Giấc mơ Trung Quốc - Chương 07 - Phần 04

III. Để không có đại chiến với Mỹ, Trung Quốc ắt phải có “đại quân”

Trong thế kỷ XXI, để bảo đảm không xảy ra đại chiến với Mỹ thì Trung Quốc tất phải có đại quân. Cái “đại quân” này không phải là lớn về quy mô mà là mạnh về chất lượng. Trung Quốc trỗi dậy về quân sự không phải là để đánh Mỹ mà là để không bị Mỹ đánh; không phải là trong một thời gian ngắn đi cạnh tranh nhất thế giới với Mỹ về quân lực, mà là phải bảo đảm mình không bị lực lượng quân sự nhất thế giới đánh và chiến thắng. Cho nên Trung Quốc trỗi dậy về quân sự không phải là mối đe dọa đối với quân đội Mỹ mà là để loại trừ mối đe dọa của quân đội Mỹ đối với quân đội Trung Quốc. Đây là đặc trưng sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, tức là tính tự vệ, tính phòng ngự, tính hòa bình, tính hữu hạn, tính tất yếu, tính quan trọng và tính bức thiết trong sự trỗi dậy về quân sự mang đặc sắc Trung Quốc.

Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ không có “đại chiến” với Mỹ

Vì sao nói trong thế kỷ XXI, Trung Quốc và Mỹ sẽ không có “đại chiến” với nhau? Trước hết đó là do trong nửa cuối thế kỷ XX, hai quốc gia Mỹ và Liên Xô không những là nước lớn mà còn là cường quốc, là nước lớn hạt nhân. Chính là cuộc cạnh tranh chiến lược của hai quốc gia này đã kết thúc lịch sử “giữa các nước lớn bao giờ cũng có đại chiến”, mở ra thời đại mới “không có đại chiến giữa các nước lớn”, tức thời đại hòa bình và phát triển trở thành chủ đề thời đại.

Về quá trình xuất hiện thời đại “không có đại chiến giữa các nước lớn”, nhà chiến lược học người Mỹ Thomas Barnett phân tích như sau: “Ngay từ trước cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên nào thắng, vì vậy cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ với Liên Xô ổn định hơn nhiều so với sự tưởng tượng của đa số mọi người. Khi cuộc khủng hoảng nghìn cân treo sợi tóc ấy đã trôi qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara lại tiến thêm một bước mạnh dạn nữa, nâng quan niệm “Bảo đảm hủy diệt lẫn nhau”[12] lên địa vị hòn đá tảng có tính vĩnh cửu của kế hoạch hạt nhân chiến lược Mỹ. Với người Mỹ ở thời đại ấy mà nói, “Bảo đảm hủy diệt lẫn nhau” rất có khả năng nói lên một vấn đề - tin rằng nếu một bên dùng vũ khí hạt nhân đối phó bên kia thì thật sự là điên rồ. Trước kia loài người chưa hề sáng tạo ra loại vũ khí không được sử dụng, vì vậy thế giới này chỉ nhìn thấy vũ khí hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki, điều đó dường như khiến người ta khó có thể tin được. Thế nhưng đây là sự thật từng xảy ra cho tới nay. Điều vũ khí hạt nhân làm được tuyệt nhiên không chỉ là ràng buộc các siêu cường, mà là về căn bản kết thúc chiến tranh giữa các nước lớn - trong nhiều năm nay, nước lớn có nghĩa là nước có vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, anh sở hữu vũ khí hạt nhân có nghĩa anh là một nước lớn, mà nước lớn có nghĩa là anh mãi mãi sẽ không xảy ra chiến tranh với các nước lớn khác, điều này thật đáng để cảm ơn vũ khí hạt nhân.

[12] Nguyên tắc “Bảo đảm hủy diệt lẫn nhau”: Mutual assured destruction (M.A.D.), một học thuyết chiến lược quân sự và chính sách an ninh quốc gia, trong đó việc hai bên tham gia chiến tranh sử dụng hết mức vũ khí hạt nhân sẽ dẫn tới hậu quả cả hai bên tấn công và phòng ngự đều cùng bị hủy diệt, theo đó những nước có vũ khí hạt nhân không được tấn công nước khác bằng vũ khí hạt nhân bởi điều xảy ra chắc chắn là hai bên cùng hủy diệt.

