Cuộc Chiến Tranh Bắt Buộc - Phần I - Chương 4

Sáng sớm ngày 20 tháng 10, tôi dẫn đầu đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường xuất phát lên Đức Cơ. Xe chạy bon bon trên quốc lộ 14 về huớng Pleiku, nhân dân hai bên trục đường vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Bà con ở một số tỉnh phía bắc vào vùng kinh tế mới đã dựng lên các dãy nhà lợp tranh, vách đất dọc hai bên đường, tập trung nhiều ở khu vực ngã ba đường số 7 và đường 14. Tuy nhiên, trong đàu óc tôi lại suy nghĩ việc khác. Trên đường đi, chúng tôi đã tự sắp xếp cho mình những công việc phải làm như tổ chức các mũi trinh sát, dự kiến phân công cán bộ, công tác bảo đảm thông tin liên lạc…

Tôi nhắc đồng chí Dương Minh Vui - chủ nhiệm trinh sát và đồng chí Nguyễn Hồng Vân - trưởng ban tác chiến:

- Các cậu lên tới nơi nhớ xin bản đồ, địa bàn cho đủ. Như lần trước thì rất khó khăn cho anh em. Lần trước may mắn nhờ anh em trung đoàn bộ binh 95 giúp đỡ, nhưng lần này, mình phải chủ động. Riêng đồng chí Vui nhớ quan hệ với trinh sát trung đoàn bộ binh 95 và trinh sát Quân khu, nắm thật chắc tình hình địch. Vì ta đã rời địa bàn này một tháng trời rồi, trong khi kẻ địch thì luôn luôn thay đổi!

Hai đồng chí cứ vâng vâng, dạ dạ mà không đề nghị gì cả. Có thể các đồng chí cũng đang dè dặt, thận trọng khi chưa biết nhiệm vụ cụ thể ra sao.

Dọc đường vừa nói chuyện, vừa suy nghĩ miên man, chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến nơi.

Trước khi giao nhiệm vụ cụ thể cho trung đoàn bộ binh 31, đồng chí sư đoàn trưởng cho biết một số tình hình địch, tập trung vào mục tiêu được phân công - cao điểm 312.

So với tối hôm qua, tại Sở chỉ huy của trung đoàn vẫn không có gì mới. Tôi nghĩ thầm: “Có lẽ các bố nắm địch không chắc”. Mà đúng vậy, với một đối tượng như thế này quả là rất khó xác định. Cho đến bây giờ vẫn chưa ai xác định được phiên hiệu đơn vị, biên chế, tổ chức, trang bị của địch trên Quân khu Đông Bắc này. Chúng có bao nhiêu sư đoàn, trung đoàn trên các Quân khu và cả nước Campuchia? Chỉ biết rằng qua khai thác tù bình và đào binh thì trên phạm vi tỉnh Ratarakiri, lực lượng chính quy của địch tác chiến với các đơn vị của Quân khu 5 lúc này chỉ có sư đoàn bộ binh 801. Với những điều kiện khó khăn về địa hình, về âm mưu thù đoạn của địch và cả về những mặt hạn chế của trinh sát ta, cho đến giờ này, ta vẫn chưa nắm được và có thể sẽ không nắm được lực lượng, mức độ công sự và hỏa lực của địch trên cao điểm 312. Chỉ biết chắc chắn rằng địch đã bố trí hỏa lực ĐKZ, 12.7 mm và cối 100 mm tại sườn đông mam điểm cao 312 cùng với một lực lượng bộ binh để khống chế đường số 19. Các nơi khác, đặc biệt là ngầm Ô Gia Đao, bộ đội ta đi qua thường xuyên bị phục kích, hoặc giẫm phải mìn. Còn vật cản xung quanh cao điểm 312 thì chủ yếu là mìn với mật độ cao, nhiều loại, nhiều kiểu, được bố trí rất nham hiểm.

Cũng vì mới biết về địch như thế nên đồng chí sư trưởng giao ngay nhiệm vụ cho trung đoàn như sau:

- Trung đoàn bộ binh 31 được sự chi viện trực tiếp của 2 trận địa pháo 155 mm và 105 mm của Quân khu (bố trí tại khu vực ngầm Ô Gia Đao) và sự phối hợp của các đơn vị phía trước (như trung đoàn bộ binh 94) có nhiệm vụ:

1. Tiến công đánh chiếm cao điểm 312, từ đó phát triển chiến đấu xuống trục đường số 19 nhằm giải tỏa đoạn đường từ ngầm Ô Gia Đao đến đoạn tiếp giáp với trung đoàn bộ binh 94, phía tây nam điểm cao 312.

2. Tổ chức chốt giữ các mỏm 1, 2, 3 của cao điểm 312, nhanh chóng củng cố đội hình, sẵn sàng khi có lệnh sẽ cơ động theo nhiệm vụ của Quân khu giao.

- Sở chỉ huy trung đoàn đặt cạnh Sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn bên cạnh đường số 19, phía nam điểm cao 312.

- Vào 17 giờ, ngày 22 tháng 10, phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và báo cáo cho sư đoàn.

Thời gian gấp quá, biết làm thế nào bây giờ? Tình hình khó khăn của trung đoàn thì sư đoàn và Quân khu cũng đã biết mà các đơn vị Bạn đang chiến đấu phía trước lại rất cần sự có mặt của chúng tôi. Nghĩ thế, tôi điện cho đồng chí Vũ Huy Lẫm - chính ủy và đồng chí Trương Đình Xướng - tham mưu trưởng, cơ động bộ đội lên Đức Cơ. Và, ngay chiều tối hôm đó, tổ chức trinh sát điểm cao 312.

Tôi trực tiếp đi trinh sát trên hướng chủ yếu - hướng nam, đông nam điểm cao. Trên hướng này, dự kiến sẽ sử dụng một tiểu đoàn tăng cường, tiểu đoàn bộ binh số 7. Cán bộ đi trinh sát bao gồm đồng chí Lê Văn Thuận - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn số 7 và hai cán bộ đại đội trưởng, đồng chí Dương Minh Vui - chủ nhiệm trinh sát và một số chiến sĩ. Ngoài ra, còn có một số cán bộ chỉ huy hỏa lực của trung đoàn và hỏa lực tăng cường.

Trên hướng tây bắc, dự kiến sử dụng một tiểu đoàn bộ binh số 9 phối hợp với một tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh 276, tỉnh Đắc Lắc, đang hoạt động tại đây. Do đó, trên hướng này, đồng chí trợ lý tác chiến trung đoàn cùng với đồng chí Đinh Văn Tự - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn số 9 và các đại đội trưởng đi trinh sát. Tối 21 tháng 10, lực lượng trinh sát đi trên hướng chủ yếu đã vào đến chân điểm cao 312, thì đồng chí Dương Minh Vui đạp phải mìn bị thương rất nặng. Tuy vậy, công việc vẫn được tiến hành.

Tối hôm đó, đội hình trung đoàn cũng đã cơ động lên Đức Cơ. Quân khu bổ sung cho trung đoàn trên 500 tân binh, hầu hết anh em quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung. Lớp tân binh này vừa mới hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản. Bao gồm các bài bắn súng tập 1, kỹ thuật gỡ và cách bố trí mìn của địch, động tác đào công sự, ngụy trang và chiến thuật từ cá nhân đến tổ 3 người. Có thể nói về quân số là tương đối đủ, đảm bảo được biên chế thấp nhất trong thời chiến (trong chiến tranh vừa qua ta đã thực hiện các biểu biên chế cho từng đơn vị, lấy cơ sở là tiểu đội bộ binh 7, 9, 12 đồng chí)

Công việc bổ sung vũ khí, đạn dược, sinh hoạt bộ đội và làm các công tác khác được thực hiện từ ngày 22 đến chiều ngày 23 tháng 10. Đúng 18 giờ từ vị trí tập kết, các mũi, các hướng tiếp cận tuyến triển khai xuất phát tiến công. Trời mùa dông, vùng rừng núi tối đen như mực, mọi người phải bám sát nhau. Hướng thứ yếu, đường xa phải vòng xuống phía nam rồi ngược lên băng qua đường 19 là nơi địch thường ra phục kích, gài mìn. Ngày hôm trước chúng tôi đã cho trinh sát chốt lại, đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chiến đấu tại chỗ. Vượt qua đường 19 là vào khu vực của một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh 726 đang đóng chốt tại đây. Có thể nói suốt đêm 23 tháng 10, đội hình tiếp cận phải nhích từng bước. Lâu nhất là công tác gỡ mìn địch, rồi đưa từng bộ phận vào chiếm lĩnh.

Các trận địa hỏa lực như pháo 105mm, 155mm của Quân khu đã bố trí từ trước, sẵn sàng chi viện cho bộ đội tiếp cận tuyến xuất phát tiến công. Chỉ còn trận địa ĐKZ75 thì đêm nay mới chiếm lĩnh, để trực tiếp chi viện cho bộ đội đột phá cửa mở, trên hướng chủ yếu của trung đoàn. Cán bộ chỉ huy các cấp chạy ra chạy vào như con thoi để đưa lực lượng vào vị trí, giao nhiệm vụ cho bộ đội tại thực địa và nhắc lại hiệp đồng chiến đấu.

Sườn cao điểm 312 nhiều đá không làm được công sự như mong muốn. Bù vào đó là có nhiều gốc cây to và một số ụ mối. Bộ đội chủ yếu lợi dụng địa hình tự nhiên để triển khai lực lượng. Tôi ở Sở chỉ huy trung đoàn, phía sau đội hình trên hướng chủ yếu, mà trong lòng cứ nôn nao. Nhiều lúc như nín thở theo dõi từng bước tiếp cận của các lực lượng qua mạng thông tin hữu tuyến. Đồng chí trợ lý tác chiến, dưới ánh đèn pin được che sáng, đánh dấu từng vị trí mà các đơn vị đã được triển khai xong lên bản đồ. Mỗi một ký hiệu mũi tên màu đỏ nhích lên đến đâu thì bên dưới có ghi thời gian. Mọi người đều tập trung cao độ tâm trí trong giai đoạn này.

Trên hướng thứ yếu, tôi cử đồng chí Nguyễn Thành Út - Phó chính ủy trung đoàn và một số cán bộ cơ quan tham mưu đi theo để đôn đốc, chỉ đạo và giúp đỡ anh em trong những lúc khó khăn.

Cho đến lúc này, khoảng 23 giờ 30 mạng thông tin liên lạc vẫn thông suốt, chủ yếu trên hướng tiểu đoàn 7. Còn tiểu đoàn 9, trên hướng thứ yếu dùng thông tin vô tuyến, chỉ mở máy “canh” nhưng không được “phát”.

Với địa hình rừng núi, nếu như trước đây, sở trường của bộ đội ta là thường hay tập kích ban đêm, còn bây giờ, điều đó là không thể. Do đó, hợp đồng tác chiến trong trận này và mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 5 giờ sáng ngày 24 tháng 10.

Đồng hồ như chạy chậm lại. Thời gian như dài ra. Tôi ngồi tại Sở chỉ huy trung đoàn mà trong lòng như lửa đốt, xung quanh là các trợ lý tác chiến, trinh sát, thông tin, pháo binh… Ngoài mạng thông tin hữu tuyến còn có tổ máy thông tin vô tuyến của trung đoàn và một tổ của sư đoàn tăng cường xuống để liên lạc với cấp trên. Để bảo đảm hệ thống thông tin chỉ huy luôn được thông suốt, ngoài hai mạng thông tin vô tuyến và hữu tuyến, đồng chí chủ nhiệm thông tin còn đưa đến Sở chỉ huy thêm một tổ ba đồng chí liên lạc chạy bộ. Chúng tôi đã áp dụng mọi biện pháp để lúc nào cũng nắm được tình hình diễn biến trên các hướng và có thể chỉ huy các đơn vị một cách nhanh nhất. Vì vậy, sau khi nổ súng, mỗi một mệnh lệnh đều được phát đi bằng tất cả mọi phương tiện.

5 giờ rồi, 6 giờ đã trôi qua mà trời chưa sáng hẳn. Trên các hướng đã chiếm lĩnh trận địa một cách thuận lợi.

Sương mù dày đặc, trắng như bông trùm xuống các điểm cao. Đến 7 giờ 30, cao điểm 312 chỉ còn một lớp mây trắng bao quanh sườn núi như một vành khăn tang. Trên hướng chủ yếu, đồng chí Lê Văn Thuận - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 báo cáo là anh đã nhìn thấy rõ đỉnh đồi và một số công sự được xếp lại bằng đá cách tuyến xuất phát xung phong chưa đầy 200 m. Đài quan sát pháo binh của Quân khu cũng báo cáo là đã nhìn thấy rõ đỉnh của ba mỏm đồi thuộc điểm cao 312.

Đồng chí Lê Chí Thuận - sư đoàn trưởng điện cho tôi hỏi:

- Đã nổ súng được chưa?

Tuy đây không phải là lần đầu tiên ra trận, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy hồi hộp.

- Đề nghị thủ trưởng cho nổ súng! - Tôi báo cáo với đồng chí sư trưởng.

Sau khi được cấp trên cho phép, tôi ra lệnh nổ súng. Lập tức các trận địa pháo, cối của Quân khu và sư đoàn dồn dập nện xuống các mục tiêu theo kế hoạch hiệp đồng. Tiếng nổ ầm ầm của đạn pháo, đất đá văng tứ tung, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Đạn ĐKZ xé tan không khí nghe chát chúa. Cả một vùng rừng núi ầm ầm tiếng nổ.

Bộ đội trên các hướng vẫn tận dụng những yếu tố bất ngờ vận động tiếp cận vào gần mục tiêu hơn. Anh em lợi dụng những gốc cây, ụ mối di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác, dưới sự chi viện của hỏa lực pháo binh. Phải nói rằng lớp chiến sĩ vừa mới được bổ sung hôm qua, tuy lần đầu ra trận nhưng thể hiện được tinh thần dũng cảm chiến đấu. Họ đã vận động dưới làn đạn của ta bay vèo vèo trên đầu mà không hề biết sợ, cứ thế xông lên.

Sau 15 phút pháo bắn dồn dập lên đỉnh đồi, bộ đội ta ào ào xung phong đánh chiếm các mục tiêu trên sườn đồi và phát triển lên đỉnh đồi. Lợi dụng địa hình điểm cao khống chế, địch chống trả quyết liệt. Với lối đánh táo bạo và tinh thần tiến công kiên quyết của bộ đội ta, nhưng bọn địch vẫn chống trả đến cùng. Tiểu đoàn 7 đã phải tổ chức nhiều đợt công kích liên tiếp, mới làm chủ được mỏm 1. Địch bỏ lại nhiều xác chết. Số còn lại di chuyển sang mỏm đồi thứ 2, trên hướng của tiểu đoàn 9. Tôi rời Sở chỉ huy mang theo một máy thông tin vô tuyến rồi kéo cả đồng chí Thuận chạy lên. Tại đây, bộ đội ta đã làm chủ, đang khẩn trương tổ chức triển khai đội hình tiến công sang mỏm 2.

Đồng chí Thuận đã cơ động kịp thời khẩu ĐKZ75, một khẩu súng máy 12,7 mm và cùng mấy khẩu cối 60 mm của các đại đội lên trước triển khai hai bên sườn mỏm 1 và chế áp mãnh liệt cao điểm số 2. Chẳng mấy chốc bộ đội ta đã chiếm được cao điểm này.

Phải thừa nhận đồng chí Thuận nắm bộ đội rất chắc, tiến tới đâu là kịp thời đưa hỏa lực lên đến đó. Bình thường trong sinh hoạt, tác phong đồng chí chậm chạp, bản tính thật thà, nên ai cũng quý mến. Trong chiến đấu đồng chí lại rất bình tĩnh và kiên quyết. Sau này đồng chí đã trở thành một cán bộ sư đoàn, có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường.

Tại cao điểm số 3, hướng của tiểu đoàn bộ binh số 9, bọn tàn quân từ cao điểm 1 và 2 chạy dồn sang, ra sức kháng cự một cách ngoan cố. Đến 13 giờ, mà tiểu đoàn bộ binh số 9 vẫn chưa tiến lên được. Địch từ trên cao bắn xuống rất rát, đạn bay rít trên đầu. Tiểu đoàn 9 phải nằm lại trên trận địa của tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh 726. Tình hình quá căng thẳng, tôi cũng một tổ trinh sát vận động sang và cùng với đồng chí Nguyễn Thành Út tổ chức cho tiểu đoàn 9 tiếp tục công kích. Được sự phối hợp của tiểu đoàn bộ binh 7 từ cao điểm số 2 tiến công sang, tiểu đoàn bộ binh 9 xung phong liên tục và làm chủ được điểm cao số 3. Địch bỏ trận địa, chạy xuống bờ sông Tôn-lê San. Chúng di chuyển về hướng tây, rồi vòng xuống, đánh tạt sườn vào phía sau tiểu đoàn bộ binh 9 và tiểu đoàn bộ binh 3 của trung đoàn bộ binh 726. Ta lại phải tổ chức đánh phản kích, đồng thời, củng cố trận địa vừa mới chiếm được.

Vào 15 giờ ngày 24 tháng 10, trung đoàn bộ binh 31 hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt tại chỗ 66 tên, thu 23 khẩu súng các loại.

Phối hợp với trung đoàn bộ binh 31, trung đoàn bộ binh 94 và một số lực lượng khác cũng tiến công các toán địch trên đường số 19 và lực lượng của chúng ở sườn tây nam cao điểm 312, cách mặt đường số 19 khoảng 200m. Đến chiều ngày 24 tháng 10, đường số 19 được giải tỏa thông suốt nối liền tiền tuyến với hậu phương. Các đơn vị ở phía trước rất phấn khởi. Như vậy, trận đầu ra quân của sư đoàn bộ binh 309 hoàn toàn thắng lợi. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là nền tảng, là trang sử hiển hách đầu tiên của sư đoàn.

Quân khu Đông Bắc là một địa bàn chiến lược quan trọng đối với chiến trường Campuchia. Đường quốc lộ số 19 nối với đường quốc lộ số 14, Việt Nam chạy xuyên qua tỉnh Ratanakiri đến thị trấn Bô Keo, qua Stưng Treng, Prêch-vi-hia rồi đến các tỉnh phía bắc và tây bắc Campuchia.

Sau một loạt những trận chiến đấu mở màn, ta đã đưa chiến tranh sang đất đối phương, giải phóng được một khu vực rộng lớn. Địch bị đẩy sâu vào nội địa.

Đối với ta, đây là một địa bàn rất quan trọng. Trước mắt cùng với các hướng khác, chúng ta đã loại trừ được mối nguy cơ đe dọa tình hình an ninh quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Nguyên. Sau nữa, đây là bàn đạp lý tưởng bảo đảm triển khai đội hình tổng tiến công trên một hướng chiến dịch, có ý nghĩa chiến lược của quân đội ta ở phía tây nam.

Vì vậy, cuộc chiến đấu ở nơi đây giữa ta và địch ngày càng quyết liệt.

Sau khi ta đánh chiếm cao điểm 312, giải tỏa đường 19, nối liền các đơn vị phía trước với phía sau, Quân khu đã đưa một bộ phận lực lượng lên chốt giữ. Trung đoàn bộ binh 31 cơ động xuống sườn phía nam để ngăn chặn địch phản kích ở cao điểm 230, đoạn Phinây-đồi không tên, phía nam đường số 19 gần 2 km.

Sư đoàn bộ binh 801 Pôn Pốt, đã vòng xuống phía nam hòng đột kích vào sườn cánh trái của đội hình hướng Quân khu 5.

Thắng lợi của Trung đoàn bộ binh 31 tại cụm điểm cao 312 đã khích lệ các đơn vị trong sư đoàn và trên toàn bộ Mặt trận Đông Bắc. Trong các đơn vị dấy lên một phong trào thi đua giết giặc lập công.

Trung đoàn bộ binh 96 bắt đầu bước vào chiến đấu bên cạnh trung đoàn bộ binh 31. Là một trung đoàn có bề dày lịch sử từ cuộc chiến tranh chống Pháp rồi đến chiến tranh chống Mỹ, trung đoàn bộ binh 96 đã làm nên những chiến công hiển hách cùng các lực lượng vũ trang Quân khu 5, giải phóng thị xã Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và đảm nhiệm trên hướng quan trọng giải phóng thành phố Đà Nẵng trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, trung đoàn bộ binh 96 được điều về đứng trong đội hình sư đoàn bộ binh 309. Người trung đoàn trưởng đầu tiên trong thời gian này là thiếu tá Huỳnh Kim Sơn và chính ủy trung đoàn là thiếu tá Lê Đình Phùng. Sở trường chiến đấu của trung đoàn bộ binh 96 là đánh vận động. Sau này, trong nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, trung đoàn bộ binh 96 cũng là một trung đoàn luôn hoàn thành nhiệm vụ trong tác chiến vận động và chiến đấu phòng ngự trong những điều kiện bất lợi.

Thời gian này, trong nhiệm vụ đánh địch phản kích giữ vững và phát triển thế tiến công, trung đoàn bộ binh 96 đã từ căn cứ đóng quân ở chân đèo An Khê - tỉnh Gia Lai, cơ động lên ngăn chặn địch ở khu vực điểm cao 230 đến Phi-nây, cùng với trung đoàn bộ binh 31. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt.

Tại khu vực này, địch có một trung đoàn bộ binh, được rải ra trên một tuyến dài khoảng 5km hòng ngăn chặn sự phát triển mở rộng bàn đạp của ta. Lực lượng của địch trực tiếp đối đầu với ta được bố trí như sau:

- Một tiểu đoàn ở khu vực cao điểm 230.

- Một tiểu đoàn ở khu vực đồi không tên.

- Sở chỉ huy và một tiểu đoàn cùng với trận địa hỏa lực cối 120 mm ở khu vực làng Phinây.

Tuy đã hình thành một tuyến ngăn chặn như vậy, nhưng địch không hề phòng ngự thụ động, cố định, mà mục tiêu luôn luôn cơ động, biến đổi. Chúng đã tích cực áp dụng lối đánh luồn sâu, vu hồi hai bên sườn và phía sau đội hình của ta.

Có thể nói, bước đầu, những đơn vị của ta từ phía sau được đưa lên đây chiến đấu có phần lúng túng. Thêm vào đó là địa hình ở đây là rừng già, rừng tái sinh kín mít, rất khó cơ động những lực lượng lớn. Khắp nơi, từ phía trước, phía sau và hai bên, súng địch nổ liên tục, những lại không thấy rõ mục tiêu cụ thể nào để tiến công. Nhiều lúc ta phải nổ súng tiêu diệt những mục tiêu nhỏ lẻ và phải đánh vỗ mặt. Tình hình có nhiều bất lợi. Bộ đội ta ngày nào cũng có thương vong. Có khi thương vong do mìn địch, có khi bị chúng phục kích sâu trong đội hình của ta. Và, đặc biệt là trận địa cối 120 mm ở Phi-nây đã gây không ít khó khăn cho các đơn vị ở đây.

Phải bằng mọi giá tiêu diệt bằng được trận địa cối này! Buộc chúng phải câm họng. Vấn đề quan trọng bây giờ là công tác trung đoàn nắm địch.

Tất cả những ai đã từng kinh qua chiến đấu ở đây đều biết, việc trinh sát nắm địch là rất khó khăn. Mục tiêu Sở chỉ huy và trận địa hỏa lực của địch đặt sâu trong đội hình phía sau. Phía trước, chính diện với các đơn vị của ta, thì địch đang bu bám. Mỗi hành động của ta lúc này đều không lọt được qua các bộ phận tiền tiêu của địch. Anh em ta chỉ dựa vào bản đồ, địa bàn, và tính toán cự ly bằng tiếng động từ khi trận địa cối “đề-pa” đến khi tiếng nổ của quả đạn mà xác định trận địa cối của kẻ địch ở ngay tại Phi-nây - một phum nhỏ hẹp. Các trận địa cối, pháo của ta bắn mãi mà không trúng. Sư đoàn đã chỉ thị ngay cho tổ trinh sát, trong đó có đồng chí Phạm Văn Mai, phải “mò” cho bằng được trận địa cối này của địch.

Phạm Văn Mai là một cán bộ trinh sát rất bình tĩnh, gan dạ và là một cán bộ xuất sắc trong công tác trinh sát. Trong trận đánh vào Phi-nây, đồng chí đã vào ngay trận địa cối của địch, giúp cho sư đoàn hạ quyết tâm chính xác. Dù kẻ địch có nham hiểm che mắt ta đến đâu, đồng chí cũng “mò” ra được nơi ở của chúng. Tôi là một trong những cán bộ chỉ huy đã đi điều nghiên với đồng chí và các chiến sĩ trinh sát của đồng chí rất nhiều lần. Lần nào có Mai đi cùng, tôi cũng cảm thấy rất yên tâm.

Phạm Văn Mai có dáng người thâm thấp cao chưa đến 1m60, nước da ngăm đen vì thường xuyên dãi dầm mưa nắng, đôi môi tái nhợt vì bị sốt rét nhiều. Sau khi chuyển sang địa bàn Bát Tam Băng, từ một trợ lý trinh sát, anh đã được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trinh sát 21 của sư đoàn bộ binh 309. Có lần anh tổ chức, đưa đoàn cán bộ trinh sát của sư đoàn và trung đoàn bộ binh 31, gồm có tôi, đồng chí Đào Quang Năm - phó sư đoàn trưởng và một số đồng chí khác luồn sâu vào đất Thái Lan trên 10 km để tìm căn cứ của Pôn Pốt. Chuyến đi này rất thành công. Sau đó, anh lại tiếp tục dẫn một đoàn cán bộ khác do đồng chí Nguyễn Văn Táo - phó trung đoàn trưởng đi tiếp. Trên đường về, đơn vị lại bị địch bám theo tập kích vào đội hình lúc anh em dừng lại nghỉ giải lao trên đất Thái Lan. Ở “nhà” chúng tôi bắt được đài kỹ thuật, biết được số cán bộ của ta bị đích tập kích, thu một số trang bị. Nhưng rất may dưới sự dẫn đường của tổ trinh sát do anh chỉ huy, đã đưa được cán bộ về nơi an toàn cả người và vũ khí. Trong các trận tiến công hàng loạt vào các căn cứ địch từ Phnôm Mê Lai đến Ô-đa sau này, nhiều lần các toán trinh sát do Phạm Văn Mai chỉ huy, đã luồn sang đất Thái Lan, bọc phía sau các căn cứ địch dọc tuyến biên giới. Do vậy, trước khi tiến công địch, sư đoàn đã nắm chính xác được các mục tiêu.

Trong các trận tiến công vào Phi-nây lần này, nhờ công tác trinh sát tốt, nắm rõ được mục tiêu mà ngay từ đầu, sư đoàn đã tập trung được hỏa lực, tiêu diệt được trận địa cối và Sở chỉ huy của địch ở đây.

Trong trận này, sư đoàn đã đưa pháo 105 mm và pháo phòng không 37 mm vào gần, hạ nòng bắn theo tà âm. Với sức công phá của pháo 105 mm bắn thẳng và đạn pháo phòng không 37 mm vướng vào cây nổ từ trên cao chụp xuống đã uy hiếp mạnh mẽ tinh thần của địch. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, trung đoàn bộ binh 812 đã đánh chiếm mục tiêu Phi-nây mở toang được cánh để đưa đội hình chiến dịch vào tổng tiến công trên hướng của Quân khu 5.