Giấc mơ Trung Quốc - Chương 06 - Phần 08

VI. “Không có kẻ địch vĩ đại thì sẽ không có nước mỹ vĩ đại”

Nước Mỹ có câu cách ngôn: “Không có kẻ địch vĩ đại thì không có nước Mỹ vĩ đại“. Mỹ là một quốc gia cần có địch thủ. Văn hóa chiến lược Mỹ là văn hóa tạo dựng “kẻ địch”. Nước Mỹ phải luôn luôn tìm kiếm “kẻ địch”, không ngừng cao giọng la hét có mối “đe dọa”, không ngừng tô vẽ “nguy cơ”.

Vì sao nước Mỹ cần kẻ địch? Nước Mỹ dựa vào tiêu chuẩn nào để lựa chọn kẻ địch? Mỹ lợi dụng hữu hiệu kẻ địch như thế nào? Nước Mỹ chiến thắng kẻ địch ra sao? Các nội dung đó cấu tạo nên “quan niệm kẻ địch” trong quan điểm chiến lược của nước Mỹ, cũng hình thành một truyền thống kinh điển trong tư duy chiến lược của nước Mỹ.

“Rao vặt tuyển dụng kẻ địch” của Lầu Năm Góc

Trong cuốn “Bản đồ mới của Lầu Năm Góc: Chiến tranh và hòa bình trong thế kỷ XXI”[17] ông Thomas Barnett chuyên gia Mỹ nổi tiếng về vấn đề chiến lược viết: Trong nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ Clinton, tôi phát hiện thấy một tờ quảng cáo cá nhân dán trên tường một phòng làm việc của Lầu Năm Góc.

[17] The Pentagon’s New Map: War and Peace in the Twenty-First Century; xuất bản 2004.

Thông báo tuyển dụng kẻ địch

Một nước siêu lớn ở Bắc Mỹ đang tìm kiếm những người hợp tác có ý định đối địch nhằm tiến hành chạy đua vũ trang, xung đột thế giới thứ ba và các đối kháng nói chung. Ứng viên dự tuyển cần có đủ sức đe dọa để thuyết phục Quốc Hội thỏa mãn nhu cầu quân sự. Ưu tiên chọn người có năng lực làm chiến tranh hạt nhân, nhưng nếu người không thuộc diện này mà có tài nguyên vũ khí sinh hóa quan trọng thì cũng có thể xét tuyển. Đơn dự tuyển kèm ảnh tàu chiến và trung đội không quân xin gửi về địa chỉ:

Hợp Chủng Quốc

America Washington,

đặc khu Columbia

Lầu Năm Góc

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân

Đây là một trò hài hước. Nó thú vị nhưng thực sự phản ánh nước Mỹ sau chiến tranh lạnh đúng là đã mắc “Hội chứng thiếu kẻ địch”, nó thể hiện một cách nghệ thuật nỗi lòng bức xúc “tìm kiếm địch thủ” trên toàn thế giới của nước Mỹ.

Nghệ thuật “dùng địch” của Mỹ

Ngày 20 tháng 1 năm 1981, Reagan, một người của đảng Cộng Hòa nhậm chức Tổng thống nước Mỹ. Sau đấy, trên vấn đề đối phó với Liên Xô, Reagan định vị rõ ràng Liên Xô là “kẻ địch” chứ không phải là “kẻ cạnh tranh chiến lược “ đơn giản. Reagan cho rằng Liên Xô là điểm hội tụ của các thế lực tà ác trên thế giới, là kẻ địch số một của Mỹ, cần phải áp dụng biện pháp tấn công chiến lược thì mới có thể ngăn chặn Liên Xô bành trướng, bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Coi Liên Xô là kẻ địch, cuối cùng Mỹ đã giành phần thắng, được lợi, được thưởng thức hương vị ngọt ngào của chiến thắng.

Cuối năm 1993, Tổng thống Clinton từng buột miệng nói: “Ôi chao! Tôi nhớ chiến tranh lạnh”. Nhớ chiến tranh lạnh tức là nhớ kẻ địch của mình, nhớ những năm tháng tồn tại kẻ địch. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Mỹ mất kẻ địch, Clinton cảm thấy hẫng hụt.

Vào lúc chiến tranh lạnh kết thúc, Charles Krauthammer[18] nói: “Nhà nước cần có kẻ địch. Nếu chưa có thì hãy tìm lấy một kẻ địch”.

[18] Charles Krauthammer: nhà báo Mỹ nổi tiếng, sinh 1950, từng đọat giải Pulitzer.

Sử gia Mỹ nổi tiếng Arthur Schlesinger Jr. cho rằng: “Để đem lại tiêu điểm và tính liên tục cho chính sách ngoại giao, nước Mỹ cần có một kẻ địch. Trong hai cuộc Thế chiến, nước Mỹ lấy nước Đức làm kẻ địch, trong chiến tranh lạnh lại lấy Liên Xô làm kẻ địch. Đến một thời điểm nhất định lại sẽ tuyên bố về sự tồn tại của các kẻ địch tiềm ẩn khác”.

Các nhà chính trị học và chuyên gia Mỹ hăng hái với công việc “tìm địch” chẳng khác gì “tìm của báu”. Đối với nước Mỹ, kẻ địch có giá trị gì vậy?

1. Có kẻ địch thì có thách thức và cạnh tranh, có động lực. Trong nửa thế kỷ chiến tranh lạnh, do có Liên Xô là kẻ địch lớn mạnh nên đã đem lại động lực và sự kích thích cực lớn cho sự phát triển của nước Mỹ; trong cuộc quyết đấu sống mái, hai bên có thể phát huy được tiềm năng lớn nhất của họ, buộc họ phải thục mạng phát triển và tiến lên. Trước khi Liên Xô tan rã, một số nhân vật có quyền thế ở Mỹ đã khẳng định công trạng của chiến tranh lạnh và sự cống hiến của kẻ địch Liên Xô đối với nước Mỹ: “Liên Xô từng là kẻ địch hữu dụng. Nước Mỹ tin rằng không những phải chạy đua về lực lượng quân sự với Liên Xô mà còn phải tham gia cuộc thi đua thành tích với Liên Xô. Giờ đây nhìn lại dường như là một kiểu suy nghĩ kỳ cục. Nhiều người Mỹ hồi thập niên 50 và 60 thế kỷ XX khẳng định cuộc chạy đua giữa hai loại chế độ là một kiểu chạy đua thể hiện tính ưu việt. Không có kế hoạch không gian của Liên Xô thì người Mỹ chẳng thể lên được Mặt Trăng”. Đó là do sự liên tục kéo dài của chiến tranh lạnh, một kiểu gần giống tình thế trước khi xung trận, đã kích thích công nghiệp quốc phòng, “tạo dựng nên các công nghệ đỉnh cao của nước Mỹ”.

2. Có kẻ địch thì nước Mỹ có thể đoàn kết và hội tụ các lực lượng trong nước một cách có hiệu quả. Ngay từ tháng 9 năm 1991, đêm trước thời điểm tan rã của Liên Xô, phía Mỹ đã phát ra lời than thở về chiến tranh lạnh: “Với một quốc gia có nhiều tính đa dạng như nước Mỹ, chỉ những sự thách thức đến từ bên ngoài mới có thể làm họ đoàn kết lại”. Qua việc dựng nên một “kẻ địch lớn”, nước Mỹ tạo ra cục diện “kẻ địch lớn đang ở trước mặt”, nhờ đó có thể lợi dụng tình thế “giáp mặt kẻ địch” để “ra lệnh cho muôn ngàn người”, tạo nên bầu không khí cả nước chung mối căm thù quân địch, đoàn kết nội bộ một cách có hiệu quả, ngưng tụ lòng người bốn phương, giữ gìn và tăng cường tính quyền uy và sức kêu gọi của tập đoàn lãnh đạo nước Mỹ. Chính quyền Mỹ ra bên ngoài tìm kiếm kẻ địch là nhằm ngưng tụ lực lượng nội bộ bản thân. Tìm kiếm và tạo dựng kẻ địch trở thành chiến lược cai trị đất nước, ổn định đời sống nhân dân.

3. Có kẻ địch thì mới có lợi ích đặc biệt dành cho quân đội và tập đoàn công nghiệp quân sự. Nhà chiến lược học người Mỹ Thomas Barnett nói: “Tất cả mọi năng lực quân sự công nghệ cao có nhục cảm mà chúng ta mua sắm hồi thập niên 90 thế kỷ XX quả thực cần một kẻ địch công nghệ cao có nhục cảm, đúng không? “Chính trị gia chiến tranh lạnh” nói: Tuyệt đối là như vậy; nếu nước Nga biến thành kẻ không đủ sức chịu đòn thì quái lạ, chúng ta hãy làm Trung Quốc đi”. Barnett nói: Sau vụ 11 tháng 9, “trong một đêm, Trung Quốc rơi ra khỏi màn hình radar, thay vào đó là các tổ chức khủng bố “phủ khắp toàn cầu” và bất cứ quốc gia côn đồ nào bị tình nghi ủng hộ chúng”. “Về mặt đánh bại kẻ địch, quân đội Mỹ bao giờ cũng làm rất tốt, nhưng về mặt làm thế nào để giành được thắng lợi thì lại chưa bao giờ làm tốt. Trong thời gian chiến tranh lạnh, Mỹ giành được thắng lợi lớn: Chúng ta kéo đổ một siêu cường quân sự khác trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh công cuộc toàn cầu hóa tiến một bước lớn trên toàn thế giới. Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, một thời đại mới đã đến, song chúng ta chỉ chứng kiến sự sáng lập thời đại này là chưa đủ. Nước Mỹ cần tái định nghĩa rõ ràng kẻ địch mà chúng ta đáng được chiến đấu và một quân đội trong tương lai chúng ta đáng được sáng lập, nhằm đón tiếp môi trường an ninh mới không có đối thủ cạnh tranh. Trên hai mặt này Lầu Năm Góc đều thất bại, chủ yếu vì họ e sợ mất địa vị trong thể chế chính trị nước Mỹ. Hoặc nói một cách thô thiển, họ lo ngại phần của mình trong ngân sách Liên bang. Nỗi e sợ đó làm cho quân đội thục mạng nắm chặt “đối thủ chuẩn cạnh tranh” - một đối thủ hư ảo, bởi lẽ chỉ khi nào tồn tại một đối thủ như thế thì mới có thể tạo ra lý do để Lầu Năm Góc duy trì một quân đội lấy mục tiêu là tiến hành chiến tranh với siêu cường, nhưng trong thời đại mới chẳng những không xảy ra mối đe dọa như vậy mà lại sinh ra một thứ hoàn toàn ngược lại, tức một lực lượng trước kia ít được chú ý nay nổi lên[19], thách thức định nghĩa “trật tự mới của thế giới’ của Mỹ”.

[19] Một lực lượng trước kia ít được chú ý nay nổi lên: ý nói lực lượng bọn khủng bố nổi lên sau vụ 11 tháng 9.

Có thể thấy, Mỹ cần kẻ địch là do Lầu Năm Góc cần địa vị trong thể chế chính trị Mỹ, là vì Lầu Năm Góc cần giữ lấy phần chi phí quân sự trong ngân sách Liên bang, là vì chỉ có dựng lên một kẻ địch hùng mạnh thì mới có thể tạo lý do cho Lầu Năm Góc duy trì một quân đội lấy chiến tranh đánh siêu cường làm mục tiêu. Dùng một câu nói đùa để diễn tả tức là không có kẻ địch thì quân đội Mỹ và tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ lấy gì mà ăn, kiếm chác được cái gì? Có kẻ địch thì mới có lợi ích.

4. Có kẻ địch thì mới có thể ra lệnh cho các chư hầu bảo vệ địa vị bá chủ của Mỹ. Điều này thể hiện trên hai mặt: Một, xác định tính chất nước lớn mới trỗi dậy ảnh hưởng tới địa vị bá chủ của Mỹ là “kẻ địch”, qua đó tiến hành ngăn chặn và đánh dẹp, nhờ thế mà chính danh ngôn thuận, có cớ hành động, có thể qua việc ngăn chặn quốc gia mới trỗi dậy mà bảo vệ địa vị bá quyền và lợi ích bá quyền của Mỹ trên thế giới. Hai, trong nội bộ các nước phương Tây, nói kẻ địch của Mỹ là kẻ địch chung của thế giới phương Tây, để nước Mỹ phất cờ làm chủ khối liên minh, tổ chức và tăng cường liên minh, ra lệnh chỉ huy, trói các nước phương Tây vào cỗ chiến xa của Mỹ. Khi bình luận tác dụng của chiến tranh lạnh, một số nhân vật quyền uy ở Mỹ cho rằng, “các chính phủ Eisenhower, Kennedy, và Johnson đã tìm được lý do “an ninh quốc gia” để giúp những kẻ bị áp chế”. Điều đó làm cho chiến tranh lạnh chẳng những thúc đẩy sự phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là công nghệ đỉnh cao, “mà quan trọng hơn, nó tạo ra cơ hội tốt cho nước Mỹ lôi kéo những kẻ đồng minh theo chủ nghĩa tư bản”. Như vậy, Mỹ tổ chức được một liên minh và mặt trận thống nhất chống “địch” trong cộng đồng quốc tế, vừa khống chế các quốc gia phương Tây vừa ngăn chặn các quốc gia mới trỗi dậy, qua đó bảo đảm địa vị và lợi ích của quốc gia bá quyền này.

Tiêu chuẩn “chọn địch” của Mỹ

Tiêu chuẩn chọn kẻ địch của Mỹ có tính chất tổng hợp nhất định, nhưng chủ yếu cần chú ý hai điểm sau:

1. Tiêu chuẩn hình thái ý thức. Đối với nước Mỹ, kẻ địch lý tưởng là kẻ về hình thái ý thức đã đối địch với mình, là kẻ khác về chủng tộc và văn hóa, là kẻ về quân sự lại mạnh tới mức có thể đủ để người ta tin tưởng là mối đe dọa an ninh của nước Mỹ. Vấn đề chính trong cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao của Mỹ kể từ thập niên 90 thế kỷ XX tới nay là vấn đề quốc gia nào có thể là kẻ địch như vậy.

Trong việc xác định tính chất các quốc gia Đức, Nhật, Liên Xô, nước Mỹ đều kiên trì tiêu chuẩn hình thái ý thức. Chiến tranh và chiến tranh lạnh giữa Mỹ với Đức, Nhật và Liên Xô trong thế kỷ XX đều có một căn cứ cơ bản là Mỹ cho rằng ba đối thủ này đều là những quốc gia phản đối các nguyên tắc chủ yếu trong niềm tin của nước Mỹ; do ba nước đó phản đối giá trị quan cá nhân của nước Mỹ nên họ là ‘kẻ địch’ của Mỹ. Điều này hầu như cũng được dân chúng Mỹ đồng thuận. Năm 1945, Viện Gallup Poll từng điều tra dân ý một vấn đề sau: Bạn có cho rằng một cá nhân có thể là người theo chủ nghĩa cộng sản đồng thời lại trung thành với nước Mỹ hay không? Số người trả lời “Có” chiếm 5%, số người trả lời “Không” chiếm 87%. Cuối năm 1987 có 47% người nói họ thà lao vào một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện chứ không muốn sống dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản.

Quan điểm phân chia địch ta căn cứ theo sự khác nhau về giá trị quan tuy từng gặp dao động trong một số chính trị gia, thậm chí trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã xuất hiện những ý kiến vượt qua hình thái ý thức, thế nhưng chưa hề lung lay tận gốc sự kiên trì theo đuổi tiêu chuẩn này của nước Mỹ. Sự bàn tán về hình thái ý thức siêu việt xuất hiện ở những thời kỳ đặc biệt và tình hình đặc biệt, thậm chí có thể nói là một biểu hiện của tính thủ đoạn, của chủ nghĩa thực dụng. Thí dụ cuối thập niên 60 thế kỷ XX, có nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng nên xem xét lại tiêu chuẩn đúng sai truyền thống. Nixon nói: “Ngày nay, “chủ nghĩa” đã mất sức sống... Mục tiêu của chúng ta là phải loại bỏ tất cả những thứ gì nhạy cảm, tình cảm hóa trong chính sách ngoại giao”. “Trong điều kiện và tình thế đặc biệt, các quốc gia xung đột nhau về hình thái ý thức có thể sẽ có mục tiêu chung, mà các quốc gia có chung hình thái ý thức cũng có thể đối địch với nhau”. Kissinger cũng nói: “Chúng ta không có kẻ địch vĩnh cửu, chúng ta sẽ căn cứ vào hành động của họ chứ không phải là căn cứ vào hình thái ý thức để đánh giá các quốc gia khác, đặc biệt là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

2. Tiêu chuẩn sức mạnh. Nghĩa là: ngoài nước Mỹ ra, tìm xem trên thế giới có quốc gia nào phát triển nhanh nhất, có thực lực và tiềm lực nhất, có xu thế sẽ thách thức Mỹ, và coi quốc gia đó làm kẻ địch của Mỹ để mà đối phó. Những quốc gia như thế là quốc gia mới trỗi dậy. Trong tư duy chiến lược của Mỹ, kẻ trỗi dậy là kẻ cạnh tranh, kẻ thách thức, kẻ đối địch. Thời kỳ cuối chiến tranh lạnh và sau chiến tranh lạnh, Nhật Bản từng trở thành đối tượng lựa chọn đầu tiên trong danh sách “đối thủ” của Mỹ. Một số học giả và chính trị gia Mỹ đã viết mấy chục cuốn sách và hàng trăm bài báo có lập luận chặt chẽ, thử trình bày về sự xung đột sắp xảy ra giữa Nhật với Mỹ. Nhưng sau này, do kinh tế Nhật bị mất xu thế tăng trưởng mạnh, Mỹ bèn xóa tên Nhật khỏi danh sách kẻ địch tiềm tại. Báo cáo năm 1997 của Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Mỹ cho rằng, “Hiện nay chỉ còn Nga và Trung Quốc có điều kiện của đối thủ tiềm tại khu vực. Sau đây 10 năm, Ấn Độ cũng có thể trở thành cường quyền quân sự quan trọng trong khu vực”. Về sau Mỹ lại coi Nga là ứng viên địch thủ chủ yếu, nhưng sau đó nghĩ lại, Nga tuy có tính nguy hiểm tiềm tại nhưng vì “Tình hình kinh tế Nga rất tồi tệ, trong nước không ổn định, cơ cấu xã hội năm bè bảy mảng”, dùng cách nói của Owen Harries Tổng biên tập tạp chí “Lợi ích quốc gia” thì Nga “chẳng qua chỉ là con dã thú bị thương, là một siêu cường trong quá khứ nay đang cố gắng trở thành quốc gia dân chủ mà thôi”, trong thời gian ngắn chưa trở thành mối đe dọa Mỹ.

Sau năm 1997, Mỹ chọn đi chọn lại, cuối cùng vẫn khẳng định chọn Trung Quốc, coi Trung Quốc là địch thủ chủ yếu của Mỹ. Dư luận Mỹ phổ biến cho rằng, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thách thức địa vị chi phối toàn cầu của Mỹ, Mỹ “cần phải dùng thái độ đối địch để đi lại với Trung Quốc”, nếu không sẽ chẳng khác gì “vỗ về xoa dịu”, “khoan dung vô nguyên tắc”.

Theo tiêu chuẩn chọn “địch” của Mỹ thì Trung Quốc tuyệt đối phù hợp điều kiện “kẻ địch”. Do Trung Quốc đã khác Mỹ về hình thái ý thức, lại là quốc gia có tiềm lực nhất trong các quốc gia mới trỗi dậy, vì vậy trong trò chơi chính trị “chọn địch” của Mỹ, trong danh sách nhân viên chọn địch của Mỹ, rõ ràng Trung Quốc chỉ có thể xếp đầu bảng, vững chắc chiếm vị trí số một.

Huntington buồn vì “nước Mỹ cô đơn”

Tư duy “chọn địch” và tư duy “tạo ra kẻ địch” của Mỹ khiến họ “gây nên thù địch khắp toàn cầu”, trở thành quốc gia cô đơn nhất thế giới.

Huntington[20] nói: Các quan chức Mỹ “ca ngợi nước Mỹ là kẻ bá chủ nhân từ”, rêu rao Mỹ là “siêu cường kiểu phi đế quốc đầu tiên”. Trên thực tế, nước Mỹ là “một siêu cường du côn”, “ngày càng rơi vào thế cô lập trên thế giới”. “Những người lãnh đạo nước Mỹ bao giờ cũng tuyên bố họ là đại diện của ‘cộng đồng quốc tế’. Nhưng trong lòng, họ đại diện cho những quốc gia nào? Trung Quốc ư? Nga ư? Ấn Độ chăng? Pakistan? Iran? Hay là thế giới Ả Rập? Hay là ASEAN? Là châu Phi chăng? Hay là châu Mỹ La Tinh? Nước Pháp ư? Nhưng các quốc gia hoặc khu vực này liệu có coi nước Mỹ là đại diện của họ trong xã hội hay không? Trên phần lớn các vấn đề, xã hội mà nước Mỹ đại diện nhiều nhất cũng chi là các nước anh em cùng huyết thống Anglo-Saxon (Anh, Canada, Australia, New Zealand); trên nhiều vấn đề Mỹ đại diện cho Đức và một số nước nhỏ dân chủ ở châu Âu; trên vấn đề Trung Đông có Israel; trên phương diện thực thi các nghị quyết của Liên Hợp Quốc có đồng minh Nhật Bản. Tuy các nước trên đều là những quốc gia quan trọng song họ còn xa mới là cộng đồng quốc tế có tính toàn cầu”.

[20] Huntington: tức Samuel Phillips Huntington, 1927-2008, nhà khoa học chính trị nổi tiếng nước Mỹ, tác giả học thuyết Sự đụng độ giữa các nền văn minh (Clash of Civilizations, đề ra năm 1993).

“Qua nhiều vấn đề nối tiếp nhau, nước Mỹ phát hiện họ ngày càng ở vào thế cô lập, có lèo tèo vài đồng minh, hình thành đối lập với phần lớn quốc gia và nhân dân trên thế giới... Số các quốc gia coi lợi ích của mình gắn liền với lợi ích của Mỹ ngày một ít đi. Ít nhất điều đó thể hiện ở cơ cấu các nước nòng cốt thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong 10 năm đầu chiến tranh lạnh, cục diện hình thành là 4:1, tức 4 quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc liên hợp nhau đối phó Liên Xô. Sau khi Chính phủ Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo được khôi phục địa vị tại Liên Hợp Quốc, cục diện biến thành ra 3:1, Trung Quốc ở vào vị trí trung gian di động qua lại. Hiện nay cục diện trở thành 2:1:2, hình thành cục diện hai nước Mỹ, Anh đối phó hai nước Trung Quốc và Nga, còn Pháp thì ở vào vị trí trung gian”.

“Trong một hội nghị do Đại học Harvard tổ chức năm 1997, một số học giả nói, các quốc gia chiếm ít nhất 2/3 dân số thế giới như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ả Rập, Muslim [Hồi giáo] và các nước châu Phi, đều coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất có một không hai đối với xã hội của họ... Năm 1997, công chúng Nhật Bản từng coi Mỹ là mối đe dọa lớn thứ hai chỉ sau Triều Tiên”.

Nước Mỹ giỏi tạo dựng “kẻ địch vĩ đại“ đã trở thành nước Mỹ cô đơn, đau buồn. Sự vĩ đại của nước Mỹ đã không thể được thực hiện và duy trì bằng việc tạo dựng kẻ địch vĩ đại.

“Liên minh Trung - Mỹ”: tư duy mới xuất hiện ở Mỹ

Nước Mỹ không thể duy trì bá quyền bằng cách “gây thù địch” mà phải dựa vào “kết bạn” để thúc đẩy sự phát triển quốc gia mình. Đây là nhận thức của ngày một nhiều người Mỹ. Các nhân vật hiểu biết ở Mỹ thậm chí còn đưa ra giả thiết “Liên minh Trung Quốc - Mỹ”.

Ngày 26 tháng 6 năm 2006, chuyên gia Mỹ nổi tiếng về vấn đề chiến lược Thomas Barnett trong bài phát biểu tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc đã đề xuất “Xây dựng Liên minh chiến lược Trung Quốc - Mỹ hướng về thế kỷ XXI”, đây là một ý tưởng rất có sáng tạo.

Thomas Barnett nói: “Mỹ - Trung Quốc xây dựng mối quan hệ Liên minh sẽ có ích cho cả hai bên”. “Nước Mỹ hiện nay giống như nước Anh đầu thế kỷ XX, trên vấn đề nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đứng trước sự lựa chọn rất quan trọng, tựa như nước Anh đầu thế kỷ XX nhìn nhận nước Mỹ vậy: nên coi đó là một cường quốc đang đi lên và bình tĩnh tiếp nhận, hay coi đó là nước Đức hồi thế kỷ trước, tức nguồn gốc của chiến tranh toàn cầu. Qua việc lập quan hệ liên minh chiến lược với Mỹ, Anh duy trì và phát triển được quốc lực tự thân với mức độ tối đa”.

“Mỹ đã ở vào thời kỳ kinh tế dần dần suy thoái, cho dù thực lực quân sự vẫn rất mạnh. Nếu Mỹ muốn dùng sức mạnh quân sự để bù đắp sự thiếu hụt sức mạnh kinh tế thì nên lập liên minh chiến lược với Trung Quốc. Mối quan hệ liên minh chiến lược này sẽ rất có lợi cho Trung Quốc, cho nên Trung Quốc cũng nên ủng hộ thành lập liên minh này”.

“Nhưng Lầu Năm Góc sẽ không tán thành xây dựng Liên minh chiến lược Trung Quốc - Mỹ, bởi lẽ họ cần dùng Trung Quốc làm cái cớ để nước Mỹ duy trì lực lượng quân sự lớn mạnh. Trong ba năm sau vụ 11 tháng 9, sự quan tâm của Lầu Năm Góc đối với Trung Quốc đã giảm đi. Đó là do trong thời kỳ này tiêu điểm Mỹ quan tâm là bọn khủng bố ở vùng Trung Đông. Nhưng từ năm 2005 trở đi, vấn đề Trung Quốc lại được bày lên bàn. Trên thực tế, đây là sách lược để hải quân, không quân và lục quân Mỹ giành giật ngân sách quốc phòng. Bởi thế nói đúng hơn, hải quân và không quân Mỹ càng cần có một kẻ địch giả tưởng là Trung Quốc”.

“Trong thế kỷ XXI, mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ cực kỳ quan trọng. Chỉ cần hai nước này bắt tay nhau thì không ai phá nổi tiến trình toàn cầu hóa. Nhưng nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra chiến sự thì chỉ trong vòng một ngày, công cuộc toàn cầu hóa sẽ bị tổn thương nặng. Khi ấy Mỹ có thể giữ được quyền sinh tồn của mình trong toàn cầu hóa nhưng Trung Quốc thì không. Tôi cho rằng, hiện nay những người lãnh đạo hai nước này còn chưa dự kiến tới trường hợp việc Trung Quốc và Mỹ xây dựng mối quan hệ Liên minh chiến lược đã là chuyện không thể tránh khỏi. Tôi xin thành thật khuyên người lãnh đạo Mỹ: người lãnh đạo thế hệ 5 của Trung Quốc sẽ hoàn toàn khác người lãnh đạo thế hệ 4. Những người lãnh đạo thế hệ 4 do bị ảnh hưởng của “Cách mạng Văn hóa” nên đều ở trong nước, nhưng những người lãnh đạo thế hệ 5 sẽ chủ yếu xuất hiện từ số du học sinh học ở Mỹ hồi thập niên 80 thế kỷ XX. Kiến nghị của tôi là: ban lãnh đạo thế hệ 5 của Trung Quốc sẽ giàu trí tuệ hơn, hiểu rõ hơn về toàn cầu hóa, sẽ càng hữu hảo với Mỹ hơn. Bởi vậy, ban lãnh đạo Mỹ phải trở nên khôn ngoan hơn thì mới có thể hợp tác được với Trung Quốc”.

“Bản thân ông Bush không có kinh nghiệm ngoại giao gì, chính sách ngoại giao của ông ta chủ yếu bắt nguồn từ di sản ngoại giao của các mưu sĩ đối ngoại trong chính phủ Bush và di sản ngoại giao của đảng Cộng hòa”. “Điều đó dẫn đến việc chính sách Trung Quốc của Mỹ vẫn bị hạn chế bởi tư duy chiến tranh lạnh”.

“Sở dĩ tôi cảm thấy lạc quan đối với việc Trung Quốc và Mỹ lập Liên minh chiến lược là vì người lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ đều sẽ đổi mới thế hệ. Tôi có thể nói, sự biến đổi mà Trung Quốc hiện nay trải qua là hình ảnh thu nhỏ của những biến đổi xảy ra tại nước Mỹ 125 năm nay. Trên chính sách ngoại giao, Trung Quốc rất giống nước Mỹ đầu thế kỷ XX. Kế hoạch thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc có tính chất giống như kế hoạch thám hiểm vũ trụ của Mỹ hồi thập niên 60 thế kỷ XX. Sự phồn vinh và sự tăng cường quy mô lớn trang bị cơ sở của thị trường chứng khoán Trung Quốc về cơ bản là giống tình hình nước Mỹ hồi thập niên 20 thế kỷ XX. Về mặt thể dục, tình hình Trung Quốc hiện nay rất giống như nước Mỹ thập niên 50 thế kỷ trước. Ngành điện ảnh Trung Quốc hiện nay khiến tôi nhớ tới Hollywood những năm 30 thế kỷ XX. Vấn đề Trung Quốc xảy ra một số vụ xung đột giữa người lao động với chủ lao động và vấn đề nông dân Trung Quốc cũng tương tự như tình hình ‘Liên đoàn lao động’ Mỹ năm xưa từng gặp phải. Cho nên quan sát Trung Quốc từ nhiều phương diện thì sẽ thấy họ giống như lịch sử 125 năm qua của nước Mỹ”.

Thomas Barnett cho rằng: “Chớ nên thổi phồng mối đe dọa đến từ Trung Quốc”. Tới năm 2020, phần lớn dân Trung Quốc sẽ sống trong các đô thị. Đây sẽ là vụ chuyển dịch lớn nhất của dân chúng”. “Trên thực tế, Trung Quốc đang trở thành rất giàu mạnh và trước khi tạo thành mối đe dọa Mỹ thì Trung Quốc đã biến thành ra “già yếu”. Dân số Trung Quốc năm 2036 sẽ có 20% người già trên 65 tuổi. Nước Mỹ dùng 60 năm để số người trên 65 tuổi tăng từ 10% lên 20%, nhưng Trung Quốc chỉ dùng có 19 năm. Sẽ không có quốc gia nào trong 30 năm tới lại có tốc độ già hóa nhanh như thế”. “Trong 20 năm tới, có thể Trung Quốc sẽ là quốc gia tiềm tại thách thức nước Mỹ. Niềm hy vọng hoặc mối đe dọa mà Trung Quốc đem lại cho thế giới lớn hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử. Cho nên tôi mong muốn Mỹ và Trung Quốc xây dựng liên minh chiến lược với nhau và nên cố gắng sớm đạt được thỏa thuận về việc này. Bởi lẽ, cùng với việc Trung Quốc ngày càng trở nên tự tin, cái giá phải trả cho việc xây dựng liên minh này cũng sẽ ngày một cao”.

Thomas Barnett vạch rõ “điều kiện Mỹ - Trung Quốc xây dựng liên minh chiến lược”, “Chúng ta rất hiểu rõ cái giá ban đầu của việc Trung Quốc và Mỹ xây dựng Liên minh chiến lược là gì. Trước tiên Mỹ phải hủy bỏ sự cam kết vô điều kiện bảo vệ Đài Loan. Sự cam kết đó rất nguy hiểm, nó có thể làm cho Đài Bắc kéo hai nước Trung Quốc và Mỹ vào một cuộc chiến tranh. Để Đài Loan nắm số phận tương lai của nước Mỹ là cực kỳ không khôn ngoan. Ngay từ năm 1997, Anh đã trả Hong Kong cho Trung Quốc. Hiện nay, nhiều điều khoản buôn bán của Trung Quốc đều đến từ Hong Kong. Sự thay đổi mà Hong Kong đem lại cho đại lục Trung Quốc lớn hơn sự thay đổi mà đại lục Trung Quốc đem lại cho Hong Kong”. “Hiện nay Mỹ chưa quyết định lập quan hệ Liên minh chiến lược với Trung Quốc là rất không khôn ngoan”.