Giấc mơ Trung Quốc - Chương 08 - Phần 04 (Kết)

IV. “Ba sáng tạo lớn” bảo đảm Trung Quốc mãi mãi thái bình ổn định

Có ba mâu thuẫn lớn có thể làm cho Trung Quốc “trỗi mình mà không dậy nổi”:

1. Mâu thuẫn giữa con người với thiên nhiên. Người phương Tây nói: Trung Quốc tiêu dùng quá mức các tài nguyên như năng lượng, đất đai, rừng cây, nguồn nước, dầu mỏ, một nửa rừng đã bị phá hỏng, là một trong những nước có độ che phủ rừng thấp nhất; ngày càng ỷ lại vào nguyên vật liệu và tài nguyên thế giới, là nước nhập khẩu lớn nhất sắt thép, đồng, dầu mỏ. Nếu năm 2031 Trung Quốc đạt mức tiêu dùng nguyên vật liệu của Mỹ, bình quân đầu người có nhiều ô tô và nhà ở hơn nhưng sau khi moi móc đào xới hết cả tài nguyên của mình rồi thì Trung Quốc sẽ đào xới hết, ăn hết cả thế giới, gây ra tai họa môi trường cho toàn cầu. Những quan điểm ấy nghe mà sởn tóc gáy nhưng thực ra cũng không phải là nói bậy.

2. Mâu thuẫn giữa người với người. Do sự phân hóa lợi ích, khoảng cách chênh lệch trong phân phối bị nới rộng và do tham nhũng, hiện nay Trung Quốc có hai nỗi lo: mối quan hệ chính trị giữa đảng với nhân dân từ ngày lập quốc tới nay ở vào thời kỳ căng thẳng nhất; mối quan hệ chính trị giữa công dân với chính phủ từ ngày lập quốc tới nay ở vào thời kỳ căng thẳng nhất. Đây là thời kỳ xảy ra nhiều nhất các sự kiện có tính quần chúng.

3. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc với thế giới. “Thuyết Trung Quốc đe dọa”, “Thuyết cân bằng Trung Quốc”, “Thuyết ngăn trở Trung Quốc” bị một số người làm rùm beng. Trung Quốc trỗi dậy là một sự vật mới xuất hiện trên thế giới, cũng là bài toán mới đối với chính người Trung Quốc. Trước bài toán mới Trung Quốc trỗi dậy, chỉ có sáng tạo mới thì mới có thể giải quyết được một cách có hiệu quả. Sáng tạo mới không chỉ là sáng tạo về khoa học kỹ thuật mà quan trọng hơn là sáng tạo mới về chính trị.

Để đối phó với mâu thuẫn thì tất phải có sáng tạo mới. Ba cái sáng tạo mới của Trung Quốc là ba sáng tạo kỳ tích mới.

Sáng tạo kỳ tích “Dân chủ kiểu Trung Quốc” tốt hơn “Dân chủ kiểu Mỹ”

Cho tới nay Mỹ vẫn chưa thừa nhận hai thứ của Trung Quốc: một là chưa thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc; hai là chưa thừa nhận địa vị quốc gia dân chủ của Trung Quốc. Trung Quốc cần xây dựng “Nhà nước dân chủ đặc sắc Trung Quốc”, “xã hội dân chủ đặc sắc Trung Quốc”, cần sáng tạo kỳ tích “dân chủ kiểu Trung Quốc” tốt hơn “dân chủ kiểu Mỹ”. Đây là yêu cầu chiến lược của việc tăng cường sức ngưng tụ trong nước và sức sáng tạo, là yêu cầu chiến lược tăng cường sức cạnh tranh xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta cần đả phá sự mê tín đối với nền dân chủ Mỹ. Nền dân chủ của các nước trên thế giới có nhiều hình thức. Nền dân chủ Mỹ không phải là hình thức cao nhất, hình thức cuối cùng của dân chủ, cũng không phải là hình thức duy nhất của dân chủ. Dân chủ Mỹ không phải là mẫu mực và điển hình của dân chủ thế giới, càng không phải là tòa án và trọng tài của dân chủ thế giới. Nền dân chủ Mỹ không có quyền phán xử và quyền xét xử sự tốt xấu của dân chủ thế giới. Nền dân chủ Mỹ không thể ngăn chặn sự tham lam của Phố Wall, sự bá quyền của Mỹ trên thế giới và sự suy sụp của nước Mỹ. Còn nền dân chủ của Trung Quốc thì lại bảo đảm quốc gia Trung Quốc phát triển với tốc độ cao trong 30 năm và nhanh chóng trỗi dậy. Dĩ nhiên, dân chủ kiểu Trung Quốc còn cần phải cải cách, đổi mới và hoàn thiện.

Một số chuyên gia phương Tây cũng thấy “Nhận thức về nền chính trị và sự dân chủ hóa ở Trung Quốc không thể hoàn toàn xuất phát từ tư duy truyền thống của phương Tây. Trong tương lai, thể chế chính trị Trung Quốc rất có thể càng giống như một thể hỗn hợp của văn hóa truyền thống (nhất là tư tưởng Nho giáo), chủ nghĩa cộng sản và văn hóa phương Tây”. Các chuyên gia này cho rằng trong tương lai, thể chế chính trị đặc sắc Trung Quốc là sự kế thừa các truyền thống tốt của Trung Quốc (truyền thống Nho giáo, truyền thống cách mạng, truyền thống cải cách mở cửa), là sự tham khảo các thể chế tốt đẹp của thế giới, là sự tập trung và hợp thành các sáng tạo mới của thế kỷ XXI. Mô hình chính trị Mỹ chỉ là một loại trong nhiều loại “sách tham khảo” cho sự đổi mới thể chế chính trị của Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt từng nói: “Tại phương Tây có không ít người cho rằng Trung Quốc nên đi con đường dân chủ phương Tây. Tôi cho rằng văn hóa Trung Quốc có tính đặc thù của họ, không thể dùng cái thước của phương Tây để đo Trung Quốc. Văn hóa phương Tây là một gốc cây, văn hóa Trung Quốc là một gốc cây khác. Phương Tây thường nhìn sai về Trung Quốc. Sự phát triển nền dân chủ của Trung Quốc phải đi theo con đường của mình. Người phương Tây chớ nên đánh giá bản thân quá cao”.

Học giả Mỹ John Naisbitt viết trong cuốn “Xu thế lớn của Trung Quốc” như sau: “Các nước phương Tây không có tư cách xỉa xói một chính đảng và chính phủ lãnh đạo 1,3 tỷ dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ và có phương hướng tiến lên rõ ràng. Phương Tây hiếm có các thảo luận về nghệ thuật nắm chính quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng bản thân các thành tích chính trị của đảng này đã nói rõ vấn đề”. Naisbitt cho rằng, Trung Quốc đang sáng lập một mô hình dân chủ phù hợp lịch sử và tư duy của nước họ, có thể gọi đó là “dân chủ chiều dọc”, nền dân chủ này có ưu điểm chủ yếu ở chỗ có thể làm các nhà chính trị thoát khỏi sự ràng buộc của tư duy bầu cử, nhằm ấn định quy hoạch chiến lược dài hạn. Đặc điểm lớn nhất của dân chủ chiều dọc kiểu Trung Quốc là sự kết hợp “từ trên xuống dưới” với “từ dưới lên trên”. Trong môi trường dân chủ đó, sự vận hành nền chính trị nhà nước không dựa vào sự tranh cử và tranh chấp của các chính đảng hoặc chính khách đối lập, mà thông qua việc tầng lớp lãnh đạo hấp thu ý kiến và nhu cầu từ dưới lên trên để ấn định một cương lĩnh chính thể, và thông qua việc quần chúng nhân dân từ dưới lên trên tham gia và bàn bạc chính trị đạt được sự trao đổi theo chiều dọc và thống nhất ý kiến. Nếu Trung Quốc xây dựng “hệ thống dân chủ chiều ngang” kiểu phương Tây thì sẽ lãng phí nhiều công sức vào việc tranh đấu tranh cử, sẽ có nhiều ứng cử viên đưa ra vô số phương án về vấn đề Trung Quốc, dẫn đến hậu quả làm tình hình Trung Quốc rối loạn, ảnh hưởng tới sự ổn định và hài hòa. Người Trung Quốc hiểu rằng không ai có thể thay thế đảng Cộng sản, mà đảng cũng không thể thách thức sự nhẫn nại của nhân dân. Chế độ dân chủ phương Tây cũng không phải là thứ một thế hệ người có thể xây dựng nên mà phải trải qua mấy trăm năm phát triển mới dần dần chín muồi.

Phương Tây mong muốn Trung Quốc dùng phương thức đại nhảy vọt để thực hiện đại dân chủ, nhưng đây cũng là biện pháp làm Trung Quốc sụp đổ nhanh nhất, rẻ nhất. Công cuộc cải cách thể chế chính trị Trung Quốc đòi hỏi phải thăm dò tìm được hình thức thực hiện chế độ thống nhất hữu cơ ba yếu tố: sự lãnh đạo của đảng, nhân dân làm chủ và nhà nước pháp trị. Bao giờ Trung Quốc sáng tạo được “nền dân chủ kiểu Trung Quốc” tốt hơn “nền dân chủ kiểu Mỹ” thì con át chủ bài “dân chủ kiểu Mỹ” sẽ bị mất tác dụng ngăn chặn chính trị đối với Trung Quốc.

Sáng tạo kỳ tích “Phân phối của cải” công bằng hơn “Nhà nước phúc lợi”

Phương Tây sáng lập nhà nước phúc lợi, qua đó giảm bớt được sự chia rẽ xã hội và mâu thuẫn giai cấp. Có học giả phương Tây nắm lấy vấn đề chênh lệch phân phối mở rộng ở Trung Quốc để nói Trung Quốc còn tư bản chủ nghĩa hơn cả Mỹ. Sau khi sáng tạo nên kỳ tích về sản xuất của cải và tăng trưởng của cải, để xây dựng được xã hội hài hòa, Trung Quốc cần sáng tạo thêm một kỳ tích nữa về “phân phối của cải”.

Một số chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài dự báo: xét về trung hạn và dài hạn, mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể bền vững. Cần điều chỉnh từ mô hình tự do chủ nghĩa quá mức sang phương hướng hài hòa hơn, truyền thống hơn, cân đối hơn, coi trọng hơn công tác an sinh xã hội. Vấn đề nghiêm trọng nhất cần ưu tiên giải quyết là Trung Quốc đang chuyển biến từ một quốc gia bình quân chủ nghĩa cao độ thành một trong các quốc gia mất cân bằng nhất, chênh lệch thu nhập lớn nhất. Sự khác biệt giữa vùng duyên hải với vùng nội địa, giữa đô thị với nông thôn, giữa chính thức với phi chính thức đã gây ra căng thẳng xã hội, mâu thuẫn xã hội và xung đột xã hội ngày một nghiêm trọng, đã trở thành nhân tố quan trọng làm lung lay sự ổn định xã hội và phủ định thành quả cải cách mở cửa. Thế nhưng các biện pháp hiện đang áp dụng lại có hiệu quả quá nhỏ bé. Đầu tư quá lớn vào việc xây dựng chính quyền gây khó khăn cho việc tạo vốn dùng vào các dự án mới về công tác an sinh xã hội. Sự nghiệp bảo đảm giáo dục và chăm sóc y tế cho quảng đại quần chúng có những thiếu sót nghiêm trọng. Hiện nay, chính phủ chỉ có thể đài thọ 16% chi phí chăm sóc y tế, trong lúc tỷ lệ này ở Mỹ là 44%, ở châu Âu là 70%. Hầu hết dân chúng chưa có bảo đảm được chăm sóc y tế, cảm giác không an toàn của họ đang tăng lên.

Trong việc thực hiện trỗi dậy và phục hưng Trung Quốc có một công trình nền móng quan trọng, đó là “công trình dân sinh”. Đây là một công trình sinh mệnh cơ bản nhất, công trình sinh tồn, công trình sinh hoạt có liên quan tới hàng chục triệu người. Trong quá trình phát triển với tốc độ cao, Trung Quốc nhất định phải bổ sung thiếu sót về vấn đề dân sinh, phải làm thật chắc khâu dân sinh, cái nền móng ổn định xã hội này. Tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc hiện đã tiến lên hàng đầu thế giới nhưng rất nhiều chỉ số dân sinh của Trung Quốc còn tụt sau mức bình quân của thế giới. Theo đánh giá của một số cơ quan Trung Quốc và nước ngoài, hiện nay chỉ số phát triển con người của Trung Quốc chỉ xếp hạng thứ 81 trên thế giới, ở vào giai đoạn phát triển xã hội bậc trung; năng lực bền vững về môi trường của Trung Quốc xếp thứ 129; trình độ chăm sóc y tế của Trung Quốc xếp thứ 144 trên thế giới; tính công bằng y tế xếp thứ 4 tính từ dưới lên; chỉ tiêu sản xuất an toàn công nghiệp kém các nước phát triển mấy lần, mấy chục lần. Chỗ thắt cổ chai lớn nhất trong sự phát triển của Trung Quốc là hoàn cảnh khó khăn về dân sinh của tầng lớp cơ bản trong xã hội. Sự lạc hậu về trình độ dân sinh làm cho một số dân chúng thường sống trong nỗi lo đời sống và cảm giác không xác định; đặc biệt các vấn đề nan giải có liên quan tới mức sinh tồn cơ bản và các bảo đảm sinh hoạt cơ bản nhiều năm nay chưa được giải quyết một cách có hiệu quả tất nhiên đã ảnh hưởng xấu tới nền tảng duy trì sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVII, Hồ Cẩm Đào nói: “Làm sâu sắc hơn nữa công cuộc cải cách chế độ phân phối thu nhập, tăng thu nhập cho dân chúng thành phố và nông thôn... cố gắng làm cho toàn thể nhân dân được học tập, làm việc thì có thu nhập, khi ốm đau thì được chăm sóc y tế, khi về già được nuôi, người người có nhà ở, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội hài hòa”. Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất tới năm 2020 về cơ bản xóa bỏ hết hiện tượng tuyệt đối nghèo, về cơ bản xây dựng xong hệ thống an sinh xã hội phủ khắp dân cư đô thị và nông thôn. Hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc chiếm 1/5 số dân toàn thế giới sẽ là hệ thống an sinh xã hội lớn nhất thế giới. Trung Quốc sẽ trở thành nhà nước phúc lợi lớn nhất trên thế giới. Kế hoạch mới về cải cách y tế sẽ đạt mục tiêu hệ thống bảo hiểm y tế phủ khắp 90% số dân, đến năm 2011 nhà nước sẽ đài thọ phần lớn chi phí y tế của nhân dân.

Làm nên kỳ tích “Trị quốc liêm khiết lâu dài” hiệu quả hơn “Cạnh tranh đa đảng”

Cán bộ các cấp của đảng cầm quyền có hai tay: một là “cánh tay phục vụ” để phục vụ nhân dân và một tay khác là “cánh tay tước đoạt” để vơ vét tham nhũng tìm kiếm lợi riêng. Xây dựng chính quyền liêm khiết là một vấn đề nan giải có tính thế giới.

Từ ngày cải cách mở cửa tới nay, công tác chống tham nhũng của Trung Quốc đã giành được thành tích rất lớn nhưng tình hình chống tham nhũng vẫn còn gay go, nhiệm vụ chống tham nhũng vẫn còn gian nan. Trên bảng xếp hạng về chỉ số liêm khiết toàn cầu năm 2009 do tổ chức “Minh bạch quốc tế” công bố, New Zealand, Đan Mạch, Thụy Điển, Singapore xếp đầu bảng; Trung Quốc được 3,6 điểm, thấp 5 điểm so với mức được coi là đạt yêu cầu.

Các nước phương Tây tạo ra một quan niệm truyền thống lưu hành khắp thế giới, đó là chỉ có nhiều đảng thay nhau cầm quyền thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả nạn tham nhũng; chế độ một đảng cầm quyền là nguồn gốc của tham nhũng.

Phải chăng một đảng cầm quyền thì nhất định sẽ xuất hiện tầng lớp đặc quyền? Phải chăng một đảng cầm quyền lâu dài thì sẽ khó đề phòng và ngăn chặn được hiện tượng tham nhũng tự thân? Ông Hồ An Cương từng làm một thống kê cho thấy: trong thời gian 1950 - 1976 kể từ sau cải cách ruộng đất cho tới khi Mao Trạch Đông qua đời, Trung Quốc đã triển khai hơn 60 phong trào chính trị. Mao Trạch Đông sử dụng biện pháp triển khai thanh trừng chính trị liên tục và có tính chu kỳ để khống chế “cánh tay cướp đoạt”. Thế nhưng kiểu “chống tham nhũng bằng phong trào” ấy chưa thể căn bản giải quyết được vấn đề “trị quốc lâu dài, liêm khiết lâu dài” của đảng cầm quyền. Hiện nay “cánh tay cướp đoạt” trong nội bộ các cơ quan đảng và nhà nước từ lâu đã vượt qua thời đại Mao Trạch Đông. Chúng ta cần phải đi con đường xây dựng chính quyền liêm khiết đặc sắc Trung Quốc, xây dựng “quốc gia liêm khiết” đặc sắc Trung Quốc, “xã hội liêm khiết đặc sắc Trung Quốc”. Trung Quốc giàu mạnh ắt phải là Trung Quốc liêm khiết.

Con đường chính quyền liêm khiết đặc sắc Trung Quốc là phải kiên trì thể chế một đảng cầm quyền, nhiều đảng tham gia chính quyền, lại phải có thể phòng chống tham nhũng một cách hữu hiệu. Muốn vậy cần phải đổi mới.

Cần xây dựng một hệ thống chính quyền liêm khiết nhà nước đặc sắc Trung Quốc như thế nào? Đây là một vấn đề đang cần bứt phá và sáng tạo mới. Nếu về lâu dài, đảng Cộng sản Trung Quốc không thể căn bản thanh toán nạn tham nhũng thì địa vị nắm chính quyền của đảng Cộng sản sẽ bị thách thức, chế độ đa đảng sẽ trở thành sự lựa chọn chính trị của mọi người. Chống tham nhũng nên trở thành công việc quan trọng trong số các công việc quan trọng cai quản đảng một cách nghiêm ngặt, xây dựng chính quyền liêm khiết nên trở thành công việc quan trọng trong sự nghiệp cai trị đất nước bằng luật pháp.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Nước Mỹ chớ có ảo tưởng với Trung Quốc

Trong hiệp thi đấu tay đôi thế kỷ giữa Trung Quốc với Mỹ, cả hai bên đều không được có ảo tưởng, không được mắc bệnh ấu trĩ chính trị.

Học giả người Anh Martin Jacques nói: Thế giới phương Tây “chớ nên trông đợi xảy ra một vụ đột biến Liên Xô -Đông Âu lần thứ hai” tại Trung Quốc.

Trông đợi Trung Quốc xảy ra một vụ đột biến Liên Xô -Đông Âu lần thứ hai là một ảo tưởng chiến lược mà phương Tây không chịu dễ dàng từ bỏ. Thực ra phương Tây đâu chỉ có một ảo tưởng chiến lược này đối với Trung Quốc? Trung Quốc trỗi dậy hòa bình cần cho nước Mỹ biết một thông tin chiến lược, đó là họ nhất thiết không được có mấy ảo tưởng sau đây:

1. Mỹ không cải tạo nổi Trung Quốc; Mỹ chớ nên có ảo tưởng chiến lược tiến hành “diễn biến chính trị” với Trung Quốc, tiến hành “cấy ghép chính trị” với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không sao chép chế độ chính trị của Mỹ, bộ chế độ chính trị ấy của Mỹ không thể xuất khẩu đến được Trung Quốc; trên vấn đề này nhất thiết đừng có ảo tưởng.

2. Chớ nên ảo tưởng khi xảy ra xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan thì Trung Quốc sẽ rút lui vì biết Mỹ can thiệp quân sự sẽ gây khó cho Trung Quốc; cũng tin rằng Mỹ sẽ không đem số phận nước mình ra đánh cược cho thế lực Đài Loan độc lập.

3. “Chớ nên trông đợi Trung Quốc sẽ xảy ra một vụ đột biến Liên Xô - Đông Âu lần thứ hai”. Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đảng trường thọ về chính trị, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là một “chủ nghĩa” đầy sức vươn lên.

Ba “Định luật chính trị kiểu Mỹ” bị phá sản tại Trung Quốc

Trong quá trình ngăn chặn Trung Quốc, lâu nay Mỹ quen dùng ba “Định luật chính trị kiểu Mỹ”. Đây là mấy định luật người Mỹ cố tình đặt ra nhằm trăm phương nghìn kế lật đổ địa vị cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc:

“Định luật chính trị kiểu Mỹ” thứ nhất: chế độ một đảng là nguồn gốc của tham nhũng, chỉ có cạnh tranh đa đảng mới là phương thuốc hiệu nghiệm chữa trị bệnh tham nhũng. Điều đó làm cho một số người mê tín cạnh tranh đa đảng, cho rằng bầu cử có cạnh tranh mới trị được nạn tham nhũng.

“Định luật chính trị kiểu Mỹ” thứ hai: nguồn gốc Liên Xô sụp đổ là ở chế độ một đảng cầm quyền; Trung Quốc kiên trì một đảng cầm quyền tất nhiên sẽ giẫm lên vết xe đổ của Liên Xô.

“Định luật chính trị kiểu Mỹ” thứ ba: chỉ có xóa bỏ chế độ một đảng cầm quyền, thực hiện cạnh tranh đa đảng thì mới là “nhà nước dân chủ”. Trung Quốc muốn đứng vào hàng ngũ “quốc gia dân chủ” của thế giới thì phải theo yêu cầu của Mỹ, dùng phương thức đại nhảy vọt thực hành đại dân chủ tại Trung Quốc. Nếu không thì sẽ chụp cho Trung Quốc cái mũ quốc gia phi dân chủ, quốc gia tập quyền, quốc gia chuyên chế.

Sự thật và thành tích chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trường kỳ cầm quyền sẽ phá bỏ các “Định luật chính trị kiểu Mỹ” do Mỹ đặt riêng cho Trung Quốc.

Học giả người Anh Martin Jacques nói: “Trung Quốc đã thực hiện thành công việc phát triển nhanh nền kinh tế; thể chế chính trị trong nước 20 năm tới sẽ vẫn lấy nòng cốt là sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc này không còn là đảng Cộng sản Trung Quốc trước kia nữa, chính sách đảng này thi hành cũng không hoàn toàn phù hợp với lý thuyết trình bầy trong các sách kinh điển Mác - Lê”. “Trung Quốc là một nước lớn tầm cỡ châu lục, xét về diện tích và số dân, Trung Quốc có ưu thế hơn Mỹ và Ấn Độ. Chế độ dân chủ phương Tây cổ xúy xưa nay chưa bao giờ thực sự được vận hành có hiệu quả và mọc mầm bén rễ tại một vùng đất rộng lớn và đông dân như vậy. Trong tương lai Trung Quốc sẽ dùng phương thức của mình để thực hiện nền dân chủ”. “Thể chế chính trị của Trung Quốc rất độc đáo, chính phủ rất ít trải qua quá trình chia sẻ quyền lực với các lực lượng chính trị khác, luôn luôn tập trung cao độ, chính sách có tính liên tục hiếm thấy, khi gặp nguy cơ và đột biến họ có thể nhanh chóng điều chỉnh phương hướng phát triển”. “Thể chế chính trị Trung Quốc chẳng những có tính liên tục lịch sử phi phàm mà còn có năng lực đổi mới xuất sắc. Từ năm 1949 tới nay, trong khi tiếp tục thực hành truyền thống chính trị của mình, Trung Quốc đồng thời đã trải qua cả thảy hai lần tự cải tạo lớn: đầu tiên là đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo thai nghén được một nhà nước mới, sau đó là trong thời đại cải cách, quốc gia này lại có được cuộc đời mới và được phục hưng. Từ nay về sau, nhiệm vụ nặng nề tiếp tục cải cách vẫn do đảng Cộng sản gánh vác”. “Trong một thời gian rất dài sau này, Trung Quốc vẫn là quốc gia do đảng Cộng sản thống trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc khác với đảng Cộng sản Liên Xô, họ sẽ không ngừng đổi mới trên cơ sở văn hóa truyền thống, chớ nên trông đợi Trung Quốc sẽ xảy ra một cuộc đột biến Liên Xô - Đông Âu lần thứ hai”.

Có thể thấy là, trong việc nhìn nhận Trung Quốc, phương Tây cũng có những người đầu óc minh mẫn.

PHỤ LỤC

ĐÁNH GIÁ CỦA BÁO CHÍ Trung Quốc Và phương tây về “GIẤC MƠ TRUNG QUỐC”

“Giấc mơ Trung Quốc” cạnh tranh “Quốc gia quán quân” thế giới thu hút dư luận

Giáo sư Đại học Quốc phòng - Lưu Minh Phúc đã hoàn thành “Giấc mơ Trung Quốc”, thu hút sự chú ý của dư luận, mười nhà xuất bản lớn cùng tham gia cạnh tranh mua bản quyền, cuối cùng bản quyền được giao cho công ty Cổ phần hữu hạn sách Hoa ngữ thời đại Bắc Kinh phát hành, công ty xuất bản Hữu nghị Bắc Kinh chính thức xuất bản. Nhà chiến lược nổi tiếng Lưu Á Châu viết lời tựa giới thiệu cuốn sách.

Trải qua hơn một trăm năm lạc hậu và bị áp bức, Trung Quốc bắt đầu đi trên con đường phục hưng. Năm 2011, GDP Trung Quốc có hy vọng vượt qua Nhật Bản, trở thành cường quốc thứ hai thế giới. Những năm 50 của thế kỷ XX việc luyện sắt thất bại khiến giấc mơ “Vượt Anh đuổi Mỹ” không thực hiện được. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các phương tiện báo chí truyền thông của phương Tây đều lên tiếng bình luận. Cuộc cạnh tranh thế kỷ Trung – Mỹ là nội dung chính trong cuốn sách, nó phù hợp với tình hình phát triển mới của Trung Quốc và kích thích suy nghĩ của độc giả Trung Quốc về một thời đại phát triển mới của dân tộc.

Mục tiêu lớn của trận “cạnh tranh thế kỷ” giữa Trung Quốc và Mỹ được xướng lên trong “Giấc mơ Trung Quốc” là: Nhắm tới vị trí số một thế giới, giành vị trí quốc gia quán quân, tạo ra thời đại Trung Quốc, xây dựng thế giới không có bá quyền. Trong cuốn sách, tác giả nói: Điều căn bản để thực hiện mục tiêu lớn này đó là: Duy trì “Tính cách Trung Hoa”, xây dựng vương đạo, phản đối bá đạo; kiên trì chiến lược phục hưng đất nước, không phạm sai lầm chí mạng, định vị chính xác nước Mỹ, ngăn ngừa huyễn tưởng chính trị; dũng cảm vùng lên trong quân sự, xây dựng cường quốc quân sự; tăng cường ý thức phòng ngừa, luôn luôn cảnh giác sự đột biến và xoay chuyển của “nước lớn vùng lên” đến “nước lớn sụp đổ”. Cùng lúc mong muốn và phấn đấu cho tương lai thì luôn luôn phải lắng nghe hồi chuông cảnh giác.

Đặc điểm nổi bật của “Giấc mơ Trung Quốc” đó là không đặt trọng điểm sáng tạo lên “chiến lược” mà là hướng vào văn hóa chiến lược, tư duy chiến lược, phạm vi chiến lược, tìm kiếm logic nội tại trong việc xác lập và thực hiện mục tiêu lớn của Trung Quốc, tìm kiếm phương pháp biện chứng trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước Trung - Mỹ. Ví dụ như “Trung - Mỹ không đại chiến, Trung - Mỹ cần đại quân”, “Muốn vùng lên trong hòa bình, cần phải vùng lên trong quân sự”, đều mang lại những gợi ý về tư duy chiến lược cho chúng ta. Tác giả khẳng định, cần xây dựng tinh thần đối diện với giả thuyết “Trung Quốc sụp đổ”, để kích thích lòng yêu nước, sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó với nguy cơ sụp đổ, tránh ngủ quên trong hào quang.

“Giấc mơ Trung Quốc” lập luận và phân tích hợp lý, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, là tiếng gọi cổ vũ cho Trung Quốc thế kỷ XXI. Nhưng “Giấc mơ Trung Quốc” trong thế kỷ XXI rốt cuộc nên là giấc mơ như thế nào? Tác giả xoay vòng quanh khái niệm “giấc mơ Trung Quốc” và đưa ra hàng loạt khái niệm mới: “Thứ nhất thế giới”, “Quốc gia quán quân”, “Thời đại Trung Quốc”, “Thế giới không bá quyền”, những điều này liệu có phù hợp với thực tế Trung Quốc hay không? Có thể đại diện cho tương lai Trung Quốc hay không? Thế kỷ XXI, Trung Quốc có dám thực hiện giấc mơ đó không? Có thể thực hiện được giấc mơ này không? Có nên thực hiện giấc mơ này không? Những câu hỏi này đã thu hút tranh luận. “Giấc mơ Trung Quốc” đã tạo nên nhiều tiếng nói chung và cũng gây nên nhiều tranh luận; đối với việc thúc đẩy tư duy mới, quan niệm mới, nó đều có ý nghĩa tích cực.

(Tổng hợp từ mạng Tân Hoa)

Cuốn sách chỉ đơn giản thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, mặc dù có những quan điểm khá thú vị từ góc nhìn của một người công tác trong ngành quốc phòng, nhưng nó không thể được coi là phát ngôn của người lãnh đạo đất nước.

(ABC News)

Mặc dù Lưu Minh Phúc đã trình bày quan điểm của mình khá cực đoan, nhưng những gì mà ông viết trong cuốn sách cũng thể hiện một phần nào đó tâm lý chung của người dân Trung Quốc khi mà sức mạnh quốc gia không ngừng tăng lên và cùng với nó là niềm tự hào dân tộc đang dâng trào.

(Oil Price)

Cuốn sách trình nhìn nhận chính trị toàn cầu giống như một cuộc cạnh tranh giữa các nền văn minh, mà tuyển thủ chính là các cường quốc. Lưu Minh Phúc kêu gọi Trung Quốc hãy tận dụng những lợi thế của thời kỳ chiến lược hiện tại để bứt phá và vượt qua Mỹ, đạt được danh hiệu “Số một thế giới”.

Cuốn sách không hề đại diện cho chính sách của nhà nước Trung Quốc, nhưng cũng gây không ít tranh cãi về mục tiêu quốc gia

(Reuters)

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách

Nhocmuavn

(Duyệt – Đăng)