Người Trung Quốc xấu xa - Chương 11

Rốt cuộc là cái bang gì

Chỉ theo dõi tác nghiệp trên giấy bút, thì Trung Quốc quả là bang lễ nghĩa. Nhưng xét trên hành vi, thì chúng ta lại đi giật lùi về thời hoang dã.

Nguyện vọng lớn nhất của tôi là mong Trung Quốc sớm trở thành một nước lễ nghĩa. Câu nói này nghe ra hơi chối tai, có ông bạn liền khích bác: “Theo ý ông thì Trung Quốc bây giờ là một nước lễ nghĩa giả sao?” Ông Bách Dương nói: “Ý tôi không phải thế, mà ý tôi là Trung Quốc hiện nay còn chưa đủ tư cách là một nước lễ nghĩa giả, mà là một nước man dại nguyên thủy thật sự.” Một câu thế là hết, tôi tiện tay xê chiếc ghế đẩu lót dưới mông ông ấy, may mà ông ấy không ngất xỉu lăn đùng xuống đất, mà chỉ ngồi hổn hển thôi. Tôi nghĩ, sĩ phu yêu nước đến hổn hển như thế, chắc chắn là đếm không xuể, nói thế thì khẩu chứng vô bằng, bây giờ xin các quý ngài chớ có phán đoán trực giác theo kiểu cảm tính, hãy để lão già này dẫn các ngài đi tham quan, tham quan.

Xin mời tham quan tiết mục đầu tiên: Lễ cưới.

Ðến cả ngôi sao màn bạc có số lần ly hôn nhiều nhất, cũng phải thừa nhận, kết hôn là một việc to lớn trong đời người, nếu không thì đã ly nó rồi, tại sao lại kết nó cơ chứ? Tóm lại, kết hôn là một trang nhảy vọt và đột phá trong lịch trình của cuộc sống. Một trai một gái rời bỏ môi trường xưa nay vốn thân quen, nhảy lên một chiếc thuyền khác, hợp thành một gia đình lấy đôi lứa làm trung tâm, cùng tay chèo tay lái, đưa chiếc thuyền tình vào đại dương vừa xa lạ vừa hứng khởi. Ðó là sự thay đổi quan trọng biết nhường nào, cho nên bất kể nghi thức cổ truyền của Trung Quốc hoặc nghi lễ tôn giáo ngoại nhập từ phương Tây, đều rất trang nghiêm, sự trang nghiêm và sung sướng tràn đầy qua những lời chúc cho cuộc đổi thay này. Cổ xưa quá thì thôi không nhắc nữa, chỉ nói về lễ cưới ở nhà quê trong suốt thập kỉ bốn mươi gần đây, đều rất long trọng, chú rể thân chinh đến tận nhà gái xin đón dâu, hoặc ngồi xe hoặc ngồi kiệu, về đến nhà trai, một lạy giời đất, cảm ơn sự an bài đôi lứa của tạo hóa, hai lạy cao đường, cảm ơn ân đức nuôi dưỡng của mẹ cha, ba là, cô dâu chú rể cúi lạy nhau. Ba lần quỳ lạy rồi mới thành vợ chồng. Lễ cưới ở trong nhà thờ đạo cũng mang ý nghĩa tương tự, chú rể đứng trước bục thánh, cùng với tiếng nhạc đệm trang nghiêm, cô dâu khoác tay người cha hoặc người anh của mình từ từ bước ra, đến trước thánh đường, người cha trao con gái, người anh trao em cho chú rể, sau đó mục sư hoặc cha cố, nhân danh Chúa, Thượng đế, tuyên bố họ đã kết hợp thành một.

Rồi thì, không biết bắt đầu từ khi nào, có lẽ một thời gian sau khi triều đình nhà Thanh sụp đổ, người Trung Quốc chê bai tục cúi lạy cũ kĩ, rồi lại chê bai lễ cưới nhà thờ kiểu cách Tây, bèn phát minh ra kiểu “văn minh kết hôn” tứ bất tượng (chẳng biết giống thứ gì - dịch giả), mà đến bây giờ vẫn thịnh hành. Lễ cưới chẳng ra lễ cưới mà thành ra phường chèo. Lễ đường không ra lễ đường mà thành ra lễ hội. Khách khứa đến chúc mừng đám cưới thì ít, đến như trẩy hội thì nhiều. Họ chạy tới chạy lui để kiếm bạn, trong mắt họ thật ra không hề có lễ cưới, chỉ là gặp gỡ xã giao. Tóm gọn lại là mọi người tuy ở cùng một thành phố, nhưng thường hai ba năm, bốn năm năm, không gặp nhau một lần, chỉ còn cách biến phòng cưới thành cao lâu nhà hàng. Cho nên, chi chi chô chô, ầm ào sôi nổi, người thì hẹn xong tiệc cưới ở lại chơi vài ván mà chược, người thì hẹn mấy hôm nữa sẽ tổ chức gặp lại nhau, rồi kể lể quãng ngày xa cách, rồi hỏi han tin tức, rồi cảm thán nuối tiếc thời son trẻ, lôi cả chuyện ra chê trách ông Hai, bà Ba, chú Tư, cô Năm... là chuyện thường tình. Ông chủ hôn thì đầy bụng luân thường đạo lý, gào khản cả tiếng ở trên bục, không một người nào trên thế giới này nghe thấy ông nói gì, đến cả ông ta cũng không nghe thấy tiếng gào của mình. Còn người giới thiệu chương trình, thường là nhổ củ hành tại chỗ, nước đến chân mới nhảy, đã không biết cô dâu họ tên gì, cũng chẳng biết công việc của cô đang đảm nhiệm thánh thiện đến mức nào, thỉnh thoảng trà trộn vai diễn, lôi chuyện động phòng của người ta ra trước quan viên hai họ, lời vang vọt tuôn ra nhảm nhí, thô thiển hạ lưu đến mức ngài biên tập tờ báo Hoa hoa công tử (Playboy) của Mỹ, cũng không chịu nổi phải báo cảnh sát. Hề già hề trẻ, va bên nọ đụng bên kia, nói là cái chợ còn phúc đức đấy, đúng là nơi người dại để truồng, người khôn xấu hổ.

Xin mời tham quan tiết mục thứ hai: Lễ tang.

Việc chết, so với cưới xin trong đời người, còn trọng đại hơn nhiều, một người có thể cưới rất nhiều lần, nhưng chết thì chỉ được một lần thôi, đó là chấm dứt của đời người, chấm dứt vĩnh viễn. Bỏ lại thành quả cả đời phấn đấu vất vả, và người thân yêu dấu, xuôi tay về cõi cực lạc. Nhà tang lễ là trạm cuối cùng cuộc hành trình cuả con người đó. Bước qua trạm cuối, là mãi mãi ở lại trong nhà mồ. Không khí tang lễ, không chỉ nghiêm trang, mà còn vô vàn bi ai. Cổ nhân nói: Ðiếu giả đại duyệt (người viếng rất mừng - dịch giả) là nói mừng cho tang lễ tổ chức đúng phép tắc lệ bộ, chứ không có ý mừng cho người chết, chết được ổn, chết được may. Nhưng bây giờ, các đám tang thường có hiện tượng thế này, khách viếng bước vào nhà, là vào ngay thắp hương vái lạy trước bài vị linh cữu, người nhà quỳ bên linh cữu khấu đầu lễ tạ, có lúc bật ra tiếng khóc thương xót, nhất là mẹ già con dại, bà góa con côi, tiếng kêu khóc càng đau lòng đứt ruột. Nhưng tiếng khóc còn chưa dứt, khách viếng kia vừa xoay người, y đã lao ra như mũi tên, nhảy ngay đến trước mặt một người khách khác, reo lên mừng rỡ: “Ái dà, lão Bách đấy hở, lâu lắm chẳng trông thấy đâu cả, mặt mũi phương phi như tỷ phú ấy, quên bạn rồi hả.” Ông Bách Dương kia cũng vẻ phấn khởi: “Tôi cũng đang tìm ông đây, nhưng mẹ nó, cứ bị những tờ thiếp trắng thiếp đỏ nó bám đến nhức cả đầu, đi, ta tìm một chỗ để đánh chén.” Vừa ra đến cửa, lại gặp cái của này tiến vào, hai con động vật máu lạnh kia lập tức cất mông chào: “Dạ, chào bộ trưởng, bộ trưởng vẫn khỏe chứ ạ.” Bộ trưởng đại nhân ắt là gật đầu mỉm cười, bắt tay thả bước, hai con động vật máu lạnh kia không buồn đi nữa, bám đuôi đon đả, những người khác cũng ồ vào theo, thế là nhà quàn trở thành câu lạc bộ xã giao. Kì thực mà nói, kể cả không có cái của này giá lâm, đám tang cũng chỉ là bản sao của đám cưới, không mấy khách đến viếng mang lòng thương tiếc xót xa, hầu hết cũng là đến để xem hội hè. Thế là cảnh quay ở đám cưới lại được tua lại trong đám tang: chi chi chô chô, ầm ào sôi nổi, người thì hẹn xong đám rước ở lại chơi vài ván mà chược, người thì hẹn mấy hôm nữa sẽ tổ chức gặp lại nhau, rồi kể lể quãng ngày xa cách, rồi hỏi han tin tức, rồi cảm thán nuối tiếc thời son trẻ, lôi cả chuyện ra chê trách ông Hai, bà Ba, chú Tư, cô Năm... là chuyện thường tình. Bà góa con côi đập đầu kêu khóc, gào khản cả tiếng bên linh cữu, không một người nào trên thế giới này nghe thấy tiếng khóc của họ, đến bản thân họ cũng không nghe thấy tiếng khóc của mình. Sự thật, nhà tang lễ đã trở thành phòng giao dịch, rồi tự nhiên gặp bạn gặp bè. Gặp bạn gặp bè rồi tự nhiên đất khách gặp cố tri, rồi tự nhiên tay bắt mặt mừng... Tây đại nhân hay công kích người Trung Quốc lạnh lùng vô cảm, giận quá mất khôn lắm cũng chỉ nổi cơn hen suyễn hổn hển mà thôi. Than ôi, mảnh đất nhà tang lễ, mảnh đất thương tâm của bà góa con côi, mảnh đất đau lòng của ông trời đó!

Xin tham quan tiết mục thứ ba: Nhà hàng.

Nhà hàng là nơi lễ nghĩa Trung Hoa phát triển sum suê nhất, cũng có thể nói, tất cả tinh hoa của lễ nghĩa chi bang tập trung trong “hai trận chiến” ở nhà hàng như thế này. Trận đầu tiên là “lảng tránh chỗ ngồi”, kẻ có đủ tư cách ngồi vào ghế số một là thượng khách, đa số thuộc các bậc có địa vị, có nhiều tiền. Nhưng trên ghế có con rắn phục ở đó hay sao mà hắn ta thề không chịu ngồi vào, thế là gia chủ và đủ các mặt người xúm vào lôi, xúm vào đẩy, xúm vào hò lơ hắn. Hắn ta miệng thì sùi bọt, nhưng chết cũng không chịu ngồi. Nhưng có người lại hết sức nhanh nhảu, chơi kiểu “mạnh ai đặt đít trước là được”, đặt đít ngồi xuống rồi la lên: “Ghế số một đây rồi.” Cũng có người sau cuộc đùn đẩy, ngồi xuống ra vẻ muôn chiều oan ức. Chờ khi ghế số một sắp xếp xong, ghế số hai, số ba, số bốn, ghế nào cũng phải một trận náo động thiên cung hơn mười phút hay mười phút hơn, thì bụi bặm mới chịu lắng xuống.

Trong bữa tiệc, anh chuốc rượu, tôi chuốc thức ăn, lại một trận hỗn chiến xẩy ra, khiến người ta mệt muốn chết, nhưng chuyện đó không kể ở đây. Chỉ kể chuyện tàn cuộc hết vở thì nổ ra cuộc chiến thứ hai, đó là trận “lảng tránh ra cửa”, tất cả đứng chen ở cửa như đàn chim cánh cụt, những tưởng bên ngoài bậu cửa là một cái bẫy khôn lường, chỉ bước ra khỏi một bước thôi, thì lập tức sập xuống làm mồi cho chó sói. Bởi vậy ông không chịu ra tôi cũng không chịu ra, cả hắn ta ngồi ghế số một nữa, cũng cầm chắc chủ ý quyết không tiến thêm một bước. Thế là lại một trận náo loạn thiên đình xẩy ra, cuối cùng hắn ta đang giẫy thì bị một cái hất ra ngoài. Kẻ nào suy nhược già yếu đứng không vững mà bị hất ra ngoài như thế khéo quý mồm phải cắn đất gặm cỏ!

Trên đây, những chuyện tôi kể chẳng qua là những thứ ra tấm ra miếng, còn những thứ vặt vãnh, kể ra cũng chưa hẳn là không gây kinh hoàng cho các quý ngài đâu!

Trích từ tập “Con sâu dậy sớm”

Tầm nhìn bằng hạt đỗ

Mọi người đều nói Trung Quốc có năm nghìn năm văn hóa. Vâng, thì đúng là có năm nghìn năm văn hóa, nhưng tất cả vinh quang đều đã thuộc về quá khứ, đúng như vị danh tướng nước Ðức Luđentô sau khi đọc Tôn tử binh pháp nói: “Tôi khâm phục người Trung Quốc, nhưng tôi khâm phục người Trung Quốc cổ đại, không khâm phục người Trung Quốc hiện đại.”

Lại nói ông Lutsige, quốc vụ khanh nước Mỹ quyết định không đến Ðài Bắc nữa, đối với lời mời hau háu của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, cách từ chối uyển chuyển không chê vào đâu được, nhưng sự thực của cái không muốn đến thì hùng hồn vô cùng. Ðiều đó khiến người ta liên tưởng đến một câu chuyện trước đây... Năm ấy ngài Kennơđi mới nhậm chức tổng thống, đi chu du khắp thiên hạ, ông Lutsige ngày ấy chỉ là một tiểu dân không mấy thân thiện với Dân Quốc chúng ta, tiểu dân mà dám bàn đến việc nước đã là chuyện hoang đường rồi, nhưng còn hoang đường hơn là ông ta dám viết thư cho một ông ủy viên lập pháp tại Ðài Bắc, yêu cầu sang thăm phỏng vấn Ðài Bắc, đúng là không biết điều. Ông ủy viên lập pháp nọ đưa bức thư sang bộ ngoại giao, sau đó có thật người ta cười rụng cả răng hay không, chúng ta không được biết, nhưng kết quả biết chắc là, nếu như đối với anh nào nói ngược cũng tỏ ra hoan nghênh thì chẳng phải tất cả đều nói ngược? Cái ý mà ta đoán vậy, tất nhiên không lời giải đáp. Ai tưởng tượng được thời thế xoay vần, một ngày ngài Lutsige được bầu làm quốc vụ khanh, các quan lại của Trung Hoa Dân Quốc, không thể không cung trước kính sau, không biết có nên liệt vào một nét đẹp của văn hóa truyền thống?

Cho nên, người ta lại liên tưởng đến một câu chuyện khác, mười năm vế trước, ông Ngô Ðình Diệm với danh nghĩa thường dân đi qua Ðài Bắc về Việt Nam, ông Trương Quân Lệ có viết một lá thư gửi một vị cấp cao nhà nước, cho biết ông Ngô có khả năng nắm chính quyền ở Việt Nam, để đặt nền móng cho quan hệ hợp tác sau này, ông đề nghị chính phủ nên mở tiệc tiếp đãi. Song kết quả còn thê thảm hơn ông Lut-si-ge. Một là, mở tiệc chiêu đãi không có vấn đề gì, nhưng chẳng may tương lai của ông Ngô không sáng sủa thì chúng ta quan hệ với loại người này còn ra cái thể thống gì? Hai là, dựa vào bức thư của một thường dân không có chức vụ gì, nếu tiếp đãi thịnh soạn, chẳng phải đi đề cao địa vị đối ngoại của anh thường dân này sao? Do vậy, ông Ngô Ðình Diệm một mình một bóng ngồi lại trong sân bay Tùng Sơn, chờ cho hết giờ trung chuyển, không có một ma nào đến hỏi thăm ông cả.

Giờ đây, những con mắt vụ lợi chỉ còn cách cầu xin ảo giác của mình, hi vọng rằng các ông lớn đều có được một đức hạnh không thù dai. Các ông lớn không thù dai ư? Có những ông lớn cố nhiên là rộng lòng cao thượng, nhưng cũng có ông không mấy dễ quên tình cũ nghĩa xưa. Sau này, ông Trương Quân Lệ sang Việt Nam giảng dạy, Việt Nam tiếp đãi ông bằng quốc lễ long trọng (nước ngoài thiết lễ đãi ngộ học giả Trung Quốc như vậy, trăm năm nay mới là lần đầu, là vinh hạnh lớn cho đất nước, nhưng báo chí Ðài Loan không nhắc đến một lời. Than ôi!).

Ðại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc vì tình thế bắt buộc, không thể không mở tiệc tiếp xúc sứ giả các nước và một số nhân vật danh tiếng, họ đến rất đông, chỉ trừ có hai người không dự, một người là tổng thống Ngô Ðình Diệm, một người là ông Trương Quân Lệ, làm cho bữa tiệc lấn cấn mãi. Ðó còn chưa kể, nghe đâu Tổng thống Ngô ra lệnh xóa bỏ quốc tịch người Hoa là có yếu tố tình cảm riêng tây ở trong đó, ảnh hưởng ấy mới lớn làm sao!

Không cần bê nguyên học thuyết Khổng Mạnh ra lần nữa để chứng minh người Trung Quốc hiếu khách như thế nào, đối nhân xử thế ra làm sao. Bài ca ấy đã tuyệt chủng lâu rồi, nó và hành động tư tưởng của người hôm nay hoàn toàn là hai chuyện khác hẳn. Các quan viên còn hơn thế, mải xoay sở kiếm chác đến mức hiện thực như thế, nông nổi như thế, đối với người không tiền của, không quyền thế đều không coi ra gì, đợi đến khi coi ra gì rồi thì không kịp nữa. Lutsige đi qua mà không vào, trách thế nào được ông ta.

Trích từ tập “Con lợn hay”

Không bàn phải trái, chỉ bàn “chính lộ”

Ðặc điểm của chủ nghĩa “Thế lợi” là không bàn đến phải trái, chỉ lấy thế lực và lợi lộc làm thước đo đúng sai.

Ông bạn Ðồ Hồng có kể với tôi, chuyện xẩy ra ở Triết Giang quê ông ta: trong kháng chiến, có một người họ hàng in tiền giả lưu hành trong khu địch tạm chiếm, dùng để mua sắm vũ khí đạn dược thuốc men cho đội du kích đánh Nhật. Người họ hàng kia không may bị quân Nhật bắt, hành quyết trước ngày kháng chiến toàn thắng. Khi tin loan về đến quê nhà, các vị “chính nhân quân tử” nghe thấy không ngớt lắc đầu than phiền: “Thằng này tốt đủ mọi mặt, chỉ mỗi tội không chịu tìm việc làm chính đáng, đi con đường chính đáng, để bây giờ sa vào kết cục như vậy.” Than ôi, đó là lời bình phẩm đánh giá từ thâm tâm người Trung Quốc đối với một vị hảo hán chống ngoại xâm: “không làm việc chính đáng”, “không đi đường chính đáng”, tỏ ra vô cùng nuối tiếc, nhưng không hề có chút kính cẩn. Ðó chính là một sự lạnh lùng, một sự tàn nhẫn. Trong văn hóa Vại tương, chỉ có công danh phú quý mới là “chính lộ” (con đường chính đáng). Phàm những hành vi không giành được công danh phú quý, thì đều là “không chịu làm việc chính đáng”, đều là “không chịu đi đường chính đáng”. Cho nên cái linh thiêng trong cõi người đã tiêu tan biệt tích, thước đo thị phi đã lẫn lộn nghịch đảo, sự khác biệt giữa người và thú gần như không thấy. Duy chỉ “Con mắt Thế lợi” trân trân tồn tại như ánh ngày.

...

Hỡi ôi, nếu mỗi một người Trung Quốc đều gắng gỏi đi con đường “chính lộ”, thì xã hội Trung Quốc không biết sẽ trở thành ra sao? Chẳng cần vào đền Quan thánh để bốc quẻ cũng thừa biết rồi. Nhưng cho đến giờ này, vẫn có hàng đống người đang hô hào đi theo “con đường chính đáng” công danh giàu sang, ông bảo như vậy có chết người không!

Ông Do Nhân Hoa, lưu học ở Trung Quốc, từng chỉ trích người Trung Quốc tuy giàu tình người nhưng thiếu công đức. Tôi cho rằng ông Do chỉ nhìn thấy bề mặt, mà không thấy trong cốt tủy của sự việc mà thôi. Nếu nhìn tận trong xương tủy, thì chắc chắn ông không còn thấy tình người của họ nữa, mà chỉ thấy toàn những ánh mắt Thế lợi - lạnh lùng, tàn nhẫn, nghi kỵ, hả hê và ngày ngày mong người ta đổ bể, vì công danh, vì sang giàu mà mất hết tính người, mà như say như ngố, mà như cuồng như điên.

Trích từ “Ðập mạnh vào vại tương”

Một chậu cát tơi

Bất kì một xã hội và bất cứ một người nào, đều có chút sùng bái quyền uy. Nhưng hầu như không có một xã hội nào, một dân tộc nào, sùng bái uy quyền đến chí cốt, đến cuồng dại như người Trung Quốc. Bất luận một xã hội hay bất kể một người nào, ít nhiều cũng có tính ích kỉ. Nhưng cũng không có một xã hội nào và một dân tộc nào tính ích kỉ bền vững như người Trung Quốc. Nói như vậy, nghe có vẻ hậm hực với đời, mà nói ra vậy, chưa biết chừng nguy cơ đến nơi, nếu chọc tức đội trọng tài yêu nước, họ sẽ huýt còi loạn cả lên chưa biết chừng. Nhưng đã là lý lẽ thì ta nên bàn bạc, chẳng nên tức tối làm gì.

Có một hiện tượng, chắc mọi người đều vui vẻ thừa nhận, rằng người Trung Quốc là một dân tộc thông minh. Lưu học sinh Trung Quốc ở nước ngoài, bất kì ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp, ở Nhật, thành tích đều nổi trội so với học sinh bản xứ. Ông Cô Hồng Minh học trường hải quân ở Anh, điểm trội hơn cả lưu học sinh người Nhật - Y Ðằng Bác. Ông Tưởng Bách Lý học trường lục quân ở Nhật, môn học kiêm cả môn thuật, đều đứng đầu khóa học. Người Nhật hồi đó chưa được như bây giờ, còn nhỏ nhen lắm, không chịu được người ta hơn mình, tìm cách đè bẹp ông Lý. Ðấy là những thí dụ xa xôi, còn thí dụ gần mà lại kinh thiên động địa nữa là “Ðại vương” môn thể thao cờ vi Ngô Thanh Nguyên và “Tiểu vương” Lâm Hải Phong thi thố dọc ngang ở ngay nước Nhật, đối thủ đổ như rạ. Ðương nhiên là do môi trường ưu việt của môn cờ vi Nhật Bản, nhưng cũng do cả trí tuệ bẩm sinh của người Trung Quốc nữa chứ. Nếu khăng khăng nói người Trung Quốc thông minh hơn Tây đại nhân, quả là hơi khoác lác một chút, nhưng chí ít phải nói, thông minh của người Trung Quốc tuyệt nhiên không thua kém Tây đại nhân - Ðồng bào Trung quốc sẽ được vui mừng lây, đương nhiên là khỏi bàn cãi, đến Tây đại nhân, thậm chí đến đảng 3K, cũng không thể nói người Trung Quốc tính thông minh kém cỏi, cùng lắm chỉ phàn nàn người Trung Quốc tính tập thể kém cỏi mà thôi. Ông bạn Tây hay ví người Trung Quốc là Do Thái phương Ðông, tất nhiên là khinh miệt rồi, nhưng đồng thời cũng có ý sợ, nể. Người Do Thái nổi tiếng là xương xẩu, khó gặm, đừng hòng nhổ được tơ hào của họ. Nhưng về mặt cống hiến của họ, ví như tôn giáo, khoa học, nghệ thuật, chẳng tiếng tăm lẫy lừng sao. Thử coi, giờ nắm quyền kinh tế lớn nhất trên thế giới là người Do Thái chứ đâu? Ngài Giêsu khai sáng ra Cơ đốc giáo, chẳng phải là người Do Thái đó ư? Nhà khoa học cự phách Anhxtanh, cũng người Do Thái cả đấy!

Người Trung Quốc thông minh, nhưng sự thông minh ấy lại phải kèm theo một tiền đề hệ trọng, đó là “một chọi một”. Trong cuộc đọ sức cá biệt, một người Trung Quốc đối chọi với một người phương Tây, người Trung Quốc thông minh là chắc chắn rồi. Cũng như ông Ngô Thanh Nguyên, và ông Lâm Hải Phong, đơn thương độc mã, triệt tiêu kì thủ vào bảy là ra cả bảy. Nhưng một khi đọ sức tập thể, hai người Trung Quốc đọ với hai ông Tây, hoặc hơn hai người Trung Quốc so đọ với hơn hai ông Tây thì người Trung Quốc không lại được, không chịu nổi. Ngài Tôn Trung Sơn từng than vãn, ví người Trung Quốc là: “Một chậu cát tơi”...

Một chậu cát tơi có nghĩa là không liên kết hợp tác. Ta nói không hợp tác chứ không nói rằng người Trung Quốc không biết cái hay của sự hợp tác. Ơ này, không những biết, mà còn biết một cách triệt để. Các con giòi tiên sinh ở trong vại tương bỗng tức khí, chúng có thể viết hẳn một cuốn sách, trích dẫn toàn kinh điển, rao bán hàng lô huấn thị về hợp tác của các thánh hiền xưa và thánh hiền nay. Ngài Bách Dương đây nếu mà cũng tức khí, cũng có thể viện dẫn kinh điển viết thành cuốn sách - không những viết được một cuốn sách, mà có thể viết hẳn một đoàn tàu sách. Nhưng vấn đề ở chỗ, dù rao giảng về hợp tác rôm rả đến mấy chăng nữa, thì rao giảng cũng chỉ dừng lại ở con chữ in trên trang sách mà thôi, còn hành động thì lại là chuyện khác hẳn.

Trích từ “Ðập mạnh vào vại tương”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay