Người Trung Quốc xấu xa - Chương 01

Tổng tựa bộ sách lấy để tham khảo

Dâng hiến cho thời đại, cần người khổng lồ kêu gọi người khổng lồ

Không bàn đến sự bất đồng về nhận thức văn hóa Trung Quốc như thế nào, cũng không bàn đến sự khen chê văn học mười năm thời kì đổi mới như thế nào, duy một điểm có lẽ các nhà văn, các nhà lý luận đều nhất trí là: Văn học của chúng ta đã bước vào thời đại cạnh tranh tự do, lựa chọn đa nguyên và tìm kiếm rộng rãi. Riêng việc đánh giá văn học đã không còn là một giọng điệu, một âm thanh, một khuôn mẫu, mà là những quan điểm khác nhau, bất đồng, và đối lập nhau nhưng đều được tôn trọng, thì đã đánh dấu sự kết thúc của thời kì đóng cửa và bắt đầu những năm tháng cởi mở. Chí ít văn học của chúng ta đã đặt chân lên giao điểm của lịch sử và vị lai, và đang kiên định chèo chống qua một thời đại sáng tạo mới đầy khó nhọc. Trong điều kiện đặc biệt như vậy, chúng tôi có nhu cầu bức thiết mang đến những tác phẩm nổi tiếng của thế giới và những tác phẩm có giá trị tham khảo từng bị phê phán mù quáng, bị phủ định sơ sài, hoặc bị bỏ mặc cẩu thả, trịnh trọng cung cấp trên toàn phương vị hệ quy chiếu, để cho đông đảo độc giả, nhà văn, nhà lý luận, và những ai có chí khí tái thiết nền văn hóa siêu việt cùng tham khảo. Cũng bởi vậy mà hi vọng tạo ra được một thực tế để khơi thông con đường thực phẩm tinh thần... cống hiến cho thời đại đang có nhu cầu kêu gọi thức tỉnh người khổng lồ văn hóa.

Khi các nhà văn, các nhà lý luận ngoái đầu xem xét lại dấu tích sáng tạo trên chặng đường văn học của mình mấy mươi năm qua và khi đối mặt với tương lai, tuy có hào khí bột phát, nhưng lực bất tòng tâm, đều chung một đớn đau và cảm thông với nỗi ân hận, bất hạnh, và tai họa do sự phong bế dai dẳng, trường kì.

[Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách]

Văn học, là một tiêu chí quan trọng về trình độ phát triển nền văn minh của loài người, bản chất là cởi mở. Những nhà văn vĩ đại, những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử văn học thế giới đều xuất hiện trong khí hậu cởi mở của điều kiện lịch sử nhất định, nên đều trở thành báu vật chung của tinh thần loài người. Chính sách đóng cửa chỉ dẫn đến nghèo khó và ngu muội, tạo ra sa mạc văn hóa, và đẻ ra những “mạt nhân” nhỏ nhen, khô khan, vừa câm vừa điếc. Theo sự lan rộng của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu, cởi mở có nghĩa là hướng ra thế giới. Ngày 31-1-1827 Goethe với sự nhậy cảm thi sĩ sẵn có đã dự báo: “Một thời đại của văn học thế giới đã đến”. Nếu nói Goethe xuất phát từ quan điểm lịch sử duy tâm của “Nhân tính luận” thông thường, thì 21 năm sau, Marx, Engels lại xây dựng nó trên quan điểm lịch sử chủ nghĩa duy vật. Trong bản Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản - một văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản quốc tế, họ chỉ rõ: “Giai cấp tư sản vì khai thác thị trường thế giới, khiến việc sản xuất và tiêu thụ của tất cả các nước đều mang tính thế giới... Tình trạng đóng cửa bảo thủ và tự cung tự cấp của các địa phương, các dân tộc thời gian qua, đã bị thay thế bằng sự vãng lai, sự ỷ lại lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực giữa các dân tộc. Sản xuất vật chất như thế, sản xuất tinh thần cũng vậy, sản phẩm tinh thần của các dân tộc đã trở thành tài sản chung. Tính phiến diện và tính giới hạn của dân tộc đã ngày càng trở nên không thể. Cho nên, từ văn học của rất nhiều địa phương và dân tộc, đã hình thành một loại văn học thế giới. Cuộc hội nghị toàn thể lần thứ 6 khóa 12 của Ðảng Cộng sản Trung Quốc “quyết nghị về phương châm chỉ đạo nền văn minh tinh thần chủ nghĩa xã hội” đưa công cuộc cởi mở đối ngoại thành quốc sách cơ bản. Trong đó bao gồm cả văn minh vật chất và văn minh tinh thần, hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan phát triển văn minh nhân loại, đã tổng kết bài học kinh nghiệm lịch sử, là sự kiên trì vận dụng, phát triển chủ nghĩa Marx trong điều kiện mới.

Là một lý luận khoa học, chủ nghĩa Marx là một hệ thống mở. Ở đó “tuyệt nhiên không có cái tương tự như ‘chủ nghĩa Tôn phái’, không phải thứ học thuyết ngoan cố lệch lạc, hạn hẹp mà xa rời con đường phát triển văn minh thế giới. Ngược lại, toàn bộ thiên tài của Marx là ở chỗ ông đã giải đáp được nhiều câu hỏi của tư tưởng tiến bộ loài người. Học thuyết của ông là sự kế tục trực tiếp của triết học, chính trị kinh tế học, và học thuyết tiêu biểu vĩ đại nhất của chủ nghĩa xã hội” (Lê-nin: “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Marx”). Giai cấp vô sản sau khi giành chính quyền, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề đối xử ra sao với văn minh tinh thần và tài sản tri thức do con người sáng tạo, bồi dưỡng ra sao người Cộng sản thế hệ mới, Lê-nin cũng từng bàn luận rất xuất sắc. Ngày 2-10-1920, trong Ðại hội đại biểu lần thứ 3 Ðoàn thanh niên chủ nghĩa Cộng sản Nga, Lê-nin, trong bài diễn thuyết nổi tiếng “Nhiệm vụ của Ðoàn thanh niên” đã chỉ ra rất sắc bén: Học tập chủ nghĩa cộng sản, nếu chỉ dừng lại tìm hiểu trước tác chủ nghĩa cộng sản, và những thứ trong sách vở, dù có học thuộc làu chăng nữa cũng chỉ dễ dàng tạo ra một số “Mọt sách và nhà khoác lác chủ nghĩa Cộng sản” mà thôi; Lê-nin chế nhạo chua chát những kẻ tự mệnh danh là chuyên gia văn hóa giai cấp vô sản, đơm đặt văn hóa vô sản với tất cả những lời lếu láo. Ông nói: Nếu người Cộng sản không bằng vào sự dày công, nghiêm túc và vất vả, không hiểu rằng các sự vật đều cần đối mặt bằng thái độ phê phán, mà lại muốn dựa trên kết luận sẵn có của chủ nghĩa cộng sản dùng để khoe khoang, người cộng sản theo kiểu như vậy thì đáng thương vô cùng... Nếu cảm thấy mình hiểu biết quá ít, thì phải tìm cách để mình hiểu biết nhiều thêm, nếu người nào đó tự xưng là người cộng sản, nhưng lại cho rằng chẳng cần thiết phải biết thêm bất cứ điều gì khác, vậy thì chẳng bao giờ trở thành người cộng sản cả... Khi dẫn chứng về những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Marx mà mọi người đã quá quen thuộc thì trong màn hình ký ức của chúng ta lại hiện lên một cuộc rồi lại tiếp một cuộc vận động chính trị mang đặc trưng hủy hoại tri thức dưới sự chỉ đạo tư tưởng cánh “Tả”. Ðặc biệt là sự “thiêng liêng” đến cùng cực cuả cuộc Ðại cách mạng văn hóa và hoang đường hết cỡ của ba ngàn tám trăm ngày và đêm. Tự xưng là “đỉnh chóp” của Mác - Lê, và khai sáng “kỉ nguyên mới” cho văn hóa loài người, Ðại cách mạng Văn hóa đã không ngần ngại chà đạp vào nền văn minh nhân loại một cách ngang nhiên nhất, dã man nhất, và vô sỉ nhất, với chủ nghĩa Marx hoàn toàn là trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nó đã dồn đẩy nền kinh tế quốc dân nước ta đến bờ vực sụp đổ toàn diện. Cái đó ai cũng thấy và có con số để thống kê. Nó đã bẻ cong, vùi dập, giày xéo tinh thần, văn hóa, đạo đức, tâm lý của nhân dân ta đến mức không thể cân đong đo đếm, rất có thể phải trải qua một giai đoạn lịch sử nữa mới nhận thức được rõ nét đầy đủ hơn.

Chúng tôi thật phấn khởi khi thấy sự xuất hiện “Cơn sốt văn hóa” với đặc điểm phản tỉnh, tái thiết, và siêu việt. Ðồng thời chúng tôi không thể không thừa nhận, bất cứ “cơn sốt văn hóa” về lý luận hay sáng tác đều thiếu hụt chiều cao lịch sử, chiều sâu lý luận cần thiết, thậm chí còn thiếu hụt tố chất văn hóa và phong độ tri thức cần thiết. Nếu như không nhanh chóng chữa trị triệu chứng suy dinh dưỡng kéo dài về tri thức văn hóa, triệu chứng đơn nhất hẹp hòi của tầm nhìn tư duy, triệu chứng thiếu máu của triết học, lý luận, chúng ta sẽ không thể phản tỉnh, suy ngẫm một cách sâu sắc về năm nghìn năm văn hiến của nước ta, sẽ không thể phân tích một cách khoa học bằng lịch sử, triết học, văn hóa, tâm lý với cuộc triệt phá tơi bời mười năm qua, sẽ không thể viết ra những tác phẩm mang tính sử thi, mang ý thức thời đại một cách đầy ắp, và tươi tắn. Nếu vậy, chúng ta thật đáng hổ với tổ tiên, hổ với nhân dân, hổ với thế giới.

Ngụ trên một địa bàn hạn hẹp, Nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại đang biên soạn, xuất bản bộ Tùng thư. Ðối mặt với số độc giả cao cấp, không nói cũng đủ hình dung khó khăn và sự hạn chế của nó. Nhưng ý thức về sứ mệnh lịch sử đã thúc hối chúng tôi, dù ở cương vị không đáng kể, cũng nguyện dốc hết sức mọn ghé vai đẩy tung cánh cửa thông tới tương lai.

Engels đã từng đề nghị người Ðức: “Tốt nhất đi tìm hiểu thành tựu của nước ngoài trước tiên,” ông biên soạn những “Danh tác có nội dung quý báu và mới mẻ đối với nước Ðức.” Bởi vì “Chỉ khi họ biết rằng trước họ đã làm những gì rồi, họ mới có thể cho biết bản thân họ có thể làm được những gì” (Tựa và bạt trong “Ðoạn phim luận về thương mại của Pho Lut Yet”). Lỗ Tấn, người có những chủ trương rõ ràng, và thực tiễn sáng tỏ về “Chủ nghĩa Lấy để” đã từng nói: “Không có cái Lấy để, con người không thể tự thành con người mới, không có cái Lấy để, văn nghệ không thể tự thành văn nghệ mới.” Dựa trên nguyên tắc đó, xuất phát từ tình hình thực tế trước mắt của giới văn hóa, “Bộ sách Lấy để tham khảo” chuẩn bị công việc biên soạn lại, và xuất bản những tác phẩm lừng danh của thế giới mà hơn ba mươi năm qua độc giả Trung Quốc khó được đọc, mà lại là tác phẩm “Mang nội dung quý báu và mới mẻ” đối với độc giả Trung Quốc. Vừa có tác phẩm văn học, vừa có luận thuyết về triết học, mỹ học, nghệ thuật, xã hội học, tâm lý học, tôn giáo... Có cổ đại, cận hiện đại, đương đại, có phương Tây, phương Ðông, và cả trong nước... đều xếp vào bộ sách “Lấy để”.

Bộ sách này còn chuẩn bị thu thập phần tác phẩm nổi tiếng có giá trị tham khảo của các học giả, nhà văn người Hoa ở nước ngoài và khu vực Hồng Kông, Ðài Loan. Do nguyên nhân lịch sử, Ðại lục chúng ta đã thiếu giao lưu khơi thông văn hóa với thế giới người Hoa ở nước ngoài, ở Hồng Kông, Ðài Loan đã mấy mươi năm nay. Bất luận phương diện nào, hiểu nhau là điều vô cùng cần thiết. Mấy nhánh được phân ra cùng một gốc văn hóa, trải qua mấy mươi năm cách trở, sau được trùng phùng, thường đẻ ra những tác dụng tham khảo soi sáng bất ngờ.

Ðã là “Lấy để tham khảo”, những loại sách được thu thập ắt không phải là chung một quan điểm mà chúng tôi đều tán thành. Ở đây, lý luận, tư tưởng muôn màu muôn vẻ, có Duy tâm, Hình như thượng học, giai cấp tư sản cho đến giai cấp phong kiến, loại phi chủ nghĩa Marx. Ðối xử với họ, không nên bài xích mù quáng, phủ định sơ sài, cũng không trắng đen hổ lốn, ăn sống nuốt tươi. Chúng tôi tin rằng hàng ngũ độc giả đều biết sử dụng chủ nghĩa Marx để trang bị cho bản thân, đều có con mắt sắc sảo, đầu óc tỉnh táo, lòng dạ vững vàng, để nhận thức phân biệt họ, phân tích phê phán họ, tiêu hóa hấp thụ họ.

Về mặt đối xử với văn minh và tri thức do con người sáng tạo, Marx, Engels mãi mãi là tấm gương sáng chói của chúng ta về khí phách vĩ đại, tấm lòng rộng mở, tinh thần khoa học, nghị lực phi thường. Vào thập niên bốn mươi thế kỉ XIX, khi phép biện chứng của Hegel đang rất lưu hành, Marx đã phê phán mặt thần bí của nó. Về sau, một số kẻ tự phụ, tầm thường lại rập khuôn chỉ tay năm ngón trong giới trí thức Ðức, coi Hegel là một “con chó chết”. Khi ấy, Marx lại công khai thừa nhận mình là học trò của nhà tư tưởng vĩ đại này, tỏ lòng hết sức tôn kính và yêu mến chân thành Hegel. Cho nên, đọc, nghiên cứu, phê phán, hấp thụ trước tác văn hóa là một lao động tinh thần mang tính sáng tạo phức tạp và gian nan... Engels không tán thành thái độ đơn giản hóa kiểu Hình nhi thượng học của Feuerbach sau khi công phá hệ thuyết của Hegel lại bỏ mặc một xó. Vì “nếu chỉ tuyên bố một loại triết học là sai lầm, thì vẫn chưa chế ngự được loại triết học đó. Cũng như triết học Hegel là một sáng tác vĩ đại đã từng có ảnh hưởng rất lớn với sự phát triển tinh thần dân tộc, thì không thể dùng biện pháp tiêu trừ bằng thái độ bỏ mặc, không đả động đến, mà cần lớn tiếng phế bỏ từ ý nghĩa hàm chứa trong nó, tức là tiêu diệt bằng hình thức phê phán, nhưng phải cứu thoát một nội dung mới rút ra từ hình thức này” (Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển nước Ðức). Chính vì do Marx, Engels chịu làm lại từ đầu các công việc tìm tòi, phê phán, kiểm nghiệm những tư tưởng văn hóa giá trị mà loài người từng thiết lập, mới “rút ra được những kết luận không thể có được ở những người bị hạn chế bởi tính hẹp hòi hoặc bị trói buộc bởi thiên kiến của giai cấp Tư sản” (Lê-nin - “Nhiệm vụ của Ðoàn thanh niên”).

Trong lịch sử hiện đại nước ta, nhà văn hóa lớn Lỗ Tấn thông kim bác cổ, học làu Ðông Tây, đã giải quyết rất xác đáng vấn đề quan hệ văn hóa giữa Trung, ngoại, cổ, kim trên cả lý luận lẫn thực tiễn. Ông vốn có nền tảng văn hóa Trung Hoa sâu bền, đồng thời lại có ý thức cởi mở mạnh mẽ và đa phương diện. Ông phiên dịch, giới thiệu hơn hai trăm tác phẩm của hơn chín mươi tác giả thuộc mười bốn quốc gia. Xuất bản ba mươi ba đầu sách, cộng lại đến hai trăm năm mươi vạn chữ, chiếm khoảng một phần hai toàn bộ số chữ của ông. Những sáng tác, thư tín, nhật ký của Lỗ Tấn đã đề cập nhà văn của hai mươi năm nước và hai trăm năm mươi ba dân tộc khác nhau. Ông sử dụng những ví dụ rất thông tục, rất hình tượng, lấy cảm nhận thiết thực của bản thân thuyết phục phê phán, khuyên răn những kẻ tầm thường sợ hãi việc đưa dẫn văn hóa phương Tây, “rằng đó là văn minh phương Tây, nhưng khi chúng ta có thể hấp thụ, thì văn minh phương Tây đã biến thành của bản thân chúng ta rồi. Cũng như ăn thịt bò, chắc không thể vì ăn thịt bò mà mình lại biến thành miếng thịt bò chứ. Nếu nhát gan như vậy, tức là giai cấp trí thức đã bị suy nhược... mà đã suy nhược thì ắt dẫn đến diệt vong. Ngày xưa có thể còn, nhưng sau này nhất định không tồn tại được” (Về giai cấp Trí thức). Xuất phát từ lòng tự tin tràn đầy với chính mình, với dân tộc, với tương lai, Lỗ Tấn tôn trọng cao độ văn minh nhân loại. Ðối với văn hóa nước ngoài, ông sở hữu, lựa chọn, tiếp thu không mệt mỏi, hoặc sử dụng, hoặc cất giữ, hoặc hủy diệt. Chủ trương hướng ra thế giới một cách toàn phương vị - Chủ nghĩa Lấy Ðể là nguyên nhân quan trọng khiến Lỗ Tấn trở thành nhà văn hóa khổng lồ của lịch sử Trung Quốc.

Bộ Tùng thư này khi bắt đầu trù bị, biên soạn, xuất bản đã được nhiều nhà văn, học giả, lãnh đạo, thanh niên yêu văn học, hiệu sách Tân Hoa, và nhà in có liên quan ủng hộ rộng rãi, nhiệt tình. Nhân cơ hội này, cho phép người chấp bút thay mặt nhà xuất bản Văn nghệ Thời đại gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc. Ðồng chí Vương Mông, nhà văn nổi tiếng, bộ trưởng bộ văn hóa đương đại đã gửi thư bầy tỏ hết sức ủng hộ chúng tôi. Ông Tiền Chung Thư, nhà văn lớn, học giả lớn, viện phó Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Ðương đại cùng phu nhân, và ông Dương Ráng, nhà văn, học giả, nhà dịch thuật đương đại nổi tiếng cùng ký tên trong một bức thư, viết: “Kế hoạch của bộ sách này rất có ý nghĩa, nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến độc giả, dự chúc thành công”. Nâng trên tay bức thư, ngẫm lời chỉ giáo thân thiết sâu nặng của hai vị lão học nhân tiền bối đáng kính, kẻ cầm bút cho đến giờ phút này vẫn chưa hết xao động trong lòng, sự ủng hộ, khích lệ, kì vọng ở nhiều mặt đã thúc đẩy chúng tôi một bước nữa và cụ thể hơn để cân nhắc sức nặng của bộ sách này. So với học thức, năng lực, chúng tôi thật sự đặt lên hai vai mình một gánh nặng quá sức. Nhưng, dù sao công trình này đã triển khai, buộc chúng tôi phải khởi công, xây cất đến nơi đến chốn. Chúng tôi quyết toàn tâm toàn lực làm việc bằng thái độ nghiêm túc, cầu thị, và chắc chắn không làm thất vọng sự trông mong tha thiết của đông đảo nhà văn, chuyên gia, độc giả.

Bộ sách này không tránh khỏi những khuyết điểm sai sót, rất mong được sự chỉ giáo nghiêm khắc.

Kim Chung Minh

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay