Người Trung Quốc xấu xa - Chương 05 - Phần 1

Văn học Nhân sinh và lịch sử

(Ðây là bài giảng của Bách Dương tại khoa sử trường đại học Xtanphơt, Xan Phranxítxcô vào ngày 22 tháng 8 năm 1981. Bản báo lấy được cuốn băng ghi âm qua nhiều trắc trở, nay đặc biệt đăng tải để tặng bạn đọc.)

Chủ tọa: Thưa các quý ông, quý bà, tôi xin giới thiệu ông Bách Dương, hôm nay đến gặp gỡ với các vị. Tối hôm qua, ông Bách Dương mới từ thành phố Phượng Hoàng đến đây (lược phần lời giới thiệu).

Bách Dương: Thưa các quý ông, quý bà, thật vinh hạnh được gặp gỡ các vị tại một trong những học phủ cao nhất bang Cali - đại học Xtanphơt. Tôi phấn khởi đến nỗi, khi ngồi trên máy bay từ thành phố Phượng Hoàng đến Xan Phranxítxcô, đã mường tượng ra hình ảnh cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Tâm trạng tôi lúc ấy với tâm trạng giờ đây hoàn toàn giống nhau. Ðối với tôi, đó là một tao ngộ vinh dự mà lại mang tính truyền kì. Hôm nay, ông chủ tọa ra cho tôi một tiêu đề lớn quá, tôi thật không dám. Ở Niu-oóc, nhận được điện thoại của bà Lý Linh Dao, nói về cái tiêu đề này, tôi rất cảm ơn, nhưng cảm giác mình không đảm nhiệm nổi. Hôm kia, tôi ở thành phố Phượng Hoàng, ông Cù Mạnh Bân đã nhắc nhở tôi qua điện thoại. Như vậy, tôi không những cảm giác không kham nổi, mà còn rất hoang mang, vì tôi không đủ tư cách để nói về một nhan đề lớn như thế. Sở dĩ tôi nhận lời, là vì tôi có được một phần dũng khí bằng lòng dựa theo cái tiêu đề này, đề xuất cảm tưởng của bản thân. Ðó là lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc, nó đã gợi ý cho chúng ta những điều gì? Trước khi bắt đầu vào vấn đề chính, tôi muốn báo cáo về một cảm nghĩ khác, đó là người Anhđiêng - chủ nhân của nước Mỹ, dân bản xứ thực thụ của châu Mỹ và những ấn tượng mà họ để lại cho tôi. Tôi đã từng tham quan vùng phế tích của người Anhđiêng, cũng đã từng tham quan khu bảo lưu của họ, từng chạm trán với họ. Tuy thời gian rất ngắn, chuyện trò rất ít, nhưng ấn tượng thì sâu sắc vô cùng. Ðặc biệt có lần ở Carefree, tôi đi đến vùng phế tích của người Anhđiêng cách chừng bốn mươi phút ô tô, nhìn thấy đồ thủ công của họ bây giờ, so sánh với đồ thủ công sáu trăm năm trước đây cũng của họ, kể cả về hình thức lẫn hoa văn, thao tác bện đan và nguyên vật liệu, đều giống nhau hoàn toàn. Từ thứ đồ thủ công cỏn con, khiến tôi suy nghĩ và hiểu được rằng, hiện nay họ đang đối mặt với một số phận như thế nào? Chúng ta không thể tưởng tượng nổi, một dân tộc vĩ đại, lịch sử lâu đời đến thế, mà có thể sống hấp hối trong khu bảo lưu của chính phủ nước Mỹ dành cho họ. Sự trắc trở của bản thân người Anhđiêng, và lịch sử đau thương của họ, sau khi bị lừa, bị sát hại, bị làm nhục, họ phản ứng như thế nào? Bản thân tôi có một ấn tượng: là phản ứng của họ khiến người ta thiểu não. Tôi cho rằng hiện nay, đối mặt với người Anhđiêng không phải là vấn đề kinh tế và đạo đức nữa, mà là sự đe dọa của diệt chủng. Tôi không phải một nhà dự báo, không phải một nhà chiêm tinh, tôi chỉ dùng những ấn tượng của bản thân tôi, và các sự tích mà bè bạn nói với tôi để làm cứ liệu. Thưa các vị, phải chăng chúng ta có thể suy đoán, sau một trăm năm, năm trăm năm, một nghìn năm nữa, hoặc ngắn hơn, hoặc dài hơn, người Anhđiêng thế nào cũng đến ngày tuyệt chủng. Chỉ vì họ cự tuyệt, không tiếp thu nền văn minh hiện đại. Ðương nhiên trước mắt họ có một khu vực bảo lưu, họ không xâm phạm người ta, người ta cũng không xâm phạm họ, nhưng khu đất bảo lưu này là của chính phủ Mỹ, nói cách khác là do người da trắng ban phát cho. Ðành rằng, trên lý luận, trên tình cảm, chúng ta có thể nói, đó không phải là ban phát, đó là do người Anhđiêng giành được, là đất nguyên thổ của người Anhđiêng. Nhưng, nếu tình cảm của chúng ta không phải văn học, không phải thi ca, mà là lý trí, thì hiểu ngay rằng khu đất bảo lưu này sinh ra bởi ân huệ của người Mỹ da trắng, cũng có thể nói là sinh ra từ thái độ chuộc tội của người Mỹ da trắng kia. Cho nên, nếu có một ngày nhân khẩu nước Mỹ gia tăng, cần sử dụng những khu đất bảo trợ đó, tôi thiết tưởng hậu vận của người Anhđiêng sẽ vô cùng bi đát. Phải chăng chúng ta nên có cách nhìn như vầy: sự tiêu vong của một dân tộc, là một việc hệ trọng, nhưng không phải không có khả năng. Mỗi khi nhìn thấy vùng phế tích của người Anhđiêng và sự ngưng trệ văn hóa của họ, là tim tôi như bị dao cắt, rồi bất giác nghĩ tới liệu đến một ngày nào, người Trung Quốc sẽ giống người Anhđiêng? Bạn tôi vội nói không đời nào, vì người Trung Quốc lịch sử lâu đời, số dân lại đông như thế. Tôi nghĩ đó chỉ là một thứ an ủi bằng cảm tính, giả dụ lịch sử năm nghìn năm có thể đảm bảo cho một dân tộc bất diệt, thì không hiểu căn cứ vào cơ sở lý luận gì. Vũ trụ mang mang, năm nghìn năm chỉ là chuyện chốc lát, loài người còn phải sống năm trăm tỷ năm nữa chứ, so với năm trăm tỷ năm, tỷ lệ của năm nghìn năm quá là ngắn ngủi. Còn về số người ít hay nhiều, cũng không đủ quyết định một dân tộc hưng hay vong. Lần đầu tiên người châu u đổ bộ lên lục địa châu Mỹ, khi đó dân Anhđiêng cũng rất đông, số lượng vượt xa người da trắng.

Thứ hiểu biết hồ đồ theo cảm tính ấy, làm cho tôi thấy buồn, cảm giác người Trung Quốc chúng ta hình như đang có vấn đề. Có một vấn đề nan giải nổi bật nhất là tại sao cho đến bây giờ, Trung Quốc vẫn chưa thể lớn mạnh? Chúng ta sẵn có các điều kiện của sự lớn mạnh. Nếu thế thì, điều kiện khiến chúng ta không lớn mạnh chắc chắn vượt xa điều kiện khiến chúng ta lớn mạnh. Tuy rằng tôi nghiên cứu lịch sử không có “Sư thừa”, tôi dùng phương pháp nấu gang thủ công (có tiếng cười), nhưng tôi cũng nấu rất nghiêm túc. Bây giờ tôi sẽ đem những thu hoạch nấu gang, báo cáo với các vị, cung cấp cho các vị tham khảo, đồng thời xin mời chỉ giáo.

Ở đây, tôi nhớ ra câu chuyện một công ty Mỹ cử một nhân viên đi khảo sát châu u, sau khi khảo sát mấy tháng trở về, có trình lên bản báo cáo cho công ty. Trong bản báo cáo nói châu u về kĩ thuật, về quản lý, đều rất lạc hậu, không bằng nước Mỹ. Bản báo cáo này khoảng chừng hai trăm trang, trình lên tới hội đồng quản trị, hội đồng quản trị lập tức thông qua một nghị án, cách chức nhân viên nọ. Ông chủ tịch hội đồng quản trị nói chúng tôi cử anh đi khảo sát, mục đích là khai thác sở trường của châu u, không phải bảo anh khai thác yếu điểm của họ. Còn ưu điểm của chúng tôi không cần anh khai thác, không cần anh nhắc nhở, nhu cầu của chúng tôi là cần tìm hiểu họ có mặt nào mạnh hơn chúng ta, và cần đào bới những nhược điểm của mình, mới có thể cải tiến được. Chúng tôi không nghe những âm thanh ca tụng mình, âm thanh ấy nghe nhiều sẽ bị đê mê tê dại, sẽ làm cho sản phẩm chúng ta kém phẩm chất, sẽ làm cho công ty chúng ta sớm đổ bể.

Câu chuyện vừa rồi, chúng ta coi là chuyện ngụ ngôn cũng được. Nhưng dù sao đi nữa, câu chuyện cũng đem đến cho ta một sự nhắc nhở. Cho nên hôm nay, báo cáo của tôi không phải nói ưu điểm của dân tộc Trung Hoa, mà tìm kiếm nguyên nhân vì sao làm cản trở đến sự tiến bộ của dân tộc và làm cho Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể lớn mạnh được. Trong bữa cơm trưa vừa rồi, có mấy ông bạn nhắc đến chuyện nhập học, mọi người đều lo lắng, con cái đều sắp vào đại học, tốn kém lắm. Chúng tôi có phát hiện ra một điều: người Trung Quốc bất kể khổ đến đâu, khó đến mấy cũng phải để cho con đi học. Có những dân tộc không hẳn như thế, các vị ngồi đây có lẽ nhìn xa trông rộng hơn tôi, đó là cái ưu điểm của dân tộc Trung Hoa mà tôi phát hiện ra. Tôi cho rằng những loại ưu điểm như vậy của người Trung Quốc, không cần nhắc lại nữa, vì mọi người nhắc đến quá nhiều rồi, tôi không nhắc nó, nó vẫn tồn tại. Cho nên trong báo cáo hôm nay, tôi chỉ nói về khuyết điểm của người Trung Quốc. Chuyên nói về ưu điểm là không cứu nổi bản thân đâu, chỉ nhìn thật rõ khuyết điểm mới có thể tự cứu mình.

Thứ nhất, Trung Quốc tuy có năm nghìn năm lịch sử, nhưng năm nghìn năm nay, lực lượng phong kiến chà đạp lên lòng tự trọng con người không những không thuyên giảm, mà lại ngày một gia tăng. Thời Xuân thu chiến quốc, quân thần ngồi đứng ngang hàng, đế vương và quan đại thần có thể cùng ngồi trên chiếu. Cho đến thế kỉ thứ II trước công nguyên, thời Tây Hán, tức là thời Lưu Bang làm vua, cũng là thời Nho học đương quyền, Thúc Tôn Thông chế định ra nghị triều, khiến bậc đế vương trở thành một đấng quyền uy trang nghiêm, cung kính, thậm chí rất khủng khiếp. Khi đại thần triều kiến Hoàng đế, có vệ sĩ giám sát ở bên, bất cứ người nào nếu tỏ thái độ không hợp quy phạm, như thi thoảng ngẩng đầu chẳng hạn, là bị xử phạt. Sự thay đổi như vậy khiến quân vương xa rời dân chúng, có khoảng cách với nhân dân. Nhưng dưới cấp Hoàng đế, các đại thần vẫn còn một chỗ ngồi. Ðến thế kỉ thứ X vào thời Tống, cả chỗ ngồi đó cũng không còn. Thuở hoàng đế và chúng đại thần cùng ngồi đàm đạo đã một đi không trở lại. Dù chỉ là một cải cách rất nhỏ, nhưng ý nghĩa tượng trưng rất lớn: quân và thần, quan và dân, khoảng cách càng kéo càng xa. Cho đến thế kỉ XIV triều Minh, lòng tự trọng con người bị tổn hại triệt để, không ai có thể tưởng tượng nổi, một quân vương đối với nhân dân của nước mình, lại thù hằn đến thế. Triều Minh Hoàng thiết lập một loại quan niệm “Quân phụ”, quân là cha, có thể nói Hoàng đế tức là cha của anh đấy. Loại quan niệm này một khi được thiết lập là đẻ ra hàng loạt tệ hại, vô cùng tận. Trong đó, chứng bệnh đáng sợ nhất là “Ðình trượng”. Trên cho đến tể tướng, dưới cho đến tiểu dân, chỉ cần kẻ cai quản anh cho rằng anh phạm pháp, thì hắn hoàn toàn có thể trói anh đánh đập đến sầy da bật máu ngay trên điện ngọc, công đường, tức là nơi sở tại của chính phủ. Chế độ đình trượng, sự kết hợp giữa tư tưởng quân và phụ, làm cho lòng tự tôn của người Trung Quốc gần như mất sạch, khiến nhân cách của người Trung Quốc bị chà đạp, bị triệt tiêu. Người Trung Quốc có một cách duy nhất để bảo vệ lòng tự trọng của mình là cố không bật ra tiếng kêu lúc bị đình trượng (có tiếng cười). Cũng thường có những viên quan kiên cường, khi bị đánh đập, đau nhưng chỉ vùng vẫy cái đầu, đến mức cọ tuột cả râu mà không chịu kêu la. Ðó là việc duy nhất có thể làm được của dân chúng thời bấy giờ, nhưng không thể dâng lên thành cục diện phản kháng.

Chúng ta thường nói dân tộc Trung Hoa là một dân tộc có sức đồng hóa mạnh nhất, cho đến ngày nay đúng là như vậy. Chúng ta có thể nhìn thấy, lịch sử đã có mấy lần, phàm dân tộc nào xâm lược Trung Quốc, cuối cùng đều bị Trung Quốc đồng hóa. Thí dụ sớm nhất là nước Bắc Ngụy, Hiếu Văn đế Thác Bạt Hùng biến pháp cách tân, áp dụng phương pháp Trung Quốc trị vì nước nhà. Lại thí dụ Mãn Thanh, đi con đường cũng giống Thác Bạt Hùng. Cuộc xâm lược Trung Quốc lớn nhất của hai tộc ngoại này kết quả vẫn là thắng lợi của dân tộc Trung Hoa. Nhưng chúng ta nên lưu ý, đành rằng cuối cùng họ đều đã hấp thụ nền văn hóa Trung Quốc, kế thừa nền văn hóa Trung Quốc, nhưng lại hấp thụ cái phần dở nhất của nền văn hóa đó, kết quả hấp thụ văn hóa Trung Quốc không hề khiến dân tộc họ lớn mạnh, ngược lại làm cho cả hai đều sa sút, cho nên chung cục của họ đều không hay ho gì. Thí dụ Hoàng đế Bắc Ngụy Thác Bạt Hùng tuyên bố người Tiễn Ty không được nói tiếng Tiễn Ty, phải nhất loạt nói tiếng Trung Quốc, mà còn đổi họ tên theo Trung Quốc. Sau đó còn áp dụng chế độ phong kiến và chế độ cung đình Trung Quốc, áp dụng chế độ môn đệ và môn phạt Sĩ đại phu, những thứ đó đều chưa hề có ở trước thời Bắc Ngụy. Họ vốn là dân tộc du mục trên hoang nguyên, lòng dạ khoáng đạt, khoảng cách giữa quan hệ tôn ty mờ nhạt, nhưng nay lại dùng sức người để phá hủy nó.

Thính giả: Xin hỏi cái gì gọi là đình trượng?

Ðình trượng là đánh đít (có tiếng cười), người chịu hình phạt nằm bò dưới đất chân tay duỗi thẳng, bốn ông hoạn quan trói chặt bốn cẳng rồi dùng bao tải chụp kín đầu, có hai ông hoạn quan giữ chặt hai chân. Khi nhà vua tuyên bố đình trượng một trăm, thì đánh một trăm trượng. Thông thường, đình trượng không được quá một trăm, nếu quá một trăm, thì sẽ chết dưới cây trượng. Những kẻ chấp hành đình trượng, biết quan sát sắc mặt, nếu nhà vua chỉ ghét anh thôi chứ không có ý định tiêu diệt, thì cứ đánh một hai trăm trượng cũng không thể mất mạng. Nếu nhà vua nhất định buộc anh vào tử địa, thì chỉ ba bốn mươi trượng đã đủ đi đời rồi. Thói thường, quan viên hoặc tiểu dân khi bị đình trượng, hay mua chuộc tống tiền, lúc hành hình nghe đánh rất kêu, cứ tưởng là đau lắm, nhưng không đến nỗi chết, kể cả thịt nát máu chảy, cũng không hại đến xương cốt, là nói chỉ đau thôi chứ không chết người. Họ là những người đã được huấn luyện, họ có thể dùng tờ giấy bọc đầy rơm ở trong, đánh đến rơm vụn ra rồi, tờ giấy cũng không rách. Ðấy là một hình phạt tàn nhẫn, có thể đánh anh mà bề ngoài không thấy vết thương, nhưng bên trong gân cốt gãy nát. Dưới chế độ đình trượng, tự trọng con người hoàn toàn bị dập vùi. Thế kỉ XIV, XV, châu u đang thời kì phục hưng, mà Trung Quốc lại thi hành chế độ đình trượng, thật khiến ta đau lòng.

Chúng ta quay lại với chủ đề vừa rồi, Mông Cổ là một dân tộc rất kì quặc, sau khi xâm chiếm Trung Quốc, họ đối với văn hóa Trung Quốc bằng thái độ kháng cự. Chín mươi năm trước, họ tới Trung Quốc như thế nào, thì chín mươi năm sau họ rời khỏi Trung Quốc cũng như thế. Với văn hóa Trung Quốc, họ không hề bị lây nhiễm. Sau khi thành lập, chính phủ Mãn Thanh kế thừa một kết cấu xã hội và chế độ chính trị triều Minh - thời đại đen tối nhất Trung Quốc, có tác dụng lên men gây rữa một chính quyền mới. Ðến nỗi triều Thanh tuy có vũ lực hùng mạnh, nhưng bị văn hóa Trung Quốc xâm thực hàng trăm năm, đến cuối cùng bị phá tung ra, không tài nào thu xếp nổi. Quan niệm nhân quyền bị chế độ, xã hội, thế lực phong kiến lâu đời hủy hoại từng ngày, hầu như bị hủy diệt, ảnh hưởng rất lớn tới người Trung Quốc. Lòng tự tôn của người Trung Quốc không còn cách nào gìn giữ trọn vẹn, nếu nói là có gìn giữ, thì chỉ có tinh thần A Q mà ông Lỗ Tấn nói tới, tức là đành thỏa mãn bản thân bằng cảm tính, mà không thể có được sự sung mãn của nội tâm. Tôi nghĩ, thỏa mãn trên cảm tính và sung mãn trong nội tâm là không hề giống nhau. Lấy một ví dụ, tôi đến thăm nhà anh, trông thấy căn nhà anh đẹp như thế, chủ nhà học vấn lại cao như thế, tôi rất lấy làm khâm phục, ngưỡng mộ, sau khi ra về, tôi sẽ nghĩ, tôi phải cố gắng làm việc, phấn đấu đến một ngày nào đó cũng giống anh, có được học vấn cao và ngôi nhà đẹp. Nhưng có thể, khi ra về, tôi lại tự nhủ: ở căn nhà đẹp như thế, ai biết được tiền hắn đi ăn cắp hay đi cướp được, mong cho ngày mai một trận hỏa hoạn, đốt sạch sành sanh (có tiếng cười). Tâm lý dân tộc ta bị ức chế lâu ngày, chỉ có thể dùng cảm tính để tự thăng bằng lấy.

Ðiểm thứ hai tôi sẽ báo cáo, là lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc chỉ có ba thời đại hoàng kim. Thời hoàng kim thứ nhất là thời Chiến quốc Xuân thu, thời đó, các dòng tư tưởng, các phương thức sinh hoạt song song tồn tại. Thời hoàng kim thứ hai là Ðường vương triều, cách cai trị kiên trinh của Ðường Thái tông Lý Thế Dân đại đế, cho đến giữa kì Ðường Minh Hoàng Lý Long Cơ, khoảng trên dưới một trăm năm. Thời hoàng kim thứ ba, có lẽ từ thập niên sáu mươi của thế kỉ XVII cho đến thập niên sáu mươi của thế kỉ XVIII, giữa thời nhà Thanh. Trong lịch sử năm nghìn năm Trung Quốc chỉ có ba thời kì vàng son. Còn lại hơn bốn nghìn năm kia hầu như mỗi một năm, thậm chí mỗi một ngày, đều có chiến tranh. Có vị học giả phương Tây từng làm một thống kê, chứng minh từ khi có lịch sử loài người, năm nào cũng có chiến tranh. Hiện tượng này ở Trung Quốc cũng vậy. Tôi cũng đã từng làm một thống kê, còn viết xong bản thảo lần thứ nhất cuốn Trung Quốc lịch đại chiến loạn biên niên sử, phát hiện trong lịch sử Trung Quốc, cũng mỗi một năm đều có chiến tranh. Nhưng lấy Trung Quốc làm đơn vị thống kê và lấy thế giới làm đơn vị thống kê, ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, vì thế giới rất lớn, Trung Quốc mà so với thế giới, thì Trung Quốc quá nhỏ. Nhất là vào thời Triều Minh, bản đồ Trung Quốc hồi đó chỉ bằng thời Tần thế kỉ II trước công nguyên, so với bản đồ bây giờ, nhỏ bằng một nửa.

Ở trong một cương vực nhỏ như thế, nếu năm nào cũng có chiến tranh, mà đều là những cuộc chiến có ghi chép, những cuộc chiến tranh không ghi chép thì không nằm trong phạm vi thống kê của chúng ta, thế mới thấy động loạn ở Trung Quốc thật đáng sợ. Cuộc náo loạn giữa thời kì quá độ của một vương triều thay thế một vương triều khác, cũng đến dăm ba mươi năm. Từ cướp chính quyền cho đến ổn định chính quyền, lại cần khoảng hai mươi năm nữa. Sau đó chính quyền lại thối rữa, lực lượng phản kháng lại xuất hiện, cuộc hỗn chiến lại bắt đầu, lại sa vào vòng tuần hoàn chồng chéo giữa trị và loạn. Có thể nói người Trung Quốc trường kì sống trong cảnh hỗn loạn, chiến tranh, tàn sát, tham ô, bần cùng, do vậy người Trung Quốc mất hẳn cảm giác an toàn, lúc nào cũng cảm thấy bàng hoàng bất an. Chúng ta có lịch sử lâu đời, lại có đất nước rộng lớn như thế, người Trung Quốc đáng ra sẵn có tấm lòng cởi mở, tứ hải bàng bạc mới phải. Chỉ vì nghèo đói, tàn sát, nghi kỵ kéo dài, khiến lòng dạ chúng ta vô cùng hẹp hòi. Chỉ cầu cho qua được ngày hôm nay, ngày mai xẩy ra chuyện gì, tôi không biết, chiến tranh kéo dài đến bao giờ, tôi cũng không biết. Chiến tranh ảnh hưởng đến thủy lợi, công trình thủy lợi bị phá hoại, tiếp theo là hạn hán, sau hạn hán rồi là nạn châu chấu, cứ như thế hạn hán, nạn lụt, nạn châu chấu, đất trống ngàn dặm. Ba chữ “Nhân tương thực” trong lịch sử, không biết xuất hiện đến mấy chục lần mấy trăm lần. Chúng ta cho rằng chúng ta là dân tộc văn minh cao cấp, sao có thể xảy ra chuyện người ăn thịt người, hành vi dã man như vậy? Thực tình là tai nạn đến với chúng ta quá nhiều, mà hoạn nạn quá lâu. Không cần nói đến quốc gia, lấy cá nhân mà nói, nếu một con người mà suốt đời nghèo khó, lại chịu quá nhiều đau khổ, thì người đó sẽ có phản ứng tâm lý không tin bất cứ một việc gì trên đời này. Tôi ngồi tù, trước khi được tha mấy ngày một quan viên nói với tôi: “Báo cho một tin mừng, anh sắp được ra rồi.” Tôi nói: “Ăn món đậu phụ gì?” (có tiếng cười). Ông quan viên nói: “Tại sao anh lại không tin, chẳng nhẽ tôi lại lừa anh à?” Tôi đòi ông ta cho xem quyết định, vì tôi tin nhiều quá rồi, bị lừa cũng nhiều quá rồi, mỗi lần đều thất vọng. Người nào sống trong hoạn nạn quá lâu, là có quyền nghi ngờ tin tốt lành (có tiếng cười). Một dân tộc cũng vậy, bị đầy đọa lâu quá, người ta cho rằng, một triều đại mới đến rồi, thì có thể như thế này thế nọ, kết quả hầu như không lần nào là không bị hẫng hụt. Có người hỏi tại sao Trung Quốc không có những công trình kiến trúc vĩ đại mà nước ngoài lại có? Là vì kiến trúc của Trung Quốc thường làm bằng gỗ, nó có thể mục nát. Tôi cho đấy không phải nguyên nhân, nguyên nhân là một vương triều mới phất lên, là châm lửa đốt sạch (có tiếng cười). Tần vương triều để lại cung A Phòng đẹp như thế, nhưng Hạng Vũ lại coi đó là mồ hôi xương máu của dân, là bạo chính, lại đốt sạch. Thứ tình cảm thiếu chín chắn ấy đủ tạo nên sự nghèo đói dai dẳng, khiến lòng tự tôn của người Trung Quốc không sao gây dựng được, tấm lòng người Trung Quốc không còn rộng mở. Có một câu cách ngôn nói “Ða nạn hưng bang” (có tiếng cười). Chúng ta cần hiểu rằng cách ngôn đều xuất phát từ cảm tính, ở trong một điều kiện nhất định, nó mới trở thành chân lý, nó không 2phải là khoa học. “Nạn” nếu nhiều quá thì không cách nào hưng bang (có tiếng cười). Với cách ngôn cũng phải có nhận thức, thí dụ câu “Ai binh tất thắng”, chưa chắc như vậy, ai binh thất bại cũng nhiều lắm chứ. Một đoàn quân lớn cuối cùng bị tiêu diệt, hỏi người nào không phải ai binh? (có tiếng cười). Giống như Kataici đối kháng với La Mã, hầu như toàn dân tham chiến, có thể nói là vừa khóc vừa đánh, cuối cùng vẫn bị La Mã tiêu diệt. “Ai binh” không thấy “Ðắc thắng”, “Ða nạn” cũng chẳng thấy “Hưng bang”, mà phải nói là “Ða nạn” cần phải gặp thời cơ tốt mới “Hưng bang” được (có tiếng cười). Còn Trung Quốc ư, thì nhiều nạn lắm, nhưng còn mừng là nhiều nạn đến mức chúng ta chưa bị tiêu diệt, nhưng đã nhiều đến mức làm cho dân tộc ta mất hết linh tính.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay