Giấc mơ Trung Quốc - Chương 08 - Phần 02

II. Trung Quốc “cất cao tiếng ca khúc khải hoàn” càng cần phải “kéo hồi còi báo động dài”

Ngày nay, khi nói tới Trung Quốc thì người Trung Quốc xúc động, người Mỹ cũng có một dạng kích động, mọi người trên khắp năm châu đều cảm thấy rung động. Sự phát triển của Trung Quốc đã làm nên một kỳ tích thế giới, sự trỗi dậy của Trung Quốc còn viết nên một huyền thoại mới. Khi sự nghiệp lớn phục hưng dân tộc Trung Hoa đang cất cao tiếng ca khải hoàn thì thái độ khiêm tốn, lý trí và bĩnh tĩnh càng tỏ ra đặc biệt quý giá. Ý thức lo xa của một dân tộc vĩ đại thể hiện ở chỗ có thể gióng lên hồi chuông báo động dài cho chính mình.

Người Mỹ tám lần cất cao lời ca “Thuyết nước Mỹ suy sụp"

Có chuyên gia thống kê cho biết, từ thập niên 50 thế kỷ XX tới nay, 60 năm qua người Mỹ chưa bao giờ ngừng nói về “Thuyết nước Mỹ suy sụp”. Trong đó có 8 lần thành cao trào: sau chiến tranh Triều Tiên, sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo, sau chiến tranh Việt Nam, sau thời kỳ kinh tế trì trệ và lạm phát hồi thập niên 70, sau khi Liên Xô bành trướng và Nhật Bản trỗi dậy, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, sau vụ “11 tháng 9”, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Có điều, chính người Mỹ lại hết lần này sang lần khác đưa ra “Thuyết nước Mỹ suy sụp”. Thí dụ hồi thập niên 60-70 thế kỷ trước, nước Mỹ lún sâu trong vũng lầy chiến tranh Việt Nam, “Thuyết nước Mỹ suy sụp” vang lên inh tai nhức óc, với nhân vật đại diện là Samuel Huntington giáo sư Đại học Harvard và Toynbee sử gia nổi tiếng người Anh. Thậm chí Huntington còn dự báo nước Mỹ sẽ suy sụp vào năm 2000. Năm 1987, sau khi cuốn sách nổi tiếng “Sự thăng trầm của các cường quốc” của Paul Kennedy ra đời lại dấy lên một cao trào điên cuồng của “Thuyết nước Mỹ suy sụp”. Tại nước Mỹ, mỗi khi gặp nguy cơ có tính giai đoạn về nội chính ngoại giao đều sẽ xảy ra một cuộc tranh cãi lớn về vấn đề nước Mỹ có suy sụp hay không. Bước sang thế kỷ XXI, nhân vật gây nên cao trào tranh cãi về “Thuyết nước Mỹ suy sụp” là học giả Immanuel Wallerstein[5]. Trong tác phẩm nổi tiếng “Sự suy sụp của sức mạnh Mỹ”, ông gọi vụ “11 tháng 9” là sự kiện có tính cột mốc đánh dấu sự suy sụp của nước Mỹ.

[5] Immanuel Wallerstein: người Mỹ (1930-), nhà xã hội học, nhà khoa học lịch sử xã hội và nhà phân tích các hệ thống thế giới. Tác phẩm nói ở đây là cuốn The Decline of American Power: The U.S. in a Chaotic World.

Nước Mỹ bước lên địa vị bá chủ thế giới 60 năm nay đã 8 lần hát vang “Bài ca suy sụp”; bài ca này có tác dụng không kém gì “Bài ca phấn đấu tiến lên”. Hầu như sau mỗi lần tranh cãi về “Thuyết nước Mỹ suy sụp” là một lần nước Mỹ thay đổi, sửa chữa, nâng cấp bản thân. “Bài ca suy sụp” của nước Mỹ là “Bài ca tiếng chuông báo động”, cũng là “tiếng kèn xung trận” của họ. Việc người Mỹ hát vang bài ca “Thuyết nước Mỹ suy sụp” không hề làm nước họ suy sụp mà hết lần này sang lần khác đem lại động lực và sức ngưng tụ cho nước Mỹ, đem lại niềm phấn khích và xung lực mới cho họ. Đây là ý thức lo xa phòng hoạn nạn, là nghệ thuật giỏi dùng ý thức lo xa của người Mỹ.

