Giấc mơ Trung Quốc - Chương 06 - Phần 06

V. Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc như thế nào

Trong cuộc giành giật ngôi vị quốc gia quán quân, Mỹ là tay thiện nghệ về khoản ngăn chặn đối thủ. Trong chuyện này, Mỹ vừa thạo đánh tốc chiến lại cũng có khả năng chịu đựng đánh lâu dài. Khi ngăn chặn Nhật Bản, trên căn bản Mỹ dùng cách đánh nhanh thắng nhanh; khi ngăn chặn Liên Xô, Mỹ lại dùng chiến tranh lâu dài. Giờ đây Mỹ muốn tiến hành “cuộc chiến bảo vệ vương miện quán quân” lần thứ ba của họ - cuộc chiến ngăn chặn Trung Quốc.

Đặc điểm nổi bật của việc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc

Việc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc trong thế kỷ XXI có bốn đặc điểm.

1. Có tính tất nhiên về bản chất. Mỹ ngăn chặn Nhật Bản một cách không lịch sự, ngăn chặn Liên Xô một cách không nương nhẹ; Mỹ ngăn chặn Trung Quốc cũng có thể là “không chớp mắt”, “không do dự”. Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ không tìm kiếm sự ngăn chặn Trung Quốc. Thực ra Mỹ luôn luôn ngăn chặn Trung Quốc: không thừa nhận Trung Quốc là “quốc gia dân chủ”, thế chẳng phải là “ngăn chặn chính trị” đối với Trung Quốc đó sao? Không thừa nhận “địa vị kinh tế thị trường” của Trung Quốc chẳng phải là “ngăn chặn kinh tế” đối với Trung Quốc ư? Mỹ làm rùm beng “Thuyết Trung Quốc đe dọa quân sự”, gây sức ép và liên minh các quốc gia châu Âu thực hành cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao và khoa học công nghệ quân sự sang Trung Quốc, đồng thời liên tục bán vũ khí tiên tiến cho Đài Loan, đấy chẳng phải là sự “ngăn chặn quân sự” đối với Trung Quốc hay sao? Mỹ thọc tay vào vấn đề Đài Loan, can thiệp tình hình eo biển Đài Loan, ngăn cản Trung Quốc thống nhất đất nước, chẳng những là ngăn chặn mà còn là can thiệp nội chính Trung Quốc. Cho nên trên vấn đề đối phó Trung Quốc, Mỹ sẽ không “từ bỏ ngăn chặn, lập tức thành Phật”.

2. Có tính nghệ thuật cao. Nếu nói việc Mỹ ngăn chặn Nhật Bản chủ yếu là sự ngăn chặn kinh tế đơn nhất, ngăn chặn Liên Xô là ngăn chặn phe chủ nghĩa xã hội một cách rạch ròi biên giới, trận tuyến rõ ràng, thế thì việc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc sẽ là sự ngăn chặn trong liên hệ khăng khít và trong hợp tác, là sự thống nhất hợp tác với ngăn chặn. Điều đó nâng cao yêu cầu đối với nghệ thuật ngăn chặn của Mỹ. Thí dụ có học giả Trung Quốc nói, trong mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc cần tuân theo chiến lược “đi xe không mất tiền”, đáp chiếc chiến xa bá quyền của Mỹ để đi con đường phục hưng của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary thì kêu gọi Mỹ cần “cùng hội cùng thuyền” với Trung Quốc. Cả hai bên Trung Quốc và Mỹ đều rất thông minh cũng rất nghệ thuật. Nhưng không thể phủ nhận một điểm: chiếc xe mà người Trung Quốc đi nhờ không mất tiền ấy là xe của người Mỹ và do người Mỹ lái, con thuyền mà hai nước cùng hội cùng thuyền ấy cũng do người Mỹ cầm lái. Như vậy lên xe và thuyền của người ta thì tính mạng của mình sẽ không hoàn toàn do mình làm chủ nữa. Trung Quốc có thể thăng cấp lên làm “tay lái phụ” giúp Mỹ đối phó với các rủi ro, song le như thế lại giúp làm nổi bật địa vị người cầm lái của Mỹ. Mỹ cho đối thủ cùng với mình ngồi chung một xe, cùng đáp một con thuyền, đó là sự khống chế khôn ngoan hơn, là nghệ thuật ngăn chặn cao minh hơn.

3. Có tính lâu dài của “cuộc chơi thế giới”. Để ngăn chặn Nhật Bản xốc tới địa vị nhất thế giới, Mỹ tuy đã tiến hành một cuộc chơi chiến lược căng thẳng nhưng thời gian cuộc chơi đó chẳng qua cũng chỉ khoảng 10 năm, 8 năm gì đó, thời kỳ chủ yếu cũng chỉ độ vài năm mà thôi, dùng cách đánh lẻ tẻ không tập trung cũng có thể trừng trị xong Nhật Bản. Việc ngăn chặn Liên Xô thì gian khổ hơn nhiều, chẳng những thời gian kéo dài gần nửa thế kỷ mà giữa chừng đã mấy lần giằng co, mấy lần cục diện tiến công phòng thủ có biến đổi, trong cuộc chơi với Liên Xô, Mỹ đã dùng cách thay đổi đường đi nước bước và “đường quyền tổ hợp”. Song quá trình Mỹ ngăn chặn Trung Quốc sẽ là một “cuộc chơi trăm năm”. Cuộc “đối đầu thế kỷ” Trung Quốc - Mỹ không thể qua vài đường quyền tổ hợp là thấy rõ kết cục mà là một cuộc cạnh tranh kiểu “marathon”.

4. Cần có tính sáng tạo chiến lược chưa từng thấy. Việc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc cần được đổi mới và sáng tạo, phải “tiến cùng thời đại”, bởi lẽ thời đại sau chiến tranh lạnh thì khác với thời đại chiến tranh lạnh. Trung Quốc khác với Nhật Bản và Liên Xô, tuy kinh nghiệm ngăn chặn Nhật Bản và Liên Xô là thứ hữu dụng cho việc ngăn chặn Trung Quốc, nhưng cũng chỉ có tác dụng hữu hạn. Tháng 11 năm 2009, Tổng thống Obama sang thăm Trung Quốc, mang theo món quà ông tặng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là một bộ cờ vây. Kỳ thủ Trung Quốc Nhiếp Vệ Bình viết trên blog: “Món quà này có ý nghĩa sâu xa, cờ vây là trò chơi trí tuệ, chơi cờ là cuộc đấu trí lực, chưa tỷ thí thì quan hệ thân mật với nhau, khi tỷ thí thì nổi gió cuộn sóng, giấu nhau từng nước cờ. Nghĩ lại thì thấy Obama cũng có cái ý ấy”. Rõ ràng trên bàn cờ lớn cuộc chơi Trung Quốc - Mỹ, nếu Obama áp dụng cách chơi cũ đã dùng với Nhật Bản và Liên Xô thì không ổn. Mỹ là quốc gia kiểu đổi mới. Kể từ năm 1901 lần đầu trao giải Nobel, tới nay đã 108 năm, nước Mỹ có hơn 200 người đoạt giải này, là nước lớn kiểu đổi mới có cống hiến lớn nhất. Nhưng việc làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc một cách hữu hiệu, đây là vấn đề lớn hơn và khó hơn giải Nobel, là công trình sáng tạo cấp quốc gia thứ nhất của nước Mỹ trong thế kỷ XXI. Liệu Mỹ có đủ trí tuệ để ngăn chặn Trung Quốc không? Mỹ gặp khó khăn gì trong việc đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Trong nửa cuối thế kỷ XXI, nước Mỹ giành được thắng lợi giữ vương miện quán quân trước hai quốc gia quán quân tiềm tại là Nhật Bản và Liên Xô, có thành tích thắng cả hai cuộc chiến và tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối phó với quốc gia quán quân tiềm tại, tuy vậy trong thế kỷ XXI trước đối thủ kiểu hoàn toàn mới là Trung Quốc, Mỹ khó tránh được cảm giác vô kế khả thi. Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kiểu loại thứ ba, khác với Nhật Bản và Liên Xô mà Mỹ từng chạm trán sau Thế chiến II; đây là đối thủ Mỹ không thể dùng biện pháp cũ để đối phó, và trong thời gian ngắn Mỹ cũng rất khó nghĩ ra biện pháp mới để đối phó hữu hiệu đối thủ. Muốn giành được chiến tích ba trận ba thắng, Mỹ gặp khó khăn trên bốn mặt sau.

1. Trung Quốc thuộc vào diện “trỗi dậy lương thiện”, khó mà xác định được tính chất của Trung Quốc. Trung Quốc quá lương thiện, tới mức các thế lực bảo thủ nhất ở Mỹ cũng khó có thể định nghĩa đơn giản Trung Quốc là kẻ địch của nước Mỹ. Tổng thống Mỹ Bush con nổi tiếng tôn thờ chủ nghĩa tân bảo thủ, quen với tư duy “không là địch thì là bạn”, cũng nói: “Mối quan hệ Mỹ với Trung Quốc là một cặp quan hệ song phương phức tạp nhất, là mối quan hệ không phải là kẻ địch cũng không phải là bạn bè, cũng là kẻ địch cũng là bạn bè”. Kissinger thì nói: Chúng ta không có kẻ địch vĩnh viễn, chúng ta sẽ căn cứ theo hành động của họ chứ không theo hình thái ý thức để đánh giá quốc gia khác, nhất là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Cả Tổng thống Bush con lẫn cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger đều nhận định khó có thể gọi Trung Quốc là gì; điều đó chứng tỏ chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đúng là cần được đổi mới. Đúng là Mỹ còn thiếu kinh nghiệm đối phó với một đối thủ lương thiện, văn minh thế này.

2. Trung Quốc kiên trì “trỗi dậy mềm mỏng”, như nước chảy mây bay, khó mà ngăn cản. Trong cuốn “Chiến lược về một đất nước hùng mạnh của Trung Quốc[10]”, ông Haruo Ozaki, nghiên cứu viên chủ nhiệm ban nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản viết: Trên chiến lược cường quốc, Trung Quốc cảnh giác nhất là chạm trán với “hệ thống siêu cấp” của Mỹ. Bởi vậy, về kinh tế, Trung Quốc tăng cường mối quan hệ dựa vào nhau, trên vấn đề an ninh Đông Á và vấn đề Đài Loan, Trung Quốc tránh đối lập có tính thực chất. Nhưng chính sách Trung Quốc của Mỹ còn do dự bất định đã làm sâu sắc thêm sự nghi kỵ giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ, về khách quan nó ủng hộ tiếng nói “tăng cường quân đội chống Mỹ”. Về mặt chiến lược, Trung Quốc nhấn mạnh điều hòa phối hợp nhiều bên, hợp tác trong vùng, tạo hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi, nhấn mạnh cấu trúc dựa vào nhau mà tồn tại, hợp tác và thể chế nhiều bên cùng thắng. Quan điểm của vị chuyên gia Nhật Bản nói trên là có tầm nhìn. Nước Mỹ tôn sùng sức mạnh, mê tín vũ lực; Trung Quốc tôn sùng mưu lược, lấy nhu thắng cương, thực hành trỗi dậy mềm mỏng, trỗi dậy một cách mưu lược, một cách văn minh, hòa bình, khiến cho “chiến lược quả đấm” của Mỹ như đá ném xuống nước, như gươm đâm bị bông, không những khó ra tay mà cũng khó phát huy uy lực.

[10] China’s strategy for of strang nation xuất bản năm 2007.

3. Trung Quốc trước sau bao giờ cũng “trỗi dậy trong hệ thống”, khó bài xích. Bắt đầu từ cải cách mở cửa, Trung Quốc hòa nhập vào thế giới, kết nối với quốc tế, phát triển trong một hệ thống cùng với Mỹ, trỗi dậy trên cùng một sân chơi chứ không tự mình lập riêng một hệ thống. Như vậy vừa không tốn giá thành xây dựng hệ thống, lại cũng tiết kiệm chi phí bảo trì hệ thống, hơn nữa còn không phải gánh chịu rủi ro thách thức hệ thống thế giới, đối kháng hệ thống thế giới, cũng làm cho Mỹ khó tìm được cớ và nắm được cái thóp để ngăn chặn Trung Quốc.

4. Trung Quốc thực hành “trỗi dậy cùng có lợi”, trói chặt sự trỗi dậy của mình với sự phồn vinh của nước Mỹ, hai nước hoặc là cùng phồn vinh, hoặc là cùng tổn thương, khiến Mỹ khó mà hại người lợi mình, làm hại Trung Quốc thì sẽ bất lợi cho Mỹ. Sở dĩ có thể hình thành cục diện kiểu trỗi dậy cùng có lợi, trỗi dậy ràng buộc nhau, trỗi dậy đan xen nhau như thế là do kinh tế toàn cầu hóa tạo điều kiện. Cạnh tranh và hợp tác với đối thủ chiến lược kiểu mới như Trung Quốc sẽ có thể làm cho Mỹ giành được lợi ích chiến lược lớn nhất. Trên ý nghĩa nhất định, trên mức độ tương đối, sự trỗi dậy của Trung Quốc ngược lại trở thành phúc lợi của Mỹ, trở thành cơ may để Mỹ duy trì được sự phồn vinh, khiến cho Mỹ cũng có thể gặt hái được thu nhập ngoài mong đợi do Trung Quốc trỗi dậy mang lại. Bởi vậy, so với sự trỗi dậy của các nước lớn khác thì sự trỗi dậy của Trung Quốc có lợi nhất cho Mỹ. Qua thực hiện trỗi dậy cùng có lợi, Trung Quốc kết nối hai nước thành một khối chung lợi ích chứ không phải là đối kháng lợi ích, nhất là qua việc dùng lợi ích kinh tế hóa giải mâu thuẫn chính trị, dùng giới thương mại chế ước giới chính trị, thường thường có thể thu được những hiệu quả bất ngờ. Thí dụ Hội Thương mại Mỹ, Ủy ban Thương mại toàn quốc Mỹ đều tích cực đẩy mạnh quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Trong 5 - 6 năm sau năm 1986, trong các cuộc biện luận hàng năm về chế độ tối huệ quốc đối với Trung Quốc, trong cuộc biện luận về chế độ đãi ngộ thương mại bình thường có tính vĩnh viễn đối với Trung Quốc các năm 1999 - 2000, hai cơ quan này đều phát huy tác dụng hết sức quan trọng. Quan hệ kinh tế thương mại đã trở thành cơ sở quan trọng phát triển quan hệ Trung Quốc - Mỹ, trở thành nhân tố ổn định quan hệ hai nước, là lĩnh vực có biến số nhỏ nhất, triển vọng phát triển sáng sủa nhất trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Tháng 6 năm 1991, trên vấn đề cho Trung Quốc hưởng chế độ tối huệ quốc, một số công ty Mỹ tới tấp đi du thuyết, mấy chục nghìn người Mỹ viết thư gửi Quốc hội Mỹ yêu cầu không hủy bỏ chế độ tối huệ quốc với Trung Quốc. Ngày 12 tháng 3 năm 1992, 298 công ty lớn và 37 đoàn thể thương mại Mỹ liên danh viết thư gửi Tổng thống Clinton, yêu cầu vô điều kiện kéo dài chế độ tối huệ quốc với Trung Quốc. Đầu tháng 5 năm 1994, 800 công ty, hội thương mại, tổ chức nông nghiệp, tổ chức tiêu dùng Mỹ liên danh viết thư cho Tổng thống Clinton mạnh mẽ yêu cầu ông ủng hộ Mỹ tiếp tục buôn bán với Trung Quốc và kéo dài chế độ tối huệ quốc với Trung Quốc, tách rời trừng phạt thương mại với nhân quyền. Người phụ trách các công ty lớn Boeing, Du Pont, MacDonald, CocaCola lần lượt phát biểu ý kiến gây ảnh hưởng tới chính phủ Mỹ. Điều đó đã khiến cho Tổng thống Clinton ngày 26 tháng 5 ra tuyên bố kéo dài đãi ngộ tối huệ quốc với Trung Quốc và tách vấn đề nhân quyền ra khỏi vấn đề kéo dài đãi ngộ tối huệ quốc với Trung Quốc hàng năm.

Bốn mặt kể trên phản ánh đặc điểm của sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng gây ra khó khăn cho sự lựa chọn chiến lược của Mỹ. Nhớ lại năm xưa sau Thế chiến II, trong vòng hai năm Mỹ đã hình thành đại chiến lược đối phó Liên Xô. Năm 1947, trong bài viết “Căn nguyên các hành vi của Liên Xô”, George Kennan đưa ra chiến lược bao vây Liên Xô. Trong bài phát biểu hôm 16 tháng 4 năm 1947, thượng nghị sĩ Mỹ Bernard Baruch đưa ra một khái niệm chiến lược cốt lõi là “chiến tranh lạnh”. Đại chiến lược cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô là chiến lược “chiến tranh lạnh”, chiến lược ngăn chặn.

Chiến tranh lạnh chấm dứt đã 20 năm nay, vậy đại chiến lược của Mỹ đối phó với Trung Quốc là gì? Trung Quốc đã đưa ra đại chiến lược trỗi dậy hòa bình, phát triển hòa bình. Còn Mỹ thì sao? Giờ đây Mỹ còn chưa hình thành đại chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, đại chiến lược ấy chưa xác định, còn đang mù mờ.

“Dẫn đường” cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, “quản lý” sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trong đại chiến lược của Mỹ đối phó Trung Quốc, Mỹ muốn “dẫn đường” cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, muốn “quản lý” sự trỗi dậy của Trung Quốc, muốn “ôm lấy” sự trỗi dậy đó - các chủ trương này của Mỹ đáng để chúng ta quan tâm. Ba chủ thuyết: “Thuyết dẫn đường”, “Thuyết quản lý”, “Thuyết ôm ấp” là một biểu hiện quan trọng trong tư duy đại chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc.

Về “Thuyết dẫn đường”, các think tank Mỹ cho rằng Trung Quốc trỗi dậy đang phát ra cho thế giới một làn sóng như sóng thần, nước Mỹ cần “đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc”, “xây dựng chiến lược đối với Trung Quốc”, chiến lược đó là phải “dẫn đường sự trỗi dậy của Trung Quốc”, cho dù con thuyền lớn Trung Quốc ấy lướt nhanh như thế nào, chỉ cần do Mỹ dẫn đường thì sẽ không có đe dọa gì. Muốn thế thì cần tiếp tục kiên trì chiến lược tiếp xúc do Nixon đầu tiên đưa ra. Cựu Cố vấn Lầu Năm Góc Thomas Barnett ngày 6 tháng 8 năm 2007 viết bài đề xuất: “Nếu khôn ngoan thì Mỹ nên theo cách nước Anh đối xử với chúng ta cách đây một thế kỷ, dùng cách lung lạc mua chuộc để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chúng ta chớ nên ngăn chặn Trung Quốc, ngược lại, nên dẫn dắt sự trỗi dậy của họ nhằm phù hợp với mục tiêu chiến lược của chúng ta”.

Về “Thuyết quản lý”. Henry Kissinger nói: “Thể chế quốc tế vốn có hiện đang trải qua sự biến đổi về căn bản, trọng tâm của thế giới đang từ Đại Tây Dương chuyển dịch sang Thái Bình Dương. Các quốc gia quan trọng trên thế giới thì ở châu Á, hoặc sau này sẽ chủ yếu là các quốc gia châu Á, chúng ta tất phải quản lý sự trỗi dậy của họ, họ cũng có thể chống lại sự quản lý của chúng ta”. James Steinberg nói: “Mục tiêu của Mỹ không nên là ngáng trở và ngăn chặn Trung Quốc mà nên là ‘quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc’”.

Về “Thuyết ôm ấp”, tháng 9 năm 2005, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ hồi ấy là Robert Zoellick đề xuất nên để Trung Quốc trở thành “Bên liên quan lợi ích có trách nhiệm”, cho rằng trong 30 năm qua, Trung Quốc là một phần của hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo và do đó Mỹ thu được lợi ích, Trung Quốc cần lấy tư cách “Bên liên quan lợi ích” để gánh chịu mọi trách nhiệm duy trì hệ thống đó, đây là một kiểu ôm ấp lợi ích, liên kết lợi ích. Tháng 7 năm 2009, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ James Steinberg trong một lần nói chuyện đã đề xuất khái niệm “tái bảo đảm chiến lược” giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ. Ông nói: “Như chúng ta và các bạn của chúng ta cần tỏ rõ, chúng ta đã chuẩn bị xong việc hoan nghênh Trung Quốc đến với chúng ta với tư cách một nước lớn phồn vinh và thành công. Trung Quốc cũng phải tái bảo đảm với thế giới và các quốc gia khác là sự phát triển và vai trò toàn cầu không ngừng lớn mạnh của họ sẽ không đánh đổi bằng sự an ninh và hạnh phúc của các quốc gia khác”, và nhấn mạnh “tái bảo đảm chiến lược” phải làm nổi bật và nhấn mạnh lợi ích chung. Cái “tái bảo đảm chiến lược” người Mỹ đưa ra này thực ra là một sự “tái hạn chế chiến lược” đối với Trung Quốc, nghĩa là trước sau hạn chế Trung Quốc ở trong hệ thống thế giới do Mỹ chủ đạo, hạn chế dưới trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, hạn chế trong phạm vi không ảnh hưởng tới địa vị bá chủ thế giới của Mỹ. Tái bảo đảm chiến lược không bảo đảm lợi ích chiến lược Trung Quốc trỗi dậy trở thành quốc gia quán quân mà bảo đảm địa vị anh cả thế giới của Mỹ, bảo đảm Trung Quốc sẽ không đột phá sự hạn chế của Mỹ mà cuối cùng đi lên địa vị quốc gia quán quân và quốc gia lãnh đạo thế giới.

Các “Thuyết dẫn đường”, “Thuyết quản lý”, “Thuyết ôm ấp” mà Mỹ đối phó với Trung Quốc, đem so sánh với “Thuyết vây hãm”, “Thuyết ngăn chặn” năm xưa Mỹ đối phó với Liên Xô thì trên chữ nghĩa xem ra có vẻ văn minh hơn nhiều nhưng vẫn có bóng dáng của “tư duy chiến tranh lạnh” bên trong. Coi Trung Quốc trỗi dậy là đối tượng dẫn đường, đối tượng quản lý của Mỹ thì quan hệ Trung Quốc - Mỹ sẽ cố định một kiểu quan hệ “dẫn đường và bị dẫn đường”, “quản lý và bị quản lý”. Loại quan hệ này tuy được thực hiện trong sự tiếp xúc, hữu hảo, hợp tác nhưng vẫn là một kiểu ngăn chặn mà miệng vẫn mỉm cười, là sự ngăn chặn tiến hành trong bắt tay và ôm hôn nhau.

Quyền được phát triển cũng như quyền sinh tồn, là chủ quyền của một quốc gia. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, là sự trỗi dậy độc lập tự chủ, không cần sự “dẫn đường” và “quản lý” của Mỹ. Nếu sự phát triển của Trung Quốc phải do Mỹ dẫn đường, Mỹ quản lý, thế thì căn bản không thực hiện được sự trỗi dậy. Một quốc gia không tự chủ được cả đến sự phát triển của chính mình, một quốc gia dưới sự dẫn đường và quản lý của Mỹ thì sao có thể trở thành một nước lớn đang trỗi dậy? Bởi vậy, trên thực tế “Thuyết dẫn đường”, “Thuyết quản lý” trên thực tế là phiên bản của chiến lược “ngăn chặn” dán nhãn văn minh.

Từ “chiến tranh lạnh” đến “chiến tranh nửa lạnh”: “chiến lược chiến tranh ấm” của Mỹ

Cái gọi là “chiến tranh ấm” nghĩa là hai phía Mỹ và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược này, phía Mỹ dùng tư duy chiến tranh lạnh, Trung Quốc là một phía khác lại không dùng tư duy chiến tranh lạnh, nghĩa là tư duy chiến tranh lạnh của Mỹ đối mặt với tư duy phi chiến tranh lạnh của Trung Quốc, điều đó dẫn đến Mỹ cũng khó có thể hoàn toàn sử dụng tư duy chiến tranh lạnh. Kết quả sẽ xuất hiện trạng thái cạnh tranh nửa chiến tranh lạnh, cũng tức là hai bên tiến hành cạnh tranh và thi đấu không chỉ trong trạng thái hòa dịu mà trong cả trạng thái ôn hòa.

“Chiến tranh ấm” không tàn khốc như “chiến tranh nóng”, cũng không đáng sợ như “chiến tranh lạnh”, mà là cuộc quyết đấu và thi đấu trong tình hình hợp tác. Đặc điểm nổi bật của chiến tranh ấm là ngăn chặn trong tiếp xúc, cạnh tranh trong hợp tác, hòa nhập trong toàn cầu hóa, khống chế trong dẫn đường và quản lý. Đây là một kiểu mô hình cạnh tranh văn minh hơn chiến tranh lạnh và lại không hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của chiến tranh lạnh. Cho nên “chiến tranh ấm” trên thực tế tức là “chiến tranh nửa lạnh”. Từ chiến tranh lạnh tới chiến tranh ấm cũng tức là từ chiến tranh lạnh tới chiến tranh nửa lạnh. Cạnh tranh giữa các nước lớn, cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia quán quân với quốc gia quán quân tiềm tại, từ mô hình cạnh tranh “đại chiến” thế giới tới mô hình cạnh tranh “chiến tranh lạnh” toàn cầu, rồi đến mô hình cạnh tranh “chiến tranh nửa lạnh”, là một quá trình lịch sử chấm dứt bá quyền thế giới, là hình thức quá độ ắt phải trải qua của cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa nước Mỹ, quốc gia bá quyền cuối cùng trên trái đất, với Trung Quốc, quốc gia phi bá quyền đầu tiên trên trái đất.

Mỹ thường dùng chiến lược chiến thuật “Nếu không thắng được người ta thì ôm lấy người ta”. Từ chính phủ Nixon trở đi, trên vấn đề ứng phó Trung Quốc như thế nào, Washington luôn luôn áp dụng sách lược hai tay: một mặt ra sức ngăn chặn Trung Quốc, khiến Trung Quốc trở thành kẻ tham gia có trách nhiệm vào các công việc quốc tế; mặt khác, vận dụng sách lược chia để trị, tiếp tục ủng hộ Nhật, Ấn Độ, Australia và các nước lớn khác trong vùng để ngăn cản và kiềm chế Trung Quốc”. Liên minh Trung Quốc - Mỹ”, “Tập đoàn hai quốc gia”, “Trung Mỹ quốc[11]” do các nhà chiến lược Mỹ đề ra đều là nhằm chế ngự con rồng Trung Hoa, nhằm kết nạp Trung Quốc kẻ ngoài luồng này.

[11] Trung Mỹ quốc : tiếng Anh Chimerica; do Niall Ferguson (người Anh, giáo sư môn lịch sử tại ĐH Harvard) và Moritz Schularick (phó giáo sư kinh tế học tại John F. Kennedy Institute of the Free University of Berlin) đưa ra cuối năm 2006.