Giấc mơ Trung Quốc - Chương 07 - Phần 02

Trung Quốc thế kỷ XX là “Trung Quốc chiến đấu”

Trong bài “Diễn thuyết trước các đoàn thể tại nhà Hội nghị Thương hội Kobe” vào ngày 28 tháng 11 năm 1924, Tôn Trung Sơn nói: “Đối với người châu Âu, nếu chỉ dùng nhân nghĩa để cảm hóa họ, nếu muốn mời người châu Âu ở châu Á trả lại cho Trung Quốc các quyền lợi của chúng ta một cách hòa bình, thì việc đó chẳng khác gì chia con mồi với hổ, nhất định là không xong. Muốn thu hồi toàn bộ các quyền lợi của mình thì chúng ta phải dùng vũ lực”.

Tổng kết bài học kinh nghiệm Trung Quốc giao thiệp với người châu Âu trong 80 năm sau cuộc chiến tranh Thuốc phiện, Tôn Trung Sơn rút ra kết luận: dùng nhân nghĩa đạo đức cảm hóa người châu Âu thì chẳng khác gì tranh mồi với hổ, muốn thu hồi quyền lợi của Trung Quốc thì phải dùng vũ lực. Trung Quốc trong thế kỷ XX là một “Trung Quốc chiến đấu” dùng vũ lực thu hồi quyền lợi của mình. “Trung Quốc chiến đấu” trên thực tế là thực hành chân lý “Súng đẻ ra chính quyền”, “Súng đẻ ra nền độc lập”, “Súng đẻ ra an ninh”, “Súng đẻ ra hòa bình”, “Súng đẻ ra phát triển”. “Súng đẻ ra chính quyền”. Chủ quyền quốc gia tức là quyền sống còn của quốc gia. “Trung Quốc chiến đấu” trong thế kỷ XX trước hết phải chiến đấu vì sự cứu vong đất nước của dân tộc Trung Hoa, trong đó cuộc chiến chống Nhật cứu nước là cuộc chiến nguy cấp nhất. Sau 8 năm kháng chiến, bằng sự hy sinh to lớn 35 triệu người trực tiếp thương vong và các tổn thất vật chất to lớn, Trung Quốc giành được thắng lợi triệt để của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lần đầu tiên chống lại sự xâm lược của bè lũ đế quốc trong 100 năm kể từ cuộc chiến tranh Thuốc phiện.

Quá trình quan trọng “Súng đẻ ra hòa bình”, “Trung Quốc chiến đấu” thực hiện trong thế kỷ XX là hai cuộc chiến tranh chống Mỹ giúp Triều Tiên và chống Mỹ giúp Việt Nam. Hai cuộc chiến này là sự đọ sức giữa Trung Quốc Mới với nước Mỹ, đế quốc lớn mạnh nhất thế giới.

Tân Trung Quốc ra đời từ chiến tranh, cũng dùng chiến đấu để bảo vệ bản thân. Trong chiến tranh Triều Tiên, Tân Trung Quốc vừa mới đứng lên đã dám “so gươm” với cường quốc số một thế giới, đây là sự thể hiện xuất sắc tinh thần thượng võ của nước Trung Quốc Mới. Chiến tranh Triều Tiên là xung đột quân sự chính diện duy nhất giữa Trung Quốc với Mỹ trong lịch sử. Số quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở vùng có chiến sự là 1,789 triệu người, chết 36.574 người, bị thương 103.284 người. Trong cuộc chiến tranh này Trung Quốc lần lượt đưa 25 quân đoàn dã chiến, 16 sư đoàn pháo binh, 10 sư đoàn lính đường sắt, 12 sư đoàn không quân sang Triều Tiên tác chiến. Kể cả lực lượng hậu cần và lực lượng bổ sung, tổng binh lực lên tới 2 triệu người. Một dân tộc bị các cường quốc thế giới bắt nạt đã 100 năm thế mà có thể trong 3 năm đánh nhau ngang ngửa với liên quân 16 nước do quốc gia mạnh nhất thế giới tổ chức, điều đó đã tạo nên một huyền thoại quân sự làm rung chuyển thế giới.

Ngay từ khi chiến tranh sắp chấm dứt, Chu Ân Lai đã chỉ ra một cách sâu sắc: “Chiến tranh Triều Tiên là một sự kiện có ý nghĩa quốc tế đặc biệt sau Thế chiến II. Chiến tranh Triều Tiên có tính cục bộ nhưng lại có ý nghĩa thế giới”. Chiến tranh chống Mỹ giúp Triều đã vạch trần thần thoại nước Mỹ không thể bị đánh bại, thể hiện rõ uy lực của quốc gia và quân đội Trung Quốc. Bành Đức Hoài nói: “Cuộc chiến tranh đó hùng hồn chứng minh: thời đại bọn xâm lược phương Tây mấy trăm năm nay chỉ cần bắc mấy khẩu đại bác trên bờ biển phương Đông là có thể chiếm được một quốc gia, đã biến mất không bao giờ trở lại”. Phía quân đội Mỹ và tướng lĩnh Mỹ thừa nhận chiến tranh Triều Tiên là một cuộc “chiến tranh do Mỹ tiến hành, phải trả giá lớn nhất, đổ máu nhiều nhất” mà lại “kéo dài, khó giải quyết”. Tổng Tư lệnh “Quân đội Liên Hợp Quốc” tướng Mark Wayne Clark về sau viết trong hồi ký: “Tôi giành được một danh tiếng không đáng hâm mộ: là viên tư lệnh đầu tiên trong lịch sử Mỹ ký vào bản hiệp định đình chỉ một cuộc chiến tranh không giành được thắng lợi”.

Khi bình luận về chiến tranh Triều Tiên, các học giả Mỹ cho rằng Trung Quốc đã thắng trong cuộc chiến này: ngoài việc làm cho “chiến tranh bị hạn chế trên bán đảo, chính quyền Triều Tiên được cứu vớt, cơn ác mộng mối đe dọa quân sự của Mỹ bên bờ sông Áp Lục đã biến mất” ra, việc tham gia chiến tranh Triều Tiên còn làm cho Trung Quốc “trở thành quốc gia chín muồi hơn, được mọi người tôn trọng hơn”. Chiến tranh Triều Tiên để lại “ấn tượng vô cùng vô cùng sâu sắc” cho các nhà quyết sách Mỹ sau này. Nó có tác dụng kiềm chế hành động của Mỹ ở Viễn Đông sau này, từ đó trở đi, “Mỹ và Trung Quốc không còn cuốn vào một cuộc chiến tranh lớn nữa”. Sau chiến tranh Triều Tiên, toàn thế giới nhìn Trung Quốc với con mắt hoàn toàn khác.

Thắng lợi Trung Quốc giành được trong chiến tranh Triều Tiên vẫn có tác dụng lớn gây choáng váng cho Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam sau này. Tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại Việt Nam hồi ấy là tướng Bruce Palmer, Jr. nói: “So với bất kỳ loại vũ khí chiến tranh nào Hà Nội có thể dùng trên chiến trường, tâm trạng của Mỹ lo ngại xảy ra chiến tranh với Trung Quốc Đỏ còn đáng tin cậy hơn trong việc bảo vệ Bắc Việt Nam không bị xâm phạm”. Chính là kết quả chiến tranh Triều Tiên đã làm cho Mỹ gắng sức tránh một lần nữa trực tiếp đọ sức với Trung Quốc.

Chiến tranh Việt Nam bắt đầu năm 1961, là bước quan trọng của Mỹ thực thi chiến lược toàn cầu, ngăn chặn Trung Quốc. Trong bài phát biểu hồi tháng 1 năm 1965, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Roberts MacNamara nói thẳng thừng: mục tiêu chính của Mỹ “không phải là giúp bạn bè mà là ngăn chặn Trung Quốc”. Trong cuộc chiến tranh kéo dài tới năm 1975, thập niên 60 thế kỷ XX là 10 năm chiến tranh ác liệt nhất. Binh lực Mỹ xâm lược Việt Nam từng đạt tới đỉnh điểm 543 nghìn người. Trong một lần nói chuyện năm 1965, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề xuất rõ ràng: “Trung Quốc là kẻ địch chủ yếu của Mỹ hiện nay”.

Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến đau lòng cho nước Mỹ. Khi nhớ lại cuộc chiến này, Maxwell D. Taylor từng là tư lệnh quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam nói, cái giá nước Mỹ phải trả cho cuộc chiến tranh Việt Nam thật là bất ngờ, hầu như khó có thể đem ra để công khai biện luận. Ông cho rằng, ngoài thương vong nặng về người, chi phí quân sự lớn kinh khủng ra, nước Mỹ “còn vì cuộc chiến tranh này trả giá là chia rẽ trong nước, mất tự do hành động khi giải quyết các vấn đề cấp thiết trong ngoài nước, để lộ ra trong đại gia đình thế giới sự mềm yếu nội bộ nước Mỹ”. Đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam “là một cơn ác mộng lên cơn đau, niềm hy vọng bị suy giảm, ảo tưởng tan vỡ”. Sách “Lịch sử nước Mỹ từ năm 1900” viết: Cuộc chiến tranh này đã trở thành cuộc chiến dài nhất, cũng đổ máu nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ: hơn 35.000 người Mỹ chết trong chiến đấu, ngoài ra còn 75.000 người bị thương và mấy trăm người bị giam trong các trại tù binh ở Bắc Việt Nam, chi phí tài chính lên tới mấy trăm tỷ USD. Gần 5.000 máy bay và máy bay lên thẳng trị giá trên 5 tỷ USD bị kẻ địch phá hủy”.

Chiến tranh Việt Nam hầu như đem lại vết thương tâm hồn cho mỗi một người Mỹ. Trong số hàng nghìn hàng vạn quân nhân Mỹ sau khi trở về nước, có tới một nửa cảm thấy xấu hổ về những việc họ đã làm tại Việt Nam, một nửa thì lo lắng về tương lai của mình. Chiến tranh Việt Nam đem lại thiệt hại to lớn về nhân lực, vật lực, tài lực cho nước Mỹ. Mỹ từng đưa 1,2 triệu binh sĩ sang chiến trường Việt Nam, tổng cộng chết 58.015 người, bị thương 150.303 người, kỷ luật và sức chiến đấu của quân đội Mỹ bị suy yếu nghiêm trọng; chi phí chiến tranh hết hơn 200 tỷ USD làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị trong nước, gây thiệt hại cho hình ảnh quốc tế của nước Mỹ. Kissinger cho rằng, đối với nước Mỹ, chiến tranh Việt Nam “giành thắng lợi là hoàn toàn vô nghĩa”, “thất bại thì không thể nào chịu nổi”, “tất phải giải thoát ra khỏi cuộc chiến này”, “cho dù kết cục ra sao, trong cuộc chiến tranh này chúng ta không thể nào tránh được gặp chuyện không may, giờ đây chúng ta chỉ mong sao khi thoát ra khỏi cuộc chiến tranh này vẫn còn giữ được chút thể diện”.

Trung Quốc trong thế kỷ XXI là “Trung Quốc lớn mạnh”

Chuyên gia nổi tiếng Trịnh Tất Kiên nói: “Trung Quốc đi con đường phát triển trỗi dậy hòa bình, mục tiêu Trung Quốc theo đuổi quyết không phải là trở thành một nước lớn quân sự tranh bá chủ thế giới, mà là xây dựng một nước lớn thị trường, nước lớn văn minh, nước lớn có trách nhiệm có tác dụng xây dựng trong cộng đồng quốc tế”.

Thực ra, nước lớn quân sự không có nghĩa là nước lớn tranh bá chủ thế giới. Trung Quốc không thể trở thành nước lớn quân sự tranh bá chủ thế giới, nhưng Trung Quốc nên trở thành nước lớn quân sự vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia và hòa bình thế giới, trở thành nước lớn quân sự có lực lượng quân sự lớn mạnh để bảo vệ và thực hiện thống nhất quốc gia. Trung Quốc không thể chỉ là nước lớn thị trường và nước lớn văn minh mà không phải là nước lớn quân sự. Chỉ có trở thành nước lớn quân sự không tranh bá thì Trung Quốc mới có thể bảo vệ hữu hiệu an ninh của “nước lớn thị trường” và sự tôn nghiêm của “nước lớn văn minh”, mới có lực lượng và điều kiện phát huy tác dụng xây dựng trong cộng đồng quốc tế, trở thành nước lớn có trách nhiệm.

