Giấc mơ Trung Quốc - Chương 07 - Phần 01

Chương VII: NƯỚC LỚN TRỖI DẬY TẤT PHẢI CÓ ĐẠI QUÂN

Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc trỗi dậy, để đối phó với sự đe dọa của Mỹ, để bảo đảm không xảy ra đại chiến với Mỹ, Trung Quốc ắt phải có đại quân [quân đội lớn mạnh]. Đây là khoản đầu tư an ninh, đầu tư phát triển và đầu tư trỗi dậy Trung Quốc tất phải tiến hành. Trung Quốc cần chuyển hóa một phần sức sản xuất thành sức chiến đấu, chuyển hóa một phần của cải thành năng lực quân sự, biến một số “túi tiền” thành “túi đạn”.

I. Sự phục hưng vĩ đại kêu gọi “Tinh thần thượng võ”

Từ mùa thu năm 1894, tại Honolulu Tôn Trung Sơn thành lập “Hưng Trung Hội”, đưa ra khẩu hiệu “Chấn hưng Trung Hoa”, cho tới cuối thế kỷ XX lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất “thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, hơn một thế kỷ qua dân tộc Trung Hoa tiến lên, quyết đấu trên hành trình chấn hưng và phục hưng. Giờ đây Trung Quốc đang trỗi dậy, đang thực hiện phục hưng, dân tộc ta vẫn cần gắng sức. Nhưng để thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, tất phải phục hưng tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa. Trong các thời đại lịch sử khác nhau, tinh thần thượng võ có những hàm nghĩa khác nhau. Trong thế kỷ XXI, tinh thần thượng võ của Trung Quốc trong tiến trình phục hưng vĩ đại và trỗi dậy với thế mạnh là một loại tinh thần dám liều mình vì mạng sống và sự sinh tồn của dân tộc, là một loại tinh thần dám tăng cường sức mạnh quân sự vì sự phục hưng vĩ đại của quốc gia, là loại tinh thần dám làm chiến tranh vì hòa bình và phát triển.

Trung Quốc thời đại Hán - Đường là “Trung Quốc anh hùng”

Ngày 23 tháng 6 năm 1924, khi tiếp đoàn đại biểu giới lao động Phillippines, Tôn Trung Sơn nói: “2.000 năm trước Trung Quốc cực mạnh, không chỉ hùng cứ phương Đông mà còn làm châu Âu rung chuyển”.

2.000 năm trước Trung Quốc có thể hùng cứ phương Đông, nền tảng của sự “hùng cứ” ấy là tinh thần thượng võ. Tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa ở các thời đại khác nhau có những nhân vật đại diện và hình thức biểu hiện khác nhau. Trong thời đại đặt nền móng và thời đại đỉnh cao, có ba nhân vật anh hùng từng có tác dụng có tinh tiêu chí đối với sự hình thành tinh thần thượng võ và sáng tạo văn hóa thượng võ của dân tộc Trung Hoa.

Người đầu tiên là Tần Thủy Hoàng. Ông tập trung truyền thống thượng võ của cuộc chinh chiến lâu dài của Ngũ Bá Xuân Thu[1] và Thất Hùng Chiến Quốc[2], dẹp yên 6 nước trong cuộc chiến tranh thống nhất Trung Quốc, thực hiện nhất thống thiên hạ. Là vị hoàng đế duy nhất trong cả nghìn năm thống nhất được Trung Quốc bằng vũ lực, thực tiễn thành công thống nhất thiên hạ của ông nói lên một đạo lý: không có tinh thần thượng võ thì không có sự thống nhất Trung Quốc. Tinh thần thượng võ của Tần Thủy Hoàng thể hiện nổi bật ở cái “thống” mà ông tôn sùng, tức tôn sùng sự thống nhất quốc gia, thực hiện thiên hạ nhất thống.

[1] Ngũ Bá Xuân Thu: Thời Xuân Thu (770-476 trước CN), Trung Quốc chia làm hơn 140 tiểu quốc chư hầu, đánh nhau liên miên, thôn tính nhau, cuối cùng còn 5 nước lớn mạnh lại tiếp tục đánh nhau giành quyền bá chủ thiên hạ. Vua của 5 nước chư hầu tranh bá chủ lớn nhất là Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công và Sở Trang Công được sử Trung Quốc gọi là “Xuân Thu Ngũ Bá”, tức 5 bá chủ thời Xuân Thu.

[2] Thất Hùng Chiến Quốc: 7 nước chư hầu mạnh nhất cuối thời Đông Chu thuộc thời kỳ Chiến Quốc (475-221 trước CN), là các nước Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần.(221 tr. CN Tần hoàn tất việc diệt 6 nước, thống nhất Trung Quốc).

Người thứ hai là Hán Vũ Đế. Tính cách dân tộc của Hán Vũ Đế thể hiện không chỉ là yêu hòa bình mà hơn nữa, là không sợ chiến tranh. Văn hóa chính trị, ngoại giao và văn hóa quân sự của Hán Vũ Đế không những là văn hóa hòa hảo kết thân mà còn là văn hóa chinh chiến; không chỉ là văn hóa phòng ngự mà còn là văn hóa tấn công. Trung Quốc thời đại Hán Vũ Đế nếu chỉ yêu hòa bình mà không dám chiến tranh, nếu chỉ dựa vào hòa hảo kết thân, dựa vào phòng ngự thôi thì kết quả chẳng phải là Hung Nô bị đánh đuổi mà là Trung Nguyên bị nô dịch. Thực tiễn thành công của Hán Vũ Đế dùng vũ lực đánh bại Hung Nô, dùng tấn công diệt tận gốc mọi tai họa của đất nước đã chứng minh một đạo lý: Không có tinh thần tấn công thì khó có thể xóa bỏ tận gốc các nỗi lo nghĩ sống còn của dân tộc, khó có thể làm cho đất nước giành được quyền chủ động chiến lược sinh tồn lâu dài và phát triển ổn định. Tinh thần thượng võ trên người Hán Vũ Đế thể hiện nổi bật là tinh thần tấn công, tinh thần viễn chinh. Nhưng Trung Quốc sau đời Tống do thiếu tinh thần tấn công và tinh thần viễn chinh đó mà luôn luôn gặp họa, cuối cùng bao giờ cũng rơi vào cảnh tranh cãi liên miên giữa hai phái chủ “hòa” và chủ “chiến”, hạn chế và lần lữa dây dưa giữa hai chủ trương này, đi tới thất bại và diệt vong trong sự thỏa hiệp bị động, nhường nhịn và bất đắc dĩ.

Người thứ ba là Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Trong lịch sử Trung Quốc, triều đại nhà Đường được gọi là “Đại Đường”. Cái lớn của Đại Đường không chỉ lớn ở cương vực, lớn về quy mô của cải và cái lớn của hoài bão mở cửa với thế giới, mà là sự “lớn mạnh” vô song trên thế giới hồi đó. Hiện tượng “Muôn nước đến triều cống” thời đại Thịnh Đường nói lên cái ơn (sức mạnh mềm) và cái uy (sức mạnh cứng) của triều nhà Đường đều đạt tới trình độ cao nhất thế giới. Sự vẻ vang của Đại Đường trong lịch sử Trung Quốc chứng minh một đạo lý: thượng võ ắt phải tôn sùng sức mạnh, một dân tộc thượng võ tất nhiên phải là một dân tộc “tôn sùng sức mạnh” chứ không phải chỉ là một dân tộc “tôn sùng sự giàu có”. Nếu chỉ tôn sùng của cải, không thể kết hợp giàu với mạnh, kết quả ắt là càng giàu thì càng không an toàn.

Sự thống nhất thiên hạ của Hoàng đế nhà Tần, uy vũ của đời Hán - Đường không những lập công trạng cho thời ấy mà còn để lại cơ nghiệp muôn đời. Trong lịch sử Trung Quốc, các thời hưng thịnh đều được tạo dựng nên bằng vũ lực, đều được xây dựng trên cơ sở thượng võ thiện chiến và quân sự lớn mạnh. Khí phách coi thường mọi kẻ anh hùng, dẹp yên thiên hạ mà Tần Thủy Hoàng thể hiện trong sự nghiệp thống nhất Trung Quốc, sự quả cảm lấy tấn công làm phòng thủ, viễn chinh ngàn dặm mà Hán Vũ Đế thể hiện khi xuất kích đánh Hung Nô, hoài bão hào hùng của cục diện “Muôn nước đến triều cống” mà Đường Thái Tông dùng võ công vô song sáng lập nên đã thể hiện tính chất chiến đấu quý báu của dân tộc Trung Hoa. Đây là cái gene tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa. Người các thế hệ sau vì làm suy yếu tính cách chiến đấu của tổ tiên mà kết quả hết lần này đến lần khác bị đánh, bị xỉ nhục. Sự biến chất tính cách chiến đấu của dân tộc Trung Hoa đã dẫn tới biết bao nhiêu tấn bi kịch lịch sử. Chỉ sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc đi lên vũ đài lịch sử Trung Quốc thì tính cách chiến đấu của dân tộc Trung Hoa mới được phát huy rực rỡ.

Có thể nói tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa được thể hiện đầy đủ trong tinh thần thống nhất đất nước của Tần Thủy Hoàng, tinh thần tấn công viễn chinh của Hán Vũ Đế, tinh thần dùng võ công để dựng nước, làm đất nước hùng mạnh của Đường Thái Tông, tinh thần chiến đấu dùng chiến tranh chính nghĩa để cứu nước, giữ nước của Mao Trạch Đông.

Có một chuyện vui như sau: có người chủ trương sửa totem của Trung Quốc từ “rồng” thành “gấu mèo” với lý do: “rồng” Trung Quốc trong tiếng Anh là “dragon”, theo nghĩa tiếng Anh là một con vật khổng lồ đầy tính tấn công và khí thế bá chủ. Rồng bay khắp thiên hạ khiến người khác cảm thấy bị đe dọa, lo ngại, khó yên tâm. Rồng đại diện cho Trung Quốc cổ đại, nay nên lấy gấu mèo làm totem của Trung Quốc hiện đại, vì gấu mèo hiền lành, không có sức tấn công, ai trông thấy cũng mến. Cuộc tranh cãi về totem rồng có nhiều ngụ ý.

Gấu mèo đại diện cho sự tốt lành, nhưng nó không đại diện cho sự an toàn. Gấu mèo Trung Quốc là loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng, có thể sinh sôi nẩy nở nhờ vào sự bảo vệ đặc biệt của nhà nước, nhưng sự an toàn và trỗi dậy của một nước lớn thì không ai khác có thể bảo vệ được.

Tinh thần thượng võ là trụ đá và cốt cách của tòa lâu đài tinh thần và văn hóa dân tộc của một quốc gia, không có “văn hóa” của “vũ hóa”, không có văn hóa của tinh thần thượng võ thì chỉ là một đống mỡ văn hóa. Thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa có nghĩa là phải phục hưng tinh thần thượng võ, tái chấn hưng uy phong hùng vĩ đời Hán - Đường.

Trung Quốc sau đời Tống là “Trung Quốc văn nhược”

Trước đời Đường, ưu thế thượng võ thiện chiến của dân tộc Trung Hoa được phát huy bình thường, nhưng về sau tinh thần thượng võ bị nhạt nhòa dần, bị suy yếu đi. Ở thời đại Tiên Tần, từng có từ “quân tử” với hàm nghĩa “dũng sĩ”; về sau bỗng dưng trở thành đại danh từ “khiêm khiêm quân tử” với nghĩa nho nhã yếu ớt. Bọn thống trị nhiều triều đại có mốt thời thượng nghỉ việc võ, lo việc văn, cả dân tộc vùi đầu làm kinh tế, tập đoàn tinh anh cả đời chỉ lo nghiên cứu các sách kinh điển, tinh thần sức lực đều tiêu hao hết vào kinh sách Nho giáo. Đối ngoại thì thỏa hiệp lùi bước, triết học chủ hòa trở thành triết học dòng chính, phái chủ hòa phần lớn là phái chủ đạo, phái dòng chính. Kết quả là giang sơn tươi đẹp bị ngoại địch giày xéo, của cải văn minh trở thành miếng mồi săn đuổi của kẻ mạnh, đến nỗi trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, lãnh tụ Hoa kiều yêu nước Trần Gia Khang từng nói với phái chủ hòa, phái đầu hàng: “Kẻ địch chưa ra khỏi nước chúng mà ta đã có kẻ nói hòa, kẻ đó tức là Hán gian”. Sái Nguyên Bồi khi làm hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh cũng đặc biệt nhấn mạnh cần bồi dưỡng tinh thần thượng võ cho học sinh, xoay chuyển mặt nhu nhược trong văn hóa Trung Quốc.

Triều đại nhà Tống là điểm ngoặt trong quá trình làm suy yếu tinh thần thượng võ của dân tộc Trung Hoa. Các bài học về tinh thần thượng võ của triều nhà Tống thể hiện trên năm mặt sau:

1. Quốc sách cơ bản trọng văn khinh võ. Cung cách mở nước của nhà Tống khác với nhà Hán, nhà Đường. Triệu Khuông Dận qua cuộc binh biến Trần Kiều mà lên ngôi vua. Tiếp thu bài học quân nhân ủng hộ việc lập vua của thời kỳ Ngũ Đại[3], để khống chế quân quyền, đề phòng quân nhân làm đảo chính, ông áp dụng quốc sách trọng văn khinh võ. Nhà Tống thực hiện nguyên tắc “văn nhân quản lý quân đội”, chính quyền tôn trọng và ưu đãi quan văn, coi nhẹ và ức chế quan võ. Lưu Khắc Trang đời Nam Tống có câu thơ: “Vua cha dựng nước sử dụng bọn nhà nho; phần lớn danh sĩ chỉ lo việc bút nghiên”[4]. Tuy nhà Tống có thể miễn cưỡng thống nhất Trung Nguyên nhưng trước sau đều không thể xây dựng được quốc lực cường thịnh như nhà Tùy Đường, không có phong độ và khí thế của một đại đế quốc, luôn luôn an phận thủ thường, không thể giải quyết các tai họa đến từ nước ngoài, không thể đối kháng sự bắt nạt của nước ngoài, hình thành sự tương phản rõ ràng giữa “nhà Đường cường thịnh” với “nhà Tống suy nhược”.

[3] Ngũ Đại tức 5 đời: sau đời Đường, thời gian 907~960 tại miền Bắc Trung Quốc lần lượt lập 5 chính quyền Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu; lịch sử gọi là Ngũ Đại.

[4] Nguyên văn chữ Hán: Tiên hoàng lập quốc dụng văn nho, kỳ sĩ đa vi bút mặc câu.

2. Sai lầm về tư tưởng chiến lược. Điều này thể hiện nổi bật ở chính sách “Nam trước Bắc sau”, “Định đô Khai Phong”. Khi dựng nước, Triệu Khuông Dẫn không tiếp tục áp dụng chiến lược Bắc phạt của Thế Tông hậu Chu mà nghe kiến nghị của Triệu Phổ, đưa ra một quyết sách quan trọng mà không sáng suốt là thay đổi chiến lược Bắc phạt, áp dụng kế hoạch tác chiến Nam trước Bắc sau. Vì hồi ấy các chư hầu ở miền Nam tương đối nhỏ yếu dễ chinh phục, còn các Liêu quốc ở phương Bắc thì tương đối lớn mạnh, không dễ đánh bại, cho nên đã chọn nhẹ tránh nặng. Đây quả là một quyết định sai lầm, chờ bình định xong miền Nam mới đánh dẹp phương Bắc, lúc ấy binh lực đã như kẻ mạnh lúc về già, cơ hội chiến lược đã bỏ lỡ, thế là nhà Tống bỏ mất cơ hội thống nhất miền Bắc, chính quyền yên phận trở thành cục diện đã định. Sau khi bình định phương Nam xong, Tống Thái Tổ mới bắt đầu Bắc phạt, sinh thời ông đã ba lần tấn công phương Bắc song đều mất công vô ích. Nhà chính trị cần phải trước tiên đánh bại kẻ địch mạnh ngay vào lúc mới dựng nước, khi sĩ khí đang cao nhất, uy danh quốc gia mạnh nhất. Nhà Tống trước sau đều chủ trương an phận, không thể thống nhất Trung Quốc, nguyên nhân quan trọng là ở sai lầm quyết sách chiến lược Nam trước Bắc sau.

Xét về quan điểm địa lý, việc nhà Tống quyết định đặt kinh đô tại Khai Phong cũng là một quyết sách không thích đáng. Bởi lẽ trong tình hình hồi ấy nếu kẻ địch cho kỵ binh đánh thẳng vào thì chỉ cần 3 - 4 ngày là đến được bờ bắc Hoàng Hà. Khai Phong ở bờ nam Hoàng Hà, địa hình bằng phẳng, không có chỗ hiểm yếu nào có thể phòng thủ. Do Ngũ Đại đều lấy Khai Phong làm quốc đô, nơi này lại có đường thủy thuận tiện cho việc vận chuyển tiếp tế lương thực; hơn nữa hai địa điểm Trường An, Lạc Dương đã bị phá hoại nặng trong chiến tranh, đây rõ ràng là những lý do để nhà Tống chọn Khai Phong làm địa điểm định đô, nhưng quyết sách thiển cận này đã để lại hậu họa cho nhà Tống.

3. Khiếm khuyết về thể chế chiến lược. Khiếm khuyết này thể hiện nổi bật ở chủ trương “Mạnh gốc yếu cành” và “Phân quyền kiểm soát”. Nhà Tống áp dụng thể chế tập trung quyền lực vào trung ương, làm suy yếu quyền lực ở địa phương; các châu, huyện ở địa phương chẳng những không có binh lực để tự vệ mà cũng không có tài lực để xây dựng. Đặc biệt về mặt binh dịch, nguồn cung cấp quân lính chủ yếu dùng chế độ chiêu mộ, kẻ tòng quân nếu không phải là kẻ không nghề nghiệp thì cũng là kẻ vong mạng trốn chạy, chất lượng kém. Sau đó lại chọn ra một số tương đối khá tập trung về kinh thành, gọi là “Cấm quân”; những binh lính còn lại chất lượng kém thì chia đi đóng tại các địa phương, gọi là “Sương quân”, loại này không có sức chiến đấu nhưng cũng hưởng chế độ lương thực như cấm quân. Ngoài ra cả đến bọn tội phạm cũng được đưa vào trại lính làm binh sĩ, đây là nguồn gốc của từ “Sung quân”[5], chuyện này được kể lại trong tiểu thuyết Thủy hử.

[5] Sung quân: đưa tội phạm tới vùng biên ải làm lính thú hoặc làm lao dịch, được coi là một tội lưu đày.

Nhà Tống thực hiện nguyên tắc phân quyền kiểm soát, nhưng kiểm soát quá mức, trở thành níu kéo nhau. Giữa ba chức vụ hoàng đế, tể tướng, gián quan đã thực hiện kiểm soát nhưng không cân bằng, dẫn tới sự tê liệt về chính trị. Tể tướng nhà Tống có quyền uy kém xa tể tướng nhà Đường, không được tham dự việc quân chính, mà quyền quân lệnh là do Khu Mật Viện (tương tự bộ tham mưu) chủ quản. Việc tài chính cũng do 3 Ty chủ quản (Ty Hộ Bộ, Ty Diêm Thiết, Ty Độ Chi Sử), không chịu sự chi phối của tể tướng. Gián quan có quyền uy lớn, có thể phê bình bất cứ vấn đề nào. Triệu Khuông Dẫn có lời thề giấu trong Thái Miếu: “Không giết đại thần và nói chuyện quan”, vì các gián quan không biết sợ ai, dám gây chuyện tranh cãi kịch liệt khiến cho chính quyền khó ra quyết sách vào lúc nguy cấp. “Người nhà Tống chưa bàn bạc xong thì quân địch đã vượt qua sông”, câu này diễn tả đúng tình hình hồi ấy.

4. Học thuật quân sự tách rời thực tiễn quân sự. Nhà Tống tuy suy yếu và cuối cùng mất nước vì giặc ngoài, nhưng lại có một hiện tượng kỳ lạ là về hai mặt vũ học và binh thư thì đời Bắc Tống có sự phát triển kỳ lạ, thể hiện sự phồn vinh chưa từng có. Chính quyền Bắc Tống mở môn Vũ học, ban hành “Vũ kinh”, về sau phát triển tới mức các châu huyện đều mở lớp Vũ học và đặt chức bác sĩ Vũ học; hoàng đế lại ra lệnh hiệu đính 7 loại binh thư như “Tôn Tử” làm giáo khoa thư tiêu chuẩn, trở thành “Vũ kinh Thất thư” lưu truyền đời sau. Thời Bắc Tống, văn nhân bàn chuyện quân sự trở thành thói quen; sau khi chuyển triều đình về miền Nam[6] thói quen này vẫn còn mạnh. Đáng tiếc là thời nhà Tống tuy nhiều nhân tài biết bàn luận chuyện quân sự nhưng lại ít người thực sự biết dụng binh. Nhà Tống yếu kém để lại một số lượng binh thư nhiều hơn bất cứ triều đại nào trước đấy. Cố nhiên đó là do từ đời Tống bắt đầu có phát minh nghề in, nhất là năm 1045 Tất Thăng phát minh con chữ rời, nhờ đó sách quân sự bản in đời Tống rất nhiều và lưu truyền các đời sau. Nhưng điều đó cũng thể hiện vấn đề lý luận quân sự đời nhà Tống mạnh, thực tiễn quân sự kém, bàn suông chuyện nước khác.

[6] Di chuyển triều đình về miền Nam: Ở đây nói việc nhà Tống chuyển kinh đô xuống miền nam: năm 1127, triều đình Bắc Tống bị nhà Kim (một liêu quốc ở phía Bắc) tấn công, chiếm kinh đô Khai Phong, bắt giam vua. Nhà Tống tiếp tục chống lại nhà Kim. Năm 1411 hai bên thỏa thuận nhà Tống cắt toàn bộ miền bắc Trung Quốc cho nhà Kim và chuyển kinh đô xuống miền nam (Hàng Châu).

5. Sự tương phản giữa số lượng quân đội với chất lượng quân đội. Nhà Tống là vương triều giàu nhất thế giới nhưng lại không phải là vương triều nước giàu quân mạnh, mà là vương triều nước giàu quân yếu. Quân đội nhà Tống lớn mà cồng kềnh, có số lượng mà không có chất lượng. Qua bảng dưới có thể thấy quy mô số lượng quân đội nhà Tống.

Bảng 1. Tình hình phát triển số lượng quân đội nhà Tống

Niên đại

(công nguyên) Tổng số binh sĩ (người) Số lượng Cấm quân (người) Ghi chú

960 200.000 Năm dựng nước

968 378.000 193.000

995 666.000 358.000

1017 912.000 431.000

1041 1.259.000 826.000

1064 1.382.000 663.000

Từ Thái Tổ đến Nhân Tông, cách nhau chưa đầy 100 năm, quân đội nhà Tống tăng hơn 6 lần, nguyên nhân chính gồm: - quân đội tuyển theo chế độ chiêu mộ có tỷ lệ đào ngũ rất cao; - số lính chết trận trong chiến tranh rất lớn; - khai báo khống số lượng binh sĩ để chiếm đoạt tiền cấp phát là hiện tượng có thực, công khai; - trong thời kỳ đói kém lấy dân đói ăn vào làm lính, coi quân dịch là một cách cứu tế chống đói. Chế độ phục dịch suốt đời của binh sĩ chiêu mộ từ 20 tuổi đến 60 tuổi, trên thực tế thời gian sử dụng chỉ có 20 năm, quá 20 năm rồi là ăn khống lương thực cấp phát. Sương quân không có sức chiến đấu cũng ăn lương thực cấp phát đến lúc chết. Nuôi cả triệu quân, trong đó Sương quân ít nhất có 40 vạn lính, trong 60 vạn Cấm quân lại có 1/3 là lính già yếu, cộng thêm các khoản tiêu hao khác, thực sự binh sĩ dùng được nhiều nhất không quá 30 vạn. Quân đội sinh hoạt kiêu căng sa đọa, nghe nói “Vệ sĩ đi nằm phải có người hầu đắp chăn, khi đi lĩnh lương thực thì thuê người vác lương thực”, đúng là lính công tử. Chi phí nuôi quân đời nhà Tống chiếm 5/6 toàn bộ tiền thuế thu được. Một đội quân như vậy đúng là cồng kềnh yếu kém, vì thế nhà Tống không tránh khỏi số phận bất hạnh.

Nhà Tống nho nhã yếu ớt khiến Trung Quốc phải trả giá nặng nề. Về sau xảy ra việc hai dân tộc thiểu số biên cương là dân tộc Mông Cổ và dân tộc Mãn hai lần chinh phục dân tộc Hán, hai lần làm chủ vùng Trung nguyên, đây là biểu hiện điển hình của cái giá phải trả cho sự nho nhã yếu ớt ấy. Sự suy yếu tinh thần thượng võ của Trung Quốc trở thành một thế lực thói quen, sự “nho nhã yếu ớt” của tính cách dân tộc trở thành một kiểu văn hóa biến đổi ngầm từng bước, khiến cho những dân tộc thiểu số kiêu dũng thiện chiến tràn đầy khí thế chiến đấu hào hùng kia một khi đã vào Trung nguyên rồi thì chẳng bao lâu sau cũng bị ăn mòn mục ruỗng, chỉ có thể ngồi kiệu chứ không còn cưỡi ngựa bắn cung như xưa nữa.