Người Trung Quốc xấu xa - Chương 12

Phố người Tàu - ổ quỷ nuốt chửng người Trung Quốc

Ða số người Trung Quốc vẫn đang gắng sức “không mất gốc”, gắng sức không đoàn kết, gắng sức đấu đá nhau. Bất cứ chân trời góc bể nào, chỉ cần thấy người Trung Quốc, là thấy đấu đá nhau ác liệt. Nghe đâu, ở nước Mỹ, có một cơ quan chuyên nghiên cứu những đặc trưng này của người Trung Hoa - vì sao đối với người da trắng họ thần phục đến thế, đối với đồng bào của mình lại như đao phủ? Từ dạo Bang Hoa Thanh làm mưa làm gió, nhiều cửa hàng phố người Tàu gay go vì cơn lốc phương Ðông chuyển sang Tây này, bèn trả lương cao, mời hẳn một ông da trắng ngồi án ngay ở quầy hàng như dùng viên thuốc trừ tà ma, Bang Hoa Thanh không dám bén mảng nữa. Ðấy là phạm vi tầng lớp tri thức thấp. Còn ở tầng lớp tri thức cao, có lẽ gừng già vẫn cay hơn, biểu hiện càng nổi bật xuất chúng hơn. Cùng giảng dạy ở một trường đại học, lại cùng đến từ bản quán Trung Hoa, thói thường thì phải tương thân tương ái, như thể chân tay. Nhưng đến khi chính Bách lão lâm vào cảnh huống, mới phát hiện chuyện trên đời lại không tình không lý chút nào. Tên của trường Ðại học và tên của người đương sự ở đây không xưng ra nữa, xưng ra có thể lão bị chôn sống có ngày. Các vị “học giả chuyên gia” kiêm “chuyên gia học giả” này, khi viết văn hoặc khi diễn giảng, hô hào đoàn kết, cơn xúc động bốc lên, đến thượng đế cũng nước mắt lưng tròng. Nhưng kì thực, họ không đội trời chung! Ông A mời lão tôi vào quán, quyết không mời ông B tham dự. Ông C nghe nói tôi ngả lưng ở nhà ông D thì lập tức tuyên bố không đánh bạn với loại “mắt thế lợi” (quan hệ với người có thế có lợi, ý nói ghê gớm - dịch giả) như tôi nữa. Từ cửa nhà ông E bước ra, toan tiện xe ông ta đi nhờ một quãng đến nhà F... Ông nói gì? Ði tìm thằng cha ấy à? Ông đi bộ cho khỏe gân nhé!

Phố người Tàu đã trở thành ổ quỷ, nơi người Trung Quốc cắn xé, nuốt chửng người Trung Quốc, số bà già và trẻ em không được quyền cư trú đều bị tống vào xưởng may mặc ở đó, tiền lương hàng ngày chỉ đủ húp cháo. Chẳng khác bọn nô lệ da đen hồi xưa là bao, cả cuộc đời bị chôn vùi vào đó, không có chỗ để khóc than. Kể cả kiếm được chỗ để kêu khóc cũng không dám kêu khóc. Hầu như tất cả hắc điếm (tiệm, hãng lậu), là để ra oai với bà con người Hoa, nhưng với các ông da trắng thì chớp mắt cũng chẳng dám. Người Hoa trong các học đường và cả trong nha môn công sở cũng không ngoại lệ, nếu anh gặp phải ông sếp là người Trung Quốc, thì hãy cẩn thận đấy, chớ có mơ lên chức nữa nhé, đến khi giảm biên, khéo anh lại là người đầu tiên cuốn gói đấy, vì sếp của anh đang ra sức chứng tỏ với Tây đại nhân rằng: “Tôi hết sức vô tư”. Sự thực thì “tư” của ông ta đựng bằng tàu vũ trụ cũng không hết. Vì muốn để lại ấn tượng tốt cho đại nhân da trắng, người Trung Quốc chém giết đồng bào của mình không tiếc tay, dùng xác của đồng bào làm bậc thang cho y thăng tiến. Tính sợ hãi mang chất thần kinh của truyền thống Trung Quốc, khiến bản thân họ khi đẻ ra đã phải chịu đựng đe nẹt, lừa gạt, đánh, chửi vô hạn độ. Chỉ nói riêng vụ án - bọn Liên bang kiêm ác ôn lừa gạt tài sản gần đây thôi, thoạt đầu mụ ta còn bám lấy tôi kể lể kêu oan, nhưng khi nghe nói tôi định viết ra vụ việc này, mụ ta bỗng hoảng hốt đến nỗi dung nhan không còn giọt máu, nước mắt nước mũi đầm đìa: “Ông hay thật đấy, ông vẫn còn ở Ðài Bắc, tất nhiên chẳng hề hấn gì đến cái cẳng chó của ông, nhưng cậu em tôi đang ở San Fransisco, ông muốn hại nó à, chỉ thích gây sự, cái ông lão chết tiệt!” Mụ ta còn quệt hết cả nước mũi lên người tôi rồi buộc tôi thề độc, nếu động đến giấy mực, lao xuống chén trà mà chết đuối.

Than ôi, trên đời này có lẽ chỉ người Trung Quốc thiên bẩm nhu nhược, chưa bao giờ dám “giành giật theo lý lẽ”. Các cuộc giành giật như thế, đều bị các đấng giòi bọ vại tương tiền bối coi là phần tử quá khích, không chịu yên phận. Mọi người đều sống trong “thôi đi thôi đi, cái gì qua rồi thì cho qua đi”, để rồi chờ đợi ông Ngọc Hoàng thượng đế đột nhiên mở hốc mắt, đưa lên tin tức thời sự đầu trang một: “Người ác sẽ có kẻ ác trị” - tráng sĩ khởi nghĩa chống cường bạo, bỗng đồng cân đồng lạng với “người ác”. Sau rồi “người hiền” ư, chẳng qua thuộc loại bong bóng tức hơi và nhát chết, đã không có dũng khí, lại không có phẩm hạnh. Bang Hoa Thanh sở dĩ không dám động vào lão da trắng ngồi ở quầy hàng kia là vì họ thừa biết, bắt nạt người Trung Quốc như bắt nạt lũ kiến cỏ, họ nhát chết, quen nín nhịn, thấy bọn ngược ngạo im re như con ve sầu mùa đông. Nhưng một khi chạm lên ông Tây da trắng, luật sư xuất hiện thì xong thế nào được. Trước khi Bách lão sang Mỹ, bạn bè đưa tiễn chúc rằng: “Khi ông trở về, mong rằng ông đừng nói câu ‘Người Trung Quốc ở đâu cũng là người Trung Quốc’ đấy nhé”. Mà giờ đây, dằn giữ mãi vẫn phải buột miệng thở ra câu nói này. Hỡi ôi, tính xấu gốc rễ đã tạo nên tiền đồ vô cùng khó khăn của người Trung Quốc. Trong xã hội nước Mỹ, dân đen trắng hỗn tạp như thế kia, mà người Trung Quốc thì đơn thương độc mã. Bởi không có sức mạnh tập thể, cho nên dù họ leo cao đến mức nào, nhưng rồi cũng tự nhiên bị kẹt lại, đừng nói là mãi mãi không thể đuổi kịp người Do Thái, chỉ nói đến khoảng cách với người Nhật, người Hàn Quốc thôi cũng phải quãng mười vạn năm ánh sáng. Di dân Nhật Bản ít hơn một nửa so với di dân Trung Quốc, nhưng họ bầu ra được hai nghị sĩ quốc hội. Bách lão có thể dự báo rằng (lại hành nghề bói toán mất thôi) thêm một trăm năm nữa di dân Trung Quốc cũng chẳng bầu ra được một vị nào, không tin thì ta đánh cược một đồng tiền nhé!

Tù trưởng người Anhđiêng - “Thượng úy Jack” từng nói một câu thật đau đớn: “Dân da trắng các người có đánh bại được tôi đâu, mà đánh bại tôi chính là dân tộc của chúng tôi đó.” Người da trắng cũng không bài xích người Hoa, mà chính là người Trung Hoa đã khiến người Hoa lâm vào cảnh khốn khổ này.

Trích từ “Giẫm vào đuôi của hắn”

Xuân thu trách cứ hiền giả

Một hiện tượng trong văn hóa Trung Quốc khiến người ta đau lòng đứt ruột là “Xuân thu trách cứ hiền giả”, đề xướng môn học thuyết này là ngài Khổng Khâu. Ngài hiểu biết sâu sắc về đời sống, đối với đạo lý làm người, đều có cống hiến không thể phai mờ, toàn bộ Luận ngữ của ngài chất đầy cách ngôn. Ngài kiến nghị nhà đương quyền sử dụng thuật “Thống ngự”, còn cam đoan rằng nếu dùng thuật này thống trị bàn dân, giang sơn sẽ vững chắc như sắt thép.

Luận thuyết này ở vào thời điểm đó chẳng nhằm nhè gì, nhưng được ông Ðổng Trọng Thư ra sức hô hào tuyên truyền, và sau kết quả ứng dụng của hoàng đế Tây Hán Lưu Triệt nữa, quả nhiên có tác dụng mạnh mẽ. Nhưng trong lý luận của ngài, điều quái gở nhất là “trách cứ hiền giả”. Tại sao ngài ấy lại có những quan niệm méo mó đến vậy, thật tình không hiểu nổi, hay là ngài muốn khích lệ “hiền giả” cánh thượng nhất tầng lâu (leo lên một tầng cao nữa - dịch giả).

Các vị không nhìn thấy cha mẹ đánh con sao, con thì khóc đến đứt cả hơi, mà ông bố lại ra vẻ khí phách: “Mày là con tao thì tao mới đánh chứ, con của người ta có ba quỳ chín lạy đòi tao đánh, tao còn chẳng thèm, rỗi hơi.” Không chỉ có ông ta, tục ngữ chẳng cũng nói thế sao: “Ðả thị thân, mạ thị ân, bất đả bất mạ thị thù nhân” (Có thân mật mới đánh, có yêu thương mới chửi, không đánh không chửi mới là kẻ thù - dịch giả). Vị là hiền giả ư, thì ta mới thoải mái chứng tỏ tấm lòng vô tư, cùng với luận điểm ham muốn trừng phạt, nếu vị không phải hiền giả, mà là bọn lưu manh côn đồ đầu đường xó chợ kia, có thỉnh ta đến trách cứ, ta cũng chẳng hơi đâu.

Trách cứ hiền giả có sẵn ý nghĩa như thế hay không, chưa dám khẳng định, mà cứ cho là như thế đi, rốt cuộc cũng không thoát được vận đen đủi “trên đời không có một người nào là tốt cả”. Khuyến khích “hiền giả” leo thêm tầng cao mới đương nhiên là thiện chí. Nhưng trên thực tế, thoải mái bầy tỏ tấm lòng cộng với luận điểm ham muốn trừng phạt bùng nổ cùng lúc, chắc chắn sinh ra chứng bệnh khó chữa “trách nhân vô tỵ thì” (Chê bai người ta không biết giờ giấc mà dừng - dịch giả). Chứng bệnh nan y này là tật bới móc không thôi, giống như chiếc răng nọc của con rắn hổ mang, cắn phải người nào là người nấy chân tay lạnh toát, chỉ còn có khiêng vào nhà vĩnh biệt mà lo làm lễ.

Nói chung, con người vốn tính mềm yếu, đều có lúc phạm sai lầm, đều có khả năng mắc phải tội tầy trời, đều có những phút giây không vững tâm, ngài Liễu Hạ Huệ cũng có lúc tơ tưởng đến những người đàn bà khác, ngài Mạnh Kha cũng có lúc không tiếc thủ đoạn để đạt mục đích cơ mà.

Ðối với bọn côn đồ, một tiếng húng hắng cũng chẳng dám (quân tử nào quen đắp vàng lên mặt mình thì ngại, không tiện nói “không dám”, mà đành nói “không hơi đâu”), nhưng đối với “hiền giả” thì móc máy, tỉa tót không ngớt lời.

Con người là loài động vật có thể phạm sai lầm, cũng là loài động vật có thể làm những việc không dám phơi bầy trước mọi người, hiệu quả sự bới móc quá hăng hái, đã dồn mọi người thành hổ, báo, lang, sói.

Thế cho nên, những ông bạn rắp tâm hư đốn thì thật phúc tổ, mãi mãi chẳng có ai chê trách y cả, không những không chê trách, khi gặp phải phường “trộm cắp đức độ” còn tha thứ y, còn ngăn cản những người trách cứ y: “Vừa vừa thôi”. Ngược lại, những bạn nào mà phấn đấu vươn lên, thì bị công kích tới tấp. Chiếc răng nọc độc địa trách cứ không thôi kia, chỉ có thể mang lại một hậu quả: khiến người ta cảm giác làm một người tốt vô cùng khó khăn so với làm một thằng côn đồ.

Xã hội Trung Quốc là một xã hội hốt hoảng đến muôn hình vạn trạng, có lúc hốt hoảng đến mức ngay chính mình đùn ra thứ phân gì cũng không biết nữa. Cuốn Hoài nam tử có câu chuyện, chỉ vài câu đơn giản thôi, xin chép ra đây để hầu các vị: “Một bà có con gái sắp gả chồng, nói rằng: ‘Con mà ăn ở hiền lành thì dễ bị bắt nạt lắm’. Con gái thưa: ‘Thế thì con sẽ không hiền lành nữa, được chứ ạ?’ Bà lại nói: ‘Hiền lành còn chưa làm được gì nữa là không hiền lành’.” Trong cuốn “Thế thuyết tân ngữ” cũng có mẩu chuyện, cũng chỉ vài câu đơn giản, cũng xin chép hầu các vị như sau: “Bà Triệu gả con gái, trước khi con về nhà chồng, bà dạy: ‘Sống phải thận trọng, đừng tốt quá với người ta nghe con.’ Con gái hỏi: ‘Không sống tốt thì sống ác hở mẹ?’ Bà mẹ trách: ‘Tốt còn không sống nổi, huống hồ ác?’.”

Nghe truyện rồi có cảm tưởng, thà đừng nghe đỡ rắc rối hơn. Nói đến nửa ngày giời, cuối cùng là nói cái gì? Người nào hiểu được xin giơ tay, tôi sẵn sàng chịu thua một đồng tiền đây. Ấy thế mà bà vợ bé của ngài Tư Mã Ty - Huy Du nữ sĩ (trong sách sử xưng là “Cảnh Dương hoàng hậu”, “Hoằng huấn thái hậu”) lại than rằng: “Lời nói tuy đớn hèn, nhưng có thể truyền răn hậu thế.” Ðã là đớn hèn, thì không thể truyền răn hậu thế. Mà đã truyền răn hậu thế, là phải danh ngôn chí lý, không thể cho là đớn hèn. Nhưng bất luận thế nào, kết quả mà bà lão bảo ban con gái, lại không hề chỉ rõ một con đường đáng theo. Tôi cho rằng trạng thái tâm lý không biết ỵ ra thứ cứt gì, hình như có liên quan đến “trách cứ hiền giả”. Người già dạy dỗ con cái, tất nhiên không tiện khuyến khích chúng độc địa, tàn bạo. Nhưng cũng không thể che giấu lương tri mà cổ vũ chúng một mực phấn đấu vươn lên. Anh có hiền thế, hiền nữa cũng chẳng ăn thua, ta có thể thò tay vào chăn đắp của anh, hí hửng gào lên: “Mông đít nó có cái sẹo chúng mày ơi.” Rốt cuộc không những anh không thể hiền nổi, mà còn bị lôi vào trận làm cho ươn cả người.

“Trách cứ hiền giả” và “đố kị” về bản chất giống nhau, đều đi bới xương trong quả trứng gà, nhưng về hình thức thì khác nhau hoàn toàn. “Trách cứ hiền giả” vì được khoác lên một bộ cánh đẹp đẽ, nên hiểm độc hơn, tai hại hơn. Than ôi, chúng ta dành cho “hiền giả” niềm yêu thiếu thốn quá, mà chỉ biết trách cứ, trách cứ, trách cứ, trách cứ.

***

Ngài Tôn Quan Hán từng nói một câu rất xúc động là: trong xã hội Trung Quốc, lời khen ngợi đều chờ đến khi người ta chết rồi mới nói. Tóm lại ở xã hội Trung Quốc, lời khen cho người đang sống hầu như tuyệt tích. Ôi, hóa ra trên đời này việc dễ nhất chẳng qua là việc chê bai, móc máy người khác. Chỉ cần mở mồm là như chiếc xe lao từ vách núi xuống vực, không dừng được, không phanh được nữa.

Các vị có xem qua bộ phim Kho báu của Sôlômôn chưa, hai tên hám vàng bị đám thổ dân bắt được, giải đến quảng trường, chờ biểu diễn chém đầu. Tên A này biết được khoảng một giờ đồng hồ nữa là xảy ra hiện tượng nhật thực, bèn hù dọa lão tù trưởng bộ lạc nọ, tự khoe mình có phép lạ vô biên, có thể nuốt cả mặt trời vào bụng, nếu giết hắn rồi thì trái đất vĩnh viễn không còn thấy mặt trời nữa. Lão tù trưởng nửa tin nửa ngờ, tên A nói, hắn có thể lộ một chưởng cho thiên hạ biết tay. Tù trưởng ra lệnh tạm hoãn thi hành án, xem thử tài năng hắn ra sao, thế là hắn bắt đầu niệm thần chú. Trời ơi, niệm thần chú gì đâu! Hắn chẳng qua xuất thân từ nghề thuỷ thủ, có thể chửi càn liên tục ba ngày ba đêm không lặp lại một chữ. Các vị thấy hắn không che mồm, nén âm dương chịu đựng một tiềng đồng hồ liền, đất trời bỗng u ám, mặt trời quả nhiên bị hắn nuốt chửng, không những cứu được mạng già, còn vét thêm được bao nhiêu của báu.

Mọi chứng bệnh đều bắt nguồn từ niềm yêu quá ít ỏi trong văn hóa Trung Hoa, đạo của ngài Khổng Khâu, chẳng qua là “Trung” và “Thứ” (tha thứ) mà thôi, chỉ thiếu mỗi “Yêu” - tất nhiên, khi công kênh nhau lên, không những trong đó có yêu, còn yêu đến chịu không nổi nữa. Song, hàm lượng lý trí trong “Trung” và “Thứ” nồng nặc hơn, còn hàm lượng yêu thì nhạt nhòa như khói mây vậy.

Trích từ “Ðập mạnh vào vại tương”

Kiêu ngạo hão

Có một số người mắc phải bệnh cong đuôi, hễ nghe nhắc đến nước Mỹ, đuôi lại ngóc lên, phán: “Văn hóa Mỹ nông lắm” (người phán “không có gốc”, người phán “không có chiều sâu”, tóm lại đó là ngón nghề của họ, chẳng sao). Văn hóa Mỹ có nông hay không, đó là chuyện khác, cứ cho là nó nông đi, ta mới càng thấy ngượng ngùng. Chẳng khác gì hình ảnh sa sút của một dòng họ có dính líu đến bút nghiên, khoác tấm áo gai, co ro ở một ngôi chùa bỏ phế, dựa vào cơm thừa canh cặn người ta sống qua ngày, nhưng lại tru lên: “Ông nội của ta từng làm tể tướng, còn ông nội hắn chẳng qua làm nghề móc cống ngầm.”

Không những không biết xấu hổ, nghĩ thử xem tại sao mình nghèo, mà lại dương dương đắc ý vì đối phương xuất thân không mấy khá giả. Ôi, đúng là chuyện lạ khắp thiên hạ, nhưng chỉ Trung Quốc là lắm, câu nói này lẽ ra người ngoài dùng để móc máy ta, và ai mà nhắc đến, là cho nó một trận tức thì. Khốn nỗi bây giờ lại tự ta nhô đầu ra, nghênh ngang không phải lối, đúng là kiêu hão quá mức, giờ quay ngoắt lại không được nữa.

Kiêu ngạo hão chỉ là tự mãn một cách u mê - tự say sưa mình, tự mê mẩn mình, trùm kín chăn nghĩ ngợi lung tung. Ngài Khổng Khâu năm đó phí rất nhiều công sức mới phát minh ra các loại “cổ”, rồi nhờ “cổ” để cải cách chế độ. Bây giờ, đồng bào ta không cần dùng đến hơi sức thổi tàn tro, thì đã có sẵn Hợp chúng quốc A-me-ri-ca ngay trước mắt, nhìn thấy được, sờ thấy được, còn có thể chui vào trong được, để nghiên cứu, nghiên cứu, thể nghiệm, thể nghiệm. Tại sao cứ phải tốn hơi kiêu hão, đẩy tấm gương sống sờ sờ đó ra ngoài vạn lý?

Ta không nói nước Mỹ tốt đẹp như hoa, giả sử nước Mỹ tốt đẹp như hoa thật, thì họ còn cần gì đến thẻ Tam tác và trại giam? Có một điều rất đáng để chúng ta học tập, là phương thức sinh hoạt của họ. Người Mỹ có một thứ vũ khí lợi hại nhất, để bịt miệng mấy anh lưu học sinh bất kì quốc tịch nào (kể cả từ hầm hố lưu huỳnh chui ra), chỉ bằng một câu hỏi: “Anh cho rằng nước Mỹ cái này không hay cái kia không hay, nhưng anh thử nhận xét xem, cách sinh hoạt ở nước Mỹ như thế nào?” Nói tóm lại, nước Mỹ là một xã hội tự do, dân chủ, có sự công bằng rộng rãi, vững mạnh.

Ðiều dở nhất của tính kiêu ngạo hão là tự mình xây bức tường chắn mình. Tự cô lập mình trong thùng nước, nước vào bụng trương phình như cái bụng phệ Bách Dương tiên sinh đây, đến nỗi chẳng nhét thêm được thứ khác nữa, cố lắm cũng chỉ nốc thêm được vài khẩu súng Tây, vài cỗ pháo Tây, vài chiếc tàu sắt Tây. Còn văn hóa cơ bản nhất, lợi hại nhất - giáo dục, nghệ thuật, nghi lễ, đạo lý làm người, và tinh thần xử thế... thôi không kể nữa, kể nữa cũng chẳng nốc vào được, liếc bằng mắt còn bị dị ứng ngoài da nữa là.

Chúng ta chẳng cần thiết phải bắt chước nước Mỹ, bắt chước Pháp, Ðức, Nhật Bản, đó là con đường tự cứu. Sau thế chiến thứ hai, Ðức và Nhật khôi phục rất nhanh, nhanh đến phát sợ. Bà con Trung Quốc bèn nghiên cứu, phát hiện sở dĩ họ chồm dậy với tốc độ nhanh như thế, là do nhiều nguyên nhân. Ví dụ như điều bốn trong kế hoạch của Mácsan này, ví dụ chiến tranh Hàn Quốc này, ví dụ nền móng công nghiệp của họ này. Nghe ra đều gây ấn tượng, hình như công cuộc phục hưng của họ toàn nhờ vào vận may mắn. Than ôi, chúng ta quên hẳn một điều rằng, sau khi thua trận, nước Ðức, nước Nhật trở thành những nước loại ba là tất nhiên, nhưng quốc dân của họ vẫn nguyên là quốc dân loại một, vẫn còn nguyên tiềm lực văn hóa rộng và sâu. Tựa như một chàng hảo hán ba đầu sáu tay, đùng một cái tuy bị đánh ngất xỉu, nhưng đến khi tỉnh dần lại, bò dậy phủi bụi hai bên mông vài cái, vẫn nguyên là một trang hảo hán. Còn anh chàng Trung Quốc mắc bệnh phổi giai đoạn cuối của ta, một khi (không thể một đời) đứng trên vũ đài thế giới, gặp phải cơn gió lạnh, lập tức hắt hơi liền ba cái, sổ ra nước mũi vĩ đại, có ai khuyên ta uống aspirin, thì lập tức quy kết họ tư tưởng quá khích, nền tảng nhà nước bị lung lay, cuối cùng đầu lộn như củ hành cắm đất, hai người khiêng cũng không nổi.

***

Nhắc đến việc học hỏi người khác, là da bì trên mặt cảm giác không yên - Ðại trượng phu vốn chân đạp đất đầu đội trời, oanh liệt lắm, để chúng nó phải kỵ, phải nể chứ. Phải thừa nhận rằng, cục diện này đã từng xuất hiện vào triều đại nhà Hán, nhà Ðường. Nhưng thời vận chỉ đến vậy, vật đổi sao dời, rồi Tây đại nhân nổi lên rầm rộ, đánh không thắng nổi, chửi không hơn được, đành để cái ngày xưa theo mây khói... Giờ đây, biện pháp duy nhất chỉ có thể là học cách của họ, mà cũng chỉ có thể bằng mỗi con đường này. Nếu cứ một mực trông cậy vào tính kiêu ngạo hão, lại như bà già ở vùng Hành lang Hà tây (phía tây sông Hoàng hà), cứ duỗi mãi đôi chân bé tẹo vừa xấu xí vừa nặng mùi lên thành giường, để khoe ngày xưa bó chân giỏi, bó chân đẹp, thì chỉ còn đi mãi một con đường khác, con đường có sức đề kháng yếu ớt nhất, con đường dẫn đến vực thẳm.

Tính kiêu hão khiến chúng ta nảy sinh một cảm giác lầm lẫn, cho rằng Trung Quốc không thể bị diệt vong. Lý do là dân tộc Trung Hoa có sức mạnh đồng hóa, chứng cớ là ta đã từng hai lần bị mất nước rồi còn gì, một lần mất cho Mông Cổ, một lần nữa mất cho Mãn Châu, nhưng cuối cùng chẳng phải lộn một phát như chiếc diều lật ngửa, đánh cho bọn xâm lăng chạy cụp cả đuôi là gì? - Mãn Châu còn thảm hại đến mức cái đuôi còn chẳng có chỗ mà cụp nữa. Những lý thuyết và bằng chứng đó đã tăng thêm lòng tự tin cho chúng ta, song không thể bảo đảm rằng sau này sẽ không bị mất nước. Còn một điều mà ta phải lưu tâm là một dân tộc có vĩ đại đến mấy, trước khi bị diệt vong, chưa từng bị diệt vong bao giờ. Một dân tộc trước khi bị tuyệt chủng cũng chưa bị tuyệt chủng lần nào. Nhưng rồi họ vẫn bị diệt vong, vẫn bị tuyệt chủng. Tính khí kiêu ngạo hão đã bưng bít tầm mắt, đã mê hoặc con tim, đối mặt với mối nguy cơ cả trong lẫn ngoài, lại có người liên tưởng như mối thắt bện giữa tình và ý theo quan niệm của ngài Diệp Minh Sâm, cho rằng nguy cơ vốn dĩ không phải nguy cơ, thế là nguy cơ được đổi chác, rơi nước mắt chẳng phải ai khác mà là triệu triệu dân đen và con cháu của họ sau này.

Khi tổ tiên của Hy Lạp vừa mới đặt chân đến Hy Lạp, còn để truồng, còn trơ nanh vuốt, thì ở đảo Cret đã có một nến văn minh huy hoàng, dân ở đảo không chỉ biết dùng đồ sắt, còn có những thành tựu nghệ thuật cao. Nhưng thực trạng không quá hai trăm năm, dân Cret hoàn toàn mất tích dưới sự chinh phục của kẻ đến sau - người Hy Lạp ưu tú. Ở một vùng núi của đất nước Pêru, gần đây người ta phát hiện những cung điện cuả đế quốc Inca 5.000 năm về trước của châu lục Nam Mỹ, từ những công trình kiến trúc tráng lệ, có thể thấy được nền văn hóa của họ đã đạt đến trình độ cao (trong lúc đế quốc Inca đăng tin gọi thầu xây tòa nhà cao cấp như thế này thì người Trung Quốc còn là dân tộc mọi, ăn lông ở lỗ), thế mà giờ đây họ đã yên nghỉ tại đẩu đâu rồi.

Bách Dương tiên sinh kể những điều này, không phải để làm nhụt chí, mà chúng ta cần nhận rõ, cạnh tranh vốn hết sức lạnh lùng. Ông trời, không lẽ vì Trung Quốc vốn có năm nghìn năm văn hóa mà cử lục đinh, lục giáp, để bảo vệ Trung Quốc như hộ tống Ðường Tăng. Nhân còn sống ở trên đời này, hãy mau chóng rèn giũa, tôi luyện, thổ hết nước thối ở trong quý bụng ra (nuốt tẹo muối tẩy để hạ tả cũng được) ăn thêm một chút đồ bổ dưỡng. Giờ này chúng ta ai điếu cho những dân tộc bị diệt vong, bị tuyệt chủng trong lịch sử, không hi vọng rằng một ngày nào đó, hậu sinh của người khác lại ai điếu chúng ta, ngàn vạn lời nói thâu tóm vào một câu này: “Ðừng để ngưới đời sau lại khóc cho người đời sau đó.”

Trích từ “Ðâm mạnh vào vại tương”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay