Cuộc Chiến Tranh Bắt Buộc - Phần II - Chương 7

Đầu 1983, Sở chỉ huy tiền phương cùng với các trận địa pháo của sư đoàn bộ binh 309 đã được triển khai tại chân cao điểm 309 về phía đông bắc Ô-đa, cách biên giới Campuchia - Thái Lan khoảng 8 - 10 km. Trung đoàn bộ binh 31 lại được giao nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ của trung đoàn bộ binh 905 thuộc sư đoàn bộ binh 320 Pôn Pốt, phía bắc Ô-đa lần thứ 2.

Trung đoàn bộ binh 96 cùng với một lực lượng của sư đoàn bộ binh số 6 của Bạn từ Nam-sấp nống ra biên giới, đoạn Phnôm Mê Lai-Sơ-đa.

Về phía nam, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh 812, ra chiếm lĩnh khu vực Ô-đa, sát biên giới.

Năm đó, chúng tôi đón một cái tết cổ truyền ngay trên tuyến biên giới xa xôi trong một mùa khô khắc nghiệt. Đồng chí Phó tư lệnh về chính trị Mặt trận 479 cùng với một số đồng chí trên cơ quan Mặt trận cũng có mặt tại Sở chỉ huy sư đoàn. Trong giờ phút đón Xuân, chúng tôi đã trao cho nhau những viên kẹo, điếu thuốc ấm tình hậu phương - tiền tuyến, nâng chén rượu nồng mà bồi hồi nhớ đến hậu phương, gia đình và bè bạn…

Bỗng đồng chí trợ lý trinh sát chạy sang hầm chỉ huy báo cáo:

- Theo đài kỹ thuật, ta nắm được tin, địch đã phát hiện được đường dây điện thoại của ta từ Sở chỉ huy sư đoàn ra Ô-đa, nơi mà tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh 812 đang chốt giữ. Chúng đã cắt đường dây điện thoại và phục kích ta tại đó...!

Nghe xong, tôi cùng với một trợ lý tác chiến và một tổ vệ binh trực tiếp đến ngã ba đường mòn, dùng trong nội bộ với mục đích là để chặn lại tất cả những lực lượng đi ra phía trước theo đường dây điện thoại, đồng thời phổ biến cho anh em xuyên đường khác mà đi.

Không may cho trung đội vận tải của tiểu đoàn vận tải 19 thuộc sư đoàn đã đi qua từ lúc 7 giờ sáng. Quả nhiên khoảng 7 giờ 30 thì lực lượng vận tải này bị địch phục kích trên đường. Một số đồng chí bị hy sinh và bị thương, mất toàn bộ số quà Tết từ phía sau đưa lên cho tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh 812.

Trong số hy sinh, tôi còn nhớ có đồng chí Nguyễn Văn Bình, một cán bộ cơ sở phân đội vừa mới từ hậu phương sang. Vì hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, muốn xin về quê một thời gian để giải quyết.

Sau khi bàn bạc với cơ quan hậu cần, cơ quan cán bộ thống nhất giữ đồng chí lại ở cơ quan để giải quyết các thủ tục, chuyển đồng chí về hậu phương. Trong lúc chờ đơi, đồng chí xung phong cùng với trung đội vận tải, chuyển hàng lên biên giới và đã bị địch phục kích. Chúng tôi và gia đình đồng chí rất đau xót…

Trong đợt ra quân lần này, có sự kết hợp giữa lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và các sư đoàn bộ binh chủ lực của Bạn. Vì vậy, tại Sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi, lúc này còn có cả đồng chí đại tá Hồ Đình Quỳ - chuyên gia tham mưu trưởng Sở chỉ huy khu vực 4 - cùng nhiều đồng chí khác cũng có mặt, và cùng chia sẻ với chúng tôi những khó khăn, cũng như những thuận lợi trong mùa khô nóng bỏng này. Các đồng chí theo sát đội hình để cùng chúng tôi rút kinh nghiệm, phục vụ cho công tác giúp Bạn sau này được tốt hơn.

Trong đợt hoạt động này, trung đoàn bộ binh 31 được tăng cường một đại đội xe tăng của Bạn, cùng tiến công, đánh chiếm căn cứ trung đoàn 905 của địch ở bắc Ô-đa.

Trong đợt truy quét, đánh chiếm các căn cứ địch lần này, có nhiều thuận lợi hơn lần trước, vì địa hình ở đây bộ đội chúng ta đã quen thuộc, đường cơ động đã được chuẩn bị từ trước. Song, xung quanh các căn cứ và trên các trục đường, địch đã bố trí mìn với mật độ cao hơn, thủ đoạn tinh vi hơn.

Đầu tháng 4 năm 1983, các lực lượng của ta và Bạn trên tuyến biên giới gia tăng các hoạt động. Trung đoàn bộ binh 31 kết hợp đại đội xe tăng của Bạn đã tiến công căn cứ trung đoàn bộ binh 905 Pôn Pốt ở bắc Ô-đa, tiêu diệt một bộ phận quân địch, số còn lại chạy sang đất Thái Lan. Chớp thời cơ, ta phát triển tiến công lên Sơ-đa, (một căn cứ khác của sư đoàn bác 320 Pôn Pốt) cách căn cứ trung đoàn bộ binh 905 của chúng khoảng 2 km, về phía bắc. Trên đường phát triển, địch đã bố trí mìn dày đặc, kết hợp với lực lượng bộ binh ngăn chặn ta từng bước. Để tăng tốc độ tiến công, tôi đã ra lệnh cho công binh sư đoàn, làm gấp một đoạn đường và đưa được 2 xe tăng M113 lên triển khai tại cao điểm 255, nằm về phía đông Sơ-đa khoảng trên 500 m, với mục đích là dùng hỏa lực ĐKZ75 trên xe bắn xuống Sơ-đa, chi viện cho trung đoàn bộ binh 31 đánh chiếm căn cứ địch. Tuy cự ly hơi xa, nhưng từ trên cao, quan sát mục tiêu dễ, hỏa lực của ta đã phát huy tốt, tạo thuận lợi cho bộ binh phát triển tiến công.

Căn cứ địch nằm sát đường biên giới, chúng dựa vào đất Thái Lan để chống trả ta quyết liệt. Khi tiến công các căn cứ dọc biên giới Campuchia - Thái Lan, một vấn đề đặt ra cho các lực lượng của ta là làm thế nào để tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch? Bởi vì, phía sau các căn cứ đó là “đất thánh” Thái Lan. Nếu đánh chiếm các căn cứ của bọn Pôn Pốt trên phần lãnh thổ thuộc Campuchia thì lực lượng ta thường phải tiến công vỗ mặt. Khi có nguy cơ bị tiêu diệt thì kẻ địch vượt qua đất Thái Lan một cách dễ dàng. Như vậy, không bao giờ có thể tiêu diệt được nhiều sinh lực của chúng.

Có nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng ta vòng qua đất Thái Lan để hình thành thế bao vây, vu hồi vào phía sau căn cứ địch thì lại vi phạm chủ quyền của Thái Lan. Về tâm lý của người trực tiếp chiến đấu thì mỗi khi bước qua cái ranh giới giữa hai nước, đặt chân lên đất Thái Lan, đều cảm thấy ngại ngùng, phân vân.

Sau nhiều lần suy nghĩ, chúng tôi đã đi đến quyết định phải tiến hành tổ chức những mũi vu hồi qua đất Thái Lan trong một phạm vi cần thiết. Có như vậy mới tiêu diệt được sinh lực địch, mới phá vỡ được thế trận của chúng, làm cho chúng tan rã nhanh chóng. Trong trận này để dứt điểm được mục tiêu càng sớm càng tốt, tôi đã ra lệnh cho trung đoàn bộ binh 31:

- Tổ chức ngay một mũi vu hồi, vượt sang lãnh thổ Thái Lan đánh chiếm cao điểm 263 (điểm cao này thuộc lãnh thổ Thái Lan, nằm hoàn toàn phía sau của căn cứ địch, cách biên giới Thái Lan khoảng gần 1 km), đồng thời tổ chức một mũi đột kích từ phía sau vào Sơ-đa”.

Trung đoàn bộ binh 31 chấp hành nghiêm lệnh này. Đồng chí trung đoàn trưởng đã tổ chức một đại đội thuộc tiểu đoàn 7, vượt qua biên giới, đánh chiếm cao điểm 263. Bị tiến công bất ngờ, bọn lính Pôn Pốt ở cao điểm 263 bỏ chạy. Ta tiêu diệt được một số địch, thu một khẩu súng máy 12,7 mm.

Bị tiến công từ sau lưng, địch trong căn cứ Sơ-đa bỏ chạy lên căn cứ phía bắc Phnôm Mê Lai. Trung đoàn bộ binh 31 làm chủ hoàn toàn căn cứ Sơ-đa.

Những năm đầu, trung đoàn bộ binh 31, vừa là đơn vị chủ công của sư đoàn bộ binh 309, vừa là đơn vị cơ động của Mặt trận 479, do đó thường được giao các nhiệm vụ chủ yếu và mục tiêu then chốt. Trung đoàn có sở trường đánh vận động, tập kích hiệp đồng binh chủng và nhất là đánh địch ở điểm cao. Là đơn vị 2 lần anh hùng, trung đoàn bộ binh 31 đã thể hiện được tác phong “đã đi là đến, đã đánh là diệt gọn”. Điều này đã được thể hiện từ kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam.

Từ khi cơ động lên địa bàn phía tây tỉnh Bát Tam Băng, trung đoàn đã chiến đấu liên tục trên mọi địa hình, mọi thời tiết, đánh chiếm hầu như tất cả các căn cứ địch trên tuyến biên giới phía tây tỉnh Bát Tam Băng. Khi đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn bộ binh 31, thì người chỉ huy ở giai đoạn nào cũng cảm thấy yên tâm, tin tưởng trung đoàn sẽ hoàn thành được nhiệm vụ. Bởi vậy mà các thế hệ cán bộ của trung đoàn bộ binh 31 luôn được rèn luyện trưởng thành nhanh chóng. Có nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước và quân đội ta.

Kinh nghiệm từ trận tiến công căn cứ Ô-đa, Sơ-đa thành công. Sau này, mỗi khi đánh chiếm các căn cứ dọc biên giới, chúng tôi thường tổ chức những mũi vu hồi, mạnh dạn vượt qua biên giới Thái Lan để thực hiện việc đánh vào bên sườn, bọc hậu căn cứ địch, đây cũng là một chiến thuật hiệu nghiệm trong khi tiến hành phục kích, diệt địch tháo chạy và ngăn chặn địch phản kích rất có hiệu quả.

Tôi nhớ cũng trong mùa khô năm 1982 - 1983, khi tiến công một loạt các căn cứ còn lại dọc biên giới từ Ô-đa xuống Com Riêng, trung đoàn bộ binh 31 đã cho một lực lượng vượt qua biên giới Campuchia - Thái Lan, bố trí phục kích trên một con đường mòn chạy từ phía nam lên Ô-đa - con đường này thuộc lãnh thổ Thái Lan. Trong lúc ta đang tiến công vào trận địa, thì có một toán lính theo con đường này tiến vào trận địa, anh em đã nổ súng diệt gọn toán địch. Khi tiến lên thu vũ khí, mới biết được toán địch này là lính biên phòng Thái Lan qua trang bị, phù hiệu và cấp hiệu đeo trên ve áo.

Lập tức, máy bay trinh sát và máy bay C130 của không lực Thái lên quần lượn và bắn phá dọc biên giới. Chúng đã dùng súng mát 12,7 mm từ trên máy bay vãi đạn xuống đội hình của quân ta.

Trước tình hình đó, các đơn vị điện lên Sở chỉ huy sư đoàn:

- Có được bắn máy bay không?

Đây là một tình huống ngoài dự kiến nên chưa có sự chuẩn bị trước. Chúng tôi đã báo cáo lên Sở chỉ huy Mặt trận. Hôm sau, Mặt trận tăng cường xuống cho chúng tôi mấy cơ cấu phóng A72 (loại tên lửa vác vai đi theo đội hình bộ binh).

Tôi ra lệnh cho các đơn vị:

- Hãy sẵn sàng! Nếu máy bay bắn vào đội hình của ta thì kiên quyết phải bắn hạ!

Song do địa hình ở đây có ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật của loại súng hỏa tiễn này và cũng do trình độ sử dụng súng của anh em chưa tốt, nên khi có máy bay, ta bắn đến 5 quả đạn mà không đạt được kết quả. Tuy nhiên, đây cùng là lời cảnh cáo đối với nhà cầm quyền Thái Lan đã dung túng, bao che cho bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Sở dĩ các căn cứ của địch còn tồn tại được ở dọc tuyến biên giới là còn dựa được vào sự hậu thuẫn của chính quyền Thái Lan. Do vậy, họ cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Sau kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ ở tuyến biên giới phía tây tỉnh Bát Tam Băng, trung đoàn bộ binh 31 lại được lệnh cơ động lên phía bắc, làm lực lượng tăng phái cho sư đoàn vv 5 tiến công, đánh chiếm căn cứ Đăng Cum thuộc sư đoàn bộ binh 519 Pôn Pốt. Trong trận này, trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu được 45 tên địch, thu 259 súng các loại. Qua đợt hoạt động này, trung đoàn bộ binh 31 được Bộ tư lệnh Mặt trận đánh giá là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đề nghị tặng Huân chương chiến công hạng 2.

Cùng thời gian trên, tại khu vực thị trấn Pailin, phía nam đường 10, Tà Sanh - Sầm Lốt, các trung đoàn 812, 250 của sư đoàn bộ binh 309 cùng với sư đoàn bộ binh 196 của Bạn, cũng tiến công địch liên tục. Tại núi Tà Đạt, trung đoàn bộ binh 250 và một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh 812 đã tiêu diệt 56 tên, thuộc sư đoàn bộ binh 221 Pôn Pốt, thu 17 súng.

Trên hướng Nam-sấp, trung đoàn bộ binh 96 phối hợp cùng sư đoàn bộ binh 6 của Bạn cũng đánh được một số trận cấp phân đội, xung quanh điểm cao 230, khu vực Bua và phía nam Phnôm Mê Lai.

Nhìn chung, trong mùa khô này, trên toàn bộ chiến trường thuộc t4, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam và lực lượng vũ trang của Bạn trên tuyến biên giới, cũng như trong nội địa, hoạt động tương đối đều và có hiệu quả cao. Múc độ thâm nhập, đánh phá của địch giảm đáng kể. Đặc biệt là qua hoạt động, Lê Văn Thuận của Bạn đã có những bước trưởng thành nhanh chóng. Đồng thời với hoạt động quân sự, chính quyền các cấp của Bạn cùng với các tổ chức quần chúng ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng và vận động địch ra đầu hàng, đầu thú. Đó là những tín hiệu đáng mừng trong phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân ở đây. Từ những hoạt động tích cực, có hiệu quả, trong những năm qua, đặc biệt là trong các mùa khô 1981 - 1982 và 1982 - 1983, sư đoàn bộ binh 309 đã được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng và Nhà nước ta tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng nhận được danh hiệu cao quý đó còn có: trung đoàn bộ binh 31 (tuyên dương lần thứ 2), trung đoàn bộ binh 250, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh 812, tiểu đoàn 7 thuộc trung đoàn bộ binh 31, tiểu đoàn 25 công binh, tiểu đoàn 26 thông tin, đại đội 5 thuộc tiểu đoàn 8 (trung đoàn bộ binh 31).

Là một đơn vị mới thành lập trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, sư đoàn bộ binh 309 đã có một bề dày thành tích trong chiến đấu và giúp Bạn. Các tầng lớp cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn mãi mãi biết ơn sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và nhân dân ta; sự giúp đỡ to lớn của cơ quan các cấp, các ngành, của Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ tư lệnh Mặt trận 479; sự giúp đỡ chí tình của các đơn vị trên mặt trận và sự giúp đỡ của chính quyền lực lượng vũ trang Bạn.

Có được thành tích này, phải kể đến sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn, đặc biệt là các chiến sĩ đã hy sinh và bị thương trong chiến đấu. Chính họ là những người đã trực tiếp viết nên những trang sử vẻ vang đầu tiên của sư đoàn.

Toàn thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 309 chúng tôi nguyện sẽ làm hết sức mình để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và Quân đội đã giao phó trong nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Như vậy, đến cuối năm 1983, sư đoàn bộ binh 309 và các đơn vị khác thuộc quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam trên Mặt trận 479 có mặt ở hai tỉnh trọng điểm Xiêm Riệp - Bát Tam Băng đã được gần 5 năm. Với chừng ấy thời gian, các đơn vị thuộc Mặt trận 479 nói chung, sư đoàn bộ binh 309 quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bát Tam Băng nói riêng, đã cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực rất lớn trong việc tiêu diệt địch để làm chủ địa bàn, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang giúp Bạn từ con số “0”. Đến thời điểm này, chính quyền và lực lượng vũ trang Bạn đã có thể đảm đương được một phần quan trọng công việc quản lý đất nước.

Ở đây trong phạm vi có thể, tôi cũng chỉ nêu lên một cách khái quát các hoạt động chủ yếu của một sư đoàn bộ binh quân tình nguyện Việt Nam và một số hoạt động của đội ngũ chuyên gia Việt Nam, cũng như sự phối hợp của lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, trên một hướng của Mặt trận 479. Tất nhiên những hoạt động đó không mang tính độc lập, mà nó nằm trong một chủ trương chung, dưới sự chỉ đạo toàn diện và thống nhất từ cơ quan, Bộ tư lệnh 719, đến Mặt trận 479.

Theo những gì tôi được biết, các hướng khác của Mặt trận 479, 579, 779 và 979, cũng đạt được những thành tựu to lớn đối với nhiệm vụ quốc tế trên đất nước láng giềng này. Những vấn đề đó, kết quả đó, sẽ do các nhà chỉ đạo chiến lược, các vị chỉ huy và lãnh đạo trên các chiến trường sẽ chứng minh.

Chiến dịch K5

Cuộc cách mạng của mỗi nước phải do chính nhân dân nước đó quyết định! Đó là một nguyên lý bất di bất dịch, dù ở thời đại nào cũng vậy.

Ở Campuchia, sau gần 2 năm cầm quyền, chính phủ phản động Campuchia Dân chủ đã phản bội nhân dân Campuchia, thực hiện một chính sách hà khắc, biến đất nước Campuchia - đất nước có nền văn hóa Ăng-ko huy hoàng, trở thành đống đổ nát, hoang tàn, phá vỡ toàn bộ một nền móng xã hội.

Với quy luật “có áp bức thì có đấu tranh”, nhân dân Campuchia đã dám đứng lên, chống lại chế độ diệt chủng để tự cứu lấy mình…

Song, những ngày đầu cuộc chính biến, những nhà cách mạng Campuchia chân chính chưa có cơ sở, lực lượng để tự mình lật đổ chính quyền tay sai phản động. Nói đúng hơn là chưa có một chính Đảng lãnh đạo, một bộ máy chỉ huy thống nhất và chưa có đủ thực lực để đập tan chính phủ phản nước, hại dân bằng con đường bạo lực.

Vì vậy, theo yêu cầu của “Ủy ban Mặt trận cứu nước Campuchia” - người đại diện hợp pháp duy nhất lúc bấy giờ - Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam và quân tình nguyện Việt Nam đã có mặt trên đất nước Campuchia. Được sự giúp đỡ chí tình của Đảng và Nhà nước ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cùng với nhân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1979.

Cách mạng Campuchia đã giành được thắng lợi. Sau 5 năm giúp Bạn xây dựng lại đất nước, chúng ta đã đạt được những kết quả như đã nói ở trên. Nhưng cuối cùng sự nghiệp cách mạng Campuchia vẫn phải do nhân dân Campuchia tự quyết định lấy vận mệnh của mình.

Nắm vững chủ trương đường lối đó, trong những năm đầu của thập niên 1980, quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam cùng với chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã nỗ lực “tích lũy về lượng” để có sự “chuyển biến mạnh mẽ về chất” cho cách mạng Campuchia.

Năm 1983, các lực lượng của ta và Bạn trên chiến trường vừa hoạt động vừa xây dựng “kế hoạch phòng thủ quốc gia” một cách toàn diện để đưa cách mạng Campuchia tiến lên một bước mới. Đó là kế hoạch K5 (xây dựng tuyến phòng thủ quốc gia).

“Phòng thủ quốc gia” là một khái niệm mới đối với quân và dân Campuchia. Đối với bộ đội Tây Nguyên Việt Nam và chuyên gia Việt Nam, vấn đề này cũng chưa được nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc, ý nghĩa của nó.

Lúc đầu, chúng tôi chỉ hình dung là phải có một sự nỗ lực rất lớn của tất cả các tầng lớp nhân dân Campuchia, của toàn bộ lực lượng quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nhằm phát triển lực lượng, củng cố và xây dựng chính quyền nhân dân vững mạnh trên chiến trường. Đây mới thực sự là một pháo đài kiên cố để phòng thủ quốc gia.

Thực hiện được các ý tưởng đề ra ở trên, sẽ tạo cho cách mạng Campuchia có bước phát triển vượt bậc “về chất”, về khả năng quản lý đất nước của quân và dân Campuchia. Nhưng vấn đề ở đây hoàn toàn khác, nó mang ý nghĩa cụ thể, nhằm chống địch xâm nhập vào nội địa Campuchia.

Phòng thủ quốc gia nói chung, nước nào cũng phải có để đánh bại mọi kẻ thù, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Còn đối với Campuchia, xây dựng tuyến phòng thủ quốc gia trước mắt là làm chỗ dựa cho các lực lượng vũ trang để chiến đấu chống địch xâm nhập, hỗ trợ cho việc xây dựng chính quyền và các hoạt động trong nội địa, với phương châm là “tiêu diệt địch để làm chủ đất nước, xây dựng thế trận trên tuyến biên giới để tiêu diệt địch, phát triển thực lực của cách mạng Campuchia”.

“Tiêu diệt địch để làm chủ địa bàn. Làm chủ địa bàn, xây dựng thế trận để tiêu diệt địch”. Tuy hai phạm trù khác nhau, nhưng hỗ trợ nhau cùng một mục đích là xây dựng và phát triển thực lực cách mạng Campuchia để cho nhân dân Campuchia làm chủ và xây dựng đất nước.

Cuối tháng 3 năm 1983, tiền phương Bộ Tổng tham mưu triệu tập cán bộ các Quân khu, Quyết định, các Mặt trận và chỉ huy các lực lượng hoạt động trên chiến trường về họp tại hậu cứ đại bản doanh, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Nội dung hội nghị lần này rất phong phú, song tất cả đều xoay quanh hai vấn đề chính:

- Một là đẩy mạnh các hoạt động về quân sự trên chiến trường, tạo thêm một bước mạnh mẽ về thế và lực cho cách mạng Campuchia, để có thể nâng cao hơn nữa vai trò chiến đấu của bộ đội chủ lực cách mạng Campuchia, đưa dần bộ đội chủ lực của Việt Nam về phía sau.

- Hai là tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, qua đó, nâng cao khả năng quản lý đất nước của chính quyền các cấp lên một bước mới.