Giấc mơ Trung Quốc - Chương 08 - Phần 01

Chương VIII: KÊU GỌI “THUYẾT TRUNG QUỐC SỤP ĐỔ”

Bài quốc ca của nước Trung Quốc Mới ra đời trong hoàn cảnh dân tộc Trung Hoa ở vào thời điểm nguy nan nhất. Trong bài quốc ca ấy có một câu rung động lòng người hơn cả, đó là câu: “Dân tộc Trung Hoa đã đến lúc hiểm nguy nhất”.

“Ý thức lo hoạn nạn” thể hiện trong câu ca này chính là tinh túy của quốc ca Trung Quốc. “Lúc hiểm nguy nhất” của một dân tộc là lúc dân tộc đó đứng trước nguy cơ mất nước diệt chủng, cần cứu nước, giành lấy sự sống còn.

Nhưng còn có một thời điểm nguy hiểm hơn mà lại rất dễ bị người ta coi nhẹ. Đó là khi dân tộc đang vươn lên mạnh mẽ, đang cất cao tiếng ca khúc khải hoàn. Trung Quốc trong thế kỷ XXI có triển vọng sáng sủa “Nước lớn trỗi dậy” nhưng cũng có khả năng hiện thực “Nước lớn suy sụp”, cũng đứng trước nguy hiểm nghiêm trọng “Nước lớn sụp đổ”. “Tinh thần quốc ca” của Trung Quốc cảnh báo chúng ta trong cao trào nước lớn trỗi dậy cần nhìn thẳng vào động thái ngầm nước lớn sụp đổ.

I. “Nước lớn trỗi dậy” cách “nước lớn sụp đổ” chỉ có một bước

Trời có mây gió không lường trước được, nước có họa phúc chỉ trong một sớm một chiều. Giữa nước lớn trỗi dậy và nước lớn sụp đổ không hề có một hố sâu khó vượt qua. Xưa nay Trung Quốc và nước ngoài từng có vô số tấm gương lịch sử đem lại cho chúng ta những gợi ý sâu sắc.

Số phận nước lớn còn hay mất chỉ trong một đêm

Ngày 14 tháng 7 năm 1789, dân chúng Paris đánh chiếm nhà ngục Bastille. Đại cách mạng Pháp bùng nổ. Tối hôm ấy vị công tước trông coi trang phục của nhà vua Pháp tâu lên nhà vua tình hình xảy ra ở Paris. Louis XVI kinh ngạc hỏi: “Đây có phải là một cuộc nổi loạn hay không?”. Vị công tước kia đáp: “Bẩm Bệ hạ, không phải. Đây là một cuộc cách mạng”. Tối hôm ấy, nhà vua viết trong nhật ký mấy chữ: “Hôm nay, không có chuyện gì”. Đây là một điển hình của việc nhà vua thiếu ý thức lo xa hoạn nạn[1].

[1] Đại cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ, lập chế độ quân chủ lập hiến, ngày 20/9/1792 lập chế độ cộng hòa. 10/8/1792, vua Louis và hoàng hậu là Marie Antoinette (người Áo) bị bắt. 17/1/1793, vua Louis bị kết án tử hình với tội danh âm mưu chống lại tự do nhân dân và an ninh chung. Hoàng hậu cũng lên máy chém ngày 16/10.

George Kennan, nhà ngoại giao Mỹ từng đưa ra lý thuyết “ngăn chặn”, viết trong bài “Nguồn gốc các hành vi của Liên Xô” như sau: “Giả thử khối đoàn kết và hiệu quả của đảng [Cộng sản], một công cụ chính trị, bị phá hoại, thì nước Nga Xô Viết có thể chỉ trong một đêm từ quốc gia mạnh nhất biến thành quốc gia yếu nhất và đáng thương nhất”. Sự sụp đổ của Liên Xô hùng mạnh cuối cùng cũng diễn ra trong một đêm.

Mao Trạch Đông: sau đây 50 năm tình hình sẽ càng nguy hiểm

Ngày 24 tháng 9 năm 1956, khi tiếp đoàn đại biểu Liên minh những người Cộng sản Nam Tư dự đại hội VIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông nói: “Cần thời gian từ 50 đến 100 năm để thực hiện mục tiêu Trung Quốc trở thành một quốc gia giàu mạnh”. “Trung Quốc trong tương lai sẽ biến đổi như thế nào, điều đó tùy thuộc sự phát triển. Trung Quôc có thể mắc sai lầm, cũng có thể biến chất”, “Sa đọa biến chất, quan liêu, chủ nghĩa nước lớn, kiêu ngạo tự đại, Trung Quốc đều có thể phạm các sai lầm đó”. “Hiện nay người Trung Quốc có thái độ khiêm tốn, sẵn lòng học hỏi người khác. Nhưng chúng tôi cần đề phòng trong tương lai, sau đây 10 năm, 20 năm, tình hình sẽ nguy hiểm, sau đó 40, 50 năm lại càng nguy hiểm nữa”. Đây là lời cảnh báo sớm mà lãnh tụ khai quốc Mao Trạch Đông gửi tới nhân dân Trung Quốc vào thời kỳ đầu dựng nước. Hiện nay Trung Quốc chẳng phải là đang ở vào giai đoạn “càng nguy hiểm hơn”, “sau đây 50 năm” ấy đó sao?

Đặng Tiểu Bình: các vấn đề sau khi phát triển không hề ít hơn khi chưa phát triển

Ngày 16 tháng 9 năm 1993, khi trò chuyện với em trai là Đặng Khẩn, Đặng Tiểu Bình có nói: “1,2 tỷ dân làm thế nào để thực hiện giàu có? Sau khi giàu lên rồi thì phân phối ra sao? Đây là những vấn đề lớn. Đề tài đã ra, giải quyết vấn đề này còn khó hơn giải quyết vấn đề phát triển. Phân phối là vấn đề lớn lắm. Chúng ta nói phải ngăn ngừa phân hóa hai cực. Trên thực tế, phân hóa hai cực sẽ tự nhiên xuất hiện. Cần phải lợi dụng các loại thủ đoạn, phương pháp, phương án để giải quyết các vấn đề đó. Người Trung Quốc năng nổ, song vấn đề sẽ ngày một nhiều, ngày một phức tạp, bất cứ lúc nào cũng sẽ xuất hiện vấn đề mới. Một số ít người có lắm của cải thế, đại đa số người lại không có. Cứ như vậy phát triển tiếp nhất định sẽ có ngày có vấn đề. Phân phối không công bằng sẽ dẫn đến phân hóa hai cực, tới lúc nhất định, vấn đề sẽ nảy sinh. Vấn đề này cần được giải quyết. Trong quá khứ chúng ta nói trước tiên hãy phát triển đi lên. Bây giờ xem ra sau khi phát triển lên rồi, vấn đề không hề ít hơn khi chưa phát triển”.

Trung Quốc đang phát triển, các vấn đề tồn tại của Trung Quốc cũng đang phát triển. Trung Quốc đang trỗi dậy, mục tiêu của Trung Quốc cũng đang trỗi dậy. Ba mươi năm cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã thu được thành tích to lớn. Nhưng nếu chưa giải quyết vấn đề phân hóa hai cực, chưa giải quyết vấn đề tham nhũng thì chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc sẽ có thể diễn biến hòa bình thành chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc. Mấy năm nay, ông Ngô Kính Liên nhiều lần nhấn mạnh cần nghiêm chỉnh chú ý ngăn ngừa Trung Quốc đi lên con đường kinh tế thị trường quyền quý, tức chủ nghĩa tư bản quyền quý. Đây là lương tâm chính trị lo cho dân cho nước của một nhà kinh tế học.

Có chiến thắng suy sụp thì mới thực hiện được trỗi dậy

Trong bài “A Phòng cung phú”, nhà thơ đời Đường Đỗ Mục khi tổng kết các bài học thất bại diệt vong của 6 nước Tiên Tần và triều đại nhà Tần có viết: “Diệt lục quốc giả, lục quốc dã. Tộc Tần giả, Tần dã, phi thiên hạ dã” [Dịch ý: Kẻ diệt 6 nước chính là 6 nước đó, chứ không phải nước Tần; kẻ diệt nước Tần chính là vua Tần chứ không phải bàn dân thiên hạ]. Ông vạch rõ nguyên nhân căn bản làm 6 nước và nước Tần bị diệt vong đều là nguyên nhân nội bộ chứ không phải do ngoại lực[2].

Hai siêu cường Liên Xô và Mỹ tiến hành chiến tranh lạnh nửa thế kỷ, kết quả Liên Xô tan rã, dĩ nhiên Mỹ khó chối được trách nhiệm, nhưng nguyên nhân căn bản làm Liên Xô thất bại cũng là nguyên nhân nội bộ.

Các quốc gia tiên tiến hơn cũng là thể mâu thuẫn đối lập thống nhất, có nhân tố hưng thịnh, cũng có nhân tố suy tàn. Nước lớn muốn thực hiện trỗi dậy tất phải chiến thắng sự suy tàn tự thân. Trung Quốc đang trỗi dậy cũng tồn tại các nhân tố dẫn đến suy sụp. Tổng lượng của cải tăng lên nhanh chóng là cơ sở vật chất để Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng chênh lệch giàu nghèo ngày một tăng lên lại là nhân tố dẫn đến suy sụp. Năm xưa đảng Cộng sản Trung Quốc dựng cơ nghiệp bắt đầu từ việc giải quyết vấn đề phân phối, dùng khẩu hiệu “đánh thổ hào, chia ruộng đất” để thức tỉnh hàng triệu dân, cuối cùng trở thành đảng nắm chính quyền. Trong thế kỷ XXI, Trung Quốc vẫn còn phải trỗi dậy trong quá trình giải quyết vấn đề phân phối, đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn có năng lực biến Trung Quốc từ một nước “một nghèo hai trắng”[3] thành một nước “một giàu hai công bằng”[4].

[2] Sáu nước bị nhà Tần diệt: thời gian 230-221 trước Công nguyên, vua nước Tần là Doanh Chính thôn tính 6 nước chư hầu Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề, hoàn thành thống nhất Trung Hoa. Năm 206 tr. CN nhà Tần bị Lưu Bang và Hạng Vũ tiêu diệt.

[3] Một nghèo hai trắng: Nghèo: cơ sở vật chất kém; trắng: văn hoá khoa học lạc hậu. Đây là lời Mao Trạch Đông nói trong bài “Bàn về 10 mối quan hệ lớn”: “Tôi từng nói, chúng ta một là ‘nghèo”, hai là ‘trắng’. “Nghèo’ là công nghiệp không có bao nhiêu, nông nghiệp cũng không phát triển; ‘trắng” là trang giấy trắng, trình độ văn hoá, trình độ khoa học đều chưa cao.

[4] Một giàu hai công bằng: một là phải giàu, hai là phải phân phối công bằng của cải.

Có chuyên gia nói, tỷ lệ phạm tội ở Nhật Bản thấp nhất trong các nước phương Tây. Xã hội Nhật sau chiến tranh chẳng những không xuất hiện phân hóa hai cực mà còn từng bước xóa bỏ sự khác biệt giữa thành phố với nông thôn. Đa số người Nhật cho rằng nước họ là một “xã hội bình đẳng”, “xã hội không có tầng lớp”, “xã hội đồng chất”. Nước Nhật xây dựng được một hệ thống tiền lương tương đối bình đẳng, chênh lệch thu nhập giữa tầng lớp cán bộ quản lý doanh nghiệp với công nhân viên tương đối nhỏ; thuế suất biểu thuế thu nhập cá nhân đối với nông hộ, hộ cá thể và doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tương đối thấp; tại Nhật Bản nếu có 10 đồng thì chỉ chi phối được 3 đồng. Chế độ phân phối của cải ở Nhật làm cho nước này khi thuận lợi thì “mát mặt trỗi dậy”, khi khó khăn lại có thể “sa sút một cách có thể diện”.

Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong quá trình thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh cũng làm cho hiện tượng tham nhũng tăng lên. Tham nhũng là nhân tố dẫn đến hậu quả nhà nước suy sụp; không chống tham nhũng thì Trung Quốc khó có thể trỗi dậy; nhưng chống tham nhũng không đúng cách thì cũng ảnh hưởng tới sự trỗi dậy. Trước kia trong xây dựng kinh tế, Trung Quốc từng một thời gian thực hiện “chủ nghĩa xã hội không tưởng”, đi con đường vòng “Đại Nhảy vọt”. Trung Quốc trong xây dựng chính trị cũng không được làm “chủ nghĩa dân chủ không tưởng”, không được sa vào vũng lầy “đại dân chủ”. Cần thích ứng với tình hình trong nước mình, cần tuân theo quy luật của mình để đi con đường xây dựng nền dân chủ đặc sắc Trung Quốc, qua đó ngăn chặn có hiệu quả tai hại của nạn tham nhũng.

Các nhân tố dẫn đến Trung Quốc suy sụp và các nhân tố thực hiện Trung Quốc trỗi dậy thì đồng thời phát triển với nhau. Thí dụ, dân Trung Quốc chưa giàu đã già, xã hội già hóa nhanh chóng ập đến; thói quen xã hội chưa giàu đã xa xỉ; về phát triển tài nguyên thì chưa khai thác đã cạn kiệt v.v. tất cả các vấn đề này đều cần được quan tâm. Số phận Trung Quốc trỗi dậy nằm trong tay người Trung Quốc. Trong việc thực hiện trỗi dậy, chúng ta không sợ nước Mỹ tiến hành “Tây hóa”, “phân hóa” mà sợ “tham nhũng hóa”, “xơ cứng hóa”. Chỉ có chiến thắng sự suy sụp của chính mình thì mới thực hiện được sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.