Giấc mơ Trung Quốc - Chương 07 - Phần 06

IV. Nước giàu cần quân mạnh

Muốn thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa thì tất phải kiên trì thống nhất nước giàu với quân mạnh. Muốn làm được như vậy Trung Quốc cần phải dám tăng cường sức mạnh quân đội. Trung Quốc cần quyết tâm cố gắng thực hiện “giàu”, “mạnh”.

Không được định vị quân lực Trung Quốc ở trình độ hạng ba của thế giới

Quân đội mạnh cần có tiêu chuẩn và mục tiêu. Tiêu chuẩn và mục tiêu quân mạnh của Trung Quốc trong thế kỷ mới, giai đoạn mới là phải rèn đúc được một lực lượng quân sự hiện đại hóa tương thích với địa vị quốc tế của Trung Quốc, tương thích với việc bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích phát triển của Trung Quốc, có thể đối phó hiệu quả với các nguy cơ, bảo vệ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh, đánh thắng trong chiến tranh, giữ gìn và thực hiện thống nhất tổ quốc.

Lực lượng quân sự Trung Quốc cần đạt được “Ba không dám”: Đài Loan không dám cũng không thể độc lập, chia cắt; Mỹ và các nước khác không dám và cũng không thể can thiệp cuộc đấu tranh quân sự ở eo biển Đài Loan; Mỹ không dám dùng vũ lực ngăn cản Trung Quốc trỗi dậy, xu thế trỗi dậy của Trung Quốc không thể bị cản trở.

Trong việc xây dựng quân đội Trung Quốc, chúng ta không thể chạy đua vũ trang với các nước phát triển nhưng phải tích cực đẩy mạnh quá trình thay đổi quân sự mang đặc sắc Trung Quốc, cố gắng giành được quyền chủ động chiến lược trong cạnh tranh quân sự quốc tế, cần lấy việc xây dựng quân lực hàng đầu thế giới làm mục tiêu quân mạnh của chúng ta.

Có một quan điểm cho rằng: “Cần làm rõ hơn nữa mục tiêu của công cuộc phát triển lực lượng quân sự và hiện đại hóa quốc phòng Trung Quốc; mục tiêu đó là không lấy việc đuổi và vượt Mỹ làm mục đích”. “Trung Quốc không cần xây dựng lực lượng quân sự kiểu Mỹ, chủ yếu vì về mặt an ninh không có nhu cầu này”. “Việc xây dựng lực lượng quân sự và hiện đại hóa quốc phòng Trung Quốc cũng không nên lấy lực lượng quân sự Nga làm mục tiêu và tấm gương”. “Trung Quốc không có lợi ích đặc biệt, cũng không có nhu cầu tất yếu xây dựng lực lượng quân sự với quy mô như của Nga”.

Nếu mục tiêu quân lực Trung Quốc đã không thể đuổi và vượt Mỹ lại cũng không thể đuổi và vượt Nga, thế thì công cuộc tăng cường quân lực Trung Quốc chỉ có thể định vị ở trình độ quân lực hạng ba trên thế giới. Ấn định một giới hạn trên như vậy cho mục tiêu tăng cường quân lực Trung Quốc, coi quân lực hạng ba là mục tiêu xây dựng quốc phòng và quân đội Trung Quốc, đây là một mục tiêu lạc hậu và mục tiêu bị đánh. Nước giàu quân mạnh là phương hướng tương lai của Trung Quốc. Trên mặt “nước giàu”, Trung Quốc đã vượt Nga và còn đuổi và vượt quốc gia phát triển nhất, giàu nhất thế giới. Trên mặt “quân mạnh”, Trung Quốc cũng không thể lạc hậu, cũng phải rượt đuổi quốc gia lớn mạnh nhất thế giới, cần xây dựng một quân đội hạng nhất trên thế giới, cần có lực lượng quân sự hạng nhất trên thế giới. Việc tăng cường quân lực Trung Quốc cần nhằm vào cường quốc số một thế giới.

