Người Trung Quốc xấu xa - Chương 02

Tựa

Tự cường, cần phải tự tỉnh

Trung Quốc là một đất nước vĩ đại, dân tộc Trung Hoa là một dân tộc vĩ đại. Về điều này có năm nghìn năm lịch sử chói lọi làm chứng, không còn nghi ngờ gì nữa. Bất kì ai, bất kì lực lượng nào cũng không thể phủ định, cũng không phủ định nổi.

Hơn nữa, trên thế giới không hề có những sự việc thập toàn thập mỹ. Bất kì người của thời đại nào, bất kì quốc gia nào đương nhiên cũng không thể ngoại lệ. Lê-nin thường hay dẫn câu thành ngữ của Pháp: Khuyết điểm của con người thường liên quan đến ưu điểm của họ, khuyết điểm của một người hình như là sự tiếp nối ưu điểm của người ấy. Cho nên, một con người, một dân tộc, có chỗ vĩ đại, cũng có mặt xấu xa, điều đó rất bình thường, rất tự nhiên, chẳng có gì lạ.

Biết rằng con người không đơn giản chút nào, tự nhận thức mình đã trở thành một đề tài vừa xưa cũ, vừa mới mẻ vô cùng của nhân loại. Trên bức tường vách núi ngôi đền cổ Hy Lạp - Tơman Abala có đề một câu cách ngôn nổi tiếng: “Phải nhận biết mình.” Không chỉ riêng có thế, hai nghìn năm trăm năm trước đây, câu nói của Ðại triết gia nước ta - Lão Tử càng giàu phép biện chứng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh” (Giáo sư Trương Tùng Như giải thích là: “Nhận biết người ta là thông minh, nhận biết bản thân mới là sáng suốt”). Marx là người đã từng kế thừa tri thức văn hóa nhân loại theo cách phê phán, ông cũng cho rằng sự nhận thức bản thân của dân chúng là “Ðiều kiện hàng đầu của sự thông minh”. Cùng là sự nhận thức bản thân của con người, nhưng phải đến Marx mới xây dựng nó trên cơ sở khoa học của chủ nghĩa duy vật lịch sử, việc đó người trước chưa từng làm được.

Bách Dương không phải là người Mácxít. Người Trung Quốc xấu xa của ông mang tính phiến diện rõ rệt. Tập sách này nêu ra những vấn đề sắc bén, nhưng chưa hẳn đã là sâu sắc; đáp án mà nó đem đến, cũng không hẳn là chính xác tất cả. Nhưng, Bách Dương đã đem các hiện tượng xấu xa mà người ta quen làm ngơ gom góp lại. Kiểm điểm một cách đau đớn, phê phán một cách vô tư nền văn hóa truyền thống Trung Quốc từ một góc độ đặc biệt, xâu chuỗi bằng cái nhan đề động trời hãi hùng Người Trung Quốc xấu xa. Việc làm đó, với mỗi một người Trung Quốc lương tri, đều là một cú sốc tâm lý khủng khiếp. Bách Dương chủ yếu dựa theo sự quan sát đời sống, tập quán, tâm thế của bà con Ðài Loan, Hồng Kông, và người Hoa hải ngoại để viết. Ðối với những người dân Trung Quốc vừa trải qua cuộc triệt phá tai biến suốt mười năm, giờ đang dốc sức cải cách mở cửa, mà còn bùi tai với những lời công kênh: dân tộc Trung Hoa vĩ đại đến mức... thì tập sách này chí ít cũng tăng thêm phần tham khảo ở một kênh khác hẳn, có thể khiến ta suy ngẫm, có thể lấy làm “Tấm gương tinh thần để soi xét bản thân mình” (Lời của Marx), giúp cho việc mổ xẻ bản thân, nhận thức bản thân, khích lệ chí khí phấn đấu, vươn lên.

Ðọc tạp văn của Bách Dương, rất dễ liên tưởng đến người khổng lồ văn hóa Lỗ Tấn đã phanh phui một cách đau đớn, vô tư, cái tính xấu thâm căn cố đế của người Trung Quốc, liên tưởng tới A Q, nhân vật điển hình bất hủ tượng trưng cho tính xấu gốc rễ đó. Loại người như A Q ở xã hội cũ đâu cũng chạm phải, ngày nay mãi cũng chẳng thấy mất tiêu. Tạp văn của Bách Dương, tuy dẫn chứng nhiều hơn là phân tích, trực giác đậm hơn triết lý, nhưng, để nhận biết được các kiểu A Q trong xã hội hiện thực, cải tạo tính quốc dân, bài trừ vật cản cải cách mở cửa, đối với tiềm thức bảo thủ và tính lười nhác quốc dân trong tầng sâu kết cấu tâm lý văn hóa của chúng ta, nó có một giá trị tham khảo đặc biệt.

Trên thực tế, phê phán và vạch trần tính xấu xa gốc rễ quốc dân, là nghĩa cử cần thiết trong đề tài các nhà tư tưởng đầy trách nhiệm lịch sử, quyết chí cải tạo xã hội. Trong bức thư ngày 1/3/1883, Engels đã sắc bén lật tẩy tính xấu xa gốc rễ quốc dân nước Ðức. Ông cho rằng thói quen hám lợi dung tục của giai cấp tiểu tư sản “đã tiêm nhiễm vào mọi tầng lớp của nước Ðức, trở thành căn bệnh truyền nhiễm của nước Ðức, trở thành chị em sinh đôi của tính nô bộc, xiểm nịnh và mọi ác tà của truyền thống nước Ðức. Thói quen ấy khiến chúng ta bị người nước ngoài coi thường, chế nhạo. Nó là nguyên nhân chủ yếu của ý chí bạc nhược, ủy mị suy đồi của chúng ta”. Từ đó cho ta thấy, tính xấu gốc rễ không phải đặc sản riêng của Trung Quốc, chẳng qua là sự khác nhau giữa hình thái biểu hiện, mức độ ngoan cố, và tốc độ cải tạo nhanh chậm mà thôi. Marx, Engels đối với việc tìm hiểu sự hình thành, lây lan, cải cách của văn hóa truyền thống, không nhằm vào đầu óc của dân chúng và sự nhận thức ngày một tiến triển về chân lý về chính nghĩa của dân chúng, mà nhằm vào sự thay đổi của phương thức trao đổi và phương thức sản xuất. Không nhằm vào dòng triết học có liên quan đến thời cuộc, mà tìm kiếm trong kinh tế học có liên quan đến thời đại. Ðiều đó đã làm cho chủ nghĩa Marx sáng suốt, hơn hẳn các học giả và học phái khác về mặt căn bản.

Marx đã từng coi những ấn phẩm tự do là “sự sám hối công khai ngay trước mặt của dân chúng, mà lại thú nhận chân thành, mọi người đều biết, là có cơ may được cứu” (Biện luận của Hội đồng tỉnh Layen khóa sáu). Xuất phát từ lòng nhiệt thành yêu nước, yêu dân tộc, công khai thừa nhận, vô tư phê phán tính xấu gốc rễ quốc dân, chí ít trong một mức độ nào đó có thể nhìn thấy lòng tự tin dân tộc, nhìn thấy ánh sáng của hi vọng.

5 giờ sáng ngày 29/12/1986

Kim Chung Minh

________________________________________

Mục lục “Người Trung Quốc xấu xí”, bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ

Thày thuốc và người bệnh ở nuớc hũ tương (tựa của Bá Dương)

Phần I: Các bài nói chuyện

Người Trung Quốc xấu xí

Người Trung Quốc và cái vại tương

Đời sống, văn học và lịch sử

Phần II: Các bài viết (Phô bày bệnh già nua lẩm cẩm)

Cái triết học bắt đầu bằng kính và sợ

Chỉ trừ tôi ra

Tại sao không thể mưu lợi được?

Giữ mình là thượng sách

Loài động vật không biết cười

Nuớc có lễ nghĩa

Ba câu nói

Cái nuớc xếp hàng

Rút cuộc là cái nuớc gì? (Đám cưới, đám ma, quán ăn)

Chẳng kể thị phi, chỉ nói đến chính đạo

Phố Tàu, một động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc

Nói chuyện về người Trung Quốc xấu xí

Kiêu ngạo hão

Noi gương Tây phương nhưng không làm nô lệ

Kì thị chủng tộc

Lấy hổ thẹn làm vinh dự

Phần III: Các bài phê bình (Sóng dữ vỗ bờ)

Cái vại tương, một biểu tượng của văn hóa Trung Quốc

(Khiêu Lập Dân, 1973)

Làm sao sửa chữa cái bệnh đến chết cũng không nhận lỗi

(Xã luận TNTH, 1981)

Năng lực suy luận bị trục trặc (Xã luận TNTH, 1981)

Nhảy ra khỏi hũ tương (Xã luận BMNB, 1981)

Cần dấu cái ác, phô trương cái thiện, đừng tự hạ mình (Từ Cẩn, 1981)

Người Trung Quốc hèn hạ (Vương Diệc Lệnh, 1985)

Không hiểu được hài hước (Hồi Tuyên Xứ, 1985)

Có cái văn hóa không có văn minh? (Hồ Cúc Minh 1985)

Không thể bôi nhọ văn hóa Trung Quốc (Lưu Tiền Mẫn, 1985)

Văn hóa Trung Quốc, bôi nhọ hay đánh phấn? (Trương Thiệu Thiên, 1985)

Người Trung Quốc vĩ đại (Châu Quế, 1985)

Như vậy có 19 đề mục trong hai bản dịch trùng nội dung tuy không trùng văn phong, 12 đề mục trong bản NHT không có trong bản NLT (gồm 1 bài tựa của tác giả v à 11 bài phê bình của nhiều tác giả và báo chí), và 16 đề mục trong bản NLT không có trong bản NHT (gồm 2 bài tựa của Kim Chung Minh,13 bài của tác giả và 1 bài bình của Lý Trình).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay