Người Trung Quốc xấu xa - Chương 05 - Phần 3

Thính giả A: Tôi muốn đặt câu hỏi, nhưng ít ra phải mười phút đồng hồ mới đủ.

Chủ tọa: Xin lỗi, chỉ được hai phút, vì rất nhiều người muốn hỏi.

Thính giả A: Ngài Bách Dương vừa có nêu vấn đề chế độ phong kiến hủy hoại nhân quyền, ngài có nhắc đến triều Minh, thực ra ở phương Tây tình hình không khác là mấy. Theo tôi nghĩ, văn hóa phương Tây cũng kinh qua sự tẩy rửa của chuyên chế quân chủ, tại sao lại có thể đẻ ra một quan niệm nhân quyền chủ nghĩa tự do như sau này, tại sao Trung Quốc lại không đẻ ra được, cho đến ngày hôm nay?...

Chủ tịch: Nghỉ một lát có được không, vấn đề của ông đã quá hai phút rồi đấy (có tiếng cười).

Bách Dương: Ðấy không phải thảo luận, đấy là cuộc sát hạch (có tiếng cười). Nhưng cũng chẳng cần phải thi, tôi cũng đã là bác sĩ, bác sĩ của Ðảo Xanh (có tiếng cười, tiếng vỗ tay). Rất tiếc tôi không có khả năng trả lời câu hỏi của bạn, cũng giống như ta không thể hiểu được tại sao người Tây khi ăn dùng dao, dùng dĩa, mà người Trung Quốc lại dùng đũa. Sự ra đời của nền văn hóa là dần dần, hai nền văn hóa này khởi đầu không có sự giao lưu, khả năng ảnh hưởng đến nhau không nhiều, mỗi nền văn hóa đều phát triển theo một khuôn hình riêng của nó. Cuộc đời của cá nhân và vận mệnh của dân tộc thường thay đổi phương hướng chỉ vì một tác động rất nhỏ. Nhưng chúng ta chưa hiểu được cái yếu tố tác động rất nhỏ ấy là cái gì, hoặc là nó ở đâu.

Thính giả B: Tôi muốn dựa trên vấn đề của vị tiên sinh vừa nêu, xin được ngài chỉ giáo thêm. Vừa rồi nghe ngài diễn giảng, tôi có cảm tưởng như sau, ngài có kết luận về nền văn hóa Trung Quốc là: vì quá khứ của văn hóa truyền thống Trung Quốc chúng ta là nền văn hóa chuyên chế, có một chính thể chuyên chế, cho nên mới hình thành xã hội ngày nay, có hình thái như vậy, tức là hình thái quan trường. Vậy tôi thiết nghĩ vấn đề vị tiên sinh vừa nêu có thể giải thích lý lẽ đó. Bởi ngài cho rằng có tiền đề chính thể chuyên chế, mới sản sinh hình thái như vậy. Nếu hai nền văn hóa cùng có truyền thống lịch sử giống nhau, tại sao lại đẻ ra hai kết quả khác nhau như vậy. Nếu theo kết luận của ngài, kết quả như nhau mới đúng. Có lẽ tôi mạn phép thay ngài Bách lão đặt một cái tiêu đề cho kết luận của ngài, là văn hóa di truyền luận. Nhớ Lonke từng nói, văn hóa có thể di truyền, nếu tổ tông chúng ta giữ quan điểm gì, con cháu cũng bị ảnh hưởng bởi quan điểm đó, cho nên quá khứ chúng ta có chính thể chuyên chế, cứ cho ngày nay chúng ta chịu sự tẩy trần của văn hóa phương Tây, nhưng ở trong văn hóa ngày nay của chúng ta có thể còn lưu lại phân tử chuyên chế của quá khứ. Lonke, từ lập trường của tâm lý học nêu ra luận điểm như vậy, nhưng bây giờ có người cho rằng có lỗ hổng lớn. Ðiểm thứ hai, nghe bài giảng của ngài, khiến lớp trẻ một thời đã từng lạc quan như chúng tôi cảm thấy hơi buồn. Lấy tôi làm ví dụ, có thể nói là một lớp người mới, một thế hệ trẻ trung, tôi vẫn cho rằng thế hệ chúng tôi chắc chắn khác hẳn so với tiền bối về cả phong thái xã hội và phương thức tư tưởng. Thí dụ ngày nay chúng tôi không làm quan, tôi không dám bảo đảm sau này tôi làm quan, có trở thành người chỉ có tính quan không có tính người hay không (có tiếng cười). Nhưng tôi cảm thấy nếu có một ngày tôi gặp tình huống như thế, tính quan của tôi dứt khoát ít hơn người đời xưa, tính người nhiều hơn người đời xưa. Nhưng nghe ngài giảng hôm nay, với cách nghĩ của tôi hình như không mấy giống nhau. Xin cám ơn.

Bách Dương: Tôi nghĩ tôi chỉ nói về sự thật của lịch sử. Do thay đổi của môi trường, thời đại và định hướng của nền giáo dục, có lẽ thời nay sẽ không như thế. Vả lại, tôi tin sự thành tâm của bạn, cũng tin rằng bạn có thể làm được.

Thính giả B: Tôi nghĩ lời giải thích của ngài có lẽ không mấy giống tôi.

Bách Dương: Tôi phải nhấn mạnh một điều, chính trị chuyên chế của Trung Quốc và chính trị chuyên chế của phương Tây có dị biệt rất lớn về chiều rộng và chiều sâu. Tôi chưa bắt đầu học lịch sử phương Tây (có tiếng cười), nhưng tôi cảm thấy có khác nhau. Nếu đem so sánh, thì chuyên chế Trung Quốc rất cực đoan, trong cung đình phương Tây chỉ quỳ một chân, với Thượng đế mới quỳ hai chân, với người có lẽ cũng ít quỳ hai chân. Nhưng ở triều đình Trung Quốc không những quỳ cả hai chân mà còn đập đầu, mà phải đập đầu phát ra tiếng (có tiếng cười). Những năm cuối đời nhà Thanh có câu: Nói năng ít, cúi đầu nhiều, là vậy. Tôi nghĩ chuyên chế Trung Quốc về trình độ, về nội hàm e rằng không giống phương Tây. Tôi đã từng xem bức tranh sơn dầu của Lu-i XIV nước Pháp, Lu-i XIV ngồi chính giữa, rất oai nghiêm, các đại thần ngồi bên, Hoàng hậu cũng ngồi bên, tình cảnh này ở Trung Quốc không bao giờ có, các đại thần ở Trung Quốc chỉ biết quỳ dưới, sợ run cầm cập.

Thính giả B: Tôi nghĩ...

Chủ tọa: Xin đợi một lát, để dành thời gian cho người khác.

Thính giả C: Tôi từng đọc sách của ngài Bách Dương, hôm nay được gặp ngài, tôi rất xúc động. Nói đến cá tính người Trung Quốc, tính dân tộc và chính trường, vừa rồi ngài Bách Dương nói về lịch sử từ cổ đại đến cận đại, mà chúng tôi lại quan tâm hơn về sử cận đại. Chúng tôi không biết sau khi ngài đến nước Mỹ, tính cởi mở về các cuộc nói chuyện đến mức độ nào? Ngài nói chuyện đến mức độ nào mới có thể trở về Ðài Loan... (có tiếng cười). Vấn đề thứ hai là, cá tính người Trung Quốc thường chịu ảnh hưởng của chính trường, thí dụ chính phủ muốn ngu dân, rất nhiều vấn đề rõ ràng mọi người đều biết cả, nhưng họ vẫn muốn dẹp đi, khiến người ta cảm thấy nhiều chuyện rất Secret (bí mật). Không nói thật cũng là thủ đoạn để đạt được mục đích chính trị của quan trường. Thí dụ gần đây rất nhiều sự việc đưa đến những hậu quả, đặc biệt là ở nước ngoài - tôi là người ủng hộ chính phủ Trung Hoa Dân quốc - nhưng tôi cảm giác nhiều việc làm của chính phủ thực tình khó hiểu, tôi đọc nhiều báo chí ở bên ngoài, phát hiện ra lời nói mấy hôm trước và mấy hôm sau của chính phủ hoàn toàn khác hẳn. Nay tôi muốn chứng minh cảm quan của cá nhân tôi...

Chủ tọa: Hai phút.

Thính giả C: Tôi rất hứng thú với đại học Ðảo Xanh (Nhà tù - Dịch giả ). Ðương nhiên tôi không hứng thú bước vào (có tiếng cười), nhưng tôi có hứng thú tìm hiểu, tôi muốn biết hiệu trưởng trường đại học Ðảo Xanh là ai? Trưởng giáo vụ là ai (có tiếng cười)? Cơ cấu hành chính, còn... có phải gọi là “Trưởng quan” hay đại loại như thế? Nếu thấy tiện xin ngài cho biết, nếu cảm thấy không tiện thì đừng miễn cưỡng.

Thính giả D: Tôi nghĩ hôm nay, phải chăng chúng ta nên tôn trọng yêu cầu của ông Chủ tịch, bớt nói chính trị. Ngài Bách Dương hôm nay nêu ra nhiều vấn đề rất nghiêm túc. Theo tôi phải chăng chúng ta nên dành hứng thú vào những vấn đề đó để trao đổi, còn về những vấn đề khác...

Thính giả E: Xin hỏi vị tiên sinh này có phải ngài Bách Dương không? Vị nào mới phải? (hội trường xáo động, có người vỗ tay).

Chủ tọa: Có lẽ ta vẫn nên tôn trọng ý kiến của cá nhân.

Thính giả F: Tay tôi đang cầm cuốn Bách Dương ngữ lục, chúng ta nói nhiều quá không ổn, theo lời nói ông Chủ tọa vừa rồi, tôi nghĩ dân chủ của chúng ta còn có một đặc điểm, trong cuốn sách này chưa nói tới, đó là được hay không được nhắc đến vấn đề chính trị. (cười ầm lên, tiếng vỗ tay không ngớt).

Thính giả G: Hôm nay, ngài Bách Dương bàn đến vấn đề học thuật, ngài nghiên cứu lịch sử, rút ra được năm kết luận, bốn kết luận trên tôi đồng ý trăm phần trăm, nhưng kết luận sau cùng cho rằng dân Trung Quốc đông, nên dẫn đến những bất hạnh cho chúng ta ngày nay, điều này tôi có nghi vấn. Nhật Bản, đất nước nhỏ, người cũng đông, nhưng tại sao mức sống của họ vẫn rất cao, họ không tiếp thu những nhược điểm của văn hóa quan trường của chúng ta, cho nên có được thành quả ngày hôm nay. Nên tôi không cho rằng vì Trung Quốc dân đông mà dẫn đến sự không may cho chúng ta. Giả dụ chúng ta chấn chỉnh lại ngành công thương nghiệp, giả dụ chúng ta sửa đổi khuyết điểm và tật nguyền của chúng ta, thì người Trung Quốc có thể duy trì hiện trạng, thậm chí chúng ta còn có thể dung nạp số dân gấp đôi. Chúng ta không nên vin lý do người Trung Quốc quá đông mà tìm cách hạn chế nhân khẩu, mà đi xâm lược nước khác, mà tàn sát lẫn nhau. Ðó chỉ là một hiện tượng, hiện tượng và kết quả không thể hòa tan thành một. Cho nên kết luận của tôi là, chúng ta nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, nhưng không phải vì Trung Quốc nhân khẩu quá đông mà trở nên bất hạnh, tai họa, nghèo đói. Chúng ta rất có thể dung nạp thêm số dân gấp bội trên lãnh thổ của mình, không có vấn đề gì (có tiếng cười). Giả dụ khoa học, văn minh của chúng ta phát triển tới một trình độ nào đó, sẽ không thua kém Nhật Bản.

Bách Dương: Tôi rất tán thành kiến giải của bạn. Nhưng, tiền đề của “giả dụ” nhiều quá, mà trước khi những “giả dụ” trở thành hiện thực, nhân khẩu là một vấn đề cực kì lớn, số người quá đông mới khiến công nghiệp, khoa học, văn minh của chúng ta mãi mãi không thể phát triển đến mức độ “giả dụ” như vậy.

Thính giả G: Cái đó tôi có thể tiếp thu. Kết luận của ngài là từ nghiên cứu lịch sử, quan điểm của học thuật, nêu ra Trung Quốc vì số người đông, cho nên mới có sự bất hạnh. Ý của tôi là, bốn kết luận về trước tôi tán thành. Nhưng người đông thì không phải nguyên nhân tạo nên sự bất hạnh đó. Liệu tương lai dân số Trung Quốc chúng ta còn gia tăng nữa hay không? Liệu chúng ta còn tiếp tục bất hạnh nữa hay không? Ðó hoàn toàn là vấn đề khác, đáng để ta nghiên cứu.

Thính giả H: Ngài Bách Dương bàn về vấn đề dân tộc Trung Hoa rất hấp dẫn, phải chăng tôi có một cảm giác nhầm lẫn, không hiểu có phải vì ngần ngại nên ngài không muốn nói, hay là... Tóm lại, tôi có một ấn tượng. Dân tộc Trung Hoa có nhiều khuyết điểm như vậy, ích kỉ đến mức vô phương cứu chữa, nhưng về lịch sử hiện đại Trung Quốc, ngài Bách Dương không nhắc đến cuộc đấu tranh chống phong kiến, chống chủ nghĩa đế quốc oanh liệt của nhân dân Trung Quốc. Năm 1949, sau ngày giải phóng, cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa, quá trình xây dựng về mặt kinh tế, vật chất... đồng thời xây dựng một số cơ sở khoa học, mặt khác, trên ý thức hình thái của con người, đã có nhiều công cuộc như giáo dục... không biết ngài Bách Dương có muốn bình luận những vấn đề này hay không?

Bách Dương: Ðó là vấn đề chính trị, chúng ta không bàn, chúng ta chỉ nói về lịch sử, hơn nữa, về điều này tôi cũng không biết rõ lắm (có tiếng cười).

Thính giả I: Tôi có một yêu cầu, xin hỏi ngài về chữ giản thể, tôi muốn nghe ý kiến của ngài.

Bách Dương: Tôi tán thành chữ giản thể, mà còn tán thành tiến tới sửa thành chữ đánh vần. Tối qua, rất đông bạn bè tụ tập, là bàn về vấn đề này, nhưng ý kiến mọi người không nhất trí. Vì những người phản đối chữ đánh vần, trong bụng có một cái nút, nút này phải được tháo cởi. Chữ đánh vần vô cùng cần thiết, thí dụ khi đánh điện thoại, tôi hỏi quý danh? Tôi họ Lưu. Chữ Lưu viết như thế nào? Trong điện thoại không cách nào nói rõ. Tôi bảo đi tra từ điển, anh không dám chắc là tra được ngay, thậm chí phải tra đến hai, ba lần cũng không được, tra đến toát mồ hôi (có tiếng cười). Ngày xưa, ta chê trách cổ văn không có dấu ngắt câu, đọc chẳng hiểu gì cả. Các vị đã đọc Nguyên sử chưa? Tên người Mông Cổ cứ như là xâu kẹo hồ lô (có tiếng cười), không thể phân biệt là tên của mấy người. Bây giờ tuy đã có dấu, nhưng nhược điểm lớn nhất của chữ vuông lại càng nổi bật, là không những không ngắt được chữ, lại còn không nối được âm. Không ngắt được chữ, tức là nhận mặt từng con chữ một cũng không hiểu. Không thể nối âm, chữ vuông như treo thành chuỗi hạt Bồ đề, ta phải tốn rất nhiều sức lực để tổ hợp, mới làm rõ được. Thí dụ như nói: “Tôi từ Ma lay si a đến.” Malaysia đáng ra viết liền, và cách quãng chữ “đến” mới đúng. Nếu không sẽ thành “Ma lay” (nghĩa là “ngựa đến” - dịch giả), và “Si a đến”, nếu có đứa trẻ nào tên là Si a thì to chuyện đấy (có tiếng cười). Ngày nay đánh máy chữ nhanh như thế, vi tính nhanh như thế, chữ vuông không thể đảm nhiệm nổi. Tôi cứ ước ao bàn giấy của tôi có một máy chữ tiếng Trung, để tôi có thể đánh bản thảo Trung văn, chứ không còn là động vật bò ô kẻ trên giấy nữa. Nhưng tiếng Trung đánh vần đâu phải chuyện dễ. Chủ yếu vẫn là trở ngại về tâm lý, cho rằng chúng ta dùng ABCD là chữ Anh, đánh vần ra là tiếng Anh. Sự thật không phải, chúng ta nên hiểu rằng, con chữ ABCD này là mẫu tự Trung Quốc (có tiếng cười), chữ đánh vần ra, chính là chữ Trung Quốc, thì không đến nỗi cảm giác chịu nhục như bị đồng hóa. Ðúng đấy, nó là Trung văn, là Hoa văn, không phải Anh văn, cũng không phải Ðức văn. Nếu nói ABCD đánh vần ra là Anh văn, thì người Ðức có khi tức chết đi được, người Pháp cũng tức chết đi được. Con chữ hoàn toàn là công cụ, cũng như chiếc ô tô, anh mua rồi là của anh, nó mua rồi là của nó. Thực ra chữ đánh vần mà thực hiện ngay ngày hôm nay thì tôi là người chết đói trước tiên, vì tôi kiếm cơm nhờ chữ vuông mà (có tiếng cười). Nhưng tôi cảm giác cuộc đời chúng ta rất ngắn, lý do chính trị cũng rất ngắn, văn hóa dân tộc mới là hệ trọng, hệ trọng lắm. Ðặc biệt các vị ở Mỹ sẽ phát hiện ra con cái đời thứ hai của chúng ta chỉ biết nói tiếng Trung, chứ không biết viết chữ Trung, khó như thế dậy thế nào được? Cũng như chữ “quốc” của Trung Quốc viết thế nào? Lấp cái gì vào trong cái ô vuông đó? (có tiếng cười). Nếu muốn biết một chữ, ngoài cách nhớ máy móc ra, không còn cách nào khác. Ðến nỗi bọn trẻ gào thét: “Tôi căm ghét Trung văn.” Ðó còn chưa đủ để chúng ta giật mình ư? Chúng ta đừng nên gây thêm khó khăn cản trở bước tiến của dân tộc nữa, không nên tự mình trói chân mình, trói tay mình, không nên sống cho ông bà ông vải tổ tiên, không nên sống cho quá khứ! Tại sao phải sống cho họ? Phải sống cho các con ta chứ! Khi chữ đánh vần được rồi, sách cổ không đọc được thì thôi không đọc nữa, hiện nay chưa dùng chữ đánh vần, anh vẫn không đọc được sách cổ cơ mà (có tiếng cười, tiếng vỗ tay). Chuyện của ngày xưa, chuyện của tổ tiên, nên giao cho vài ba người, nhờ họ quét dọn từ đường, chúng ta không nên sống cho tổ tiên, nên sống cho con trẻ, sống cho đời sau, cho tương lai của dân tộc, nước nhà. Giá như một ngày nào đó, Trung Quốc tự nhiên phất lên, chấn động thế giới, người Trung Quốc khẽ ho hắng, trái đất cũng phải run rẩy, tiếng Trung Quốc trở thành tiếng quốc tế, chữ Trung không cách nào phổ cập, bắt buộc phải đổi thành chữ đánh vần.

Hôm nay tôi nói ngần ấy khuyết điểm của người Trung Quốc, có người nghe xong chắc sẽ nản lòng. Tôi cho rằng cái mà chúng ta cần nghe, chính là những điều này, chứ không phải ưu điểm, giá như chúng ta nói về những đức tính tốt, nói về sự thông minh của chúng ta... cuối cùng, chúng ta vẫn không thể khiến người khác tôn trọng, cũng không thể tự tôn. Nên biết rằng, tai vạ của người Trung Quốc không chỉ là của bản thân người Trung Quốc, còn là tai vạ của loài người. Một chiếc tàu nhỏ có chìm xuống thì chìm, nhưng một chiềc tàu lớn mà chìm xuống, sẽ gây cả dòng xoáy, nhấn chìm cả những tàu nhỏ vùng lân cận... Tại sao người Nhật xâm lược chúng ta? Chỉ trách chúng ta không biết tự cường, hấp dẫn nó ra tay (có tiếng cười). Tôi thấy chúng ta phải tự cứu, tự cứu, đầu tiên phải biết khuyết điểm của mình, giả dụ không biết được khuyết điểm của mình, suốt ngày nghĩ đến chuyện thích chí, e rằng có phần giống Giả Bảo Ngọc ý dâm! (có tiếng cười).

Thính giả J: Tôi thường nghe có hai câu thành ngữ, một là Dĩ bất biến ứng vạn biến, câu nữa là Báo hỷ bất báo ưu, xin cho biết quan điểm của ngài.

Bách Dương: Dĩ bất biến ứng vạn biến, tôi không dám có ý kiến (có tiếng cười, tiếng vỗ tay). Còn Báo hỷ bất báo ưu theo tôi là đặc trưng của quan trường.

Thính giả K: (Người Mỹ) Ðề tài mà ngài nói hôm nay, hình như toàn nói xấu người Trung Quốc. Tôi mong được nghe ngài nói xấu người Mỹ (có tiếng cười). Qua những cuốn sách ngài đã đọc, và qua những sự việc ngài đã gặp ở nước Mỹ, ngài thấy nước Mỹ có chỗ nào nên học tập lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc?

Bách Dương: Về những điều chê bai người Mỹ, bản thân người Mỹ đã nói rất nhiều rồi, đó chính là điều làm cho tôi rất hâm mộ, vì nước Mỹ có sức mạnh biết tự thăng bằng lấy, tự phản tỉnh lấy, tự điều chỉnh lấy. Mình có chỗ sai, mình nói được ra, mình có thể tiếp thu, mình có thể giám định, điều này người Trung Quốc chúng ta không làm được. Nếu anh mà ca ngợi người Mỹ, người ta nói ngay rằng sao anh không làm người Mỹ? Không kéo mũi cho dài ra (có tiếng cười ). Có người bảo đấy là sùng Tây xiểm ngoại, tôi cảm thấy sùng Tây tốt quá đi chứ, có gì mà không tốt nào, không những phải sùng Tây, còn phải sùng Tây một cách triệt để. Nếu tôi có quyền hạn, tôi dứt khoát quy định cho mọi người không sùng Tây không được, người nào mà chẳng Tây từ đầu đến chân? Hơn nữa, các vị còn đang ở nước Mỹ, tôi vẫn còn ở Ðài Loan, tôi cho đó là vấn đề tỉnh ngộ hay không tỉnh ngộ, chúng ta đem cái hay của người ta liệt kê ra từng điều, chỗ nào hay thì ta nên học. Chúng ta hi vọng lớn mạnh như nước Mỹ, thì chúng ta cần phải học tập người Mỹ, cái đáng để ta học tập ở nước Mỹ thì nhiều lắm. Ðương nhiên nước Mỹ không phải thập toàn thập mỹ, vì trên đời không có gì thập toàn cả, ít ra là ngành bưu chính nước Mỹ rất dở, đưa thư chậm, lại hay nghỉ phép. Nhưng chúng ta cũng nên mừng cho nước Mỹ không thập toàn thập mỹ, nếu nước Mỹ mà như vậy thì sẽ bị tê liệt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay