Giấc mơ Trung Quốc - Chương 07 - Phần 03

II. Muốn “trỗi dậy hòa bình” ắt phải “trỗi dậy về quân sự”

Người Trung Quốc nói phát triển là nói “phát triển hòa bình”; nói “trỗi dậy” là nói “trỗi dậy hòa bình”; nói “thống nhất” là “thống nhất hòa bình”; nói ngoại giao là “ngoại giao hòa bình”. Thực ra, lực lượng quân sự lớn mạnh, sự trỗi dậy nhanh chóng về quân sự chính là nền tảng của tất cả những nguyện vọng hòa bình ấy.

Muốn “hòa bình” thì phải chuẩn bị “chiến tranh”

Nhà văn cổ La Mã Vegetius[8] có câu cách ngôn kinh điển: “Nếu bạn muốn hòa bình, thế thì bạn hãy chuẩn bị đánh nhau!” Câu này luôn luôn được các nhân vật theo chủ nghĩa hiện thực trong giới lý luận quan hệ quốc tế phương Tây tôn lên làm một danh ngôn chí lý.

[8] Vegetius, tức Publius Flavius Vegetius Renatus, 400 AD, có viết một số tác phẩm về đề tài chiến tranh, quân sự.

Giáo huấn cổ Hy Lạp nói: “Muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh”.

Binh thư cổ đại Trung Quốc “Tư Mã Pháp” có danh ngôn: “Thiên hạ tuy yên bình, nếu quên chiến đấu ắt sẽ nguy hiểm”.

Phỏng theo lời các bậc tiên hiền, người Trung Quốc đương đại nói: “Muốn trỗi dậy một cách hòa bình thì tất phải trỗi dậy về quân sự”, “Muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh”.

Hòa bình có những hình thái lịch sử khác nhau. Cộng đồng quốc tế hồi thế kỷ XIX có hòa bình dưới sự thống trị của đế quốc Anh, lấy chinh phục thuộc địa làm cơ sở. Trong nửa cuối thế kỷ XX, hòa bình xuất hiện dưới hình thái chiến tranh lạnh giữa Mỹ với Liên Xô, là hòa bình lạnh dưới sự đe dọa hạt nhân. Hòa bình thế giới sau chiến tranh lạnh là nền hòa bình dưới sự bá chủ của một siêu cường duy nhất là Mỹ. Thế giới trong thế kỷ XXI cần một nền hòa bình có nhiều cực chế ước lẫn nhau. Trung Quốc trong thế kỷ XXI cần một nền hòa bình có thể bảo đảm sự phát triển hòa bình, trỗi dậy hòa bình của nước mình. Nền hòa bình như vậy không thể có được nhờ vào sự “hữu hảo” đối với kẻ mạnh, cũng không thể có được nhờ vào cách “tỏ ra yếu ớt” của sự giấu mình chờ thời, mà chỉ có thể dựa vào dũng khí và lực lượng của mình để giành được.

Tháng 5 năm 2004, trong một buổi thảo luận về con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, có người nói: Trung Quốc yêu hòa bình, kiên trì trỗi dậy hòa bình, nhưng nếu có nước dùng vũ lực ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy thì làm thế nào? Trung Quốc không đánh người ta, nhưng nếu người ta đánh chúng ta thì chúng ta làm thế nào?

Trung Quốc trỗi dậy hòa bình lấy tiền đề là các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, đối xử với Trung Quốc theo cung cách hòa bình. Nhưng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, phải chăng Mỹ nhất định đối xử với chúng ta một cách hòa bình hay là ngăn chặn hòa bình? Nếu Mỹ đã không ủng hộ Trung Quốc trỗi dậy hòa bình lại không hạn chế bởi, không thỏa mãn với sự ngăn chặn hòa bình Trung Quốc, mà tiến hành ngăn chặn quân sự với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thậm chí tiến hành chiến tranh áp chế, dùng vũ lực ngăn trở Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, như thế thì chỉ có thể ép Trung Quốc lên Lương Sơn[9], buộc Trung Quốc có thể thông qua chiến tranh để bảo vệ quyền trỗi dậy của nhà nước mình, phá tan sự ngăn chặn bằng vũ lực, bằng chiến tranh của quốc gia bá quyền, thực hiện trỗi dậy chiến đấu. Trung Quốc không thể vì hòa bình mà không trỗi dậy, cũng không thể vì tránh chiến tranh mà không trỗi dậy. Hệt như trên vấn đề Đài Loan, Trung Quốc kiên trì hòa bình thống nhất, nhưng khi thế lực Đài Loan độc lập dưới sự ủng hộ của thế lực bên ngoài muốn chia cắt tổ quốc thì Trung Quốc không thể vì hòa bình mà không thống nhất, không thể vì hòa bình mà nhẫn nhịn dung thứ chia cắt đất nước. Khi không thể nào thực hiện được hòa bình thống nhất, ắt phải dùng vũ lực để ngăn chặn chia rẽ và thực hiện thống nhất, dùng chiến tranh để ngăn chặn Đài Loan độc lập, dùng vũ lực để xúc tiến thống nhất là tất yếu, tất phải. Dĩ nhiên cho dù Trung Quốc buộc phải chiến đấu trỗi dậy cũng khác với sự trỗi dậy bàmh trướng, trỗi dậy bá quyền của một số quốc gia trỗi dậy trong lịch sử.

[9] Lên Lương Sơn: lấy tích trong tiểu thuyết Thủy Hử, do chịu không nổi sự đàn áp và thối nát của triều đình nhà Bắc Tống, 108 hảo hán lên Lương Sơn nhập bọn với nhau khởi nghĩa chiến đấu chống lại triều đình.

Muốn được “an toàn” thì phải thực hiện “lớn mạnh”

Theodor Roosevelt từng nói: “Nếu không có vũ lực làm hậu thuẫn thì ngoại giao chỉ là vô dụng; nhà ngoại giao là nô bộc của quân nhân chứ không phải là người chủ của quân nhân”. Dĩ nhiên Trung Quốc không thể hoàn toàn tán thành câu nói này. Thế nhưng không thể phủ nhận tác dụng của lực lượng vũ trang đối với an ninh quốc gia. Nhà ngoại giao chơi trò trí tuệ, song trí tuệ chỉ có thể xây dựng trên cơ sở sức mạnh, trở thành nghệ thuật vận dụng sức mạnh thì mới có thể phát huy được tác dụng thiết thực. Với tư cách là một nước lớn trỗi dậy, việc bảo đảm an ninh quốc gia vừa cần có trí tuệ lớn cũng cần có sức mạnh lớn, chỉ dựa vào trí tuệ lớn để chơi “kế bỏ trống thành” thì khó có thể lâu dài được.

John Mearsheimer giáo sư môn chính trị học Đại học Chicago khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc có nói: “Bất cứ người Mỹ nào cũng đều biết muốn bảo đảm an ninh tối đa cho nước Mỹ thì phải bảo đảm nước Mỹ là quốc gia lớn mạnh nhất trên thế giới”. “Muốn bảo đảm sinh tồn, biện pháp tốt nhất là trở thành kẻ lớn mạnh nhất trong một vùng hoặc lớn mạnh nhất trên toàn cầu. Trung Quốc hiện nay còn chưa có lực lượng quân sự rất mạnh; về quân sự Trung Quốc còn rất yếu”.

“Tôi cho rằng, cạnh tranh lớn vẫn là trên vai trò kinh tế và vai trò quân sự. Trên hai góc độ, vai trò kinh tế rất quan trọng: Thứ nhất, lý do quân sự và lý do an ninh. Bạn phải có thực lực kinh tế rất mạnh thì mới có thể xây dựng được một lực lượng quân sự đủ mạnh để bảo vệ mình. Nguyên nhân thứ hai là mọi người cần có tài sản, mọi người đều muốn được sống trong một quốc gia phồn vinh, vì vậy giành phần thắng trên thị trường bao giờ cũng được vô cùng coi trọng. Có sức mạnh kinh tế lớn mạnh là điều then chốt để có thể sinh tồn, nhưng nếu không có lực lượng quân sự mạnh thì sẽ gặp rủi ro rất lớn. Nếu nước láng giềng của bạn có quyết định sai lầm thì bạn sẽ bị trừng phạt. Ý tôi muốn nói là Trung Quốc rất hiểu rõ điều đó, từ năm 1930 trở đi, hoặc nhớ lại thời kỳ cuối thế kỷ XIX, Trung Quốc là một quốc gia rất yếu về quân sự; kết quả là gót sắt châu Âu và Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, làm những chuyện rất đáng sợ. Bởi vậy, đối với người Trung Quốc, không phát triển sức mạnh quân sự lớn mạnh để tự bảo vệ là điều vô cùng ngu xuẩn. Ở bất cứ thời nào, cạnh tranh quân sự không bao giờ bị xóa bỏ. Tôi cho rằng cạnh tranh xuất hiện giữa Trung Quốc với Mỹ rất có thể không chỉ là cạnh tranh về hình thái ý thức, càng có thể là cạnh tranh về sức mạnh kinh tế và quân sự”. “Bạn cần phải tự bảo vệ mình; cách duy nhất để bảo vệ mình là trở thành vô cùng lớn mạnh. Mỹ không muốn thấy một Trung Quốc lớn mạnh. Nếu sau đây Trung Quốc trở thành một quốc gia mạnh nhất thì Trung Quốc cũng không muốn thấy quốc gia khác trỗi dậy, không mong muốn bất kỳ quốc gia nào trỗi dậy”.

Sự phân tích nói trên của chuyên gia Mỹ tuy không hoàn toàn phù hợp thực tế của Trung Quốc, nhưng tư duy kiểu Mỹ điển hình của ý tưởng chiến lược “có lớn mạnh mới có an toàn; muốn an toàn thì phải lớn mạnh” là có ý nghĩa tham khảo đối với Trung Quốc. Trung Quốc trong thế kỷ XXI muốn an toàn thì ắt phải lớn mạnh.

Theo đuổi “trỗi dậy hòa bình” thì không sợ “trỗi dậy chiến đấu”

Cơ sở và điều kiện Trung Quốc hòa bình trỗi dậy là lấy từ hơn 400 chiến dịch quân sự. Trung Quốc muốn thực hiện hòa bình trỗi dậy thì phải thực hiện trỗi dậy về quân sự. Thực lực quân sự Trung Quốc phải lớn mạnh tới mức bất kỳ kẻ địch mạnh nào trên thế giới đều không dám và cũng không thể dùng lực lượng quân sự để ngăn chặn trình độ, mức độ trỗi dậy của Trung Quốc. Trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy, thách thức và khảo nghiệm lớn nhất thì đến từ sự “ngăn chặn bằng chiến tranh” của quốc gia bá quyền đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Clausewitz nói: “Một bên tuyệt đối chịu đựng thì sẽ không trở thành chiến tranh”. Một quốc gia chỉ cần áp dụng thái độ và chính sách tuyệt đối chịu đựng thì có thể có hòa bình. Nhưng sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc thì không thể là sự trỗi dậy tuyệt đối chịu đựng. Sự trỗi dậy đó không loại trừ một khả năng là trỗi dậy trong chiến tranh chống ngăn chặn. Khi quốc gia bá quyền dùng chiến tranh để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy thì Trung Quốc tất phải dùng lực lượng quân sự để bảo vệ sự trỗi dậy của quốc gia, sao cho mục tiêu chiến lược và tiến trình chiến lược của sự trỗi dậy không bị dừng lại. Trung Quốc cần trỗi dậy hòa bình, vì sao lại nhất định phải ra sức tiến hành trỗi dậy về quân sự? Đó là do trỗi dậy hòa bình là kết quả cố gắng của cả hai bên: Mỹ muốn cho phép Trung Quốc trỗi dậy hòa bình thì Mỹ không được tiến hành chiến tranh lạnh để ngăn chặn, càng không được tiến hành áp chế về quân sự và áp chế bằng chiến tranh.

Ngày 9 tháng 7 năm 2004, tờ “Tín báo” Hong Kong đăng bài “Trên trái đất chưa bao giờ có trỗi dậy hòa bình”. Tác giả bài báo cho rằng: “Trung Quốc hiện nay về mặt quan hệ đối ngoại, ngay cả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền cũng rất căng thẳng. Nhiệm vụ chính của Trung Quốc giờ đây là phải giữ gìn tốt chủ quyền của Hong Kong, Đài Loan, chớ để kẻ khác cuỗm mất. Nhiệm vụ giai đoạn trung hạn là thay đổi môi trường xung quanh, chớ để cho thế lực nước khác bao vây Trung Quốc như cái thùng tôn. Vào “thời điểm then chốt” vòng vây đó sẽ khiến Trung Quốc kiếm không được nguồn năng lượng, kết quả là máy móc ngừng chạy, thông tin gián đoạn, các thành phố tối om. Tất cả các cường quốc trên thế giới đều mong muốn trỗi dậy hòa bình, không nổ một tiếng súng, không bắn một viên đạn; thế nhưng trên trái đất này chưa hề xảy ra sự trỗi dậy hòa bình. Lịch sử trỗi dậy của nước Mỹ là một bộ lịch sử chiến tranh; lịch sử Mỹ giành bá quyền cũng là lịch sử chiến tranh; lịch sử nước Mỹ duy trì bá quyền cũng vẫn là lịch sử chiến tranh. Trong thời đại vô chính phủ ngày nay, hòa bình là nguyện vọng, bá quyền là sự thực, tự vũ trang bản thân là điều căn bản. Nhật Bản giàu có rồi nhưng vì ỷ lại Mỹ về quân sự nên chưa thể trỗi dậy. Mỹ tuy trỗi dậy rồi nhưng vẫn không ngừng tăng chi phí quân sự, giữ ưu thế quân sự tuyệt đối. Chỉ vì giữ nhà giữ nước mà Trung Quốc cần có bom nguyên tử, cần có khí phách anh hùng của chiến tranh Triều Tiên, cần có quân đội lớn mạnh”. Quan điểm của tác giả bài viết nói trên rất có tầm nhìn.

Đúng thế, cộng đồng quốc tế trước đây không có trỗi dậy hòa bình, nhưng điều đó không có nghĩa là từ nay trở đi sẽ không có trỗi dậy hòa bình. Trung Quốc đã làm một tiền lệ trỗi dậy hòa bình cho trái đất này trong tình hình xưa nay chưa từng có trỗi dậy hòa bình. Nhưng để tạo ra tiền lệ đó cần có sự cố gắng chung của Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt cần có hành động văn minh và tiến bộ của nước Mỹ.

Sau chiến tranh lạnh, Mỹ thông qua việc mở rộng NATO về phía Đông để khống chế Nga và ở châu Á, Mỹ áp dụng chiến lược bao vây Trung Quốc: tại phía Đông Trung Quốc, Mỹ cùng Nhật, Hàn Quốc lập liên minh quân sự, lợi dụng Đài Loan kiềm chế Trung Quốc; ở phía Tây Nam, Mỹ ủng hộ Ấn Độ bành trướng trên tiểu lục địa Nam Á; tại biển Nam Trung Hoa, Mỹ cũng tích cực hành động, kín đáo đẩy mạnh việc liên minh các quốc gia vùng này để đối phó Trung Quốc. Có thể thấy, để trỗi dậy hòa bình, Trung Quốc tất phải trỗi dậy về quân sự. Lực lượng quân sự Trung Quốc càng mạnh, sức răn đe đối với chủ nghĩa bá quyền càng lớn thì càng có lợi cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.

Phát triển hòa bình, trỗi dậy hòa bình đã trở thành lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Quyền phát triển, quyền trỗi dậy đã trở thành chủ quyền quốc gia Trung Quốc ắt phải bảo vệ. Nếu có thế lực nào cản trở và ngăn chặn sự phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc, nếu sự ngăn chặn ấy vượt quá hạn độ “ngăn chặn hòa bình” mà dùng thủ đoạn vũ lực tiến hành “ngăn chặn bằng chiến tranh” thì Trung Quốc ắt phải chiến đấu để bảo vệ sự phát triển và trỗi dậy của quốc gia mình.

Không được biến dân tộc Trung Hoa thành một “dân tộc kinh tế”

Trỗi dậy về kinh tế mà không kèm theo trỗi dậy về quân sự là sự trỗi dậy nguy hiểm, vì nó sẽ làm cho một dân tộc biến ra thành dân tộc kinh tế. Weber[10] nói: “Cần phải chuyển biến từ một dân tộc kinh tế thành một dân tộc chính trị, trở thành một dân tộc chín muồi về chính trị”. Theo cách nói của Weber, “Dân tộc kinh tế là một dân tộc chưa chín muồi về chính trị”, biểu hiện rõ nhất là say mê với “phương thức dùng kinh tế học để xem xét mọi vấn đề”, biến mục tiêu của dân tộc mình thành mục tiêu kinh tế. Biểu hiện nổi bật là ở chỗ: một, khi xác định chính sách kinh tế thậm chí chính sách đối ngoại của nhà nước lại quên mất sứ mệnh chính trị của quốc gia dân tộc; hai, đơn giản đánh đồng sự phồn vinh kinh tế với sự lớn mạnh của quốc gia, tuy rằng mức độ giàu có thì khác với mức độ an ninh quốc gia. Cần có quyết tâm và năng lực chuyển hóa một phần của cải thành năng lực bảo đảm an ninh.

Dân tộc kinh tế là dân tộc sẽ gặp nguy hiểm, sẽ làm cho một dân tộc biến ra thành “động vật kinh tế”, khiến cho dân tộc đó đi lên con đường giàu mà yếu, giàu mà suy, giàu mà mất nước. Machiavelli[11] cho rằng xây dựng quân đội là cái gốc của việc xây dựng đất nước, quân đội mạnh là nền móng của việc cai trị thế gian. Hồi ấy ông đã chứng kiến các thành bang nước Ý như Florence, Milan tuy giàu có của cải nhưng lại không yên được lòng dân, không thắng được giặc ngoài; điều đó khiến ông xúc động sâu sắc. Ông cho rằng kinh tế quá phồn vinh, mọi người quá theo đuổi phúc lợi sẽ khiến cho phong tục tập quán xã hội suy đồi, dân tộc mất tinh thần chiến đấu, đất nước sớm muộn sẽ suy yếu thất bại.

[10] Weber: Có nhiều người cùng tên Weber; ở đây có lẽ tác giả muốn nói về Max Weber, người Đức, 1864-1920, một trong 3 nhà tiên phong về lý thuyết quản lý cổ điển, người đặt nền móng cho ngành xã hội học.

[11] Machiavelli tức Nicolo Machiavelli, 1469-1527, nhân vật trung tâm của bộ máy chính trị nước Ý thời kỳ Văn nghệ phục hưng, nhà chính trị nhân văn kiệt xuất kiêm nhà thơ, nhà âm nhạc; có cống hiến lớn về chính trị, quân sự, văn học; nổi tiếng với hai tác phẩm The Prince (Bàn về Quân chủ) và Discourses on Livy (Bàn về chủ nghĩa cộng hòa).

Hà Lan đi lên con đường lầm lạc làm một dân tộc kinh tế, bài học này rất đau xót. Nước đầu tiên ở châu Âu tiếp thu tư tưởng cải cách quân sự của Machiavelli không phải là một nước lớn mà là một nước nhỏ xíu - Hà Lan. Nước này hồi ấy gọi là Netherlands (nghĩa là “vùng đất thấp”), ban đầu là thuộc địa của Tây Ban Nha, từ năm 1568 dân Hà Lan phát động cuộc chiến tranh độc lập, kiên trì cho đến năm 1648 mới chính thức giành được độc lập, tổng cộng lâu tới 80 năm. Hồi ấy, Tây Ban Nha là cường quốc thế giới, người Hà Lan muốn lấy nhỏ thắng kẻ địch lớn thì ắt phải tìm kiếm biện pháp khác thường có thể tăng cường và nâng cao sức chiến đấu. Họ tìm được con đường đặc biệt là làm cuộc cách mạng quân sự. Từ đó Hà Lan trở thành nơi phát xuất cuộc cải cách quân sự của châu Âu và là nhà tiên phong trong cuộc cách mạng quân sự ở châu Âu. Thành tích cải cách quân sự của Hà Lan được các nước châu Âu quan tâm rộng rãi. Nhiều thanh niên có chí nghiên cứu học thuật quân sự đều hăng hái đến Hà Lan để tiếp nhận giáo dục quân sự. Đến Hà Lan học quân sự trở thành phong trào hồi ấy. Thế nhưng người ta thường chỉ nhìn thấy sáng tạo về kinh tế của Hà Lan trỗi dậy mà chưa thấy những sáng tạo về quân sự của họ trong sự trỗi dậy đó.

Sự trỗi dậy của Hà Lan bắt đầu từ cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, nhưng “thương mại là chính trị của chính phủ Hà Lan”. Để phát triển thương mại viễn dương, Hà Lan rất chú trọng xây dựng quân đội và họ có một lực lượng hải quân hùng hậu. Trong cuộc chiến tranh Anh - Hà Lan lần thứ nhất, trong mỗi chiến dịch, Hà Lan đều có thể huy động trên 200 tàu chiến, các tàu này trang bị 6.000 - 8.000 khẩu pháo lớn và chở theo 20 - 30 nghìn thủy binh. Trong cuộc chiến tranh Anh - Hà Lan lần thứ hai, hải quân Hà Lan từng xông vào tận sông Thames của Anh Quốc, trực tiếp đe dọa thành London. Trong các trận hải chiến, hạm đội Hà Lan chẳng những nhiều lần đánh bại hạm đội Tây Ban Nha ở Slake, Dunkir và Dans, có khi còn một mình đối địch với liên quân Anh, Pháp, Thụy Điển, Đức mà không hề tỏ ra yếu kém. Trong cuộc đấu tranh giành giật thuộc địa với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sở dĩ Hà Lan đi sau đến trước là do họ có ưu thế quân sự. Hà Lan có ưu thế về kỹ thuật quân sự: công nghệ đóng tàu chiến của họ, nhất là công nghệ đặt trọng pháo trên tàu, đều là tấm gương để các nước châu Âu học hỏi. Đại đế Peter I rất hâm mộ ngành đóng tàu của Hà Lan, chính ông đã hai lần sang Hà Lan học nghề đóng tàu.

Hà Lan là một kho của được bảo vệ bằng hạm đội. Nhưng ngày 11 tháng 4 năm 1713, người Hà Lan đã ký hòa ước với Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Điển nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh giành ngôi vua ở Tây Ban Nha, đồng thời cũng kết thúc tác dụng của nước Cộng hòa Hà Lan vĩ đại. Sau hơn một thế kỷ làm cường quốc châu Âu, nước Cộng hòa này tự nguyện rút ra khỏi hàng ngũ cường quốc. Quân đội Hà Lan bị tước vũ khí, tàu chiến hạm đội bị bỏ không cho tới mục nát trong các hải cảng, các tướng lĩnh và đô đốc cởi bỏ quân phục về nhà lĩnh lương hưu. Vị trí của các tướng lĩnh được thay bằng các nhà ngoại giao để tóc dài và rủng rỉnh tiền của. Số tiền bạc ấy được dùng để mua hòa bình. Tìm kiếm hòa bình bằng bất cứ giá nào thậm chí dùng cả những thủ đoạn mờ ám, trở thành quốc sách mới của nước cộng hòa.

Trong suốt thế kỷ XVIII, Hà Lan không thực sự xây dựng quân đội; đây là một hành động tự sát. Nước Cộng hòa Hà Lan từng là cường quốc chủ yếu trên biển nay không thể không chiêu mộ sĩ quan hải quân từ nước ngoài. Hạm đội Hà Lan nhỏ yếu nhiều lần về nước cùng với những tin thua trận nhục nhã. Các thương nhân Hà Lan trên Đại Tây Dương và các tàu cá Hà Lan trên Biển Bắc lâm vào tình cảnh bị nước khác bắt giữ, xua đuổi, phải trốn đi khắp nơi.

Trên đất nước Hà Lan không ngừng suy yếu trong thế kỷ XVIII, mọi người chỉ biết gào lên chúng tôi cần tiền, tiền, nhiều tiền nữa vào. Người Hà Lan vứt đi “túi đạn” trên người mình, còn “túi tiền” của họ cũng trở thành vật săn lùng của lũ cướp biển.

Nước Pháp cũng có bài học về mặt này. Tướng Pháp Beaufre viết trong sách “Năm 1940: sự sụp đổ của nước Pháp”: Cho tới đêm trước Thế chiến II nước Pháp còn tương đối ổn định về mặt kinh tế, nhân dân hưởng cuộc sống giàu có sung sướng. Tình hình kinh tế Pháp tương đối tốt nhưng tình hình chính trị lại rất tồi tệ. Khi Thế chiến II nổ ra, người Pháp không còn đoàn kết nhất trí trung thành với đất nước như hồi năm 1914, nước Pháp không có nhà lãnh đạo kiệt xuất, cả nước trên dưới sống trong bầu không khí chính trị hỗn loạn, bước vào chiến tranh với đầu óc mơ hồ, trong nước tràn đầy tâm lý chán ghét chiến tranh, nhiều người thà chịu đựng bất kỳ nỗi nhục nhã nào chứ không dám liều thân quyết chiến. Trước chiến tranh, một nhà văn Đức từng có lời bình luận sâu cay như sau: “Pháp là một dân tộc hấp hối chết tiêu chuẩn. Dân tộc này đã không có mục đích hoặc giá trị. Dân nước họ từ lâu đã đánh mất vinh dự và tinh thần truyền thống của mình. Họ buông xuôi bỏ mặc cho số phận tự sinh tự diệt mà bất tất phải coi trọng điều đó”. Sự việc nước Pháp nhanh chóng sụp đổ vào năm 1940 đã chứng minh điều này.

Người Mỹ nhất thế giới về tinh thần thương mại, của cải của họ cũng nhất thế giới, song dân tộc Mỹ không phải là dân tộc kinh tế. Giáo sư Joseph Nye ở Học viện Chính trị Kennedy thuộc Đại học Harvard từng nói: “Sức mạnh quân sự cũng rất quan trọng. Tôi cho rằng địa vị quân sự của nước Mỹ là nòng cốt của quốc lực nước này”. Tại Mỹ, những nhân tài tố chất cao không phải đều làm việc trong các ngành nghề và lĩnh vực có lợi nhuận cao. Theo điều tra, số người có học vị từ thạc sĩ trở lên chỉ chiếm 19% trong tầng lớp giám đốc thuộc giới doanh nhân Mỹ, nhưng lại chiếm 88% trong tổng số sĩ quan cấp chuẩn tướng. Tại Mỹ, đội ngũ nhân tài phục vụ công việc quân đội có ưu thế về học lực cao gấp bốn lần so với đội ngũ nhân tài làm việc trong các ngành kinh tế. Cường quốc kinh tế Mỹ thực sự là quốc gia lấy địa vị quân sự làm nòng cốt quốc lực.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cần phải thống nhất nước giàu với quân đội mạnh, vừa phải trỗi dậy thành cường quốc kinh tế lại vừa phải trỗi dậy thành cường quốc quân sự, quyết không được trở thành một “dân tộc kinh tế” béo mỡ mà không có xương cốt, có sức nặng mà không có sức mạnh.