Khi nước Mỹ sáng lập ra quy tắc mới “Bảo đảm hủy diệt lẫn nhau”, nó thực sự đã vĩnh viễn tiêu diệt chiến tranh giữa các nước lớn. Kể từ năm 1945 khi Mỹ phát minh ra vũ khí hạt nhân đến nay, không còn xảy ra chiến tranh giữa hai nước lớn nữa, điều này không phải là ngẫu nhiên. Chúng ta mất quãng thời gian gần 20 năm để nhận thức được sự biến đổi bản chất quy tắc, nhưng khi chúng ta nhận thức được và xuất khẩu thành công quy tắc ấy cho các nước lớn khác thì mối đe dọa chiến tranh toàn cầu đã cơ bản kết thúc trong lịch sử nhân loại”.

“Vũ khí hạt nhân không phải là thứ được sử dụng mà chỉ là thứ được dùng để bảo đảm sự diệt vong của Liên Xô sau khi họ đầu tiên phóng đi loại vũ khí này; chúng ta duy trì điều kiện tồn tại loại chiến tranh không có kẻ thắng - đây cũng là điều kiện tồn tại cuối cùng của chiến tranh lạnh. Vì vậy dù một số người cho rằng sau này trong chiến tranh Việt Nam, McNamara có mắc phải những tội lỗi gì đi nữa, theo tôi nghĩ, những cái đó đều bị sách lược vĩ đại bảo đảm hòa bình toàn cầu của ông che khuất. Dĩ nhiên chỉ riêng nước Mỹ hiểu và tin chắc quan niệm “Bảo đảm hủy diệt lẫn nhau” là chưa đủ, chúng ta phải làm cho Liên Xô cũng tiếp thu quan niệm ấy. Mỹ đã dùng thời gian một số năm để dạy Liên Xô và cuối cùng vào năm 1972 đã cho Liên Xô tốt nghiệp khóa học này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Moscow, Nixon và Brezhnev đã ký kết “Hiệp ước đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược” lần thứ nhất. Cuộc họp này và hai cuộc họp thượng đỉnh vào mấy năm sau đó đã giảm đáng kể mối đe dọa chiến tranh hạt nhân toàn cầu, và từ đó quy tắc chiến tranh bắt đầu được cố định một cách hàm súc. Thí dụ, cho phép không hạn chế việc bán vũ khí thông thường cho các nước phụ thuộc; cho phép tiến hành chiến tranh người thay mặt ở thế giới thứ ba; không cho phép chơi trò bên miệng hố chiến tranh hạt nhân tại bất cứ nơi nào; không được phép chơi trò bên miệng hố chiến tranh dùng vũ khí thông thường tại châu Âu”.

Quan điểm “giữa các nước lớn không được có chiến tranh lớn” với tư cách là quan điểm mới về quân sự và về chiến tranh đã hình thành sự đồng thuận chung trong giới lý luận chiến lược và giới chính trị phương Tây cuối thế kỷ XX. Cuộc chiến tranh Triều Tiên khiến người Mỹ bắt đầu nghiên cứu khái niệm chiến tranh hữu hạn. Việc tiến hành tại Đông Á cuộc chiến tranh trả giá cao, kéo dài và ý nghĩa mù mờ này đã làm cho người Mỹ chán nản thất vọng sâu sắc. Trong thế kỷ XX, người Mỹ đã quen đánh chiến tranh toàn diện cho tới khi giành thắng lợi toàn diện và tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của kẻ địch. Nhưng trong chiến tranh Triều Tiên, nước Mỹ đứng trước sức ép chính trị to lớn đến từ các đồng minh châu Âu đòi kiềm chế quy mô xung đột, và cũng không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn tại châu Á, vì vậy Mỹ đã nghiêm ngặt hạn chế quy mô các hành động quân sự. Mỹ không dùng vũ khí hạt nhân, phạm vi ném bom cũng không vượt qua sông Áp Lục biên giới Bắc Triều Tiên với Trung Quốc. Mỹ cũng không cho quân đội Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan tham dự chiến tranh. Những người ủng hộ chiến tranh hữu hạn phản đối cách nói của Douglas MacArthur: “Trong chiến tranh không gì có thể thay thế được chiến thắng”. Họ cho rằng trong thời đại hạt nhân sắp tới, chiến tranh phải loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân, mục đích chiến tranh phải được hạn chế nghiêm ngặt, cho dù kết quả của kiểu đấu tranh này chỉ có thể là bế tắc.

Nhà tư tưởng chiến lược người Anh B. H. Liddell Hart nói: “Phải ngăn ngừa hai tính toán ngông cuồng: nhất thiết tìm kiếm thắng lợi và cho rằng không thể hạn chế chiến tranh”. Năm 1960, Liddell Hart từng nói: “Do sự phát triển của vũ khí hạt nhân mà quan niệm cũ và định nghĩa cũ về chiến tranh đã thay đổi, nó trở nên lỗi thời và không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu cứ lấy chiến thắng làm mục đích thì thực ra chẳng khác gì điên cuồng”.

Đại gia chiến lược người Anh John Frederick Charles Fuller viết trong cuốn “Chỉ đạo chiến tranh” xuất bản năm 1961 như sau: “Trong những điểm mù của Clausewitz, điểm mù nhất là ông chưa bao giờ nhận rõ mục đích chân chính của chiến tranh là hòa bình chứ không phải là thắng lợi. Cho nên hòa bình mới là lý tưởng căn bản của chính sách, mà chiến tranh chỉ là một thủ đoạn được sử dụng khi thực hiện lý tưởng đó”.

Eisenhower từng nhiều lần nói tại các cuộc họp báo, trong thời đại chiến tranh lạnh, nhất là thời đại vũ khí hạt nhân, “thắng lợi không tính tới trả giá thì có nghĩa là tai họa”. Trong thời đại chiến tranh lạnh, dưới điều kiện vũ khí hạt nhân, quan niệm chiến tranh của các nước lớn đã có thay đổi căn bản: không phải là thắng lợi cao hơn hết mà trả giá cao hơn hết. Đại chiến, chiến tranh hạt nhân giữa các nước lớn, giữa các cường quốc đem lại cái giá phải trả mà bất kỳ nước lớn nào, cường quốc nào cũng không thể gánh chịu nổi. Điều đó đã căn bản quyết định: giữa các nước lớn sẽ không có chiến tranh lớn.

Giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ không xảy ra đại chiến, điều này có liên quan tới đặc điểm của nước Mỹ. Khác với Đức và Nhật, nước Mỹ trong quá trình trỗi dậy chưa hề gây ra một cuộc chiến tranh thế giới nào. Cuộc chiến tranh lớn duy nhất Mỹ từng gây ra là “chiến tranh lạnh” toàn cầu. Nhưng chiến tranh lạnh vào nửa cuối thế kỷ XX rốt cuộc văn minh hơn nhiều, lý trí hơn nhiều và trả giá thấp hơn nhiều so với hai cuộc đại chiến thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX. Là quốc gia chưa gây ra đại chiến thế giới, trừ việc tham gia hai cuộc Thế chiến ra, Mỹ chưa từng gây chiến tranh quy mô lớn với một nước lớn nào.

Khi Liên Xô phát triển vũ khí hạt nhân, tuy có người chủ trương Mỹ nên lập tức phát động cuộc tấn công có tính dự phòng nhằm vào Liên Xô, nhưng chính phủ Mỹ không có hành động nào, cứ ngồi xem Liên Xô đi lên con đường vũ trang hạt nhân. Chờ cho đến khi Liên Xô đã có đủ năng lực trực tiếp tấn công Mỹ, từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970, nguyên lý M.A.D (bảo đảm cùng hủy diệt lẫn nhau) đã trở thành tư tưởng chủ đạo ở Mỹ, tức là chỉ có ý định sử dụng sự đe dọa trả thù để ngăn cản sự tấn công. Sau vụ Liên Xô thử thành công bom nguyên tử năm 1948, Mỹ bị mất độc quyền vũ khí hạt nhân. Năm 1948, Mỹ có 32 chiếc máy bay B-29 loại cải tiến có khả năng ném bom nguyên tử, và có 50 quả bom nguyên tử. Vì thế có thể nói, trong các nước đế quốc, Mỹ vẫn còn là đế quốc tương đối có lý trí, tương đối văn minh.

Trung Quốc không xảy ra chiến tranh lớn với Mỹ, điều này càng có quan hệ với tính cách và đặc điểm của Trung Quốc – quốc gia trong hơn nghìn năm lịch sử chưa hề có lý lịch tấn công chiến lược, là quốc gia chẳng những không tiến hành bành trướng ra bên ngoài mà trên lục địa cũng xây trường thành để tiến hành phòng ngự. Hiện nay công cuộc trỗi dậy của Trung Quốc có tiếng vang rất lớn nhưng Trung Quốc vẫn nhiều lần tuyên bố không xưng bá, đi theo con đường phát triển hòa bình, kêu gọi xây dựng thế giới hài hòa. Hơn nữa Trung Quốc cũng không tiến hành bành trướng về hình thái ý thức và chế độ xã hội.

Vì sao Trung Quốc nói mô hình phát triển của mình là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc? Thực ra bốn chữ “đặc sắc Trung Quốc” hàm chứa ý nghĩa hòa bình sâu sắc - tức không dùng mô hình Trung Quốc làm mô hình thông dụng để đẩy mạnh và mở rộng ra thế giới, không làm chuyện “xuất khẩu mô hình”, chỉ hạn chế dùng tại Trung Quốc, chuyên dùng cho Trung Quốc mà thôi. Nhưng Mỹ và Liên Xô thì coi mô hình xã hội của mình là mô hình thế giới để đẩy mạnh áp dụng, muốn dùng mô hình kiểu Mỹ hoặc Liên Xô để tạo dựng thế giới, vì thế mâu thuẫn và xung đột càng gay gắt. Tóm lại hồi ấy Mỹ và Liên Xô tranh nhau bá quyền thế giới, tiến hành đối kháng toàn diện về địa vị chính trị và hình thái ý thức, hơn nữa giữa hai nước có chiến tranh lạnh mà không có chiến tranh lớn, hai bên thông qua chiến tranh lạnh chứ không thông qua đại quyết chiến để phân định thắng thua.

Trong tương lai, Mỹ tiến hành cạnh tranh với Trung Quốc, một nước chủ trương phòng ngự, không xưng bá, tuy Mỹ khó tránh khỏi bị hạn chế bởi tư duy chiến tranh lạnh, nhưng mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ trong thế kỷ XXI quyết không thể là bản sao mối quan hệ chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô hồi thế kỷ XX. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trong thế kỷ XXI là cạnh tranh ở thời đại hậu chiến tranh lạnh, khi đó ngay cả phương thức cạnh tranh của chiến tranh lạnh cũng đã lỗi thời, càng không cần nói sẽ dùng phương thức đại chiến để tiến hành cạnh tranh.

Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc - Mỹ không có chiến tranh lớn, đây cũng là kết quả tất nhiên của trào lưu thời đại. Thế giới đang tiến lên văn minh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng đang đi lên văn minh. Châu Âu với tư cách là nơi phát xuất hai cuộc đại chiến thế giới, sau chiến tranh đã trở thành khu vực gương mẫu về mặt liên kết lớn giữa các nước lớn, đi lên con đường châu Âu liên hợp và châu Âu thống nhất. Xuất phát từ xu thế cạnh tranh giữa các cường quốc đang được văn minh hóa để quan sát mô hình cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ trong thế kỷ XXI, có thể thấy bất cứ bên nào, Mỹ hoặc Trung Quốc, đều sẽ không đẩy quốc gia mình tới tai họa cạnh tranh “đại chiến” với đối phương. Hơn nữa, Trung Quốc và Mỹ tuy có cạnh tranh về địa vị quốc gia song cũng ngày một có nhiều lợi ích chung về mặt phát triển và phồn vinh quốc gia. Trong tình hình đó, tuy Mỹ sẽ có ngăn chặn Trung Quốc nhưng vì lợi ích tự thân của mình, Mỹ sẽ phải ngăn chặn có mức độ. Ngăn chặn không giới hạn, ngăn chặn ác tính, làm tổn thương Trung Quốc thì cũng sẽ làm Mỹ bị thiệt hại.

Trung Quốc trong thế kỷ XXI phải có “đại quân”

Trung Quốc có đại quân thì mới có thể bảo đảm không có đại chiến với Mỹ. Trung Quốc có đại quân chẳng những không châm ngòi cho đại chiến mà còn bảo đảm căn bản ngăn ngừa xảy ra đại chiến.

Khi nào quyền lực chính trị của một quốc gia được kiểm soát thì quốc gia đó mới có thể trở thành quốc gia dân chủ. Cộng đồng quốc tế có được kiểm soát thì mới có thể hình thành thế giới dân chủ. Lực lượng quân sự thế giới cũng cần được kiểm soát thì mới có thể giữ được hòa bình thế giới. Cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ với Liên Xô về khách quan đã hình thành một dạng kiểm soát vũ trang, kết quả là dùng cạnh tranh quân sự để ngăn ngừa chiến tranh; nhân loại trả giá cho cuộc chạy đua vũ trang nhưng qua đó tránh được tai họa xảy ra đại chiến.

Chạy đua vũ trang là điều không thể chấp nhận được, song kiểm soát sức mạnh quân sự thì không thể không cần. An toàn của Trung Quốc đòi hỏi Trung Quốc phải lớn mạnh, sự cân bằng quân sự thế giới cũng yêu cầu Trung Quốc phải tăng cường quân đội. Trung Quốc lớn mạnh sẽ có lợi cho việc Trung Quốc trỗi dậy an toàn, cho việc cân bằng quân sự thế giới, có lợi cho việc kiểm soát các hành động mạo hiểm quân sự của Mỹ, giúp Mỹ giữ được lý trí.

Để đối phó với sự đe dọa của Mỹ, Trung Quốc tất phải có đại quân. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, nước Mỹ hùng mạnh ngược lại không hề hạ bớt tốc độ tăng cường quân đội của họ. Mỹ còn phát động một cuộc cách mạng mới về quân sự để tiếp tục nhanh chóng nâng cấp lực lượng quân đội. Cuộc cách mạng quân sự của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc.

Nhà chiến lược học người Mỹ Thomas Barnett nói: “Chính phủ Bush sau khi nhậm chức đã nghiêm chỉnh coi châu Á là vũ đài xung đột thế giới trong tương lai - không phải là Đông Nam Á, dĩ nhiên cũng không phải là Trung Á. Toàn bộ cuộc “cải cách quốc phòng” hồi ấy họ đang đẩy mạnh đều nhắm vào một đối thủ chuẩn cạnh tranh đang trỗi dậy ở phương Đông, chứ không phải là một số đối thủ ít được đưa vào tầm ngắm ở Trung Đông”. Trong cuốn sách ấy, Barnett còn viết: “Khi tân thế kỷ phát ra tia sáng ban mai, trong ngành nghề của tôi không phải ai cũng có cùng một cảm nghĩ. Trên thực tế, toàn bộ nhóm lập kế hoạch chiến lược của Lầu Năm Góc hồi ấy đang tập trung phần lớn công sức để xem xét và chuẩn bị trong một tương lai xa xôi sẽ xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Chúng tôi tuyển dụng nhiều chuyên gia về vấn đề Trung Quốc. Chúng tôi vắt óc tái quy hoạch bố trí lực lượng quân sự của chúng ta tại châu Á nhằm đối phó với ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc”. “Bất kể Lầu Năm Góc hay Phố Wall[13], vào năm 2000 ai nấy đều đưa Trung Quốc vào tầm ngắm của họ, song điều họ xem xét là bố trí các lực lượng kiểu loại khác nhau vào khu vực này. Lầu Năm Góc mơ tưởng đánh một cuộc chiến tranh từ xa với Trung Quốc, chỉ bấm nút là giải quyết xong vấn đề. Phố Wall thì đau đầu với cuộc chiến tranh quy tắc của Trung Quốc gây ra bởi sự đầu tư trực tiếp kéo dài của các doanh nhân nước ngoài”. Trước tình thế chiến lược như vậy, dĩ nhiên người Trung Quốc không thể chỉ giương mắt nhìn số tiền đầu tư lớn mà còn phải bỏ công sức ra để xây dựng “đại quân”.

[13] Phố Wall: từ dùng để chỉ thế lực tư bản tài chính Mỹ (Phố Wall ở thành phố New York là nơi tập trung nhiều cơ quan đại diện các công ty tài chính Mỹ).

Dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có trí tuệ lớn. Trong thế kỷ XXI, sở dĩ Trung Quốc và Mỹ không có đại chiến với nhau, một nguyên nhân quan trọng là do Trung Quốc là một quốc gia có trí tuệ lớn. Nhưng “trí tuệ Trung Quốc” có một thói xấu tồn tại lâu dài, đó là quá tôn sùng tác dụng của “trí tuệ lớn” mà coi nhẹ giá trị của “sức mạnh lớn”. Tại Trung Quốc, “không đánh mà thắng” là mức độ cao nhất của đại chiến lược và đại trí tuệ, nhưng người ta thường coi sự kỳ diệu của “không đánh mà thắng” chủ yếu là tác dụng của đại trí tuệ, đại mưu lược. Thực ra, “không đánh mà thắng” vừa phải dựa vào tác dụng của trí tuệ lớn, mưu lược lớn, vừa cũng phải dựa vào tác dụng của sức mạnh lớn. Kết cục của “không đánh mà thắng” có cơ sở và tiền đề là “đánh thì có thể buộc kẻ địch khuất phục”. Không đánh, không có nghĩa là lực lượng quân sự không phát huy tác dụng.

Trí tuệ là nghệ thuật vận dụng sức mạnh; không có trí tuệ của sức mạnh thì chỉ có thể là không tưởng và nói suông. Kế bỏ trống thành sở dĩ thành công đánh lừa được kẻ địch là do Gia Cát Lượng có quân đội, có lực lượng; đối phương tin rằng lực lượng của ông ẩn nấp bên trong thành. Vì thế cơ sở để trí tuệ của kế bỏ trống thành phát huy tác dụng vẫn là sức mạnh. Trí tuệ của kế bỏ trống thành có thể nhất thời đối phó kẻ địch mà không thể áp dụng lâu dài; có thể sử dụng một lần, khó có thể dùng lần thứ hai. Các nhà quân sự phương Tây thường nói quân đội Mỹ là quân đội “kiểu sức mạnh”, nói quân đội Trung Quốc là quân đội “kiểu mưu lược”; cách nói như vậy có tính phiến diện của họ, có khó khăn bất đắc dĩ của chúng ta trong một thời kỳ lịch sử xác định. Trong thế kỷ XXI muốn thực hiện Trung Quốc - Mỹ không xảy ra đại chiến tất phải dựa vào Trung Quốc có trí tuệ lớn, cũng phải dựa vào Trung Quốc có sức mạnh lớn. Trung Quốc trong thế kỷ XXI vừa phải tôn sùng trí tuệ lớn lại vừa phải tôn sùng sức mạnh lớn; vừa phải có đại trí lại phải có đại quân.

Rốt cuộc năng lực quân sự của Trung Quốc không thể cứ mãi mãi ở tình trạng “yếu”; trang bị vũ khí không thế cứ ở mãi tình trạng “kém”. Sự trỗi dậy về quân sự, sự nghiệp tăng cường quân đội Trung Quốc cần phải hết sức nhanh chóng thay đổi cục diện tổ tiên chúng ta từng trả giá cao khi tiến hành đấu tranh quân sự trong điều kiện gian khổ “địch mạnh ta yếu”, trong thế kỷ XXI nước giàu quân đội mạnh phải từ bỏ cách tác chiến “lấy kém thắng giỏi”. Trung Quốc trong thế kỷ XXI sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp “lấy kém thắng giỏi”, đồng thời ra sức xây dựng lực lượng “lấy giỏi thắng kém”, thực hiện tiến từ giai đoạn huyền thoại “lấy kém thắng giỏi” sang giai đoạn cân bằng “lấy giỏi thắng kém”, cuối cùng tiến tới giai đoạn lý tưởng “lấy giỏi thắng kém”. Cho nên xây dựng quân đội hùng mạnh, từ bỏ “lấy kém thắng giỏi” là kết quả tất nhiên của sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc.

Ngày nay, trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế đều phải kiên trì dùng phương thức hòa bình, nhưng trong mối quan hệ quốc tế, trong sự vận dụng tất cả mọi sức mạnh phi quân sự và mọi thủ đoạn phi chiến tranh, lực lượng quân sự của quốc gia đều ở vào địa vị hậu thuẫn. Sức mạnh quân sự luôn luôn là bàn tay vô hình trong mối quan hệ quốc tế. Chiến tranh chỉ là một hình thức hữu hình của tác dụng do quân đội phát huy. Hòa bình mới là sự thể hiện lâu dài giá trị của quân đội. Ra sức nhanh chóng xây dựng và luôn luôn duy trì một quân đội mạnh là khoản đầu tư an toàn, đầu tư phát triển, đầu tư trỗi dậy mà Trung Quốc tất phải tiến hành. Trung Quốc phải chuyển hóa một phần sức sản xuất thành sức chiến đấu, chuyển hóa một phần của cải thành năng lực quân sự, biến một số “túi tiền” thành “túi đạn”.

Mục đích căn bản của việc Trung Quốc phải có đại quân là để ngăn chặn và phòng tránh chiến tranh một cách hữu hiệu. Chuyển hóa mục đích chính của việc xây dựng quân đội từ “thắng trong chiến tranh” thành “phòng tránh chiến tranh” là tư tưởng do giới lý luận chiến lược Mỹ đề xuất sau Thế chiến II.

Bernard Brodie được công nhận là nhà tiên phong của lý luận chiến lược răn đe. Trong mấy tháng sau khi Mỹ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, qua suy nghĩ về tình hình quốc tế hiện thực, ông rút ra kết luận: “Từ xưa tới nay, mục đích chính của việc xây dựng quân đội luôn luôn là để thắng trong chiến tranh; bắt đầu từ nay trở đi, mục đích chính của việc xây dựng quân đội sẽ là để phòng tránh chiến tranh”. Tư tưởng này là đúng đối với chiến tranh hạt nhân toàn diện có tính chiến lược. Brodie gọi bom nguyên tử là “vũ khí tuyệt đối”, ông cho rằng bất cứ cuộc chiến tranh nào sử dụng bom nguyên tử đều thuộc vào loại tai nạn lớn nhất của nhân loại, cần không tiếc mọi giá để tránh loại chiến tranh này.

Trên ý nghĩa đó chúng ta có thể cho rằng xây dựng quân đội mạnh để phòng tránh chiến tranh là tư tưởng chiến lược quan trọng của công cuộc xây dựng quân sự Trung Quốc. Mục đích căn bản của việc Trung Quốc tăng cường quân đội không phải là để thắng trong chiến tranh (trên ý nghĩa chiến tranh lớn giữa các nước lớn), mà là để ngăn chặn chiến tranh, phòng tránh chiến tranh. Có năng lực “cùng chết” thì mới có bảo đảm “cùng sống”

Trung Quốc phải có năng lực cùng chết với Mỹ, như vậy mới có thể bảo đảm cùng sống với Mỹ, cùng an toàn, cùng phát triển với Mỹ.

Nền hòa bình của nước Trung Quốc Mới luôn luôn là nền hòa bình dưới sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân với Trung Quốc. Năm 1950, sau khi nổ ra chiến tranh Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Truman công khai tuyên bố: Mỹ luôn luôn tích cực xem xét việc sử dụng bom nguyên tử với Trung Quốc. Năm 1958, phía quân đội Mỹ yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết tiến hành tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Kim Môn và Mã Tổ(14). Năm 1963, sau khi biết Trung Quốc sắp tiến hành thử hạt nhân, Mỹ định ném bom cơ sở hạt nhân của Trung Quốc. Năm 1994, trong “Đề án chính sách hạt nhân” do Bộ Quốc phòng Mỹ trình Tổng thống và Quốc hội xem xét, Trung Quốc lại bị liệt kê là đối tượng tấn công hạt nhân trong tương lai. Năm 2002, Mỹ lại liệt Trung Quốc là mục tiêu tấn công hạt nhân. Nền hòa bình của Trung Quốc trong thế kỷ XXI vẫn là nền hòa bình dưới sự đe dọa của vũ khí hạt nhân.

[14] Kim Môn và Mã Tổ là hai là hai quần đảo ở eo biển Đài Loan. Nơi đây là chiến trường chính giữa Đài Loan và Trung Quốc trong những năm 1950 - 1960; CŨng là đề tài tranh cãi kịch liệt giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ (Kennedy và Nixon) trong cuộc chạy đua vào nhà trắng năm 1960 về việc có nên sử dụng vũ khí nguyên tử với Trung Quốc trong trường hợp Đài Loan bị tấn công.

Sở dĩ Mỹ và Liên Xô có chiến tranh lạnh mà không có chiến tranh lớn, trong đó nhân tố quan trọng nhất là hai nước này có năng lực cùng chết; chính là năng lực cùng chết ấy đã bảo đảm năng lực cùng sống còn của hai quốc gia này. Đối với Trung Quốc trong thế kỷ XXI, trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ nếu Trung Quốc không có năng lực cùng chết với Mỹ thì sẽ khó giành được nền hòa bình có thể diện, khó được hưởng quyền lợi cùng sinh tồn và phát triển với Mỹ.