Giấc mơ Trung Quốc - Chương 06 - Phần 07
Đưa ra khái niệm “chiến tranh ấm” là để khái quát đặc trưng cơ bản của cuộc cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ, là để vạch ra đặc trưng cơ bản của chiến lược lớn Mỹ dùng đối phó Trung Quốc, cũng để sáng tạo khái niệm cốt lõi thực chất mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Khái niệm cốt lõi của cuộc cạnh tranh chiến lược Liên Xô - Mỹ trong thế kỷ XX là “chiến tranh lạnh”. Trong thế kỷ XXI, “cuộc chơi” chiến lược Mỹ - Trung Quốc, sự “dẫn đường” và “quản lý” của Mỹ đối với Trung Quốc, sự “ngăn chặn hữu hảo”, “ngăn chặn hợp tác” của Mỹ đối với Trung Quốc, trên thực tế là một loại “chiến tranh ấm” có tính chất “chiến tranh nửa lạnh”.
Sở dĩ đại chiến lược của Mỹ đối phó với Trung Quốc chỉ là “chiến tranh nửa lạnh” mà khó làm được chiến tranh lạnh toàn bộ, đó là do điều kiện thời đại đã khác trước, đối tượng cạnh tranh cũng khác. Một mặt bá quyền kiểu Mỹ khác với bá quyền của Anh Quốc ngày xưa lấy việc chiếm lĩnh và thống trị thuộc địa làm nội dung chính; bá quyền kiểu Mỹ là một loại bá quyền tương đối văn minh, là một kiều quyền lãnh đạo, quyền chủ đạo, quyền khống chế chứ không phải là một loại quyền thống trị trực tiếp. Mặt khác, cuộc cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ vừa khác với “cạnh tranh chiến tranh” của hai cuộc Thế chiến, cũng khác với cuộc “cạnh tranh chiến tranh lạnh” kéo dài gần nửa thế kỷ giữa Mỹ với Liên Xô, mà là một loại cạnh tranh kiểu mới kết hợp trỗi dậy hòa bình với ngăn chặn hòa bình, kết hợp cạnh tranh chiến lược với hợp tác chiến lược.
Từ “chiến tranh lạnh” sang “chiến tranh ấm” là một bước tiến của đại chiến lược Mỹ, một sự phát triển của mối quan hệ quốc tế. Cuộc cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI không thể tiến hành trên quỹ đạo chiến tranh lạnh, vì làm như thế không hợp trào lưu thời đại. Nhưng cuộc cạnh tranh này cũng không thể lập tức hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của tư duy chiến tranh lạnh, không thể vượt qua sự hạn chế của thời đại.
Trung Quốc trong thế kỷ XXI sẽ trở thành kẻ dẫn dắt thế giới. Các cơ chế quốc tế và quy tắc hành vi chủ yếu do Mỹ tạo dựng trong chiến tranh lạnh, nay sẽ vẫn chủ đạo sự phát triển mối quan hệ quốc tế và sự vận hành nền chính trị quốc tế. Nền chính trị quốc tế và trật tự kinh tế hiện hành chủ yếu đại diện cho lợi ích quốc gia và giá trị quan của các nước phương Tây, đặc biệt của Mỹ. Với tư cách là bên đối kháng, Liên Xô từng đấu tranh chống lại hoặc không tham gia các cuộc chơi tiến hành theo luật chơi của phương Tây đặt ra. Sau chiến tranh lạnh, các nước đều phải thích ứng với những quy tắc do Mỹ ấn định. Trung Quốc và một số nước thuộc thế giới thứ ba đã đề xuất cần xây dựng trật tự mới về chính trị, kinh tế; đây là một nhiệm vụ lâu dài. Hiện nay Mỹ tiếp tục lợi dụng các cơ chế quốc tế để khống chế và quản lý thế giới theo ý chí và lợi ích của Mỹ nhằm thực hiện mục tiêu toàn cầu của Mỹ. Cảm giác của Mỹ về sứ mạng “cứu thế”, cảm giác ưu việt “đế quốc” và cảm giác lo sợ bị các nước lớn mới “đuổi và vượt” đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính sách đối ngoại của Mỹ. Sau khi dùng chiến tranh lạnh chiến thắng Liên Xô, Mỹ sẽ không hoàn toàn đào thải vũ khí “chiến tranh lạnh” do Mỹ phát minh và từng áp dụng có hiệu quả; thế giới trong thế kỷ XXI sẽ vẫn tồn tại điều kiện và mảnh đất của chiến tranh lạnh. Vả lại “chiến tranh ấm” rốt cuộc vẫn có “chiến”, cũng không thể vì “ấm” mà quên mất “chiến”.
Gặp Trung Quốc là cái “duyên” của Mỹ
Nước Mỹ quả là một quốc gia có vận may. Warren Cohen nói: “Trên rất nhiều phương diện, các thành công của Mỹ được quy kết cho thành tựu về quan hệ đối ngoại, trong đó một số thành tựu do nước Mỹ giành được, một số thì không”.
“Nghe đâu “Thủ tướng thép” Otto Eduard Bismarsk của nước Đức có nói, dường như Thượng Đế dành một chỗ đặc biệt trong lòng Ngài cho những kẻ nát rượu, kẻ ngu si và cho người Mỹ. Nước cộng hòa non trẻ [tức nước Mỹ] hình như thực sự gặp vận may”.
“Tai họa của châu Âu thường thường là “cơ may” của nước Mỹ... Dĩ nhiên, tai nạn của châu Âu có thể lan rộng ra, thí dụ năm 1812[12], song cho dù vào hồi ấy người Mỹ cũng may mắn tránh được tai nạn; trên mức độ lớn, đó là do nước Anh đã dùng toàn bộ tài nguyên của họ vào cuộc chiến tranh chống Napoleon... Nhân tố châu Âu trở thành nguyên nhân chủ yếu làm cho Mỹ gặt hái được thành công; phương thức xúc tiến điều đó tuy có khác nhau nhưng liên tục không ngừng. Bất kể Thượng Đế có ưu ái hay không, người Mỹ vẫn gặp vận may, họ thường hay mở những cánh cổng khép hờ hoặc ít nhất là khoá không chắc ấy. Vì thế họ chẳng cần huy động đoàn quân chinh phục quy mô lớn để làm cái việc bành trướng, cũng không cần duy trì một đội quân dự bị để bảo vệ đế quốc... Trước thập niên 40 thế kỷ XIX, lực lượng vũ trang thời bình chưa bao giờ quá 20 nghìn người, sau khi bắt đầu nội chiến cũng chưa tới 30 nghìn người”.
[12] Năm 1812 châu Âu chìm trong chiến tranh, Hoàng đế Pháp Napoléon đưa đại quân tấn công Nga, kết quả đại bại, binh sĩ chết gần hết do đói rét; nhân dịp đó nhiều nước châu Âu (kể cả Anh) nổi lên chống Pháp. Cũng năm đó Mỹ tuyên chiến với Anh; quân đội Anh chiếm thủ đô Mỹ, lẽ ra Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng vì Anh đang dốc sức đánh Pháp, chính phủ Anh sợ thua Napoleon nên không dám tiếp tục đánh Mỹ mà cuối cùng năm 1814 Anh ký Hòa ước với Mỹ, nhờ đó Mỹ thoát nạn chiến tranh (1815 Anh và Phổ thắng Pháp). Vì thế tác giả nói tai họa của châu Âu là cơ may của Mỹ.
Trong thế kỷ XXI, nước Mỹ lại gặp vận may: trên vũ đài quốc tế Mỹ gặp được đối thủ cạnh tranh và hợp tác tốt nhất - Trung Quốc lương thiện. Sự lương thiện của Trung Quốc thể hiện ở đâu?
1. Trung Quốc xưa nay là một nước lớn văn minh nhất trên thế giới, không bành trướng, không xâm lược. Một quốc gia mấy nghìn năm không bành trướng, không xâm lược là điều độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong tất cả các đối thủ chiến lược của Mỹ từ xưa tới nay, Trung Quốc là đối thủ văn minh nhất, từ thiện nhất. Tuy nước Mỹ chỉ có lịch sử ngắn ngủi mấy trăm năm nhưng ngay chính người Mỹ cũng không dám tự khoe về mặt này. Thành công của người Mỹ quy kết vào lòng quả cảm và chí lớn của họ. Có lúc họ sử dụng những thủ đoạn thô bạo tàn khốc.
2. Xưa nay Trung Quốc chưa từng làm bất cứ việc gì gây tổn hại cho nước Mỹ. Trong một bài phát biểu quan trọng ngày 10 tháng 12 năm 1989, “Mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ rốt cuộc phải tốt lên mới được”, Đặng Tiểu Bình vạch rõ: Trung Quốc không đe dọa nổi Mỹ, Mỹ chớ nên coi Trung Quốc là đối thủ đe dọa mình. Chúng tôi chưa từng làm một việc nào gây tổn hại nước Mỹ. Trong các nước lớn trên thế giới, chỉ có Trung Quốc là chưa từng làm bất kỳ việc nào gây tổn hại nước Mỹ.
3. Trung Quốc là quốc gia không có “nước thù địch” trên thế giới. Chưa nước nào trên thế giới ngày nay bị Trung Quốc tuyên bố là “kẻ địch” của mình, cũng chưa quốc gia nào có thể coi Trung Quốc là “kẻ địch” của họ. Trên cấp độ quốc gia, Trung Quốc không có kẻ địch. Trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không có nước thù địch; trên quan hệ quốc gia, Trung Quốc đạt tới trình độ “Thiên hạ vô địch”. Trung Quốc đối xử với thiên hạ bằng tình hữu hảo hòa bình, lương thiện chân thành tin nhau, nhờ đó mà đạt được “thiên hạ vô địch, bạn bè khắp bốn biển”. Điều đó hình thành sự tương phản rõ rệt với sự tôn sùng sức mạnh, mê tín vũ lực, “thiên hạ vô địch, đánh đông dẹp bắc” của Mỹ.
Trung Quốc không có địch quốc, ai có thể coi Trung Quốc là địch quốc nào? Trung Quốc lương thiện, đã lật nhào định thức tư duy chiến lược truyền thống của Mỹ - tư duy luôn luôn tìm kiếm và định vị một nước lớn nào đó làm kẻ địch của Mỹ. Nên hiểu Trung Quốc ra sao, nên xác định tính chất mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ như thế nào, điều đó khiến Mỹ rơi vào cảnh khó xử về chiến lược. Trong nhận thức chiến lược đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nước Mỹ xưa nay chưa bao giờ có nhận thức như với Trung Quốc, tới mức 20 năm nay chưa đưa ra được một kết luận xác thiết, cũng chưa định ra được một chiến lược lớn lâu dài cấp quốc gia nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Gặp gỡ Trung Quốc là cơ duyên của nước Mỹ. Nhưng duyên phận có thể được nắm bắt lấy, mà cũng có thể bị lỡ mất.
Nước Mỹ không phải là ma quỷ, cũng không phải là thiên thần
Brzezinski từng nói: “Xuất phát từ nguyên nhân lịch sử và chính trị, Đại Trung Quốc nên coi Mỹ là một người bạn đồng minh tự nhiên. Mỹ chưa từng nêu ra yêu cầu lãnh thổ với Trung Quốc. Khác với Anh, Mỹ chưa bao giờ làm nhục Trung Quốc”.
Giáo sư Warren Cohen, nhà sử học kiệt xuất Mỹ từng nói: “Các quan chức Mỹ đều là những người theo chủ nghĩa thế giới ưu tú bao giờ cũng thận trọng cân nhắc suy nghĩ rồi mới hành động, chứ không phải loại con buôn tầm mắt thiển cận cuối mỗi ngày chỉ quan tâm đến những con số trên sổ sách tài chính”.
Là người theo chủ nghĩa thế giới ưu tú luôn luôn thận trọng hành động, người Mỹ khác với người Anh, người Nga, người Nhật. Trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung Quốc quả là có một số chỗ có thể nêu ra, có một số việc khiến người Trung Quốc ngày nay đều có tình cảm tốt với nước Mỹ. Cho nên nước Mỹ được coi là “đế quốc đẹp”, “kẻ cướp có chút lương tâm”.
