Giấc mơ Trung Quốc - Chương 08 - Phần 03

III. “Nguy cơ tinh anh”:nguy cơ nguy hiểm chết người nhất

Trong số các nguy cơ dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của quốc gia và dân tộc thì nguy hiểm nhất là “nguy cơ tinh anh”; đặc biệt “nguy cơ tinh anh chính trị” chủ đạo số phận quốc gia là nguy cơ chí tử nhất.

Có sự trỗi dậy của giới tinh anh thì mới có sự trỗi dậy của nước lớn. Quần thể tinh anh biến chất sẽ không thể dẫn dắt và nâng đỡ sự trỗi dậy của nước lớn. Đây là một bài học trong quá trình thăng trầm của Liên Xô.

Nước lớn trỗi dậy, vấn đề mấu chốt là sự “trỗi dậy của giới tinh anh”

Giới tinh anh là nguồn lực nòng cốt của một quốc gia.

Toynbee nói: “Tôi cho rằng sự phát triển của nền văn minh phụ thuộc vào một số ít người có sức sáng tạo. Những người thuộc giới tinh anh này không những phải có năng lực đối phó thành công với mọi thách thức của xã hội họ đang sống mà còn phải có sức mạnh thu hút đại đa số những người không có sức sáng tạo, lôi kéo họ theo mình”.

Kissinger nói, trong quá trình phát triển của nước Mỹ, Tổng thống Wilson từng phát huy được tác dụng đặc biệt, “Sự xuất hiện của Wilson là một điểm ngoặt trong lịch sử nước Mỹ, là thí dụ về việc một người lãnh đạo hiếm thấy đã thay đổi căn bản lịch sử đất nước mình”.

Sự hưng thịnh và suy thoái của một nước lớn gắn liền với sự lên xuống của giới tinh anh nước đó. Hà Lan trong thế kỷ XVIII hầu như đã không còn “vĩ nhân” nào nữa. Suốt một thế kỷ liền, nước này không tìm đâu ra một nhân vật có năng lực phi phàm. Gia tộc Orange[10] sau khi sinh ra 5 đời tướng lĩnh và nhà chính trị kiệt xuất đã để đứt rời mất hậu duệ trực hệ. Tước hiệu và vinh quang của chi họ này bị một chi khác ở tỉnh Friesland kế thừa. Nhưng hai vị hoàng thân đáng lẽ nên phát huy tác dụng trong thế kỷ XVIII thì lại có tài cán quá tầm thường. William IV và William V đều là những người có tư chất loại hai, tuy họ có tâm nguyện tốt nhưng lại hoàn toàn thiếu mất sức mạnh thể chất, lòng dũng cảm và chí tiến thủ. Bản danh sách một chuỗi các nhà chính trị vĩ đại hầu như bị đột ngột đứt đoạn; vị trí của họ bị các chính khách thay thế - có một số chính khách thông minh nhưng vô liêm sỉ, các chính khách khác thì đều chỉ là kẻ vô sỉ; không một chính khách nào có tầm nhìn vượt quá thị trấn nhỏ quê nhà của mình.

Năm 1814, một lực lượng nhỏ quân đội Anh tấn công thủ đô nước Mỹ[11], trong đó một đơn vị khi hành quân qua sơn trang Vernon nơi đặt lăng mộ Washington đã bắn 21 phát đại bác kính chào Washington. Đây là hiệu ứng tinh anh của nước Mỹ.

[10] Orange: tên một gia tộc danh giá ở châu Âu, nguyên quán tại lãnh địa Orange, nhiều thế hệ cai trị Hà Lan, trong đó William III từng làm vua nước Anh, Scotland và Ireland (1689-1702); gia tộc này từ 1815 cho tới nay là hoàng gia cai trị Hà Lan trên danh nghĩa.

[11] Sau các vụ khiêu khích của Anh, ngày 18/6/1812, Mỹ tuyên chiến với Anh. Ngày 24/8/1814, quân Anh đốt nhà Quốc hội Capitol và Nhà Trắng ở thủ đô Washington. Tháng 12/1814, hai nước ký Hòa ước, chấm dứt chiến tranh, lãnh thổ Mỹ giữ nguyên trạng.

Khi nghiên cứu lịch sử trỗi dậy của nước lớn, có thể thấy nhà chính trị với tư cách là tinh anh của tinh anh trong giới lãnh đạo và thống soái, có tác dụng chiến lược quan trọng trong quá trình trỗi dậy. Một dân tộc không có nhà chính trị lớn là một dân tộc không thể trỗi dậy. Tất cả các nước lớn trỗi dậy đều nhất thiết phải có nhà chính trị lớn của mình. Họ thiết kế và xây dựng quốc gia và dân tộc mình, trí tuệ và năng lực cũng như sự phấn đấu và hy sinh của họ, sự kết hợp và liên hệ của họ với dân chúng làm cho họ có thể đứng trên hàng đầu của thời đại, đứng trên điểm cao khống chế chiến lược để dẫn dắt, thúc đẩy quốc gia và dân tộc đi lên cường thịnh. Sự trỗi dậy của Liên Xô không tách rời tác dụng của Lenin và Stalin. Sự trỗi dậy của Trung Quốc gắn chặt với tên tuổi của các nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân.

Tinh anh chính trị không được trở thành “tầng lớp thay đổi niềm tin”

Giới tinh anh chính trị cần đề phòng biến chất từ “loại hình lý tưởng” sang “loại hình lợi ích”. Quần thể tinh anh chính trị của một quốc gia tất phải có tín ngưỡng, phải là một đội ngũ những nhân vật kiểu lý tưởng. Họ phải theo đuổi sự cao cả, phải tôn sùng sự vĩ đại, phải hướng tới sự vô tư. Đại đa số quần chúng cần có sự tín nhiệm cao độ đối với quần thể tinh anh của quốc gia và dân tộc mình, cần hăng hái đi theo họ. Một dân tộc kết hợp được niềm tin kiên định của giới tinh anh vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc với sự tín nhiệm của quần chúng đối với giới tinh anh, kết hợp được tinh thần hiến thân của giới tinh anh cho dân tộc với nhiệt tình của quần chúng đi theo giới tinh anh thì dân tộc đó nhất định sẽ có thể sáng tạo được một sự nghiệp vĩ đại. Các nhân vật lãnh tụ như Lenin và Stalin của Liên Xô, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai của Trung Quốc đều là những người như vậy.

Tháng 6 năm 1991, các chuyên gia Mỹ nghiên cứu vấn đề Liên Xô đã áp dụng nhiều biện pháp tiến hành điều tra phân tích khuynh hướng hình thái ý thức của khoảng 100 nghìn phần tử tinh anh Liên Xô. Họ rút ra được kết luận: đại đa số phần tử tinh anh lớp trên của Liên Xô hồi đó đã chuyển biến, trở nên ủng hộ chế độ tư bản. “Các phần tử tinh anh thời kỳ đầu của Bonsevic gồm những người cách mạng trung thành”, về sau nhiều người vào đảng “không phải vì hiến thân cho một hình thái ý thức nào đấy mà là để theo đuổi lợi ích vật chất và quyền lực”. Tháng 7 năm 1991, một người từng làm quan chức chính phủ lâu năm khi được hỏi ông có phải là đảng viên Cộng sản hay không đã trả lời: “Dĩ nhiên tôi là đảng viên Cộng sản nhưng tôi không phải là người theo chủ nghĩa cộng sản”. Nhà bình luận người Mỹ nhận xét: “Các thành viên giới tinh anh của đảng và nhà nước Liên Xô đứng trước một hiện thực mâu thuẫn. Họ nắm quyền lực lớn, oai phong hiển hách, cai quản một trong hai siêu cường thế giới. Thế nhưng họ bị ràng buộc ở khắp mọi chỗ. Họ bị cấm tích lũy của cải cá nhân, họ không thể bảo đảm có thể truyền lại tư cách tinh anh của mình cho đời sau. Điều này đã hạn chế mức độ gắn bó họ với chế độ”. Và như vậy là trong đội ngũ tinh anh Liên Xô xuất hiện hiện tượng “Tôi là đảng viên Cộng sản nhưng tôi không phải là người theo chủ nghĩa cộng sản”, và trong quần chúng nhân dân Liên Xô thì xuất hiện hiện tượng “Tôi thích chủ nghĩa xã hội nhưng tôi không hài lòng với đảng Cộng sản”. Như vậy là nói tầng lớp cán bộ cấp cao đã đánh mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội còn nhân dân thì mất sự tín nhiệm vào đảng Cộng sản. Những thay đổi về niềm tin chính trị và tín nhiệm chính trị xuất hiện tại Liên Xô trước khi nước này tan rã thực đáng để mọi người suy ngẫm sâu sắc.

Tầng lớp tinh anh chính trị không được trở thành “tầng lớp tài cán tầm thường”

Đối với một nước lớn, đảng lớn theo chủ nghĩa xã hội, cơ cấu tri thức, tư tưởng lý luận, trình độ chính trị, năng lực quản lý đảng và nhà nước của tầng lớp cán bộ cấp cao đảng và nhà nước trực tiếp liên quan tới vận mệnh của đảng và tiền đồ của nhà nước. Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ có một nguyên nhân quan trọng là tập đoàn tinh anh bị tầm thường hóa, năng lực lãnh tụ đảng bị thoái hóa. Trong “Ghi chép về sự chìm nổi của Gorbachev”, tác giả, cựu trợ lý của Gorbachev là Valery Boldin[12] có viết: “Thật không ngờ một đảng đang chuẩn bị chúc mừng 100 năm tuổi lại không còn tồn tại nữa. Một tháng trước đây, chẳng ai có thể nghĩ rằng đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng lớn trên thế giới, từng lãnh đạo một nước lớn đi qua chặng đường 70 năm, giành được những thành tích rất to lớn, được nhân dân kính yêu, thế mà lại có thể đột nhiên bị diệt vong như thế này”.

[12] Valery Boldin: sinh 1935, năm 1981 tham gia ê kíp Gorbachev, sau làm trợ lý của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev rồi Chánh văn phòng Tổng thống thời Gorbachev. Tác giả cuốn Mười năm rung chuyển thế giới: Thời đại Gorbachev do chánh văn phòng của ông chứng kiến (tiếng Anh: Ten Years that Shook the World: The Gorbachev Era as Witnessed by His Chief of Staff, xuất bản 1994.

“Tôi đã tiến hành phân tích tình hình hoạt động trong các cơ quan của đảng, nhất là hoạt động của cơ quan lãnh đạo; càng phân tích càng thấy hướng về một kết luận: nhiều chứng bệnh của đảng Cộng sản Liên Xô là không thể tránh được. Nguyên nhân gây ra tình trạng này dĩ nhiên có nhiều loại, nhưng một nguyên nhân quan trọng là sự thoái hóa về tu dưỡng văn hóa của lãnh tụ”.

“Lenin là một nhà lý luận tài năng lỗi lạc, nhà chiến lược và chiến thuật của đấu tranh chính trị, nhà hùng biện đầy cảm hứng, một người có tu dưỡng văn hóa rất cao. Người thay thế ông - Stalin chưa phải là lãnh tụ chính trị lỗi lạc như thế, trình độ học vấn chưa được sâu sắc như vậy. Nhưng Stalin cho dù kém sắc sảo trên diễn đàn chính trị song vẫn có tu dưỡng lý luận tương đối tốt, hiểu nhiều biết rộng, có tài tổ chức rất giỏi. Sau khi Stalin mất, đảng Cộng sản Liên Xô đề cử Khrushchev lên thay, ông này rất có tư chất bẩm sinh nhưng về lý luận và tư tưởng chỉ là cậu học sinh đạt điểm 3, trình độ tu dưỡng văn hóa rất thấp”.

“Tôi từng được đọc các thư tín, bài viết, nghị quyết do Stalin viết tay. Ông sửa chữa các văn bản rất chính xác, có thể thấy ông là một nhà hoạt động chính trị sắc bén và là một đại gia về tu từ học, tinh thông tiếng Nga. Những lời ghi chú phê phán ông viết trong hàng trăm cuốn sách trên tủ sách của ông cho thấy Stalin đọc rất nhiều. Ông không những hiểu rõ các trước tác của các học giả theo chủ nghĩa Marx mà còn hiểu rõ những trước tác của các triết gia, nhà kinh tế và nhà lịch sử chống lại Marx. Tôi cũng đã thấy các chỉ thị của Khrushchev, đáng tiếc là chúng để lại ấn tượng tựa như viết bởi một người không có văn hóa lắm, hoàn toàn làm công việc khác. Quả thực những gì ông đọc miệng cho tốc ký viên viết thì rất hay, câu chữ cũng rất sinh động, có điều nhiều chỗ không thích hợp để phát biểu ra ngoài. Tôi từng sửa các bản tốc ký của ông để đăng báo, đây là một công việc rất vất vả”.

“Việc Brezhnev lên nắm quyền chẳng thay đổi gì mấy ấn tượng của mọi người về trình độ thấp kém trong tu dưỡng văn hóa của các lãnh tụ đảng và nhà nước. Ông chưa từng viết bất cứ thứ gì; các chiến hữu của ông cùng các đảng viên và đại để toàn xã hội đều biết chuyện ấy. Trên nhiều mặt, mọi người tha thứ cho ông vì mấy năm cuối đời ông có thái độ khoan dung, chân thành mong muốn nhân dân được hưởng niềm hạnh phúc của chủ nghĩa xã hội”.

“Việc Andropov lên nắm quyền lãnh đạo đã lóe một tia sáng trên bầu trời u ám. Ông rất có tư chất bẩm sinh, từng tốt nghiệp đại học, là một người có tri thức. Nhưng thời gian ông làm Tổng Bí thư quá ngắn, rất khó đưa ra được các nhận định khác về ông. Lên thay Andropov là Chernenko, cũng chưa thể biểu hiện các ưu điểm của mình, chưa thể đóng góp gì vào hành lý văn hóa của đảng”.

“Người cuối cùng là Gorbachev. Rõ ràng ông là người có học, ít nhất có hai văn bằng. Dĩ nhiên, so với Brezhnev và Chernenko, ông tỏ ra có văn hóa hơn theo nghĩa rộng, nhưng hầu như ông cũng chẳng khác gì tất cả các đại diện tầng lớp trí thức thế hệ thứ nhất, ông là người thể hiện truyền thống phương thức sinh hoạt nông thôn gia truyền vốn có các loại ưu khuyết điểm. Thành tích cao nhất về lý luận của ông là tài liệu “Cải cách và tư duy” được viết với danh nghĩa của ông, có thể còn có một số bài nữa, cho dù tôi biết ông chưa bao giờ tự tay viết từ đầu đến cuối bất cứ thứ nào cả”.

“Dĩ nhiên, sự thoái hóa về tố chất văn hóa của mấy thế hệ Tổng Bí thư đảng là do trình độ tổng thể chưa cao của cơ quan cao nhất trong đảng, vì thế việc lựa chọn Gorbachev là hoàn toàn phù hợp trình độ lãnh đạo hồi ấy, dù rằng nhiều người có tư chất tốt hơn tân Tổng Bí thư, ít nhất là có tính nguyên tắc, có sức hút hơn, dĩ nhiên càng chân thành hơn. Rõ ràng trong các Ủy viên Bộ Chính trị và cán bộ lãnh đạo đảng có những người có đức có tài, nhưng đáng tiếc là họ “không có cơ hội”.

Bài học đảng Cộng sản Liên Xô để mất chính quyền cho thấy muốn giữ được địa vị cầm quyền của đảng Cộng sản thì đảng phải có ưu thế chính trị lớn mạnh, cũng cần phải có ưu thế tài năng vượt trội; không có ưu thế tài năng thì khó mà giữ được ưu thế chính trị.

Tầng lớp tinh anh chính trị không được trở thành “tầng lớp đặc quyền lợi ích”

Tập đoàn cán bộ Liên Xô đã tách rời khỏi quần chúng một cách nghiêm trọng, trở thành tập đoàn lợi ích đặc biệt. Từ thập niên 30 thế kỷ XX, ở Liên Xô bắt đầu xuất hiện mầm mống xấu đặc biệt hóa việc đãi ngộ cán bộ. Hồi ấy người ta thực hiện phương thức “túi tiền”, tức khoản tiền ngoài lương của cán bộ lãnh đạo, có thể từ vài trăm tới vài nghìn rúp, tùy theo địa vị cao thấp, số tiền này cho vào phong bì (“túi tiền”) kín đáo đưa cho cán bộ.

Năm 1935, nhà văn tiến bộ người Pháp Romain Rolland[13] đến thăm Moscow theo lời mời của Gorky, sau đấy ông kể về chuyến đi này với giọng buồn rầu: tầng lớp trên giàu sang ở Liên Xô sống cuộc đời của giai cấp đặc quyền; ngay Gorky “trong các bữa ăn (tuy ông rất ít khi động đến món ăn) cũng phung phí một lượng thực phẩm đủ để nhiều gia đình dùng, và như vậy, một cách vô tư, ông đang sống như một lãnh chúa phong kiến mà không cảm thấy mình đang được hưởng bất kỳ sự hưởng thụ nào”.

[13] Romain Rolland: 1866-1944, nhà văn, nhà hoạt động xã hội chống chiến tranh, giải Nobel Văn năm 1915.

Năm 1976, nhân dịp Brezhnev 70 tuổi, khắp Liên Xô dấy lên một cao trào dâng quà mừng thọ. Nước cộng hòa Azerbaijan biếu ông một bức tượng bán thân Brezhnev đúc bằng vàng ròng. Mức độ tham nhũng của Gorbachev còn hơn cả các vị tiền nhiệm. Ông làm cho mình tòa biệt thự Foros (ở bờ Nam bán đảo Crimea) tốn 850 triệu rúp, tương đương 110,5 triệu USD theo thời giá năm 1986. Biệt thự Livadia của Brezhnev đã rất sang trọng rồi thế mà so với biệt thự của Gorbachev thì chỉ như “một túp lều xoàng xĩnh”.

Trong thời kỳ Liên Xô biến động lớn, có học giả đã tiến hành điều tra xã hội theo câu hỏi “Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho ai?”. Kết quả cho thấy: có 7% cho rằng đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho nhân dân lao động, 4% cho rằng đảng đại diện giai cấp công nhân, 11% cho rằng đảng đại diện cho toàn thể đảng viên, nhưng số người cho rằng đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho tầng lớp quan chức, cán bộ, nhân viên cơ quan của đảng lên tới 85%. Một chính đảng thoát ly quần chúng nhân dân nghiêm trọng như vậy vào thời điểm quan trọng bị nhân dân vứt bỏ cũng là chuyện tất nhiên.

Sau khi bước lên địa vị cầm quyền, đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì không tách rời quần chúng. Hồi thập niên 50 thế kỷ XX, nhân bài học sự kiện Hungary, Lưu Thiếu Kỳ nói: các nước Đông Âu này có một vấn đề nghiêm trọng là thoát ly quần chúng lao động công nông, “Nếu chúng ta không chú ý” thì trong nhà nước và đảng ta “cũng có thể sinh ra một tầng lớp quý tộc mới”, chúng ta cần “đề phòng nảy sinh một tầng lớp quý tộc mới”. Ông cho rằng đây là “thử thách nghiêm trọng nhất” của đảng cầm quyền. Đồng ý với quan điểm của Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông nói: “Nếu chúng ta không làm tốt việc phấn đấu gian khổ như nhiều đồng chí ta ngày nay vẫn nói, thì “chúng ta nhất định sẽ bị tước mất [vai trò cầm quyền]”.

Làm “người cải cách” khó hơn làm “người cách mạng”

Tầng lớp tinh anh chính trị cần thực hiện chuyển biến từ “người cách mạng” thành “người cải cách”.

Có hai loại nhà chính trị quan trọng nhất trong việc xây dựng đất nước: một là nhà chính trị kiểu cách mạng; hai là nhà chính trị kiểu cải cách. Về cơ bản, những người được gọi là nhà chính trị lớn đều là hai loại nhà chính trị này. Huntington nói: “Người cách mạng bao giờ cũng cố gắng tích lũy chia rẽ, nhưng người cải cách thì phải cố phân tán và tiêu diệt chia rẽ. Người cách mạng cố gắng xơ cứng hóa nền chính trị, người cải cách thì đề xướng tính linh hoạt và tính thích ứng; người cách mạng phải có thể chia tách các thế lực xã hội; người cải cách thì phải nắm được cách điều khiển các thế lực đó. Cho nên người cải cách phải có kỹ xảo chính trị cao hơn người cách mạng”.

Thực ra hai loại người này còn có một khác biệt nữa: người cách mạng bao giờ cũng là động lực của cách mạng chứ không thể trở thành đối tượng của cách mạng; người cải cách vừa là động lực cải cách lại vừa là đối tượng của cải cách. Bởi lẽ cải cách là để giải quyết vấn đề nội bộ, giải quyết vấn đề của mình, thay đổi quyền lực và lợi ích của mình, hạn chế tập đoàn lợi ích đặc biệt. Người cải cách xã hội chủ nghĩa phải trải qua thử thách của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Sự thử thách của “thị trường” đối với người cải cách còn gay go hơn sự thử thách của “chiến trường” đối với người cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh có biết bao cán bộ tự mình gương mẫu xung phong ra trận, không ngại hy sinh. Nhưng ngày nay, ngay cả chế độ khai báo tài sản của quan chức cũng khó thực hiện nổi. Theo điều tra, 97% quan chức phản đối việc công khai tài sản riêng, có quan chức cấp tỉnh còn vặn vẹo: “Tại sao không công bố tài sản của dân”? Kể từ tháng 11/1987 khi các quan chức cấp cao trong chính quyền bắt đầu bàn bạc đẩy mạnh việc công khai tài sản tới nay, hơn 20 năm trôi qua, công tác khai báo tài sản của quan chức Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn thí điểm. Thực thi chế độ quan chức khai báo tài sản là biện pháp chống tham nhũng ít tốn kém nhất, có hiệu quả nhất, được gọi là “Phương án Ánh dương”. Từ Tổng thống Mỹ Bush, Obama cho tới Tổng thống, Thủ tướng Nga, ai cũng đều khai báo công khai tài sản. Sớm hay muộn thì quan chức Trung Quốc sẽ đều phải đi qua cửa ải khai báo tài sản quan chức, vì đây là yêu cầu về tính tiên tiến của đảng viên Cộng sản, là trào lưu của thế giới