Đặng Tiểu Bình từng nói: “Hiện nay, Trung Quốc là lực lượng bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới, chứ không phải lực lượng phá hoại. Trung Quốc phát triển càng lớn mạnh thì hòa bình thế giới càng có chỗ dựa chắc chắn”. Sự lớn mạnh của Trung Quốc không chỉ là nhu cầu an toàn và phát triển của Trung Quốc mà cũng là nhu cầu của hòa bình thế giới. Trung Quốc hiện nay không xưng bá, cho dù sau này lớn mạnh rồi cũng không thể xưng bá. Trung Quốc không thể vì lớn mạnh mà xưng bá, cũng không thể vì không xưng bá mà không lớn mạnh, mà vừa phải kiên định không xưng bá lại vừa phải thực hiện quốc gia lớn mạnh.

Hoa Kỳ sau khi dựng nước đã triển khai tranh luận về việc có cần xây dựng một quân đội mạnh hay không. Hamilton thủ lĩnh phái Liên bang hồi ấy nói: “Nếu chúng ta muốn trở thành một dân tộc thương mại hoặc muốn giữ gìn an ninh bờ Đại Tây Dương bên này, thì chúng ta tất phải hết sức nhanh chóng cố gắng có được một lực lượng hải quân”. Cuộc tranh luận này đạt được sự nhất trí sau cuộc chiến tranh Anh - Mỹ lần thứ hai. Trong thời kỳ đầu dựng nước, tư tưởng chiến lược quân sự và chiến lược an ninh Mỹ hình thành nhận thức thống nhất là: nhanh chóng phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự của nước Mỹ, xây dựng hải quân và lục quân lớn mạnh để bảo vệ an ninh và lợi ích thương mại của nước Mỹ; đồng thời trong công việc quốc tế cần thực thi chủ nghĩa biệt lập, giấu mình chờ thời. Nước Mỹ không vì thi hành chính sách biệt lập mà không xây dựng lực lượng quân sự lớn mạnh. Họ cũng không vì muốn trở thành một dân tộc thương mại mà không xây dựng hải quân hùng mạnh.

Nước Nga tuyên bố đã nghiên cứu triển khai thành công hệ thống tên lửa chiến lược cơ động thay đổi quỹ đạo độc nhất vô nhị có thể phá vỡ bất kỳ hệ thống chống tên lửa nào. Nga còn dự định trước năm 2015 sẽ đóng xong 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới. Nghe đâu Putin từng nói “Dù phải bán cả điện Kremli cũng nhất định phải đóng được tàu ngầm thế hệ mới”. Việc xây dựng “Trung Quốc lớn mạnh” trong thế kỷ XXI là vừa phải xây dựng Trung Quốc thành “nước lớn thị trường” lại cũng phải xây dựng Trung Quốc thành “nước lớn quân sự”. Một nước lớn nếu chỉ là kẻ mạnh, kẻ lớn về kinh tế thôi nhưng lại là kẻ yếu, kẻ nhỏ trên chiến trường, thế thì nước lớn đó chẳng khác gì con dê béo trên thị trường, là con mồi săn của kẻ mạnh.

Trung Quốc sau Chiến tranh Thuốc Phiện là “Trung Quốc bị đánh”

Ngày 20 tháng 10 năm 1919, Tôn Trung Sơn viết trong lời tựa cuốn “Tinh Vũ bản kỷ”: “Dân tộc ta là một dân tộc hiền lành. Bản thân tôi mới đầu không dùng tinh thần thiện chiến thạo vũ lực để thôi thúc đồng bào ta. Thế nhưng ta đang ở vào thời đại cạnh tranh kịch liệt, nếu không biết tìm cách tự vệ thì sẽ không thể sinh tồn. Qua xem xét các cuộc chiến tranh cận đại tôi vẫn thấy nước yếu là một vấn đề đáng ngại. Giả thử một dân tộc hiền lành mà giỏi tự vệ thì trên thế giới này sẽ không có thuyết cá lớn nuốt cá bé”.

Đúng như lời Tôn Trung Sơn, vì dân tộc Trung Hoa trong một thời gian dài vừa qua, tinh thần thượng võ bị suy yếu, không thiện chiến, không biết tìm cách tự vệ, cho nên trong thời đại cạnh tranh kịch liệt sẽ không thích hợp sinh tồn. Từ cuộc chiến tranh Thuốc phiện năm 1840 các nước phương Tây đánh Trung Quốc cho tới khi cuộc kháng chiến chống Nhật thắng lợi, trong hơn 100 năm đó vấn đề “không thiện chiến” của dân tộc Trung Hoa đã thể hiện cực kỳ rõ ràng. Trong thời gian đó không thể tránh được chiến tranh, mà đã đánh thì ắt thua, đã thua thì phải cắt đất, bồi thường. Các nước phương Tây có nước một mình đánh Trung Quốc, có lúc kéo bè kéo cánh đánh Trung Quốc. Trung Quốc vừa đứng trước nguy cơ bị các cường quốc xâu xé, lại vừa gặp nguy hiểm bị Nhật Bản độc chiếm. Trong cánh rừng thế giới, Trung Quốc giống như con cừu to xác không có lực lượng phòng vệ, bị một lũ hùm sói săn đuổi vây quanh.

Một dân tộc không có tinh thần thượng võ là một dân tộc không có quyền sống còn. Trước chiến tranh Thuốc phiện, một số nhà truyền giáo đã nhìn thấy mặt đế quốc Trung Hoa to mà không có sức lực, yếu mà không dũng mãnh, đã trở thành một dân tộc không thượng võ, không thiện chiến. Thế là họ cổ xúy nên dùng thủ đoạn vũ lực cứng rắn để mở cánh cổng Trung Quốc. Có người vì thế đã tìm kiếm thu thập tình báo và tham gia chiến tranh xâm lược Trung Quốc, trong đó điển hình là Quách Sĩ Lập[7], một người nước Phổ, được Hội Truyền đạo Hà Lan cử sang Viễn Đông, về sau năm 1829 ra khỏi Hội này, trở thành người truyền giáo tự do. Từ năm 1831, ông đã 10 lần đi thuyền khảo sát miền duyên hải Đông Nam Trung Quốc, thu lượm được nhiều tình báo. Quách Sĩ Lập phát hiện thấy chính quyền nhà Thanh kém về quân sự, việc phòng ngự lỏng lẻo sơ hở, vũ khí lạc hậu, từ đó ông rút ra kết luận: “Nếu chúng ta tới đây với tư cách kẻ địch thì sự chống đỡ của cả nước Trung Quốc sẽ không kéo dài quá nửa tiếng đồng hồ”.

[7] Quách Sĩ Lập là tên chữ Hán của Karl Friedrich August Gützlaff (tên tiếng Anh là Charles Gutzlaff), người Phổ, 1803-1851, một trong những nhà truyền đạo Tin Lành đầu tiên sang Viễn Đông truyền giáo. Tại Hong Kong hiện có đường phố Gutzlaff đặt tên ông.

Về sau các nước xâm lược Trung Quốc đánh lần nào cũng thắng; người châu Âu nếm mùi chiến thắng đánh Trung Quốc, khi tổng kết kinh nghiệm dám ngông cuồng tuyên bố: “Biện pháp đối phó người Trung Quốc là đánh cho họ một trận đau rồi nói lý lẽ với họ sau”.

Từ chiến tranh Thuốc phiện năm 1840 tới ngày Tân Trung Quốc ra đời năm 1949, Trung Quốc bị nước ngoài xâm lược hơn 470 lần. Trong 65 năm từ 1840 đến 1905, số lượng hiệp ước bất bình đẳng Trung Quốc bị buộc phải ký nhiều tới con số 745.

Giỏi tự vệ thì mới thích hợp sinh tồn. Tinh thần thượng võ là tinh thần sinh tồn, tinh thần cứu mạng của một dân tộc.