Mục đích của “Nhật Bản chìm đắm” là để Nhật Bản không bị chìm đắm

Thập niên 70 thế kỷ XX, vào lúc kinh tế Nhật Bản cất cánh làm rung chuyển thế giới, bộ phim “Nhật Bản chìm đắm” cũng làm rung chuyển nước Nhật. Tuy đây chẳng qua chỉ là một bộ phim khoa học viễn tưởng, song cảm giác ngày tận thế, thái độ lúc yên lành lo chuyện nguy nan của người Nhật hình thành sự tương phản rõ rệt với cảm giác say sưa thời thái bình hưng thịnh của người Trung Quốc.

Điều mà xã hội Trung Quốc hiện nay nên tiến hành chuẩn bị không phải là sự trỗi dậy trong tương lai mà là sự suy sụp không ngờ tới. Có thể là 20 năm sau đây, khả năng suy sụp của Trung Quốc sẽ càng lớn. Không khống chế tốt sự trỗi dậy thì khi suy sụp sẽ càng khó đối phó. Thiếu chuẩn bị, nước đến chân mới nhảy thì sẽ không kịp trở tay, khiến cho đất nước rơi vào cảnh khủng hoảng trầm trọng.

Tiết Dũng, học giả Trung Quốc ở Mỹ nói: sự suy sụp trong thể diện của Nhật Bản không phải là việc dễ làm được. Trong thập niên 70-80 thế kỷ XX, kinh tế Nhật trỗi dậy và sắp vượt qua Mỹ - đây hầu như là sự thực không tranh cãi nữa. Hai cuốn sách “Sự thăng trầm của các cường quốc” và “Nhật Bản số Một” trở thành thành sách bán chạy nhất tại Mỹ. Paul Kennedy, sử gia Đại học Yale dự báo: nước Mỹ đang đứng trước vấn đề không phải là có suy sụp hay không, mà là làm thế nào để có thể suy sụp trong thể diện như đế quốc Anh năm xưa. Thập niên 80 thế kỷ XX, thu nhập bình quân đầu người của Nhật đã vượt Mỹ; tiếp đó với đồng Yen mới, Nhật ra sức mua tài sản của nước Mỹ, tới mức dư luận xôn xao với thuyết “Nhật Bản mua nước Mỹ”. Nhưng đến thập niên 90, kinh tế Nhật ngừng tăng trưởng thậm chí xuất hiện tăng trưởng âm, chẳng mấy chốc mức sống lại tụt dưới Mỹ. Có điều, Nhật Bản đối phó với hiện tượng này khá xuất sắc. Mặc cho kinh tế suy thoái nhưng xã hội vẫn ổn định, trật tự.

Thách thức thật sự mà Trung Quốc đang gặp phải là liệu có thể “suy sụp một cách có thể diện” như thời đại “Suy thoái Heisei”[6] của Nhật hay không. Nhật Bản gần như là xã hội giàu đồng đều nhất châu Á, phần lớn dân đều có kỹ năng và tài sản để tham gia cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Trong cuộc cạnh tranh đó, xã hội Nhật thể hiện có nhiều sáng kiến, vì vậy quá trình suy sụp diễn ra rất có trật tự. Nhưng ở Trung Quốc, chênh lệch giàu nghèo khá lớn, số lượng dân có kỹ năng cũng ít, lại thiếu mảnh đất cho các sáng kiến, trong cạnh tranh sau này sẽ ở vào địa vị bất lợi. Nền kinh tế không có sáng kiến, không có giá trị phụ gia, thiếu bảo đảm như thế một khi đã suy sụp thì việc duy trì trật tự xã hội cơ bản sẽ trở thành một thách thức rất nghiêm trọng. Tiết Dũng nói, từ nay trở đi, nhân dịp đời sống còn tương đối dễ chịu, Trung Quốc cần tranh thủ tích cực chuẩn bị cho quá trình “suy sụp một cách có thể diện”.

[6] Suy thoái Heisei là nói sự suy thoái kinh tế Nhật dưới triều đại Heisei. Heisei (âm Hán Nhật Bình Thành) là tên gọi triều đại Nhật Hoàng do vua Akihito (Minh Nhân) trị vì từ 1989 cho tới nay.

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu dân chúng trong nước tăng cường ý thức lo xa hoạn nạn. Văn hóa dân tộc Trung Hoa có truyền thống khi yên lành đã lo nghĩ chuyện khi nguy biến, khi hưng thịnh lo đối phó suy thoái. Quan điểm của Tiết Dũng thống nhất với truyền thống dân tộc và tư duy phát triển một cách khoa học của ban lãnh đạo nhà nước. Vào lúc các hoạt động quốc tế của Nhật Bản đang sôi nổi nhất, khi đất nước này đang ở trong cao trào trỗi dậy, người Nhật lại hô hoán “Nhật Bản chìm đắm” - đây là sự báo động sớm và sự nhạy cảm lo xa của dân tộc Đại Hòa[7] đối với nguy cơ có thể xảy ra. “Biết lo xa sẽ tránh được tai họa” là sự chuẩn bị kiểu Mỹ đối với nguy cơ “suy sụp”, là sự chuẩn bị kiểu Nhật đối với “chìm đắm”.

[7] Dân tộc Đại Hòa: tên gọi theo âm Hán-Nhật của dân tộc Nhật Bản.

Cái Trung Quốc thiếu nhất là “Thuyết sụp đổ”

Từ thập niên 90 thế kỷ XX trở đi, các luận điệu của phương Tây trên vấn đề Trung Quốc tập trung thể hiện ở “Bốn thuyết”: “Thuyết Trung Quốc trỗi dậy”, “Thuyết Trung Quốc sụp đổ”, “Thuyết Trung Quốc đe dọa”, “Thuyết Trung Quốc có trách nhiệm”.

Trong bốn thuyết đó, mọi người thích nghe nhất “Thuyết Trung Quốc trỗi dậy”, không thích nghe nhất “Thuyết Trung Quốc sụp đổ” - cho rằng thuyết này chẳng những vu khống Trung Quốc mà thực sự là rủa Trung Quốc. Trung Quốc vĩ đại đang trỗi dậy sao lại có thể sụp đổ được?

Thực ra trong bốn thuyết nói trên, “Thuyết Trung Quốc sụp đổ” là thuyết có giá trị nhất. Cái gọi là ý thức phòng xa hoạn nạn, hoạn nạn lớn nhất chẳng qua là sự sụp đổ. Phòng tai họa khi nó chưa xảy ra tức là đề phòng họa sụp đổ. Có chuẩn bị đầy đủ về mặt này thì mới thực sự làm được yêu cầu biết lo xa sẽ tránh được tai họa.

Tạp chí Mỹ “Chính sách ngoại giao” số tháng 8 năm 2009 bình chọn ra 10 quốc gia và vùng lãnh thổ nguy hiểm nhất toàn cầu, trong đó Mỹ bị coi là quốc gia nguy hiểm nhất, thứ nhì là Trung Quốc. Lý do chỉ là “quốc gia càng lớn càng dễ dẫn tới nguy hiểm”. Sở dĩ Mỹ là quốc gia nguy hiểm số một, đó là do trên thế giới này không có nước nào lớn mạnh hơn nước Mỹ. Điều ấy có nghĩa là sai lầm hoặc sự không hành động của Mỹ sẽ có tính phá hoại lớn nhất. Sai lầm trong kinh tế Mỹ làm cho thế giới rơi vào khủng hoảng. Mọi người bất giác sẽ hỏi: “Rốt cuộc những hành vi tàn bạo của bọn khủng bố gây thiệt hại lớn cho nhân loại hay là cuộc khủng hoảng ở Phố Wall gây ra thiệt hại lớn hơn?”.

Người Mỹ xếp Trung Quốc là quốc gia nguy hiểm số hai toàn cầu - điều này có bao nhiêu thành phần hợp lý, chuyện ấy tạm chưa bàn tới, một số chuyên gia cũng chưa tán thành, - nhưng việc người Mỹ bình chọn nước họ là quốc gia nguy hiểm nhất toàn cầu thì rõ ràng thể hiện được ý thức lo toan phòng xa kiểu Mỹ - điều này đáng để Trung Quốc quan tâm và nghiên cứu.

Trung Quốc hiện nay đang ở vào lúc gặp gỡ thời cơ chiến lược, là quốc gia có cơ hội chiến lược lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia có rủi ro chiến lược lớn nhất thế giới. Thông thường khâu quyết định số phận quốc gia là mấy khâu yếu nhất, thậm chí một trong các khâu đó. Người Mỹ thường hò hét “Nước Mỹ suy sụp” nhằm phòng tránh suy sụp. Trong quá trình trỗi dậy, người Trung Quốc nghe một chút tiếng kêu “Trung Quốc suy sụp” cũng có ích cho việc đề phòng suy sụp, thực hiện trỗi dậy.

Không có ác mộng thì khó thành giấc mơ đẹp

“Thời báo Hoàn cầu” số ra ngày 12 tháng 2 năm 2009 trên trang 5 có đăng bài “Không có ác mộng thì loài người không thể sinh tồn”. Bài báo viết, theo tin của “Báo Mặt Trời” [tức báo “The Sun”, xuất bản ở Anh] ngày 10 tháng 2 năm 2009, một kết quả nghiên cứu cho thấy, những cơn ác mộng ngày nay nhân loại nằm mơ thấy là do ký ức của tổ tiên di truyền để lại, có thể nhắc nhở chúng ta luôn luôn đề phòng nguy hiểm. Một nghiên cứu gần đây của nhà nghiên cứu Phần Lan Andy Refonso cho thấy, trong số những giấc mộng của loài người, có 3/4 là ác mộng. Ông cho rằng những giấc mộng đó là các thông tin từng trải của tổ tiên ta sinh thời thông qua gene di truyền dùng phương thức giấc mộng truyền đạt lại cho chúng ta, có thể giúp mọi người đối phó với hoàn cảnh sinh tồn ác nghiệt hiện nay, “Tuy mọi người sợ thấy ác mộng nhưng ác mộng giúp chúng ta đối phó với ngày mai. Bởi vậy, thực ra chúng ta nên cảm ơn những giấc mơ đáng sợ đó. Ác mộng là một việc tốt. Không có nó có lẽ loài người không thể sống tới ngày nay”.

“Kinh Dịch” cổ điển của Trung Quốc viết: “Yên lành mà không quên hiểm nghèo, tồn tại mà không quên diệt vong, thịnh trị mà không quên loạn lạc”[8]. Đây là văn hóa phòng xa cân nhắc kỹ càng của một dân tộc.

Tư Mã Tương Như[9] nói: “Người sáng suốt dự kiến được sự việc ngay từ khi nó chưa xảy ra; kẻ khôn ngoan có thể tránh được tai họa khi tai họa chưa đến (khi nó còn là vô hình)”. Đây là sự nhìn xa trông rộng của cổ nhân Trung Quốc đối với nguy cơ.

[8] Nguyên văn chữ Hán trong Kinh Dịch: An nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vong, trị nhi bất vong loạn.

[9] Tư Mã Tương Như: (khoảng 179 trước CN -?) nhà văn chuyên viết từ phú (một thể văn vần) nổi tiếng thời Tây Hán Trung Quốc. Nguyên văn chữ Hán câu này là: Minh giả viễn kiến vu vị manh, nhi trí giả tị nguy vu vô hình.

Đối với Trung Quốc đang thực hiện sự phục hưng vĩ đại, trong cơ hội chiến lược trỗi dậy “Khi hưng thịnh không quên khi suy thoái” là điều rất quan trọng. Dân tộc không có mơ ước thì sẽ không có tương lai, nhưng một dân tộc chỉ mơ những giấc mơ đẹp thì sẽ khó tỉnh táo.

Người Mỹ nổi tiếng thế giới với “Giấc mơ Mỹ” bao giờ cũng mơ những cơn ác mộng “Nước Mỹ suy sụp”, điều đó đã làm cho họ khi ở địa vị nhất thế giới vẫn thỉnh thoảng thức dậy, giữ được tỉnh táo.

“Giấc mơ Trung Quốc” cũng gồm có hai phần là “Giấc mộng đẹp Trung Quốc” và “Cơn ác mộng Trung Quốc”. Thường xuyên làm giấc ác mộng “Trung Quốc suy sụp” sẽ có thể giúp Trung Quốc ngăn ngừa được tình trạng say sưa quá mức, giúp thực hiện giấc mơ đẹp “Trung Quốc trỗi dậy”.

Trung Quốc có bao nhiêu cái “Nhất thế giới” về mặt tiêu cực?

Tạp chí “Tư liệu báo chí” số 10 năm 2009 của Báo Giải Phóng Quân có đăng lại bài viết của Lạc Bằng dưới đầu đề “Bình tĩnh xem những cái “Nhất thế giới” của chúng ta”. Bài báo viết: trong lịch sử lâu đời của mình, Trung Quốc có nhiều cái nhất thế giới, ngày nay Trung Quốc đang cất cánh bay lên cũng sáng tạo được nhiều cái nhất thế giới. Song le có một số cái xấu của Trung Quốc cũng thuộc loại nhất thế giới. Thí dụ:

Số lượng quan tham chắc chắn nhiều nhất thế giới, tuy chưa có số liệu chính xác nhưng xem ra kết luận này không có sai sót lớn.

Số lượng quan lại Trung Quốc đông nhất thế giới: hơn 40 triệu nhân viên công vụ, tương đương một quốc gia không nhỏ trên thế giới.

Giá thành công việc hành chính tại Trung Quốc cao nhất thế giới. Trong vài chục năm gần đây, thu nhập hành chính tăng 28 lần nhưng chi phí công tác hành chính từ chưa đến 5 tỷ NDT (Nhân Dân Tệ) đã tăng gấp trên trăm lần.

Chi phí tiền công quỹ ở Trung Quốc chắc chắn nhiều nhất thế giới. Số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin quốc gia cho thấy, năm 2004, các khoản ăn uống dùng tiền công quỹ tốn mất 370 tỷ NDT, chi phí mua sắm ô tô 398,6 tỷ NDT, chi phí du lịch nước ngoài 240 tỷ NDT, ba khoản này cộng lại đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ NDT, chiếm 40% thu nhập tài chính năm đó.

Số lượng tai nạn, số người chết vì tai nạn tại Trung Quốc nhiều nhất thế giới.

Số vụ dối trá lừa gạt, làm hàng giả hàng nhái khẳng định cũng nhất thế giới.

Trung Quốc nên duy trì và tăng số lượng cái tốt nhiều nhất thế giới. Đối với những cái nhất thế giới về mặt xấu, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và phải giải quyết. Chỉ có giải quyết được những cái nhất thế giới về mặt xấu, mặt chưa tốt thì Trung Quốc mới có thể tiến đến nhất thế giới một cách toàn diện.