Trung Quốc có tâm lý mâu thuẫn đối với nước Mỹ, đây cũng chính là sự phản ánh mâu thuẫn tự thân của Mỹ. Cho dù từ giữa thế kỷ XIX trở đi, Mỹ cũng tham gia hàng ngũ các cường quốc phương Tây xâm lược Trung Quốc, nhưng Mỹ thi hành chính sách mở cửa, tinh thần dân chủ và văn hóa đa nguyên của Mỹ, sự viện trợ vật chất của Mỹ, các quyết định hữu hảo nước Mỹ đưa ra vào thời điểm quan trọng đã khiến người Trung Quốc nhìn thấy một số hy vọng. Chính phủ Trung Quốc, kể cả chính phủ nhà Thanh, chính phủ quân phiệt Bắc Dương[13], chính phủ Quốc Dân đảng, thậm chí chính quyền cách mạng Diên An, khi các chính quyền này gặp khó khăn bao giờ họ cũng hy vọng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của Mỹ. Tình bạn đồng minh cùng chiến đấu trong thời gian Thế chiến II càng làm sâu sắc “duyên nợ Mỹ” của người Trung Quốc, có khác với tình cảm đối các nước phương Tây khác.
[13] Chính phủ quân phiệt Bắc Dương: chính phủ của tập đoàn quân phiệt phong kiến do Viên Thế Khải lập cuối đời nhà Thanh. Năm 1901 Viên nhậm chức đại thần Bắc Dương. Sau cách mạng Tân Hợi (1911), Viên cướp lấy chức Đại Tổng thống, hình thành tập đoàn quân phiệt đàn áp nhân dân, bán nước. Năm 1916, Viên chết, tập đoàn này chia rẽ, hỗn chiến với nhau; năm 1927 bị quân đội chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn tiêu diệt trong chiến tranh Bắc Phạt.
Thế nhưng trong tầm nhìn xa của nước Mỹ có ẩn chứa sự theo đuổi ở tầng sâu lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ, trong sự khảng khái hào hiệp của đạo nghĩa Mỹ bao giờ cũng hiện ra sự tính toán khôn ngoan mưu tìm tư lợi kiểu Mỹ: chính sách mở cửa, bảo toàn lợi ích căn bản của Trung Quốc là nhằm bảo vệ thị trường của Mỹ tại Trung Quốc; đào tạo du học sinh Trung Quốc là nhằm tăng cường ảnh hưởng của văn hóa Mỹ tại Trung Quốc; viện trợ vật chất vừa có mục đích chính trị lại cũng có suy tính về lợi ích kinh tế lâu dài; thừa nhận Trung Hoa Dân quốc đầu tiên, dẫn đầu hủy bỏ các quyền quan thuế và quyền tài phán lãnh sự trong hiệp định là muốn ngả theo dư luận, giành quyền chủ động, v.v.
Nhưng không thể không thừa nhận tính hợp lý của việc người Mỹ lấy lợi ích quốc gia họ làm tiêu chuẩn xử lý mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Sự khôn ngoan và nhìn xa của họ, con mắt và mưu lược của họ là ở chỗ họ biết kết hợp đan xen lợi ích quốc gia Mỹ với tình hình thế giới lúc đó và suy nghĩ thích đáng về lợi ích quốc gia Trung Quốc, vì thế họ giành được nhiều hơn tình cảm tương đối tốt của chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Điều đó cũng nói lên Mỹ là quốc gia thạo đầu tư tình cảm và cấy trồng hình ảnh, đây cũng là một mặt của sức mạnh mềm Mỹ, là một đặc sắc của văn hóa chiến lược Mỹ, là một nguyên nhân quan trọng, nhân tố quan trọng, thể hiện quan trọng làm cho Mỹ trở thành nước lớn thế giới, nhất là có thể trở thành cường quốc số một thế giới.
Nước Mỹ là một thể thống nhất mâu thuẫn, có tầm nhìn xa cũng có sự thiển cận, có cái rộng rãi của nước lớn cũng có cái dở, thậm chí bỉ ổi, là thấy lợi thì tối mắt. Trong việc xử lý mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, do sự hạn chế của lợi ích đế quốc của họ, sự hạn chế của cách nhìn lệch lạc về hình thái ý thức, nước Mỹ đã làm nhiều việc đi ngược trào lưu thế giới, tổn hại lợi ích Trung Quốc, có lỗi với nhân dân Trung Quốc. Chẳng hạn, sau Thế chiến I, nhằm tránh xung đột với Nhật, tại Hội nghị hòa bình Paris, chính phủ Mỹ ngang nhiên bán tỉnh Sơn Đông[14]. Sau Thế chiến II, nhằm giảm thương vong của quân đội Mỹ, trong Hiệp định Yalta, chính phủ Mỹ lấy lợi ích quốc gia Trung Quốc để trả giá cho sự mặc cả với Liên Xô[15]. Trong chiến tranh giải phóng Trung Quốc, để chống Liên Xô, chống cộng sản, nước Mỹ dám gần như mất lý trí, bất chấp hết thảy ủng hộ chính quyền Quốc Dân Đảng mất lòng dân.
[14] Tại Hội nghị Hòa bình Paris (18/1-28/6/1919, có 32 nước tham gia, họp ở điện Versailles) nhằm giải quyết các vấn đề sau Thế chiến I, Tổng thống Mỹ Wilson đề ra kế hoạch hoà bình, trong đó có thỏa hiệp để Nhật kế thừa các đặc quyền của Đức tại tỉnh Sơn Đông Trung Quốc; phái đoàn Trung Quốc phản đối, không ký Hòa ước Versailles.
[15] Ở đây tác giả muốn nói về Hội nghị Yalta (Yalta Conference), tức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô-Anh họp tại Yalta (Liên Xô) 4-11/2/1945 bàn các vấn đề sau khi Đức phát xít đầu hàng. Trong đó vì để tránh xung đột với Liên Xô, Mỹ đồng ý để Liên Xô được hưởng các đặc quyền của nước Nga Sa Hoàng tại Trung Quốc, như quyền thuê quân cảng Lữ Thuận-Đại Liên (một cảng biển và đô thị công nghiệp quan trọng của Trung Quốc) và khai thác một số tuyến đường sắt, thừa nhận giữ nguyên tình trạng hiện có của nước CHND Mông Cổ (mà Trung Quốc cho là đất của mình)...
Đế quốc Mỹ có những điểm khác với các đế quốc khác. Từ Chiến tranh Thuốc phiện năm 1840 trở đi, trong số các nước lớn có quan hệ lợi hại chiến lược với Trung Quốc thì Mỹ là quốc gia thuộc loại đặc biệt. Trong hơn 100 năm thời gian 1840 - 1949, trên sân khấu thế giới cạnh tranh giữa các quốc gia, Trung Quốc trong mối quan hệ với Anh, Nga, Nhật chỉ có quan hệ xâm lược, chiếm đoạt, áp bức, bóc lột; các nước đó trắng trợn xâm lược Trung Quốc; với lòng tham không đáy, họ chiếm đoạt phần lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc, thậm chí tiến hành chiến tranh toàn diện chinh phục và tiêu diệt Trung Quốc. Ba nước đó chiếm đoạt tài nguyên của Trung Quốc, nô dịch và áp bức nhân dân Trung Quốc, không có sự đồng tình, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân Trung Quốc.
Nhưng Mỹ thì khác, trong hơn 100 năm quan hệ Trung Quốc - Mỹ, nước Mỹ vừa có mặt đế quốc xâm lược, áp bức, can thiệp Trung Quốc, lại có mặt kết bạn đồng minh với Trung Quốc, tiến hành hợp tác chiến lược, chống lại kẻ thù chung, đẩy mạnh văn minh thế giới.
Ngày 2 tháng 2 năm 1959, “Nhân dân Nhật báo” đăng lại hai bức thư từng đăng trên tạp chí “Cờ đỏ”, đó là bức thư ngày 19 tháng 12 năm 1958 của Chủ tịch danh dự đảng Cộng sản Mỹ William Z. Foster gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông và thư trả lời ngày 17 tháng 1 năm 1959 của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong thư Chủ tịch Mao có câu như sau: “Nhân dân Trung Quốc hiểu rằng đế quốc Mỹ đã làm nhiều việc xấu đối với Trung Quốc và với thế giới; nhưng chỉ tập đoàn thống trị Mỹ là không tốt, còn nhân dân Mỹ thì rất tốt”.
Đế quốc Mỹ từng làm nhiều việc xấu đối với Trung Quốc: sau năm 1840, Mỹ tham gia hoạt động của các cường quốc phương Tây nhằm xâm lược, áp bức, nô dịch nhân dân Trung Quốc; cuối thế kỷ XIX, Mỹ đưa ra chính sách “Mở cửa” giành giật cơ hội và lợi ích như nhau của các nước phương Tây nhằm xâm lược và bóc lột nhân dân Trung Quốc; tham gia Liên quân 8 nước xâm lăng Trung Quốc; ủng hộ Tưởng Giới Thạch đánh nội chiến ở Trung Quốc. Những điều đó tỏ rõ bản chất đế quốc xâm lược, bắt nạt, can thiệp trong chính sách đối với Trung Quốc của nước Mỹ thời kỳ cận đại, chẳng khác gì các cường quốc phương Tây khác. Nhưng trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc, Mỹ lại có những điểm thông minh, văn minh, tiến bộ, biết nhìn xa, khác với Anh, Nga, Nhật.
Trong lịch sử quan hệ Trung Quốc - Mỹ cận đại hơn 100 năm qua, những sự kiện dưới đây đã làm cho mối quan hệ này có màu sắc đặc biệt:
1. Nói cho đến cùng, Mỹ chưa một mình phát động chiến tranh xâm lược Trung Quốc;
2. Rốt cuộc Mỹ chưa trực tiếp xâm lược lãnh thổ Trung Quốc;
3. Trong tình hình các cường quốc muốn xâu xé chia cắt Trung Quốc, chính phủ Mỹ trước sau đều phản đối bất cứ cường quốc nào độc chiếm lãnh thổ Trung Quốc, chủ trương Trung Quốc tồn tại như một quốc gia, phản đối chia cắt Trung Quốc. Bất kể Mỹ xuất phát từ động cơ tự tư thế nào, do nguyên nhân phức tạp đến đâu, nhưng về khách quan, như thế bao giờ cũng có lợi cho việc Trung Quốc tránh được nguy cơ mất nước diệt chủng;
4. Mỹ trả lại cho Trung Quốc gần một nửa số tiền họ được bồi thường trong “Khoản bồi thường Canh Tý”[16] đem dùng vào việc đào tạo du học sinh Trung Quốc; tuy việc này chứa đựng âm mưu chiến lược đầu tư văn hóa lâu dài nhưng rốt cuộc cũng là một việc tốt, xét về lợi ích chiến lược lâu dài cũng là một việc lợi nhiều hại ít đối với sự nghiệp đào tạo nhân tài cho Trung Quốc và với lợi ích chiến lược của Trung Quốc;
5. Mỹ đã thực hiện sự nghiệp giáo dục ở Trung Quốc với quy mô lớn nhất so với các nước khác. Trong bài “Hữu nghị hay là xâm lược?” công bố năm 1949 trước ngày cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Mao Trạch Đông có viết: “So với các nước đế quốc khác, trong một thời gian rất dài, đế quốc Mỹ chú trọng nhiều hơn tới mặt xâm lược về tinh thần, từ sự nghiệp tôn giáo mở rộng sang sự nghiệp ‘từ thiện’ và sự nghiệp văn hóa. Theo thống kê, tổng đầu tư tại Trung Quốc của giáo hội Mỹ và các cơ quan “từ thiện” Mỹ lên tới 41,9 triệu USD; trong tài sản của giáo hội, chi phí y dược chiếm 14,7%, chi phí giáo dục chiếm 38,2%, chi phí hoạt động tôn giáo chiếm 47,1%. Nhiều trường học nổi tiếng ở nước ta như Yên Kinh, Hiệp Hòa, Hội Văn, Thánh John, Kim Linh, Đông Ngô, Chi Giang, Tương Nhã, Hoa Tây, Lĩnh Nam, đều do người Mỹ lập ra”. Mấy câu này của Mao Trạch Đông nhằm phê phán và vạch trần âm mưu xâm lược tinh thần của người Mỹ, song nó chẳng phải là sự khẳng định có tính phê phán đối với một số việc người Mỹ đã làm trên mặt văn hóa giáo dục của Trung Quốc đó sao?
[16] Khoản bồi thường Canh Tý: Năm 1900 Liên quân 8 nước phương Tây xâm lược Trung Quốc, năm sau ép chính quyền Mãn Thanh ký Hiệp ước Tân Sửu, buộc Trung Quốc bồi thường cho 8 nước này 450 triệu lạng bạc (450 triệu dân, mỗi người nộp 1 lạng), gọi là khoản bồi thường Canh Tý. Năm 1908 Mỹ trả lại Trung Quốc hơn 11 triệu USD trong thời gian 1909-1940, nhưng quy định chỉ dùng vào việc cho Trung Quốc cử học sinh sang Mỹ du học. Nhờ đó Trung Quốc có được một đội ngũ nhân tài cấp cao, về sau họ có đóng góp quyết định vào việc làm bom nguyên tử, vệ tinh và tên lửa.
6. Thái độ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh của Nhật nhằm xâm lược và tiêu diệt Trung Quốc: trước hết Mỹ ủng hộ Trung Quốc về đạo nghĩa; sau khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Mỹ lại giúp Trung Quốc về vật tư, và ở một số vùng, trên một số phương diện Mỹ đã sát vai cùng quân dân Trung Quốc chiến đấu, cùng Trung Quốc kết thành liên minh chống phát xít. Những điều nói trên cũng thể hiện sự chênh lệch và khác biệt giữa đế quốc Mỹ với các đế quốc khác trên vấn đề Trung Quốc; nhận thức một cách khách quan và thừa nhận sự thực đó là điều có ý nghĩa tích cực đối với việc nhìn nhận toàn diện và công bằng mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, đối với việc nhận thức và xử lý đúng đắn lịch sử, hiện trạng và tương lai mối quan hệ này.
Giai đoạn quan hệ Trung Quốc - Mỹ căng thẳng nhất là từ sau ngày thành lập nước Trung Quốc mới, trong hơn 20 năm từ thập niên 50 tới thập niên 70 thế kỷ XX, Mỹ áp dụng chính sách cô lập, phong tỏa, ngăn chặn Trung Quốc, chẳng những thực hành chiến tranh lạnh với Trung Quốc mà còn làm cả chiến tranh nóng.
Thế nhưng, đồng thời trong sự xâm lược Trung Quốc, đế quốc Mỹ cũng có lý trí, không mở rộng xâm lược một cách vô hạn; trong nguy cơ có sự hạn chế chứ không phải là mở rộng nguy cơ một cách vô hạn. Hơn nữa, từ cuối thập niên 60 cho tới đầu thập niên 70 thế kỷ XX, trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc - Mỹ, tập đoàn thống trị Mỹ đã có thể tiến cùng thời đại, có thái độ chủ động. Sau khi Trung Quốc và Mỹ lập quan hệ ngoại giao, Mỹ vừa có mặt lợi dụng Trung Quốc, chế ước và đề phòng Trung Quốc, lại cũng có mặt cải thiện và phát triển mối quan hệ, tìm kiếm sự hợp tác; Mỹ có thái độ thống nhất giữa ngăn chặn và hợp tác với Trung Quốc.
Tổng quan tình hình từ ngày Trung Quốc dựng nước, nhất là từ ngày hai nước lập quan hệ ngoại giao, có thể thấy mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ tuy có đối kháng, có trục trặc, thậm chí có lúc lùi lại, nhưng xu thế chung là phát triển theo hướng cải thiện và hợp tác. Mỹ không phải là ma quỷ, Mỹ cũng không phải là thiên thần. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, Trung Quốc cần giúp Mỹ tiến hóa về phía thiên thần, ngăn ngừa Mỹ chuyển biến về phía ma quỷ.