Từ Bỏ Em, Kiếp Sau Nhé! - Chương 15 - Phần 1

Chương 15:

Thay đổi sách lược:

Đường xa mới biết tình người

Đã bao lâu rồi tôi không nhớ tới Đinh Việt? Hình bóng của anh ấy ngày càng nhạt dần, nhạt dần, tôi đau xót nghĩ, nếu như Đinh Việt biết tôi cố gắng quên anh ấy không biết anh ấy sẽ buồn thế nào

Đứng trước làn gió trong lành của buổi sáng sớm, tôi nhắm mắt cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời đầu tiên chiếu xuống. Ánh nắng và làn gió ở đây từ từ len lỏi vào mọi ngóc ngách trong người tôi.

Tôi chầm chậm dang hai cánh tay ra. Không biết đã có ai làm thế này bao giờ chưa, vươn mình trong ánh nắng sớm, trong lòng cảm nhận được sự thoải mái và thanh thản hòa nhập với trời đất. Tôi mở rộng hai lòng bàn tay để lộ những đường vân tay, người để lại dấu ấn sâu sắc trên lòng bàn tay tôi đã lên thiên đường rồi.

Nheo mắt đón chờ ánh nắng rực rỡ, tôi nghĩ, Đinh Việt, anh sẽ ở trên đó nhìn em hạnh phúc, phải không?

Không phải ai cũng trải qua những chuyện thế này, nhưng những chuyện đã xảy ra không phải là lý do khiến tôi chìm đắm trong đau khổ. Ai không bán sức làm việc, cố gắng sinh tồn dưới ánh mặt trời? Ninh Phúc Sinh tôi cũng chỉ là một người bình thường trong chúng sinh mà thôi, tôi không thể thoát tục được.

Tôi muốn tới đây vì nơi đây có thể nhìn thấy mặt trời sớm nhất. Ánh mặt trời lúc sáng sớm nhất định sẽ xua tan mọi bóng đen và những điều không vui trong lòng.

“Chị! Vào ăn sáng thôi”. Tiếng Bảo Lâm từ xa vọng tới.

Tôi mỉm cười rồi lớn tiếng đáp lại: “Đến đây”.

Cùng với tiếng trả lời, bóng dáng Phúc Sinh dịu dàng, hiền lành ngày xưa cũng dần dần trở nên nhạt đi, cách tôi càng ngày càng xa.

Thím tôi là người dân tộc Hách Triết, cần cù, chân chất, gương mặt thím bị gió bấc tạt vào ửng đỏ cả lên. Có điều bây giờ chú thím không đi săn thú, bắt cá nữa, chú tôi kinh doanh trồng rau xanh trong nhà lưới. Chú không biết đánh cá nhưng trồng rau trong nhà lưới thì tay nghề số một.

Nhưng con trai chú tôi - Bảo Lâm lại giống những người dân tộc Hách Triết khác, bắn cung rất giỏi, vào rừng săn bắn, chèo thuyền đánh cá, không gì không biết, chỉ có điều không thích đọc sách.

Lần đầu tiên tới đây tôi có cảm giác rất lạ lẫm, nhưng chơi cùng nó cực kỳ vui. Nói ra cũng thấy lạ, chú thím tôi không phàn nàn lời nào, mặc cho Bảo Lâm dẫn tôi đi chơi.

Có lúc tôi và Bảo Lâm đạp xe đạp vào rừng Bạch Hoa, kiếm được mấy củ khoai lang rồi tới mảnh đất trống trong rừng vun lá đốt nướng khoai, vừa thơm vừa ngọt thậm chí ăn được cả vỏ.

Bảo Lâm thường cười trêu tôi: “Chị, miền Nam không có địa qua à?”.

Tôi ngáp một cái rồi đáp: “Chỗ chị gọi là khoai lang! Khoai lang! Hiểu chưa? Cái gì mà địa qua chứ, từng múi từng múi một mới gọi là địa qua, nở hoa như cái mông em lúc bị thím đánh đó”.

Tôi vừa nói vừa vẽ. Bảo Lâm rất láu cá và nghịch ngợm, hôm trước vừa bị mẹ nó một tay tụt quần một tay cầm chổi đánh cho cu cậu khóc lóc thảm thiết xong.

Nói xong tôi phá lên cười, vẫn chưa thở bình thường được thì lại ngáp một cái nữa khiến cả người giật lên, điệu bộ thảm hại nhưng cảm giác rất dễ chịu. Lâu lắm rồi tôi không cười thoải mái thế này, cười lớn tới mức tiếng cười còn lẫn trong gió vang đi xa. Cuộc sống nên như thế này, cười thoải mái, mở lòng, không còn bóng đen.

Bảo Lâm bĩu môi, biết thừa là tôi đang chê nó nhà quê, thấy tôi vẫn chưa thở đều nên hậm hực đưa nước cho tôi và vỗ vai tôi.

“Bảo Lâm, em “hiếu thuận” với chị thế này có âm mưu gì thế?”.

“Chị, chị nói xem cái cây mọc giống cây hành gọi là cây gì?”. Bảo Lâm ân cần hỏi.

Tôi không nín được lại phì cười, cười lăn lộn trên mặt đất, lớp cỏ dày và lá rụng dưới thân đều dính đầy vào người. Có lúc Bảo Lâm ranh như khỉ con, có lúc lại ngốc nghếch như chuột. Những ngày tôi ở đây chỉ cần cuối tuần hoặc Bảo Lâm nghỉ học là cu cậu lại dẫn tôi đi khắp nơi, bên cạnh Bảo Lâm, nụ cười không lúc nào tắt trên môi tôi.

Lần đầu tiên tới nhà chú, tôi cũng học ăn bánh rán, tôi không ăn hành, bị Bảo Lâm cười cho. Tôi liền cho Bảo Lâm xem ảnh tôi đi chơi biển, tôi chỉ cho nó xem cây dừa và nói, cây hành ở miền Nam không dùng để ăn, mà trồng ra để ngắm. Bảo Lâm luôn tin là thật, nó nói với thím tôi là sau này sẽ trồng cây hành to thế này trong rừng Bách Hoa, chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trồng rau trong nhà lưới. Thím tôi dí tay lên trán cu cậu rồi mắng mấy câu, dặn phải chăm chỉ học hành, nếu không phải trồng rau cả đời.

“Chị, đọc sách có gì mà tốt chứ? Ngày nào cũng thấy chị đọc sách”.

Bảo Lâm học xong cấp một, bắt đầu học cấp hai thì như một chú ngựa hoang bị đứt cương, mặc cho chú tôi quát mắng thế nào, trước mặt thì cúi đầu tỏ vẻ nghe lời hối lỗi, ra ngoài là tinh thần lại phơi phới ngay. Tôi được chú thím tôi dặn dò phải trông chừng Bảo Lâm và giúp em nó học hành.

Tôi cười mệt quá nên ngả lưng xuống thảm cỏ và ngước nhìn bầu trời màu xanh ngọc, ai nói nhất định phải đi học chứ? Hạ Trường Ninh không phải cũng chỉ tốt nghiệp tiểu học sao, người ta biết dùng cổ văn khiến một người tốt nghiệp đại học chuyên ngành Trung văn như tôi cũng phải sững người.

“Bảo Lâm, lớn lên em muốn làm gì?”.

“Em muốn mở một cửa hàng thật lớn, một viên trứng cá bán năm đô la Mỹ”.

Tôi bật cười: “Đếm trứng cá để ăn chắc? Em học kém toán liệu có đếm được không?”.

“Chị, trứng cá hồi đắt lắm đấy! Em chỉ muốn kiếm tiền để sau này đi xe đẹp. Nhà mình không trồng rau nữa, ăn rau người khác trồng”.

“Kiếm tiền là việc tốt, nhưng Bảo Lâm này, có văn hóa sẽ kiếm tiền nhiều hơn người không có văn hóa đó”.

“Em biết đếm tiền là được rồi. Em thấy chị học thuộc cái mà mà “hề”, “chi(*)”, em nghe không hiểu, làm ăn buôn bán không dựa vào những cái đó”.

(*) Những trợ từ trong Hán văn cổ (BTV).

Tôi trừng mặt nhìn nó: “Chí ít em cũng phải biết tiếng Nga, tiếng Anh chứ? Trứng cá bán cho nước ngoài mới kiếm được”.

“Vâng! Em sẽ biết hai thứ đó, rồi biết đếm tiền nữa”. Đôi mắt Bảo Lâm sáng lên.

Trong lòng vẫn vang lên lời dặn dò của thím, tôi nghĩ một lát rồi nói với Bảo Lâm: “Bảo Lâm này, chị quen một người làm kinh doanh, anh ấy chỉ có bằng tiểu học nhưng làm ăn khấm khá lắm”.

Bảo Lâm ngay lập tức cảm thấy thu hút, một người không học hành giống như mình làm sao có thể làm ăn kiếm tiền được chứ?

Tôi chậm rãi kể: “Ban đầu anh ấy cũng làm ăn được lắm, có điều, cứ ra ngoài là người khác lại gọi anh ấy là… A Đấu”.

“A Đấu? Có nghĩa là gì ạ?”.

Tôi nhịn cười và thong thả đáp: “Bởi vì anh ấy nhiều tiền quá nhưng không biết dùng máy đếm tiền, mà dùng đấu để đong, hiểu chưa?”.

Bảo Lâm nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi, không tin. “Anh ấy không biết dùng máy đếm tiền, thì nhờ người khác đếm hộ! Anh ấy ngốc quá, chị này, đừng có lừa em”.

Tôi lại bò lăn ra đất mà cười, Bảo Lâm hay thật, Hạ Trường Ninh đúng là tên ngốc thật! Ở một nơi thế này có thể châm biếm anh ta mà không cần phải giữ kẽ, dù sao anh ta cũng đâu có nghe thấy.

“Con người anh ấy giống như lão gia Ba Y(*), vừa ngốc vừa yêu tiền, không tin ai cả”.

(*) Ba Y: Trong tiếng của dân tộc Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan có nghĩa là tài chủ, chỉ những người nhiều tiền (ND).

Bảo Lâm lại tiếp tục thở dài: “Anh ta ngốc quá, đến em còn biết dùng máy đếm tiền”.

Tôi bĩu môi: “Ngay cả cây dừa miền Nam em còn không biết, chả nhẽ em biết dùng máy đếm tiền?”.

“Cây dừa là cây gì?”.

“Chính là… cây hành lớn mà em muốn trồng ở đây để bán đó”. Trời đất ơi, Bảo Lâm đúng là “quả vui vẻ” của tôi. Ha ha.

Cười xong tôi mới phát hiện ra mình thực sự khâm phục Hạ Trường Ninh. Một người mới tốt nghiệp tiểu học nhưng có thể thuộc văn cổ như cháo chảy, lại còn mở công ty riêng để làm ăn.

Những khúc mắc trong lòng đã tiêu tan đi nhiều. Ở một nơi gần phía đông nhất này, trong rừng Bách Hoa rộng rãi cùng với Bảo Lâm ngây thơ bên cạnh, trái tim tôi dần trở lên khoáng đạt hơn nhiều.

“Chị, chị cười còn đẹp hơn Trình Trân Trân”. Bảo Lâm đột nhiên bật ra câu này.

Tôi bắt đầu trêu thằng bé: “Cô ấy là bạn gái em thích à?”.

Gương mặt cậu ấy đỏ bừng, hai má cũng ửng hồng lên, nhìn như quả cà chua chín, đôi mắt đen láy ngây thơ như chú gấu Pooh.

“Nói đi, nếu không chị về bảo thím”.

Bảo Lâm bắt đầu kể, giọng trầm hẳn: “Nhà bạn ấy rất giàu. Bố bạn ấy buôn bán ở biên giới”.

Tôi buồn cười quá đi mất, Bảo Lâm mới mười lăm tuổi vậy mà đã muốn kiếm tiền vì một cô bé. Tôi nghiêm mặt nói: “Kém cỏi quá, con gái đâu chỉ thích tiền của con trai”.

“Vậy thích gì ạ?”.

Cảm giác đau nhói lại dội lên ngực, nụ cười của Đinh Việt lại hiện lên trong đầu tôi, tôi đáp: “Phải đối tốt với cô ấy, phải rất tốt, rất tốt”.

“Thế nào mới là tốt?”.

“Chính là… nếu như cô ấy ngã xuống hố băng thì cho dù em không biết bơi, thậm chí không kịp suy nghĩ liền nhảy xuống cứu cô ấy ngay”.

“Chị, có người cứu chị như thế rồi à?”.

Có. Anh ấy vì sự an toàn của tôi mà nói lời chia tay, anh ấy đã như thế… nước mắt tôi lại lặng lẽ rơi, từ khóe mắt cho tới gò má, rồi chảy vào kẽ tai.

Trong phim “Đông tà Tây độc” có một câu thoại rất kinh điển, đại ý là: Muốn quên đi thực chất không thể nào quên được.

“Chị, sao chị lại khóc?”.

Tôi ngồi dậy rồi hung dữ nói với Bảo Lâm: “Nếu em không chịu khó học hành thì chị sẽ đánh nát mông em như củ địa qua đấy”.

Bảo Lâm sững lại một lát rồi nhảy dựng lên, sau đó chạy về phía rừng cây: “Em đi nói với bố, Phúc Sinh khóc vì đàn ông”.

Tôi tức điên lên, thấy cung của cậu nhóc còn ở đây, tôi liền cầm cung nhằm thẳng mông Bảo Lâm bắn một viên đá.

“Ninh Bảo Lâm, tối nay nếu em không học thuộc bài Túy Ông đình ký (*)thì chị sẽ bảo với thím là em yêu sớm”.

(*) Túy Ông đình ký: Một bài văn nổi tiếng của Âu Dương Tu (BTV).

Bảo Lâm nấp sau gốc cây chỉ thò mỗi cái mặt ra giống như một chú thỏ con, mặc cả với tôi: “Hai chúng ta đều không nói, được không?”.

“Qua đây, ngoéo tay”.

Bảo Lâm cười hì hì rồi chạy lại phía tôi và ngoéo tay, sau đó hỏi: “Có thể không học thuộc được không?”.

“Bảo Lâm, cô bạn gái em thích thành tích học tập thế nào?”.

“Đứng đầu lớp luôn”. Bảo Lâm đắc ý không khác gì mình đứng đầu lớp.

“Nếu như sau này bạn ấy học cấp ba, thành tích vẫn tốt rồi sau đó sẽ lên thành phố học đại học, em làm thế nào?”. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra chiêu này.

Bảo Lâm vò đầu, rõ ràng thằng bé chưa hề suy nghĩ sâu xa như thế, mãi sau mới lên tiếng: “Bạn ấy thân với một bạn nam đứng thứ hai”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thím tôi giao cho: “Bảo Lâm này, hóa ra em là loại người nhút nhát à? Em phải cố giành vị trí đầu lớp, ngay cả bạn ấy cũng phải xếp sau em, cái bạn nam đứng thứ hai đó cũng chỉ có thể đứng sau mông em mà thôi”.

Bảo Lâm nghĩ ngợi rồi gật đầu: “Em phải đứng đầu lớp”.

Tôi cố nén cười rồi nhìn nó với ánh mắt vô cùng thán phục: “Bảo Lâm như thế này mới đẹp trai”.

Ánh mắt Bảo Lâm lấp lánh và phát sáng như một viên đá quý.

Mùa thu khẽ khẽ chuyển mình, từ mới chớm thu mà giờ đã sắp cuối thu, những cơn gió ngoài cửa sổ đã mang theo hơi lạnh, tôi trốn trong giường ôn bài.

“Phúc Sinh, gọi điện về nhà chưa? Hôm nay cuối tuần đấy!”. Thím đứng ngoài nhắc nhở tôi.

Tôi vội vã gọi điện về cho bố mẹ.

Đầu dây bên kia rất ồn ã, mẹ tôi nghe điện, giọng nói tràn đầy niềm vui: “Phúc Sinh, con nên về đi thi chứ”.

“Mấy ngày nữa con về. Bố mẹ vẫn khỏe chứ ạ? Con béo lên rồi, thích ăn nhất là món cá tươi trộn rau của thím đó mẹ! Mẹ, nhà mình có khách à, sao ồn thế?”. Tôi vừa cười vừa nói chuyện với mẹ, nói đến chuyện về nhà là lại nhớ những món ngon mẹ nấu. Chú thím cũng hay đổi món và làm những món ngon cho tôi, nhưng vẫn không thay thế được những món tôi đã ăn từ nhỏ tới giờ.

Mẹ tôi ngập ngừng một lát rồi nói: “Phúc Sinh à, học sinh của bố con tới nhà thăm bố”.

Tôi hỏi dò: “Hạ Trường Ninh à?”.

Trong tiếng ồn ào ở đầu dây bên kia tôi nghe thấy tiếng cười của Hạ Trường Ninh, giọng nói không rõ nên tôi không nghe được họ đang nói cười chuyện gì. Tuy vậy, đã nửa năm trôi qua rồi, tôi không nghĩ Hạ Trường Ninh vẫn si tình chờ đợi tôi. Cho dù anh ta không từ bỏ thì cũng chỉ là thứ không giành được là thứ tốt nhất mà thôi.

“Này, bố con nghe điện thoại”.

“Phúc Sinh à, béo lên rồi hả? Con phải về sớm chút đi, phải đổi xe mới đi máy bay được. Nhớ nói trước xem đi chuyến nào để bố mẹ đi đón con”.

“Con biết rồi, con cúp máy đây”.

“Đợi đã”. Bố tôi bịt ống nghe, đầu dây bên kia tĩnh lặng.

Âm thanh giống như được bịt chặt trong một chiếc chai, vô cùng khó chịu. Đến lúc mở nút ra thì tiếng cười nói trong nhà lại vọng vào điện thoại, đầu dây bên kia vang lên tiếng của Hạ Trường Ninh: “Phúc Sinh, em ôn tập tốt chứ?”.

“Cũng được”.

“Có nhớ đồ ăn ở nhà không? Về đây anh mời em”.

Giọng anh ta pha lẫn nụ cười nhàn nhạt, lịch sự, nho nhã. Tôi nghĩ chắc ở nhà tôi nên anh ta mới kiềm chế cái bản mặt lưu manh của mình.

“Nhớ chứ, cứ nghĩ tới món ốc xào là tôi lại thèm nhỏ dãi. Ở đây không có ớt chỉ thiên như miền Nam”. Tôi trả lời câu hỏi của anh ta rất tự nhiên.

Trước khi cúp máy, Hạ Trường Ninh đột nhiên hạ giọng hỏi một câu: “Phúc Sinh, sao em không sợ anh nữa?”.

Tôi sững người, đúng thế, tại sao tôi có thể bình thản nói chuyện với Hạ Trường Ninh cơ chứ? Trước đây ghét anh ta, nhìn thấy anh ta là cảm thấy phiền não. Là tôi đã học được sự giả tạo và khôn khéo, hay trái tim tôi giống như một bầu trời trong trẻo, một chú chim bay qua sẽ không để lại dấu vết gì?

Tôi cầm sách lên tiếp tục ôn tập, mới được vài trang đã có cảm giác đọc không vào nữa.

Sáng sớm tôi và Bảo Lâm vào lều hái ngồng rau. Đây là việc tôi vô cùng thích thú. Những ngồng rau mỡ màng, non dùng tay ngắt nhẹ là đứt, xếp gọn gàng lại, nhìn đã thèm rồi.

Bảo Lâm nhẹ nhàng rời xa chỗ chú tôi và lại gần tôi thì thầm: “Chị, mai là cuối tuần, em muốn đi kiếm tiền”.

“Em còn bé thế này, kiếm tiền gì chứ?”.

“Ở huyện có người hỏi đường, họ muốn tới đảo Hắc Hạt Tử, muốn mời em làm hướng dẫn viên. Em biết nơi đó, em hay cùng bạn tới đó chơi lắm”.

Tôi nghi ngờ nhìn Bảo Lâm: “Bao nhiêu tiền?”.

“Bốn trăm tệ”. Hai mắt Bảo Lâm sáng lên.

“Đối phương làm gì mà mời em làm hướng dẫn viên? Không phải người xấu đấy chứ? Em đi một mình chị không yên tâm”.

“Yên tâm đi chị, em đi với bạn mà. Đối phương có một người thôi, không có chuyện gì đâu, em nhận của họ hai trăm tệ đặt cọc rồi. Hay là chị đi cùng tụi em luôn?”.

Tôi do dự một hồi rồi quyết định không đi.

“Nhà bận rộn thế này, chị ở nhà thu hoạch rau giúp chú thím. Em chú ý an toàn đấy”.

Bảo Lâm cười hì hì.

Nơi đây cách đảo Hắc Hạt Tử thuộc biên giới Trung - Nga không xa, chỉ cách mấy chục kilomet thôi, thường xuyên có khách du lịch tới đây tham quan, lúc vừa tới đây Bảo Lâm cũng đã dẫn tôi đi rồi. Tôi thực sự không nhẫn tâm đập tan ý nghĩ muốn kiếm chút tiền của Bảo Lâm, thằng bé đi với bạn bè chắc không có vấn đề gì.

“Chị nhớ giấu mẹ giúp em đấy, lúc về em sẽ mang đồ ngon về cho. Không chừng còn câu được cá mang về đấy”.