởng dài hạn liên tục 105 tháng (vòng tăng trưởng này cuối cùng chấm dứt vào quý 4 năm 2000, thời gian liên tục tăng trưởng là 114 tháng). Đây là quãng thời gian tăng trưởng trong hòa bình dài nhất của kinh tế Mỹ kể từ giữa thế kỷ XIX. Hồi ấy, các nước Tây Âu khốn khổ vì tỷ lệ thất nghiệp cao, kinh tế không còn hơi sức tăng trưởng; bong bóng kinh tế Nhật nổ vỡ, nền kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ. Kinh tế Mỹ xuất hiện tình trạng tăng trưởng như huyền thoại, một mình nổi bật trong số các nước phát triển. Tỷ lệ của kinh tế Mỹ trong nền kinh tế thế giới cũng ngừng sa sút mà tăng trở lại. Năm 1990, tỷ lệ GDP của Mỹ, EU và Nhật là 1,88: 2,07: 1; GDP của Mỹ chiếm 25,29% tổng GDP toàn thế giới. Tới năm 2000 tỷ lệ này tăng lên đến 27,07%, đạt 7.898 tỷ USD. Tỷ lệ GDP của Mỹ, EU và Nhật bấy giờ là 2,2: 2,2: 1.

Tất cả các chỉ tiêu cơ bản của kinh tế Mỹ đều chuyển biến tốt toàn diện. Đây không những là hiện tượng hiếm thấy trong chu kỳ kinh tế hiện đại của Mỹ mà cũng không phù hợp với lý thuyết dòng chính của kinh tế học phương Tây. Đã xuất hiện hiện tượng Kinh Tế Mới hoàn toàn khác với hiện tượng kinh tế truyền thống.

Hiện tượng Kinh Tế Mới này chủ yếu có 3 biểu hiện: - 1. Trong thời gian nhậm chức, Tổng thống Clinton đã tiêu diệt triệt để được thâm hụt ngân sách liên bang vượt quá 200 tỷ USD, từ 1998 bắt đầu chuyển sang dôi dư tài chính, hơn nữa còn thực hiện tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân trên 3%. Nước Mỹ giảm được thâm hụt ngân sách, áp dụng chính sách tài chính có tính thắt chặt mà không gây ra suy thoái kinh tế. - 2. Trong quá trình tăng trưởng kinh tế hồi thập niên 90 thế kỷ XX, nước Mỹ luôn luôn giữ được tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% và tỷ lệ lạm phát thì luôn luôn được kiềm chế ở mức 2%, thậm chí thấp hơn. Lý thuyết kinh tế truyền thống cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp dưới mức tự nhiên thì sẽ dẫn đến lạm phát cao, nhưng lý thuyết này đã mất thiêng trước nền Kinh Tế Mới. - 3. Năng suất lao động được nâng cao rõ rệt mà tỷ lệ hồi vốn luôn giữ ở mức cao, thị trường cổ phiếu lại càng liên tục tăng điểm mạnh.

Địa vị bá chủ của kinh tế Mỹ được củng cố và tăng cường là nhờ sự xuất hiện của hiện tượng Kinh Tế Mới. Hiện tượng này bắt nguồn từ sự bứt phá của nước Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ tin học. Thập niên 90 thế kỷ XX ngành tin học có tỷ suất cống hiến 35% đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Số người có việc làm trong ngành tin học (theo nghĩa rộng gồm cả thông tin, truyền thông v.v.) chiếm khoảng 60% tổng số lao động Mỹ; ngành máy tính và thông tin chiếm 8,2% GDP năm 1998[7], trở thành ngành sản xuất lớn nhất vượt cả ngành xe hơi và xây dựng. Ngành tin học không những thông qua sự phát triển tự thân mà còn thông qua khả năng cải tạo các ngành sản xuất truyền thống mà nâng cao đáng kể năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng và vật liệu, tăng cường năng lực tăng trưởng bền vững. Từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX trở đi, sức cạnh tranh quốc tế của Mỹ liên tục xếp thứ nhất thế giới. Mỹ cải thiện được tình trạng lạc hậu một thời trong các lĩnh vực công nghệ linh kiện điện tử, công trình kỹ thuật, công nghệ gia công, giành được tiến bộ mới, dẫn đầu bỏ xa các nước khác về mặt phát triển các công nghệ mới quan trọng xây dựng trên cơ sở tin học, chiếm địa vị chủ động. Đồng thời Mỹ củng cố hơn nữa địa vị của mình trong các lĩnh vực có ưu thế truyền thống như sinh vật, môi trường, thiết kế công trình.

[7] Nguyên văn bản tiếng Trung Quốc là 1988, có lẽ là in nhầm, người dịch sửa là 1998.

Gợi ý từ chiến dịch lớn ngăn chặn Nhật Bản của Mỹ

Việc Mỹ tiến hành ngăn chặn Nhật để lại cho mọi người ba điểm gợi ý:

1. Trên vấn đề “Mỹ thứ nhất” hay “Nhật thứ nhất”, trong cuộc cạnh tranh giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại, nhân tố hình thái ý thức và chế độ xã hội mãi mãi đứng hàng thứ hai, suy nghĩ về lợi ích quốc gia, địa vị quốc gia bao giờ cũng xếp thứ nhất. Khi Nhật tiến sát Mỹ về kinh tế, ảnh hưởng tới địa vị quốc gia quán quân và quốc gia lãnh tụ của Mỹ thì Mỹ có thể xếp nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô ra đằng sau mà coi Nhật - quốc gia có cùng hình thái ý thức và chế độ xã hội với Mỹ - là đối thủ số một.

2. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, trong cuộc cạnh tranh giành địa vị căn bản trên thế giới, vào thời khắc then chốt của cuộc chơi chiến lược, cái gọi là “âm mưu” và “cạm bẫy” có thể được sử dụng và có thể phát huy tác dụng. ”Hiệp định Quảng trường” ký kết với Nhật do Mỹ thao túng là một âm mưu tài chính, một cạm bẫy tài chính, một cuộc chiến tranh tiền tệ. Bởi vậy, không phải là không có lý do sử dụng “Thuyết âm mưu” và “Thuyết cạm bẫy” trên sân khấu quốc tế.

3. Trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, muốn về cơ bản giành được quyền chủ động chiến lược, muốn thật sự trở thành kẻ thắng, chỉ dựa vào vốn cũ là không được, chỉ dựa vào “Thuyết âm mưu” và “Thuyết cạm bẫy” cũng như chỉ dựa vào việc ngăn chặn sự phát triển của đối thủ là không đủ. Vấn đề mấu chốt, nhân tố quyết định vẫn là phải thiết thực phát triển lực lượng bản thân, trong sáng tạo và khai thác phải hình thành ưu thế lớn mạnh vượt đối thủ. Trong thập niên 90 thế kỷ XX, Mỹ có thể bỏ xa Nhật, nhân tố “Kinh tế Mới” phát huy tác dụng lớn nhất giành thắng lợi. Cho nên cuộc đua Mỹ thắng Nhật này vừa phải dựa vào việc làm giảm tốc độ tiến bộ của đối thủ lại càng phải dựa vào việc tăng tốc độ tiến lên của mình.