Người Trung Quốc xấu xa - Chương 05 - Phần 2

Thứ ba, từ lịch sử, chúng ta phát hiện xã hội Trung Quốc có một hiện tượng lạ, mà các nước khác không có, là cái gọi là “quan trường”. Quan trường có từ chế độ khoa cử. Có một điểm không biết các vị có nhất trí hay không, là Nhật Bản tiếp thu toàn bộ văn hóa của Trung Quốc, họ đem tất cả các thứ của Trung Quốc tiếp nhận hết sang bên kia, từ những thứ nhỏ như manh chiếu, guốc mộc (có tiếng cười), đến thứ lớn như tổ chức chính phủ, chế độ chính trị... nhưng chỉ mỗi một điểm không tiếp thu, khiến nước Nhật sau này gặp Minh Trị duy tân, có thể lớn mạnh lên ngay, mà chưa thành lực cản, điểm ấy là chế độ khoa cử. Chế độ khoa cử Trung Quốc có công dụng và cống hiến của nó, nhưng nó tạo nên quan trường Trung Quốc. Quan trường là một cái mạng nhện rất kì quái, nhìn không thấy, sờ không được, nhưng anh có thể cảm giác khi anh đã chui vào trong ổ tơ nhằng nhịt. Hai chữ “quan liêu” của Trung Quốc không thể dịch, hoặc thay thế bằng chữ Bureaucrats. Quan liêu Trung Quốc có đặc tính riêng, đối tượng họ tận trung tuyệt nhiên không phải nhà nước, cũng tuyệt đối không phải lãnh tụ, họ chỉ tận trung với người đã cho họ làm quan. Chính phủ, triều đại có thể thay đổi, quan trường không thay đổi, nên người Mãn Châu thống trị người Tạng, người Mông Cổ, người Hán, đều nhằm vào nhược điểm của mỗi dân tộc. Với người Tạng, dùng Lạt Ma giáo, mời hẳn vị Lạt Ma đến Bắc Kinh, làm đại gia, hầu hạ cung kính. Với người Mông Cổ, dùng thủ đoạn hôn nhân, đem tất cả hoàng nữ công chúa gả hết cho hoàng tử Mông Cổ, con cái họ đẻ ra, thì là cháu của tôi (có tiếng cười), nuôi nấng các hoàng tử con trong cung từ nhỏ, gọi cậu đi, gọi ông đi, chờ cho khi lớn, làm sao có thể phản ông, phản cậu cơ chứ! Công chúa hoàng nữ người Mãn Châu tuyệt đối không gả cho người Hán. Cách họ thống trị người Hán là bằng khoa cử. Họ biết người Trung Quốc có chứng bệnh là thích làm quan (có tiếng cười). Ta cho anh một hi vọng làm quan thì anh sẽ ngoan ngoãn vâng lời, ý thức dân tộc, lòng tự trọng, anh sẽ mang nộp ra hết. Cho nên quan trường là một cục diện xã hội thần bí, nó có tiêu chí hành vi và quan niệm giá trị rất đặc thù. Họ không tận tụy với hoàng đế, hoàng đế đổi rồi, họ vẫn làm quan của họ (có tiếng cười). Họ cũng không sợ mất nước, nước mất rồi, chỉ cần anh vẫn cho họ làm quan, thì họ vẫn tiếp tục làm quan. Cho nên thế gian muôn màu muôn vẻ, chẳng qua chỉ là đắc địa ra oai của quan chức, “quan quan tương hộ” ( ý nói quan chức bênh vực, bao che cho nhau - dịch giả), tự nhiên hình thành mối dính líu vô cùng phức tạp. Không rõ các vị có đọc quyển sách Quan trường hiện hình ký, là một quyển sách phân tích kết cấu quan trường của Trung Quốc. Bạn đừng nên dùng con mắt văn học, mà nên dùng con mắt nghiên cứu xã hội học để đọc quyển sách này. Vì mối quan trường xác lập như vầy, khiến quan hệ giữa xã hội người Trung Quốc càng trở nên tế nhị. Tôi nghĩ, các vị ở nước Mỹ lâu như thế, không biết có phát hiện ra quan hệ xã hội người Mỹ, so với quan hệ xã hội người Trung Quốc, đơn thuần hơn nhiều không? Trung Quốc có câu, làm việc dễ làm người khó. Làm người là gì? Là nói cách xử lý quan hệ giữa người với người có tốt không? Có vở kinh kịch Thẩm đầu thích Thang, có một viên quan tòa, một viên quan bồi thẩm, ngoài ra còn một góa phụ trẻ nữa, chồng chị ta bị mưu sát. Trong lúc xử án, chị ta ôm một cái đầu người khóc, nếu đầu người đó là thật, thì vụ án này có thể chấm dứt, nếu đầu người là giả, vụ án này mà tung ra, thì dây dưa nhiều lắm, khối người phải nộp mạng. Ông bồi thẩm mê góa phụ trẻ tuổi kia, chị ta cũng ra hiệu bằng lòng lấy ông ta, thế là ông bồi thẩm cứ nhất mực xử đầu người này là thật (có tiếng cười). Nhà chị kia trông chừng vụ án có thể kết thúc, lại đổi ý không muốn lấy ông ta nữa, thế là ông bồi thẩm họ Thang kia lại khăng khăng bảo đầu người này là giả (có tiếng cười). Người Trung Quốc chúng ta mãi mãi ở trong quan hệ quan trường như thế, phải trái không rõ, phản phúc sấp ngửa, chốc đầu người là thật, lát đầu người là giả, cuối cùng thật giả chẳng ai biết được (có tiếng cười). Quan trường đem lại rất nhiều phiền nhiễu cho chúng ta. Ở đây, quý vị chuyên gia học giả, có nhiều người đã từng về nước công tác, hoặc sau này có dịp về nước công tác, tôi nghĩ khó khăn mà quý vị gặp phải, không phải bản thân của công việc. Thí dụ bạn muốn xây một lò nguyên tử, nếu bạn không biết xây, đó là do vấn đề công việc, nhưng bạn xây lò nguyên tử mà thiếu một con đinh vít, người giữ đinh vít kia, anh ta xin nghỉ rồi. Anh ta bị cảm, tất nhiên phải xin nghỉ, nhưng sự thực anh ta không phải bị cảm, mà bỏ đi đánh mà chược (có tiếng cười). Tại sao anh ta lại đi đánh mà chược, chỉ vì quan hệ giữa bạn với anh ta không được tốt, lò nguyên tử của ông xây có xong hay không liên quan gì đến tôi? Lò nguyên tử xây không xong hay bị nổ, tôi cũng chẳng cần (có tiếng cười). Nếu bạn nói nhà nước bị thiệt hại, thiệt hại thì thiệt hại, tôi vẫn làm quan như thường. Ðó là cảnh tượng của quan trường, chứng bệnh tích hàng nghìn năm nay, kéo dài suốt cho đến khi quân cách mạng Quốc Dân đảng bắc phạt năm 1928. Nhưng quân sự bắc phạt, chính trị nam tiến, sự thực là độc tố của quan trường nam tiến. Ðáng ra tình cảm giữa đồng chí cách mạng rất trong sáng, nhưng một khi bị cuốn vào quan trường thì trở thành vô cùng phức tạp, phức tạp đến mức một con người khỏe mạnh cũng không thể chịu đựng nổi. Cho nên quan hệ con người trong xã hội giống hệt như hồ dính, keo dán vạn năng, một khi dính vào, muốn cũng không hất ra được, muốn cũng không thoát ra được. Tôi không rõ, các vị khi về nước, có phát hiện điều này không, thí dụ lần anh về nước có người bạn mời cơm anh, nếu anh dám cả gan từ chối thì tình hữu nghị được sổ toẹt từ đấy. Ðó chính là thói quan trường, quan hệ con người trở nên rất quanh co. Tại sao như vậy? Tại sao họ lại cần mối quan hệ quan trường như vậy? Nguyên nhân có như thế mới làm cho chức quan của họ vững vàng hơn. Tôi có ông bạn về Ðài Loan, mấy người chẳng dây mơ rễ má gì cũng mời ông ấy ăn cơm, ăn xong cơm là nhờ ông ấy mang giùm ít quà sang Mỹ (có tiếng cười). Ðó không phải họ có ý trao đổi điều kiện với anh, mà là một phản ứng tự nhiên, vì đã ăn với nhau một bữa cơm là trở thành bạn, đã là bạn thì phải giúp nhau (có tiếng cười). Hiện tượng quan trường là kiểu như thế, nếu anh xây lò nguyên tử, lò nguyên tử này cực kì nguy hiểm, là thứ không thể sờ soạng được, nhưng họ có thể nghĩ rằng chúng ta là bạn bè, sờ một tí có vấn đề gì? (có tiếng cười). Thường thường một con người, trước khi làm quan và sau khi làm quan, tự nhiên biến thành hai giống người. Câu nói này vốn không hợp lô-gích, chỉ nên nói một con người khi tính quan hưng vượng thì tính người bị triệt tiêu. Họ không còn nhân tính, chỉ còn tính quan chức khi làm quan, phải chờ đến một ngày nào đó họ về hưu, tính người mới phục hồi (có tiếng cười). Chính vì tồn tại quan trường, buộc cách làm việc của người Trung Quốc có riêng một kiểu cách, buộc quỹ đạo văn hóa của chúng ta hay tuột khỏi phương hướng.

Ðiểm thứ tư: Khổng Tử bản thân là một nhân vật rất vĩ đại, tri thức uyên bác, giàu lòng nhân ái, có cống hiến rất lớn cho xã hội. Nho gia và Nho học phát triển từ Khổng Khâu, ảnh hưởng rất sâu xa đến Trung Quốc, mãi cho đến thời của chúng ta. Nhưng tinh thần cơ bản nhà Nho là bảo thủ, nói nghiêm khắc hơn, là nhà Nho không những bảo thủ, mà còn phản tiến bộ. Chữ “Nho” của nhà Nho, là chỉ những người dẫn dắt chương trình việc cúng bái lễ lạt trước thời Xuân Thu, vì họ hiểu về trình tự hành lễ, vào những dịp điển lễ lớn của nhà nước, cần phải có những người như vậy để đề xuất ý kiến, loại người này bản chất sùng bái thời cổ, ngày đó chưa có lễ nhạc mới, nên sử dụng lễ nhạc thời cổ. Vì bát cơm manh áo, trước tiên họ phải giữ lấy một nghề ổn định cho mình (có tiếng cười), cho nên họ buộc phải nệ cổ. Hai chữ “Sùng cổ” có khó nghe, nhưng phải nói là họ rất bảo thủ. Khuynh hướng sùng cổ đã hình thành ý thức bảo thủ ngoan cường. Xã hội Trung Quốc bị bao bọc bởi ý thức như thế, nên đánh mất động lực sáng tạo, không có khả năng tự kiểm điểm, tự phản tỉnh, tự điều chỉnh. Bạn bè khi bàn luận về nước Mỹ, xin lỗi, tôi lại múa rìu qua mắt các vị “người Mỹ kì cựu”, tôi nghĩ tôi cứ mạo muội nói, còn các vị cứ mạo muội nghe (có tiếng cười). Cũng như người ta nói về chuyện bức hại chủng tộc ở nước Mỹ, chuyện tàn sát dân Anhđiêng không thương tiếc, chuyện ngược đãi dân da đen, chuyện kì thị người Trung Quốc. Tôi đã từng đi thăm đảo Ankiơ, nhìn thấy những câu thơ, dòng chữ thương tâm của người Trung Quốc còn lưu lại. Sai lầm của người Mỹ có thật hay không? Ðương nhiên là thật, thậm chí còn tồi tệ hơn tôi tưởng. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận từ một khía cạnh khác, là họ có khả năng sửa sai hay không? Họ có khả năng phản tỉnh hay không? So với hồi xưa, nay họ có tiến bộ hơn không? Nếu không, thì tôi cho rằng đất nước này không có tương lai. Nếu có, thì tôi cho rằng đất nước này vĩ đại, tràn đầy sức sống. Ở Mỹ ngày xưa có cả cây treo cổ, nhưng bây giờ bỏ rồi. Nước Mỹ ngày xưa còn giam tù nhân dưới hầm nước, nhưng bây giờ khi bắt giữ người, còn đọc hiến pháp điều mấy cho họ nghe. Nước Mỹ có sai lầm, có lệch lạc, nhưng người Mỹ có khả năng sửa chữa. Dân tộc Trung Hoa chúng ta thì không có khả năng như thế. Sùng cổ lâu đời, không cầu tiến bộ, bảo thủ, làm mất hết khả năng sửa đổi. Ta nhìn lại lịch sử, Thương Ưởng là Tư tưởng pháp gia, biến pháp của ông đã biến nước Tần thành nước như thế nào? Khi chưa thực hiện biến pháp, sinh hoạt trong gia đình người Tần là cha mẹ, anh em, lớn bé đều ngủ chung một giường. Thương Ưởng đem lại đời sống văn minh cho họ, không cho phép cha mẹ con cái ở chung buồng, không cho phép anh trai em gái ở chung buồng, bảo ban họ phải ngủ riêng, thế mới biết ngày đó quốc gia của họ mọi rợ đến nhường nào. Thương Ưởng biến pháp, không phải biến ra một quả bom nguyên tử, cũng không phải cải cách vật chất, mà là sự thay đổi cơ bản về chế độ, xã hội, văn hóa giáo dục, ông ta đã thành công. Thời đó là thế kỉ IV trước công nguyên, cho đến ngày nay đã hơn hai nghìn năm, Trung Quốc vẫn chưa có một lần nào đột phá như thế. Người nào có ý đột phá, cuối cùng đều bị thân bại danh liệt. Hậu quả của Thương Ưởng là bị ngựa xé xác, bị bánh xe nghiền. Học phái nhà Nho cũng thường nhắc đến kết cục của những nhà cổ súy cải cách, để hăm dọa người Trung Quốc cầu tiến bộ (có tiếng cười). Vương An Thạch là nhà cải cách có tiếng trong lịch sử, đạo đức, học vấn, năng lực làm việc của ông không ai chê trách nổi, nhưng việc cải cách của ông lại gặp trắc trở rất lớn. Còn Trương Cư Chính, hậu quả cũng thê thảm như Thương Ưởng, ngay sau khi ông chết, nhà cửa bị lục soát niêm phong, con trai bị chết đói. Cho đến biến pháp Mậu Tuất của Khương Hữu Vị cũng không thành công. Các phái học Nho có một cách nói: “Lợi bất thập, bất biến pháp”. Nghĩa là không được lợi trăm phần trăm, thì tuyệt đối không cải cách. Quan niệm này chính là nguyên nhân khiến dân tộc Trung Hoa chúng ta không thể tiến bộ, không thể lớn mạnh. Bất cứ cải cách nào cũng không thể có lợi ích mười mươi, chỉ cần năm phẩy năm phần mười đã là lợi ích lớn lắm rồi.

Thí dụ bây giờ anh muốn lái xe từ Sưdanfo đến Sinhkaxi, tôi khuyên anh đừng đi xe, nên đi bộ, vì lái xe có khả năng xẩy ra sự cố, vì không có mười cái lợi không nên đi (có tiếng cười). Theo cách nhìn nhận như thế anh nói gì được nào, vả lại nếu lái xe thì còn phải đi học lái, mất thì giờ, đi trên đường anh không đâm người ta, nhưng người ta lại đâm anh (có tiếng cười), nếu đi bộ, anh vừa đỡ phí tiền, vừa rèn thân thể (có tiếng cười). Hiện tượng quan trường là kiểu như thế, nếu anh xây lò nguyên tử, lò nguyên lực, lại vừa không nguy hiểm, các vị nghe lời tôi, thì ngày mai đi bộ không đi xe chứ. Sự thực, chỉ cần đến năm mươi mốt phần trăm lợi ích thôi là chúng ta đã nên thay đổi rồi, yêu cầu lợi ích trăm phần trăm thì vĩnh viễn không thể có. Tối qua, mấy ông bạn bàn về vấn đề đánh vần chữ Trung Quốc, có người nói vướng mắc thế này, có người nói vướng mắc thế kia, đương nhiên là có vướng mắc, trên đời này có cuộc cải cách nào không vướng mắc? Phản đối theo cảm tính có, phản đối theo lý trí có. Nếu anh đòi hỏi họ thay đổi, là họ phải đòi có lợi trăm phần trăm, trên đời không bao giờ có chuyện lạ như thế. Bởi vì, tinh thần nhà Nho bản thân là bảo thủ, một nhà vua thời Tống, hỏi Tư Mã Quang có nhất thiết phải cải cách không? Nếu vương triều Tây Hán vẫn duy trì luật pháp của Tiêu Hà có được không? Tư Mã Quang trả lời: tất nhiên là được, chính vì quá nhiều người huyễn tưởng, quá nhiều cải cách của kẻ nhiễu sự, mới khiến bọn đạo tặc hoành hành, nếu cứ để nguyên như trước thì thuần phong mỹ tục từ thời Nghiêu Thuấn đã được duy trì cho đến bây giờ. Tư Mã Quang là một lão tướng quan trường, hắn vừa lên chức tể tướng đã lập tức phế truất toàn bộ pháp mới của Vương An Thạch, bao gồm cả pháp Mộ dịch, mặc dầu đã thu được hiệu quả rõ rệt. Thưa các vị, loại người này mới là sâu mọt trở ngại sự tiến bộ. Tô Ðông Pha và Phạm Thuần Nhân con trai Pham Trọng Yêm đều tỏ ý phản đối, nhưng Tư Mã Quang giở mặt ngay. Ðiều đó càng khẳng định những hòn đá cản chân thời đại là không biết phải trái, không vì lợi ích của nhân dân, cũng không tận tụy với nhà nước, chỉ vì lợi ích cá nhân mình. Tư Mã Quang không phải là nhà chính trị, chẳng qua là con sâu luồn lách quan trường mà thôi.

Ðiểm thứ năm là số dân đông quá làm hại Trung Quốc... (Lúc này vì thay băng ghi âm, nên bị ngắt quãng).

Sau những cuộc nội chiến thay thời đổi chủ, tiếp theo là nhân khẩu gia tăng, lại trở lại bi kịch: chiến tranh, tàn sát, chết chóc. Có người nói bên Mỹ rất tốt, mức sống cao, không hiểu các vị có để ý đến giá như người Mỹ thêm một tỷ dân, chuyển hết dân Ðại lục sang đây là một tỷ hai, thì tình hình sẽ như thế nào không? (có tiếng cười). Vấn đề dân số rất quan trọng, nếu Trung Quốc muốn lớn mạnh, sống chết phải tìm cách giảm dân số. Có câu nói: thêm người được việc, bớt người được bánh ngon. Bánh là bánh bao, bánh mì. Ngày xưa, thêm người tất nhiên là được việc rồi. Nhưng bây giờ, thêm người chẳng tác dụng gì, một trăm người không bằng một máy vi tính (có tiếng cười). Bớt người được bánh ngon, câu này thì quá đúng. Lấy thu nhập gia đình các vị làm thí dụ. Ðẻ hai ba đứa con còn có thể duy trì mức sinh hoạt trên trung bình, nếu không cẩn thận, đẻ đến hai ba trăm đứa thì nuôi thế nào nổi? (cười ầm lên). Tiền ăn ư, tiền học ư, tiền may sắm quần áo ư v... lấy gì mà chi tiêu? Trung Quốc dân số đông quá, nghèo đói quá, quan trường dày đặc quá, cạnh tranh dữ dội quá, hàng loạt nguyên nhân khiến người Trung Quốc ta nổi cộm lên một hiện tượng: bẩn thỉu, bừa bộn, ồn ã, và nội bộ đấu đá không ngơi nghỉ (có tiếng cười). Người Trung Quốc hễ cất tiếng là hùng hùng hổ hổ (có tiếng cười), thiếu lễ độ. Khi ở Lốt Angiơlét, người ta hỏi tôi ấn tượng về nước Mỹ như thế nào, tôi nói có cảm tưởng nước Mỹ là Lễ nghĩa chi bang (Một đất nước trọng lễ nghĩa - dịch giả). Lại hỏi Trung Quốc có phải Lễ nghĩa chi bang? Tôi nói Trung Quốc tuyệt đối không phải Lễ nghĩa chi bang (cười ầm lên). Người Trung Quốc thô lỗ, lúc nào cũng như sẵn sàng cho anh một cú đấm. Các vị có lẽ dễ nhận thấy người Trung Quốc rất ít tươi cười, không hiểu có phải vì hoạn nạn quá nhiều? Ðau đớn quá nhiều? u lo quá dài, khiến họ không cười được nữa? Cho nên tôi cảm giác người Mỹ là một dân tộc sung sướng, chí ít một nước Mỹ mà tôi được tiếp xúc, là một dân tộc vui vẻ, hiền lành, hay giúp đỡ người khác. Nhưng người Trung Quốc thì hay ưu tư, đầy cảnh giác và hay lo lắng lợi ích cho mình. Ðến nỗi chúng ta suốt ngày hớt hải, đôi mắt luôn thường trực như con hổ đang tự vệ (có tiếng cười). Người ta nói người Mỹ kì thị chủng tộc. Tất nhiên có kì thị chủng tộc, nhưng không chỉ ở nước Mỹ, bất cứ quốc gia nào cũng có kì thị chủng tộc, nhưng nước Mỹ chí ít bao dung chúng ta, không những bao dung người của chúng ta, còn bao dung cả sự thiếu lễ độ, bẩn thỉu, bừa bộn, ồn ào và không ngừng đấu đá trong nội bộ của chúng ta nữa.

Trên đây là chút tâm đắc của tôi không hề che đậy, cũng là lời báo cáo trung thực với các ngài quản trị, sau khi tôi đến “khảo sát” nước Mỹ (có tiếng cười).

Ưu điểm của chúng ta, tôi không cần nói nữa, vì nói đi nói lại, nó vẫn cứ tồn tại, không nói, nó cũng không thể chạy mất. Tôi nhắc đến khuyết điểm của chúng ta, mới có thể thôi thúc chúng ta phản tỉnh. Những khuyết điểm vô cùng nghiêm trọng, trong văn hóa vại tương của chúng ta, chúng ta buộc phải đối diện với rất nhiều vấn đề như vậy, nên có thái độ phản ứng như thế nào? Tôi sẽ tóm tắt mấy ý như sau.

Những vấn đề này nếu thực sự là vấn đề, thì phản ứng quan trọng nhất là bồi dưỡng khả năng tư duy của chúng ta. Mấy nghìn năm lại đây, tất thảy sự việc đều do người ta - thánh nhân, hoặc các vĩ nhân bậc quyền thế nghĩ hộ cho chúng ta, tự chúng ta không phải suy nghĩ, không dám suy nghĩ thì đúng hơn. Làm thế nào mới là đúng? Người Trung Quốc hình như đang luyện tập cho mình trở thành một thằng ngốc. Con trai của Rôckơfeolơ đi thám hiểm tại Tân Ghinê, bị thổ dân ăn thịt, khi chuyện này xẩy ra, báo chí Ðài Bắc đưa tin, rất nhiều người dè bỉu: thật là có phúc không biết hưởng, nếu là tôi, thì chẳng dại dột gì tôi đi. Lần này tôi có dừng lại thành phố Phinichx (Phoenix), ở nhà một ông bạn người Mỹ quãng năm sáu ngày, con gái chủ nhà là cô Margaret, đến Honđurat hỗ trợ dân bản địa, giúp họ kiến thức về vệ sinh đôi mắt. Vệ sinh vùng Honđurat còn kém hơn Trung Quốc nước ta, dân ở đó sống rất bẩn, đến nỗi cô gái này khi tỉnh giấc, phát hiện ra một con lợn đang nằm chung với mình. Khi tôi ở đó thì vừa vặn đúng lúc cô ấy kết thúc chương trình phục vụ, về nhà kể cho bà mẹ nghe, nói một cách say sưa rằng sang năm còn đi nữa. Vì nơi đó lạc hậu lắm, nghèo đói lắm, cần phải giúp họ, bà mẹ động viên ngay. Tỷ như người Trung Quốc, chúng ta sẽ nghĩ: nếu là tôi, đừng hòng! Nhưng bà mẹ người Mỹ đó rất tâm đắc với cô con gái, cho rằng con mình có hiểu biết, có lòng thương, và bà ta khoe với tôi, cảm thấy tự hào có đứa con biết hy sinh vì người khác. Chứ bà mẹ chẳng phải nhằm tôi để bày tỏ lòng tốt của con gái, tôi không có khả năng cho cô ta làm quan, không có khả năng cho cô ta cổ phần (có tiếng cười). Tôi, trong mắt bà mẹ, chẳng qua là thành viên của một dân tộc lạc hậu, nhưng đó thật sự là cách nghĩ chân thành từ nội tâm xúc động của bà. Nếu sự việc xẩy ra tương tự, thì người Trung Quốc thông minh hơn nhiều. Chỉ vì người Trung Quốc thông minh quá, thiết tưởng các dân tộc trên thế giới, kể cả dân tộc Do Thái, e rằng chẳng có dân tộc nào thông minh hơn. Nếu là một đối một, người Trung Quốc nhất định là kẻ đắc thắng. Nhưng nếu đấu hai người trở lên thì người Trung Quốc không thất bại là không xong, vì người Trung Quốc hình như trời đẻ ra là không biết đoàn kết (có tiếng cười). Ý nghĩa của đoàn kết là, mỗi người đều phải vứt bỏ một ít quyền hạn và lợi ích của mình. Ví dụ có hai vật hình cầu, phải dùng dao cắt bỏ hai miếng có mặt cắt tựa hình vuông thì mới dính sát vào nhau được. Nhưng hai bên đều không muốn mình bị cắt gọt, chỉ cắt gọt người khác chứ động đến mình là không chơi, như vậy làm sao đoàn kết được (cười to)? Không ai dám bảo người Trung Quốc không thông minh, người Trung Quốc thông minh đến mức độ nào vậy? Thông minh đến mức bị bán vào lò mổ còn mặc cả, lãi thêm được dăm đồng bạc là trong bụng mở cờ (cười to). Tình trạng như vậy, người Trung Quốc thông minh quá, thông minh đến cực điểm, ắt thành ích kỉ. Phàm là hành vi không ích kỉ, cách nghĩ không ích kỉ, đều bị giễu là ngốc nghếch. Người Trung Quốc không rộng lòng, phàm là một người tốt bụng, hay tha thứ người khác, hay khen ngợi người khác thì bị chê là ngu xuẩn. Người ta tát vào mặt, mà anh dám chống lại? Người ta phạm pháp, mà anh dám ngang nhiên giở lý? Thì rõ là thằng ngốc rồi. Làm một việc mạo hiểm, không được thăng quan, lại không có lợi lộc, tất nhiên bị coi là ngốc nghếch rồi. Tôi vẫn cứ cảm thấy người Trung Quốc chúng ta cần phải có chút tâm tính của thằng ngốc, thì dân tộc ta mới có cơ được cứu, nếu không thì sẽ như người Anhđiêng, ngày càng đồi bại. Có câu nói: Người không ích kỉ, trời tru đất diệt. Thế mới biết, nếu không ích kỉ sẽ bị người đời coi là vô phương cứu chữa. Phải chăng mỗi chúng ta có thể bắt đầu từ bản thân mình, làm một số việc mà thiên hạ coi là ngu ngốc, không cần đến chính phủ, không cần đến người khác, bắt đầu từ chính mình? Tổng kết lại ý kiến của tôi là, chúng ta không nên phức tạp hóa quan hệ giữa người với người, bắt đầu từ chính bản thân mình, bắt đầu luyện cho con cái mình! Thí dụ trẻ con Mỹ trong cửa hàng ăn tự chọn, người mẹ dạy ăn xong phải thu gọn lại, làm sạch sẽ, để sang bên này. Kiểu giáo dục như thế nên bắt đầu từ bản thân, bắt đầu từ thời nhỏ, chúng ta nên coi việc huấn luyện này là một động tác khởi động và là một hành trình. Tính tốt của người Trung Quốc rất nhiều, rất tiếc là đều ở trên sách vở (có tiếng cười). Chúng ta mong rằng những đức tính đẹp đẽ ấy đều được xuất hiện trên hành vi cử chỉ của chúng ta, thử xem chúng ta có thể làm được không? Hôm nay ý kiến của tôi báo cáo đến đây là hết, mất nhiều thời gian của các vị, xin thông cảm và mong được chỉ giáo nhiều (tiếng vỗ tay nhiệt liệt).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay