Cuộc Chiến Tranh Bắt Buộc - Phần II - Chương 8

Trên hướng của Mặt trận 479, chúng tôi đã trao đổi nhiều đến nhiệm vụ xây dựng tuyến phòng thủ tại hai tỉnh Xiêm Riệp và Bát Tam Băng. Thời gian này Bạn đã thành lập tỉnh Bần-tia Miên-chây trên cơ sở một phần đất của tỉnh Bát Tam Băng và một phần đất của tỉnh Xiêm Riệp. Thủ phủ của tỉnh đặt tại Si-sô-phôn ngã ba đường số 5 và đường số 6. Như vậy Bần-tia Miên-chây cũng là một tỉnh có chung đường biên giới với Thái Lan, có cửa khẩu Pôi Pét - là một cửa khẩu chính sau này thông thương với Thái Lan bằng đường bộ và đường sắt. Những vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng tuyến phòng thủ này là:

- Phải tiến hành chiến dịch truy quét triệt để các căn cứ dọc tuyến biên giới, rà phá sạch bom mìn, triển khai thế trận phòng ngự trên một phòng tuyến, dọc biên giới Campuchia - Thái Lan hàng trăm km.

- Huy động một lực lượng rất lớn các tầng lớn nhân dân, các cơ quan Quân, Dân chính Đảng từ Trung ương đến địa phương để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thi công các công trình phòng thủ, khoảng thời gian từ mùa khô 1984, chậm nhất là sang đến đầu mùa mưa năm ấy.

Hai vấn đề mấu chốt đó được cụ thể hóa trên địa bàn của Mặt trận 479 như sau:

- Các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia sẽ mở chiến dịch tiến công đánh chiếm và làm chủ tất cả các căn cứ địch trên tuyến biên giới. Tổ chức dò, gỡ sạch mìn trên phạm vi chiều rộng từ biên giới vào nội địa khoảng 500 m và trên các trục đường để các lực lượng phía sau lên thi công các công trình phòng thủ.

- Phải tiến hành các lớp tập huấn cho những lực lượng trực tiếp trên tuyến biên giới về kỹ thuật rà phá bom mìn, về việc cấu trúc các loại công sự vật cản… để các lực lượng này làm nòng cốt và hướng dẫn cho các đơn vị thi công.

- Ngoài kế hoạch đánh chiếm mục tiêu, trên các hướng phải có phương án đánh địch tại chỗ, bảo vệ lực lượng thi công trong suốt mùa khô và có thể kéo dài đến đầu mùa mưa.

- Giúp Bạn lập kế hoạch và huy động lực lượng nhân dân cả nước thi công các công trình trong mùa khô này và có thể, kéo dài sang những năm tiếp theo.

- Tổ chức công tác bảo đảm và các vấn đề khác…

Ngoài lề hội nghị, tôi cũng được các anh trên cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu hỏi về tình hình địch trên tuyến của sư đoàn đảm nhận, khả năng ta mở chiến dịch tiến công vào căn cứ Phnôm Mê Lai, về việc sử dụng lực lượng của ta và Bạn cùng nhiều vấn đề khác.

Hội nghị kết thúc đã trao cho chúng tôi những công việc rất nặng nề. Dự bữa tiệc liên hoan ở sân bay Tân Sơn Nhất xong, ai nấy đều vội vàng lên xe về đơn vị mà nét mặt cứ trầm ngâm suy nghĩ…

Giữa năm 1983, Bộ tư lệnh 719 cử một số đồng chí xuống để thông qua các kế hoạch. Đoàn do tham mưu trưởng tiền phương 719, thiếu tướng Lê Nam Phong dẫn đầu.

Tôi được triệu tập về thị xã Bát Tam Băng để báo cáo. Cùng dự cuộc họp báo cáo có cả đại diện của sư đoàn bộ binh 5, đoàn chuyên gia của tỉnh đội và một số đơn vị liên quan khác. Riêng sư đoàn bộ binh 302 và một số đơn vị sẽ được triệu tập về Sở chỉ huy Mặt trận 479 ở thị xã Xiêm Riệp để báo cáo riêng. Vì địa bàn tỉnh Bát Tam Băng và tỉnh Bần-tia Miên-chây là hai tỉnh trọng điểm của Mặt trận 479, cũng là tỉnh khó khăn nhất hiện nay.

Kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ (kế hoạch K5) đối với tôi là hoàn toàn mới mẻ. Do vậy, tôi đã cùng với cơ quan tham mưu, nhất là Ban tác chiến và Ban công binh là hai cơ quan trung tâm xây dựng kế hoạch. Ban tác chiến có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tiến công, đánh chiếm các căn cứ địch dọc tuyến biên giới, kế hoạch chiến đấu bảo vệ lực lượng thi công. Còn ban công binh thì làm kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ. Phải nói rằng, đồng chí Nguyễn Quốc Thìn - chủ nhiệm công binh sư đoàn và các trợ lý của đồng chí nắm rất chắc, rất sáng tạo, thiết kế các mô hình phòng thủ, bao gồm kích thước, khối lượng đất đá đào đắp và thời gian thi công của các hạng mục công trình. Các đồng chí đã giúp tôi có được một tài liệu báo cáo rất đầy đủ, chi tiết.

Toàn bộ kế hoạch là một sơ đồ phòng thủ tổng quát trên phạm vi sư đoàn đảm nhiệm và những khu vực có liên quan. Mỗi một trọng điểm đều có phụ lục riêng. Trong những phục lục đó có đầy đủ sơ đồ, chú thích các hạng mục công trình. Đến nỗi khi nghe tôi báo cáo xong, thiếu tướng Lê Nam Phong ngạc nhiên hỏi:

- Ai bày cho cậu làm kế hoạch này?

Tôi trả lời:

- Thực ra thì đây là một công việc rất mới, chúng tôi chưa được trải qua bao giờ. Từ kinh nghiệm trên chiến trường, chúng tôi nghĩ rằng đã là một công trình phòng thủ thì không thể không có những hạng mục như trong kế hoạch đã nêu. Có gì thì anh chỉ đạo bổ sung thêm!

Anh Nam Phong tỏ ý hài lòng, chưa có ý kiến gì nhiều. Ý của anh là để các đơn vị báo cáo hết, rồi tổng hợp lại để có kết luận chính thức trong cuộc hội nghị tại Sở chỉ huy Mặt trận 479 sắp tới.

Trong kế hoạch của sư đoàn, chúng tôi đã dự kiến như sau:

- Về nhiệm vụ tiến công đánh chiếm các căn cứ địch dọc tuyến biên giới sẽ giao cho trung đoàn bộ binh 31, 96, tiểu đoàn 23, Tăng - Thiết giáp, trung đoàn 487 pháo binh, phối hợp cùng với sư đoàn bộ binh 6, bộ đội cách mạng Campuchia, đánh chiếm tất cả các căn cứ địch từ bắc Phnôm Mê Lai xuống đến bắc Ô-đa.

Cũng xin nói lại rằng, tất cả những căn cứ này trong những năm qua, ta đã đánh chiếm hai lần, làm chủ một thời gian trong các mùa khô. Mùa mưa đến chúng ta lại lùi về tuyến 2, do đó địch đã khôi phục lại như cũ.

Trên hướng Pailin - Tà Sanh giao cho trung đoàn bộ binh 812, 250 phối hợp với sư đoàn bộ binh 196 bộ đội chủ lực Campuchia đảm nhiệm truy quét các căn cứ của sư đoàn bộ binh 415, 221 của địch từ nam Ô-đa đến Pailin và nam Pailin.

Trọng điểm của sư đoàn chúng tôi được xác định là: Đoạn từ bắc Pailin đến nam Phnôm Mê Lai, với chiều dài khoảng 40 - 50 km.

Sau khi làm chủ hoàn toàn các căn cứ, các lực lượng hỗn hợp ta và Bạn triển khai chiến đấu, bảo vệ cho lực lượng thi công các công trình. Từ Ô-đa đến Phnôm Mê Lai giao cho trung đoàn bộ binh 96 và sư đoàn bộ binh 6 của Bạn đảm nhiệm. Từ nam Ô-đa đến bắc Pailin giao cho trung đoàn bộ binh 812, phối hợp với sư đoàn bộ binh 196 Campuchia đảm nhiệm. Thời gian này chủ yếu là phải phát huy cho được vai trò và khả năng tác chiến của Bạn.

Còn trung đoàn bộ binh 31 được rút ra làm lực lượng cơ động chung.

- Về kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ: Chúng tôi cho rằng, đây là chỗ dựa của các lực lượng trực tiếp chiến đấu với địch trong tình hình bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa-ri đang còn được các thế lực phản động trong khu vực tiếp tục nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí để chống lại chính quyền cách mạng Campuchia. Rằng, đây sẽ là nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt với quân thù không phải một tháng, một năm, mà sẽ là nhiều năm, trong trường hợp quân tình nguyện Việt Nam rút dần về phía sau.

Vì vậy, chúng tôi suy nghĩ đến tất cả những công trình nhằm phục vụ cho yêu cầu chiến đấu trên tuyến biên giới. Do đó, kế hoạch của chúng tôi sẽ tiến hành thi công các công trình sau đây:

+ Trên dọc tuyến biên giới từ Cao Mê Lai xuống đến Pailin, trong chiều sâu từ 2 - 300 m sẽ chặt cây đổ chồng lên nhau tạo thành một lớp vật cản bằng cây. Các loại cây chỉ cưa ½ thân cây rồi bẻ xuống sao cho cây đổ chồng lên nhau mà vẫn sống. Tất nhiên là dưới lớp cây ngã đổ này là các bãi mìn sát thương bộ binh và một số chông sắt.

+ Bên trong lớp chướng ngại vật bằng cây đó là lớp rào kẽm gai (tùy theo khả năng mà sử dụng hàng rào đơn hoặc lò xo).

+ Tiếp đến là đường tuần tra, tùy theo địa hình cụ thể mà quyết định khoảng cách từ đường đến lớp rào kẽm gai.

+ Tuyến công sự hầm, hào được thiết kế chắc chắn: Phía trước là hào chống tăng (ở một số nơi sau này trở thành “bồn” chứa nước, sản xuất, chăn nuôi được. Đoạn từ Pôi Pét đến gần Đăng Cum, sư đoàn bộ binh 179 bộ đội cách mạng Campuchia tận dụng sinh hoạt rất tốt).

+ Xây dựng các điểm tựa, cụm điểm tựa có đầy đủ các loại công sự ẩn nấp, công sự chiến đấu, giao thông hào, chiến hào nối liền nhau. Kết hợp với hệ thống hỏa lực như các trận địa pháo, cối, ĐKZ và súng máy 12,7 mm tạo thành lưới lửa trên từng khu vực.

+ Xây dựng các công trình sinh hoạt cho bộ đội như nhà ăn, nhà bếp, trạm xá, kho tàng và các công trình khác.

+ Và cuối cùng là hệ thống đường cơ động từ nội địa ra biên giới…

Với một công trình tầm cỡ quốc gia, có một khối lượng đào đắp rất lớn đòi hỏi phải huy động một lực lượng thi công cao, có tổ chức chặt chẽ và tinh thần lao động hăng say mới có thể hoàn thành được theo ý định. Từ đó, đặt ra cho các tổ chức Đảng, cho đội ngũ cán bộ chính trị và người chỉ huy các cấp phải động viên cho được sức mạnh của quần chúng, đặc biệt là giúp Bạn huy động các tầng lớp nhân dân, bắt tay xây dựng lại đất nước với tất cả mọi khả năng có thể. Và, chúng ta tin chắc rằng qua chiến dịch này chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia sẽ có bước trưởng thành vượt bậc. Thế và lực cách mạng Campuchia sẽ chuyển biến mạnh mẽ.

Trước khi bước vào mùa khô 1984, tức là khoảng trung tuần tháng 10 năm 1984, Bộ tư lệnh Mặt trận 479 tổ chức hội nghị quân chính tại Sở chỉ huy Mặt trận ở Xiêm Riệp. Hội nghị đã đánh giá tình hình ta và địch một cách toàn diện trên cả nước Campuchia nói chung và trên chiến trường thuộc Mặt trận 479 nói riêng. Mặt trận xác định rằng: trong những năm qua, với sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị trên chiến trường, giúp Bạn chiến đấu, đã làm thất bại những âm mưu thủ đoạn của địch, từng bước giúp Bạn xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang, đưa cuộc cách mạng Campuchia không nhừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn và kiên quyết, tạo điều kiện để Bạn tự đảm đương công việc của mình. Muốn vậy, trong mùa khô này - mùa khô 1984 - 1985 ta phải xây dựng thế trận vững chắc cho cách mạng Campuchia ở cả trên tuyến biên giới và trong nội địa. Cụ thể là tiến hành chiến dịch tuyến phòng thủ quốc gia dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Công việc thật nặng nề và phức tạp, nhưng với quyết tâm của tất cả các lực lượng của ta và Bạn, cùng với sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân Campuchia, chúng ta sẽ hoàn thành những yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Sau khi đồng chí tư lệnh Mặt trận 479 giao nhiệm vụ cho các đơn vị, và sau khi Bộ tham mưu phổ biến các kế hoạch, đồng chí thượng tướng Nguyễn Minh Châu - Tư lệnh Quân khu 7 - đã nói lên ý nghĩa tầm vóc của việc xây dựng tuyến phòng thủ. Đồng chí nói:

- Cần phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia công tác này. Các đồng chí hãy hình dung sắp tới cả nước Campuchia sẽ xuống đường, toàn dân ra trận với sức mạnh long trời lở đất! (Tôi vẫn còn nhớ mãi câu này và sau này thực tế cũng đã như vậy).

Thế là các lực lượng trên chiến trường lại bước vào một mùa khô thứ năm nóng bỏng. Song mùa khô này được coi là mùa khô sôi động nhất trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia.

Bước vào đầu mùa khô, các kế hoạch chiến đấu và xây dựng công trình K5 đã được thông qua.

Xét thấy tính chất phức tạp, cũng như nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu căn cứ của địch trên hướng chính diện mà sư đoàn bộ binh 309 đảm nhiệm là rất nặng nề, Bộ tư lệnh Mặt trận đã quyết định tăng cường cho sư đoàn bộ binh 309 trung đoàn bộ binh 271 thuộc sư đoàn bộ binh 302. Trung đoàn do đồng chí trung tá trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Thảo, chỉ huy. Đây là một trong những trung đoàn mạnh của sư đoàn bộ binh 302 và cũng là một trong những trung đoàn bộ binh khá nhất của mặt trận. Đồng chí Thảo và các đồng chí chỉ huy lãnh đạo khác của trung đoàn đã tỏ ra là những cán bộ nhanh nhẹn, tinh quái, đặc biệt là ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm. Giao nhiệm vụ cho các đồng chí chúng tôi rất yên tâm. Tôi trao đổi với đồng chí Nguyễn Thành Út - Phó sư đoàn trưởng về chính trị, cùng với cơ quan chính trị tranh thủ gặp các đồng chí cán bộ chỉ huy trung đoàn bộ binh 271 để nắm lại tình hình của trung đoàn và quán triệt nhiệm vụ cho anh em.

Bộ tư lệnh Mặt trận đã triển khai Sở chỉ huy tiền phương và cụm pháo binh hỗn hợp (trong đó có cả pháo nòng dài 130 mm) tại Nam-sấp từ đầu mùa khô năm 1984. Trước khi tiến công vào mục tiêu chủ yếu của chiến dịch là căn cứ Phnôm Mê Lai - nơi đây là văn phòng trung ương của ba phái (Pôn Pốt - Xrayka - Molinaka) thuộc chính phủ phản động, lưu vong Campuchia - Cụm pháo Mặt trận đã bắn dữ dội vào đây.

Tại Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận 479 lúc này, có các đồng chí thượng tướng Nguyễn Minh Châu - tư lệnh Quân khu 7, thiếu tướng Nguyễn Xuân Hòa - phó tư lệnh về chính trị, thiếu tướng Khiếu Anh Lân - phó tư lệnh, tham mưu trưởng (mới được điều về thay đồng chí thiếu tướng Vũ Thược đi nhận công tác khác) và đầy đủ các đại diện cơ quan Mặt trận. Vì tình hình và nhiệm vụ hết sức quan trọng trên hướng chiến dịch này, mà Mặt trận đã tập trung sự quan tâm chỉ đạo và chỉ huy tất cả các đơn vị trong vấn đề phối hợp hành động.

Những ngày này tại khu vực Nam-sấp “vui như hội”. Suốt mấy năm qua, nhất là các mùa mưa, trung đoàn bộ binh 96 đã trụ bám ở đây dưới sức ép của địch và khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống của bộ đội vô cùng gian khổ và căng thẳng. Giờ đây cả một khu vực rộng lớn, đầy xe pháo cơ động lên xuống tấp nập. Trên trời máy bay trực thăng quần đảo… tạo nên một không khí nhộn nhịp, nóng bỏng. Chúng tôi tổ chức cho bộ đội đón Tết Nguyên Đán ngay tại trận địa. Trong không khí đón giao thừa, mặc dù đang chiến đấu tại chiến trường, nhưng không sao kìm lại được niềm xúc động trong giờ phút thiêng liêng này của chiến sĩ ta khi bước sang năm mới. Tuy đã có quán triệt từ trước, nhưng nhiều chiến sĩ ta đã dùng súng bắn lên trời, thay cho tiếng pháo nổ, đón mừng năm mới.

Có thể ghi nhận là chiến dịch mùa khô 1984 - 1985 được bắt đầu từ ngày 1-11-1984. Ngày đó, tại Sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận 479 ở Nam-sấp, tư lệnh đã chỉ thị cho các lực lượng bắt đầu hoạt động. Trên hướng này, sư đoàn bộ binh 309 cùng với các lực lượng tăng cường tiến hành một đợt chiến đấu tạo thế. Nói là “tạo thế” chứ thực ra là bắt đầu bung các lực lượng tiến hành các hoạt động quân sự buộc địch phải co về các căn cứ của chúng, loại trừ các tổ chức, toán địch quấy rối trong nội địa, để Bạn tiến hành công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng các công trình phòng thủ K5.

Trong khoảng thời gian một tháng, đơn vị vừa truy quét địch ở tuyến trung gian, vừa cơ động triển khai lực lượng cho việc tiến công đánh chiếm các căn cứ địch. Tuy nhiên các lực lượng của sư đoàn cũng đã chiến đấu một số trận nhỏ lẻ, loại khỏi vòng chiến đấu 62 tên, thu 13 súng các loại chủ yếu là tao ngộ chiến. Trong giai đoạn này, trung đoàn bộ binh 250 nổi lên như một ngọn cờ đầu về tốc độ tiến công, về ý thức tổ chức kỷ luật và trình độ tác chiến đánh địch trên điểm cao. Là một trung đoàn, trong những năm qua chiến đấu phòng giữ ở khu vực Tà Sanh - Sầm Lốt, tuy nằm trong đội hình sư đoàn, nhưng do địa hình phức tạp cách trở bởi con sông Săng-ke, lại quá xa sư đoàn, nên trung đoàn bộ binh 250 như một đơn vị độc lập. Cũng từ những đặc điểm đó mà cán bộ chiến sĩ ở đây luôn nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, chịu đựng gian khổ, chủ động giải quyết mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Phải công nhận rằng trên toàn bộ chiến trường do Mặt trận 479 đảm nhận, thì khu vực Tà Sanh - Sầm Lốt và Nam-sấp - Cao Mê Lai là nơi địa hình khó khăn nhất, thời tiết khắc nghiệt nhất và kẻ địch nham hiểm nhất. Trong hai khu vực này thì Tà Sanh - Sầm Lốt lại là nơi khó khăn, phức tạp hơn cả.

Vì vậy khi được giao nhiệm vụ đánh vận động trong đội hình sư đoàn thì bộ đội thuộc trung đoàn bộ binh 250 rất phấn khởi, thể hiện được khả năng chiến đấu của mình không thua kém gì so với các trung đoàn bộ binh khác. Người trung đoàn trưởng ngày ấy, thiếu tá Vũ Đình Nhị, sau đó là một đại tá sư đoàn trưởng dày dạn kinh nghiệm trong khói lửa chiến trường. Nhiều đồng chí cán bộ của trung đoàn hiện nay đã là những sĩ quan cao cấp của quân đội. Chúng ta hãy trở lại diễn biến tình hình đầu mùa khô 1984 - 1985.

Sau khi cơ động trung đoàn bộ binh 250 lên tham gia tiến công các căn cứ ở phía tây Nam-sấp, dưới sự chi viện hỏa lực pháo binh của sư đoàn và hỏa lực đi cùng, trung đoàn bộ binh 250 đã lần lượt đánh chiếm tất cả các điểm cao mà địch án ngữ, khống chế như: điểm cao 308, 316 ở phía tây Bua và điểm cao 505 sát biên giới ở khu vực Ô-đa. Từ đây trung đoàn bộ binh 250 triển khai dọc tuyến biên giới phía nam Ô-đa, bảo đảm cánh sườn trái cho đội hình của sư đoàn.

Trong kế hoạch đánh chiếm các căn cứ địch trên hướng trọng điểm này, trung đoàn bộ binh 31 và 96 cùng với tiểu đoàn 23 Tăng - Thiết giáp của sư đoàn mở màn bằng trận tiến công vào căn cứ của trung đoàn 905 thuộc sư đoàn bộ binh 320 Pôn Pốt. Tiếp đến lực lượng này được tăng cường thêm tiểu đoàn xe tăng T54 của Bạn và trung đoàn bộ binh 271 (thuộc sư đoàn bộ binh 302) phát triển tiến công đánh chiếm các căn cứ còn lại của sư đoàn bộ binh 320 địch ở Sơ-đa.

Đợt tiến công cuối cùng trên hướng này là trận tập kích đánh chiếm căn cứ Cao Mê Lai - là nơi đặt văn phòng của trung ương ba phái của chính phủ phản động Campuchia và hệ thống kho tàng của chúng. Trận này sẽ sử dụng lực lượng của hai sư đoàn là sư đoàn bộ binh 309 (thực chất lúc này chỉ có trung đoàn bộ binh 31, trung đoàn bộ binh 271, một tiểu đoàn xe tăng của Bạn) và sư đoàn bộ binh số 7, thuộc Quân đoàn 4.