Sự lớn mạnh của Trung Quốc không có giới hạn trên

Quyền được lớn mạnh là một dạng chủ quyền quốc gia. Lớn mạnh không có giới hạn trên. Không thể để nước nào quy định giới hạn trên cho sự lớn mạnh của nước khác.

Chỉ có 300 triệu dân mà nước Mỹ có thể là cường quốc số một thế giới. Trung Quốc có 1,3 tỷ dân tại sao lực lượng quân sự lại phải xếp dưới nước Mỹ? Vì sao chỉ để nước Mỹ làm cường quốc số một thế giới? Tại sao Mỹ là siêu cường nhưng Mỹ lại không la hét “Thuyết Mỹ đe dọa”, trong khi chi phí quân sự của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 Mỹ thì lại hình thành “Thuyết Trung Quốc đe dọa”? Sở dĩ sự lớn mạnh của Trung Quốc không có giới hạn trên đó còn là do giữa lớn mạnh và bá quyền không có mối liên hệ tất nhiên; một quốc gia lớn mạnh có thể là quốc gia bá quyền mà cũng có thể là quốc gia phi bá quyền. Quốc gia bá quyền lớn mạnh thì có hại cho hòa bình thế giới nhưng quốc gia phi bá quyền lớn mạnh thì có ích cho hòa bình thế giới. Giữa “lớn mạnh” và “bá quyền” không có mối quan hệ ngang nhau.

Có quan điểm cho rằng quân lực Trung Quốc không lấy việc đuổi và vượt Mỹ và Nga làm mục tiêu, “Bởi vì lý lẽ rất rõ ràng: Trung Quốc không phải là siêu cường như Mỹ, cũng không làm bá quyền, lại càng không phải là quốc gia có năng lực bảo vệ lợi ích của mình trên toàn cầu. Trung Quốc hiện nay chưa có năng lực này, trong tương lai khi phát triển lớn mạnh rồi cũng không triển khai lực lượng quân sự của mình ra khắp toàn cầu như Mỹ”.

Tính chất xây dựng quân lực của một quốc gia không phải ở chỗ “mục tiêu” lớn mạnh là gì mà ở chỗ “mục đích” lớn mạnh là gì. Trung Quốc xây dựng lực lượng quân sự lớn mạnh không phải là để đi lại con đường cũ rích đối kháng Mỹ - Liên Xô, đối kháng Đông - Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mà chính là để đề phòng và ngăn chặn sự tái diễn tình trạng đó. Vấn đề căn bản của việc Trung Quốc chứng minh mình không xưng bá, không tranh bá, không phải là về quân lực cứ mãi mãi yếu hơn Mỹ và Nga, mà là mãi mãi vận dụng lực lượng quân sự hùng mạnh của mình vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia hợp lý của mình, vận dụng vào việc giữ gìn hòa bình thế giới và xúc tiến cùng phát triển. Kiểu tư duy cho rằng Trung Quốc muốn không bá quyền thì ắt phải không lớn mạnh, Trung Quốc muốn không bành trướng thì chỉ có thể để Mỹ và Nga sở hữu lực lượng quân sự có tính toàn cầu, Trung Quốc vĩnh viễn không cần đuổi và vượt lực lượng quân sự của Mỹ và Nga, là kiểu tư duy kỳ quặc.

Khi đánh giá tính chất quân đội nước lớn, điều căn bản nhất không phải là xét xem quân đội ấy có phải là lực lượng có tính toàn cầu hay không, mà cần xét xem nó là lực lượng có tính xâm lược hay có tính hòa bình. Một lực lượng quân sự có tính khu vực cũng có thể làm bá quyền khu vực, cũng có thể xâm phạm chủ quyền của nước khác. Một lực lượng quân sự có tính toàn cầu cũng không tất nhiên là lực lượng xâm lược và bành trướng, không nhất thiết là lực lượng tranh bá thế giới. Cho dù trong tương lai lực lượng quân sự Trung Quốc vượt Mỹ và Nga, cũng không thể nói nó trở thành lực lượng tranh bá thế giới. Cho dù trong tương lai Trung Quốc lớn mạnh hơn Mỹ và Nga thì cũng không thể nói Trung Quốc là quốc gia bá quyền. Quốc gia bá quyền chắc chắn là quốc gia lớn mạnh, nhưng quốc gia lớn mạnh chưa chắc là quốc gia bá quyền. Mạnh mà không bá là đặc trưng bản chất của quân lực Trung Quốc.

Chính vì Trung Quốc hiện nay là quốc gia thiếu năng lực bảo vệ an ninh và lợi ích phát triển của mình trên toàn cầu, cho nên Trung Quốc mới cần ra sức phát triển lực lượng quân sự. Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh không làm bá quyền thế giới, sẽ trở thành một quốc gia lớn mạnh ngăn chặn bá quyền thế giới, bảo vệ hòa bình thế giới. Nhưng việc ngăn chặn bá quyền thế giới, bảo vệ hòa bình thế giới lại đòi hỏi Trung Quốc về lực lượng quân sự phải đuổi và vượt Mỹ, quốc gia bá quyền trên thế giới. Trong tương lai, lực lượng quân sự Trung Quốc không cần phải áp dụng phương thức và mô hình kiểu Mỹ là đóng quân khắp thế giới, tồn tại trên khắp thế giới. Song le, lực lượng quân sự tương lai của Trung Quốc phải có năng lực chiến lược có thể bảo vệ hữu hiệu lợi ích quốc gia, bảo vệ hữu hiệu hòa bình thế giới và cùng phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Trung Quốc không được “tự hạn chế võ công”

Trên vấn đề đối phó với “thuyết Trung Quốc đe dọa” mà một số thế lực trên thế giới đang làm rùm beng, có người đưa ra “thuyết tự phế bỏ võ công” của Trung Quốc, “chỉ cần ta giải trừ vũ trang hạt nhân của mình thì Mỹ sẽ không dám đánh ta, vì nếu làm như vậy, Mỹ sẽ bị cả thế giới lên án, nhân dân Mỹ cũng sẽ đứng lên lật đổ chính phủ mình”. Có người còn chủ trương Trung Quốc nên giảm chi phí quân sự và giảm bớt lực lượng quân sự nhằm thể hiện thiện chí, để cho Mỹ yên tâm. Trên thực tế biện pháp thông qua tự phế bỏ võ công để đổi lấy an ninh là không thể chấp nhận được. Khi xác định mục tiêu phát triển lực lượng quân sự, chúng ta không được căn cứ vào mức độ cảm thụ của người khác đối với mối đe dọa đến từ Trung Quốc mà phải căn cứ vào mức độ cảm thụ của Trung Quốc đối với việc mình bị đe dọa. Ngày nay, khi ấn định mục tiêu phát triển quân lực, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều không lấy bình luận và sự cảm thụ của cộng đồng quốc tế làm tiêu chuẩn, mà căn cứ vào lợi ích và điều kiện của quốc gia mình để quyết định. Trung Quốc lại càng không thể lấy nỗi e ngại và nghi ngờ của các nước phương Tây đối với Trung Quốc để làm căn cứ suy nghĩ về mục tiêu phát triển quân lực của mình.

Muốn đột phá sự ngăn chặn về dư luận của các nước phương Tây đối với công cuộc tăng cường quân lực Trung Quốc thì phải tăng cường “quyền phát ngôn quân sự” của Trung Quốc. Mục tiêu của việc Trung Quốc phát triển quân lực, đuổi và vượt quân lực tiên tiến trên thế giới, xây dựng quân lực hàng đầu thế giới không phải là đe dọa người khác, nhưng quân lực Trung Quốc tất phải có sức răn đe. Quân lực lớn mạnh của Trung Quốc xã hội chủ nghĩa là một dạng răn đe chính nghĩa đối với hành vi của những nền chính trị cường quyền và bá quyền, đối với ý đồ chiến lược chia cắt Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc thậm chí xâm lược Trung Quốc. Loại răn đe chính nghĩa này là nhu cầu của an ninh, thống nhất và phát triển hòa bình của Trung Quốc, là nhu cầu của hòa bình thế giới và cùng phồn vinh.

“Quân mạnh” kéo theo “nước giàu”

Sự thống nhất “quân mạnh” với “nước giàu” quyết định bởi lẽ “quân mạnh” có thể kéo theo “nước giàu”; điều quan trọng là phải kết hợp tốt hai yếu tố đó.

Năm xưa, khi chạy đua vũ trang với Mỹ, Liên Xô đã thất bại, nguyên nhân căn bản không phải là ở chỗ tiến hành chạy đua mà là đường đua không đúng. Dùng cơ chế tách rời quân dân dưới nền kinh tế kế hoạch để đối kháng với cơ chế kết hợp quân dân dưới nền kinh tế thị trường của Mỹ, kết quả Mỹ càng chạy đua càng khỏe, Liên Xô càng chạy đua càng rệu rã. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Mỹ vẫn đầu tư mạnh cho chi phí quân sự, kinh tế tăng trưởng cao, mấu chốt là quân dân kết hợp, thúc đẩy lẫn nhau. Sau Thế chiến II, cứ 10 năm Mỹ lại đưa ra một dự án quân sự cỡ lớn lấy quân sự kéo theo dân sự. Mười năm thứ nhất là “Dự án bom nguyên tử”. Mười năm thứ hai là “Dự án Apolo lên Mặt Trăng”. Mười năm thứ ba là “Dự án tàu con thoi”. Mười năm thứ tư là “Dự án chiến tranh giữa các vì sao”. Mười năm thứ năm tức thập niên 90 là “Dự án xa lộ cao tốc thông tin”. Mười năm thứ sáu là “Dự án phòng ngự tên lửa”. “Dự án Apollo lên Mặt Trăng” kéo theo sự phát triển ngành thám hiểm vũ trụ, chi phí 24 tỷ USD, giá trị sản xuất lên tới 2.000 tỷ USD, hiệu quả kinh tế cao 100 lần.

Dự án “Hai đạn, một vệ tinh”[15], dự án “Thần Châu số 5, số 6” của Trung Quốc là đầu tàu kéo theo sự phát triển ngành công nghệ cao của nhà nước, thu hiệu quả rất tốt. Dự án tàu vũ trụ chở người của Trung Quốc đầu tư 16 tỷ nhân dân tệ, hiện đem lại hiệu ứng ngành nghề hơn 100 tỷ nhân dân tệ.

[15] Dự án “Hai đạn, một vệ tinh”: tiếng Trung Quốc là “Lưỡng đạn nhất tinh”: ban đầu là bom nguyên tử, tên lửa và vệ tinh nhân tạo. “Đạn” thứ nhất là bom nguyên tử, sau diễn biến thành bom nguyên tử và bom khinh khí. “Đạn” thứ hai là tên lửa. 16/10/1964 Trung Quốc thử thành công nổ quả bom nguyên tử đầu tiên; 17/6/1967 thử thành công nổ bom khinh khí; 24/4/1970 phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên.

Để tham gia cạnh tranh quân sự quốc tế, Trung Quốc cần phải giải phóng tư tưởng. Ngày xưa nói cần súng lớn hay cần bơ sữa, đó là “Thuyết đối lập súng lớn - bơ sữa”. Mô hình quốc phòng mới là “Thuyết thống nhất súng lớn - bơ sữa”. Ngày xưa nói nước giàu quân mạnh là nói “nước giàu” trước rồi đến “quân mạnh”; nay phải kiên trì thống nhất “nước giàu” với “quân mạnh”. “Quân mạnh” vừa có thể kéo theo “nước giàu” một cách hiệu quả, lại cũng có thể đẩy mạnh “nước giàu”.

Không được “chạy đua vũ trang” nhưng phải nâng “tốc độ tăng cường quân đội”

Hiện nay, trên toàn thế giới có 40 quốc gia đang tiến hành cải cách quân sự, hình thành vòng mới trong cạnh tranh quân sự trên sân khấu quân sự quốc tế. Giờ đây, chi phí quốc phòng của Mỹ đã lên tới khoảng 700 tỷ USD, chiếm quá một nửa tổng chi phí quân sự toàn thế giới.

Đối với quân đội, nhìn chung chỉ có hai thời kỳ: một là “thời kỳ chiến tranh” mịt mù khói súng; hai là “thời kỳ cạnh tranh” không thấy khói súng. Cái gọi là “thời kỳ hòa bình” xét từ góc độ tư duy quân sự là thời kỳ chuẩn bị chiến tranh, tức thời kỳ cạnh tranh quân sự. Công cuộc cải cách quân sự thế giới đang xuất hiện xu thế tăng tốc phát triển. Mỹ luôn luôn là con dê đầu đàn trong cải cách quân sự; cải cách quân sự Nga cũng đạt được thành tích rõ ràng; công cuộc xây dựng quân đội ở các nước khác cũng tăng mạnh tốc độ.

Thời kỳ cơ hội chiến lược mà Trung Quốc đang đối mặt vừa là thời kỳ cơ hội chiến lược của “nước giàu”, cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược của “quân mạnh”. Có thể nói, công cuộc xây dựng quốc phòng và quân đội Trung Quốc đang đứng trước thời kỳ cơ hội chiến lược tốt nhất kể từ ngày dựng nước.

Xét về mối quan hệ nước giàu với quân mạnh, nước CHND Trung Hoa từ ngày thành lập tới nay đã trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: trong hơn 20 năm sau khi thành lập Trung Quốc Mới, trước sự đe dọa quân sự nghiêm trọng của các thế lực đối địch, để bảo vệ độc lập và an toàn chủ quyền của nước mình, tuy rằng cơ sở kinh tế còn kém, Trung Quốc cũng phải đầu tư cao cho chi phí quân sự, buộc phải “tăng cường quân lực” trên cơ sở “nước nghèo”.

Giai đoạn thứ hai: trong gần 20 năm sau cải cách mở cửa, vì đại cục xây dựng kinh tế quốc gia, quân đội Trung Quốc quán triệt phương châm “nhẫn nại”, tập trung làm “nước giàu” trên cơ sở “nhẫn nại” lâu dài trong việc xây dựng quốc phòng và quân đội, tuy tăng tốc được tốc độ “nước giàu” song đã làm chậm tiến trình “quân mạnh”; việc xây dựng phần cứng của quân đội trong nhiều năm bị trì trệ không tiến lên được, trang bị vũ khí lạc hậu nghiêm trọng, khoảng cách thua kém về hiện đại hóa so với quân đội các nước lớn trên thế giới bị giãn rộng.

Giai đoạn thứ ba: sau khi tiến sang thế kỷ XXI, sang giai đoạn mới, trên cơ sở mấy chục năm kinh tế nhà nước phát triển cao và quốc lực tổng hợp được tăng cường mạnh, Trung Quốc đã kiên trì thống nhất “nước giàu” với “quân mạnh”, tiến hành tăng cường quân lực trong quá trình “nước giàu”.

Có thể nói, từ ngày dựng nước, Trung Quốc Mới luôn luôn tăng cường quân lực trên cơ sở “nước nghèo”; phương Tây nói Trung Quốc thắt chặt dây lưng để làm quốc phòng, không có quần mặc cũng phải làm bom nguyên tử. Hiện nay, Trung Quốc rốt cuộc đã có điều kiện trên cơ sở vật chất nền kinh tế quốc dân liên tục phát triển cao, có thể đồng thời tiến hành “quân mạnh” cùng với “nước giàu”, tăng cường quân lực trong tiến trình làm cho “nước giàu”. Đây là giai đoạn mới trong công cuộc phát triển một cách khoa học việc xây dựng quốc phòng và quân đội. Trung Quốc nhất định phải nắm chắc thời cơ chiến lược tăng cường quân lực này và làm nên sự nghiệp.